Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Wednesday 31 August 2011

Khách du lịch Việt Nam đã than thở quá nhiều về chuyện bị chặt chém trong mùa du lịch hoặc các dịp lễ được nghỉ dài ngày như dịp 2/9. Nhiều người chua xót kể lại những pha bị “chém đẹp” khi đi chơi dịp lễ Quốc khánh các năm trước, đồng thời cảnh báo những người đi sau biết để tránh bị “chém”.
.
Sợ vì “máy chém” ở các khu du lịch

Chị Vân (trú tại Q2, TP.HCM) đi du lịch Vũng Tàu dịp 2/9 năm trước vẫn chưa quên được những lần bị “chém đẹp”. Đến hẹn lại lên, trên các diễn đàn trực tuyến, nhiều người đang xôn xao bàn tán chuyện đi du lịch dịp 2/9/2011 và chị Vân đã kể lại câu chuyện của mình để những người rút kinh nghiệm.

Cụ thể: Khi đến một quán ăn trên phố Hoàng Hoa Thám (TP Vũng Tàu), cả gia đình chị bị một đám bảo vệ nhao nhao chạy ra lôi kéo mời mọc với thái độ rất thiếu tôn trọng. Cuối cùng chị cũng chọn được một quán ăn ưng ý.


Yên vị xong xuôi, nhà hàng đưa thực đơn chào giá bằng một cách rất … “hiền lành” khiến cả gia đình yên tâm vì giá không tăng nhiều so với dự đoán. Nhưng đến lúc thanh toán thì tất cả đều sốc.


Ví dụ: Canh cá nấu chua trong thực đơn giá 50.000 đồng, khi tính tiền bị đẩy lên 450.000 đồng vì nhà hàng cho biết đã dùng tới 1,2kg cá biển để nấu loại canh này (!?). Thay vì lấy 6 con tôm càng kho Tàu thì nhà hàng ghi trong thực đơn là 1,5kg với giá 750.000 đồng/kg.

Oan ức nhất là đĩa rau xào. Gia đình chị gọi rau xào hải sản với giá 70.000 đồng/đĩa nhưng nhà hàng giải thích vì gia đình đông người nên đã cho thêm mực và hải sản vào, giá cuối cùng biến thành … 200.000 đồng!

Như vậy, tính ra bữa cơm của gia đình chị Vân chỉ gồm canh cá chua, rau xào, tôm càng kho và 3 ly trà đá đã khiến chị phải móc hầu bao hơn 1,5 triệu đồng.
“Ăn vào rồi mà cảm giác có thể nôn ọe ra ngay vì ức chế. Các bạn đi du lịch và vào nhà hàng hãy cẩn thận, viết ra giấy rõ ràng rồi bắt chủ nhà hàng ký vào đó cho chắc chắn”, chị Vân bức xúc thuật lại.

Bức xúc chuyện ăn uống chưa xong, nhiều gia đình còn bị rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì chuyện thuê phòng khi đi du lịch vào những đợt cao điểm như thế này.

Gia đình chị Hòa ở Cầu Giấy, Hà Nội đi du lịch Nha Trang dịp 2/9 năm ngoái. Khi đến một khách sạn nhỏ trong thành phố (đã đặt trước), giá phòng đưa ra là 240.000 đồng/ngày đêm. Đến khi thanh toán, cả nhà ngã ngửa vì khoản tiền lên tới vài triệu bạc. Chủ khách sạn giải thích là giá này dành cho 1 người, rồi gia đình bao nhiêu người cứ thế mà nhân lên (!?)

Khu du lịch quá tải, lừa phỉnh khách hàng

Vì thiếu chuyên nghiệp, làm ăn chộp giật, dịch vụ ăn uống, khách sạn có thể nói là gây ra những nỗi bức xúc triền miên cho du khách khi đi du lịch ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các dịch vụ vui chơi, taxi lừa phỉnh, đắt khét cũng khiến du khách phát hoảng.

Anh Đoàn (du khách đến từ Hà Nội) đã đưa gia đình mình cùng gia đình một người bạn (là người nước ngoài) đi du lịch tại Hạ Long dịp 2/9 năm 2010. Khi đến nơi, vì có việc riêng nên cả gia đình người bạn đã thuê một taxi đi riêng, còn gia đình anh Đoàn đi chơi quanh bờ biển.

Đến tối trở về khách sạn, vợ chồng người bạn nước ngoài thắc mắc với anh Đoàn rằng tại sao ở Hạ Long không tiêu được những đồng tiền mệnh giá 10.000, 20.000 và 50.000 đồng. Anh Đoàn chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo thế nào thì giật mình nhận ra tất cả các đồng tiền đó đều là tiền… âm phủ!
“Hóa ra là tay taxi đã lợi dụng họ là người nước ngoài và không biết tiếng Việt để lừa. Thật quá xấu hổ”, anh Đoàn nói.

Rất nhiều khách du lịch cảm thấy bị lừa sau khi đến địa danh du lịch, bởi thực tế của khu du lịch khác hẳn với những gì mà doanh nghiệp quảng cáo từ trước.

Dịp 2/9/2007, một đoàn du khách của một công ty từ Hà Nội lên khu du lịch sinh thái A.S (nằm giữa Xuân Mai và Sơn Tây) đã ngậm đắng nuốt cay vì bảo vệ không cho mang bất cứ thứ gì vào.
Vậy là bao nhiêu đồ ăn chuẩn bị từ trước đành vứt lại trên xe. Du khách “đấu tranh” mãi bảo vệ mới cho mang nước lọc vào.

Chưa hết, du khách trước khi vào khu resort này phải nộp tiền vé ngay tại cửa với mức 30.000 đồng/người lớn, 25.000 đồng/trẻ em. Tuy nhiên, điều đáng nói là vé này không phải là vé vào mà là … vé bơi! Nếu không bơi, vẫn phải nộp tiền (!?). Khách cũng không thể chuyển vé cho người khác vì bảo vệ cho rằng như thế là vé sẽ không còn hợp lệ!

“Đoàn chúng tôi quá bức xúc vì những lời quảng cáo hoa mỹ của họ trước đây không đúng được 1% trên thực tế. Tất cả đều cảm thấy như bị lừa, nhưng chẳng nhẽ lại quay về giữa chừng? Vậy là ai cũng đều bấm bụng bảo nhau chấp nhận cái quy định “dở hơi” kia để chuyến đi được vui vẻ”, chị Mai, một thành viên trong đoàn cho biết.

Theo phản ánh của các khách du lịch, trong dịp 2/9 các năm trước đây, các dịch vụ vui chơi cũng quá tải trầm trọng vì khách đột ngột đổ về với lượng lớn. Đây chính là điều kiện để các dịch vụ tại khu du lịch được dịp đẩy giá lên trời, tha hồ chặt chém và để lại trong lòng du khách những nỗi ấm ức không thể giải tỏa.

“Năm nay, chúng tôi quyết định sẽ đi du lịch nước ngoài. Ở ngay các nước Châu Á đây thôi, như Singapore, Malaysia chẳng hạn, họ làm du lịch quá chuyên nghiệp...”, anh Đoàn nói.

Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet
Đồng Cao (xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động) được ví như một Tam Đảo hay Mẫu Sơn của Bắc Giang. Nghe giới thiệu về địa danh này đã lâu nhưng gần đây tôi mới có dịp đến từ lời mời của những người bạn yêu du lịch tỉnh nhà.

Đoàn chúng tôi mười người đến Đồng Cao trong hai ngày cuối tuần. Đúng 8g xe xuất phát từ TP Bắc Giang, trực chỉ hướng đông bắc, sau gần 90km đưa chúng tôi đến trung tâm xã Thạch Sơn.

< Chinh phục hang Vua.

Đường gập ghềnh trơ sỏi đá sau trận mưa đêm trước, xe phải dừng ở bản Đồng Băm, cách Đồng Cao khoảng 5km đường rừng. Chúng tôi huy động cả bản được bốn xe máy nhưng chẳng ai đủ can đảm cầm lái nên phải nhờ mấy trai bản đưa đường, dẫn lối. Một nửa số người trong đoàn đành cuốc bộ, chờ xe đến đón với hi vọng đến nơi trước khi trời tối và nếu trời mưa to chỉ còn cách qua đêm tại Đồng Cao.

Chiếc xe máy Trung Quốc của Thắng, chàng trai người Cao Lan, đưa tôi vượt dốc, đổ đèo liên tiếp qua những khúc cua tay áo - một cung đường đáng giá cho “dân phượt” lang thang. Ngồi sau lưng Thắng có những lúc tôi rợn cả người!

Bản Đồng Cao có 24 hộ dân tộc Dao, nằm lọt thỏm giữa một thung lũng mây mù, thật hoang sơ và còn xa lạ với nhiều người, phần vì ẩn trong các triền núi trùng điệp, phần do đường sá khó khăn. Những nếp nhà đất lúp xúp nằm cheo leo trên sườn núi mây mù giăng giăng.

< Ông Triệu Tiến Thoòng dẫn đoàn xuyên rừng.

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Triệu Tiến Thoòng, 72 tuổi, dân tộc Dao. Rót cốc nước vối mời khách, ông Thoòng kể ngày xưa nơi đây cây cối um tùm, đầy rẫy thú dữ với ngút ngàn sơn lam chướng khí; vài năm gần đây có ý tưởng xây dựng mô hình trồng rau đặc sản, nuôi bò sữa trên thảo nguyên này nhưng không hiểu sao đến nay chưa thực hiện được. Vì thế bản vẫn trong danh sách nghèo nhất tỉnh, điện lưới quốc gia chưa đến, đất nông nghiệp hạn chế, mỗi năm canh tác hai vụ lúa song cũng chẳng đủ ăn.

Sống cách chợ Vân Sơn nửa ngày đi bộ nên dân bản cả tháng mới xuống chợ đôi lần để mua sắm những thứ thiết yếu.
Trong khi đó khí hậu ở Đồng Cao quanh năm mát mẻ, giữa mùa hè nhưng ban đêm phải đắp chăn bông. Lại có nhiều cảnh đẹp. Ông Thoòng dẫn chúng tôi đi thăm thú một vòng qua những thắng cảnh địa phương. Đầu tiên là hang Vua trên núi Vua với vách đá dựng đứng, từ trên cao nước tuôn thành hạt xuống trông thật đẹp mắt, nhưng ông Thoòng cũng không rõ vì sao người Dao lại gọi nơi này là hang Vua.


< Trên thảo nguyên xanh.

Từ núi Vua chúng tôi dạo bước trên thảm cỏ xanh giữa thảo nguyên mênh mông, đó đây là những trảng cây bụi thưa thớt, hoa mua, hoa dại ẩn hiện trong lớp mây mù, đâu đó vẳng lại tiếng mõ gỗ lộc cộc của đàn trâu trên bãi cỏ non… Chúng tôi thích thú tìm hái trái sim rừng như thể chưa bao giờ được ăn thứ quả dại này. Dưới lớp mây mù giăng mắc, mọi người nằm trên bãi cỏ nghe hơi lạnh tràn qua da thịt dù đang giữa mùa hè nóng bức.

Rồi chúng tôi bất ngờ phát hiện một quần thể đá to lớn với nhiều hình thù nằm bên kia đồi. Những khối đá san sát nhau nổi bật giữa không gian mênh mông như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Chiều dần buông, đứng trên đỉnh núi Vua phóng tầm mắt xa xa, bản Đồng Cao ẩn hiện trong mây mù. Phía chân đèo nhà ai đang bắt đầu nổi lửa, khói lam chiều nghi ngút bay lên.

< Đá trên cao nguyên Đồng Cao.

Chúng tôi xuống núi khi bước chân đã nặng trĩu. Khi ánh trăng vừa ló phía sau nhà cũng là lúc đoàn quây quần dùng bữa tối bên góc sân một gia đình người Cao Lan tại bản Đồng Băm. Trong ánh đèn tù mù của điện bình ăcquy, chủ lẫn khách thoải mái bên nhau với ly rượu mềm môi thơm nồng.

Theo trưởng đoàn Lưu Xuân San - giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Giang, ngành du lịch tỉnh đã có những khảo sát, đánh giá, tiến tới xây dựng tuyến, điểm du lịch tại Sơn Động, trong đó Đồng Cao là một trong những điểm nhấn quan trọng của hành trình này. Đó là cơ hội hé mở để cuộc sống nơi đây phát triển, góp phần giúp người dân Đồng Cao thoát cảnh nghèo.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre
Những ai yêu thích khám phá núi rừng Tây Nguyên có lẽ nên tìm đến một Đắc Lắc hoang sơ với nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Báu vật của rừng xanh Đắc Lắc mê hoặc lòng người hơn cả có lẽ là những ngọn thác bạc giữa rừng già.

Những năm gần đây, quốc lộ 14 được đầu tư làm mới lại, đã khiến đường đến Đắc Lắc từ các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh trở nên rất gần. Chỉ cần hai ngày cuối tuần, người thành phố đã có thể làm một chuyến du lịch bụi để thoát khỏi cảnh xô bồ phố thị, tìm về chốn hoang dã rừng xanh, tìm kiếm nụ cười sơn cước duyên dáng bên những ngọn thác hùng vĩ của Đắc Lắc.

Cách đây khoảng chục năm trở về trước, du lịch Đắc Lắc chưa được nhiều người biết đến. Cảnh đẹp núi rừng hoang sơ ở đây lúc bấy giờ phần nhiều được biết đến do những chuyến công tác, giao dịch làm ăn ở Buôn Ma Thuột, người ta kết hợp thăm thú buôn làng, rừng núi. Gần đây, tour du lịch Đắc Lắc và Đắc Nông (sau khi tách Đắc Lắc thành hai tỉnh) đã có nhiều công ty du lịch lữ hành đưa vào khai thác.

Những ngọn thác hoang dã là điểm nhấn đầy cuốn hút không thể thiếu của tour thám hiểm núi rừng Tây Nguyên này.

Đường vào các ngọn thác giờ đây đã thấy có nhiều đoàn du khách đến từ TP.HCM và các tỉnh lân cận đổ về vào dịp cuối tuần. Và không thiếu những vị khách du lịch “Tây ba lô” tự mình thuê xe máy lặn lội khám phá những dòng thác bạc ẩn sâu trong rừng. Điều thú vị cho khách đường xa hơn cả là có khá nhiều ngọn thác đẹp có tiếng của Đắc Nông và Đắc Lắc nằm gần nhau cùng trên một dòng sông chảy về hướng Tây: Sêrêpôk.

Những ngọn thác hoang dã đẹp mê hồn ở đây có lẽ tên thác vẫn còn xa lạ với nhiều người chưa từng đến: Dray Sap, Dray Nur, Gia Long, Trinh Nữ, Dray HLinh...

Theo quốc lộ 14 từ TP.HCM đi qua Bình Dương - Bình Phước, thác Dray Sap (huyện Cư Jut, tỉnh Đắc Nông) có lẽ tiện đường vào đối với nhiều đoàn khách du lịch hơn cả. Dray Sap cách Buôn Ma Thuột hơn 30 km. Không hẳn là ngọn thác đẹp và hùng vĩ nhất trên dòng Sêrêpôk, song Dray Sap đẹp từ tên gọi đến cảnh quan và truyền thuyết về ngọn thác. Dray Sap theo tiếng dân tộc Êđê, sắc dân bản địa, Dray là thác, còn Sap là khói.

Đến bên chân thác rồi, khách đường xa chợt hiểu vì sao thác có tên là Thác Khói. Đổ từ độ cao khoảng 30 mét xuống và rộng ngang hàng trăm mét, vùng quanh chân thác “khói” nước bao phủ cả trăm mét.

Trong làn “khói” mênh mang tươi mát mang lại cảm xúc lâng lâng khó tả, lòng người càng như lạc vào cõi thoát tục khi dạo bước giữa rừng già rợp bóng cổ thụ xen lẫn cỏ dại mướt xanh mà nghe kể về truyền thuyết sự tích Dray Sap.

Nàng sơn nữ H'Mi và người yêu cùng đi làm rẫy bên nhau từ khi ông mặt trời thức dậy đến lúc lặn mỗi ngày. Một lần đôi người yêu nhau đang cùng tình tự bên hòn đá nơi bờ suối sau buổi làm rẫy mê mải; chợt một con quái vật đầu to như quả núi, mắt lớn tựa nồi đồng, râu dài răng nhọn và toàn thân có vảy lấp lánh như bạc bất ngờ sà xuống. Chiếc vòi khổng lồ của nó cắm xuống.

Bỗng một cột nước khổng lồ từ dưới mặt nước phun lên. Con quái vật xòe đôi cánh lớn lượn mấy vòng, rồi phun nước tạo thành một cơn mưa dữ dội và bay mất. H'Mi sau giây phút khiếp đảm bỗng chốc tan biến vào lớp mây mù. Còn chàng trai ngày đêm than khóc nàng H'Mi bên bờ suối đã biến thành một gốc cây lớn vươn cánh tay lên trời và cắm sâu vào ghềnh đá. Nơi xảy ra chuyện tình đẹp bi thương ấy ngày nay là Thác Khói - Dray Sáp.

Thác Khói hơn hẳn những ngọn thác chung quanh nhờ vào vẻ đẹp hoang sơ của cánh rừng bao quanh. Khoảng một chục năm trở lại đây, cảnh đẹp thiên nhiên đã được bàn tay con người tôn tạo và đưa thêm tiện ích vào khu du lịch thác. Những bậc thang đá đi từ mặt đường xuống chân thác, lối mòn dạo trong rừng xây từ những hòn đá lấy từ chân thác, cầu treo vượt thác Dray Sap sang thác Dray Nur.

Ngày cuối tuần, Dray Sap luôn đầy ắp tiếng cười của những nhóm thanh niên hoặc gia đình người dân địa phương đến cắm trại. Tiện ích hơn và đông vui hơn, nhưng Dray Sap cũng mất đi vẻ nguyên thủy của hơn chục năm về trước. Lúc ấy đường vào chân thác chưa có lối xây bậc xi măng; người thám hiểm thác được dịp trải nghiệm lần mò nắm dây rừng leo xuống bậc đá hay phải tuột giày lội qua con suối nhỏ vắt ngang đường vào chân thác. Và rác cũng theo chân du khách vào khắp ngóc ngách rừng.

Song vẻ đẹp hoang sơ đủ khiến bạn quên đi đôi điều kém hoàn mỹ ấy. Cách đó không xa, chừng 3 km là thác Gia Long. Đường dẫn vào thác xuyên qua giữa rừng xanh ngút ngàn vi vu gió và chim hót ríu ran.

Cảnh đường rừng hoang dã tuyệt đẹp với nhiều loại cây gỗ quý hiếm khiến nhiều người không khỏi xuýt xoa. Không phải là dịp lễ thì thác Gia Long lặng lẽ giữa rừng già, ít khách thăm viếng hơn những ngọn thác gần đó.

Những người dân địa phương sống lâu năm ở đây kể rằng thác có tên Gia Long chính là bắt nguồn từ việc vua Gia Long đã từng thưởng ngoạn cảnh thác và cho xây một cây cầu bắc ngang dòng suối nơi chân thác. Ngày nay chỉ còn lại mố cầu. Thác Gia Long cao khoảng 30m, rộng khoảng 100m. Quanh thác là rừng xanh ôm vào lòng hồ tắm tiên rộng khoảng 100m2 êm ả làn nước trong xanh chảy ra từ trong núi.

Nằm trong cụm thác gần sát nhau trên dòng Sêrêpôk còn có thác Trinh Nữ cũng thuộc huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông.

Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 20km về phía Tây Nam theo quốc lộ 14, thác Trinh Nữ không hùng vĩ như những ngọn thác trong cùng một cụm thác, song được nhiều người biết đến nhờ quần thể đá bazan màu xám đen nứt nẻ dạng cột, lăng trụ, có kích thước tới vài mét nằm chồng chất bên bờ suối. Mùa nước lũ, suối chảy xiết va vào ghềnh đá tung bọt trắng xóa.

Đệ nhất hùng vĩ trên dòng Sêrêpôk huyền thoại được hoà quyện bởi hai dòng sông Krông Ana (theo tiếng dân tộc Êđê có nghĩa là sông cái) và Krông Nô (sông đực) phải kể đến ngọn thác Dray Nur. Nằm cách Buôn Ma Thuột 20 km về hướng Nam, thác Dray Nur (buôn Kuốp, xã Dray Sap, huyện Krông Ana, Đắc Lắc) dài trên 250 mét, chiều cao trên 30 mét, nối liền đôi bờ hai tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông. Không khí núi rừng trong lành, vô vàn hạt bụi nước li ti bay bên bờ thác, cách chân thác cả trăm mét vẫn cảm thấy mát mẻ dễ chịu.

Nhiều người thích trải nghiệm cảm giác mạnh tìm lối đi vào hang đá trong lòng thác, đi cầu treo... và hang đá trong lòng thác chính là nét độc đáo riêng có của Dray Nur: phòng mát-xa nước thiên nhiên ở giữa trời. Thiên nhiên đã khéo dựng một vách đá cao chắn một bên vách núi, một nhánh thác nhỏ đổ từ độ cao hơn 20 mét xuống tạo thành phòng tắm lộ thiên hoàn mỹ.

Hòa vào dòng thác tắm gội bụi trần, và cột nước từ trên cao đổ òa xuống châu thân xoa dịu mọi nỗi nhọc nhằn cơm áo, khách đường xa như quên mất đường về phố thị đầy bụi bặm. Đêm ở thác trăng dát bạc lung linh kỳ ảo, ngồi bên ché rượu cần dậy men rừng quyện với cơm lam dẻo thơm và thịt heo rừng nướng thơm nức, lắng nghe ngọn thác hát vang vọng bài ca đại ngàn, tưởng không còn lạc thú nào hơn.

Du lịch, GO! - Theo TTO, ảnh internet
Cây thị đại thụ có đến nghìn tuổi, là một trong bốn cây đại thụ nằm trên mom cao của vùng Thất Tinh có nhiều huyền tích nhất, giờ lá vẫn xanh um tùm cả góc sân đình Quán La, Tây Hồ, Hà Nội.

Bao giờ cũng vậy, cây to luôn được người dân tôn thờ và xưa nay có nhiều suy nghĩ cho rằng, ở gốc cây đại thụ là nơi thiêng hoặc là nơi của những hồn ma thường hay trú ngụ. Chính vì vậy mà mỗi gốc cây to luôn chứa đầy hơi hướng tâm linh ở đó.

Chẳng có kiểm chứng về điều này, song, ở bất cứ gốc đa hay cây cổ thụ xù xì gốc dễ thì luôn có những chân hương đã cháy hoặc những ban thờ nho nhỏ, điều đó đã chứng tỏ từ xưa nay người ta đều có chung một suy nghĩ, hướng tâm tín về những giá trị riêng của cây đại thụ.

“Cây thị có ma, cây đa có thần”

“Làm gì có ai kiểm chứng được lời nói ấy thực hư ra sao, nhưng tôi đố ai dám động đến cây cổ thụ đấy, không tin anh cứ để ý mà xem, chỗ nào có cây cổ thụ khi làm đường đi người ta còn phải tránh đấy”- Thủ từ Nguyễn Văn Lương triết lý. Thực tế tôi cũng kiểm chứng, và khớp với quan điểm của cụ Lương. Dễ thấy nhất là cây đề đứng giữa phố Trấn Vũ, đường đi cũng phải tránh nó, rồi cây đề đứng xẻ đôi đường phố Thụy Khuê…những cây ấy, nó tồn tại được thế cũng là vì tuổi tác và sự huyền tích về thế giới tâm linh nào đó.

Cây thị nghìn tuổi ở đình Quán La, phường Xuân La nó được người dân trong vùng biết đến như câu chuyện cổ tích. Cây thị thân to, cành tán rộng nằm trên mom cao trước cửa sân đình Quán La. Theo cụ thủ từ Nguyễn Văn Lương thì, cây thị này đặc biệt lắm,mùa xuân thì lộc non xanh biếc, mùa hạ chim về ríu rít, nhưng bặt nỗi nó chỉ ra 1 quả trong mỗi mùa.

Lạ thế! Người dân không biết về sao nó lại thế, có nhiều đồn thổi, thêu dệt liêu trai, còn theo ý kiến chủ quan của thủ từ Nguyễn Văn Lương thì thuộc tính tự nhiên của giống cây cối ra quả là giống cái, còn cây không có quả là cây giống đực.

Người dân trong vùng quen rồi thì thấy ít sự khác lạ, có người thấy nó bình thường như bao cây cối khác. Còn khách vãng lại thì cứ xuýt xoa về câu chuyện cây thị chỉ có 1 quả vào mùa mà thủ từ Nguyễn Văn Lương kể. Nhiều người hiểu biết về văn hóa lịch sử còn bảo, sao không đề xuất nghiên cứu về sự đặc biệt của giống cây này.

Nhiều người nói, nhiều lần các vị giáo sư về lịch sử cũng đánh giá, thế nhưng mãi đến năm 2010 bà con người dân ở Xuân La, mà khởi xướng là ông Nguyễn Văn Ngư, Trưởng BQL di tích đình Quán La mới họp bàn rồi làm đề xuất gửi quận, rồi gửi thành phố đề cử mấy cây đại thụ này vào di sản thiên nhiên.

Điều đặc biệt, đứng ở cổng tam quan đình Quán La người ta hướng mắt về phía trước mặt sẽ thấy được cây thị và cây đa có cành hướng vào như như 2 cánh tay của 2 người với lại nhau. Khoảng trống rỗng trong thân gốc đa có thể chứa được hàng chục người lớn, bóng tỏa mát cả chợ cóc họp bên đường làng. Chị Nguyễn Thị Tuyết bán rau dưới gốc đa cho biết: “Sóc trên cây này gan lắm, chẳng sợ người đâu, có hôm đang bán hàng, nó đuổi nhau rơi cả xuống người, sợ hết vía”…

Cây đại thụ chỉ có 1 quả mỗi mùa

Cây thị ở đình Quán La đối diện với cây đa thì người ta cho rằng có nhiều điều lạ và khác biệt. Thậm chí nhiều người còn gán cho nó như sự tích thần kỳ trong truyền thuyết. Nào là vị thần Duệ Trang đã hóa thân vào cây thị, nào là vùng đất Thất Tinh nên mới có cây cổ thụ đặc biệt này.

Huyền tích hay sự tích đều là câu chuyện của người tâm tín về giá trị của thiên nhiên, cây cối có bề dày thời gian. Và chính cái thời gian đã làm cho những cây đại thụ trở nên có giá trị đặc biệt về tâm linh, về mặt sinh thái. Theo như quan sát thực tế, cây thị nằm trên mô đất cao hơn cả ở trước cửa đình Quán La. Cây thân gỗ khoảng 3 người lớn vòng tay, có miếu thờ trang trí hoa văn rồng phượng. Được biết, vào ngày tuần rằm, mồng 1 người dân thường đến thắp hương cầu bình an.

Trong sách Tây Hồ chí thì đình Quán La có từ thế kỷ thứ 11. Khi đó, vùng này nước mênh mông, sông Già La uốn lượn quanh ôm 7 quả núi nhô lên cao. Vì thế nơi này còn gọi là vùng Thất Tinh. Và đình Quán La là nơi người dân thờ vị sơn thần Duệ Trang có công giúp dân bớt khổ ải.

Quần thể di tích đình, chùa Quán La đã được nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu đánh giá cao về bề dày lịch sử. Cùng với di tích là hai cây đại thụ hai bên cửa đình, có thời gian đến nghìn năm, như tô thêm giá trị vốn có về cụm di tích phía tây thành phố.

Tại sao cây thị chỉ ra một quả vào mỗi mùa, điều này ngay chính cả người gắn bó với nó qua 70 mùa cũng không thể biết được. Và điều đặc biệt này, đến nay cũng chưa có ai nghiên cứu để lý giải về sự lạ kỳ ấy. Song, điều quan trọng hiện nay không phải cây thị có 1 hay sai trĩu quả và cây đa có hàng nghìn tuổi, mà cái quan trọng là nó đã từng gắn bó với làng xã nơi này từ thuở xa xưa như sự minh chứng về thời gian giữa thiên nhiên trời đất ở phía Tây hồ Tây mang đầy huyền bí, sự tích.

Du lịch, GO! - Theo An ninh Thủ đô
Chạy qua Định quán một khoảng chợt nhìn thấy tảng đá lớn cạnh đường có khắc chữ ngay lối vào thấy quen quen, bọn mình tấp vô bóng cây si cạnh đó nghỉ chân và ngắm nghía kỷ: hóa ra nơi này là Nguyễn Gia Trang mà mình từng đề cập trên Du lich,GO! từ nguồn TT CN, trích ra như sau:

< Cự thạch ngay lối vào.

- Trên QL20 đi từ Đà Lạt về Sàigòn ở địa phận Định Quán (Đồng Nai), nếu bạn chú ý một tý bên tay phải thì bạn sẽ thấy ngõ vào một khu vườn đá độc đáo ấn tượng, nơi này mang tên Nguyễn Gia Trang: tên của chủ nhân được khắc nổi trên một tảng đá lớn ngay lối vô.
Khách hiếu kỳ ghé vào, nếu có duyên sẽ gặp được chủ nhân “Nguyễn Gia Trang” và tha hồ chiêm ngưỡng hàng trăm tác phẩm bằng đá được sắp xếp rất nghệ thuật theo nhiều kiểu khác nhau, thậm chí có cả tượng đài cự thạch Stonehenge (Anh) thu nhỏ.

< Cổng trong của Nguyễn Gia Trang.


Mà đá đâu có nhỏ: có khối năng hàng chục tấn được ông cất công đưa về từ những chuyến đi trong tỉnh Đồng Nai và xa hơn nữa, đôi khi chỉ là những phát hiện tình cờ. Thấy chúng, ông mua và chở về, sắp xếp theo một trật tự mà ông cho là hợp lý. Lâu ngày, khu đất rộng trở thành một vườn đá độc đáo và là niềm vui lớn của chủ nhân Nguyễn Gia Trang.
Chủ nhân của khu vường là ông Năm Khiêm, , tuổi thất tuần nhưng vẫn tráng kiện, nhanh nhẹn, tóc chưa có sợi bạc. Ông kể: “Đâu dễ đem về những khối đá này, có tảng phần chìm sâu dưới đất, phải kích đưa lên xe tải... Tốn tiền mua đá cũng không ngán bằng làm cách nào đưa nó về tới chỗ. Rồi khi đặt để vô đúng vị trí, sửa sang dáng dấp nó làm sao mình ưng ý, đó mới là chuyện khó hơn cả”.
< Ba trụ đá sắp theo kiểu “ba cây chụm lại…” ở cổng vào.

Đá ngủ ngàn năm
Đá ngủ vạn năm
Ai thức đá dậy
Ai nghe đá kể
Chuyện đời xa xưa
(TuoitreCN).
< Dăm phút nghỉ chân.

Có lẽ do bọn mình "chưa có duyên" nên cửa vẫn đóng im ỉm (he he). Thôi thì âu cũng là ít giây phút thư giãn nghỉ ngơi tuyệt vời, nhưng phải về nhanh thôi vì còn cái hẹn ở Sàigòn nữa - lúc này đã là 10h30.
< Những lối mòn vào rừng cao su.
< Dốc xẻ đồi cao su trước khi đến Phú Túc - Bọn mình thấy giống như cái dốc "lên trời".
< Bến xe Phú Túc đây, gần đó là chợ cùng tên.
< Nhoáng một tý đã rời khu dân cư...
< "Bûche de Noël".... do bàn tay khéo léo của những đầu bếp, người mẹ, người vợ tuyệt vời làm ra, còn "khúc củi" này do rừng và của rừng - tệ...
< Phía trước là rừng cao su Phú Cường.
< Sắp đến Gia Tân...
< Xa xa là rặng núi Chứa Chan của Gia Ray...
< Trung tâm Hành chánh huyện Thống Nhất.

Thống Nhất là một huyện trung du thuộc tỉnh Đồng Nai - diện tích 247,19 km2, phía Bắc giáp huyện Định Quán, phía Đông giáp Thị xã Long Khánh, phía Nam giáp huyện Long Thành và huyện Cẩm Mỹ, phía Tây giáp huyện Trảng Bom.
Huyện có 11 đơn vị hành chính bao gồm: thị trấn Dầu Giây,các xã Xuân Thiện, Xuân Thạnh, Bàu Hàm 2, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3, Gia Kiệm, Quang Trung, Lộ 25, và Hưng Lộc. Huyện Thống Nhất là nơi có nhiều đồng bào công giáo cư ngụ, nhiều tín đồ tôn giáo sống ở Bàu Hàm, Gia Kiệm,...

< Một ngã ba, ngã tư gì đó...
Nhìn kỹ lại: đó là ngã 3 Dầu Giây. Chẹp, chết tên khó sửa vì thật ra đã thành ngã 4 lâu rồi.
< Bọn mình đi thẳng luôn. Trước kia đây là xã lộ 25 nối liền Dầu Giây đến Bình Sơn. Sau khi được nâng cấp thì đường này là tỉnh lộ 769 (DT769).

Nếu lúc bọn mình đi, theo đường này thì không cần qua Cẩm Đường.
< Khúc Dầu Giây nhà đặc ken, chạy thêm một đổi thì thưa dần...
< Gặp ngã 3, rẽ phải đi Long Thành.

Bạn nhìn bầu trời xem: mới hồi nãy nắng chang chang nhưng lúc này mây đã kéo đen kịt.
< Đường nhựa nhưng nhìn sơ tưởng đất đỏ. Đây là do những xe chở mủ cao su lôi trong rừng ra.
< Nắng lại lên nhưng khoan mừng vội, sắp gặp "họa" đến nơi - thật mấy ai ngờ!
< Gặp ngã 3 khác: chạy thẳng là Sông  Nhạn (3Km), quẹo phải là Long Thành (30Km).

Dĩ nhiên là bọn mình rẽ phải.
< Phẹc, quẹo phải xong gặp ngay "hang rồng", đẹp ghê...
< Phong cảnh đơn sơ nhưng thơ mộng quá khiến bọn này tạm dừng bước lãng du.

Lúc này chỉ mới 11h27, mình nghĩ dư sức có mặt tại Sàigòn lúc 2h hoặc trễ tý chút thôi.
< Khu dân cư xã lộ 25 - ngay chổ này, sau cơn mưa lất phất đủ ướt đường thì mình gặp họa thứ 1: máy xe yếu dần rồi tắt tịt - xăng hay lửa đây?

Dừng lại, xả xăng trong bình xăng con lần một. Máy lại nổ giòn...
< Đến Cầu Suối Bí: trời vẫn mưa, không quá nhiều nhưng chuyện mưa này cản trở việc chụp hình, hic...
< Gặp tiếp ngã 3: đi thẳng là Long Thành (27Km), rẽ phải là QL1A (3Km). 

Đoạn này có phố xá, phải chi dừng lại qua bữa tại đây thì có thể tránh họa thứ 2 - họa kép. Có điều là bọn mình chạy luôn không dừng do tranh thủ "về nhanh" do sợ bay cái hẹn.
Máy lựng khựng lần 2, chẹp chẹp...
< Sau khi qua cua này được 1Km (đoạn hai bên có rừng cao su) thì trời trút mưa dữ dội trong khi xe lựng khựng liên tục không thể chạy nổi và tắt hẳn.

Họa vô đơn chỉ: giữa đường, hai bên là rừng - mưa gió gào thét tơ tả chả có chổ nào trú được. Aó mưa mình rất kín nhưng nước tát vào mặt, cổ... thấm vào trong cũng âm ỉ cả người. Bà xã có áo mưa riêng nhưng cững ướt hết, ướt luôn túi đeo trong đó có máy ảnh, máy MID.

Mưa vẫn phủ đầu, đường vắng teo không bóng người. Khó khăn lắm mình mới tháo được bugi, thử lửa thì vẫn tốt. Vậy nghẹt xăng à?

Làm gì làm nhưng phải đợi mưa tạnh bớt cái đã chứ kiểu "tưới lũ xuống đầu" thế này thì pó tay, pó cả chân - chung quy là PÓ CHIẾU!

< Ảnh cuối của chuyến đi, bấm xong máy tắt đài.

Dầm dề đội mưa một hồi, mình cần tuộc nơ vít xả xăng lần 3: lần này xả sạch hết trong bình xăng con. Xong, chờ một hồi xăng xuống đủ thì đạp máy thử:
Mèn ơi, máy nổ ngọt như mía lùi - nẹt ga giữa cơn bão bùng như người mất trí: ngon rồi em ơi, lên đường nào!

Ghé quán này tại Bình Sơn ăn cơm muộn. Đồng hồ lúc này đã là 13h30 trong khi mưa vẫn rào rào, khó mà về kịp cái hẹn. Chẹp, lo cho cái bụng đã, không khéo lại đau bao tử...

Bà xã nhờ toilet của quán để thay đồ do ướt đẫm rồi, mình kiểm tra các thứ trong túi để đánh giá hậu quả: Máy MID may không ướt do nằm trong bao, máy ảnh loi ngoi, chụp thử cái ảnh trên là tấm cuối cùng, xong thì tắt tịt (Sau này vê nhà sấy khô lại chụp tốt, mô Phật!

Từ Bình Sơn chạy ra Long Thành, vào Nhơn Trạch vẫn mưa như trút. Hạt nước đập vào mặt, vào mắt khiến mắt tỏ trở thành đui - mình mang cái kiếng râm lên chắn nước là chạy ình xèo. Mãi khi đến phà Cát Lái mới tạnh - chẹp chẹp: qua phà, lếch thếch về đến nhà đã 15.30: Alô đổ thừa tại ông trời, cái hẹn làm ăn đi tong! nghe chửi - huề!

Tổng kết

Chuyến đi 4 ngày 3 đêm (đi và về mất một ngày rồi) khá thành công dù đầy ngẫu hứng. Về xem công tơ mét trên xe thấy khoảng đường đã qua trên 600km.

Tổng chi phí từ tiền phòng, tiền ăn, tiền xăng, cà phê, tiêu vặt mọi thứ chưa hết 1100K (không thể tính cái thẻ nhớ được) - Xem ra mềm và bèo nhưng đầy đủ. Bọn mình vẫn tiếc đôi chút: phải chi ở lại thêm một ngày nữa là thế nào cũng đến được vài chốn hay hay. Nhưng thôi, Trời cho chỉ bấy nhiêu - không quá tham được!

Thành quả bọn mình đạt được trong chuyến:
- Day tận mắt, bắt tận tay 3 thác nước là Triệu Hải, Đạ Tràng và thác Trượt.
- Phủ dấu... bánh xe qua 6 con đèo: đèo Tà Pứa, đèo Chuối, đèo Đạ Tồn, đèo Lộc Bắc, đèo B40, đèo Bảo Lộc...
Máy ảnh ổn sau khi sấy/lau, dữ liệu còn nguyên - Máy MID cùi bép không hề gì - Xế Win vẫn chững chạc, chỉ banh cái đèn signal.
Đi thác và suối nhưng không tắm lại được tắm mưa ê hề, miễn phí...
Mèn ơi, nói chung là bội thu.
Xin hẹp bà con chuyến sau nhé, cũng không còn xa đâu...

Điền Gia Dũng.

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 -Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 -Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống