Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Sunday 30 September 2012

Đối với người từng một lần qua miền Tây Bắc thì những con đèo luôn để lại ấn tượng cực kỳ sâu đậm. Đơn giản vì chặng đường hàng nghìn cây số từ Hoà Bình vòng về Yên Bái đi đến đâu cũng chỉ thấy đèo và đèo. Trong số vài chục con đèo lớn bé, nổi lên có Pha Đin, Xá Tổng, Ô Quy Hồ là đáng kể hơn cả.
Pha Đin: Nơi tiếp giáp giữa đất và trời

Người Thái gọi Pha Đin là Phạ Đin. Phạ nghĩa là trời còn Đin là đất. Phạ Đin nguyên nghĩa là nơi tiếp giáp giữa trời đất. Chuyến Tây Bắc đầu tiên, khi đặt chân tới đây tôi đã mê mẩn trước cảnh sắc cực kỳ quyến rũ ở nơi có độ cao tới hơn 1.000m này (chỗ cao nhất là hơn 1.600m).

Pha Đin đẹp nhưng cực kỳ hiểm trở. Con đèo dài 32km khi lên dốc, lúc xuống dựng đứng, đường ngoằn ngoèo, chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, toàn cua tay áo. Đây là thử thách lớn nhất đối với cánh lái xe tải trong lộ trình Hà Nội - Điện Biên.

Lần trước qua đây, tôi đã thấy một chiếc xe tai nạn, bẹp dúm dó toàn bộ phần đầu xe. Thì y như rằng, lần này đi tới sườn Tuần Giáo, tôi lại thêm một lần nữa chứng kiến tới 2 tai nạn ôtô. Một chiếc xe du lịch 12 chỗ màu xanh lao xuống vực ở khu vực đỉnh đèo, chiếc còn lại là ô tô tải bị lật ngang. Lái xe tải tên Vịnh may mắn thoát hiểm chỉ bị xước xát nhẹ, mặt xanh như đít nhái. Vịnh nói, vẫn chưa hết run: “Những tay lái tài ba nhất khi qua đây cũng đều phải xốc lại tinh thần và cực kỳ thận trọng. Xe chỉ dám đi thật chậm. Bò lên đèo đã khổ, nhưng đến lúc đổ đèo (xuống) thì còn “nhục” hơn nhiều. Chỉ cần chút sơ sẩy là lật xe ngay”.

Lần này khi tôi đi qua Pha Đin, bên sườn Thuận Châu người ta đang mở đường rộng hơn. Mở xong bên này, sẽ làm nốt bên Tuần Giáo. Chỉ một thời gian ngắn nữa thì con đèo trứ danh - từng là nỗi khiếp sợ của không biết bao nhiêu lãng khách - sẽ bớt nguy hiểm đi rất nhiều. Đường được mở to hơn và những con dốc được đánh xuống thấp hơn, ăn cả vào lòng núi.

Đêm ngủ lại ở đỉnh đèo, một người bạn cũ - giờ là công an - sau khi say rượu bắt đầu ngồi khật khưỡng kể về truyền thuyết con đèo. Câu chuyện này tôi đã nghe anh kể không dưới 10 lần, toàn trong lúc say, nhưng lần nào cũng thấy có điều gì thật huyền bí. Rằng ngày xưa có một cuộc đua ngựa vô tiền khoáng hậu giữa hai tỉnh Sơn La và Lai Châu (cũ). Ngựa Lai Châu phi nhanh hơn, nên phần đèo thuộc về Lai Châu (nay thuộc đất Điện Biên) dài hơn phần đèo của Sơn La...

Đèo Xá Tổng: Điểm tận cùng của cung đường hoang

Đoạn đường từ Tuần Giáo lên Lai Châu phải đi qua con đèo hiểm trở nhất mà tôi từng biết, là đèo Xá Tổng. Con đèo dài 25km và mặt đường thì xấu tới mức không thể tưởng tượng. Nhiều đoạn không cọc tiêu, không gương cầu, nhìn xuống chân chỉ thấy những đoạn đường ngoằn ngoèo vòng vo như rắn lượn. Chỉ cần một chút lơ đễnh là lao xuống vực như chơi.

Chiếc xe Minks gầm lên từng hồi một cách mỏi mệt, đa phần chỉ có thể lết được bằng số 1. Người ta nói, đoạn đường này đã bị bỏ hoang từ lâu, hầu như không có ô tô đi qua đây vì đường quá nguy hiểm.

Càng đi, đường càng trở nên hoang vắng. Thảng hoặc ven đường mới có một bóng nhà nhỏ. Người bạn đồng hành ngồi sau liên tục xoay xở đủ tư thế ngồi. Chiếc xe chồm lên từng chặp, mệt bã người. Đi hết con đèo này sẽ tới thị trấn Mường Lay, nơi chẳng còn bao lâu nữa sẽ chìm trong bể nước.

Đỉnh đèo có vẻ là nơi sinh động nhất trong suốt quãng đường dài gần 30km. Có vài hàng quán lụp xụp tiêu điều. Những người đi xe máy khi tới đây thường dừng lại nghỉ, họ xem xét lại hệ thống phanh để xuống dốc.

Tôi mất gần 2 tiếng đồng hồ để có thể vượt qua đoạn đường dài chỉ 25km. Suốt đoạn đường, tôi nhìn dán mắt vào lòng đường mà chẳng dám ngó xuống dưới chân. Con đèo gần như hoang phế ấy chắc chắn sẽ còn là nỗi kinh hoàng cho nhiều người yếu bóng vía khi bất đắc dĩ phải đi qua.

Đèo Ô Quy Hồ: Kỷ lục về độ dài

Nhiều người vẫn quen gọi đây là đèo Hoàng Liên. Đỉnh đèo là nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Có lẽ đây là con đèo dài nhất dải Tây Bắc, tới hơn 40km. Đường sá khá tốt và núi non thật hùng vĩ. Những tấm biển “Chú ý tai nạn” được cắm dọc đường rất nhiều, luôn đập vào mắt người đi đường như những lời căn dặn.

Cung đường này ôtô qua lại nườm nượp, nhất là cánh xe khách. Để đi từ Hà Nội lên Lai Châu, nhiều người thường chọn cách đi tàu lên Lào Cai và tiếp tục cuộc hành trình Lào Cai - Lai Châu bằng đường này.

Tôi từng nghe những truyền thuyết ở đèo Ô Quy Hồ, thường là các câu chuyện truyền miệng nghe có phần hoang đường nhưng cũng đủ làm người yếu bóng vía rợn tóc gáy. Nhân vật đáng sợ luôn là các thần hổ - những con hổ già đời tinh quái, thường rình rập ở đâu đó trên đèo để bắt người. Nhắc tới Ô Quy Hồ, nhiều người không khỏi rờn rợn liên tưởng tới tập truyện “Ai hát giữa rừng khuya” của nhà văn tiền chiến TCHYA.

Con đèo chạy men sườn dãy Hoàng Liên, nơi được coi là mái nhà nước Việt. Đường dài hun hút, lẩn khuất trong những vách núi, thoắt ẩn thoắt hiện. Và điều làm tôi kinh ngạc hơn cả là sự khác biệt về thời tiết. Bên sườn Lai Châu, thời tiết không đến nỗi lạnh nhưng từ đỉnh đèo đổ dốc xuống sườn Lào Cai thì nhiệt độ hạ xuống ghê gớm, có lẽ chỉ vài độ. Từ đỉnh đèo chạy về Sa Pa (dài 12km), tôi đi trong cái rét tê tái, mặt gần như không còn cảm giác và tay chân buốt như có kim đâm.

Đèo Tây Bắc luôn là đề tài thú vị nhất trong những câu chuyện của những người từng qua mảnh đất này! Qua thời gian, những con đèo được mở rộng ra, bớt cao và bớt nguy hiểm, thì cái thú vị khi vượt đèo cũng nhạt dần. Lần sau nếu có dịp đi qua Pha Đin, tôi chắc chắn đó sẽ là con đường rất rộng. Chỉ mong sao sẽ không phải thấy hình ảnh những chiếc xe tải bị lật. Những hình ảnh ấy ám ảnh tôi tới tận bây giờ.

Hết
Tây Bắc mùa dã quỳ nở (Kỳ 1)
Sông Đà - người bạn tri âm (Kỳ 2)
Ấn tượng những con đèo (Kỳ 3)

Du lịch, GO! - Theo Dantri, internet
Sông Đà hùng vĩ là một phần tất yếu của cuộc sống Tây Bắc. Trong tiềm thức người dân, sông là người bạn thâm giao và đầy ân oán. Suốt lộ trình Tây Bắc chúng tôi đi qua, dòng sông luôn thoắt ẩn thoắt hiện, đẹp một cách đầy mê hoặc.

Cuộc sống ven sông

Dọc sông Đà, cuộc sống của người dân (phần lớn là người Thái) lúc nào cũng sống động và rộn rã. Từ ngàn đời nay, người Thái đã sống dựa vào con nước. Khi được hỏi, những người già luôn nói câu cửa miệng: “Thái ăn theo nước” (câu đầy đủ là: Xá ăn theo lửa/Thái ăn theo nước/ H'mông ăn theo sương mù - PV).

Chúng tôi vào Quỳnh Nhai - mảnh đất cuối cùng của Sơn La. Đường vào trung tâm huyện Quỳnh Nhai là đường cụt, chỉ có thể vào và trở ra theo đường cũ. Con đường ngoằn ngoèo, hết dốc này tới đèo khác. Một phần rộng lớn của huyện Quỳnh Nhai (9/13 xã) sẽ nằm sâu dưới con nước trong nay mai.

Quốc lộ 279 là đường duy nhất để có thể đi từ Quỳnh Nhai trở ra, và tới các vùng miền khác. Tuyến đường đi qua 4 xã của huyện Quỳnh Nhai là Mường Giôn, Pác Ma, Chiềng Ơn và Mường Giàng với tổng chiều dài 50 km, nối liền với Sa Pa (Lào Cai) và huyện Than Uyên, thị xã Tam Đường tỉnh Lai Châu. Con đường đã được nâng cấp, từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai lên đến Than Uyên chỉ còn 57 km...

Cách bến phà Pá Uôn mấy trăm mét, những tiếng gào khóc mỗi lúc một gần khiến tôi thấy rờn rợn. Có người chết đuối, mới thấy xác. Những người chết như thế này thường không được đưa về bản. Họ hàng, người thân phải tìm ra hiện trường rồi đóng áo quan và mai táng người chết ở đâu đó gần đấy.

Những tiếng khóc hờ, vẻ mặt ngây dại của người goá phụ và đàn con, dắt tay nhau đi dàn hàng ra đường trong một buổi chiều u ám, đã ám ảnh tôi nhiều ngày sau đó. Đất có thổ công, sông có hà bá. Lần này thuỷ thần đã nổi giận, lật ụp chiếc thuyền đuôi én với bốn tay lực điền xấu số.

Bến phà Pá Uôn chiều cuối đông, những chuyến phà cuối cùng đang hối hả chở người, xe qua lòng sông - khúc này rất rộng và khoáng đạt. Từ nhiều năm nay, bến phà này là nơi dung chứa nhiều phận đời, nhất là những người chèo đò ngang và các cửu vạn khuân hàng từ sông lên bến. Tôi đếm được có đến mấy chục chiếc thuyền. Chiếc nào cũng rất bé. Mặc dù có phà nhưng những người vội vã thì vẫn luôn chọn giải pháp đi thuyền, nhanh hơn nhiều.

Còn cách bến phà tới cả trăm mét, những người lái đò đã chạy theo và khẩn nài mời chúng tôi quá giang bằng thuyền. Họ bảo: Đi thuyền nhanh, đỡ phải chờ phà lâu, mà lại an toàn (?)

Đi phà chỉ mất 1.000đ/người, nhưng đi thuyền thì các chú lái tha hồ chặt chém, có lúc là 5.000đ nhưng cũng có lúc là 10.000đ, thậm chí trong một số điều kiện đặc biệt thì phải mất trăm bạc. Chiếc thuyền chòng chành, phành phạch rời bến trong nỗi khiếp hãi của tôi. Nước sông chảy ri rỉ vào lòng thuyền, mỗi lúc một nhiều. Chú lái tên Lò Văn Thuận cười hềnh hệch: “Bác yên tâm không sao cả”.

Con đường vào tới huyện lỵ Quỳnh Nhai bị cắt xé bởi hàng chục khúc suối chảy ngang. Không một đoạn nào được làm ngầm, tất cả đều chỉ là đá hộc rải sơ sài qua suối. Tôi chưa thấy thị trấn nào kỳ lạ như thị trấn Quỳnh Nhai. Con đường qua thị trấn rất hẹp, hai bên là những ngôi nhà sàn nhỏ bé. Ở đây chẳng hề có một chút gì không khí phố thị, tất cả đều rất mộc mạc, và buồn.

< Cầu Pá Uôn lúc đó đang xây dựng.

Buổi tối, vài ba hàng cà phê vườn leo lét ánh đèn, và, những dãy bàn ghế thì được kê ra không khác nào các quán bia ở Hà Nội. Các chết vì lật thuyền của bốn người thái ở tận khu vực bến phà Pá Uôn mà tôi gặp lúc chiều muộn đã lan truyền đến đây. Người ta thi nhau bàn tán, rằng sông Đà năm nào cũng mang theo nó vài người ở khu vực này.

Ở nơi dòng nước sẽ ngự trị

Ngược dòng Đà giang đi về phía Lai Châu, đã hơn một lần tôi nhầm tưởng là sông Đà khi trông thấy dòng Nậm Na hoặc một dòng suối lớn tương tự. Con sông ẩn hiện tới ranh mãnh, khi thì thấp thoáng sau những ngọn núi xanh biếc, lúc lại bất chợt hiện ra mênh mông khoáng đạt.

Trong lòng sông, những chiếc tàu hút cát (có cả đãi vàng) xù xì, bẩn thỉu, rách rưới và gớm ghiếc y hệt những con tàu ma trong phim nhựa nước ngoài. Những chiếc tàu này cũng ẩn hiện với đầy vẻ bí hiểm. Người ta nói đó là tàu hút cát, rồi đãi cát đó tìm vàng. Những con tàu nhẫn nại bò qua từng khúc sông một cách tỉ mẩn. Đất đá cứ mặc sức hút, lòng sông bị cày xới nát be bét và những mỏm đá ngầm thì nhô lên chi chít. Những vụ lật thuyền, đắm thuyền mà con người đổ cả cho hà bá, cũng là vì lý do này.

< Cầu Hang Tôm sẽ bị Ngập Nước khi chặn dòng sông Đà.

Từ cầu Hang Tôm - cây cầu dây văng lừng danh miền Bắc một thời - có thể thấy rõ ngã ba sông Đà. Cây cầu nối liền hai bờ vui này giờ chỉ còn chờ ngày nước dâng là cũng chìm nghỉm vào hàng vạn khối nước. Những sợi cáp to bằng cổ tay, những khối bêtông xám xịt... tất cả đều im lìm, hiu hắt. Những du khách nghe danh cây cầu này, khi đi qua đây đều dừng chân chụp vài tấm ảnh rồi lại vội vã lên đường.

Thị xã Lai Châu (cũ) buồn và heo hút tới nao lòng. Chẳng ai hình dung được đây từng là trung tâm tỉnh lỵ trong mấy chục năm trời. Cả thị xã, chỉ có khu vực ngã ba gần cây xăng là trông có vẻ còn sức sống hơn cả. Vài hàng quán lụp xụp, bán chác nhì nhằng những thứ đồ vật dụng rẻ tiền. Thị xã này cũng sẽ chìm sâu trong làn nước cả, mang theo biết bao huyền thoại, bao chứng tích của lịch sử.

Tôi đi lòng vòng vô định trong thị xã nhỏ bé này, miên man nghĩ về một nơi mà chẳng bao lâu nữa sẽ chỉ còn trong hoài niệm. Biết đâu lần sau qua miền Tây Bắc, tôi sẽ lại đi trên mảnh đất này, nhưng bằng thuyền... Rốt cuộc, những suy nghĩ mông lung ấy cũng phải lắng xuống vì chặng đường trước mặt chúng tôi còn rất dài, những con đèo mà chỉ mới nghe tên đã thấy ngao ngán.

Còn tiếp
Tây Bắc mùa dã quỳ nở (Kỳ 1)
Sông Đà - người bạn tri âm (Kỳ 2)
Ấn tượng những con đèo (Kỳ 3)

Du lịch, GO! - Theo Dantri, internet
Trước chuyến đi Tây Bắc lần này, tôi lầm tưởng hoa dã quỳ chỉ mọc ở miền Trung - Tây Nguyên. Nhưng không phải thế, cả một vùng Tây Bắc, dã quỳ nở rộn ràng hai bên đường. Thứ hoa dại mang màu vàng rực ấy có sức cuốn hút lữ khách kỳ lạ.

Nơi cái rét tung hoành

Tây Bắc thường được coi là đẹp nhất vào mùa xuân, lúc ấy dọc đường trăm hoa đua nở. Vì coi như thế nên thiên hạ thường tìm lên Tây Bắc vào mùa xuân hoặc mùa hạ, chứ chẳng mấy ai đi vào lúc miền Bắc rét đậm như tôi. Đi rồi mới vỡ lẽ, cuộc sống Tây Bắc luôn đầy màu sắc, và ấm áp ngay cả trong những ngày đông giá.

Từ Hà Nội theo quốc lộ 6, đi mải mốt hơn 200km thì lên đến Mộc Châu. Mặc dù vẫn biết là tôi đang lên Tây Bắc trong những ngày rét nhất của mùa đông năm nay, đã chuẩn bị rất nhiều quần áo rét, nhưng tôi không tưởng tượng được cái rét ở Mộc Châu lại ghê gớm đến thế.

Chiều tối, Quốc lộ 6 mờ ảo trong sương chiều bảng lảng. Những con đèo quanh co không nhìn rõ đường. Xe ngược chiều đã bắt đầu phải bật đèn pha. Những người Mông đi lấy củi cũng đã về, gùi trên lưng những gánh củi nặng trĩu...

Hoàng hôn buông xuống thị trấn Thảo Nguyên. Vẻ u ám của tiết trời mùa đông không làm giảm đi sự tấp nập ở đây. Những công nhân làm việc trong nông trường chè và các nông trường bò sữa trong vùng hối hả mua thực phẩm cho bữa cơm chiều. Anh bạn đồng nghiệp đã lên Thảo Nguyên cách đây 6 năm, giờ tìm lại vào một nhà người quen, anh gần như không xác định được đường. Khác nhiều quá, thị trấn nhỏ bé giữa thảo nguyên quạnh quẽ ngày nào giờ trở nên thật sầm uất, xe cộ đi lại như mắc cửi.

Cuộc tìm kiếm vào nhà một người quen dần trở nên vô vọng. Anh bạn nói lại: Đó là một quá trà nhỏ, sạch sẽ và bán trà rất ngon. Trà ngon tới mức lần đầu lên Thảo Nguyên, anh chỉ ngồi uống một chén trà cùng ông chủ quán trải đời thì bao nhiêu mệt nhọc dặm đường đều tiêu tán.

Thật đáng tiếc, cả hai chúng tôi vòng đi vòng lại tới mấy lượt nhưng rốt cuộc chẳng thấy quán trà ngày xưa đâu. Có lẽ ông chủ đã đổi nghề, hoặc đã chuyển đi nơi khác sinh sống.

Thị trấn Thảo Nguyên cách thị trấn Mộc Châu khoảng 7km. Mộc Châu thì đã trông ra dáng phố lắm, không còn nhiều nét cục mịch thôn dã như ở Thảo Nguyên. Đêm ở Thảo Nguyên sương xuống đậm đặc và rét khủng khiếp. Cái lạnh như toát từ trong xương trong thịt ra nên dù có mặc bao nhiêu áo, chúng tôi vẫn rùng mình.

Phải đến 9-10h sáng thì sương ở đây mới hầu như tan hết. Một sớm đông, cái gì ở đây cũng trở nên tinh khôi hơn bao giờ hết. Những dãy núi xám ngoét tôi nhìn thấy tối hôm trước, giờ trở nên xanh đẫm rất đẹp.

Đêm ở bản Phêng Đất B

Mùa này, nhiệt độ ở Tây Bắc vào những hôm nắng ráo luôn thấp hơn dưới xuôi tới vài ba độ. Đường 6 cũ, đoạn từ Tuần Giáo lên tới Lai Châu dài 80km, xấu kinh khủng. Con đường giống như hoang lộ hơn là một quốc lộ. Gần một ngày đường, chúng tôi chỉ thấy duy nhất một chiếc xe U-oát chạy vội vã về phía Tuần Giáo, xóc tưng tưng.

Đường rất hẹp, lòng vòng xuyên qua các bản làng. Những đứa trẻ, thậm chí cả người lớn, luôn reo lên và giơ tay chào thân thiện mỗi khi thấy chúng tôi. Đây không phải lần đầu tôi lên Tây Bắc, nhưng những cảm xúc và tình cảm về những con người thân thiện ấy vẫn rất mới mẻ, tựa hồ như giữa tôi và họ đã là những người bạn thân thiết.

Phêng Đất B là một bản của người Thái, nằm bên cạnh một dòng suối xanh biếc. Dòng suối to và kỳ vỹ tới mức lúc đầu, tôi ngợ là sông Đà. Chiều tà, cả bản có ba chục nóc nhà sàn nằm sát nhau, gọn gàng trong một trảng đất, đẹp và nên thơ tới kỳ lạ, tới mức người bạn đồng nghiệp của tôi quyết định sẽ ngủ đêm tại đây.

Đường từ Quốc lộ xuống bản gần như dựng đứng, rất bé. Thế nhưng những gia đình khá giả trong bản vẫn mua xe máy và vẫn lên lên xuống xuống hàng ngày. Họ nói, con đường này họ đã quen thân với từng viên đá cuội. Những người già chỉ cho chúng tôi tới nhà trưởng bản. Phải được sự đồng ý của nhân vật này thì những viễn khách như chúng tôi mới được lưu lại qua đêm.

Trưởng bản là anh Lò Văn Thương. Chúng tôi ngồi trong nhà anh Thương tới lúc trời tối mịt thì anh về, trông anh còn rất trẻ và vạm vỡ. Anh Thương vào rừng tìm trâu, chuẩn bị cho vụ cấy đông - xuân. Anh nói, “ở đây trâu nhà ai cũng thả trong rừng hết, khi cần mới vào rừng tìm”. Những con trâu không bao giờ bị lạc ấy là tài sản của cả bản. Vậy nên đã bao đời nay, ở đây chẳng ai mất trâu bao giờ.

Buổi tối, anh Thương thết đãi chúng tôi món thịt vịt. Anh trấn an một cách rất hiểu biết: “Nhà báo đừng ngại cúm. Thứ nhất ở đây không có dịch, vịt gà khoẻ là ăn tốt. Thứ hai, luộc sôi kỹ lắm rồi. Nếu có cúm cũng chẳng con virus nào sống được”.

Người dân ở bản này sống theo kiểu tự cung tự cấp. Chợ rất xa, đi mất cả buổi mới tới. Bởi vậy hoạ hoằn mới có người đi chợ. Cá dưới suối thì nhiều vô kể. “Vào mùa nhiều cá, chúng tôi ăn tới phát ngán - anh Thương kể - thậm chí thèm rau hơn thèm cá. Nhiều lắm, nhưng dân bản không dùng kích điện đánh bắt. Tôi nói, nếu dùng kích điện thì chẳng mấy nỗi mà hết cá. Vậy là bà con nghe. Hôm nào vào mùa cá các anh lại lên đây, cá suối nấu canh chua thì hết ý”.

Đến hơn 8 giờ tối thì căn nhà chộn rộn tiếng người. Mấy đứa trẻ trong bản lục tục kéo đến nhà anh xem phim. Cả bản có vài chiếc TV, mà TV màu hẳn hoi. Điện được kéo từ nguồn thuỷ điện ngoài suối. Vợ chồng anh Thương mau mắn đi dọn dẹp cho chúng tôi một chỗ ngủ, có cả đệm.

Đêm nằm bản, chăn ngắn, quấn được đầu thì hở chân. Có bao nhiêu quần áo rét, tôi mặc cả vào người. Ở xó bếp, đống lửa cháy âm ỉ cũng chẳng xua cái lạnh đi được là bao. Cả đêm tôi nằm xoay xó với chiếc chăn ngắn ngủn. Nhà sàn, gió đại ngàn thổi vào từng cơn rét thấu óc. Anh Thương lúc đầu còn nói chuyện được vài ba câu, sau rồi giọng anh trở nên đứt quãng và tiếng ngáy bắt đầu đều đều. Chắc hẳn công việc ban ngày đầy mệt nhọc khiến cho tay lực điền ấy đắp ít chăn hơn tôi mà vẫn ngủ ngon lành, không hề thấy lạnh.

Cả đêm hôm ấy, chúng tôi hầu như không ngủ được, phần vì lạnh, phần vì những câu chuyện về sông Đà, về phong tục người Thái mà anh Thương kể lúc chập tối cứ mãi ám ảnh. Con sông Đà duyên nợ gắn với cả cuộc đời những người Thái ven sông là cả một câu chuyện dài...

Còn tiếp
Tây Bắc mùa dã quỳ nở (Kỳ 1)
Sông Đà - người bạn tri âm (Kỳ 2)
Ấn tượng những con đèo (Kỳ 3)

Du lịch, GO! - Theo Dantri, ảnh minh họa internet
Thu Xà trước kia nằm trên đất làng Tiên Sà, tổng Nghĩa Hà, phủ Tư Nghĩa xưa vốn là khu phố cổ buôn bán sầm uất, tấp nập, chỉ đứng sau Hội An. 

< Các em nhỏ thôn Thu Xà tập múa lân sư để chuẩn bị cho Tết Trung thu.

Dọc hai bên dòng sông Đào là phố xá, nơi sinh sống chủ yếu của người Hoa và nghề làm lân sư rồng cũng ra đời từ đó. Vào những năm 1940, khi cửa biển hẹp dần, sông Đào bị bồi lấp, hoạt động buôn bán bị ngưng trệ, dòng người di cư lên phố cổ Hội An ngày càng nhiều nên nghề làm đầu lân ở đây cũng dần mai một bớt.

< Anh Nguyễn Đức Dân, 36 tuổi, tiến hành công đoạn gắn sừng cho đầu lân.

Vậy nhưng tết Trung thu gần kề và chuẩn bị cho những ngày tết cũng là lúc các gia đình làm đầu lân sư ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi trở nên tất bật.

< Gia đình anh Nguyễn Đức Toàn khẩn trương hoàn thiện đơn đặt hàng đầu lân sư mùa Trung thu tại nhà.

“So với Trung thu năm trước, số lượng đầu lân sư tiêu thụ mạnh và được ưa chuộng rộng rãi hơn”, anh Nguyễn Đức Toàn, thợ làm đầu lân sư có tiếng ở Nghĩa Hòa, cho biết. Thuở còn lên chín lên mười, anh Toàn đã học nghề từ bố - ông Nguyễn Tô, 74 tuổi, một người gốc phố cổ Thu Xà xưa. Thấm thoắt đã hơn 30 năm.

< Công đoạn lên khung sườn cho đầu lân sư.

Mùa Trung thu năm nay đại gia đình của anh được đặt hàng làm hơn 1.000 đầu lân sư để cung cấp cho các thị trường dọc các tỉnh miền Trung và Tây nguyên.

< Chọn lọc giấy báo cũ để đúc khuôn làm đầu lân.

Anh Toàn chia sẻ: thị hiếu chơi lân sư ngày càng đổi khác. Ngày xưa, đầu lân - sư tử quét sơn rất hút hàng nhưng vài năm trở lại đây sản phẩm này đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ hơn như dán giấy thiếc, vải kim sa, lông vũ, mắt lân…

< Đầu lân sau khi đúc từ khuôn sẽ được đem phơi khô để tạo thành hình.

Đó chính là điểm khác biệt của sản phẩm đầu lân sư Nghĩa Hòa so với các tỉnh khác.

< Dán họa tiết trang trí cho đầu lân thêm rực rỡ.

Thông thường để hoàn thiện một chiếc đầu lân - sư tử phải mất 2-3 ngày với 4 công đoạn: đúc khuôn giấy hình đầu lân; dán giấy thiếc hay vải kim sa; trang trí các chi tiết như mắt lân, đường viền và cuối cùng trang trí lông vũ.

< Tranh thủ ngày cuối tuần, các em học sinh ở xã Nghĩa Hòa làm râu cho lân, sư tử để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Từ thực tế đó việc sản xuất đầu lân sư đã có một dây chuyền chuyên môn hóa với nhiều nhân công phụ trách từng công đoạn.

< Niềm vui với chiếc đầu lân mới.

Đa số nhân công ở Nghĩa Hòa còn rất trẻ (10-25 tuổi), làm theo thời vụ với mức tiền công dao động từ 500.000-3 triệu đồng/người. Theo thợ làm đầu lân sư Nguyễn Đức Dân (36 tuổi): “Thời gian cao điểm làm đầu lân sư bắt đầu từ tháng bảy âm lịch”. Giá mỗi sản phẩm dao động từ 100.000-1,5 triệu đồng/đầu lân, sư tử.

Có thể nói sản phẩm đầu lân sư truyền thống ngày càng được ưa chuộng và tiêu thụ rộng rãi vào dịp Trung thu thật sự là một tín hiệu vui, bất chấp làn sóng đồ chơi Trung Quốc đang ồ ạt thâm nhập Việt Nam.

Du lịch, GO! - Theo TTO
Việt Nam có 4.000 năm văn hiến, các dân tộc cùng chung sống có nhu cầu tự nhiên là nối kết nhau lại để chống chọi với thiên tai, giặc giã, trở thành một cộng đồng bền chặt - đại gia đình các dân tộc Việt Nam, cùng nhau dựng nước và giữ nước.

Truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, của người Thái, người Mường, người Ba Na, Ê Đê... đều mô tả người Kinh, người Thượng là anh em một nhà, đặc biệt là truyền thuyết mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng, đều có chung một mẹ, đều sinh từ một bọc, đều là đồng bào.

Với điều kiện địa lý tự nhiên (địa mạo, đất đai, khí hậu...) khác nhau, các dân tộc đã tìm ra phương thức ứng xử thiên nhiên khác nhau, vượt lên mọi trở ngại thích ứng với điều kiện tự nhiên để sản xuất, tồn tại và phát triển của từng dân tộc.

Một số người cho rằng nguồn gốc của các dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ các dân tộc cổ đại sinh sống trên lục địa Trung Hoa, hoặc cao nguyên Tây Tạng, một số khác cho rằng nguồn gốc chính từ người Việt bản địa. Nhưng căn cứ vào các kết quả nghiên cứu gần đây, xem xét sự hình thành các dân tộc Việt Nam trong sự hình thành các dân tộc khác trong khu vực thì có thể nói rằng tất cả các dân tộc Việt Nam đều có cùng một nguồn gốc, đó là chủng Cổ Mã Lai.

Cả nước Việt Nam hiện có 54 dân tộc anh em. Trong số đó có những dân tộc vốn sinh ra và phát triển trên mảnh đất Việt Nam ngay từ thuở ban đầu, có những dân tộc từ nơi khác lần lượt di cư đến. Do vị trí nước Việt Nam giao lưu hết sức thuận lợi nên nhiều dân tộc ở các nước xung quanh vì nhiều nguyên nhân đã di cư từ Bắc xuống, từ Nam lên, từ Tây sang, chủ yếu từ Bắc xuống, rồi định cư trên lãnh thổ nước này.

Sống trên mảnh đất Đông Dương - nơi cửa ngõ nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, Việt Nam là nơi giao lưu của các nền văn hóa trong khu vực. Ở đây có đủ 3 ngữ hệ lớn trong khu vực Đông Nam Á, ngữ hệ Nam đảo và ngữ hệ Hán - Tạng. Tiếng nói của các dân tộc Việt Nam thuộc 8 nhóm ngôn ngữ khác nhau.

Nhóm Việt - Mường có 4 dân tộc là: Chứt, Kinh, Mường, Thổ.
Nhóm Tày - Thái có 8 dân tộc là: Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Sán Chay, Tày, Thái.
Nhóm Môn - Khmer có 21 dân tộc là: Ba na, Brâu, Bru-Vân kiều, Chơ-ro, Co, Cơ-ho, Cơ-tu, Cơ-tu, Gié-triêng, Hrê, Kháng, Khmer, Khơ mú, Mạ, Mảng, M'Nông, Ơ-đu, Rơ-măm, Tà-ôi, Xinh-mun, Xơ-đăng, Xtiêng.
Nhóm Mông - Dao có 3 dân tộc là: Dao, Mông, Pà thẻn.
Nhóm Kađai có 4 dân tộc là: Cờ lao, La chí, La ha, Pu péo.
Nhóm Nam Đảo có 5 dân tộc là: Chăm, Chu-ru, Ê đê, Gia-rai, Ra-glai.
Nhóm Hán có 3 dân tộc là: Hoa, Ngái, Sán dìu.
Nhóm Tạng có 6 dân tộc là: Cống, Hà Nhì, La hủ, Lô lô, Phù lá, Si la.

< Đại diện 54 dân tộc anh em dưới cột mốc chủ quyền trên đảo Song Tử Tây.

Mặc dù tiếng nói của các dân tộc thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau, song do các dân tộc sống đan xen với nhau nên một dân tộc thường biết tiếng các dân tộc có quan hệ hàng ngày và dù sống xen kẽ với nhau, giao lưu văn hóa với nhau, nhưng các dân tộc vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.

1. Dân tộc Ba Na hay còn gọi là Tơ Lô, Krem, Roh, Con Kde, ALa Công, Krăng. Ðịa bàn cư trú: Kon Tum, Bình Ðịnh, Phú Yên.
2. Dân tộc Bố Y hay Chủng Chá, Trọng Gia, Tu Dí, Tu Dìn, Pu Nà. Ðịa bàn cư trú: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang.

3. Dân tộc Brâu hay Brạo. Ðịa bàn cư trú: Làng Ðăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
4. Dân tộc Bru - Vân Kiều hay Trì, Khùa, Ma - Coong. Ðịa bàn cư trú: Tập trung ở miền núi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
5. Dân tộc Chăm hay Chàm, Chiêm Thành, Hroi. Ðịa bàn cư trú: Ninh Thuận và một phần nhỏ ở An Giang, Tây Ninh, Ðồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nam Bình Thuận và Tây Bắc Phú Yên...
6. Dân tộc Chơ Ro hay Ðơ Ro, Châu Ro. Ðịa bàn cư trú: Phần lớn cư trú ở tỉnh Ðồng Nai, một số ít ở tỉnh Bình Thuận.

7. Dân tộc Chu Ru hay Cho Ru, Ru. Ðịa bàn cư trú: Phần lớn ở Ðơn Dương (Lâm Ðồng), số ít ở Bình Thuận.
8. Dân tộc Chứt hay Rục, Sách, Mã Liềng, Tu Vang, Pa Leng, Xe Lang, Tơ Hung, Cha Cú, Tắc Cực, U Mo, Xá Lá Vàng. Ðịa bàn cư trú: Sống ở huyện Minh Hoá và Tuyên Hóa (Quảng Bình).
9. Dân tộc Co hay Cor, Col, Cùa, Trầu. Ðịa bàn cư trú: Huyện Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam), huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi).
10. Dân tộc Cống hay Xắm Khống, Mâng Nhé, Xá Xong. Địa bàn cư trú: Huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, ven sông Ðà
11. Dân tộc Cơ Ho hay Xrê, Nộp, Cơ Lon, Chil, Lát, Tring. Ðịa bàn cư trú: Cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng).
12. Dân tộc Cờ Lao hay Ke Lao. Ðịa bàn cư trú: Hà Giang.

13. Dân tộc Cơ Tu hay Ca Tu, Gao, Hạ, Phương, Ca Tang. Ðịa bàn cư trú: Huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang (Quảng Nam), huyện A Lưới, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế).
14. Dân tộc Dao hay Mán, Ðông, Trại, Dìu Miền, Kim Miền, Lù Gang, Làn Tẻn, Ðại Bản, Tiểu Bản, Cốc Ngáng, Cốc Mùn và Sơn Ðầu. Ðịa bàn cư trú: Biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, một số tỉnh Trung Du và ven biển Bắc Bộ.
15. Dân tộc Ê Đê hay Ra Đê, Ðê, Kpa, Adham, Krung, Ktal, Dlieruê, Blô, Epan, Mdhur, Bích. Ðịa bàn cư trú: Ðăk Lăk, phía Nam tỉnh Gia Lai, phía Tây của 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.
16. Dân tộc Giáy hay Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Pu Nà, Cùi Chu, Xạ. Ðịa bàn cư trú: Tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Cao Bằng.
17. Dân tộc Gia Rai hay Giơ Rai, Tơ Buăn, Hơ Bau, Hdrung, Chor. Ðịa bàn cư trú: Gia Lai, Kon Tum và Ðăk Lăk.
18. Dân tộc Giẻ Triêng hay Dgích, Ta Reh, Giảng Rây, Pin, Triềng, Treng Ta Liêng, Ve, La Ve, Bnoong, Ca Tang. Ðịa bàn cư trú: Kon Tum và miền núi tỉnh Quảng Ninh.

19. Dân tộc Hà Nhì hay U Ní, Xá U Ní. Ðịa bàn cư trú: Lai Châu, Lào Cai.
20. Dân tộc Hoa hay Hán. Ðịa bàn cư trú: Trong cả nước.
21. Dân tộc Hrê hay Chăm Rê, Chom Krẹ, Lùy. Ðịa bàn cư trú: Phía tây tỉnh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh.
22. Dân tộc Kháng hay Xá Khao, Xá Xúa, Xá Ðón, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá Ái, Xá Bung, Quảng Lâm. Ðịa bàn cư trú: Sơn La, Lai Châu
23. Dân tộc Khmer (Việt gốc Miên, Khmer Krôm). Ðịa bàn cư trú: Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang.
24. Dân tộc Khơ Mú hay Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh, Tềnh, Tày Hạy. Ðịa bàn cư trú: Nghệ An, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hoá, Yên Bái.

25. Dân tộc Kinh (Việt). Ðịa bàn cư trú: Khắp các tỉnh, đông nhất ở vùng đồng bằng và thành thị.
26. Dân tộc La Chí hay Cù Tê, La Quả. Ðịa bàn cư trú: Hà Giang, Lào Cai.
27. Dân tộc La Ha hay Xá Khắc, Phlắc, Khlá. Ðịa bàn cư trú: Sơn La, Lào Cai.
28. Dân tộc La Hủ hay Xá Lá Vàng, Cò Xung, Khù Xung, Khả Quy. Ðịa bàn cư trú: Huyện Mường Tè (Lai Châu).
29. Dân tộc Lào hay Lào Bốc, Lào Nọi. Ðịa bàn cư trú: Huyện Ðiện Biên (Điện Biên), huyện Phong Thổ, Than Uyên (Lai Châu), huyện Sông Mã (Sơn La).
30. Dân tộc Lô Lô (Mùn Di, Di... Có hai nhóm: Lô Lô Hoa và Lô Lô Đen). Địa bàn cư trú: Phần lớn sống ở Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai.

31. Dân tộc Lự hay Lữ, Nhuồn, Duồn. Ðịa bàn cư trú: Huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
32. Dân tộc Mạ hay Châu Mạ, Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngắn. Ðịa bàn cư trú: Lâm Ðồng.
33. Dân tộc Mảng hay Mảng Ư, Xá Lá Vàng. Ðịa bàn cư trú: Lai Châu (Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Mường Lay).
34. Dân tộc Mông (Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Ðỏ, Mông Ðen, Mông Mán). Ðịa bàn cư trú: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An
35. Dân tộc M'Nông (Bru Đang, Preh, Ger, Nong, Prêng, Rlăm, Kuyênh, Chil Bu No, nhóm M'Nông Bru Dâng). Ðịa bàn cư trú: Ðăk Lăk, Lâm Ðồng và Bình Phước
36. Dân tộc Mường (Mol, Mual, Moi, Moi Bi, Au Tá, Ao Tá). Ðịa bàn cư trú: Cư trú ở nhiều tỉnh phía Bắc, tập trung đông ở Hoà Bình và miền núi Thanh Hóa. Sống định canh định cư nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn.

37. Dân tộc Ngái (Ngái Hắc Cá, Lầu Mần, Hẹ, Sín, Ðàn, Lê). Ðịa bàn cư trú: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên.
38. Dân tộc Nùng (Xuồng, Giang, Nùng An, Nùng Lòi, Phần Sình, Nùng Cháo, Nùng Inh, Quý Rịn, Nùng Dín, Khen Lài). Ðịa bàn cư trú: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang.
39. Dân tộc Ơ Đu hay Tày Hạt. Ðịa bàn cư trú: Nghệ An.
40. Dân tộc Pà Thẻn (Pà Hưng, Tống). Ðịa bàn cư trú: Hà Giang, Tuyên Quang.
41. Dân tộc Phù Lá (Xá Phó, Bồ Khô Pạ, Mú Xí Pạ, Phổ, Va Xơ Lao, Pu Dang). Ðịa bàn cư trú: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, đông nhất ở Lào Cai.
42. Dân tộc Pu Péo (Ka Beo, Pen Ti Lô Lô). Ðịa bàn cư trú: Hà Giang.

43. Dân tộc Ra Glai (Ra Glay, Hai, Noa Na, La Vang). Ðịa bàn cư trú: Phía Nam tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận.
44. Dân tộc Rơ Măm. Ðịa bàn cư trú: làng Le, xã Morai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
45. Dân tộc Sán Chay (Cao Lan, Sán Chỉ, Mán Cao Lan, Hờn Bận). Ðịa bàn cư trú:Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc.
46. Dân tộc Sán Dìu (Sán Déo, Trại, Trại Ðất, Mán quần cộc). Ðịa bàn cư trú: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
47. Dân tộc Si La (Cú Dé Xử, Khà Pé). Ðịa bàn cư trú: Lai Châu.
48. Dân tộc Tày (Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao, Pa Dí). Ðịa bàn cư trú: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang.

49. Dân tộc Tà Ôi (Tôi Ôi, Pa Cô, Ba Hi, Pa Hi). Ðịa bàn cư trú: Huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), huyện Hương Hoá (tỉnh Quảng Trị).
50. Dân tộc Thái (Tày, Táy Ðăm, Táy Khào, Tày Mười, Tày Thanh, Hàng Tổng, Pu Thay, Thờ Ðà Bắc). Ðịa bàn cư trú: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An.
51. Dân tộc Thổ (Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Tày Poọng, Ðan Lai, Ly Hà). Ðịa bàn cư trú: phía Tây tỉnh Nghệ An.
52. Dân tộc Xinh Mun (Puộc, Pụa). Ðịa bàn cư trú: Vùng biên giới Việt Lào thuộc Sơn La, Lai Châu.
53. Dân tộc Xơ Đăng (Xơ Đeng, Cà Dong, Tơ Dra, Hđang, Mơ Nâm, Hà Lăng, Ka Râng, Con Lan, Bri La Teng). Ðịa bàn cư trú: Kon Tum, Quảng Nam, Ðà Nẵng và Quảng Ngãi.
54. Dân tộc Xtiêng (Xa Ðiêng). Ðịa bàn cư trú: Bốn huyện phía bắc tỉnh Bình Dương, một phần ở Ðồng Nai, Tây Ninh.

Du lịch, GO! - Theo NTO, internet

Saturday 29 September 2012

Đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngoài ngắm cảnh đẹp nơi biển đảo với nhiều di tích nổi tiếng, chúng ta còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon mà trong đất liền không dễ tìm thấy. Có thể kể đến một số món như: mực tươi, nhum biển, rau bồng bềnh, ốc, các loại cá - trong đó nổi tiếng ngon nhất là cá tà ma.

Tà ma là một loại cá sống ở biển, da có vảy màu nâu đen, thân dẹt, hình giống như con cá rô phi nước ngọt nhưng to hơn. Theo người dân ở đảo, sở dĩ loài cá này có tên tà ma là do chúng sống chủ yếu ở các gành rạn, rất lanh khôn, khó đánh bắt, nên dân gian gọi như vậy chứ không thể giải thích cặn kẽ được.

Ăn cá tà ma tùy theo mùa. Để hợp khẩu vị, mùa đông người dân ở đây thường dùng món nướng. Mùa hè nắng nóng thì nấu canh hẹ, canh chua, nấu lẩu, cháo.

Hôm đó, buổi chiều vừa ngấp nghé, trời còn nóng nên chúng tôi chọn dùng món cá tà ma nấu canh chua lá giang. Cá được làm sạch, nạo bỏ hết vảy, cắt thành từng khúc sắp nguyên hình lên đĩa. Lá giang chọn sẵn phần non một đĩa to, một nồi nước đun sôi trên bếp ga mini, có nhiều gia vị đính kèm như thơm (dứa), me, một chén muối ớt...

Khi nước trên bàn đã sôi, thả cá vào nồi đậy nắp lại, đợi khoảng 5 phút nước sôi đều rồi mở nắp, vò lá giang đã chuẩn bị bỏ vào. Mười phút sau, khi cá đã chín, nêm thêm các gia vị đã chuẩn bị sẵn, là đã có một nồi canh chua ngon lành bốc khói.

Canh chua cá tà ma tỏa mùi thơm dịu. Hương cá hòa quyện hương lá giang theo làn gió nồm bay khắp quán làm những khách bàn bên cũng nôn nao dạ dày. Thịt cá chín chuyển từ màu trắng đỏ sang màu trắng, săn chắc, trên nồi nước có những váng mỡ cá liu riu...

Ăn cá tà ma ta cảm nhận được cái dai, ngọt của thịt cá. Đặc biệt phần lườn được xem là chỗ ngon hiếm, ai cũng tranh thủ gắp một ít để thưởng thức vị béo rất riêng. Có thể ăn cá tà ma nóng hôi hổi trên bếp, vừa thổi vừa ăn, vừa húp; cũng có thể gắp phần thịt cá để ra riêng một cái đĩa dầm nước mắm cá cơm nguyên chất cho thấm rồi ăn, sẽ đậm đà hơn. Ngoài ra, canh chua cá tà ma có thể ăn kèm với bún tươi thay cơm. Thịt cá tươi thơm ngon nên nước canh chua cũng không kém phần hấp dẫn.

< Cá Tà Ma cũng có thể nướng trên bếp than.

Với du khách, những người được ăn cá tà ma đều xem là một thức ngon, không đụng hàng với bất kỳ loại cá nào trong đất liền. Với người dân Lý Sơn, họ luôn xem đây là món đặc sản quê hương dùng để mời khách, nhất là lâu lâu có dịp bạn bè thân thiết đến đảo.

Du lịch, GO! - Theo Tấn Trực (Thanhnien), internet
Những năm gần đây, du khách phía Bắc lựa chọn làng Thổ Hà (xã Vân Hà, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) làm điểm đến ngày càng tăng.

< Những chuyến đò đưa khách vào làng và những nếp nhà cổ kính ven sông là nét đặc trưng của Thổ Hà.

Làng cổ Thổ Hà - Dấu ấn văn hóa Bắc Bộ

Người ta muốn tới Thổ Hà, để sống trong không khí thanh bình của một làng quê còn đậm hồn vị Việt Nam, để “say” với rượu nếp, những món bánh ngon và cả những nụ cười tình cờ bắt gặp.

< Cổng làng Thổ Hà.

Nằm ven sông Cầu, ba mặt giáp sông, làng Thổ Hà khác với các làng khác của vùng quê Bắc bộ là không có ruộng. Người dân sống nghề “gạo chợ nước sông” - tức nghề thủ công, buôn bán nhỏ.

Trước kia, cùng Bát Tràng, Phù Lãng, đây là một trung tâm làm gốm sầm uất của Việt Nam có từ thế kỷ 14. Nổi tiếng với các sản phẩm chum, vại, chõ, tiểu sành với thứ men nâu bóng, gốm Thổ Hà theo chân những nhà buôn qua sông Cầu đến mọi miền đất nước.

Cùng những thăng trầm của lịch sử, đến Thổ Hà hôm nay, người ta chỉ bắt gặp dấu tích của một làng gốm cổ truyền ở những bức tường được dựng bằng những mảnh chum, vại, tiểu sành, kết dính bằng “lầm” - một thứ đất được pha trộn đặc biệt, sau bao năm vẫn vững chãi cùng thời gian.

< Chùa làng Thổ Hà.

Từ bến đò đặt chân đến đất làng Thổ Hà, chúng tôi gặp ngay ở chợ làng những màu sắc bắt mắt của đặc sản quê hương, nải chuối chín vàng, thúng khoai lang còn bám đất nâu...

Đi sâu vào trong làng, chúng tôi choáng ngợp bởi màu trắng lóa của những phên tre phơi bánh đa nem, bánh đa vừng. Trong cái nắng thu, nhà nhà phơi bánh.

< Khoảng 20 năm trở lại đây, nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo trở thành nghề chính của người dân Thổ Hà. Có thể gặp những nong phơi bánh dọc đường, ngõ ở làng, thậm chí trong nhà.

Bánh đa nem nay được tráng bằng máy, mỏng dính, được làm thành những tấm hình chữ nhật dài. Người làng cho hay, sau khi phơi khô, từ tấm đa nem lớn này sẽ được cắt thành từng tấm tròn, hay vuông, rồi mới đóng gói...

< Kiến trúc các toà nhà trong làng bố trí theo hình xuơng cá. Trong những hẻm sâu của làng có nhiều ngôi nhà, tường xây bằng phụ phẩm gốm, trát bằng bùn sông, không hề sử dụng đến vôi vữa.

Thổ Hà nhiều ngõ, những ngõ hẹp sâu hun hút, nhà cửa san sát. Muốn vào nhà ai phải gọi cửa thật lớn vì ở Thổ Hà nhà nào cũng… nuôi chó. Người làng thấy khách qua, cười hiền, nói cứ đi lại thoải mái, chó không dữ.

Trước sân chùa, sau những phên tre phơi bánh, đám trẻ con đang nghịch nước, tranh nhau khoe với khách lạ bánh đa nhà mình là ngon nhất.

Thổ Hà đông trẻ con. Cả làng có đến mấy nhà trẻ, sân đền chùa trong làng cũng là nơi trông trẻ. Trẻ em quen với việc làng có khách, vô tư tạo dáng trước ống kính.

Một cháu nhỏ khi được hỏi về món ăn cháu đang ăn ngon lành trên tay, không ngần ngại mời chúng tôi “đặc sản”: bánh đa nem xào bột ớt, chấm nước mắm cay ngọt (hỏi thăm, chúng tôi mới hay người làng tận dụng những miếng vỡ của bánh đa nem, đem chiên trên dầu ăn, rồi trộn đều nước mắm cay, ăn nhâm nhi cũng rất ngon miệng).

Du khách nếu có nhu cầu được hỏi về xuất xứ của những chiếc bánh đa giòn rụm đang cầm trên tay, các cụ già trong làng không ngần ngại mời ngay khách ghé vào gia đình mình, nhìn tráng bánh, quạt bánh trên những lò than hồng rực, nếm thử chiếc bánh vừa quạt xong, giòn rụm.

< Hai bên đường làng san sát những phên tre phơi bánh tráng.

Giữa 1 giờ trưa, bước vào một gia đình phơi rất nhiều bánh đa vừng trước cửa, chúng tôi vẫn nhận được nụ cười niềm nở của một chủ nhà.

Tay không ngớt đảo những phên bánh cho đều nắng, chú Trịnh Đắc Hạnh, người tráng bánh đời thứ 5 của gia đình kể cho tôi cách làm để có được những chiếc bánh đa ngon, khách ăn một lần rồi nhớ mãi; gạo, lạc, vừng phối trộn như thế nào, phơi nắng sao để bánh không bị cong, vỡ...

Bánh đa vừng Thổ Hà, từng được dân địa phương nơi đây ví vui “Kì phùng địch thủ” với bánh đa làng Kế, cũng ở Bắc Giang. Chú Hạnh chìa những lát lạc tươi vừa xắt mỏng và cười nói: "Đó là bí quyết làm nên những chiếc bánh đa vừng Thổ Hà ăn một lần rồi nhớ mãi”.

Chiếc bánh đa ngon, phải tráng làm 2 lượt, phơi đến 3 nắng cho đủ độ giòn khi quạt. Cái khéo của người tráng bánh đa Thổ Hà là phải làm sao canh được thời tiết có nắng to hay không để rắc thêm vài cọng dừa nạo vào mặt bánh. Khi chiếc bánh khô, nướng trên than hồng, nghe thấy vị ngọt và béo của cùi dừa tan trên lửa...

Chia tay Thổ Hà khi nắng còn chưa tắt, chúng tôi lỉnh kỉnh hành lý với những túi quà bánh của Thổ Hà. Nào mỳ gạo, nào bánh đa nem, nào bánh đa quạt, nào chuối, nào rượu... Con đò ngang chậm rãi lùi xa.

Chúng tôi vẫn nhớ nụ cười của chị hàng nước khi mời thử món bánh đa nem trộn bột ớt, nhớ cái niềm nở của cô chú Hạnh hứa khi quay lại sẽ để dành hẳn cho những cái bánh đa vừng loại ngon, nhớ cả nụ cười đen nhánh của một cụ gặp ở đầu làng khi hỏi đường sang làng Vân gặp cụ Tom, mua cho được lít rượu nếp cái hoa vàng...

Có nhiều điều làm nên sức sống, linh hồn của một ngôi làng. Ở Thổ Hà, chúng tôi hiểu, đó là sự chân tình, mến khách của một làng quê ven một khúc sông Cầu êm ả...
-------

Thổ Hà là tên gọi một làng nghề thuộc xã Vân Hà huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội khoảng 40km về phía Đông Bắc. Đó là một ngôi làng cổ với phong cảnh hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà cổ san sát nằm sâu trong các ngõ hẻm cổ kính.

Thổ Hà ba mặt là sông như một hòn đảo, ra khỏi làng là phải đi đò. Làng có hai bến đò: bến Chùa ở trước cửa đình, bến đò dưới nằm ở xóm Ba. Trước kia đò do người chèo trông rất thơ mộng, nhưng ngày nay đều được gắn máy nên đò chở khách nhanh hơn. Dọc bờ sông của làng là thuyền bè của dân vạn chài sinh sống.

Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ dân Thổ Hà hoàn toàn không có ruộng, bao đời sống bằng gạo chợ nước sông, thu nhập từ nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Trước 1960 làng nổi tiếng về nghề làm gốm, từ 1990 lại đây nổi tiếng về nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo. Thổ Hà ngày nay cũng đang căng mình giữ gìn những giá trị truyền thống vốn có.

Du lịch, GO! - Theo Thanhnien và nhiều nguồn khác.

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống