Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Đảo. Show all posts
Showing posts with label Đảo. Show all posts

Sunday, 21 April 2013

Nằm cạnh vịnh Hạ Long quá nổi tiếng, vịnh Bái Tử Long trở nên lặng lẽ một cách ơ hờ. 

Có lẽ nhờ thế, sự hoang sơ nơi đây như một nét duyên thầm khiến những ai đã một lần đến là nhớ nhung khi ra về…

< Biển hoang sơ, nhìn mặt nước trong veo là muốn nhảy ào xuống ngay.

Những bãi biển sạch bong, nước trong vắt trên đảo Cô Tô, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Thắng Lợi... quả thật là “thiên đường mùa hè” dành cho khách du lịch khám phá miền Bắc.

Ngủ được sóng ru, thức được sóng vỗ về

< Vịnh Bái Tử Long là nơi tập trung đa dạng sinh học.

Từ cảng Vân Đồn, chúng tôi lên tàu ra đảo Minh Châu và như bị mê hoặc bởi cảm giác được ra một “hoang đảo”. Ở Minh Châu dân cư vẫn còn thưa thớt, khắp nơi chỉ có màu xanh ngắt của biển, của cây rừng. Chúng tôi chạy ùa ra bãi biển đầu giờ chiều nắng rực rỡ.

Bãi biển đẹp nhất ở Minh Châu có hình vòng cung, nằm trọn trong một dãy núi thấp nên gió nhẹ, sóng êm. Trên bờ là bãi cát trắng mịn, dãy ghế bố đủ màu sắc và có cả một cột lưới bóng chuyền nhỏ. Xa xa là đám trẻ con địa phương đùa nghịch huyên náo một góc biển.


< Trẻ em tha hồ vùng vẫy trong làn nước mát.

Khi nắng dần tắt, bữa tối đã được anh chị chủ nhà trọ tốt bụng dọn sẵn. Một bàn ăn đầy hải sản với những loại cá, cua lạ lẫm. Đặc sản biển này do anh chủ nhà bắt ngoài biển mỗi đêm để đem ra chợ bán, nhưng biết trước có khách nên để dành đãi chúng tôi cùng với một loại rượu tự làm mà theo quảng cáo của anh là “thật cay, nhưng không say”. Giấc ngủ nhẹ tênh trong tiếng sóng vỗ rì rào.

Chúng tôi được đánh thức nhẹ nhàng bằng một sáng bình minh trong lành. Chỉ có những cơn gió nhẹ và tiếng sóng vỗ bờ êm ái, không một tiếng động cơ, tiếng người... Còn gì bằng khi ngủ và thức đều được vỗ về bằng những tiếng sóng ngọt ngào chứ?

Bữa sáng kết thúc chóng vánh để kịp bắt đầu những cung đường khám phá đảo, xuyên qua những hàng dương, lặng mình trước những hồ nước xanh mát, đến thăm những bãi biển Sơn Hào, Quan Lạn… Món quà thật tuyệt vời cho những người con phương Nam lặn lội đến đây.

Cô Tô lớn, Cô Tô con

Chuyến tàu cao tốc đi Cô Tô xa gấp ba lần đi Quan Lạn, Minh Châu. Trời lại mưa lất phất khiến chúng tôi không mấy hi vọng về một buổi sớm biển xanh trong vắt.


< Thuyền lướt nhẹ êm ru như đi trên mặt hồ.

Thế nhưng khi tàu vừa cập cảng, nắng bỗng lên cao rực rỡ. Thuê xe máy, chúng tôi bắt đầu khám phá hòn đảo này từ bãi Đá, rồi bãi Vàn Chải hoang vu với bờ biển cong cong, bãi Hồng Vàn nước lặng êm ả duyên dáng vô cùng với màu tím ngắt của hoa rau muống biển chạy dài đến chân hải đăng Cô Tô.

Dưới tán cây rậm rạp ngắm nhìn chiều nắng tắt, biển đẹp đến nao lòng. Đây là nơi tuyệt vời nhất để thu vào tầm mắt toàn đảo một màu xanh: xanh của lá cây, xanh của nước biển, của hồ nước ngọt, của bầu trời.

Đến bãi Bắc Vàn ở phía bắc để thuê tàu qua đảo Cô Tô con, chúng tôi đang thật sự khám phá một hòn đảo không có người ở. Không kiềm chế trước sức quyến rũ của bãi cát đẹp, bà Cynthia Winn, một du khách đến từ California, Hoa Kỳ, chẳng chút ngại ngần bỏ giày lội xuống nước như thể muốn thử lớp cát mịn màng đến mức độ nào.


< Ở đây có thể bắt gặp những khung cảnh tuyệt đẹp như ở vịnh Hạ Long.

Chiếc tàu lướt trên sóng êm ru, nhẹ như đi trên mặt hồ, chúng tôi khoan khoái ngắm nhìn Cô Tô con từ xa, với bãi cát dài trắng phau cùng hàng dương lay nhẹ trong gió. Nơi đây có thể dễ dàng nhìn thấy những con ốc, sò và sao biển ngay trên bãi cát trắng mịn. Ra xa một chút, những dãy đá màu đỏ au nhiều hình thù lạ mắt nằm sát mép biển.

Trở về đảo Cô Tô, bà Winn ra chợ mua rau củ và tự tay làm món salad đãi chúng tôi. Bà đã một mình đi khắp Việt Nam từ Nam ra Bắc, dự định ở Cô Tô ba ngày nhưng vì quá yêu hòn đảo này nên bà quyết định tăng gấp đôi số ngày lưu trú.

Bởi đó là nơi mà mỗi chiều bà có thể đi dạo trên con đường mang tên Tình Yêu chạy ven bờ biển, với những hàng dương xanh rì và lớp gạch mát lạnh ngay dưới chân, hay mỗi ngày nằm trên bãi cát trắng đọc sách, để thấy mảnh đất này thật bình yên, lặng lẽ và khó quên.


< Du khách người Mỹ này đã nhân đôi số ngày nghỉ của mình vì sức thu hút ở đây.

Hướng dẫn thêm:

Để đến các hòn đảo xinh đẹp với những bãi cát dài trắng xóa của vịnh Bái Tử Long, mỗi ngày có một chuyến tàu cao tốc và một chuyến tàu gỗ xuất bến từ cảng Vân Đồn (dân địa phương gọi là cảng Cái Rồng).

Thông thường các tàu đi và về lúc 8g và 13g, số chuyến tùy theo mùa, thời gian tàu chạy đến Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi 30-45 phút với giá vé 50.000-80.000 đồng, tàu Cô Tô chạy khoảng 2-2,5 giờ với giá vé 120.000-150.000 đồng.

Từ các bến xe ở Hà Nội như Mỹ Đình, Gia Lâm, Lương Yên… mỗi ngày đều có 8-10 chuyến xe đến ngã ba Cửa Ông, thời gian khoảng 4 tiếng. Từ đây có thể vào cảng Vân Đồn bằng xe buýt, taxi hoặc xe ôm.

Du lịch, GO! - Theo Gia Tiến (Tuổi Trẻ Chủ Nhật)

Friday, 19 April 2013

Nằm trong quần đảo Bà Lụa thuộc tỉnh Kiên Giang, Hòn Đước là điểm đến lý tưởng cho du khách Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh vào cuối tuần. Đến Hòn Đước mà không nghỉ lại qua đêm là một thiếu sót lớn, xem như chỉ mới khám phá phần nổi của hòn đảo xinh đẹp này…

Từ Ba Hòn hoặc cảng Hòn Chông (huyện Kiên Lương), mất khoảng 1,5-2 giờ đi tàu gỗ là ra tới Hòn Đước. Nếu di chuyển bằng tàu cao tốc, thời gian khoảng 1 giờ. Trên đường đi, du khách nhìn thấy rất nhiều đảo nhỏ. Có những đảo vô cùng hoang sơ, không có người ở. Thời gian ngồi tàu khá lâu nhưng không ai cảm thấy nhàm chán bởi cảnh quan xung quanh luôn thay đổi.

Ở khu vực này có rất nhiều đảo đá vôi, cây xanh mượt bao phủ những khối đá kỳ dị. Các đảo cứ nối nhau, tạo nên một quần thể. Nhiều người ví von khu vực này như một “Hạ Long ở phương Nam”.

Từ xa, Hòn Đước xanh mượt nổi lên giữa biển xanh mênh mông. Tàu đến gần, đầu tiên, du khách thấy bãi sỏi bao bọc phía Đông của đảo. Sỏi muôn hình vạn trạng, đủ màu sắc chất chồng nhau trên bãi, tràn xuống mặt nước. Mặt biển trong xanh, nhìn mát mắt.

Dọc bãi biển, dường như chẳng tìm được một bãi cát nào ngoài đá sỏi. Càng xuống gần mặt biển, sỏi càng lớn. Người ta còn gọi đó là đá trứng vì có hình dáng bầu dục như những quả trứng. Mang kính lặn, du khách nhìn thấy đá trứng nối tiếp nhau trải dài dưới đáy biển. Có rất nhiều loài hải sản sinh sống ở đây. Khu vực này là bãi cạn nên không có tàu bè hoạt động. Hệ sinh thái được giữ nguyên vẹn.

Chỉ cần lật một hòn đá trứng lên, du khách sẽ thấy bên dưới đầy những con ốc, sò bám vào đó. Len lỏi trong những hốc đá là những con hải sâm. Nhiều nhất là những con “nhím biển” – tên gọi khác của con cầu gai. Chúng tụ lại thành bầy cả chục con, di chuyển chậm chạp trên những hòn đá trứng. Ngoài ra, còn có rất nhiều loài cá di chuyển dọc theo bãi cạn.

Hòn Đước vẫn còn giữ được nét duyên bởi sự hoang sơ, mộc mạc. Mọi thứ ở đây đều tự nhiên vốn có. Những gốc cây me, cây bàng hàng chục năm vẫn vững chãi hiên ngang trước biển. Nhiều nhất vẫn là cây đước. Thông thường, đước sống ở khu vực bãi bồi ven biển. Thế nhưng, trên đảo đá này, đước mọc rất nhiều. Chủ đảo còn trồng thêm đước, mở rộng diện tích rừng và nuôi hải sản dưới chân cây đước để phát triển kinh tế. Có lẽ vì vậy người dân quen gọi hòn đảo này là Hòn Đước.

Nếu không ngủ đêm ở Hòn Đước là chưa khám phá được trọn vẹn nét đẹp và sự hấp dẫn nơi đây. Càng về khuya, Hòn Đước càng hấp dẫn. Khoảng 11 giờ đêm, chủ đảo tắt máy đèn. Trăng sáng vằng vặc tạo nét lung linh huyền ảo. Nhìn ra xa, những vệt sáng từ ánh trăng chiếu trên mặt biển bàng bạc. Những chiếc tàu khai thác hải sản ban đêm nhẹ nhàng lướt trên mặt biển như hư như thật, tạo cảm giác liêu trai. Thỉnh thoảng, những cơn gió lùa qua, mang hơi muối nóng phả vào mặt ran rát vì cả ngày ngâm mình trong nước biển và phơi người dưới ánh mặt trời.

< Ngôi trường ghép ở Hòn Đước.

Ngủ trên đảo, phải ngủ lều hoặc ngủ võng mới thú vị. Du khách có cảm giác được hòa mình với thiên nhiên. Sóng xô nhẹ vào bờ như một bản nhạc du dương ru người vào giấc ngủ. Ngủ lều hay võng, du khách đều cảm nhận được thiên nhiên sát bên mình. Tưởng chừng như với tay là chạm mặt biển, chạm vào ánh sáng lung linh của ánh trăng. Đêm nhẹ nhàng đưa du khách vào giấc ngủ ngon lành, không mộng mị.

Chừng khoảng 5 giờ sáng, du khách bị đánh thức bởi âm thanh phát ra từ những ghe máy đánh cá đang đi ngang qua đảo để vào bờ. Lúc này, bình minh nhuốm một màu hồng tím ở rặng đảo phía đông. Trong chốc lát, ánh sáng ấy chuyển sang đỏ hồng rồi sáng rực khi mặt trời nhô lên từ rặng đảo ấy. Dường như chẳng mấy ai bỏ qua cơ hội ngắm biển thanh bình lúc sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên nhô lên từ mặt biển xa xa.

Mặt trời lên nhanh đến mức du khách chỉ có thể chụp được vài kiểu hình ở một vài vị trí nhất định. Khi mặt trời lên hẳn cũng là lúc mặt biển có sức hút kỳ lạ, buộc khách phải trầm mình trong làn nước ấm áp.

< Trẻ em trên đảo Hòn Đước.

Tắm biển buổi sáng thật thú vị. Cả ngày hôm trước, biển hấp thụ ánh sáng mặt trời giờ tỏa nhiệt sưởi ấm bầu nước mênh mông tạo làn nước ấm. Và những con hải sâm, sò, ốc và nhím biển lại kéo du khách phải ở dưới nước lâu hơn. Để rồi trong vài giờ tắm biển, du khách đã có trong tay một rổ to đầy hải sản cho bữa ăn của nhiều người.

Hòn Đước hấp dẫn thế đấy. Vì vậy, cuối tuần nhiều du khách đổ ra đảo để trốn khỏi cuộc sống bận rộn, hòa mình với thiên nhiên.

Du lịch, GO! - Theo Vĩnh Bảo (Cần Thơ Online), ảnh từ nhiều nguồn khác

Friday, 29 March 2013

đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ngày nay còn lưu lại câu chuyện về giặc Tàu Ô, gắn liền với dinh Bà Roi (ở đảo Lớn) và hang Kẻ Cướp (ở đảo Bé).

Chuyện về hang Kẻ Cướp

Ông Nguyễn Văn Thịnh, 78 tuổi, trưởng thôn Bắc (tức đảo Bé, xã An Vĩnh) cho biết: “Hang Kẻ Cướp chính là hang Chàng Thiếp mà lâu nay người dân trên đảo vẫn gọi. Cái tên Chàng Thiếp xuất phát từ câu chuyện trước kia có một đôi nam nữ không rõ ở đâu bị trôi giạt vào đây, thấy có cái hang nên chui vào ở. Sống được một thời gian, thì giặc Tàu Ô xuất hiện, bọn chúng thấy cái hang tốt cho việc ẩn náu nên giết hai vợ chồng để chiếm lấy, từ đấy cái hang mang tên Kẻ Cướp”.

Ông Thịnh ra đảo Bé ở vào năm 1960, lúc này hang Kẻ Cướp còn rất nhiều đồ cổ, gốm sứ, thậm chí vàng bạc. Có một điều lạ ở đây là, hòn đá nằm chếch về phía trước miệng hang cứ lớn dần.

Theo nhiều người, trước kia hòn đá rất nhỏ, mọi người vào ra hang bình thường; nhưng bây giờ nó to ra, ăn liền vào miệng hang, nên cửa hang không còn rộng. “Hồi đó cái hang rộng lớn lắm, nghe đâu chứa vài trăm người, vì vậy mà bọn Tàu Ô mới chọn làm sào huyệt. Tuy nhiên, kể từ khi hòn đá lớn ra, cộng với sóng biển đẩy cát, sạn vào nên bây giờ hang không còn rộng và sâu nữa”, ông Thịnh cho biết thêm.

Và dinh Bà Roi

Liên quan đến giặc Tàu Ô còn có dinh Bà Roi. Trước đây, vùng biển Lý Sơn tấp nập tàu thuyền qua lại nên cướp biển xuất hiện, người dân gọi là giặc Tàu Ô. Khi chiếm được hang Chàng Thiếp làm sào huyệt, giặc Tàu Ô mới biết ở đây không có nước ngọt. Do đó, chúng thường xuyên bén mảng qua đảo Lớn để cướp nước ngọt cũng như lương thực và phụ nữ.

Thăm mộ Bà Phạm Tiên Đièu trong khu Đền Bà Roi.
Một lần vào tháng 5.1645, bọn cướp mò qua bắt một cô gái 16 tuổi tên Phạm Thị Lôi. Sau khi cố gắng la lớn cho mọi người biết có cướp đến, nàng vùng vẫy, thoát khỏi chúng rồi nhảy xuống vũng Thầy Tu tự vẫn.
Nàng trầm mình với tư thế tựa ngồi thiền, mặc sóng cao, gió lớn. Xác của nàng được dân làng vớt về chôn cất và lập đền thờ, gọi là dinh Bà Roi.

Hiện dinh Bà Roi vẫn còn nhưng hư hại nhiều theo sự phá hủy của thời gian. Còn vùng nước nơi bà nhảy xuống bây giờ là nơi tổ chức đua thuyền truyền thống hằng năm của người dân trên đảo Lý Sơn.

Du lịch, GO! - Theo Xuân Khánh (iHay.Thanhnien), internet
Thiên nhiên Bình Ba đẹp và đầy hoang sơ với những bãi cát trắng trải dài, mịn màng như chưa từng có dấu chân người, những quần thể đá granit do sự xâm thực của gió và nước biển tạo nên nhiều hình thù chồng chất kỳ thú.

Bình Ba là một đảo quân sự thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Từ cảng Đá Bạc (Cam Ranh), bạn đi thuyền ra đảo mất khoảng hơn một giờ đồng hồ. Nếu vùng vịnh Cam Ranh như một hình chữ “U” thì Bình Ba là một dấu chấm nằm ở hai đầu chữ “U”, tạo thành hai cửa biển: cửa biển lớn và cửa biển nhỏ. Bình Ba che chắn phong ba bão táp cho vùng vịnh Cam Ranh, dang rộng vòng tay bảo vệ tàu thuyền của các ngư dân về trú ngụ khi gặp bão ngoài khơi. Chính vì lý do đó mà người dân nơi đây gọi tên đảo là Bình Ba.

Với diện tích hơn 300 ha, khoảng trên dưới 1.000 hộ dân, đảo Bình Ba là nơi tập trung ngành nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản, đặc biệt là tôm hùm. Người dân ở đây rất mộc mạc, giản dị và hiếu khách, luôn chào đón mọi người đến với đảo.

Bình Ba còn khá mới đối với dân du lịch theo tour vì không có bất kỳ khách sạn hay dịch vụ cho du lịch. Nhưng đối với dân phượt thì đây là một địa điểm vô cùng hấp dẫn vì vẻ đẹp hoang sơ, chưa chịu nhiều tác động của con người. Một cái thú khi du lịch bụi đến đây là được ngủ lại nhà dân, hòa mình chung với nhịp sống của những người dân trên đảo.

Trên đảo có ba bãi biển đẹp nhất là: bãi Nồm, bãi Chướng và bãi Sa Huỳnh. Bãi Nồm (nơi mặt trời lặn) cát trắng, sạch, là nơi dân ở đây tắm và tập thể dục hằng ngày. Từ cổng vào làng Bình Ba, đi bộ thẳng xuyên qua đảo chừng 5 phút là đã đến được bãi Nồm. Bãi Chướng (nơi mặt trời mọc) có nhiều đá, nước trong xanh. Để đến được bãi Chướng, cần đi thuyền khoảng chừng 30 phút qua cửa biển lớn.

Bãi Sa Huỳnh là bãi ít có người đặt chân đến nhất, vì vùng biển nơi đây sóng lớn, chỉ có thể đi thuyền ra bãi này vào tháng 3 dương lịch. Vào mùa này, biển bãi Sa Huỳnh phẳng lặng không chút gió.

Để đến bãi Sa Huỳnh đi thuyền cũng chừng 40 phút là đến cửa biển nhỏ. Vì có rất ít người được đặt chân đến bãi Sa Huỳnh nên đây thực sự là một thiên đường hoang sơ với bãi cát trắng mịn trải dài tít tắp, làn nước xanh trong mát lạnh, những người từng có dịp đến đây đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng biển này.

Ngoài những bãi biển đẹp, đảo Bình Ba còn là một địa điểm thu hút những người mê lặn biển. Chỉ cần một cặp chân vịt, mắt kính và ống thở, bạn có thể hóa thân thành những nàng tiên cá bên những rặng san hô phong phú đầy màu sắc, ngắm nhìn những đàn cá đủ chủng loại sặc sỡ tung tăng bơi lội bên cạnh các con sao biển, nhum và cầu gai.

Một thú vui khác khi đến Bình Ba là đi thăm bè tôm hùm. Nuôi tôm hùm là ngành nghề chính của ngư dân đảo. Ăn trưa trên bè tôm hùm là một trải nghiệm thú vị. Ngồi giữa bè trên biển lộng gió, thưởng thức gỏi cá mai và món cá bớp nhúng giấm pha chút xá xị thơm lừng cuốn với rau và bánh tráng, hẳn là thứ trải nghiệm không bao giờ bạn có thể quên. Nếu chịu chơi hơn, bạn có thể thử ăn tôm hùm bắt tại bè. Chưa kể, bạn sẽ được thử thách tính mạo hiểm của mình khi đi qua lại những thanh gỗ hẹp bắc ngang dọc bè, ngắm cá bớp nuôi trong những chiếc lồng lớn, quan sát sinh hoạt của ngư dân thường ngày trên bè, hay xem người dân lặn xuống lồng bắt tôm hùm hoặc bắn cá nóc bằng súng bắn tên tự chế.

Một điều không thể bỏ qua nữa ở Bình Ba là ăn quà vặt, cực ngon và rẻ. Bình Ba có chợ sáng và chợ chiều. Chợ sáng họp tầm từ 6 giờ đến khoảng hơn 7 giờ, tập trung các món ăn sáng từ cháo lòng, bún chả cá, bánh bèo, bánh xèo cho đến sữa đậu nành, chè đậu ván, sương sâm, bánh tráng nướng, bánh quai vạt rắc dừa béo ngậy... với giá cả chỉ từ 3.000 - 10.000 đồng cho mỗi món. Chợ chiều họp tầm 4 - 5 giờ với những món ăn vặt như hột vịt lộn, nem nướng, bún vịt, bún thịt nướng, cuốn thập cẩm, cơm rượu...

Trút bỏ những bộn bề lo toan của cuộc sống thành phố, xách ba lô lên xe về với đảo Bình Ba trong một dịp cuối tuần, tận hưởng biển trời bao la, trải nghiệm những điều thú vị, thưởng thức những món ăn ngon lạ thì những mệt mỏi đời thường dường như tan biến hết.

Một lần đến đảo Bình Ba
Bãi biển Bình Ba: Sức hút hoang dã

Du lịch, GO! - Theo Tú Nghi (iHay.Thanhnien), internet

Thursday, 28 March 2013

Nói đến Lý Sơn thì không ít người nghĩ ngay đến quê hương của hành, tỏi và các loại hải sản. Thế nhưng, nhiều người dân trên đảo bảo rằng, khi đến đảo Lý Sơn mà chưa được thưởng thức món rong bìm bìm thì coi như chưa đến Lý Sơn.

Rong bìm bìm, là một loại rong biển dường như chỉ có ở vùng biển Lý Sơn. Loại rong này mọc ở những gành đá xung quanh đảo. Để hái được loại rong này, người dân trên đảo phải đợi 4-5 giờ chiều, khi nước thủy triều xuống, lúc đó nước cạn, người dân mới có thể lội ra hái rong về. Tuy nhiên, loại rong này chỉ có vào tháng 3 đến khoảng tháng 8 là hết.

Việc chế biến món rong bìm bìm cũng khá đơn giản. Sau khi vớt rong về, người dân ngâm lại với nước ngọt để giảm bớt độ mặn. Sau đó, lượm sạch những thứ bám trên rong. Rong được chế biến chỉ hai món, đó là rong trộn và rong xào. Tuy nhiên ngon. hấp dẫn nhất và phổ biến vẫn là món rong trộn. Trước khi chế biến món rong trộn, gia vị cần cho món này là đậu phụng rang (giã nhỏ); rau thơm và rau diếp cá. Chanh vắt lấy nước, thêm gia vị chút ớt, bột nêm, tí đường (tùy theo khẩu vị chua ngọt của người ăn).

Công đoạn tiếp theo là dùng một lượng rong vừa đủ cho người dùng, trụng rong qua nước sôi khoảng 30 giây, lúc này rong sẽ giòn hơn (lưu ý là không trụng rong quá lâu, rong sẽ bị mềm, nhớt và mất hết chất dinh dưỡng). Sau đó đổ rong ra rổ để thật ráo nước. Công đoạn cuối cùng là trộn tất cả các gia vị đã chuẩn bị vào, rồi cho ra dĩa. Thế là hoàn thành món rong trộn hấp dẫn.

Khi thưởng thức món rong bìm bìm trộn, có lẽ khó có ai quên được mùi vị của nó. Rong vừa giòn, vừa có mùi của biển, kèm theo đó là vị chua chua, ngọt ngọt, vị béo của đậu phụng và vị thơm của rau thơm, diếp cá.

Theo một số người dân trên huyện đảo, thì rong bìm bìm có tính mát. Mùa hè có được dĩa rong bìm bìm trộn trong bữa ăn gia đình, hoặc bạn bè ngồi lai rai thì số một. Đặc biệt rong bìm bìm có công dụng phòng ngừa bệnh bướu cổ…

Du lịch, GO! - Theo M.Toàn (QNĐT), internet

Tuesday, 26 March 2013

Chiếc thuyền gỗ nhỏ đưa chúng tôi đi giữa mênh mông sóng nước hồ Trị An. Thấp thoáng những cánh chim trời. Nước hồ sóng sánh đầu mũi thuyền. Xa xa nhấp nhô những hòn đảo vừa gần gụi lại vừa bí ẩn. Mất gần tiếng đồng hồ chúng tôi mới lên được ngọn núi lấp xấp cây.

Từ xa nhìn thấy trên đỉnh núi có một ngôi nhà gỗ cũ kỹ và vài cái chuồng gà. Chiếc thuyền neo tạm trên bãi cát nhỏ. Người chủ nhà tên Trần Văn Long, dáng cao gầy, luôn đội mũ trên đầu, da ngăm đen. Anh ngạc nhiên đón chúng tôi bởi lâu lắm rồi mới có người ghé đảo. Chúng tôi đi dạo quanh đảo, mấy con người nhỏ bé và cả ngọn đồi cũng nhỏ bé trên cái lòng hồ thủy điện vào loại lớn nhất đất nước.

Anh Long sinh năm 1957. Địa chỉ thường trú của anh theo chứng minh là thuộc tổ 2, ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu. Địa chỉ như vậy thôi, chứ ngoài vợ chồng anh và đứa con trai, chung quanh chỉ có nước, gió, cá và những cánh chim. Không một bóng người lạ. Anh kể: “Hồi trước bà con ở rất đông. Xóm làng sầm uất. Dưới vùng đất bằng thì người ta trồng mía, trên đồi cao trồng sắn. Lâm trường cũng rất nhiều công nhân. Bóng áo xanh sớm tối đi về. Cuộc sống Mã Đà thật vui vẻ và đầm ấm. Đến khi đóng đập tràn, nước dâng lên ngập hết tất cả. Mọi người đi hết. Chỉ còn lại ngọn núi cao này không ngập và chúng tôi quyết định ở lại”.

Anh Long vốn là công nhân hợp đồng khai thác lâm sản cho Lâm trường Mã Đà. Khi ấy lòng hồ vẫn còn nhiều công nhân, bạn bè của anh sống với nhau chân tình. Thậm chí, người ta đã nhượng lại cho anh ba mẫu đất để làm vườn sinh sống. Đó chính là ba mẫu đất trên đỉnh núi cao nhất.

Rồi máy móc cũng được đưa về. Chuyên gia, kỹ sư rất đông. Nhà máy thủy điện được khởi công năm 1984, đến năm 1991 hoàn thành. Đập ngăn sông được đắp bằng đất đá hỗn hợp, dài 420 m, cao 40 m, đỉnh đập rộng 10 m. Đập tràn xả lũ dài 150 m, có tám khoang tràn, mỗi khoang rộng 15 m với tám cửa van cung được đóng mở bằng cẩu chân dê 2x125 tấn. Đập chính và các đập phụ tạo nên hồ chứa nước rộng 323 km² với dung tích tổng cộng 2,76 tỷ m³.

Anh Long nói: “Những người hàng xóm của chúng tôi ra đi đã lâu, chẳng biết bây giờ thế nào?”.

Hai vợ chồng anh sống bằng đánh cá, trồng trọt chăn nuôi. Đám gà vừa bắt sâu vừa đẻ trứng. Vợ anh nói: “Lâu lâu chúng tôi đánh thuyền vào bờ mua gạo, nước mắm, đủ dùng cho cả tháng”. Với diện tích ba mẫu trồng điều và các loài hoa trái, họ dành dụm bán cho người trong bờ. Ngôi nhà cũ nhiều năm chưa sửa được. Con trai của anh Long đã lớn, chưa có bạn gái. Vợ chồng anh gửi nó vào bờ để làm dân quân xã, ý để nó quen ai đó, nhưng cậu bảo: “Nhớ nhà, lại quay ra đảo với bố mẹ”.

Những hòn đảo xa xa điều kiện sinh sống khắc nghiệt không có người ở, có chức năng phòng hộ, bảo tồn. Cách đó chừng nửa giờ đồng hồ đi thuyền có hòn đảo mà người thành phố hay lên du lịch. Quanh năm hồ chỉ có những người đánh cá lam lũ, nhiều gia đình sinh sống luôn trên những con thuyền nát. Khi giông gió, họ cập đảo để trú ẩn.

Cách đây vài tháng, có một người đến đề nghị anh chị nhận bồi thường rồi giao đất cho họ làm đảo du lịch. Đếm cây, đếm gà, tính ra mấy trăm triệu. Gia đình sợ rằng vào bờ không đủ mua đất, mua nhà. Chị vợ không muốn đi. Anh chồng thì bảo: “Chúng tôi sống trên này hơn 20 năm, buồn vô cùng. Những lúc ốm đau không biết làm sao. Cực quá mà ở thôi, đền bù hợp lý chúng tôi đi”.

Chúng tôi lên thuyền gỗ, anh Long đứng trong bờ vẫy tay chào. Không biết khi nào họ mới gặp lại những người khách vãng lai. Hai vợ chồng và đứa con lặng lẽ đi lên ngôi nhà cũ kỹ, nơi trú ẩn của họ giữa thiên nhiên hoang dã. Con thuyền xé sóng mà đi. Năm vừa rồi nhiều cơn bão lớn. Có những cơn bão ném hết bè cá lên bờ. Không ai ngờ hồ giữa núi mà bão lớn như thế. Bao nhiêu cá sổng đi hết. Người lái đò bảo: “Sau cơn bão chúng em hóa thành con nợ”.

Trước mắt chúng tôi, một hòn đảo nhỏ với dăm bảy cái chòi, lạ mắt nhất có hai chiếc xuồng du lịch sơn trắng nằm dưới bến. Đảo du lịch, nhưng chẳng thấy khách nào. Bước lên đảo, thấy hai vợ chồng đang ngồi ôm đàn hát cải lương. Một chiếc ghế trống trải bên bờ cát mịn.

Vợ chồng người trông coi đảo bảo: “Chủ đảo là một nghệ sĩ ở thành phố. Tính anh này rất lãng mạn, đã mua hòn đảo làm du lịch, bạn bè sáng tác hay lên chơi”. Có khách ra đảo, họ sẽ được gọi điện báo trước. Hai vợ chồng sẽ đánh chiếc xuồng sơn trắng vào bờ, trước tiên mua gạo mua đồ ăn cho khách, sau đón khách ra đảo. Từ bờ ra đến đảo đi gần hai giờ đồng hồ. Ai cũng mặc áo phao vì chiếc xuồng thật là nhỏ bé, còn hồ rộng mênh mông, sâu hơn 20 m nước.

Khách ra đảo thích ngủ ngoài trời. Dưới chân sóng vỗ, trên trời chim bay. Vào đêm trăng, ánh sáng tỏa khắp lòng hồ, tiếng cá quẫy, tiếng những con gà rừng gáy thao thiết. Người trông đảo bảo: “Du khách thích cắm trại ngoài trời. Đêm nổi lửa trại, hát với nhau. Đôi khi họ bảo chúng tôi hát cải lương”. Chiếc ghi- ta gỗ nứt, anh chồng bật bông tiếng đàn rất ngọt, người vợ cao lớn, cất giọng ca hoang dã nghe nổi cả gai ốc.

Hỏi ra, việc kinh doanh du lịch còn ở thời kỳ manh nha ban đầu. “Lâu lâu mới có một đoàn chừng vài chục khách, chủ yếu thanh niên đi cắm trại”. Những người trên đảo bảo khách thích sống cuộc đời hoang dã, nhưng các “tua” tuyến chưa nhiều. “Du lịch lòng hồ chưa phát triển đâu - Những người trông đảo nói - chúng tôi ở đảo cứ ngóng khách dài cổ ra đấy”.

Mấy cái chòi lợp lá, có đặt giường gỗ, đều đã hư hỏng hết cả. Chiếc lầu ngắm trăng giữa đảo nhô cao, nom quyến rũ giữa không gian vắng lặng, nhưng cầu thang đã mục nát, không ai dám bước lên. Trên sân, gà ta lẫn cả gà rừng. Chúng sống với nhau nom thật bình yên.

Chiếc thuyền gỗ đưa chúng tôi rời đảo. Phía trước, mặt trời đang lặn, những thôn làng xa xa sum vầy. Sau lưng, những hòn đảo lấp lánh ánh hoàng hôn. Bóng người khuất dần sau sóng nước.
Mã Đà ơi, những ngày nhộn nhịp ở đâu. Tôi chợt nghĩ đến giấc mơ những tuyến du lịch sẽ được mở mang nhiều hơn, đưa người ta trở lại với những ngọn đồi sót lại của công trường Mã Đà một thuở. Những ngọn đồi hoang lạnh giữa lòng hồ sâu sẽ lại đầm ấm bóng người nếu phát triển ngành du lịch nơi này.

Giữa thiên nhiên, một thứ thiên nhiên nhân tạo đặc trưng của hồ thủy điện, tôi sẽ nhớ mãi tiếng hát dân gian sâu thẳm, tiếng đàn cổ ngân vang cùng buổi chiều nổi lửa nướng ngô, nướng sắn bên lửa trại cháy bùng bùng. Trên con thuyền gỗ nhỏ, nhìn ra bốn bề, sương khói dưới đáy hồ dâng lên, như trăm ngàn ngôi nhà xã Mã Đà năm nào vẫn còn ở đâu đó dưới sâu thẳm của lòng hồ vậy.

“Nhớ quay lại lòng hồ nhé!”. Vẫy tay chào người trên đảo, chúng tôi hẹn ngày trở lại những ngọn đồi lịch sử Mã Đà.

Du lịch, GO! - Theo báo Nhân Dân, internet
Tôi đến Sơn Chà, hòn đảo nhỏ nằm giữa vùng biển Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế để thử cảm giác đi bụi trên đảo vắng, tận hưởng thiên nhiên với những bờ đá nối dài, những dải cát trắng mịn, những trảng rừng xanh thẳm, hoang sơ.

Ban đầu, khi nghe bạn đường rủ đi Sơn Chà, tôi lập tức nghĩ ngay đến bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng và nghĩ bạn phát âm sai. Tôi không phải người duy nhất nhầm lẫn. Thực tế, Sơn Chà là một hòn đảo nhỏ, chỉ chừng 1,5km2 với chu vi 4km thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nổi lên giữa biển khơi, nhìn xa trông tựa như một chiếc chảo úp ngược nên hòn đảo cao 235 mét so với mặt nước biển và rộng chừng 60 ngàn mét vuông này được dân gian gọi tên là Hòn Chảo.

Xưa, đây là vùng giáp ranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Tưởng nhớ đến công lao của Huyền Trân Công chúa với cuộc tình lịch sử đã bổ sung cho giang sơn Tổ quốc thêm Thuận Châu, Hoá Châu và “thiên hạ đệ nhất hùng quan” Hải Vân, vua Trần cho gọi là đảo Huyền Trân. Để rồi, mấy trăm năm sau, người anh hùng áo vải Quang Trung, sau khi tung hoành dọc ngang đất nước, một lần dạo chơi qua đây, đã cảm kích bởi sông nước hữu tình quá đẹp mà gọi đó là đảo Ngọc. Thời đầu, nhà Nguyễn gọi là cù lao Hàn. Đến thời vua Minh Mạng ban tặng cho hòn đảo cái tên Ngự Hải Đài. Bước sang thời Pháp thuộc là cái tên Sơn Chà, còn lại cho đến bây giờ.

< Tàu ngư dân chở ra đảo Sơn Chà.

Hiếm có vùng đất nào lại có nhiều tên gọi như thế. Nó là sự thể hiện cái nhìn của người đời qua bao thế hệ về hòn đảo nhỏ này, vừa mang dấu ấn và những biểu tượng lịch sử về một thời mở cõi, vừa thể hiện cái dáng hình ấn tượng kỳ lạ, địa thế khó nơi nào có được và cũng cho thấy sự hấp dẫn và vẻ đẹp khiến lòng người mê hoặc mà đất trời dành riêng cho đảo Ngọc- Sơn Chà, được hình thành từ phần kéo dài ra biển của dãy núi Hải Vân, một nhánh đâm ngang ra biển của dãy Trường Sơn để rồi từ đó hình thành nên 2 phần là Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, với 2 vùng tiết trời xa lạ.

Chúng tôi nhìn thấy đảo, nhỏ bé nhưng xanh thẳm, sau một tiếng rưỡi đồng hồ lênh đênh trên biển. Thuyền cập bến, thật thú vị khi được bước chân trên dải cát trắng mịn màng, nhìn ngắm những dải đá nhấp nhô nhiều hình khối và những trảng rừng xanh mướt.

Sơn Chà vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ vốn có. Ngoài chiếc cầu tàu và vài chiếc thang gỗ bắc qua các mỏm đá của một dự án đầu tư dang dở, đảo không có bất kỳ dịch vụ du lịch nào. Trên đảo, có lực lượng bộ đội biên phòng của Trạm kiểm soát biên phòng đảo Sơn Chà thuộc Đồn biên phòng Lăng Cô và các nhân viên của Trạm đèn biển Sơn Chà.

Đây là cây đèn biển vào dạng trẻ nhất Việt Nam, mới xây dựng năm 2007. Trạm kiểm soát biên phòng Sơn Chà nằm ở lưng chừng đảo, còn trạm đèn biển tít trên đỉnh núi. Ở đảo, các anh bộ đội tự trồng thêm rau để cải thiện bữa ăn nhiều chất đạm từ nguồn thực phẩm của biển. Các anh nhân viên canh đèn biển thì hứng nước mưa để dùng dần. Chúng tôi được các anh bộ đội mời ăn cơm, bữa cơm với ốc, cá bắt từ biển và canh rau dại xen rau trồng nấu với cua đá bắt được đêm trước.

Giữa đảo vắng, chúng tôi được thỏa sức vẫy vùng trong làn nước trong xanh, phơi mình dưới nắng hay theo chân anh Thắng, trạm trưởng trạm biên phòng đi thả lưới, giăng câu bắt ốc, cá, tìm cảm giác của Robinson thuở nào. Khi đã ngán cái nắng chói chang, chúng tôi theo con đường mòn với hàng trăm bậc thang dốc ngược nằm giữa những tán cây để lên cây đèn biển. Đoạn đường thử thách sự dẻo dai, bền bỉ của người leo.

< Phút văn nghệ của người lính đảo.

Đứng ở nơi cao nhất này, tôi chắc chắn bạn cũng như tôi, sẽ vỡ òa trong niềm vui sướng khi trước mặt là biển trời bao la và thuyền bè chỉ là nét chấm phá, điểm xuyết bé nhỏ. Để rồi, ở nơi đỉnh cao của vùng đất biển khơi, phóng tầm nhìn về tứ phía mà cảm nhận sự bao la, vô tận của biển khơi với điểm dừng nơi gần hơn là Lăng Cô và xa hơn tý nữa là Chân Mây; cảm nhận màu xanh ngút ngàn của núi rừng hùng vĩ Trường Sơn, nơi có một “nàng tiên” Bạch Mã với vẻ đẹp xao động lòng người. Còn nữa, không xa là thành phố bên sông Hàn thấp thoáng.


< Một trong rất nhiều bãi đá đẹp trên đảo.

Lại phải cảm ơn thêm một con người nữa, ấy là vị vua Minh Mạng nổi tiếng với tài trị nước, đã ban cho hòn đảo tên gọi Ngự Hải Đài, hiểu nghĩa là đài canh, là vọng gác trên biển. Nó như một bổ sung về một giá trị thực tiễn to lớn đổi với hòn đảo nhỏ này.

Buổi tối, chúng tôi được các anh biên phòng cho hai lựa chọn: một là cắm lều ngủ dưới bãi cát, hai là ngủ ở một trong những căn phòng của trạm. Cuối cùng, chúng tôi quyết định xin ngủ nhờ ở trạm, nhưng trước đó thì thả bộ dưới bãi cát, tận hưởng mùi biển nồng nàn cùng ánh trăng vằng vặc. Trên đảo, điện được tạo ra từ máy nổ. Để tiết kiệm dầu, máy chỉ chạy vài tiếng đầu tối. Sau đó thì tất cả chìm vào bóng đêm, chỉ còn tiếng côn trùng và tiếng sóng biển vỗ vào bờ ầm ào.

Sau giấc ngủ say, chúng tôi tận hưởng buổi sáng bình yên, lặng lẽ của đảo. Từ ngôi nhà của trạm biên phòng, phóng tầm mắt ra xa, biển mờ ảo, tinh khôi trong sương sớm. Những ngư dân đã bắt đầu một ngày làm việc mới. Theo lời anh Thắng, “lộc biển” ngày càng cạn nên đời sống của họ cũng khó khăn hơn. Vậy nhưng, chiếc thuyền của các gia đình ngư dân kia vẫn chưa bao giờ vắng mặt, trừ những ngày biển động. Cuộc sống tiếp diễn như nó vốn thế...

Chúng tôi rời đảo, trở về đất liền, trở lại với những lo toan thường nhật và tự hứa với lòng, nếu có dịp, sẽ trở lại Sơn Chà, tìm cho mình chút bình yên từ sóng, từ cát và từ những con người bình dị...

Mặc dầu chỉ cách mũi Khẻm - điểm nhô ra gần nhất của đèo Hải Vân chưa đầy 1km, nhưng muốn đến được đảo chỉ phải đi bằng ca nô hoặc tàu biển (mất hơn nửa giờ đồng hồ) hay thuê thuyền thúng, thuyền máy của dân chài. Ca nô của Đồn Biên phòng 236 Lăng Cô và tàu tuần tiễu của Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh.

Hoang sơ Hòn Chảo

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Phunuonline, Báo Thừa Thiên - Huế, internet

Monday, 25 March 2013

Mấy ngày qua, cộng đồng phượt xôn xao không ngớt về cuộc hành trình vượt biển đêm ly kỳ mạo hiểm bằng thuyền hơi của 4 bạn trẻ từ Sóc Trăng ra đến Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đặc biệt, ớn lạnh hơn nữa là trong 4 phượt thủ này chỉ có 1 người biết bơi và có kinh nghiệm đi biển. Và đêm hôm ấy biển động cấp 6, cấp 7. Phóng viên iHay.vn đã kết nối được với nhóm phượt thủ này để có bài tường thuật chi tiết về chuyến vượt biển thót tim trong thời gian sớm nhất phục vụ bạn đọc. Đây cũng là câu chuyện được rất nhiều cư dân mạng chia sẻ lên Facebook cũng như các diễn đàn phượt trong mấy ngày qua, nhận được rất nhiều bình luận với những ý kiến trái chiều. Nhưng phần lớn đều nói cảm thấy rùng mình, ớn lạnh và lùng bùng lỗ tai khi nghe kể lại chuyến phiêu lưu liều lĩnh như phim nói trên.

< Hải trình dự định.

Câu chuyện chủ đề “Côn Đảo – cuộc hành trình đầy sóng gió” được tạo bởi thành viên KaDi (1 trong 4 bạn có mặt trong chuyến đi) từ ngày 15.3 trên diễn đàn phuot.vn và được cập nhật mỗi ngày bằng hình ảnh và những dòng hồi ức đầy cảm xúc. Topic đã thu hút được sự quan tâm theo dõi cực sôi động của cư dân mạng và phượt thủ.

Trước tiên, cùng nhìn lại những thông tin về chuyến đi có thể khiến nhiều người rùng mình này, bên cạnh đó là các bình luận trái chiều của cộng đồng phượt thủ.

Và hải trình thực tế:


< Chuẩn bị công cụ.

Nội dung topic là câu chuyện về một cuộc hành trình vượt 94km đường biển từ Sóc Trăng đến Côn
Đảo bằng thuyền hơi của 4 thành viên: Vũ Phạm, KaDi, pechuot_nt và một bạn trai tên Trực.

Với “máu phượt” trong người, họ đã liều lĩnh cho thuyền ra biển vào lúc 22 giờ tối trong hoàn cảnh chỉ có thành viên Vũ Phạm là có kinh nghiệm đi biển, còn 3 thành viên còn lại thậm chí… không biết bơi.

< Chuẩn bị xuồng hơi và máy móc.

Thêm một tình huống ngoài dự kiến và hết sức nguy hiểm là đêm đó biển động cấp 6-7. Thành viên KaDi đã chia sẻ trong topic như sau: “Cả nhóm phải vượt đại dương trong màn đêm thăm thẳm, trước những cơn sóng dữ cao 7 -8m, lênh đênh 16 giờ trên biển không ăn, không uống để đến được Côn đảo”. Rất may, cuối cùng họ đều an toàn đặt chân lên Côn Đảo.

< Lên đường!

Các thành viên trên diễn đàn đều bày tỏ sự nể phục đối với 4 nhân vật chính nhưng với nhiều thái độ
khác nhau. Có người nói họ quá ”liều”, có người trách họ quá dại, có người tôn vinh họ là “Phượt’s Got Talent”, thậm chí không ít phượt thủ còn khuyên họ nên đăng ký kỷ lục Việt Nam. Nhưng dù bình luận như thế nào thì hầu hết mọi người đều rất vui mừng khi họ đã bình an vượt qua được sóng gió.

< Rồi đau mình vì gặp bão trong đêm.

Phỏng vấn "thuyền trưởng" lái thuyền hơi vượt biển đêm ra Côn Đảo

Câu chuyện bốn bạn trẻ vượt biển ra Côn Đảo bằng thuyền hơi đang làm “dậy sóng” dân mạng. Nguy hiểm. Kịch tính. Liều lĩnh. Đậm chất phiêu lưu. Rất nhiều người tò mò muốn biết về anh chàng “thuyền trưởng” đã tài tình lèo lái chiếc thuyền phao giữa trùng khơi nhiều hiểm nguy là ai.

< Kiểm tra lộ trình trong giông bão.

Xin nói ngay đó chính là phượt thủ Phạm Vũ, chàng trai sinh năm 1983, làm việc freelance (nghề tự do), chuyên ngành điện. Ở Vũ có chút gì đó kiêu bạc, phong trần và lạnh lùng của một thủ lĩnh. iHay.vn vừa có cuộc trò chuyện hết sức thú vị cùng Phạm Vũ.

* Tại sao các bạn quyết định vượt biển bằng thuyền hơi?

Mình tham gia Hội thuyền hơi Sài Gòn. Đây là loại thuyền thường được dùng để cứu hộ.

< Cập vào thuyền chài của ngư dân để trú qua đêm.

Trước đây, một số anh em trong Hội đã tổ chức đi thuyền hơi từ Hà Tiên ra Phú Quốc và rất an toàn. Mình đã ấp ủ kế hoạch đi Côn Đảo bằng thuyền hơi cách đây hơn hai tháng nhưng các thành viên trong hội cứ bận rộn với công việc nên chưa sắp xếp được thời gian. Trong một lần lang thang trên diễn đàn phuot.vn, mình đọc được dòng tin của một bạn ở Hà Nội đang rao tin muốn tìm người cùng đi Côn Đảo. Mình và một số bạn cùng tham gia và dự định sẽ đi bằng tàu hoặc máy bay. Nhưng cuối cùng, nhóm mình không mua được vé tàu. Còn đi máy bay thì sẽ không mang được thuyền đi theo. Vì vậy, bọn mình quyết định sẽ có một nhóm đi ra bằng thuyền hơi.

< Kéo xuồng theo ghe cho đến sáng...

* Ba mẹ, người thân các bạn có biết về chuyến đi liều lĩnh này?

Chắc chắn là người thân không biết vì chẳng cha mẹ nào muốn cho con tham gia vào những chuyến đi nguy hiểm như vậy.

< Rồi cả nhóm lại lên đường!

* Bạn nghĩ sao khi mọi người cho rằng các bạn quá liều lĩnh, thậm chí "điên rồ"?

Nghĩ lại bọn mình cũng hơi liều mạng. Có người còn cho rằng bọn mình điên. Nhưng những ai từng trải nghiệm loại phương tiện này sẽ biết nó rất an toàn. Thật ra trước khi đi, mình đã trang bị những thứ cần thiết nhất cho một chuyến phượt đường biển.

* Nhưng tại sao phải vượt biển đêm trong điều kiện thời tiết như vậy?

< Qua nhiều giờ đối đầu sóng dữ, cuối cùng thì cũng thấy thấp thoáng Côn Đảo phía xa xa...

Mình có một thời gian sống ở Phú Quốc, theo ngư dân đi đánh cá. Kinh nghiệm của dân đi biển cho thấy ban đêm biển ít sóng gió hơn ban ngày. Tối 8.3, trước lúc khởi hành mình cũng đã tham khảo thời tiết, hướng gió và đặc điểm vùng biển Côn Đảo rồi. Hai bạn mình mới ra đến Côn Đảo bằng máy bay cũng cho biết thời tiết rất đẹp. Thậm chí mình còn chưa tin tưởng lắm mà nhờ các bạn chụp ảnh mặt biển gửi cho xem.

Nói chung thông tin mình nhận được là rất lý tưởng cho cho chuyến đi. Biển êm, không có sóng, gió đông cấp 2-3. Ai ngờ khi đi ra cách bờ khoảng 5km thì gió đã giật tới tấp. Đi được 20-30km thì biển động cấp 6, cấp 7, gió giật rát cả mặt. Động cơ chạy hết công suất cũng chỉ được 12-15km/giờ.

* Khi chiếc thuyền nhỏ bé của các bạn gặp sóng gió tơi bời trên biển, các bạn có lo sợ?

Khi gặp biển động, mình không hoảng sợ nhưng lo lắng nhiều. Thuyền bị gió đẩy sau nhiều giờ trôi dạt. Lúc đó mình cũng không có thời gian nghĩ ngợi gì ngoài chuyện dự trù tình huống xấu nhất là động cơ có thể bị trục trặc bất cứ lúc nào trong khi các thành viên đều chưa có kinh nghiệm đi biển.

< Vào khu vực Bến Đầm - Côn Đảo.

Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, khoảng 12 giờ đêm, mình đã gặp tàu đánh cá. Các anh cho bọn mình sang tàu nghỉ nhờ chờ trời sáng. Đặc điểm của thuyền hơi tuy nhỏ nhưng đi khó bị say sóng. Trong khi đó, tàu cá neo giữa biển trong cơn sóng dữ như vậy thường gây say sóng dữ dội.

Sau khi sang tàu cá được một lúc thì các thành viên say nhừ tử và mệt lả. Sáng hôm sau, nhiều người trên tàu đánh cá mình nghỉ và những tàu đánh cá xung quanh khuyên bọn mình nên trở về và từ bỏ ý định ra Côn Đảo. Lúc đó, thật tình về không đành, mà đi cũng khó. Sau một hồi bàn thảo, 10 giờ trưa, bọn mình quyết định đi tiếp và gần 13 giờ tới Côn Đảo.

* Nếu cho bạn chọn lại, bạn có tham gia một chuyến phiêu lưu như thế không?

Nếu cho chọn lại mình sẽ không đi như vậy bởi vì cả ba thành viên còn lại đều chưa có kinh nghiệm đi biển. Chuyến đi vừa rồi quá nguy hiểm cho họ.

* Có người gợi ý các bạn nên đăng ký kỷ lục những người đầu tiên vượt biển đến Côn Đảo bằng thuyền hơi, bạn nghĩ sao?

- Mình không nghĩ đến chuyện đăng ký kỷ lục. Mình đâu dám đánh đổi tính mạng của mình và mọi người vì “thành tích” như vậy. Chuyến đi là một trải nghiệm và thử thách ý chí. Một trải nghiệm nhớ đời và để lại cho chúng mình nhiều kỉ niệm cũng như kinh nghiệm. Còn mục đích chuyến đi ư? Mình luôn có một khát khao chinh phục thiên nhiên, và tuổi trẻ thường hay muốn làm cái gì đó ngông ngông một tí!

Du lịch, GO! - Theo Phạm Như Quỳnh, Tường Anh (iHay) + Phuot.vn

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống