Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Phong tục - Văn hóa VN. Show all posts
Showing posts with label Phong tục - Văn hóa VN. Show all posts

Monday, 22 April 2013

Làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, không chỉ nổi tiếng với nghề làm trống truyền thống. Nhiều năm nay, Đọi Tam còn nổi tiếng về đội trống nữ có một không hai của cả vùng.

Làng trống Đọi Tam

Với ý tưởng ban đầu là phục vụ cho các lễ hội truyền thống của làng, đồng thời quảng bá hình ảnh và văn hóa truyền thống của quê mình, gần mười năm qua những nỗ lực, cố gắng của các thành viên đội trống nữ làng Đọi Tam đã được nhiều người mến mộ với những màn biểu diễn trống làm say đắm lòng người, tạo nên nét đặc sắc riêng của vùng đồng bằng chiêm trũng Hà Nam.

Khi cây lúa trên đồng bắt đầu bén rễ chồi xanh, công việc đồng áng được nông nhàn, cũng là lúc những thành viên của đội trống nữ làng Đọi Tam lại thu xếp việc gia đình, đồng áng để cùng đoàn mang tiếng trống làng mình đi phục vụ lễ hội khắp bốn phương.

Gặp chị Lê Thị Thúy Thường, một trong những người tham gia đội trống ngay từ những ngày đầu thành lập, khi chị vừa cùng đoàn đi biểu diễn tại TP Hải Phòng về. Không còn cảm giác mệt nhọc của một chuyến đi đường dài, chị Thường say xưa nói về những hoạt động của đội trống làng mình.

Chị bảo: Là người con của làng trống, từ tấm bé tôi đã biết làm trống cùng bố mẹ, những công đoạn khó nhất của việc làm trống là “bưng trống” tôi cũng luôn làm thành thạo với tất cả các loại trống to, nhỏ.  Tuy mỗi loại có cái khó riêng nhưng mình làm nhiều và giành hết tâm huyết thì sẽ thành công.

Có lẽ vì thế, chẳng biết từ bao giờ, những âm thanh của trống như đã ngấm vào máu của chị rồi. Bây giờ, dù có nhắm mắt lại, chị cũng vẫn đánh được đúng các làn điệu. Nhớ những ngày đầu sung vào đội, nghe tiếng trống như đinh tai, nhức óc, ai nấy đều tim đập thình thình. Giờ cảm giác đó với các chị em đều không còn nữa. Thay vào đó là sự cảm nhận được những âm thanh khi du dương huyền bí, khi khí thế tưng bừng, khi dồn dập tiến công…

Nhờ các cán bộ phòng Văn hóa huyện Duy Tiên dày công sưu tầm các bài trống cổ rồi dàn dựng lại và tham gia huấn luyện, các thành viên trong đội trống, đội trống nữ của làng Đọi Tam đã đánh thuần thục được sáu bài trống, có thể biến tấu đa dạng để phục vụ cho nhiều lễ hội, sự kiện khác nhau như: khai hội, bài đệm, kết hội... Tiếng lành đồn xa, mỗi năm, đội trống nữ làng Đọi Tam được mời đi biểu diễn tại hàng chục địa điểm ở nhiều địa phương khác nhau như: Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng....

Mỗi đợt đi biểu diễn như vậy, dù công xá chẳng được là bao, nhưng những thành viên trong đội đều rất nhiệt tình phấn khởi, tự hào bởi đó là dịp để những âm điệu của tiếng trống Đọi Tam đến được với nhiều vùng quê trong mọi miền đất nước, góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa làng nghề truyền thống của quê hương.

Với nghề truyền thống đã có từ 200 năm, làng Đọi Tam hiện có 656 hộ với hơn 2.400 nhân khẩu, có tới 80% số hộ theo nghề làm trống. Với đặc thù làng nghề truyền thống, nên không riêng gì nam giới, các chị em của làng Đọi Tam không chỉ thành thạo với việc làm trống mà họ còn có một tình yêu và cảm nhận được những âm điệu từ trống. Từ đó đã hun đúc ý tưởng thành lập đội trống nữ của làng đối với người trưởng thôn Đinh Văn Lương.

Ông Lương tâm sự: Là một làng nghề truyền thống hàng trăm năm, việc chọn hình thức nào để phát triển và quảng bá cho nghề truyền thống làng mình luôn được người dân chúng tôi trăn trở. Xuất phát từ thực tế những nam giới trong làng hiện là lực lượng chính trong các khâu sản xuất trống và nhiều người lại thường xuyên đi làm xa. Do vậy để huy động các anh em tham gia đội trống rất khó. Khi chúng tôi đưa ra ý tưởng thành lập đội trống nữ, đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và sự chung sức đóng góp của con em người dân làng Đọi Tam đi làm ăn xa.

Năm 2004, đội trống nữ làng Đọi Tam được thành lập. Họ được trang bị dàn trống hoành tráng, bao gồm một trống sấm có đường kính 1,5 m, hai trống đại có đường kính 1,2 m và 45 chiếc trống các loại từ trống giả đồng đến trống cầm tay với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Hiện đội có 48 thành viên nữ đều ở độ tuổi từ 30 đến 50, là độ tuổi lao động hiệu quả nhất. Việc họ bỏ ra thời gian, công sức để tham gia đội là một điều đáng coi trọng.

Đó là lý do lực lượng chủ lực của đội trống đều là nữ giới và chỉ là những người con dâu của làng Đọi Tam mới được tuyển dụng vào đội trống nữ. Đó là nét đặc sắc riêng của đội trống nữ vùng đồng chiêm trũng Hà Nam.

Du lịch, GO! - Theo Đào Phương (báo Nhân Dân), internet

Sunday, 21 April 2013

Có thể đây là lần đầu tiên bạn nghe nói đến tục ngủ ngửi, ngủ duông, ngủ với người chết... tại những vùng cao ở nước ta.

Ngủ ngửi

Người Dao ở Xuân Sơn huyện Tân Sơn, Phú Thọ có một tập tục kỳ lạ là thiếu nữ tới tuổi trưởng thành sẽ thực hiện tục "ngủ ngửi" do tổ tiên truyền lại.

Trai gái đến tuổi cập kê phải... ngửi mùi nhau và ngủ cùng nhau để hai cơ thể quen hơi. Có người nhiều năm đi "ngủ ngửi" nhưng vẫn chưa tìm được người nào hợp hơi; cũng có người một lần đã nên duyên vợ chồng.

Theo anh Bàn Xuân Lâm - chủ tịch xã: một người Dao đeo tiền của thế hệ mới (có nghĩa là biết chữ, có kiến thức, biết tiếp thu và đã làm quen đủ các phương tiện thời hiện đại) thì hiện tại tập tục ngủ ngửi của người Dao đeo tiền ở Xuân Sơn vẫn còn lưu giữ, không bị mai một.

Ngủ với người chết

Theo truyền thống của người Mông đen, xác chết sẽ được giữ ở trong nhà từ 3 đến 5 ngày. Người ta làm lễ Ngựa, tức là đưa xác người chết lên treo giữa nhà để cúng. Họ dùng ván gỗ Pơ Mu hoặc hai đoạn tre dài được ghép lại với nhau thành tấm bằng những sợi dây rừng cho người chết nằm. Họ buộc chân và phần thân người chết trong tư thế nằm ngủ, trên người phủ rất nhiều quần áo chỉ để hở chân và mặt.

Người thân, bạn bè ăn uống, nằm ngủ bên cạnh người chết trong những ngày này trước khi đưa họ về nơi an nghỉ.

Ngủ duông

Người Cơ Tu (còn gọi là người Ca Tu, Gao, Hạ, Phương, Ca-tang) là một dân tộc nói ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Môn-Khmer. Họ có một phong tục đặc biệt riêng là "ngủ duông", tiếng địa phương gọi là lướt zướng.

Người con trai Cơ Tu phải làm nhà ngủ duông vào tầm tháng 9, tháng 10 của năm, sau khi đã thu hoạch xong. Nhà ngủ duông được làm ở nương rẫy hoặc ở bìa rừng. Gọi là nhà nhưng thực chất đây là một chòi được làm bằng các vật liệu tạm như lá cây... và ngôi nhà này được cả làng đều biết.

Hai người có cảm tình với nhau có thể ngủ ở nhà duông cùng nhau từ 3 đến 5 đêm, hoặc hơn thế, để tự do tìm hiểu. Đồng thời, họ không được vi phạm những quy định như cấm quan hệ bừa bãi hoặc có thai trước khi cưới.

Ngủ ngồi

Người dân tộc Đan Lai ở huyện Con Cuông, Nghệ An sống giữa rừng quốc gia Pù Mát có một tập tục hàng trăm năm nay là ngủ ngồi.

Theo lời kể của một già làng, người Đan Lai ngủ ngồi xuất phát từ việc trốn chạy bạo chúa trước đây. Họ vốn sống độc lập, tách biệt với thế giới bên ngoài, chủ yếu mưu sinh bằng nghề săn bắn.
Nơi tập trung sinh sống chủ yếu của họ là rừng quốc gia, luôn chứa đựng những hiểm họa từ động vật hoang dã. Vì vậy, họ chỉ dám ngồi quanh đống lửa để canh chừng thú dữ. Lâu dần thành thói quen ngủ ngồi.

Du lịch, GO! - Theo Kenh14.vn + internet

Thursday, 18 April 2013

Trà Vinh là tỉnh duyên hải thuộc đồng bằng sông Cửu Long, giáp tỉnh Sóc Trăng về phía Tây - Tây Nam (có ranh giới là sông Hậu dài hơn 60km), phía Tây - Tây Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long và phía Bắc - Đông Bắc giáp tỉnh Bến Tre, có ranh giới là sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền).

< Mặt trước nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh.

Đến Trà Vinh, du khách thường ngạc nhiên trước một rừng cây cổ thụ trong lòng đô thị, cảm nhận được một bầu không khí hết sức trong lành. Ngoài những di tích, thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Ba Động, ao Bà Om... và chùa chiền Khmer, nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer nằm cạnh ao Bà Om cũng là một điểm đến thú vị.

< Nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh được thiết kế kết hợp kiến trúc truyền thống và hiện đại.

Hiện nay, cả nước chỉ có hai bảo tàng văn hóa Khmer, một ở Sóc Trăng và một ở Trà Vinh. Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh được khánh thành vào năm 1995, bảo tồn rất nhiều hiện vật phản ánh về đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Bảo tàng có một khuôn viên với nhiều cây xanh và cây kiểng tỏa rợp bóng mát cho cả một không gian rộng lớn.

Nhà Bảo tàng được xây một trệt một lầu theo kiểu kiến trúc truyền thống kết hợp với kiến trúc hiện đại. Tầng trệt là văn phòng làm việc của cán bộ, nhân viên bảo tàng. Dưới cầu thang để lên tầng trên có xây một hồ bán nguyệt, trong hồ nuôi nhiều cá cảnh góp phần tạo cảm giác dễ chịu, thoáng mát. Tầng trên có ba phòng trưng bày hiện vật. Phòng đầu tiên dùng để trưng bày các hiện vật về mô hình các ngôi chùa của người Khmer, có sala dùng để các sư sãi ngồi... Đến gian này, du khách như được đi vào một thế giới khác - thế giới của các thần linh qua óc tưởng tượng bay bổng, lãng mạn và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân.

< Dụng cụ đánh bắt thủy sản của nông dân Khmer.

Đáng chú ý là các tượng chim thần Key-no, hiện thân của nữ thần trong các truyền thuyết tín ngưỡng dân gian của người Khmer, tượng người chim Tết Pro-nam với nghệ thuật cách điệu tinh tế, dùng để trang trí dưới các hiên chùa, tạo đường nét nhẹ nhàng, thanh thoát cho các công trình trong quần thể kiến trúc đa dạng, độc đáo và sinh động.

Phòng thứ hai trưng bày các nông cụ truyền thống của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long; các công cụ sản xuất như khung cửi và đánh bắt thủy sản như đăng, đó, nò, cộ... Óc thẩm mỹ dân gian Khmer được thể hiện rõ trên các công cụ sản xuất và đời sống bằng những màu sắc, đường nét tinh xảo mang sắc thái dân tộc độc đáo ngay trên các chất liệu tre, gỗ và gáo dừa. Chiếc hái cắt lúa được chạm khắc, trang trí hình chim hoặc hình đầu rồng “niêk”. Chiếc cọc cấy lúa chạm hoa văn hình dọc.


< Bộ nhạc cụ dàn ngũ âm.

Trong gian này còn có các loại trang phục truyền thống của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Du khách vào đây sẽ thấy rất lạ lẫm và thích thú trước các hiện vật được trưng bày sinh động với nhiều thể loại khác nhau. Đặc biệt, bảo tàng còn trưng bày một cách có hệ thống về chữ viết của dân tộc Khmer. Phát triển từ chữ Phạn được viết trên lá buông trải qua 12 lần cải biên, chữ viết Khmer mới định hình như ngày nay.

Phòng thứ ba là phòng trưng bày các nhạc cụ truyền thống, các trang phục, đạo cụ, mặt nạ… Những hình ảnh trưng bày tại đây đã tái hiện rất sinh động hai loại hình nghệ thuật sân khấu là sân khấu Rồ-băm (kịch múa) xuất xứ từ nghệ thuật cung đình, sân khấu Dù-kê (kịch hát) ra đời trong dân gian từ đầu thế kỷ XX và phát triển mạnh hơn từ sau năm 1945.

Các nhạc cụ của người Khmer rất phong phú và đa dạng, được chia làm hai loại: dàn nhạc dân gian (nhạc dây) và dàn nhạc lễ (nhạc ngũ âm). Dàn nhạc ngũ âm được chế tác bằng năm chất liệu khác nhau gồm đồng, sắt, gỗ, da và hơi.

Cùng với Bảo tàng Văn hóa Khmer Sóc Trăng, Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách, các nhà khảo cổ, sưu tầm văn hóa dân tộc trong và ngoài nước. Đến đây, chúng ta càng có dịp hiểu được sâu hơn những giá trị văn hóa to lớn mà cộng đồng người dân tộc Khmer đã gìn giữ và phát huy.

Du lịch, GO! - Theo Thời báo Kinh Tế Sàigòn, internet

Sunday, 14 April 2013

Người Mày là một trong những bộ tộc ít người hiện còn lại ở Quảng Bình, cư trú chủ yếu trong 2 xã Trọng Hóa và Dân Hóa thuộc huyện Minh Hóa. Gắn bó với vùng núi rừng và thiên nhiên khắc nghiệt của Quảng Bình từ bao đời nay, người Mày đã xây dựng được những tập quán sinh hoạt văn hóa rất riêng, trong đó có những câu ca điệu hát, lời ru mộc mạc mà đằm thắm, thấm đẫm tình người…

Tháng 10 năm 2012, bộ đội biên phòng Quảng Bình vừa khánh thành bản mới cho người Mày ở huyện vùng biên Minh Hóa, Quảng Bình. Nhân dịp này, CTV báo Pháp Luật TP.HCM đã vào tận bản làng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân tộc anh em để tìm hiểu về phong tục tập quán và đời sống văn hóa của tộc người có hơn vài trăm nhân khẩu này.

Đi tìm vùng đất truyền thuyết

Đường vào với anh em người Mày ở miền biên viễn Minh Hóa, Quảng Bình đi trên núi cao, từng lớp mây xếp lớp như đang lên trời. Bản mới của họ được làm trên một quả đồi như tổ chim đại bàng hùng vĩ, khổng lồ, được tạo ra theo tục lệ cổ xưa của dân tộc này.

Người Mày là tộc người duy nhất chỉ sống ở miền biên viễn Minh Hóa, Quảng Bình, tại hai xã Dân Hóa, Trọng Hóa, với dân số nhỉnh hơn vài trăm người, sống men theo những cái rẫy dốc cao của núi rừng giáp Lào và men khe suối ở thượng nguồn. Mày, theo tiếng của tộc người anh em này có nghĩa là đầu nguồn con nước. Tộc người này thuộc nhóm dân tộc Chứt, là hệ gia đình của nhóm anh em Rục, Mày, Sách, Khùa. Tính tình khí khái, họ chỉ sống ở đầu nguồn nước, bởi theo truyền thuyết, người Mày sinh ra để trở thành chiến binh bảo vệ cương vực cho những người anh em phía dưới chân núi.

Tục ở cổ xưa của người anh em này vốn chọn những quả đồi cao giữa tứ bề núi dựng đứng. Nơi đó họ đủ sức quan sát như mắt chim đại bàng về cách tìm kiếm các sản vật hay thú rừng để vạch lối đi săn. Quả đồi đó cũng như pháo đài để họ cố kết chống lại dã thú hay những bộ tộc khác muốn đánh chiếm, xâm lấn.

Bộ đội biên phòng Quảng Bình vừa khánh thành cho 22 hộ anh em Mày 22 căn nhà trên một quả đồi lý tưởng như thế. Và người Mày xem bản nhỏ của họ là chiếc tổ đại bàng hùng vĩ giữa bốn phía trường thành núi cao. Từ quốc lộ 12A vào với bản Dộ nơi người Mày đến ở mất 30 cây số lầy lội của đường tuần biên mới mở. Trên núi cao Cu Động nhìn xuống bản của người Mày mới mẻ, quần tụ trong ánh nắng rừng, thấy mỗi ngôi nhà sát lại với nhau giữa đất trời, cảnh tượng đẹp lạ lùng.

Hành trình tìm vùng đất thiêng

Người Mày vốn có cuộc sống chôn nhau ở Tà Vờng, Tà Dong, đó là nơi đầu nguồn của giọt nước Hong Uông Trì Huồi, một trong những dòng suối đầu tiên khởi phát ra sông Gianh nổi tiếng. Nhưng gần đây bản làng cũ của họ bị đất núi sạt lở, họ phải đi tìm nơi ở mới.

Người Mày nhờ bộ đội biên phòng tìm giúp nơi nào có mô đất đẹp, thoát được cảnh lở đất, nơi đó phải gần một nguồn nước ở phía cao như từ trên trời chảy xuống. Đồng thời, nơi ở mới phải từng là đất có chim đại bàng tung cánh! Đây là vùng đất từng hiện diện trong truyền thuyết của người Mày, được lớp trước truyền cho lớp sau qua những đêm lửa Khan đầy bí tích.

Già Hồ Xếp kể: “Bản năng của người Mày là bảo vệ những gì xung quanh và cảnh giác với những gì thuộc về xấu xa, dã thú. Người Mày sinh ra đã là anh em với các tộc người khác trong vùng nhưng chọn nơi sống là vùng đất cao hơn các bản làng của những tộc người khác, vì thần núi định đoạt số phận của tộc người mình là chiến đấu và bảo vệ”. Vậy nên nơi ở mới của những anh em Mày phải cao hơn nơi ở cũ, nếu không họ sẽ cương quyết không rời bỏ những nơi đất đá chực chờ vùi lấp.

Và nhiệm vụ này được anh em bộ đội biên phòng Ra Mai - đơn vị từng gắn bó keo sơn với đồng bào các dân tộc anh em trong khu vực, nhất là với người Mày - đảm nhận. Thượng tá Lê Văn Thuận, chính trị viên Đồn Ra Mai, nói: “Dân bản nhờ thì phải làm nhưng việc khó như… bắc thang lên trời, vì chính người Mày cũng chưa tìm ra đất đai trong truyền thuyết, là nơi có ngọn đồi độc lập giữa tứ bề có núi non cao thẳm. Khó cực kỳ nhưng khó mấy cũng giúp dân, bởi giúp được dân mới giữ được đất, giữ được mối tình thủy chung, đoàn kết bền lâu với bản làng”.

Thế rồi ngày ngày, bóng dáng bộ đội biên phòng lầm lũi giữa lau lách đồi núi, phóng bao tầm mắt đẫm sệt mồ hôi tìm đất cho anh em người Mày. Cả hệ núi Giăng Màn rộng lớn, tìm đâu ra thung lũng nào như thế? Từng đôi vai bạc thếch ve áo, từng đôi dép mòn vẹt hết gót, đi mãi giữa rừng trong vô biên khó khăn… Nhưng cuối cùng, cái chân của bộ đội biên phòng đã đặt đến ngọn đồi Mơ Leng, thung lũng hình êlíp, xung quanh núi cao vút, ngọn đồi nhỏ mảnh tựa như tổ chim khổng lồ được chọn. Già làng Hồ Xếp cùng trưởng bản được mời đến. Nhìn bao quát địa thế quanh ngọn đồi Mơ Leng, già làng Hồ Xếp phán: “Vùng đất thiêng đây rồi! Đây chính là nơi được truyền thuyết người Mày kể lại!”.

Bộ đội lại xắn tay áo giúp dân bản san đất dựng nhà. Ngày vào nhà mới, trưởng bản Hồ Khiên nói: “Người Mày trước đây chỉ nghe cha ông kể là ở trên một ngọn đồi độc lập nhưng chỉ qua chuyện kể hằng đêm thôi, bố mình, ông mình ở dọc các khe suối nhưng nhờ bộ đội biên phòng mà tìm được ngọn đồi truyền thuyết này. Cả bản ai cũng ưng bụng, người Mày ở bản khác nhìn vào cũng thích lắm, bởi đây là điều thiêng hiện về”.

“Công xã nguyên thủy”

Với người Mày, mỗi lần bản có khách, không phải chỉ một mình chủ nhà tiếp đãi mà lần lượt các nhà trong bản đều khoản đãi khách bằng những bữa cơm lúa nương và canh măng tươi với lá cọ rừng rất ngon. Tôi may mắn được là một trong những vị khách như thế. Bữa cơm đạm bạc của dân bản Mày thết đãi cho thấy tiềm lực ngôi nhà của họ và cũng bộc toát lên tâm hồn của họ, có cái gì cũng đưa ra mời khách.

Bữa cơm tối của cảnh núi rừng âm u, chỉ bên ngọn đèn tạo ra từ loại dầu của cây Cu Lết trên rừng. Giữa bản có nhà bắt được mớ cá khe cũng đưa đến chung vui đãi khách, rồi hỏi han bao chuyện cuộc sống miền xuôi, miền ngược. Người Mày đang tồn lưu những gì thuộc về công xã nguyên thủy, mọi thứ thuộc về mưu sống họ đều chia sẻ, kể cả với khách phương xa.

Ngày nay, buôn bán đã tràn đến bản làng người Mày bằng chiếc xe máy của đội quân buôn chuyến, người Mày đã có thể ăn được con cá trích, cá nục từ dưới biển đưa lên. Nhưng họ thật sự chỉ dừng lại ở vật đổi vật ngang giá, đồ dưới xuôi đổi các đặc sản rừng, không hề có kỹ năng ngã giá. Một số người Mày đổi sản vật cho các lái buôn chuyến thành tiền, có người vẫn không biết phân biệt giá cá nục thế nào, mắm muối ra sao. Tôi đưa 200.000 đồng cho chị Y Phăng, vợ trưởng bản Hồ Khiên, đi mua cá, chị thấy rõ số 2, không đọc được các số 0 phía sau. Ra chợ, chị mua đúng con buôn lừa mánh, 200.000 đồng chỉ được một ký cá. Hỏi sao chị không ngã giá, Y Phăng trả lời: “Không biết mô”…

Không chỉ có vợ Hồ Khiên, nhiều người khác cũng như thế, bởi mãnh lực núi rừng kéo họ lại với quá khứ ngày xưa nhiều hơn, những va chạm và tiếp xúc với văn minh quá ít nên chưa thể bào mòn ý thức xưa cũ. Người phụ nữ Mày vào rừng vẫn nhanh nhẹn với tài hái lượm, đàn ông Mày vẫn dẻo dai với săn bắn thì ý thức công sản của ngày nguyên thủy vẫn đeo bám tâm trí họ. Nhưng cái được lớn nhất là người Mày rất hào hoa với khách đường xa.

Những chiến binh núi Ku Lôông

Ngày xưa, khi vùng đất miền tây Quảng Bình lắm giặc và nhiều dã thú, tộc người Mày nhận lãnh trách nhiệm chiến đấu ngăn chặn xâm lấn bờ cõi, tiễu trừ mãnh thú và bảo vệ nguồn nước. Người Mày trở thành chiến binh được các tộc người anh em phía dưới ngưỡng mộ.

Trong suy nghĩ của người Mày, họ là những chiến binh dũng mãnh nhận lãnh nhiệm vụ ngăn chặn xâm lấn và bảo vệ nguồn nước. Chính đạo chia nước và cuộc sống không tư hữu của họ khiến các tộc người anh em phải ngưỡng mộ.

Chuyện kể rằng thời thượng cổ, người Mày và anh em khác ở bóng núi Giăng Màn thường bị các tộc người lạ vây đánh. Họ thoắt ẩn, thoắt hiện, đánh đuổi người Mày, người Khùa… chạy từ núi này sang núi nọ. Một hôm, thần núi Ku Lôông báo mộng, bày cách cho người Mày chống lại những bộ tộc xâm chiếm. Thần phán muốn thắng giặc thì phải chọn ngọn đồi độc lập giữa thung lũng, biến nó thành pháo đài để chiến đấu. “Thần còn chỉ cho chúng tôi cái cây có chất độc, cách làm ná, cung tên tẩm độc, cách lấy ong rừng đánh đuổi kẻ thù, đặc biệt là kỹ thuật bẫy lao, bẫy chông ba khía. Từ đó, người Mày đã đứng lên đánh bại kẻ thù, trở thành chiến binh vĩ đại của những bản làng khác nên đặc ân ở trên ngọn đồi hùng vĩ, cao nhất” - già làng Hồ Xếp kể.

Lễ trưởng thành

Tuổi trưởng thành của con trai người Mày được đánh dấu bằng một nghi lễ đơn sơ nhưng cũng đầy thách thức đối với những “chiến binh” tương lai của bản. Đến ngày lành tháng tốt, con trai phải vào rừng lấy mật, phải đi bằng chân trần, tay không mang gì, lưng chỉ đeo một A Chăng (cái gùi lót lá cọ khô - NV) để đựng tổ ong. Tìm được tổ ong, con trai Mày dùng khói, hun gốc cây, lấy lá cọ kết lại, làm mặt nạ quanh mặt và quanh thân để tránh ong đốt. Lấy được mật, họ phải đưa về trình già làng để già làng chia đều cho cả bản. Khi ấy, bản làng mới công nhận đứa con trai ấy đã trưởng thành.

Trong nếp nhà của người Mày đều thờ cúng vị thần tổ Giang Bra, thần của các vị thần. Bản người Mày không lập miếu thờ chung mà chọn một nơi cao ráo, sạch sẽ để hành lễ. Khi có lễ, già làng đưa đến ba cây gỗ, cắm kiểu chân kiềng, trên đó sắp mâm cúng gồm gà luộc, cá suối và thuốc rừng, mời thần Giang Bra, thần Ku Lôông về dùng cùng dân bản rồi phù hộ cho bản bình yên, nương rẫy tốt tươi, săn bắn được nhiều chim thú.

Đạo chia nước

Người Mày rất quý nước, nhất là nước đầu nguồn. Họ ý thức rất rõ thứ tài nguyên vi diệu này đối với cuộc sống, không chỉ của họ mà còn với những tộc người anh em ở phía dưới nguồn.

Đêm, bên bếp lửa nhà sàn, già làng Hồ Xếp ngồi nghiêm trang kể chuyện cho lũ làng nghe cách tổ tiên bảo vệ nguồn nước như thế nào. “Khi đánh đuổi những bộ tộc xâm lấn, các nguồn nước bị làm phép cho cạn kiệt, trời cũng chẳng cho mưa về. Còn lại cái giếng nước vuông và cái giếng nước tròn của Ku Téc (thần đất), nơi đó cũng là nơi lãnh vực biên ải của người Mày. Vì vậy, người Mày cố công bảo vệ. Bao lần kẻ thua cuộc dã tâm bỏ thuốc độc nhưng không thể tiếp cận cái nước của thần Ku Téc bởi sự thiện chiến của chiến binh Mày. Bảo vệ được nguồn nước, người Mày cầu thần Ku Lôông cho được trời mưa, giải khỏi lời nguyền xấu, nước ở trời men theo tường vách dựng đứng của hệ núi Giăng Màn tưới mát cho tất cả anh em Mày, Sách, Khùa, Rục… và cả người Kinh dưới xuôi của dòng sông Gianh...” - giọng già làng Hồ Xếp lầm rầm.

Bởi vậy, địa thế của người Mày ở bản mới có được hai nguồn nước như chảy xuống từ trời, một ngọn Hong Tà Râu, một nguồn Hong Pà Ài, rì rào chảy qua nương rẫy, đổ xuống dòng Rào Nậy để nuôi nấng các bản làng phía dưới. Già làng Hồ Xếp nói: “Nước không dành riêng cho người Mày mà dành cho những anh em khác nữa, chiếm nguồn nước là điều không thể ác hơn”.

Người Mày cuối năm thường có lễ chia nước ngọt hứng từ mái nhà sàn hoặc lấy ở nguồn nước suối. Lễ chia nước cho các gia đình trong bản đều do người có trọng vọng (già làng, trưởng bản) chia, mỗi nhà chừng một lít nước. Đó là cách họ muốn ẩn ý sự chia sẻ tài nguyên tự nhiên để bảo tồn cuộc sống. Có nước, người Mày mới nhớ đến nhau và nhớ đến những người anh em láng giềng khác.

Cùng với lãnh nhiệm bảo vệ nguồn nước, đạo chia nước của người Mày khiến những tộc người anh em kính trọng, nể vì. Nước như một vị thần bản thể đi ra từ ý thức của họ, không có nước thì không có sự sống, không có sự tồn tại.

Chia thịt mùa săn

Cứ vào tháng 7 mùa mưa rừng, người đàn ông Mày chuẩn bị ná, tên độc từ một loại cây họ sung mọc bên suối có nhựa cực độc. Vào lễ săn, già làng cúng mở cửa bản, hòn đá thiêng của bản đặt bên gốc cây khô, quanh bản có một cửa ra được gọi là cửa lên trời. Những cây lồ ô được rút ra, mỗi thợ săn được mời bước qua đó và dùng máu gà sống bôi lên trán, chỉ dấu về hùng mạnh của các chiến binh người Mày năm xưa.

Những chuyến đi săn của người Mày thường kéo dài từ một tuần đến cả tháng. Lương thực họ mang đi chỉ là ít bắp ngô và sắn, còn gạo thì phải nhường cho trẻ em, phụ nữ và người già. Già Hồ Xếp nói: “Không bới gạo đi cũng là chứng tỏ bản lĩnh của con trai Mày dẻo dai như cây rừng”.

Họ đi vào rừng và phân công tốp săn một cách thông minh. nếu dùng bẫy họ đi theo dấu vết của thú rừng, phát hiện đường đi, họ sẽ làm một cái bẫy cạnh nơi có nước, thú đến đó sẽ mắc bẫy. Nếu là săn bằng ná và tên độc, họ thường có người tiền trạm đi trước, phát hiện có thú, một tiếng huýt như tiếng chim ưng được phát ra, cả nhóm bủa thành hình vòng cung và xả tên vào con thú. Chưa bao giờ người Mày đi săn trở về tay không.

Một con heo rừng, con nai, con mang hay bất cứ loài thú nào bắt được, người Mày đều chia cho tất cả thành viên trong bản. Ngoài phần thịt như mọi người, người đầu tiên phát hiện con thú được chia thêm cái đầu - biểu tượng của một chiến binh, một thợ săn thiện nghệ.

Tôi được trưởng bản Hồ Khiên dẫn đi săn thú. Một ngày quần rừng trời mưa, những động loạn khiến mọi con vật lẩn trốn. Tưởng phải tay không ra về nhưng cuối buổi, trưởng bản Hồ Khiên cũng bắt được một con rắn to và một chú thỏ rừng. Ông không vội đưa chiến lợi phẩm về nhà mà kính cẩn mang đến nhà già làng Hồ Xếp để vị già làng phân chia. Số thịt làm ra không nhiều, già Xếp nói chỉ phân cho một số nhà khó khăn và gia đình Hồ Khiên. Riêng tôi được già phân cho một miếng thịt thỏ và một khúc thịt rắn, bởi tôi có công đi với Hồ Khiên, đồng thời là vị khách đặc biệt của bản.

Con thú có bầy, con chim có đàn

Bạn có hình dung nổi không, ngay trong thế kỷ 21 này, vẫn còn có nơi sau mùa rẫy, người ta thu hoạch lúa, ngô, khoai sắn xong bỏ vào cái lán trên nương. Ở đó, dòng họ, anh em đều được phép mang về nhà ăn, ai đói cũng có quyền nói với trưởng tộc hoặc già làng rồi xin chủ nhân được ra lán lấy ít lương thực về ăn. Anh em Mày chia nhau miếng ăn như chia nhau những câu chuyện kể về nguồn gốc của tộc người mình.

Già làng Hồ Xếp nói: “Cái người Mày nhà này có mà người Mày nhà khác không có thì phải cho nhau, vì có khi mình không có thì người khác cho. Người Mày mỗi bản vài nóc nhà, không cưu mang nhau để sống bền với rừng thì thua con thú, con chim - chúng sống còn có bầy, có đàn, huống chi người Mày mình, chẳng lẽ không hơn con chim, con thú!”.

Với người Mày, nhà cửa là cái chỉ để ở, để che mưa che nắng cho các thành viên trong gia đình, không cần thiết phải nhà to, thang rộng, nhà này phải hoành tráng hơn nhà kia. Cho nên nhà cũ của họ (khi chưa được bộ đội biên phòng Quảng Bình chuyển đến quả đồi Mơ Leng hùng vĩ như tổ chim đại bàng) nó đơn sơ, giản dị đến cùng cực. Chỉ đến khi bộ đội biên phòng giúp dựng nhà mới, họ mới nghe kể về sự trọng đại của việc làm nhà trong đời, như lễ trưởng thành của người Mày trở thành chiến binh của bản.

Người Mày cũng biết chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng mới chỉ dừng lại ở vài con gà, con heo, con chó. Và có lẽ đó cũng là một trong những thứ họ tư hữu đầu tiên trong ý thức của mình bên cạnh những vật dụng đơn sơ nhất trong mỗi gia đình.

Người Mày còn truyền tụng nhau nhiều lời ca điệu hát. Cùng với tập tục và nghi lễ cưới vợ, những làn điệu hát ru của người Mày có thể coi là một gia tài văn hóa độc đáo của một tộc người được sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Trường Sơn đại ngàn. Mặc dù đã đi qua chiến tranh, đã ít nhiều bị văn hóa hiện đại xâm nhập… nhưng đến nay bà con người Mày ở Minh Hóa Quảng Bình vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo ấy.

Nếu có dịp trở lại Trường Sơn huyền thoại, qua địa phận Quảng Bình, du khách hãy dừng chân ở Minh Hóa để biết thêm một tộc người anh em bản địa, dân số tuy chỉ ngàn người có lẻ, nhưng họ có một tư duy triết lý thông minh, một gia tài văn hóa độc đáo rất cần được tìm hiểu và chung tay gìn giữ bảo tồn…

Du lịch, GO! - Tổng hợp theo báo Pháp Luật TP, Quảng Bình 24...

Monday, 8 April 2013

Đến các bản làng người Cơ tu, nhất là vào dịp Tết hoặc mùa lễ hội, bên cạnh việc chiêm ngưỡng các sơn nữ Cơ tu với trang phục đẹp, đeo những vòng kiềng bằng bạc (p’nâng), chuỗi hạt cườm (h’rát), chuỗi mã não (l’lát) màu huyết dụ hay vàng cam rực rỡ, du khách còn được mục kích các đấng mày râu người Cơ tu đeo những vòng cổ bằng bạc trắng, hay các chuỗi mã não (c’rôn), trông thật uy nghi.

< Vòng đeo cổ (c’rôn) là trang sức chủ đạo của người đàn ông Cơ tu lớn tuổi.

Ngày trước, người Cơ tu sống theo chế độ phụ hệ, họ của con lấy theo cha, chỉ người con trai mới được thừa hưởng gia tài.

< Mỗi hạt mã não trên c’rôn xưa kia ngang giá một con trâu.

Theo tập tục của người Cơ tu, khi người họ này đi lấy vợ họ kia, thì người họ kia không được lấy vợ ở họ này, mà phải tìm một họ khác để lấy. Tập tục của người Cơ tu cũng cho phép khi người chồng chết, người vợ có thể lấy anh hoặc em chồng và khi người vợ chết, người chồng cũng có thể lấy em hay chị của vợ.

Việc kết hôn thường mang tính chất gả bán, sau lễ cưới cô dâu đến ở nhà chồng. Chế độ một vợ một chồng rất phổ biến, tuy nhiên cũng có một số người khá giả lấy hai vợ. Người Cơ tu khi qua đời, có tục lệ chia của nên những đồ trang sức như coòng, mã não… cũng được chôn theo cùng người chết. Vì thế, rất hiếm những chuổi mã não ngày xưa còn đến nay.

< Vào dịp Tết, cưới hỏi… không thể thiếu c’rôn trên trang phục lễ hội.

Già làng Đinh Văn Bớt (67 tuổi), ở thôn Tà Lâu, xã Ba (Đông Giang - Quảng Nam) cho biết: Ngày trước, trai Cơ tu nghèo, không có mã não thì rất khó lấy vợ. Do không có của (mã não) nên tạm thời những thanh niên Cơ tu nghèo phải lấy những người phụ nữ góa chồng, tuổi cao gấp 3 - 4 lần tuổi mình.

Sau 4 - 5 năm, người thanh niên kia làm ăn có của cải thì cưới vợ trẻ hơn. Và món quà đầu tiên để làm sính lễ với cha mẹ vợ cũng là vòng mã não. Ngược lại, một người đàn ông Cơ tu giàu có, có thể cưới con gái Cơ tu khoảng 15 tuổi. Người Cơ tu đeo càng nhiều chuỗi mã não thì chứng tỏ càng giàu có, quyền lực, đại diện cho giới thượng lưu.

< C’rôn với nanh heo rừng dài là biểu tượng của sức mạnh, địa vị.

Đối với đàn ông Cơ tu đứng tuổi, vòng đeo cổ là một loại trang sức chủ đạo, không thể thiếu trong trang phục hằng ngày cũng như vào dịp Tết, lễ cưới, hỏi, lễ hội... Những chuỗi trang sức (c’rôn) bằng những hạt mã não nhỏ hình tròn hay bầu dục, xen kẽ giữa các hạt mã não là những nanh heo rừng, lông gáy heo rừng, vuốt con gấu, hình nhân gỗ làm bằng gỗ quý… C’rôn đẹp, với những chiếc nanh heo dài… là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực, địa vị của những người đàn ông Cơ tu cao tuổi.

Già làng Y Công (82 tuổi), thôn Tống Coói, xã Ba (Đông Giang - Quảng Nam) kể: “Ngày xưa, người Cơ tu rất quý mã não. Trai Cơ tu thường tặng người yêu những hạt mã não. Không những thế, của hồi môn của cha mẹ cho con gái Cơ tu về nhà chồng cũng bằng mã não, tùy theo khả năng từng gia đình mà cho nhiều hay ít. Ngày xưa, mỗi hạt mã não được trao đổi ngang với một con trâu, con bò. Còn ngày nay, chỉ 50.000 đồng cũng mua được một chuỗi mã não (10 hạt), tất nhiên là không đẹp và quý như những hạt mã não ngày xưa còn lại. Một số đôi tân hôn người Cơ tu ngày nay đã biết đeo nhẫn cưới cho vợ chồng của mình thay vì những chuỗi mã não”.

Du lịch, GO! - Theo Khánh Loan (Báo Tin Tức)

Friday, 5 April 2013

Người Raglai ở đất É Lâm gọi rượu cần là tà-pai. Như đồng bào các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, ngày thường chủ nhân của tiếng đàn Chapi hiếm khi uống rượu tà-pai. Người Raglai chỉ vít cần rượu những khi buôn làng có lễ hội, nhất là vào dịp cuối năm, khi lúa đầy bồ, khi núi rừng khoác màu xanh áo mới.

Người Raglai làm rượu cần rất công phu với nguyên liệu gồm nhiều loại rễ cây, lá rừng có vị thuốc. Cũng chính vì vậy mà rượu cần Raglai rất thơm ngon và bổ dưỡng, ai đó đã vít cần một lần hẳn sẽ mãi đắm say, ngây ngất!

Một lần đến É Lâm, tôi hết tỉnh lại say. Say không chỉ vì men rượu tà-pai đượm nồng mà còn vì tình đất tình người miền sơn cước!

1. É Lâm là tên gọi ngày trước của huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Thời Pháp, É Lâm được phân chia thành hai tổng É Lâm Thượng và É Lâm Hạ, trực thuộc quận An Phước. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp trên đất Ninh Thuận, trước sự hăng hái đồng lòng đuổi giặc của đông đảo bà con dân tộc thiểu số, để có mật danh cho chiến khu, cán bộ hoạt động vùng É Lâm đã đặt tên cho vùng đất sinh sống qua bao đời của đồng bào các dân tộc Cơ Ho, Chu Ru và đông đảo nhất là Raglai tên gọi… Bác Ái.

Nhắc đến É Lâm ngày trước và Bác Ái hôm nay, người ta thường liên tưởng đến những trận đánh huyền thoại của người Raglai chỉ với cung tên, giáo mác và những chiếc bẫy đá đã khiến hết quân Pháp rồi lại Mỹ hồn xiêu phách lạc. Mà tiêu biểu, đi vào lịch sử chống ngoại xâm kiên cường nhất vẫn là trận đánh của anh hùng Pi-năngtắc trên đỉnh núi Gia Rích vào năm 1961.

Vượt dặm trường xa, qua biết bao con suối, ngọn núi, chúng tôi tìm đến vùng đất É Lâm ngày nào không chỉ vì khâm phục tinh thần thép của tộc người Raglai kiên cường, mà còn vì ấn tượng trước sức sống quật khởi cùng kho tàng văn hóa đặc sắc của tộc người nơi đây, ấn tượng nhất vẫn là văn hóa uống rượu cần mà người bản xứ quen gọi… tà-pai.

Như rượu tà-pai của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh những nét chung như được ủ chế từ cây rừng, có mặt trong các lễ hội, lễ bỏ mả đến lễ cưới, đám tang, lúc được mùa…, rượu tà-pai của người Raglai ở É Lâm có nhiều điểm khác lạ. Lạ từ cách ủ rượu, những kiêng cữ trong quá trình làm men đến những quan niệm, những nghi thức trước khi vít cần rượu truyền tay nhau cái tinh túy của núi rừng ở vùng đất núi thật cao, sông thật sâu, và lòng người thì chân chất, hào sảng như sông như núi.

Chúng tôi ghé nhà bà Mấu Thị Bích Phanh (xã Phước Đại), nguyên Phó chủ tịch huyện Bác Ái và nghe bà kể nhiều điều kỳ thú về men rượu tà-pai. Bà Phanh sẻ chia rằng nếu ai đó uống rượu tà-pai vào ban ngày, vài ba người cùng vít cần rượu như thế không phải là người biết thưởng thức tà-pai, mà chỉ là kẻ thèm rượu.

Bà Phanh nói muốn uống tà-pai cho đúng bài đúng phép, cho cảm được tinh túy của hương núi hương rừng, cũng như cảm cả tình đất, tình người Raglai thì phải uống tà-pai vào đêm hội, khi giữa làng bập bùng ánh lửa, uống trong tiếng mã la thúc giục, uống cùng những chàng trai cô gái Raglai tràn đầy sức sống, uyển chuyển trong những điệu múa, điệu nhảy cổ truyền của tộc người. Phải uống tà-pai như thế mới gọi là uống!

2. Để làm nên những ché rượu tà-pai, các bà các chị người Raglai tâm sự là rất kỳ công. Và không phải ai ủ rượu tà-pai cũng ngon, cũng đậm hương vị. Các cụ già cho biết ngày trước và bây giờ cũng vậy, đàn ông Raglai chỉ cần vít cần rượu tà-pai là đủ biết tính tình của người ủ rượu, rằng người ấy có sâu sắc, có khéo tay, có tinh túy, có nồng nàn hay không. Nhưng nói là nói thế thôi, chứ phụ nữ Raglai nổi tiếng khéo tay hay làm, dệt váy đẹp mà ủ rượu cũng ngon hết biết.

Nghệ nhân Pinăng Thị Lêl ở xã Phước Trung (Bác Ái) bật mí rằng khách miền xuôi đến É Lâm khi được mời uống rượu tà-pai đều ngất ngây, đều tấm tắc khen ngon, khen cái hương vị ngòn ngọt, chua chua, cay cay, nồng nàn đến rất riêng, rất lạ. Tất cả là nhờ loại men ủ rượu được làm từ nhiều loại rễ cây rừng trộn với thành phần chủ đạo là ớt hiểm, ớt chỉ thiên, củ riềng, rễ cây pateh, rễ cây dong, rễ cây rawe…

Khi tạo được men rồi, các bà các chị Raglai thường ủ men với bắp, mì, bobo… "Phải bịt kín ché rượu, không để nó thoát hơi" - nghệ nhân Pinăng Thị Lêl nói rõ cách thức: "Khi ủ xong,  khoảng một tuần là men dậy. Lúc đó không được di chuyển ché rượu. Cũng không được để những thứ có vị chua bên cạnh ché. Để như vậy ché rượu sẽ không ngon, sẽ rất chua không thể uống được". Cũng theo nghệ nhân Pinăng Thị Lêl, nếu ủ không đủ ngày, ủ không đúng kỹ thuật thì rượu không ngon, khiến người uống rượu bị đau đầu…

Có một điều rất lạ mà các bà, các chị người Raglai đều thuộc lòng là trong quá trình làm men, tuyệt đối không được gõ nia phát ra tiếng ồn cũng như không được cãi nhau, không được gây sự, không được để lòng mình có những hờn ghen, thù hằn và phải tắm rửa sạch sẽ. Nếu bóng hồng nào đó vi phạm điều cấm kị này, làng sẽ phạt nặng.

Sau này qua tham khảo từ các già làng, mới biết quy định ấy có thâm ý sâu xa. Tổ tiên người Raglai quan niệm rượu tà-pai là rượu đại đồng, là rượu hội, rượu lễ, là thứ rượu kết nối, hàn gắn mọi người với nhau. Khi vít cần rượu tà-pai chuyền tay nhau, từ đây mọi người là anh em, là bạn bè, là lúc tình thâm giao, bằng hữu được thắt chặt. Nên đồng bào không chấp nhận thứ rượu thiêng rượu lễ ấy lại được làm ra từ con người hoen ố về thân xác lẫn tính cách.

Chỉ riêng quan niệm, suy nghĩ ấy thôi đủ để thấy rượu tà-pai của người Raglai đong đầy bề dày văn hóa thâm thúy và rất người. Đồng bào quan niệm như thế cốt lõi để tự răn mình, bởi chỉ khi con người ta sạch sẽ, tâm hồn khoáng đạt, cao thượng, vị tha thì men rượu mới tốt, ché rượu tà-pai mới thơm ngon đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của nó!

3. Rời Ninh Sơn, chúng tôi đến xã vùng cao Phước Thắng và ơn Yàng, lại được những người con Raglai, những chủ nhân của núi rừng nơi này đón tiếp thịnh tình bằng những ché rượu tà-pai thơm lựng, cùng bao điều kỳ thú khác liên quan đến men rượu đại ngàn. Đêm hôm ấy, trong ngôi nhà ấm cúng nơi đầu làng Ma Oai, ông Pi-năng Thạnh, cán bộ cách mạng lão thành mắt rực sáng khi nói về rượu tà-pai.

Ông bộc bạch rằng như mã la (như cồng chiêng Tây Nguyên nhưng không có núm), những ché rượu tà-pai gắn bó với đời người Raglai từ khi sinh ra đến lúc chết. Và cũng như mã la, đồng bào xem những ché rượu tà-pai là tài sản không thể thiếu được trong mỗi gia đình, trong đời sống của mình.

"Đến lễ Tết, nhà nghèo cỡ nào cũng có vài ché rượu mời bạn đãi khách. Nhà khá giả thì có nhiều ché rượu hơn. Và khi làng có việc (thường thì lễ bỏ mả-PV), mọi nhà cùng mang rượu đến nhà người chết, hay ra khu vực bỏ mả đặt để ché rượu cạnh nhiều ché rượu khác rồi cùng khui, cùng uống với nhau".

Sẻ chia của già làng Pi-năng Thạnh gợi chúng tôi nhớ đến những lần tham dự lễ bỏ mả của đồng bào Jrai ở xã Ia K'reng thuộc huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Rai. Khi gia đình nào đó có lễ tang hay đến thời điểm làm lễ bỏ mả, tùy điều kiện mà người trong làng cứ thế mang những ché rượu đến góp, cùng uống, cùng say. Người khó khăn thì góp 1 ché rượu. Người khá hơn thì góp 2, góp 3 ché rượu. Cứ thế trong một lễ bỏ mả, có lần tôi chứng kiến người làng góp cả trăm ché rượu, trải dài hàng chục mét, ai uống cứ uống, ai say cứ say, tỉnh rồi lại uống… Càng ngẫm càng thấy tục góp rượu trong lễ bỏ mả của đồng bào các dân tộc vùng cao sao mà dễ thương, đáng yêu quá!

Con cá bắt ở suối nước lửa hồng. Lá bép - thứ lá mà người S'tiêng ở tỉnh Bình Phước tin rằng là món khoái khẩu của loài tê giác một sừng nay đã tuyệt chủng tại Việt Nam được gói lá chuối, rồi tung vào lửa, khi lá chuối chuyển từ màu xanh sang màu vàng là rau chín (đồng bào gọi là canh nướng)…, thêm chén muối ớt, thêm vài đọt rau rừng, già làng Pi-năng Thạnh bày "mồi" ra đó, mời khách chung vui. Lúc này ché rượu tà-pai được khui, hương rượu thơm ngào ngạt.

4. Uống rượu tà-pai, người Raglai hàm ẩn nhiều ý nghĩa. Đây là lúc người làng bày tỏ sự kính trọng người già, bằng việc mời các cụ vít cần rượu uống trước, sau đó đến lượt những người luống tuổi, và người trẻ hơn. Uống rượu tà-pai cũng là lúc mà người Raglai muốn nói với nhau rằng giờ đây chẳng có rào cản về đẳng cấp, chẳng có chỗ cho kẻ trên người dưới, mọi người cùng bình đẳng với nhau, đến lượt mình ai đó cứ uống cho bằng cạn, nước vơi sẽ được đổ đầy ché rượu rồi đến lượt người khác, sự công bằng rõ ràng đến từng giọt. Uống đến khi nào rượu nhạt mới thôi!

Khi say là lúc người Raglai thoát tục, là lúc họ hòa với đất trời, núi rừng và chìm sâu trong bản sắc văn hóa đa chiều qua bao đời người vẫn nguyên vẹn nét hoang sơ. Khi ngây ngây trong men nồng tà-pai, những người già sẽ kể chuyện cổ, chuyện thơ, chuyện ngụ ngôn cho lớp con cháu nghe. Rồi cũng chính những nghệ nhân ở tuổi xế chiều ấy sẽ hát những làn điệu hari ikhat yulukal (hát kể sử thi) huyền hoặc. Và lúc này, những chàng trai, cô gái sẽ đối đáp với nhau, ngỏ lời với nhau bằng những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ…

Uống rượu tà-pai với tộc người Raglai là như thế. Là bạn hãy tạm dẹp bỏ những lụy phiền của cuộc sống xô bồ đầy toan tính, hòa vào nhịp sống chẳng chút vẩn đục của đồng bào. Đừng giấu mình, đừng quá đạo mạo, đứng đắn mà hãy cứ hết mình, hãy uống mặc sức, uống thật say. Rượu tà-pai được ủ từ tấm lòng, tình cảm của những người vợ, người mẹ Raglai nên đằm thắm lắm, êm dịu lắm, chẳng có chuyện đầu nhức như búa bổ hay cơ thể mệt mỏi rã rời. Lên rừng uống rượu tà-pai, say xong sẽ tỉnh, tỉnh xong lại say, cứ thế vui cho hết đêm ngày, cho trọn tình trọn nghĩa!

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Thành (An Ninh Thế Giới), internet

Saturday, 23 March 2013

Như thường lệ, cứ vào ngày 1/2 (âm lịch) hàng năm người dân thôn Thiều Xá, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa lại tổ chức ăn tết lại để tưởng nhớ một vị thần hoàng có công giữ nước.

< Làm lễ chuẩn bị rước kiệu.

9 giờ sáng ngày 1/2, hàng ngàn người dân xã Cầu Lộc lại rồng rắn kéo nhau về đền thờ ngài Lê Phúc Đồng, một vị anh hùng được nhà vua giao cho sứ mệnh chống giặc ngoại xâm thế kỷ thứ 15 tổ chức ăn tết lại để tưởng nhớ đến vị anh hùng này.

Vào ngày này, ngoài việc vui chơi, lễ hội của làng thì mỗi hộ dân trong làng đều làm bánh dày, thịt gà, cua, cá… thờ cúng như một cái Tết Nguyên đán thật thụ. Dọc các tuyến đường làng, cờ hoa giăng khắp nơi, trẻ con được mặc áo đẹp, người người đi “xông” nhà nhau và họ mời nhau chén rượu đầu xuân.

Sau nghi thức lễ, người dân trong làng sẽ được tham gia phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: bóng chuyền, kéo co, nấu xôi làm bánh dày…

< Rước kiệu trên đường làng.

Ngày tết lại của người ân thôn Thiều Xá chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng theo chị Nguyễn Thị Hoa, người dân ở đây cho biết họ đã phải chuẩn bị đồ đạc, gà, ngan từ cách đó cả tháng. “Quan niệm của làng, ăn tết lại bao giờ cũng tổ chức to hơn tết Nguyên đán. Bởi đây không chỉ là truyền thống mà đó là tưởng nhớ vị anh hùng”.

Ông Nguyễn Tiến Năng (83 tuổi), già làng cho biết, anh hùng Lê Phúc Đồng người thôn Thiều Xá, xã Cầu Lộc. Tương truyền, ông là người tài năng, đức độ theo vua Lê đi đánh giặc phương Bắc.

< Đồ xôi để làm bánh dày.

Trận đánh đầu tiên là vào 26 tháng chạp. Sau khi thắng trận, ông trở về người dân làng Thiều vui mừng ca hát, ông lại cho mở chợ Thiều và phiên chợ này mỗi năm chỉ họp một lần.

Lúc bấy giờ giặc Minh mở rộng xâm lược, nhà vua cử ông đi trấn ải vùng biên cương. Chiến tranh diễn ra liên miên nên mấy năm ông không về quê ăn tết. Có một lần trở về quê thì vào mãi cuối tháng Giêng, vì vậy ông tổ chức cho dân làng ăn tết lại vào ngày 1/2 âm lịch.

< Đông đảo người dân tham gia ăn tết lại ở đình làng.

Sau khi ăn tết xong, Lê Phúc Đồng cùng thuộc hạ của mình lại lên đường đi đánh giặc. Trận thuỷ chiến trên sông Mã, do nước sông chảy xiết cộng mưa to, gió lớn nên thuyền lật, ông và một số binh lính đã chết. Từ đó người dân lập đền thờ ngài và để tưởng nhớ tới công lao to lớn của ông, dân làng hàng năm vẫn tổ chức ăn tết lại.

Du lịch, GO! - Theo Lê Anh (Vietnamnet)

Sunday, 17 March 2013

huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có đến 90% là đồng bào H’rê. 
Nhưng bây giờ, muốn tìm một bản làng có nhà sàn đẹp, còn mang đậm nét nguyên sơ của người dân tộc thiểu số H’rê để nghe họ gõ túc chiêng, hay nghe các điệu kà lêu, kà choi thì nên về xã Ba Nam, cách huyện lỵ Ba Tơ 40km, giáp huyện An Lão, tỉnh Bình Định.

< Một góc thôn Làng Dút.

Mùa xuân, dòng suối Lếch nước trong xanh. Phía trên dòng suối là thôn Làng Dút 1 gồm 45 hộ, với trên 200 nhân khẩu cư trú, chỉ toàn là những ngôi nhà sàn, có cột làm bằng gỗ ké, sàn bằng gỗ lim và vách là gỗ chò.

Giữ cho dòng suối trong xanh

Đưa tay chỉ chiếc cột nhà bằng gỗ ké có đường kính hơn một vòng tay ôm, ông trưởng thôn Phạm Văn Hải nói, hồi đó, Ba Nam có những cánh rừng lim, chò cao ngút tầm mắt. Nhưng để giữ cho con suối trong xanh, theo lệ của làng, hộ dân nào muốn chặt cây gỗ để làm nhà, thì họ phải xin phép các già làng, chọn những cây gỗ lớn nằm trong khu vực cho phép mới được khai thác, chứ không được chặt phá tràn lan.

Sau khi được các già làng đồng thuận, chủ hộ về bày lễ cúng Giàng rồi mới nhờ bà con cùng vào núi khai thác gỗ. Cây gỗ ké – mối mọt đục không thủng, nắng mưa không mục – được người H’rê chọn để làm cột cái chống đỡ nhà sàn. Muốn làm cột, đồng bào phải đốn hạ và để giữa trời cho nắng mưa làm bong tróc vỏ, sau đó, họ mới lấy lõi cây khiêng về. Còn cây lim, cây gõ, sau khi đốn hạ, cưa xẻ xong chuyển về nhà cũng để cả năm trời, họ mới đem làm ván sàn, vách gỗ.

Khi bước vào những ngôi nhà sàn của người dân tộc H’rê ở xã Ba Nam, ai cũng có thể cảm nhận một không khí mát rượi vào những buổi trưa hè và thật ấm áp trong những ngày mùa đông giá rét. Tại nơi đây, có những ngôi nhà “tam đại đồng đường”, người H’rê cho ngăn ra, mà khi đứng phía ngoài nhìn, ai cũng có thể phân biệt bằng những cửa sổ ngay bên hông nhà sàn.

Tuy nhiên, chừng mười năm trước, khi con đường từ thị trấn Ba Tơ về Ba Nam được mở, thanh niên người dân tộc thiểu số có dịp tiếp xúc, làm ăn với người Kinh, nên họ muốn làm nhà trệt, mái lợp ngói. Nhưng rồi, với cái giá lạnh buốt xương của miền rừng núi, cộng với sinh hoạt bất tiện, nên sau khi suy đi tính lại, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã từ bỏ ý định làm nhà trệt, mái ngói như người Kinh.

Trong khi đó, theo tháng năm, những ngôi nhà sàn của người H’rê với những cây cột gỗ ké, ván sàn bằng gỗ lim, vách bằng gỗ chò đã lên nước, ngày càng trở nên bóng láng. “Ở làng, có lúc, có những người Kinh giàu có, họ lên đây tìm mua cả xác nhà sàn, rồi họ thuê cả chủ nhà cùng người dân trong thôn xuống dưới xuôi để dựng lại nhà sàn trong vườn nhà của họ. Nhiều người ra giá cho một nhà sàn trên trăm triệu đồng, nhưng bà con mình do sinh ra, lớn lên từ nếp nhà sàn, nên họ không chịu mua bán gì đâu”, già làng Phạm Văn Măng nói giọng tự hào.

Nên bảo tồn nhà sàn của đồng bào H’Rê

Theo phó chủ tịch UBND xã Ba Nam, ông Nguyễn Duy Minh Phụng, những năm gần đây, xã vận động đồng bào H’rê thực hiện chủ trương vui xuân đón tết phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm; không được đón tết kéo dài làm ảnh hưởng đến việc học hành của con em. Trước tình trạng các ngôi nhà sàn đang mất dần trên nhiều bản vùng cao, xã chủ trương vận động đồng bào gìn giữ nề nếp ở nhà sàn và xã có kế hoạch kiến nghị cấp trên nên cho bảo tồn nhà sàn, cùng các làn điệu dân ca của đồng bào H’rê ở xã Ba Nam.

Không như người Kinh cùng nhau đón tết, người H’rê ở Ba Nam lại đón tết theo từng bản. Khi bản này tổ chức đón tết thì họ mời sui gia, người thân ở các bản khác đến dự, sau đó, bản khác tổ chức đón tết thì bản này lại kéo nhau sang. Theo già làng Phạm Văn Huyền ở bản Xà Ây, xã Ba Nam, để đón tết, từ đầu năm trước, mỗi hộ đều chọn con chua (con heo) nuôi cho thật lớn để tết giết thịt làm món cúng Giàng.

Nhấp chén nước chè tươi, già làng Phạm Văn Tành kể: “Đồng bào mình trước đây một năm đón hai cái tết: tết Đeang’Yoh vào tháng 7 âm lịch, tết này họ cúng heo, gà, nhưng chỉ dừng lại ở từng gia đình, chứ không mời khách. Còn tết quan trọng nhất là tết deng kân – tức tết ngã rạ mừng mùa lúa mới vào tháng 3 âm lịch. Ngày tết của người H’rê, nhà nhà cúng Giàng, cúng thần linh, thần nước, cúng con trâu, bà con uống rượu cần và hát múa những điệu hát truyền thống”.

Trước ngày tết một tháng, cánh trai tráng trong làng kéo nhau vào rừng tìm rễ cây loangblo đem về cùng với củ gừng, củ riềng đem cắt nhỏ trộn bột nếp ủ thành men; sau đó, họ chọn loại nếp rẫy dẻo quánh, có mùi thơm đem nấu, rồi ngâm ủ cho lên men thành rượu cần Ba Nam (nổi tiếng khắp vùng tây Quảng Ngãi). Sau đó, họ tổ chức săn nhím, săn chồn lấy thịt phơi khô để lên giàn bếp. Đến ngày giáp tết, bà con lại ra suối bắt cá niêng, vào rừng hái măng, bắt con chuột lách để cho bữa cơm ngày tết được thêm thịnh soạn.

Tết của người H’rê diễn ra trong ba ngày. Trong đêm tết đầu tiên, giữa đêm khuya, nhà nhà tổ chức lễ vô lá, tức lễ cúng Giàng, vật cúng là nắm cơm, nắm muối và một quả trứng gà. Sau lễ cúng, những người mẹ, người vợ, những cô gái bắt đầu gói bánh ga gu – loại bánh nếp lá dong không nhân, rồi nấu để sáng sớm ra, họ vớt bánh làm lễ vật cúng thần nước và cúng con trâu.

Ông Phạm Văn Tành, cho biết: “Với đồng bào H’rê, nguồn nước là nơi nữ thần Va Da ngự trị, là nơi giữ hồn người, giữ gia tài, súc vật của bản làng. Đồng bào cúng thần nước là để tri ân nguồn nước đã giúp cho người dân bản cấy cày, gieo hạt trên nương, có được sự no đủ, đồng thời, họ mời thần nước về cùng ăn tết với dân bản”. Sau lễ cúng thần nước, nhà nhà cúng rước ông bà cùng về đón tết. Nghi lễ cũng có rượu cần, có bánh ga gu và đầu heo.

Tiếp theo lễ cúng thần nước, cúng rước ông bà, người H’rê lại cúng chuồng trâu (gọi là quay ca pơ) với những lễ vật gồm: gà, bánh ga gu và rượu trắng. “Người H’rê quý con trâu lắm! Nhờ có con trâu cày bừa, đồng bào làm ra lúa gạo, nên đồng bào làm lễ vật cúng thần linh phù hộ cho con trâu khoẻ mạnh, để giúp mình cày cấy”, ông Tành nói.

“Không say không về”

Trong ngày tết thứ hai, sau khi cúng thần nước, cúng trâu, người làng thường gõ túc chiêng, vỗ ra vút bằng ống lồ ô để báo mùa xuân đã về, hay họ hát điệu kà lêu, kà choi. Khi vỗ đàn ra vút, một người dùng tay bịt đầu ống để nén âm, một người giữ ống lồ ô, còn một người dùng tay để vỗ. Những tiếng chiêng, tiếng ra vút, tiếng hát điệu kà lêu (điệu hát kể về thần linh, về người anh hùng của cộng đồng), tiếng hát điệu kà choi (tức hát đối đáp với giai điệu rất mượt mà, tình cảm với những đề tài tình yêu quê hương, lứa đôi) cùng hoà âm, vang vọng khắp bản thôn, ngân vang cả núi rừng.

Sau khi hát múa, những thanh niên lại sà vào những mâm cơm được dọn sẵn gồm: cơm nếp, thịt kho, canh rau dớn nấu ốc đá, thịt luộc, bánh ga gu, rượu cần, cá niêng nướng chấm muối ớt, đặt ở giữa giữa sàn để họ cùng nhau chia sẻ. Họ ăn món cá niêng chấm muối béo ngậy, món bánh ga gu dẻo quánh, cùng nếm với rượu cần Ba Nam nổi tiếng thơm lừng, thế rồi, tất cả họ cùng ngất ngây...

Rồi đêm xuống, trong tiết trời lành lạnh, cánh thanh niên lại chất củi ngoài sân đốt lửa, lại tiếp tục hát múa, họ gõ túc chiêng và uống rượu cần cho đến ngày thứ ba, người dân trong bản mới chấm dứt cuộc vui và chủ nhà này lại đến thăm chúc tụng nhau. Do người H’rê vốn hiếu khách, nên sau khi chếnh choáng men say, họ vẫn cứ vít cần rượu bảo nhau cùng uống thêm chén nữa. Bởi lẽ, theo họ, khi vui thì phải uống cho say; nếu không say, thì không về; mà đã say thì sao còn tìm được lối mà về nữa.

Du lịch, GO! - Theo Cẩm Thư (SGTT), ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống