Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Wednesday, 3 October 2012



Ngay bên cạnh Red Valley là Pasabag Valley và thông thường thì người ta ngủ đêm tại một ngôi làng tại đó để hôm sau đi khám phá tiếp. Tuy nhiên, tôi lại chọn quay về Goreme để rồi hôm sau lại mất công quốc bộ 5km quay lại. Đúng là dại. Pasabag là một trong những nơi tiêu biểu cho phong cảnh của Cappadocia với những cột đá fairy chimney nằm giữa những thửa ruộng nho. Cũng chính vì sự hiện diện của nho làm rượu mà nó có tên là Pasabag, trong tiếng Thổ có nghĩa là “vườn nho của Pacha”.   


Ngoài tên Pasabag Valley, thung lũng này còn có tên Monks Valley. Tại sao lại cái tên này?  Có thể là do các nhóm cột đá có dáng vẻ giống như những nhà tu sĩ mặc áo chụp mũ thời trung cổ nên người địa phương mới đặt tên như vậy. Thêm nữa, khu vực xung quanh Pasabag xưa kia là nơi có một cộng đồng thiên chúa giáo sinh sống và phát triển rất mạnh.  Cũng giống như ở Goreme, ở đây có rất nhiều fairy chimney nhưng đặc thù của chúng là có hình dáng giống như những cây nấm khổng lồ và tất cả đều được người dân đào khoét bên trong để tạo thành nhà ở. Ngày nay, không còn ai ở đây nữa nên tất cả đều bị bỏ hoang. 


Từ thung lũng Pasabag, chỉ đi thêm khoảng 1km nữa là tôi đến được Zelve Valley, nổi tiếng với quần thể các tu viện đào sâu trong núi đá. Nhìn từ xa, Zelve Valley là những vách đá có hình giống như vó ngựa với hệ thống các bậc thang và vòm khoét sâu bên trong. Xưa kia, đây là nơi cộng đồng thiên chúa giáo sinh sống và nó mạnh đến mức Zelve là cả một thị trấn phồn thịnh chứ không phải là một làng mạc nghèo nàn như bây giờ. Thực ra thì cấu tạo các tu viện này cũng không có nhiều khác biệt so với các tu viện mà tôi đã thăm ở Goreme Open Air Museum nhưng nó giúp tôi mường tượng ra số lượng tu viện ở đây nhiều đến chừng nào. Thực đúng là xứ sở ngàn lẻ một tu viện! Khu vực này cũng nằm ngay gần một con đường dải nhựa nên hiển nhiên xe du lịch sẽ ùn ùn kéo đến giống như ở Goreme hay Ushisar. Lúc tôi đến đây thì cũng rơi vào tầm giữa trưa, chắc là lúc các đoàn du lịch đi ăn trưa nên không có nhiều người đến thăm. 

dưới cái nắng 38°C, trước khi  nhảy vào khám phá Zelve Valley, tôi tạm ngồi nghỉ nhâm nhi một ly trà Thổ

 Tôi cảm thấy thán phục sự sùng đạo của những người tu hành nơi đây. Cả cuộc đời của họ chỉ sống thu hẹp trong cộng đồng, ngày nào cũng lặp đi lặp lại mấy động tác ăn,ngủ,trồng trọt và cầu nguyện cho đến khi qua đời.  Và điều đó làm tôi thấu hiểu hơn được phần nào các bài học trên giảng đường đại học. Thật vậy, không giấu gì các bạn, tôi theo học khoa học xã hội nhân văn bên Pháp trong vòng 2 năm học đại cương. Trong chương trình học có rất nhiều giờ học liên quan đến lịch sử phát triển một số tôn giáo chính trong đó có thiên chúa giáo. Tôi được học sơ qua sự hình thành và phát triển của các tu viện cũng như các cộng đồng sống tuân theo một dòng Thánh nào đó và được biết qua sự khổ công tu luyện của họ. Nhưng trăm nghe không bằng một thấy, hành trình khám phá của tôi ở Cappadocia và sau này ở Syria và Ai Cập đã giúp tôi tích lũy thêm những hiểu biết phong phú hơn về thiên chúa giáo. 



 Tại quần thế tu viện Zelve, các tu sĩ tu luyện theo dòng thánh Saint Simeon, một vị thánh có đặc trưng là giành cả cuộc đời sống trên một mỏm đá cao chót vót hứng chịu mưa gió ở trên đó như một sự thiêu thân vì đạo. Ừa mà tại sao ông ta phải khổ thế nhỉ ? Ông thánh Simeon này thực ra cũng giống như nhiều tu sĩ ẩn dật khác ở Trung Đông, muốn bắt chước theo chúa Jesus, phải sống khổ thì mới đắc đạo. Noi theo phương pháp tu hành của Saint Simeon, các tu sĩ ở đây cũng tự xây cho mình một gian phòng cầu nguyện bằng cách khoét một lỗ nằm ở đỉnh các cột đá cao chót vót. 

phòng ăn chung của các tu sĩ.

 Thăm các vết tích ở Zelve, tôi chợt nhận ra rằng các bức vẽ bằng màu nước trên bề mặt tường có những vết xước rất đặc biệt được tạo ra từ các vật dụng sắc nhọn . Điều đó làm tôi nhớ lại một số thông tin tôi tìm được trước khi đến Cappadocia. Các vết xước này không phải là do thiên nhiên tạo ra mà là do con người và chính xác hơn, chúng được tạo ra dưới thời Ottoman. 


Vào thời điểm ấy, Ottoman là một đế chế theo đạo Hồi. Tuy rằng những thần dân theo đạo thiên chúa giáo được tự do tín ngưỡng, vẫn có một số đạo luật của đạo Hồi được áp đặt. Và tiêu biểu trong số đó là cách thể hiện tôn giáo thông qua nghệ thuật vẽ tranh. Theo tín ngưỡng của đạo Hồi, những con mắt là biểu tượng cho con mắt của quỷ sa tăng, không phải là điều lành. Thêm nữa, người hồi giáo rất sợ rằng khi người thường nhìn thẳng vào mắt của những tác phẩm tranh thì họ sẽ cảm nhận được sự linh thiêng của chúa jesus và sẽ chuyển đi quy theo đạo thiên chúa giáo. Người Hồi giáo sợ con chiên của họ phản đạo đi theo thiên chúa giáo vốn dĩ là một tôn giáo kẻ thù không đội trời chung. Vì thế, nhất thiết phải hủy tất cả những đôi mắt có trên khuôn mặt người trên các bức vẽ thiên chúa giáo. Đó là lý do vì sao tôi thấy các vết xước đều nhằm trúng mặt của chúa jesus hay đức mẹ đồng trinh hay bất cứ khuôn mặt người nào
 


Khi mà đế chế Ottoman tan rã vào đầu thế kỷ 19, cộng đồng thiên chúa giáo ở Zelve nói riêng và Cappadocia nói chung còn chịu thêm vài biến động xấu nữa. Vào năm 1924, sau một hiệp định thống nhất giữa hai người láng giềng Thổ và Hy Lạp, những người theo đạo thiên chúa giáo (được coi là thiểu số ở Thổ) bị ép buộc phải rời khỏi đây, chấm dứt một thời gian dài chung sống trong hòa bình giữa hai cộng đồng thiên chúa giáo và hồi giáo trong khu vực. Bản thân những người dân theo đạo hồi ở đây cũng không thể sống ở Zelve lâu dài. Vào những năm 1950, nguy cơ sói mòn sạt lở đất ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Zelve và toàn bộ dân cư phải sơ tán sang khu mới với cái tên Yeni Zelve (Zelve mới). Còn khu Zelve cũ (hay Zelve Valley ngày nay) chỉ còn là một ngôi làng bỏ hoang. 




 Zelve Valley là điểm sáng nhất trong ngày và sau đó, tôi tìm đường quay trở lại Goreme. Trên đường về, tôi đi qua một ngôi làng mang tên Cavusin. Tôi nán lại thăm ngôi làng này một chút vì rất ấn tượng với bức tường đá khổng lồ được sử dụng làm khu cư trú của người dân. Rất độc đáo ! 


Nhìn từ dưới lên, ta có cảm giác như do bị đục khoét nhiều lỗ quá nên bức tường đá dường như sắp sập xuống đến nơi. Và trên thực tế đúng là như vậy. Lo sợ nguy cơ sạt lở đó, người dân địa phương quyết định từ bỏ những ngôi nhà trong các lỗ đó và chuyển xuống xây nhà ngay dưới chân bức tường. 


 Từ Cavusin, có một khúc đường mòn dẫn ra đại lộ rải đường nhựa và tôi cứ men theo con đường đó để trở về Goreme. Chiều dài của con đường này cũng phải tầm 4km và tôi bắt gặp khá nhiều xe du lịch 45 chỗ đi qua, chắc là để đến thung lũng Zelve. Trong lúc đi bộ thì tôi tình cờ thấy một chiếc xe chủ động dừng lại cho tôi đi nhờ. Tốt quá, đang mỏi chân! Hai người lái xe là khách du lịch thuê xe tự lái để khám phá loanh quanh. Sau một hồi nói chuyện, tôi phát hiện ra ngay âm nói tiếng Anh của họ đặc chất Pháp. Và thế là cuộc nói chuyện giữa tôi chuyển từ Anh sang Pháp. Hai nữ du hành gia Pháp cho tôi đỗ xuống giữa trung tâm Goreme. 

Để tổng kết lại khoảng thời gian 5 ngày đầu tiên ở vùng Cappadocia, có thể nói rằng việc khám phá các thung lũng xung quanh Goreme không gặp quá nhiều khó khăn vì khoảng cách cũng chỉ tầm 10km đổ lại và với đôi chân quen đi bộ thì đối với tôi điều đó không có gì là khó. Tuy nhiên, thăm hết những gì lân cận Goreme thì chỉ là 70% của vùng Cappadocia. Tôi bắt đầu lan tỏa ra đi khám phá những vùng xa hơn. Điểm mà tôi muốn đến thăm là thung lũng Ihlara Valley cách Goreme tầm 80km. Vấn đề nan giải ở đây là không có nhiều phương tiện công cộng giúp tôi có thể đến đây. Phương pháp duy nhất là bắt xe khách nhưng để đến được Ihlara Valley thì phải chuyển đến 3 tuyến và mất toi cả ngày. Vì thế, tôi đã không ngần ngại lựa chọn việc mua tour của một công ty du lịch địa phương nằm ở Goreme. Ngay gần bến xe của Goreme là một loạt các văn phòng nhỏ nằm san sát nhau và họ đều offer cùng một loại tour đến Ihlara Valley và giá thì cũng xấp xỉ nhau, tầm 35$. Lịch trình của tour cũng không tệ lắm, ngoài Ihlara Valley thì tôi còn được thăm làng Derinkuryu nằm sâu dưới lòng đất nhưng lí do chính để tôi mua tour này chẳng qua là để bám càng chiếc xe con của họ để có thể đến được Ihlara Valley và đi hiking ở đó. Thế thôi.


Theo như những thông tin tôi thu thập được, làng Derinkuyu rất nổi tiếng và hầu như tất cả các day trip từ Goreme đều phải thăm làng này. Vậy cái gì làm nó nổi tiểng ? Đó là vì đây là cả một hệ thống làng mạc nằm dưới lòng đất giống như địa đạo Củ Chi. Trong tiếng Thổ, derinkuyucó nghĩa là « cái giếng sâu ». Vì sao người ta lại đào sâu xuống lòng đất và sống ẩn dật chui lủi trong những điều kiện khó thở ? Có lẽ phải giải thích nguồn gốc từ những thế kỷ đầu sau khi chúa Jesus qua đời. Vùng Cappadocia vào những thế kỷ 2-3 là nơi có cộng đồng Thiên chúa giáo rất mạnh. 


Tuy nhiên, hồi ấy đạo này bị đế chế La Mã đàn áp thẳng tay do họ lo sợ sự cạnh tranh với lòng tin vào các vị thần thánh Hy-La. Bất cứ môn đồ nào của Thiên chúa giáo bị bắt là đều bị đem đi hành hình. Để trốn tránh sự truy lùng của quân La Mã, những người dân thường theo đạo Thiên Chúa phải đào sâu xuống lòng đất và chế tạo nhà ở dưới đó. Ban đầu thì chỉ lèo tèo một vài hộ gia đình làm hệ thống đường ngầm như vậy nhưng rồi dần dần các hộ liên kết với nhau, đào thêm đường hầm để nối nhà này với nhà kia và dần dần trở thành một thị trấn dưới lòng đất. Khuynh hướng xây dựng cả một hệ thống như vậy được nhất mạnh hơn khi mà người dân Cappadocia phải hứng chịu nhiều đợt tấn công từ các quốc gia ảrập bên cạnh. Thật vậy, vào khoảng thế kỷ thứ 7, rộ lên một làn sóng bành trướng của đạo Hồi với vô số các cuộc tấn công quy mô lớn của người Ảrập. 


Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và vùng Cappadocia nói riêng là lãnh thổ của đế chế Byzantine hùng mạnh nên người Ảrập không làm mưa làm gió được giống như ở những khu vực khác tại Bắc Phi. Do đó, trong vòng nhiều thế kỷ, người Ảrập chỉ có thể tạm bằng lòng với những cuộc tấn công nhỏ định kỳ hàng năm từ tháng 5 đến tháng 6 với mục đích cố định biên giới của thế giới Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ. 


Đây chính là thời kỳ người dân vùng Cappadocia phải xây nhiều làng mạc dưới lòng đất giống như địa đạo Củ Chi để tránh những cuộc tấn công của người Ảrập. Ngày nay có khoảng 40 chục làng mạc dưới lòng đất nằm rải rác ở Cappadocia nhưng Derinkuyu có quy mô rộng nhất và có sức chứa tới 10.000 người. Do ở sâu dưới lòng đất, nhiệt độ luôn ở mức 15°C và khá khô ráo, rất thích hợp để bảo quản lương thực. Tại vùng Cappadocia, người ta ước tính một sản lượng khoai tây hàng năm là 30.000 tấn và tất cả đều được cất ở dưới lòng đất như thế này.


 Thời điểm tôi đến đây, chỉ có 10% diện tích của Derinkuyu được mở cho du khách đến thăm nên khó có thể mường tượng cụ thể quy mô thật của nó. Theo các thông số kỹ thuật, thị trấn này được đào sâu đến 85m so với mặt đất với hệ thống 8 tầng hầm. Theo các chuyên gia sử học, mục đích xây những thị trấn dưới lòng đất như Derinkuyu chỉ là một giải pháp tình thế nhằm tránh khỏi sự truy quét của người ảrập. Tuy nhiên, người dân địa phương không lường trước được rằng giải pháp « tạm thời » đó lại dai dẳng kéo dài đến hơn 1 thiên niên kỷ !  

Đến được Ihlara Valley thì cũng đã gần trưa. Trước khi book tour này, tôi đã trao đổi với văn phòng du lịch và chúng tôi đã thống nhất với nhau rằng khi đến Ihlara, tôi sẽ tách đoàn ra và tự đi hiking một mình rồi hẹn gặp nhau tại cửa ra của thung lũng này. Tại sao tôi lại quyết định như vậy ? Thung lũng Ihlara dài tổng cộng 16km và khu vực có thể đi hiking và có được góc nhìn đẹp nhất thì chỉ gói gọn trong 5km nhưng khu vực này lại không nằm trong chương trình tham quan của văn phòng du lịch. Công ty này chỉ cho đi thăm lèo tèo vài cái tu viện nằm trong vách đá và đi cưỡi ngựa xem hoa dưới đáy thung lũng khoảng 2km và hết vị. Trong khi đó, tôi thì đã thăm cả một đống tu viện trước đó và cái tôi cần ở thung lũng Ihlara là leo lên đỉnh vực thẳm để có cái nhìn toàn cảnh. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi phải công nhận đó là một quyết định khá mạo hiểm nhưng hoàn toàn đáng đồng tiền bát gạo. 


 Khác hẳn với tất cả những gì tôi khám phá từ trước đó ở Cappadocia, thung lũng Ihlara được bao phủ bởi màu xanh của cây cối. Không phải là những cột đá hình cây nấm hay những tảng đá hình thù kỳ dị mà thay vào đó là một đại vực canyon thứ thiệt. Đây là nơi duy nhất tôi thấy có nhiều màu xanh đến thế. Cũng đúng thôi, dọc theo thung lũng dài 16km này là một con sông nhỏ chảy dưới đáy thung lũng và với sự hiện diện của một nguồn nước thường trực như vậy thì cây cối sẽ có điều kiện mọc tươi tốt. 


 Tôi đi theo đoàn tour tầm 1km rồi sau đó quyết định tách đoàn theo những thỏa thuận ban đầu với cậu hướng dẫn viên và bắt đầu chuyến khám phá một mình. Hướng chảy của con sông dưới đáy đại vực này giúp tôi xác định hướng đi khá dễ dàng. Theo lý thuyết, tôi cứ việc đi men theo nó thì kiểu gì cũng sẽ tìm đến đường ra tại một ngôi làng tên Selime, nơi tôi sẽ gặp lại nhóm khách theo tour và cậu hướng dẫn viên để tất cả cùng nhau lên xe trở về Goreme. Tuy nhiên, thực tế có một chút khác biệt so với kế hoạch ban đầu. Do trong suốt 1-2km đầu tiên tôi chỉ toàn gặp những du khách đi men theo sông, điều đó làm tôi hơi bực mình và tôi quyết định không men theo bờ sông nữa mà lại đi lách sang một con đường mòn dẫn tôi một lèo lên mép của đại vực ở độ cao 150m. 


 Đến được đó thì tôi hoàn toàn thỏa mãn vì chỉ có một mình mình đối mặt với thiên nhiên hùng vĩ. Tuy nhiên, một vấn đề bắt đầu hiện ra : làm thế nào để tìm đường xuống lại dưới đáy đại vực, gặp lại con sông và đi đến Selime như điểm hẹn. Thực ra, nếu tôi có đủ thời gian thì việc ấy không quá khó nhưng vấn đề là ở chỗ cậu hướng dẫn viên chỉ cho tôi đúng 2h để đi hết 5km dọc theo con sông. Trong khi đó thì tôi lại đi lòng vòng hơn 8km lên đến tận đỉnh rồi lọ mọ đi xuống mất rất nhiều thời gian. 


 Phải chờ đến lúc còn khoảng 30mn so với giờ hẹn thì tôi mới tìm thấy con đường ven sông nhưng vẫn còn cách Selime đến…4km. Có chạy thục mạng thì cũng chẳng thể đến đúng hẹn khi mà đường thì gồ ghề nhiều bụi cây. Chạy mãi trong tuyệt vọng, tôi nghĩ rằng có lẽ đoàn sẽ đợi quá lâu và bỏ mình về. Xác định trước tinh thần đó, tôi quyết định không chạy thục mạng nữa và tính đến tình huống xấu nhất là nghỉ đêm tại một nhà dân nào đó rồi hôm sau bắt xe dolmus quay trở về Goreme. 


Nhưng chính trong lúc tuyệt vọng đó thì phép màu lại xảy ra. Tôi tự nhiên nhìn thấy một ngôi làng nho nho, trông rưa rứa như làng Selime. Với một chút từ vựng Thổ học được, tôi bập bẹ hỏi một ông nông dân. Đúng là Selime ! Tìm được Selime, tôi bỗng tìm lại được một tia hy vọng và chạy thục mạng đến một bến xe nơi các xe du lịch thường đậu. Và thât tuyệt vời khi tôi thấy thấp thoáng bóng dáng những người cùng đoàn và cậu hướng dẫn viên đang cầm cờ. Tôi cứ ngỡ rằng hay là họ phải chờ mình quá lâu và đang phải chờ những câu đại loại như : « sao cậu đi đâu mà lâu thế ? Chúng tôi cứ chờ mãi tưởng cậu bị lạc ». 

làng Selime là điểm thoát khỏi thung lũng Ihlara Valley, nơi hầu hết các xe du lịch đón khách trở về Goreme
 Nhưng không, hóa ra bản thân họ cũng chỉ đến điểm hẹn được tầm 15 phút và chỉ phải đợi tôi hơn 10 phút thôi.  Vậy là suy cho cùng, tôi vẫn kịp nhập hội để trở về Goreme. Trên đường đi, mọi người hỏi tôi khá nhiều về những gì tôi trải nghiệm khi tách đoàn trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Tôi trao đổi khá nhiều với cậu hướng dẫn viên về không hết lời khen ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của thung lũng Ihlara và cậu ta vui mừng ra mặt. Chúng tôi có trao đổi thêm chút ít về những gì còn lại đáng để thăm ở vùng Cappadocia và tôi cũng được biết cậu này là hướng dẫn viên quốc gia nên thông thạo nhiều vùng khác ngoài Cappadocia. Chúng tôi có trao đổi sơ qua về một vùng núi tên Nemrut, cũng nằm trong kế hoạch của tôi. Nhưng chính nhờ cuộc nói chuyện này, tôi đã nảy ra ý định đi theo tour do chính cậu hướng dẫn viên này đảm nhận, thay vì mua tour thông qua một văn phòng ở Goreme. Có vẻ như giá mà cậu ta đưa ra rẻ hơn tầm 10$. OK, duyệt ! Và thế là lại thêm hai ngày viễn chinh phía đông của Thổ Nhĩ Kỳ.




  
<<<<CÒN TIẾP>>>>



Categories:

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống