Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Friday, 19 April 2013

Một bài viết rất hay trên mạng (VTC) nói về một chuyến đi nghỉ xuân trên vùng cao Tây Bắc: 'chuyến đi nhỏ' của tác giả nhưng trao lại cho bọn trẻ vùng cao 'một núi' niềm vui. Sau khi mình truy một hồi để tìm bài gốc, cuối cùng nguốn chính tại blog Songthatcham, xin trích vào đây để các bạn xem... rồi cảm động và 'sướng lịm người', bạn nhé.

Mọi năm khi bọn nhóc được nghỉ xuân, mình và ba chúng nó hay sắp xếp tạm nghỉ để ở nhà với chúng. Nhà mình rất đơn giản, cứ quây quần với nhau là đã đủ vui rồi, chẳng phải đi đâu xa vừa tốn kém vừa mệt mỏi (lý luận của những kẻ vừa lười, vừa keo kiệt). Năm nay thì khác, từ đầu năm đã lên kế hoạch bàn soạn về việc diễn xiếc, chiếu phim cho bọn trẻ con Tây Bắc xem.

Mấy việc này mới nghe qua thấy thật hoang đường, nên định chỉ làm thử, xem cách thức thế nào cho hợp lý và hiệu quả có đáng để làm lâu dài hay không. Cũng không dám nói rộng ra ngoài, e có lời dè bỉu sẽ khiến mình nhụt chí nên mới rủ ông xã đi cùng và dùng lũ con làm đội quân hỗ trợ để lặng lẽ tiến hành. Thế là một công ba bốn việc, vừa chạy thử một chương trình mà mình hằng mơ ước, vừa đưa bọn trẻ lên thăm các em bé Tây Bắc, vừa tiện đường khảo sát thêm địa bàn cho Gánh hàng xén, vừa đi tìm hiểu trà Suối Giàng…

Gánh xiếc rong

Việc đầu tiên là đi tìm diễn viên xiếc, ảo thuật, hề… Ðủ các loại quan hệ được bới tung lên để tìm đúng người, đúng việc. Có nhóm bạn đề nghị giúp không cần thù lao nhưng lại là nhảy hiphop, mình không muốn ký ức trong trẻo của bọn trẻ bị cấy vào những hình ảnh lai căng nên đành từ chối…

Có người giới thiệu nhóm trình diễn nghệ thuật đường phố nhưng khi mình đề nghị được xem trước (ít ra là đề cương) buổi biểu diễn của các bạn tại Hà Nội thì lại bị khước từ, mình vốn không có thói quen “mua mèo trong bị” nên cũng phải bỏ luôn…

Cùng đường, vạn bất đắc dĩ, ông xã đành gọi cho anh hàng xóm cũ đang làm ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhờ anh ấy giới thiệu hộ. Kể ra thì ngay ban đầu hai vợ chồng cũng đã nhờ rồi, nhưng nghe cái giá thù lao cho một đội hình xiếc (3-4 nghệ sĩ) chát quá, kể cả khi đã có lời hứa tài trợ thù lao cho nghệ sĩ của người bạn ở Canada thì vẫn cứ thấy xót xa.

Sau mấy lần bàn đi tính lại, cuối cùng cũng mời được hai nghệ sĩ hề, đi xe du lịch giường nằm lên trong đêm, diễn hai suất ở hai điểm trường khác nhau rồi tối lại quay về Hà Nội.

Tính xong việc xiếc, đến chiếu phim thì đơn giản hơn: máy chiếu, màn chiếu… thứ ở nhà có sẵn, thứ đi thuê. Ðến phần điện thì đau đầu hơn: các trường báo điện không đủ điện áp, phập phù và cũng không có dây để kéo ra các vị trí cần thiết. Loa để phục vụ nhạc cho các tiết mục xiếc cũng không có. Thế là một hồi chạy ngược xuôi, đằng sau xe mình đầy nhóc dây điện, loa, ampli, máy móc và cả một chiếc ổn áp to tướng nặng như cái cối đá lỗ.
Mẹ Vừng thủ thỉ: “Chị đi thì cho em gửi một ngàn cái bánh mì ngọt lên cho các con”. Lũ nhóc nhà mình thì tất bật mua sắm bóng bay và kẹo cho các em…

Một đối tác người Mỹ của mình (người đã tài trợ toàn bộ ủng và ống nước cho phiên chợ Pa Cheo 1) cũng sắp xếp thời gian qua làm việc với mình sao cho trùng với chuyến đi để theo lên thăm bọn trẻ và tìm hiểu về loại trà đặc biệt mà mình vẫn khoe khoang.

Cuối cùng, ngày khởi hành cũng đến. Cả nhà hồ hởi phấn khởi chất lên hai cái xe bốn chỗ chở ì ạch đồ nghề điện đóm và kẹo bánh, thẳng tiến Lào Cai.

Ngủ lại một đêm ở Sapa, sáng sớm ra đón hai nghệ sĩ xiếc ở bến xe, đưa hai bác đi ăn lót dạ xong là lên đường. Trường Tiểu học Pa Cheo đã được báo trước là sẽ có đoàn diễn xiếc, chiếu phim cho các cháu xem vào sáng hôm ấy nhưng các thầy cũng chưa hiểu đầu cua tai nheo gì cả, đến khi thấy một đoàn rồng rắn lên mây khiêng máy móc đạo cụ vào thì cả trường òa lên sung sướng.

Trong lúc chờ các nghệ sĩ xiếc thay y phục biểu diễn và hóa trang, ông xã cùng hai lái xe của đoàn đã dựng xong góc chiếu phim dã chiến cho bọn trẻ con tiểu học và mẫu giáo (gọi là dã chiến vì dùng cả chăn của các cô giáo và phông hội nghị ở phòng họp mà che cửa sổ cho đủ tối để xem phim).

Mình và chị đối tác người Mỹ thì lo chia bánh phát kẹo cho đám khán giả nhí đang phấn khích đến cực độ. Hai đứa con Chít và Xiu của mình thì lo bơm bóng bay sẵn. Cái gánh xiếc rong này mới mở hàng lần đầu mà ai vào việc nấy răm rắp cứ như đã quen lưu diễn từ thuở nảo thuở nào.

Chỉ có mỗi bộ phim “Tom và Jerry” của Disney mà bọn trẻ con cười còn hơn là bị ai vật ra cù vào nách. Những gương mặt bình thản, những ánh mắt trầm lắng, thảng buồn mà mình hay gặp trong những lần lên Tây Bắc vụt biến mất. Thay vào đó là những gương mặt sáng bừng hứng khởi, những ánh mắt long lanh thích thú và những cái miệng sún răng cười hết cỡ…

Bọn trẻ Tây Bắc kỳ lạ lắm, khi người lớn trao quà cho chúng, chúng thường lễ phép đón lấy với vẻ mặt không vui không buồn, tuyệt không bao giờ thấy chúng cười thành tiếng hay reo lên vui sướng, bất kể đó là món đồ đẹp hay lạ như thế nào.

Ðến nỗi mình từng nghĩ có lẽ cái không khí vắng vẻ, tĩnh mịch nơi núi cao đã thấm vào máu của đám trẻ con, khiến chúng có cái phong thái bình lặng như thế. Hóa ra không phải… chẳng qua chúng chưa bao giờ được tặng đúng thứ chúng cần: những hình ảnh sinh động, ngộ nghĩnh, thu hút sự chú ý và đầy kịch tính như những bộ phim hoạt hình mà những đứa trẻ thành phố được xem thừa mứa hàng ngày.

Ðứng bên ngoài phòng chiếu phim đầy ắp tiếng reo cười thích thú ấy, mình nhắm mắt lại, mỉm cười mà nước mắt trào ra, cứ như thấy lại mình cùng đám bạn thời thơ bé tối Chủ nhật hò reo chạy đến nhà nào có TV để xem ké bộ phim hoạt hình Nga “Hãy đợi đấy!”…

Không dám nói rằng bát cơm có thức ăn hay chiếc áo ấm, đôi ủng là không quý giá, nhưng ngay lúc ấy, mình chợt nhận ra nếu bảo những đứa trẻ ở bên trong phòng chiếu kia rằng chúng có quyền lựa chọn giữa những bữa ăn ngon, những món đồ mới và một buổi xem phim như thế này, chắc hẳn tất cả chúng nó đều chọn xem phim hết.

Tiếng cười giòn giã của đám học sinh mẫu giáo, tiểu học ở phòng chiếu phim khiến các anh chị học sinh cấp 2 được nghỉ học để sang xem xiếc chung với các em cứ bồn chồn không yên, thế là buổi chiếu phải ngừng lại để buổi diễn xiếc được bắt đầu…

Toàn bộ 3 trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở tổng cộng hơn 200 học sinh, ngồi kín khuôn viên sân trường tiểu học. Hai chú hề xiếc tha hồ tung hoành trên sân khấu là bậc tam cấp lên sảnh hành lang của trường: nào hát, nào đánh đàn nước, nào tung hứng, nào thăng bằng, nào diễn kịch…

Buổi diễn chưa tới một tiếng đồng hồ mà cả hai diễn viên mướt mồ hôi. Toàn bộ khán giả cũng cười mỏi miệng. Lát sau trong bữa trưa, bác diễn viên lớn tuổi mới tâm sự với mình: “Thường ra diễn viên hài không bao giờ diễn liên tục mà diễn xen kẽ vào giữa các tiết mục khác, vì lần này không có nhiều diễn viên để diễn đệm cho nhau thành ra thấy đuối sức vì phải nối các tiết mục vào làm một lèo. Nhưng thấy bọn nhỏ cười như nắc nẻ nên bọn anh diễn hưng phấn khác hẳn bình thường ở rạp”.

Ngày hội bất ngờ ở bản

Nếu buổi diễn ở điểm trường chính Pa Cheo tập trung được lượng khán giả đông đảo thì không khí buổi diễn ở Pờ Sì Ngài lại náo nức theo kiểu khác.

Từ lúc bọn mình đang ăn vội bữa cơm trưa ở Mường Hum đã nhận điện thoại của các cô giáo Pờ Sì Ngài liên tục: “Chị ơi, đoàn mình đến đâu rồi, sắp đến chỗ bọn em chưa ạ?… “Bọn em nghe mấy bạn dạy ở trường chính khoe về buổi diễn sáng nay ở ngoài ấy rồi, đang hồi hộp quá chị ơi!…”

Các thầy cô đi xe máy ra tận ngoài chỗ đậu xe để giúp đoàn thồ cái ổn áp và mấy thứ đồ nặng vào, còn những thứ cồng kềnh nhưng nhẹ nhàng thì cả đoàn chia nhau khiêng vác, kể cả hai bác diễn viên xiếc cũng phải ôm ôm xách xách đồ vào cho các cháu. Mấy học sinh lớn được thầy cô dẫn ra phụ khiêng đạo cụ thì vác đồ chạy rầm rập vào trước rồi. Ðoàn đi bộ đến đâu, thầy cô gọi bà con đến đấy: “Xem xiếc nào, vào trường xem xiếc, xem phim nào…!”. Các gánh xiếc rong thời xưa ít ra cũng có nhạc nhẽo í éo hay cái loa tay để chào mời, gánh xiếc rong nhà mình thì đi bước thấp bước cao, mồm miệng dùng vào việc thở cả rồi, việc quảng cáo hoàn toàn nhờ vào những lời gọi truyền miệng từ thầy cô như thế.

Vào đến trường, hai bác hề lánh nhờ vào phòng ở của cô giáo để hóa trang và thay quần áo, ông xã mình và hai chú lái xe lo đấu điện, kéo loa, dựng màn hình… Khó khăn đầu tiên là không có phòng học nào đủ lớn để chiếu phim cho bọn nhóc của cả hai trường Mầm non và Tiểu học xem, thế là các cô giáo Mầm non nói luôn: “Dỡ vách ngăn 2 phòng học của bọn em ra là được chị ạ!”.
Bọn trẻ con thì không có từ nào để tả ngoài 3 chữ… “sướng lịm người”. Cả những ông bố bà mẹ nhanh chân đến trước cũng chen chúc đứng xem và cười ngất ngây với bọn trẻ.

Hỏi đến nước để chuẩn bị đạo cụ cho bác nghệ sĩ già, thấy mấy cô giáo tần ngần nhìn nhau rồi vào bếp xách ra một xô nước nhỏ, mình hiểu ngay đó hẳn là nước các cô dành cho bữa cơm chiều, nên nói nửa đùa nửa thật: “Yên tâm, bọn chị dùng xong sẽ trả lại gần nguyên vẹn, mà cũng không nhiễm bẩn gì đâu”. Các cô cười xòa: “Không phải bọn em sợ hết, chỉ sợ chỗ này không đủ, mà bây giờ đi xách thì phải cả tiếng nữa mới có”.

Phim ở bên lớp Mẫu giáo xong, cả đám “chuột con” lít nhít đội ghế lúp xúp chạy qua sân trường Tiểu học để xem xiếc. Chúng vội đến mức có đứa đánh rơi cả kẹo bánh vừa được phát (mải xem phim còn chưa kịp ăn) mà cũng không thèm quay lại nhặt. Ðó là điều mình chưa từng thấy ở những nơi như nơi này.

Nói cho công bằng, ngay cả mấy đứa nhóc nhà mình lớn bằng chừng ấy mà số lần xem xiếc ở rạp còn đếm trên đầu ngón tay, làm gì mà bọn trẻ ở đây chẳng háo hức. Cookie, con trai út của mình xem đến lần thứ hai những tiết mục y hệt nhau trong một ngày mà vẫn cười ngặt nghẽo không dừng lại được.

Suốt cả mấy ngày hôm sau, Cookie hành hạ mọi người trong đoàn bằng những trò nhái lại mấy tiết mục của các chú hề, cho nên mình đoán ở gia đình các bé cũng thế, bọn trẻ con sẽ còn kể đi kể lại mãi với nhau về buổi xem xiếc nhớ đời ấy và mỗi lần kể lại là lại được cười những trận cười thỏa thuê.

Bà con kéo đến đông như trảy hội, quần áo ăn mặc cũng tươm tất hơn những lần bình thường mình gặp họ, có những loại khăn, mũ mình mới thấy lần đầu, có lẽ là trang phục mọi người dùng trong những ngày đặc biệt.

Chả cứ trẻ con, người lớn cũng cười nghiêng cười ngả. Mình đứng quan sát mấy chị địu con trên lưng cứ bám lấy nhau cười giàn giụa nước mắt, chỉ lo các chị ấy ngả quá người ra phía sau tí nữa thì những đứa trẻ có cơ bị rớt xuống đất.

Mình không chắc mọi người hiểu hết những điều các chú hề nói, vì người dân ở đây nói và nghe tiếng Kinh chẳng tốt lắm, nhưng nhìn điệu bộ và các động tác của mấy chú hề họ đã đủ cười bò ra rồi.

Ðột nhiên mình nhận ra sức mạnh ghê gớm của nghệ thuật biểu diễn: chẳng cần ngôn ngữ, chỉ bằng hình thể, ánh mắt, nụ cười… người ta thông hiểu và chia sẻ sự hài hước một cách thoải mái như không có rào cản nào cả. Cái không gian biểu diễn ấm áp và gần gũi này cũng khiến mình choáng váng vì hiệu quả mạnh mẽ của nó.

Mình thấy con người và cảnh vật ở Pờ Sì Ngài thân quen với mình lắm, cứ như vừa đi đâu xa được trở về nhà. Trên đường bọn mình quay ra, những người lớn đến trường xem cứ chạm tay vào bọn mình và cười tủm tỉm, đó dường như là cách mọi người nói lời cảm ơn.

Thực sự lời cảm ơn ấy phải do bọn mình nói ra, vì chưa bao giờ bọn mình được hưởng niềm vui lớn lao và sâu sắc như lần ấy, trên đường về ai cũng đồng ý với nhau như vậy.

Có mỗi một chuyện kém vui, bác hề già đến lúc về mới thú nhận là bác đau lưng quá vì xe chạy cả ngày toàn trên đường xóc như điên, nếu mà có lần sau chắc bác phải nhờ diễn viên khác trẻ hơn đi hộ. Mình nghĩ bác không tham gia được nữa cũng là một thiệt thòi cho các cháu, vì không có gì cảm động bằng nhìn một người lớn tuổi diễn trò trẻ con để chọc cho trẻ con cười.

Du lịch, GO! - Theo Songthatcham.wordpress

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống