Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Tuesday, 31 July 2012

Mới rồi, nhân có anh bạn nói chuyện đi chụp ảnh hoa sen đầu hạ tôi mới chợt nhớ có một loài sen đã lâu rồi không còn được thấy, cũng ít thấy ai còn chụp ảnh về nó và có lẽ người ta đã quên hoặc không biết. Tự nhiên tôi lại thấy hụt hẫng khi nghĩ đến một ngày nào đó cái tên “Tịnh Đế liên” sẽ đi vào tự điển mà không bao giờ còn được gặp ngoài đời thực nữa…

Tịnh Đế liên (hay còn gọi là sen Tịnh Đế, hoa Tịnh Đế hoặc chỉ Tịnh Đế) là một loài sen khá độc đáo, độc đáo từ tên gọi, hình dáng cho đến cả ý nghĩa văn hóa. Tịnh Đế liên là đóa hai hoa sen nở trên cùng một cuống, được xem là loài sen đứng đầu về sự thanh tao thuần khiết, quý hiếm, biểu thị điềm lành.

Có nhiều cách giải thích khác nhau về tên gọi của loài sen này. Có người giải thích theo nghĩa chiết tự thì cho rằng “Tịnh” có nghĩa là thanh tịnh, trong sạch, liêm khiết; “Đế” có nghĩa là đứng đầu, là cái gốc, hiểu theo nghĩa chung “Tịnh Đế” có nghĩa là đứng đầu các loài hoa về sự thanh tao, thuần khiết.

Có người thì lại cho rằng “Tịnh Đế” có thể bắt nguồn từ việc đây là loài sen quý và hiếm, xưa chỉ dùng để tiến vua nên mới có tên gọi như vậy. Song cũng có người chỉ hiểu theo nghĩa đơn thuần là loài sen trên một đế hoa có hai bông cùng nở. Dù có nhiều cách giải thích tên gọi và cách nào cũng đều có lý nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng đó là một cái tên đẹp, bao hàm đầy đủ ý nghĩa nhất.

< Sen Tịnh Đế được tìm thấy tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Hai hoa sen khá lệch nhau về kích cỡ nhưng vẫn cùng một cuống. Theo chủ đầm thì giống sen này nguồn gốc từ sen Tây Hồ.

Sen Tịnh Đế không bao giờ nở riêng lẻ, trên cùng một đế hoa bao giờ cũng có hai bông hoa. Hai bông hoa này lớn bằng nhau, màu sắc như nhau và nở cũng cùng nhau. Màu sắc của sen Tịnh Đế tươi hồng, cành lên phía đầu búp hoa màu càng thẫm lại, không khác hoa sen bình thường là mấy, duy chỉ có búp và cánh hoa có phần nhỏ và thanh hơn. Hương sen Tịnh Đế cũng đượm hơn hương thơm của hoa sen bình thường, khi dùng để ướp trà hay pha nước thì mùi vị giữ được lâu hơn. Và dù hương có đượm thì sen Tịnh Đế vẫn có sức quyến rũ mê hoặc lòng người bằng thứ cảm giác êm dịu chứ không gây cho người ta cảm giác hắc nồng và đau đầu.

Bình thường hoa sen dùng để đi chùa, để cúng Phật, để làm cảnh trang trí, dân dã hơn một chút nữa thì để ướp trà, làm trà sen, làm thuốc,… ít khi thấy ai tặng hoa sen cho nhau khi yêu, khi cưới bao giờ. Nhưng với sen Tịnh Đế thì khác. Có lẽ vì sự thuần khiết thanh tao lẫn dáng hình độc đáo luôn có đôi có cặp mà sen Tịnh Đế được dùng để tượng trưng cho thứ quý giá và thiêng liêng nhất của con người: Tình yêu. Và hình như cũng chỉ có sen Tịnh Đế là loài duy nhất trong họ hàng nhà sen mới có được cái vinh hạnh lớn lao ấy.

< Thấy rõ hai bông sen có chung một cuống.

Sen Tịnh Đế quý và hiếm, xưa chỉ dùng để tiến vua hoặc chỉ những nhà nào quý phái thanh tao mới trồng sen Tịnh Đế để làm cảnh. Về nguồn gốc của loài sen này đến nay vẫn chưa rõ có xuất xứ từ đâu, thuần Việt hay du nhập từ bên ngoài vào, chỉ biết rằng sen Tịnh Đế đã có từ rất lâu đời. Mới đây, có ý kiến cho rằng, loài sen Tịnh Đế có xuất xứ từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam, tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng để chứng minh.

Cùng với hình ảnh hoa sen nói chung, sen Tịnh Đế xuất hiện khá nhiều trong văn hóa người Việt. Khi xưa, sen Tịnh Đế được dùng làm hình mẫu hoa văn chạm trổ các đồ vật trong nhà như giường nằm, ghế ngồi, thậm chí cả cột nhà, bệ đá,… hàm ý tỉ dụ phu thê tương thân tương ái, hạnh phúc đôi lứa trăm năm. Sen Tịnh Đế còn biểu trưng cho sự hòa thuận, đủ đầy, hạnh phúc trong gia đình.

Không những thế, hình ảnh hoa sen Tịnh Đế còn đi cả vào trong ca dao và tác phẩm văn học. Trong ca dao có câu:
Bao giờ cho được đủ đôi,
Như hoa Tịnh Đế một chồi hai bông.

Còn trong kiệt tác “Cung oán ngâm khúc” của thi nhân Nguyễn Gia Thiều thế kỷ XVIII cũng có câu mượn hình ảnh hoa Tịnh Đế khi nói về nỗi lòng sầu muộn của người cung nữ trong cung khi bị bỏ rơi và hồi tưởng lại những phút giây hạnh phúc ngắn ngủi:

Ngọn đèn phòng động đêm xưa
Chùm hoa Tịnh Đế trơ trơ chưa tàn.

< Khu vực huyện Thuận Thành và Lương Tài thuộc tỉnh Bắc Ninh được cho là nơi có thể tìm thấy hoa sen Tịnh Đế Liên, tuy nhiên cũng đã có người chụp được sen đôi tại hồ sen Tây Hồ.

Sen Tinh Đế ngày xưa ở Đồng Tháp Mười rất nhiều, đi vào câu ca dao: "Bao giờ cho được thành đôi - như sen Tịnh Đế một chồi hai bông". Giờ đây sen Tịnh Đế đã thưa vắng đi nhiều. Những nơi trước kia còn hiếm hoi sót lại sen Tịnh Đế thì đến nay trải qua thời gian, rồi quy hoạch đất đai, người ta san lấp đầm hồ để làm nhà cửa, làm ruộng vườn, sen Tịnh Đế đã không còn nữa.

Mới đây, một người quen của tôi lên hai huyện Lương Tài và Thuận Thành (Bắc Ninh) để chụp ảnh hoa sen, vô tình bắt gặp hoa sen Tịnh Đế mới biết rằng nơi đây vẫn còn loài hoa quý hiếm này sót lại, cũng đã có người chụp được sen đôi tại hồ sen Tây Hồ.

Dẫu vậy sự tồn tại của loài sen quý này cũng đang mỏng manh như chính những cánh hoa của mình vậy, quá trình đô thị hóa đã và đang xâm thực về các miền quê, những ao đầm còn sót lại đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà cao tầng, nhà máy.

Chẳng nói trước được điều gì cả. Đành rằng đó là xu thế tất yếu nhưng sao vẫn lòng vẫn thấy bâng khuâng và tiếc nuối lạ, tựa như mình vừa để mất đi một thứ gì đó, quý lắm, thanh tao lắm, một thứ hồn vía thuần khiết của dân tộc mình…

Du lịch, GO! - Theo Thethao Vanhoa, VnExpress
Phan Thiết không chỉ có cát, gió, biển mà còn hơn thế nữa. Thật không khó hiểu khi nhiều bạn trẻ đã chọn Phan Thiết làm điểm đến cho tuần trăng mật của mình. Và dưới đây là những kinh nghiệm nhỏ giúp cho bạn có một chuyến du lịch Phan Thiết giá rẻ tuyệt vời nhất.

Đến khi nào?
Thời tiết Phan Thiết vốn khô nóng quanh năm, với nhiệt độ trung bình khoảng 27 độ C. Bạn có thể đến thăm Phan Thiết quanh năm nhưng thời điểm có sóng lý tưởng nhất là từ tháng 8 đến tháng 12, còn có gió dễ chịu nhất là từ tháng 11 đến tháng 4.

Chuẩn bị gì?
- Chai nước khoáng (vì thời tiết ở đây khá nắng và hanh khô).

- Máy ảnh
- Kính mát
- Kem chống nắng
- Dép lào hoặc sandal

Đến bằng gì?

Ôtô hay buýt

Một cách tiện lợi nhất để đến Mũi Né là bằng ôtô từ thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường này khá tốt và dễ đi với nhiều khu nghỉ và nhà hàng dọc hai bên đường. Ngoài ra cũng có nhiều xe du lịch chạy tuyến này. Hành trình mất khoảng 3 – 4 tiếng lái xe.

Tàu lửa

Ga gần Phan Thiết nhất là ga Mường Mán, cách Phan Thiết 12km về phía Tây, tàu Thống Nhất chạy tuyến Hà Nội– Hồ Chí Minh cũng dừng ở đây. Từ Mường Mán, du khách có thể bắt xe ôtô, xe máy hay xe buýt để đến Phan Thiết, Mũi Né.

Đi lại như thế nào?

Tốt nhất là bạn thuê xe máy của các bác xe ôm hay tại các khách sạn nhà nghỉ trong vùng để được tự do khám phá các cảnh đẹp của Phan Thiết. Giá thuê xe vào khoảng hơn 100.000vnđ/ngày.
Ngoài ra, bạn có thể thuê một chiếc xe Jeep (với giá 500.000vnđ/ngày) chạy ngược lên khoảng 30KM đến các đồi cát trắng và đồi cát vàng để hưởng thụ cảnh đẹp và chụp ảnh.

Ở đâu?

Mũi Né – Phan Thiết có rất nhiều khu nghỉ dưỡng bãi biển, hầu hết là bungalow mái tranh tọa lạc ngay trên bãi biển. Những khách sạn sang trọng hơn có bể bơi ngoài trời, dịch vụ các môn thể thao biển, ghế tắm nắng, nhà hàng, bar và spa.

Bạn cũng có thể chọn cho mình phòng khách sạn gần biển thay vì trong thành phố.
- Ngoài ra trên đường Trần Hưng Đạo cũng có rất nhiều khách sạn, giá cả phải chăng nhưng do chúng nằm trên đường lớn, tối xe chạy ồn ào nên không mấy yên tĩnh.

Chơi đâu?

Ngoài những địa danh nổi tiếng như Mũi Né, Hòn Rơm, Đồi Hồng, Tháp Pôsanư, bạn có thể thử “đổi món” bằng cách tham quan những địa điểm khác cũng không kém phần thú vị như Núi Tà Kú, đảo Phú Quý, hải đăng Kê Gà, Bàu Trắng, bãi đáo Ông Địa, suối Hồng, vào thăm dinh vạn thủy tú có bộ xương cá voi dài 22m, thăm trường Dục Thanh có cây khế Bác Hồ trồng…

Đến đây, bạn vừa có thể kết hợp tham quan du lịch vừa có thể nghỉ dưỡng, cắm trại. Không những thích hợp cho những bạn thích phiêu lưu mà còn là địa điểm nghỉ ngơi tuyệt vời, thanh tịnh đấy nhé.

Chơi gì?

- Ngắm và chụp ảnh bình minh ở biển, tham quan cuộc sống chài lưới của ngư dân địa phương.
- Lặn biển
- Thả diều
- Đi thuyền Canoeing
- Tắm biển Mũi Né
- Trượt cát
- Ngắm biển đêm ở Đồi Dương

Ăn gì?

- Giông: đây là đặc sản độc đáo của Phan Thiết vào mùa mưa, ngon nhất là giông Tuy Phong nướng chấm muối ớt hoặt giông cari, giông bằm xúc bánh đa.
- Cá ó sao: là dòng đuối, bạn có thể nếm thử cá ó sao xào lăn hay canh chua đều ngon. Nếu có Hắc cáy thì ngon (hiếm cực kỳ), con này thịt xẻ ra rất đen nên được gọi đùa là đuối Obama.
- Sò quạt nướng
- Chả cá chiên: Bạn có thể mua ngay trong chợ Phan Thiết, tối về nhấm nháp cùng chai rượu trên đồi cát đêm trăng thì còn gì tuyệt vời hơn.
- Mực ống tươi Magarita: nếu muốn nếm thử món này, bạn phải dậy thật sớm và đón các thuyền đánh cá từ ngoài khơi về.

- Gỏi cá suốt, cá đục: món này rất ngon với nước chấm sệt xay từ đậu phộng, gan, bí đỏ, nước mắm & 1 trái chuối chín rục.
- Bánh canh cá
- Bánh căn: đây là tiền thân của bánh khọt, chỉ là bột gạo chiên nóng bằng khuôn đất không nhân ăn với nước chấm là : nước mắm pha, mắm cá cơm, cá nục kho, tương đậu phộng, da heo kho, trứng luộc, xoài băm…

Ăn ở đâu?

Bạn có thể vào chợ ăn, rất nhiều món ăn ngon, rẻ, tối có thể ăn bánh canh chả cá trên đường Trần Hưng Đạo, vừa qua khỏi cầu Trần Hưng Đạo là sẽ thấy bên tay phải.
Buổi tối trên đường Đào Duy Từ có một quán bán mì Quãng, khá ngon hoặc ó thể ăn mì Quãng ở đường Trần Phú.

Toàn Dương Quán bên bờ biển Đồi Dương- Vĩnh Thủy (từ cổng Novotel nhìn thẳng theo đường cặp sát biển), giá cả ở đây bây giờ hơi đắt nhưng chất lượng rất đảm bảo. Ở đây nổi tiếng với món Tôm Vỗ (Mũ Ni), mực sữa hấp gừng còn nguyên túi mực.

Hợp tác xã hải sản bình dân cặp bờ kè sông Cày: từ Sài Gòn ra vừa qua khỏi cầu Càty- Trần Hưng Đạo rẽ phải luôn là gặp nguyên dãy quán nhậu hải sản bình dân từ 3h chiều. Nếu may mắn bạn sẽ được ăn cá bò hòm và một món cháo nấu từ các loại nước luộc khá đặc biệt.

Quán cơm gà Hội An, nằm ngay sau lưng phòng quản lý xuất nhập cảnh của Phan Thiết. Quán này chỉ bán buổi sáng, buổi chiều bán bánh xèo.

Dê 5 lửa: gần ngã 3 Thủ Khoa Huân
Kim Sơn Lầu: ngay ở khu chợ Phan Thiết, có món cá canh chua theo kiểu Trung Hoa.
Quán Vịt đồng: Quán này cũng nằm ngay sau lưng phòng quản lý xuất nhập cảnh của Phan Thiết, đối diện quán cơm Mỹ Hương. Vịt ở đây rất ngon, giá cả phải chăng với đầy đủ các món gỏi, xôi, cháo, luộc.

Quán Yên Gia: nhà hàng nấu ăn theo tiêu chuẩn nhà hàng Sài Gòn , chủ quán là dân du lịch đặc biệt đàn chó ở quán cực kì dễ thương, đáng yêu.
Lan Cầu Ké: ngay trên đường bạn vào Mũi Né, gần làng chài Phú Hài, nằm bên tay trái.
Quán hải sản Phong Vân Quán: Từ Thủ Khoa Huân đi theo hướng ra Mũi Né…qua cái Cầu đầu tiên khoảng 300m thì quán bên tay phải.

Quán gà Phước Hiền: đi đường Trần Hưng Đạo…tới ngã ba Tam Biên, rẽ phải… đi đến cuối đường rẽ phải… gặp ngã tư đầu tiên rẽ trái… quán ngay bên tay phải.
Qua Phan Thiết khoảng 7km trên QL1 có Bánh Hỏi -thịt quay tại Cầu Phú Long vị rất khác biệt.

Quán Bà Sáu: quán bán cơm bình dân và hải sản rất ngon, nấu rất hợp khẩu vị trên đường Mũi Né – Phan Thiết, đối diện resort Victoria Phan Thiết, gần tới sân golf Sea Links.
Mì Lý Quan Ký: trên đường vào Hòn Rơm, đối diện nhà thờ.
Khu du lịch Hòn Rơm: buổi chiều ở đây có thể thưởng thức Sò Điệp nướng, cua lông, mực nướng, hấp, giông.

Mua quà ở đâu?

Nơi mua mực ống và mực trứng tươi về làm quà: từ Mũi Né về lại trung tâm Phan Thiết….qua trạm thu phí…sắp tới chân cầu Hài ….có một ngã rẽ bên phải….rẽ phải…đi thẳng khoảng 500m bên tay trái có cơ sở chế biến mực (chưa tới cà phê Giọt Đắng)…mực ống tươi to 20-25cm: 80k/kg ăn rất ngon, mực trứng: 45k/kg.

Nước mắm Con Cá Vàng của công ty cổ phần nước mắm Phan Thiết. Loại chai thủy tinh nhỏ xíu 50ml/chai x 9 chai/thùng, 45 độ.

Du lịch, GO! - Theo DulichVN, internet
Cù lao Ré (hay còn gọi là đảo Lớn) thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang được nhiều công ty lữ hành thiết kế tour. 

Mỗi dịp cuối tuần, không chỉ người dân Quảng Ngãi mà nhiều du khách ngoài Bắc, trong Nam cũng ra đảo thưởng ngoạn cảnh đẹp, tắm biển và thưởng thức hải sản tươi ngon.

Cù lao Ré cách bờ khoảng 25 cây số đường chim bay, để ra đảo phải đi bằng tàu. Từ cảng Sa Kỳ (cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 22 cây số về hướng Đông), tàu cao tốc chạy ra đảo mất chưa tới một giờ. Hàng ngày, 8 giờ sáng ở cảng Sa Kỳ có một chuyến tàu cao tốc đi ra Lý Sơn. Nhưng nếu trễ tàu cao tốc, du khách có thể đi bằng tàu gỗ - tàu chở hàng xuất bến khoảng 9 giờ sáng.


Trên cù lao Ré, có 3 di tích mà bất kỳ du khách nào cũng phải đến thăm là đình làng An Hải liên quan đến Hải đội Hoàng Sa ngày xưa; Âm Linh tự là nơi thờ các oan hồn, tử sĩ Hoàng Sa và Trường Sa; chùa Hang được hình thành từ một hang đá hàm ếch hình thành do sóng biển bào mòn; miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới. Chỉ bấy nhiêu điểm tham quan nhưng cù lao Ré đủ lấy thời gian của du khách 2-3 ngày.

Điểm độc đáo nhất trong hành trình là ngắm bình minh trên đảo. Để ngắm và chụp ảnh bình minh, du khách phải thức dậy từ khoảng 4 giờ sáng, chạy xe máy trên những con dốc đứng, được rải nhựa phẳng lỳ, hơi khúc khuỷu. Một bên là vách núi thấp, bên kia là thung lũng và toàn cảnh đảo thu nhỏ.

Du khách đến đỉnh Thới Lới - ngọn núi cao nhất trong 5 ngọn núi ở Lý Sơn. Theo câu chuyện của người dân đảo, trên đỉnh Thới Lới có lòng chảo khổng lồ với một cánh rừng nguyên sinh.  Rừng rậm rạp có mạch nước ngầm, tạo thành suối đổ ra biển. Tuy nhiên, rừng nguyên sinh hiện nay không còn. Lòng miệng núi chỉ còn trơ trọi đá và cát trông như một đấu trường La Mã.

Cảnh bình minh đã tốn khá nhiều thời gian để du khách chụp ảnh thì “đấu trường” này lại buộc khách phải ngắm nghía và liên tục bấm máy với nhiều vị trí khác nhau.

Đứng ở trên đỉnh Thới Lới, du khách có thể phóng tầm nhìn bao quát cù lao Ré, thậm chí cả cù lao Bé và hòn Mù Cu nằm ở phía Đông. Nhà cửa, chùa chiền, cây cối hòa quyện với nhau tạo thành bức tranh thiên nhiên sống động. Những thửa ruộng đang vào mùa tỏi hiện lên trắng toát giữa vùng cát trắng mịn màng. Từ trên cao, ruộng tỏi trông như ruộng bậc thang ở Tây Bắc với nhiều tầng bậc, sắc màu.

Một địa điểm thú vị mà du khách không nên bỏ qua khi đến cù lao Ré là các bãi biển trong xanh và sạch. Du khách có thể chơi đùa với những ngọn sóng, cảm nhận cái nhoi nhói của những viên sỏi nhỏ dưới chân.

Nếu mệt, du khách có thể thả mình thư giãn trên những tảng đá lớn, nghe sóng vỗ, nghe tiếng gió thổi trên những ngọn dừa. Tại đây còn có những bãi đá đen, dấu tích của dòng nham thạch trong thời gian núi lửa hoạt động đổ dung nham ra biển. Những khu này là điểm cắm trại, vui chơi lý tưởng cho khách để hòa mình vào thiên nhiên.

Lần ra những mảng nước biển trong vắt, khách có thể chiêm ngưỡng bức tranh đàn cá tung tăng bơi lội và những rạn san hô đầy màu sắc bằng mắt thường. Đừng quên thưởng thức những hải sản tươi roi rói vừa được bắt lên từ biển. Từ cá, tôm, các loại ốc sò... chỉ đơn giản hấp gừng hay hấp sả đều ngon đến mê người.

Nghỉ đêm tại Lý Sơn, du khách có thể được những cụ già trên đảo kể nhiều câu chuyện về người Việt trong công cuộc khai phá lập làng. Du khách sẽ có dịp tìm hiểu về Hải đội Hoàng Sa hy sinh tính mạng của mình để giữ bờ cõi của Tổ quốc trên biển.

Du khách không khỏi bùi ngùi với câu chuyện: khi mỗi lần ra đi vào tháng 2 âm lịch, những người lính biết là khó trở về nhưng vẫn hăng hái ra đi. Để rồi sau đó, vào đúng ngày họ lên đường là những ngày giỗ chung cho các tử sĩ và hình thành nên lễ Khao lề Hải đội Hoàng Sa được duy trì đến ngày nay.

Liên quan đến những người lính Hải đội Hoàng Sa, du khách còn được người địa phương hướng dẫn tìm đến những ngôi mộ gió.

Đó là những ngôi mộ không có hài cốt người mà chỉ có những hình nộm làm bằng đất đã được thầy cúng “nhập linh”. Trong đó, có một ngôi mộ gió rất to. Đó là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh và 24 chiến sĩ khác. Được biết, trước kia, các ngôi mộ nằm độc lập với nhau. Theo thời gian, cát bay phủ lấp gom 25 ngôi mộ thành một ngôi mộ gió to lớn.

Nếu còn thời gian, du khách đừng quên cưỡi thuyền vượt sóng thêm vài hải lý ra đến hai hòn đảo khác thuộc huyện đảo Lý Sơn: cù lao Bé và hòn Mù Cu. Hai đảo này nhỏ hơn cù lao Ré và lưu giữ nhiều dấu tích của núi lửa. Với những du khách ưa chụp ảnh, hai đảo này còn rất nhiều nơi để sáng tác những bức ảnh thiên nhiên đẹp và ấn tượng.

Du lịch, GO! - Theo Vĩnh Bảo (Cần Thơ Online), internet
Long Đầu sơn (núi Đầu Rồng) là tên một ngọn núi của dãy Long Sơn (núi Rồng), nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, phía tây núi Thiên Ấn, cạnh đường thiên lý Bắc - Nam, thuộc địa phận thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh.

Dãy núi Long Sơn khởi đầu từ đây, chạy theo hướng tây nam  - đông bắc, đổ về tận Sâm Hội (núi Thình Thình) thuộc huyện Bình Sơn, rồi kéo dài ra sát biển, tạo thành mũi Ba Làng An (Batangan).

Nhìn từ đỉnh núi Thiên Ấn, dãy Long Sơn nhấp nhô uốn lượn tựa như một con rồng thiêng, đuôi trầm mình trong vụng biển, thân hùng dũng băng qua bao la đồng ruộng núi đồi, đầu vươn về phía vực sông Trà.

Tại đây, dòng nước từ thượng nguồn đổ về, sau nhiều lần quanh co uốn khúc, lại chảy thốc vào chân núi, ào ào cuộn xoáy dưới chân Long Đầu sơn, như thể đầu rồng đùa giỡn cùng con nước.

Cảm vẻ đẹp vừa hùng tráng, vừa nên thơ của thắng cảnh nầy, Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh mới đặt cho mỹ tự “Long Đầu hý thủy” (Đầu Rồng giỡn nước).

Sách Đại Nam nhất thống chí, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, phần viết về núi sông tỉnh Quảng Ngãi, có đoạn:

“Núi Đầu Rồng: Tức Long Đầu, ở cách huyện Bình Sơn 31 dặm về phía Nam, hình thế khuất khúc, sống núi từ núi Sâm Hội chạy về nam, đến vực sông trà Khúc thì dừng, hình như rồng thần hút nước nên gọi tên thế. Trên núi có miếu cổ thờ Long Vận tướng quân; sườn núi có 3 đường đi lên, sâu như giếng. Tương truyền hồi Cao Biền nhà Đường cưỡi diều giấy đến đây yểm đoạn long mạch, hoang đường không tin được. Trong tập “Mười cảnh Quảng Ngãi” có một đề là Long Đầu hý thủy (Đầu rồng vờn nước), tức là núi nầy”.

Long Đầu sơn gắn với truyền thuyết bi tráng về vị vua Nam Chiếu khởi binh chống lại Cao Biền. Câu chuyện dân gian nầy có lẻ được người Việt di dân cách nay nhiều thế kỷ từ  các vùng Hoan Ái Diễn (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) mang vào đất Quảng Ngãi, trong cuộc hành trình gian khổ mở nước về phương Nam.

Trên đỉnh núi Long Đầu có chùa Long Sơn, do một tín đồ nhà Phật sở tại tên là Dương Cang phát nguyện xây dựng rồi sau đó dâng cúng Tam Bảo. Thiền sư Chơn Trung Diệu Quang (1891 – 1952), tổ thứ 6 tổ đình Thiên Ấn, là người thay mặt tăng ni phật tử tiếp nhận ngôi chùa và cầu phúc cho vị thí chủ thành tâm. Năm 2009, chùa bị cơn bão Ketsana tàn phá nặng nề, đến năm 2010 thì được trùng tu nhờ vào ân đức của thiện nam tín nữ cùng sự trông coi, chăm sóc của hòa thượng trụ trì Thích Hạnh Niệm.

Phía tây Long Sơn tự, hướng nhìn ra vực nước sâu là ngôi miếu Bà, liền kề có dinh Sơn thần ẩn dưới bóng đa cổ thụ, chứng nhân thầm lặng của bao nhiêu lần thế cuộc thăng trầm.

Xa hơn là núi Sứa (núi Đông Dương), nơi các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật của con người từ thời tiền Sa Huỳnh. Quá về đông, vẫn còn lưu dấu tích Văn miếu Quảng Ngãi (Đền Văn Thánh), xây dựng lần đầu năm Gia Long thứ 16 (1817).

Tại bãi cát trước đền Văn Thánh, ngày 13/7/1885 (mồng một tháng 6 năm Ất Dậu), cử nhân Lê Trung Đình và tú tài Nguyễn Tự Tân đã tập hợp nghĩa quân, làm lễ tế cờ, phát lệnh tấn công tỉnh thành Quảng Ngãi, mở đầu phong trào Cần vương ở miền Trung và cả nước.

Nhìn sang hữu ngạn, ngút xa tầm mắt là thắng cảnh Thiên Bút phê vân, chếch về tây là núi Trấn Công (núi Phước), gắn liền với nhiều truyền thuyết về Trấn Quận công Bùi Tá Hán.

Trong 12 cảnh đẹp của Quảng Ngãi, Long Đầu hý thủy được xếp thứ 2, tiếp sau Thiên Ấn niêm hà. Núi Long Đầu, chùa Thiên Ấn, sông Trà Khúc gắn liền nhau trong nhiều câu ca lời hát dân gian, tuy mộc mạc quê mùa, nhưng chân thành, say đắm, thấm đẫm tình cảm đối với đất nước, non sông:

Sông Trà sát núi Long Đầu
Nước kia chảy mãi, rồng chầu ngày xưa
Núi Long Đầu lưu danh hậu thế
Chùa Thiên Ấn, ấn để hậu hoàng
Ai về xứ Quảng cho nàng về theo.

Từ khi người Pháp xây cầu Trà Khúc, mở rộng đường số 1 Bắc Nam, cảnh vật nơi đây đã dần thay đổi. Song, cho đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khu vực Long Đầu vẫn còn giữ được vẻ đẹp của một vùng sông nước hữu tình. Dọc theo bờ bắc, nhìn trong tầm mắt là những guồng xe nước Trường Xuân, Đông Dương, Quán Cơm, Phú Nhơn ngày đêm cần mẫn đưa nước tưới mát những cánh đồng tận Xóm Bàu, Đồng Sạ, Đa Ngân, Phú Hòa, Trường Thọ...

Thấp thoáng trên dòng sông bốn mùa ăm ắp nước là những chuyến đò dọc, xuôi ngược từ Thu Xà, Tam Thương lên Ba Gia, Đồng Ké. Bóng chiều chầm chậm xuống, đàn chim nhạn làm tổ dưới gầm cầu Trà Khúc bay ùa ra tìm mồi, chao lượn trên mặt sông, dệt vào hoàng hôn bức tranh thiên nhiên thoáng gợn vẻ tịch liêu, trầm mặc.

Theo dòng thời gian, nhà cửa mọc nhiều lên, nước sông  mỗi ngày thêm vơi cạn. Một thắng cảnh nổi tiếng từng tốn hao giấy mực của bao thế hệ thi nhân đã lặng lẽ lùi xa vào dĩ vãng, mặc cho các bức ảnh của Đặng Tùng, Nguyễn Ngọc Trinh như cố níu kéo dấu xưa cho những người hoài cổ.

Đành vậy, bể dâu biến cải âu cũng là chuyện thiên địa thường hằng. Chỉ biết, trong cuộc vần xoay nhiều khi điên đảo ấy, có một điều không bao giờ thay đổi mà tồn tại miên viễn với thời gian, đó là tấm lòng thủy chung, đôn hậu của người Quảng Ngãi. Với tha nhân, với chính mình, với từng con sông, ngọn núi trên mảnh đất quê hương.

Du lịch, GO! - Theo Lê Hồng Khánh (báo Quảng Ngãi), internet

12 cảnh đẹp tiêu biểu ở Quảng Ngãi
Chưa lặn biển là chưa biết hết Nha Trang – nhiều du khách nói với nhau như thế khi ghé thăm thành phố du lịch nức tiếng xinh đẹp này.
Nếu bạn muốn tăng thêm sự thú vị trong những chuyến đi biển của mình, bạn nên bỏ thời gian để theo đuổi môn lặn (Scuba Diving).

< Thám hiểm đáy biển sẽ cho bạn kỷ niệm không thể nào quên.

Sẽ thật ấn tượng khi kể với bạn bè những gì bạn đã thấy ở độ sâu 30m dưới đáy đại dương. Và còn gì tuyệt vời hơn khi trên khung ảnh nhà bạn có những tấm hình bạn chụp cùng với những sinh vật kỳ quái tận sâu trong lòng biển mà không phải ai cũng có đủ can đảm cũng như khả năng để làm được.

Hiện nay dịch vụ lặn biển tại Nha Trang phát triển rất mạnh với 9 trung tâm chuyên nghiệp. Đây vốn là một hình thức giải trí được yêu thích tại nước ngoài từ lâu. Nhiều người đã bỏ công đi khắp nơi chỉ để khám phá sự bí ẩn cũng như vẻ đẹp của các đại dương trên thế giới. Tại Việt Nam, thú vui này còn khá mới mẻ và đang chờ bạn khám phá.

Hòn Mun vẫn là nơi nổi danh vì ở đây du khách có thể lặn xuống chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hơn 300 loài san hô và cả ngàn loài cá đang sinh sống. Nếu không thích lặn, du khách cũng có thể ngắm san hô bằng tàu đáy kính ở Đảo Yến – Hòn Nội. Tuy nhiên, cảm giác ngồi trên tàu ngắm đại dương không “đã” bằng trực tiếp lặn sâu xuống biển, có thể tận tay chạm vào cá biển, chạm vào san hô với cảm giác vô cùng thú vị.

Gần đây, nhiều du khách thích đi lặn biển ở Đảo Khỉ (Hòn Lao) với giá dịch vụ lặn biển 150.000 đồng/người. Đảo Khỉ còn có nhiều bãi đá hoang sơ, nước biển xanh trong và có nhiều rặng san hô đẹp, là nơi trú ẩn của nhiều loài cá biển. Dịch vụ lặn biển đã thu hút hàng ngàn du khách tìm đến để khám phá đại dương. Đến Đảo Khỉ mà chưa lặn biển thì chưa khám phá hết vẻ đẹp ở nơi này.

Đi lặn biển lần đầu, bạn không cần phải biết bơi vì sẽ có người hướng dẫn viên kèm bên bạn. Tại bãi lặn, du khách có thể nằm nghỉ ngơi dưới một tán cây cổ thụ rợp bóng, đợi tới phiên mình thám hiểm đại dương. Hướng dẫn viên sẽ hướng dẫn bạn mặc bộ đồ lặn, kèm theo là một xâu chì nặng khoảng 7 – 8 kg và một bình hơi (bình hơi này nhỏ hơn so với ở Hòn Mun), tất nhiên có cả kính lặn và chân vịt. Nếu bạn không biết lặn, hướng dẫn viên sẽ có bài học về lặn trong vòng 5 phút cho cuộc hành trình diễn ra 30 phút ngắm nhìn đáy đại dương.

Ở Hòn Mun, du khách muốn lặn phải có “trình độ” cao vì ở đây có độ sâu hơn 20m. Nhưng ở Đảo Khỉ, độ sâu chỉ từ 3 – 5m nên du khách có thể yên tâm khám phá đại dương mà không sợ… hụt hơi. Thay vì nhảy từ trên tàu xuống biển như ở Hòn Mun, ở đây du khách có thể leo theo các gộp đá, men theo lối đi nhỏ tới bãi tắm và từ bãi tắm cứ lội ra theo hướng dẫn viên cho đến khi nước tới ngang vai là bắt đầu lặn. Hướng dẫn viên luôn hướng dẫn bạn ngắm nhìn những rặng san hô muôn sắc màu, làm quen với đàn cá biển tung tăng bơi lội như đang cùng rong chơi với khách…

Nước biển tại đây trong xanh đến nỗi chỉ cần đeo kính bơi úp mặt xuống nước bạn có thể nhìn thấy đáy biển sâu hơn 10m và những đàn cá vô tư vui đùa. Người bơi có thể bơi thỏa thích và ngắm cá khu vực quanh tàu. Họ cũng sẽ được các hướng dẫn viên kèm đi đến rặng san hô đầy màu sắc. Nhưng đừng chạm tay vào những nhành san hô mềm mại như lụa ấy nhé, vì loại này rất dễ tổn thương, lại lớn rất chậm, cần được bảo vệ đặc biệt.

Đảo Khỉ nằm ở đầm Nha Phu, trên bản đồ gọi là Hòn Lao, nhưng vì ở trên đảo có tới 1.200 con khỉ, được nuôi để khai thác du lịch nên mọi người quen gọi là Đảo Khỉ. Đàn khỉ trên đảo đã được thuần hóa gồm 2 chủng loại: Macaca Rhérus và Macaca Fassicularit. Chúng rất thân thiện với du khách, đôi khi còn mang lại những tiếng cười sảng khoái vì những trò… khỉ rất ngộ nghĩnh và đáng yêu.

Hiện nay có rất ít du khách Việt tham gia khám phá đáy đại dương ở Nha Trang, dù dịch vụ này đã có từ hơn 5 năm nay. Từ 60 USD một lần lặn khi mới khai trương, giá dịch vụ đã giảm xuống còn 30 – 35 USD. Bạn cũng có thể hoàn toàn yên tâm về sự an toàn khi “chịu chơi” với môn thể thao hấp dẫn này, ngay cả khi bạn không biết bơi nhé. Các hướng dẫn chuyên nghiệp (cả người Việt Nam và nước ngoài) có trình độ và kinh nghiệm nên có thể giúp đỡ rất nhiệt tình cho du khách.

Một số khóa học lặn biển:

- Open Water: cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản để lặn dưới sự giám sát của một huấn luyện viên. Khóa học kéo dài 3-4 ngày với 4 lần lặn. Giá: 7,56 triệu.
- Advanced Open Water: Tích góp những kinh nghiệm lặn mới. Kéo dài 3 ngày với giá 8,9 triệu đồng.
- Rescue: Mở rộng kiến thức và kinh nghiệm của người lặn. Khoá học sẽ giúp cho người lặn chú ý hơn về an toàn của họ và những người lặn xung quanh. Khóa học 4 ngày, giá 8,92 triệu đồng.
- Divemaster: Nâng cao kỹ năng được học trong khoá Rescue, phát triển khả năng xử lý tình huống, và học thêm về những tai nạn thường gặp. Kéo dài từ 2 tới12 tuần, 31,5 triệu đồng.

Du lịch, GO! - Theo Theo Bưu điện Việt Nam, Ảnh: Divevietnam

Monday, 30 July 2012

Chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao và du lịch đang là một phần không thể thiếu của cuộc sống đó. Tuy nhiên, các dịp lễ tết tại Việt Nam thật sự đang quá tải và nó khiến cho không ít du khách cảm thấy mệt mỏi sau 1 kỳ nghỉ dài ngày.

Thuận lợi thì ít, phiền toái thì… nhiều với các ngày nghỉ lễ

Đi du lịch trong các ngày nghỉ lễ, chúng ta có thuận lợi duy nhất là đươc nghỉ nhiều ngày (đặc biệt trong dịp lễ lớn như 30/4 – 1/5 hoặc 2/9), cả nhà có thể cùng nhau đi du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bạn sẽ phải đối đầu với nhiều khó khăn như giá cả dịch vụ tăng vọt, phương tiện vận chuyển, nơi ăn, chốn ở đều bị hiếm hoi vì lượng khách đông gấp 4, 5 lần so với ngày thường.

Hầu hết các nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan đến tàu thuyền, xe cộ và cả hướng dẫn viên đều quá tải… Hậu quả cuối cùng bạn và gia đình bạn là người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Để có được một chuyến du lịch tự túc hiệu quả nhất, bạn nên tham khảo trước về các dịch vụ tại nơi mình sắp đến. Đặc biệt là kiểm tra kỹ lưỡng việc tăng giá cả bởi nếu bạn không tìm hiểu kỹ các bảng giá được áp dụng trong các ngày lễ, bạn sẽ gặp rất nhiều phiền toái.

Thông thường, vào các ngày lễ lớn, các loại hình dịch vụ sẽ tăng khoảng 30 -40%. Cũng không ít nơi lợi dụng thời điểm này để tăng giá cả lên đến 50 -70%.

Không ít các trường hợp du khách đã đặt chỗ và thanh toán trước tiền phòng nhưng khi đến nơi chỉ còn biết ngậm ngùi nhận lại tiền phòng chỉ vì có khách khác trả giá phòng cao hơn. Nếu gặp phải những trường hợp tương tự, bạn phải kiên quyết đòi họ phải bồi hoàn tổn thất cho bạn.

Tuyệt đối không được cho qua nếu bạn gặp những trường hợp này vì như vậy sẽ ảnh hưởng dài lâu và không có cách khắc phục được tình trạng này. Vì vậy, bạn chỉ nên chọn lựa các nhà hàng, khách sạn có tên tuổi và uy tín để đảm bảo cho bạn và gia đình có một kỳ nghỉ thật thoải mái mặc dù giá cả có thể nhỉnh hơn so với các nơi khác.

Hiện nay, ở các điểm tham quan du lịch thu hút đông khách vào các dịp lễ đã có những đường dây nóng để du khách có thể phản ảnh và góp ý với ban quản lý. Vì vậy, bạn nên tra cứu kỹ các thông tin này trước khi đến bất kỳ đâu. Nó sẽ thật sự hữu ích cho bạn.

Một điểm lưu ý nữa cho bạn là khi đi du lịch vào những ngày lễ, bạn nên chuẩn bị sẵn các thực phẩm khô, nước uống, hoa quả,… Đây là cách giúp bạn vừa tiết kiệm lại vừa giúp bạn có thể “chữa cháy” khi giá cả thức ăn ở nơi đến tăng lên quá cao làm ảnh hưởng đến túi tiền của bạn.

Với trường hợp các bạn chọn loại hình đi tour bạn cũng nên “chọn mặt gửi vàng”, xem kỹ chương trình và dịch vụ để tránh những phiền muộn không đáng có. Du lịch là sản phẩm đặc biệt, dùng xong mới biết chất lượng do vậy giá cả không phải là yếu tố quyết định. Mỗi công ty đều có những thế mạnh riêng, các tour sở trường riêng để chúng ta tin cậy.

Khách du lịch nên đi nhiều công ty khác nhau để so sánh và chọn lựa lâu dài. Không ít các nhà tổ chức có các phương thức giảm chỗ này, tăng chỗ khác, giả vờ giảm 1 mà tăng 2… vì vậy chúng ta cần cân nhắc kỹ để không bị thiệt thòi.

Bên cạnh đó, khi chọn nơi đặt tour, chúng ta nên tham khảo những người đã đi trước, hoặc đi thử và nên so sánh chế độ ưu tiên quyền lợi cho khách hàng khi có sự cố ở các công ty du lịch khác nhau rồi lựa chọn. Khi đã chọn mặt gởi… hành trình thì tùy tour, tùy “gu” của mình mà chúng ta nên chuẩn bị hành lý dựa theo các tiêu chí gọn, đẹp và văn hoá.

Đi du lịch… sướng

Riêng những ai thích đi du lịch nhiều nơi với túi tiền hạn hẹp thì nên chọn mùa thấp điểm (từ tháng 9 – 12). Vì mùa này khách nội địa vắng, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, do vậy chúng ta dễ tranh thủ các chương trình giảm giá ở các công ty du lịch. Thú vị hơn, đây cũng là thời điểm mùa thu, khí trời dễ chịu rất thích hợp với đi tham quan, ngoạn cảnh.

Ngoài ra, các bạn trẻ có thể tự thiết kế tour, tự đặt dịch vụ và chỉ thuê hướng dẫn viên (khi cần mới nhờ một số công ty hỗ trợ). Tùy túi tiền mà chúng ta chọn lựa loại hình, phương tiện, thời gian và điểm đến. Một tour du lịch khám phá theo kiểu “made by bạn” luôn hứa hẹn những hành trình hấp dẫn và độc đáo.
Và hãy nhớ chuẩn bị chu đáo trước khi lên đường để chúng ta thoải mái đón nhận nhiều sự thú vị đang chờ đón.

Du lịch, GO! - Theo Hanhphucgiadinh, internet
Nhiều tre thế nên cành cạch nhiều vô kể. Những ngày nắng to hay oi nồng, cứ tám chín giờ sáng trở đi là chúng kêu đinh tai nhức óc. Đêm cũng vậy, nhiều đêm không ngủ được vì tiếng cành cạch kêu.

Anh thanh niên Mường Bùi Văn Kiên hỏi tôi:
- Bác có ăn được con này không?
- Tôi là tín đồ thuyết “phàm là” của dân nhậu. Phàm là con gì quay lưng lên giời thì ăn tuốt. Con này có quay lưng lên giời không?
- Tất nhiên là có.

Tuy nói vậy, nhưng tôi cũng chưa biết thứ côn trùng đựng trong chảo mà Kiên chìa cho tôi xem là con gì, vì cánh của chúng đã bị vặt hết và đã được chiên sơ, con nào con nấy nhuốm một màu vàng mơ rất bắt mắt.

Thoạt đầu tôi tưởng dế, nhưng nhìn kỹ thì không phải, vì chúng nhỏ hơn con dế mèn cỡ trung bình rất nhiều. Là châu chấu, nhưng, làm gì có thứ châu chấu nào to thế, to bằng đốt tay út đứa trẻ lên ba.

Thấy tôi ngẩn mặt ra, Kiên bảo:
- Con cành cạch đấy, bác ạ.

Thì ra vậy. Cành cạch chính là con châu chấu tre. Sở dĩ có tên như vậy là vì ban đêm, tiếng nó kêu cứ cành cạch, cành cạch… Và cũng vì cái tiếng cành cạch đó rất giống với tiếng hai mảnh sành va vào nhau, nên con cành cạch cũng còn một tên nữa là con “sặt sành”. Châu chấu lúa ở đồng bằng rất nhiều, nhưng châu chấu tre thì rất hiếm, bởi nơi sinh sống của chúng là ngọn tre, và thức ăn khoái khẩu nhất của chúng là lá tre non.

Châu chấu lúa nhiều màu, nhưng châu chấu tre chỉ một màu, đó là mầu lá tre xanh. Thế nên khi chúng đậu ở cành tre, kẻ thù rất ít khi phát hiện ra. Bình thường, châu chấu tre đã hiếm, bây giờ càng hiếm hơn khi những bụi tre, rặng tre càng ngày càng biến dần khỏi những làng quê. Tôi hỏi Kiên:

- Trên này nhiều cành cạch thế cơ à?
- Nhiều lắm. Vì trên này nhiều tre mà.

Quả vậy, xã Quyết Chiến (Tân Lạc, Hòa Bình) của Kiên nhiều tre vô kể. Hầu như nhà nào cũng trồng hàng trăm bụi tre trên những lô rừng được giao, nhiều nhất là tre bương. Nhiều bương thế nên giá rất rẻ, cây bương gốc bằng bắp đùi người lớn, dài hơn chục mét chỉ có giá hơn chục ngàn, mà phải chặt từ rừng, vác về tận nơi thì người mua mới trả tiền. Mùa bương mọc măng, gốc nào gốc nấy cứ tua tủa. Những mụt măng bương mập ú chỉ nhìn đã thấy ngon mắt ngon miệng, ăn vào vừa giòn vừa ngọt vừa mát. Lần trước lên, Kiên chỉ xách dao ra vườn một loáng đã vác cả tải măng bương về tặng tôi, mụt măng mập nhất, khi mang về, vợ tôi cân được đúng 5 kg. 4 mụt măng Kiên cho, vợ tôi phải thái nhỏ, luộc chín rồi mang phơi bởi không thể nào dùng hết trong vài ngày.

- Nhiều tre thế nên cành cạch nhiều vô kể. Những ngày nắng to hay oi nồng, cứ tám chín giờ sáng trở đi là chúng kêu đinh tai nhức óc. Đêm cũng vậy, nhiều đêm không ngủ được vì tiếng cành cạch kêu.

Kiên kể tiếp, mùa ơ - rô mới rồi, cứ tám chín giờ tối là cánh thanh niên mang đèn, mang vợt ra đồi tre, chỉ non tiếng đồng hồ đã vợt được vài ký cành cạch, mang về một nhà nào đó. Trút cành cạch vào giỏ, rót nước sôi non từ từ vào giỏ. Gặp phải nước nóng, lũ cành cạch nhẩy tưng từng, rào rào trong giỏ, rụng hết càng và sã cánh , một lát thì chết. Lấy cành cạch ra vặt hết cánh và vặt nốt những đôi càng của những con chưa rụng. Xong rồi, cẩn thận ra thì ngắt đầu, rút hết ruột, còn không thì cứ để vậy cũng chẳng sao. Đổ cành cạch đã sơ chế ấy vào rổ cho thật ráo nước rồi trút vào bát, ướp mắm muối và các gia vị cho ngấm. Trong các thứ gia vị đó nhất thiết không được thiếu món lá chanh thái chỉ.

Trước khi trận bóng mở màn độ nửa tiếng thì cho mỡ, đập mấy lát hành khô vào chảo phi già, đến khi mùi thơm của hành dậy lên thì đổ cành cạch đã ướp vào chảo để chiên. Trận bóng mở màn cũng là lúc mớ cành cạch chiên giòn, nóng hổi, thơm điếc mũi, con nào con nấy vàng ươm, bóng nhẫy mỡ, khô se, được rải ra đĩa có lớp lá chanh lót dưới và lá chanh thái chỉ rắc bên trên. Rượu ngô rót ra.

Cả nhóm thanh niên ngồi quây quần lại trước màn hình ti vi, vừa nhâm nhi vừa theo dõi, cổ vũ cho đội bóng “của mình”. Trận cầu kết thúc cũng là lúc rượu cạn, mồi hết, tất cả ra về với sự “phân công” trận tiếp theo sẽ là ai chuẩn bị rượu, ai đi săn mồi, tụ tập ở nhà ai… Tôi hỏi Kiên:

- Tối nay có đi săn cành cạch không, cho mình đi với.
- Xong ngay.

Sau bữa rượu ngô xứ Mường “cháy cổ” nhắm cành cạch chiên giòn trưa hôm ấy, tôi cứ chập chờn trong tiếng cành cạch kêu miên man mà không sao chợp mắt được, bởi tôi thấy nhớ đến da diết một thời mà giờ đã trở thành xa lắc xa lơ.

Ngày ấy, cứ tối nào có đội “chớp bóng” (chiếu phim) lưu động của huyện về phục vụ là ngay từ chiều, cánh thanh niên lại ra đồng “săn” châu chấu lúa. Dụng cụ để bắt châu chấu là một cái vỉ tre hình tam giác buộc vào đầu cái que tre bằng ngón tay cái, dài độ hơn mét.

Vụt một lúc đã có lưng giỏ châu chấu lúa mang về, cũng chế biến như cách mà Kiên đã kể, chỉ có điều là chiên “chay” vì thời ấy, ngoài ba ngày Tết, có bao giờ có được tý mỡ trong nhà. Chiên xong, một phần dành cho bữa cơm tối còn một phần để riêng, gói vào cái khăn mùi xoa để mang ra bãi chiếu phim, vừa xem vừa ăn nhí nhách. Những đôi nào có “tình ý” với nhau thì buổi “chớp bóng” ấy không thể thiếu dúm châu chấu rang làm quà cho nhau…

Khoảng hơn bẩy giờ thì chúng tôi đã sẵn sàng nào ắc quy, bóng đèn, vợt, giỏ. Lận mỗi người một đôi ủng vào chân, chúng tôi lên đường. Địa điểm mà chúng tôi chọn là một bãi cỏ trống cách chân đồi bương chừng mươi mét. Vừa dùng lại, tôi đã thấy người ran lên. Muỗi, trời ơi, sao mà nhiều muỗi thế. Đàn muỗi rừng thấy hơi người túa ra như trấu rắc. Chỉ một thoáng, tôi đã hứng trọn mấy chú muỗi vào miệng, phải khạc nhổ lia lịa.
- Không chỉ muỗi mà còn vắt nữa. Cẩn thận không vắt xanh tấn công đấy.

Vừa nhắc tôi, Kiên vừa cắm một cái gậy dài hơn 2 mét xuống đất, mắc bóng đèn lên đầu gậy rồi bật ắc quy.ánh sáng điện vừa bừng lên, không biết bao nhiêu là thứ côn trùng đã nhao đến, nào bướm, nào bọ, nào các loại sâu có cánh, nào con vờ (phù du)…Rất nhiều châu chấu ma xấu như…ma đã từ các bụi cỏ gần đấy tung mình lên, lao vào gần bóng đèn để thực hiện màn khiêu vũ tưng bừng dưới ánh sáng. Vẫn chưa thấy con châu chấu tre nào xuất hiện. Tôi hỏi Kiên:

- Hay chỗ này không có cành cạch?
- Cứ yên tâm, tý nữa là có ngay ấy mà.

Quả nhiên, chỉ mươi phút sau, những con cành cạch đầu tiên đã nhao đến, rồi tiếp đó, từ rừng bương, chúng nhao về phía bóng điện ngày càng nhiều. Chúng tôi quơ vợt…

Du lịch, GO! - Theo Nongnghiepvietnam, internet
Ít ai biết rằng, ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội lại có một ngôi mộ tập thể được cho là lớn nhất thế giới...

Ngôi mộ tập thể đặc biệt mà tôi nhắc đến là ngôi mộ và bia tưởng niệm của hơn 2 triệu đồng bào ta bị phát xít Nhật giết hại và hậu quả của nạn đói lịch sử năm 1944-1945.

Ngôi mộ ấy an táng tại địa chỉ 559/86/17 phường Vĩnh Tuy, Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Khi ghé thăm nơi này, được xem những bức hình tư liệu, nghe câu chuyện về những nạn nhân xấu số đã khiến chúng tôi không khỏi mủi lòng rưng rưng nước mắt.
Khu tưởng niệm của hơn 2 triệu đồng bào chết vì bom, đạn của phát xít Nhật và nạn đói 1944-1945 nằm lọt thỏm, tĩnh lặng trong con ngõ nhỏ.

Bước qua cánh cổng, đập vào mắt chúng tôi là tấm bia đá khắc bài văn tế xót xa của GS Vũ Khiêu: “Một cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất…”.

Chứng tích rợn người

Ông Đặng Văn Tuyến, người trông coi, hương khói nơi này tận tình dẫn chúng tôi đi thăm Khu tưởng niệm. Gọi là “khu” cho oai, thực chất diện tích khoảng hơn 150m² bao gồm tấm bia khắc đá của GS Vũ Khiêu, ngôi nhà nhỏ, bể xương người và vài bệ đặt bát hương…

< Thu gom xác đem chôn.

Có tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu nỗi đau của nhân loại. Bởi theo đánh giá, lịch sử Việt Nam cũng như trên thế giới, chưa nơi nào xảy ra nạn đói khủng khiếp có số lượng người chết nhiều đến như thế. Thậm chí con số hơn 2 triệu người chết nếu so sánh với số nạn nhân của hai quả bom nguyên tử ném xuống Nagazaki và Hiroshima của Nhật Bản thì gấp nhiều lần.

< Bức ảnh hai em bé ở Thái Bình được coi là biểu tượng của nạn đói năm 1945.

“Đồng bào mình đấy”, ông Tuyến ngậm ngùi đưa tay chỉ vào những bức hình tư liệu treo trên tường. Chúng tôi giật mình khi bắt gặp trên những bức hình tư liệu là cảnh những đứa trẻ nhỏ nheo nhóc, những người lớn bé, già trẻ, trai gái ngồi chờ để được chia gạo cứu đói.

Cảnh người dân đang đào những hố rộng chôn người tập thể, hình ảnh của những người kéo chiếc xe ngổn ngang chở đầy xác chết, hay bắt gặp cả “núi xương” mà… thấy lạnh cả người.

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng những gì là chứng tích đau thương còn sót lại nơi đây vẫn là nỗi ám ảnh trong tâm trí của những thế hệ trẻ hôm nay. Theo các bậc cao niên nơi đây kể lại, độ ấy, người chết vì phát xít Nhật cũng nhiều, nhưng người chết đói nhiều vô kể.

< Đói quá phải ăn cả thịt chuột, mà không phải ai cũng có để ăn!

Việc làm của những người còn sống, có chút lương tri, không chỉ đánh giặc mà còn đi gom xác chết về nghĩa trang Hợp Thiện (nay là khu tưởng niệm) để mai táng trong các ngôi mộ tập thể. Theo thời gian, tại nghĩa trang này không chỉ là nơi chôn cất người chết mà lâu dần nó đã trở thành nơi cư trú của những người lao động tứ xứ.

Theo ông Tuyến, Khu tưởng niệm hơn 2 triệu đồng bào này suýt bị rơi vào quên lãng, nếu như năm 2001 không có 3 sinh viên của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội làm đề tài “Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944-1945”. Sau đó, vào tháng 9/2003, UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư cải tạo, xây dựng lại khu vực này. Trong đó, “bể xương” chứa hàng triệu hài cốt của đồng bào nằm ở chính giữa.

Cũng theo ông Tuyến, ông đã sống ở đây từ nhỏ, vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, khu vực này còn rất hoang vắng. Những năm đầu thập niên 90, “bể xương” còn nằm lộ thiên. Sau này, mọi người xây dựng thành bể kiên cố, để lại một lỗ thông âm - dương. Tuy nhiên, dần dà mọi người đã bịt kín.

Năm 2001, thấy nhóm sinh viên đến làm đề tài, ông Tuyến cũng ra xem. Nhưng không hiểu sao, sau lần đó, trong ông bỗng thấy lòng thương cảm, muốn mình “gắn bó” với những hài cốt này vô cùng. Chính vì vậy, ông đã tự nguyện đến đây trông nom, chăm sóc, thắp những nén nhang cho những linh hồn xấu số được siêu thoát. Vậy là không quản mưa nắng, ngày thường cũng như ngày lễ tết, cứ bắt đầu từ sáng sớm, ông Tuyến lại đến đây thắp hương, dọn dẹp nghĩa trang đến tận tối mịt mới về.

Nặng lòng với người đã khuất

Sinh năm 1952, lớn lên gặp khi đất nước chiến tranh, năm 1970 ông Tuyến nhập ngũ ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Ông công tác trong đơn vị Tổng cục Kỹ thuật làm nhiệm vụ sửa chữa xe cơ giới. Sau giải phóng miền Nam đến năm 1981, ông Tuyến trở về quê hương rồi chuyển sang công tác ở đơn vị khác. Cơ duyên nào khiến ông tự nguyện trông nom khu nghĩa trang này?

< Lễ phát động Ngày cứu đói tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Ông Tuyến cho hay: “Là thế hệ trẻ, từng vào sinh ra tử nên tôi đã thấm thía nỗi đau chung của dân tộc. Tôi còn may mắn được sống sót nên muốn làm một điều gì đó để tri ân với những người đã khuất.

Bản thân tôi cũng thấy lòng mình thanh thản lắm”. Năm 2005, được sự đồng ý của chính quyền sở tại nơi đây, ông Tuyến đứng ra đảm nhận công việc trông coi, nhang khói ngôi mộ tập thể ở khu nghĩa trang này.

< Cụ Ngô Tử Hạ, đại biểu Quốc hội (khóa I) cao tuổi nhất, đang kéo chiếc xe quyên góp và phân phối gạo trong Ngày cứu đói.

Nhận trông coi nghĩa trang đặc biệt này, nhiều người gọi ông là “Tuyến hâm”. Có người còn bảo ông “đường đường là một cựu chiến binh, có nhà cao cửa rộng, con cháu sum vầy, việc gì mà lại đứng ra làm cái công việc “dở hơi” ấy”. Ông Tuyến cười hiền: “Ai nói gì thì nói, tôi bỏ ngoài tai. Họ không phải là tôi nên không hiểu được ý nghĩa của công việc mà chính tôi đang làm. Tôi làm vì cái tâm, bằng một tấm lòng tri ân thành kính và thiêng thiêng nhất”.

< Xác người chết đói đầy đường đang được thu lượm đi chôn.

7 năm làm công việc trông coi Khu tưởng niệm đặc biệt này, ông Tuyến đã đón hàng nghìn đoàn khách từ khắp nơi đến. Đó là các đoàn lãnh đạo ở Trung ương, địa phương, rồi các đoàn du lịch từ các nước đến, Việt kiều từ nước ngoài về tưởng nhớ lại những người thân đã khuất. Hay nhà ngoại cảm đến “hỏi chuyện” những vong linh xấu số…

Tuy nhiên, những vị khách đến từ đất nước Nhật Bản xa xôi đã để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Có khách đến đây vì từng được nghe về tội ác do chính cha ông họ gây ra, có người đến vì tò mò, thậm chí có từng trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Nhưng, dù họ là ai, đến với tâm thế và cương vị như thế nào đi nữa thì tất thảy họ đều cúi đầu tỏ vẻ ăn năn trước vong linh người đã khuất.

Lật giở cuốn sổ đã ngả màu theo thời gian, những dòng hồi tưởng đầy đau xót, thương tiếc và thành kính vô hạn của những vị khách là những lời lẽ đầy xúc động. Ông Tuyến bảo, trong số gần 100 trang lưu bút thì có đến gần 70 trang do những vị khách Nhật Bản lưu lại. Những dòng tâm sự của họ thể hiện sự đáng tiếc vì sai lầm của cha ông mình gây nên đối với những vong linh đã khuất.

Với việc làm của những bạn trẻ Nhật Bản, cho thấy họ rất có lòng yêu chuộng hòa bình, tuy không phải những việc làm to tát, nhưng những nén nhang, những bó hoa, cùng cái cúi đầu thành kính cũng có thể khiến các vong linh ấm lòng. Hy vọng, hận thù của quá khứ đóng lại, mở ra tình đoàn kết trên thế giới.

Khu tưởng niệm tuy nhỏ bé, nhưng chứa đựng một nỗi đau quá khứ dai dẳng, ghi nhớ một thời kỳ đen tối của đất nước. Và cũng chính từ những nỗi đau quá lớn, những mất mát quá nhiều, lòng căm thù sục sôi nên nhân dân cả nước đã vùng lên, giành được đất nước, đem lại hòa bình, cũng như bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam.

Ông Tuyến tâm sự, cứ vào những ngày Rằm tháng 7, lãnh đạo chính quyền, cùng các tăng ni phật tử từ khắp nơi đến đây để cầu siêu cho các vong linh của nạn đói năm 1944-1945. Khi đến đây, ngoài việc chứng kiến nỗi đau thương mất mát của đồng bào, người dân và cả du khách thập phương như được nhắc nhở về một sự hy sinh của hàng triệu đồng bào cho nền độc lập của nước nhà.

Chia tay ông Tuyến, chúng tôi còn nhớ mãi câu nói của người cựu chiến binh này: “Đây là chứng tích lịch sử đặc biệt và duy nhất ở nước ta. Mong muốn lớn nhất là các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm tới khu tưởng niệm này. Nó như là minh chứng để các thế hệ trẻ mai sau và bạn bè quốc tế biết được về quá khứ của ông cha ta và lịch sử bi thương lẫn hào hùng của dân tộc ta”.

Du lịch, GO! - Theo Năng Lượng Mới, ảnh internet

< Người người từ các tỉnh lân cận Hà Nội nối đuôi nhau tìm sự trợ giúp. Tại chợ Hàng Da ở Hà Nội, họ chờ phân phối đồ cứu trợ, nhưng nhiều người chưa kịp nhận đã chết
.
TTO - Theo giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học VN,  ngoài các chính sách tô cao thuế nặng, Nhật còn đưa ra một “chương trình kinh tế chỉ huy” nhằm thực hiện một cách triệt để chủ trương phát xít của mình.

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 6-5-1941 Nhật buộc Pháp ký một hiệp ước kinh tế yêu cầu Pháp phải cung cấp lương thực ở Đông Dương cho Nhật hằng năm. Bốn năm liền từ 1941-1944 Nhật - Pháp đã ký bốn hiệp định giao nộp lúa, ngô cho Nhật mỗi năm từ 700.000 - 1,3 triệu tấn, tương đương 50-80% tổng sản lượng lương thực VN thời đó.
.
Để phục vụ chiến tranh, phát xít Nhật còn cần rất nhiều nguyên liệu từ những cây trồng có sợi, có dầu như đay, gai, bông, thầu dầu... nên họ đã bắt rất nhiều vùng quê nhổ lúa trồng đay và các loại cây trên. Tài liệu của người Pháp thống kê: năm 1944 VN trồng tới 45.000ha đay, gấp chín lần diện tích của năm 1940 do 10 công ty độc quyền của Nhật thu mua, chế biến, kinh doanh thứ cây này.
.
< Năm 2001, có 3 sinh viên của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội làm đề tài “Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944-1945” và khu nghĩa trang đã thực sự hồi sinh rồi được tôn tạo như hiện nay.

Cũng theo tài liệu trên, chiến tranh của đồng minh với Nhật tại Đông Dương khiến 50% hệ thống giao thông Nam - Bắc VN bị phá hủy, 90% phương tiện vận tải bị hư hỏng khiến việc đưa lương thực cứu trợ từ Nam ra Bắc càng thêm khó khăn. Chiến tranh làm cho nhu cầu nhiên liệu: than, dầu, điện của Nhật tăng cao. Họ đã lấy ngô, vừng, lạc và cả lúa gạo để thay thế những nhiên liệu này phục vụ mưu đồ phát xít, đẩy người dân vào thảm họa chết đói tạo ra những bi thương khó quên trong lịch sử dân tộc mình...

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống