Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Friday 11 January 2013



Sau vài ngày đầu tiên khám phá thủ đô, tôi bắt đầu hành trình xuống phía nam Ba Lan. Ở quốc gia này, phương tiện giao thông thuận lợi nhất để đi lại giữa các tỉnh chính là tàu hỏa. Nhờ sự giúp đỡ của bà mẹ người bạn, tôi mua được một thẻ tuần cho phép đi thoải mái. Thành phố đầu tiên mà tôi đặt chân đến khi đi xuống phía nam là Czestochowa. Theo ý kiến của tôi, bản thân thành phố Czestochowa và khu vực xung quanh không phải là một vùng có nhiều sự hấp dẫn về mặt du lịch nhưng đây là thủ đô tín ngưỡng của người Ba Lan. Czestochowa là thánh địa thiên chúa giáo đầu tiên tôi đặt chân đến và sau này tôi còn có dịp thăm khá nhiều thánh địa khét tiếng khác của Châu Âu : Lourdes, Mont Saint Michel, Lisieux (Pháp), Vatican (Ý), Fatima (Bồ Đào Nha). Nhờ biết đến cái tên Czestochowa mà tôi rất dễ dàng bắt chuyện với bất cứ dân phượt Ba Lan nào tôi bắt gặp trên thế giới. Đơn giản vì người Ba Lan rất sùng đạo và bất cứ công dân Ba Lan nào cũng đi hành hương đến Czestochowa ít nhất một lần trong đời. Con đường hành hường phổ biến nhất là từ thủ đô Warsaw, họ cuốc bộ hơn 300km trong vòng nhiều ngày để đến thánh đường Czestochowa rửa tội…một kiểu hành xác khá đặc trưng của thiên chúa giáo có nguồn gốc từ thời trung cổ. 


 Nằm tọa lạc trên một ngon đồi mang tên Jasna Gora (trong tiếng Ba Lan có nghĩa là ngọn đồi sáng), tu viện Czestochowa gắn liền với lịch sử của Ba Lan bởi rất nhiều vua chúa và quan chức chính quyền đã từng đến đây quỳ gối trước đức mẹ đồng chinh mặt đen, một nguyên nhân chính khiến Czestochowa nổi tiếng. Điểm đặc biệt ở đây là sự pha tạp nửa tu viện nửa thành trì của Czestochowa. Ban đầu chỉ là một tu viện nhỏ, người dân Ba Lan cho kiên cố thêm hệ thống phòng thủ vì đây là một vị trí chiến lược nằm án ngữ trục đường giao thông giữa Ba Lan và Romania. 


 Trong suốt hơn 600 năm tồn tại, Czestochowa là biểu tượng cho lòng quả cảm và chủ quyền của Ba Lan. Đã từng có nhiều cuộc chạm trán chống quân Thụy Điển, Áo, Nga ở đây và người dân Ba Lan luôn dành chiến thắng. Điều đó càng làm cho họ tin rằng chiến thắng là do nhờ vào sự phù hộ của đức mẹ đồng chinh mặt đen. Vào thời kỳ hậu thế chiến, dưới chế độ đàn áp của chủ nghĩa cộng sản đến từ Nga, người Ba Lan lại một lần nữa cầu nguyện sự phù hộ của đức mẹ để đạt được tự do. Nhưng lần này, họ phải chờ khá lâu, trong vòng vài thập kỷ để rồi Ba Lan thoát khỏi mọt gông cộng sản năm 1989. 


Tóm lại, bàn thờ đức mẹ này có quyền lực khôn lường và những truyền thuyết xoay quanh nguồn gốc của nó cũng rất thú vị. Theo lời từ người xưa kể lại, khung gỗ để làm bức tranh đức mẹ đồng trinh có nguồn gốc từ chiếc bàn ăn mà gia đình chúa Jesus thường dùng. Bản thân tác phẩm điêu khắc trên gỗ hiện tại là do thánh Luke (một trong 12 đệ tử đầu tiên của chúa Jesus) tạo ra. Tác phẩm này lưu lạc từ Jerusalem sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tuồn sang Ukraina và cuối cùng đến Ba Lan và tầm thế kỷ 14. Tại sao đức mẹ đồng trinh điêu khắc trên phiến gỗ lại có khuôn mặt màu đen? Ban đầu, màu nâu sồng là màu chủ đạo. Sau nhiều thế kỷ lưu lạc, tác phẩm chịu nhiều va chạm nên bị xước nhiều chỗ. Vào cuối thời trung cổ, các nhà thủ công địa phương ở Ba Lan cố gắng trùng tu nhưng do kỹ thuật của họ gặp nhiều hạn chế nên lớp sơn mới bị biến dạng xỉn màu đi. Thêm nữa, do các tín đồ đến đốt nến quá nhiều nên khói nên ám vào bề mặt khung tranh làm nó càng bị đen đi. Thế là mặt đức bà bị biến thành màu đen




Hàng năm, hàng triệu người từ khắp nơi đến đâu cầu nguyện với nhiều lý do khác nhau : cầu xin rửa tội, chữa bệnh, cầu ban phước lành... trong khoảng hơn chục năm gần đây lại có thêm một khuynh hướng mới : các bạn trẻ sắp thi tốt nghiệp cuốc bộ xa hàng trăm cây số đến đây cầu nguyện để thi cử đỗ đạt. Như vậy, Czestochowa còn kiêm luôn là nơi ban điều may như kiểu Văn Miếu ở Hà Nội. 


Ở đây có một phong tục tập quán : các tín đồ đã từng đến đây luôn mang đến các quà tặng hoặc lễ vật rất quý giá. Hầu hết các bức tường trong thánh đường thờ đức mẹ mặt đen đều có trang trí rất nhiều đồ trang sức, từ vòng đeo cổ bằng vàng bạc đến các loại đá quý, rồi thì thánh giá rạm ngọc. mặt vòng bằng kim cương… việc đến công đức cho nhà thờ là điều phổ biến ở Châu Âu nhưng việc đem đến cả tấn vàng châu báu như thế này thì tôi chưa thấy bao giờ. Không biết liệu trong số những thứ có giá trị như thế này có vị mục sư nào nổi lòng tham biển thủ một ít không nhỉ ? 


Ngoài quần thể tu viện Czestochowa thì bản thân thành phố này không có gì đặc sắc lắm. Tôi loanh quanh một lúc rồi bắt chuyến tàu chiều đến Krakow, thủ đô văn hóa phía nam của Ba Lan. Đến nơi thì cũng đã giữa chiều, tôi nhanh chóng tìm đường đến hostel địa phương và tìm kiếm thông tin về cuộc sống Krakow về đêm, đặc biệt là một nhà hàng nào đó đặc trưng của vùng này. Nhân tiện nói đến ẩm thực, phải công nhận rằng tôi không mấy khi được ăn uống tử tế mỗi khi đi du lịch bụi. Trong phần lớn chuyến đi Ba Lan, tôi chủ yếu đi siêu thị mua đồ ăn nhanh như bánh mì, patê rồi hoa quả. Nói chung là những loại không mất nhiều công chế biến nhưng cũng chẳng có gì mang tính đặc trưng của ẩm thực Ba Lan. Nhưng sau vài ngày chắt bóp tiết kiệm, tôi tự nghĩ đã đến lúc tự ban tặng cho mình một cơ hội khám phá ẩm thực địa phương theo đúng nghĩa của nó, và tôi quyết định đi ăn nhà hàng địa phương. Do ảnh hưởng của văn hóa Pháp, tôi luôn có ý nghĩ rằng đi ăn nhà hàng nhiễm nhiên đồng nghĩa với việc tiêu thụ một cái gì đó xa xỉ. Nhưng mức sống ở Ba Lan thì thấp hơn nhiều so với Pháp. Do là lần đầu tiên tự đi du lịch một mình, tôi thật sự ngạc nhiên vởi chi phí rẻ như bèo ở quốc gia này. Vào năm 2005, 1 euro = 5 zloty, và chỉ cần 7 euro là đã có thể có được một bữa ăn khá thịnh soạn. Mấy người bạn Ba Lan có nói tôi nhất thiết phải thử nhà hàng phong cách “milk bar” ở Krakow. 


 Nghe cứ như kiểu quán bar nơi người ta phục vụ rượu mạnh chiết xuất từ sữa, nhưng thực tế lại là một chuyện khác…milk bar thực ra là tên nickname đặt cho những nhà hàng địa phương với các món ăn Ba Lan giá siêu rẻ và có ở khắp nơi trên đất Ba Lan (nhưng mãi khi đến Krakow thì tôi mới có dịp khám phá). Cái tên này cũng có nguồn gốc lịch sử. 


 Theo người ta kể lại, xưa kia người Ba Lan hay lui tới các nhà hàng này để uống sữa bởi chính quyền Ba Lan ra một đạo luật hạn chế tiêu thụ rượu mạnh và …uống sữa thay rượu. Phần lớn các quán kiểu này phải đóng cửa khi chế độ cộng sản sụp đổ vào cuối những năm 1980 nhưng một số may mắn trụ lại nhờ trợ cấp từ phía chính phủ.  Quán tôi vào mang tên Mleczny. 


 Các món ăn tôi lấy đều chất đống khoai tây, trứng luộc, súp đỏ, xúc xích, rồi thì súp lơ, nói chúng khá là nặng. Nói đến đây mới nhớ cái hôm nhà cô bạn Ba Lan mời tôi về ăn sáng ở Warsaw. Ăn sáng gì mà nặng thế, toàn chơi xúc xích và cả tảng thịt nguội to đùng, lại có cả khoai tây nữa. Hỏi thì mới biết là họ ăn sáng nặng như vậy vì người Ba Lan ăn trưa khá là muộn (tầm 13h-14h) và họ cho rằng bữa sáng là quan trọng nhất nên phải nạp thật nhiều năng lượng.

Sáng ngày hôm sau, tôi bắt đầu chuyến khám phá thành phố Krakow. Nghe cái danh thủ đô phía nam có vẻ là to, thực ra hoàn toàn có thể gói gọn các điểm tham quan trong vòng một ngày vì phần lớn các điểm này đều tập trung ở khu phố cổ và tất cả co gọn trong vành đai tường thành cổ. Và cũng chỉ có những gì nằm trong vành đai thì mới đáng xem vì toàn bộ khu phố cổ bị một vành đai đại lộ ôtô uốn khúc xung quanh với cảnh quan đô thị đặc trưng Xô Viết cũ, nói chung là chẳng có gì đặc sắc. Cũng thật may mắn là toàn bộ quần thể phố cổ thoát được sự tàn phá của thế chiến thứ hai và trong thời kỳ cộng sản thì chính quyền địa phương cũng không cho phép xây linh tinh các tòa nhà hiện đại bên trong vành đai tường thành cổ. 




Lịch trình của tôi bắt đầu từ một cổng vào của hệ thống tường thành, có niên đại từ thế kỷ 15. Cổng thành Brama Florianska là chiếc cổng lâu đời duy nhất còn sót lại, được xây dựng vào thế kỷ 13. Tất nhiên là mùi nồng nặc của nước tiểu mà tôi ngửi thấy khi đi qua nó thì có thâm niên gần đây thôi. 


 Dọc theo bờ tường thành, các họa sỹ amatơ treo rất nhiều các tác phẩm tranh tuyệt đẹp. Cứ đi dọc theo con đường Floriańska từ cổng thành, tôi nhanh chóng đến quảng trường Rynek Glowny, trái tim của thành phố. Chúng ta lại tìm thấy đặc thù không thể nhầm vào đâu được của một thành phố có nguồn gốc trung cổ : một quảng trường ngay ở giữa đóng vai trò như trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị. 


 Xưa kia, nơi đây là nơi giao lưu thương mại với rất nhiều mặt hàng. Người ta nói rằng hồi ấy các khu chợ được tổ chức như kiểu chợ giời souk của Trung Đông (xem ví dụ bài viết về thành phố Fès của Marốc hay khu chợ giời Khan El Khalili của Ai Cập). 


Sự thịnh vượng của quảng trường trung tâm cứ tiếp diễn cho đến tận thế kỷ 19. Vào thời kỳ này, do nhu cầu quy hoạch đô thị có nhiều biến đổi, tòa thị chính quyết định cho san phẳng khá nhiều gian hàng vì cho rằng chúng được tổ chức quá hổ lốn. Cho đến ngày nay, hầu như không còn sót lại nhiều vết tích của nét kiến trúc trung tâm thương mại của quá khứ ngoài tòa nhà Sukiennice, trong tiếng Ba Lan có nghĩa là khu chợ bán vải. Nói là bán vải nhưng trên thực tế, các mặt hàng ở đây rất phong phú. Tòa nha Sukiennice xưa kia là trung tâm đầu não thương mại của Krakow với vô số mặt hàng xa xỉ đến từ phương Đông như : gia vị, lụa, da thuộc…



Bên trong của tòa nhà đúng là làm tôi gợi nhớ lại các khu chợ giời của Trung Đông với một mê cung các gian hàng rất đa dạng về mặt sản phẩm đặc trưng của Ba Lan : đồ chơi bằng gỗ, lông thú, bát đĩa bằng thủy tinh nhiều màu, trang sức, đá quý amber của vùng biển Baltic. Các mặt hàng thì có thể là hiện đại nhưng phong cách kiến trúc của các gian hàng bên trong thì vẫn là của thế kỷ 16. 

bên trong nhà thờ Đức Bà
 Đối diện với khu chợ là nhà thờ Đức Bà với hai tòa tháp quái chiêu không có chiều cao tương xứng nhau, một cái cao 81m cái kia cao 69m. Theo truyền thuyết kể lại, xưa kia có hai người anh em, mỗi người xây một tòa tháp. Do lòng tự cao dâng lên, cả hai cạnh tranh nhau rất khốc liệt để có được tòa tháp cao hơn người kia. Một trong hai không từ thủ đoạn ám sát anh ruột của mình và nhờ thế xây được tháp cao hơn vài chục mét. Chính tòa tháp này sở hữu một tháp chuông có tiếng kêu rất đặc trưng và là tiếng chuông biểu tượng của thành phố. Người địa phương đặt cho nó cái tên Hejnal. Cái tên này cũng có một giai thoại lịch sử kèm theo. Vào thời trung cổ, đặc biệt là vào giai đoạn thế kỷ 13 khi mà quân Mông Cổ (người Ba Lan gọi là quân tatare) đang hoành hành khắp nơi, thành phố Krakow luôn đặt dưới tình trạng báo động thường trực đề phòng bị tấn công. 


  Mỗi khi tiếng hejnal phát ra từ tháp chuông thì tất cả các cổng thành đóng chặt vào và nhân dân chuẩn bị tinh thần chiến đấu. Truyền thuyết kể lại vào một lần tấn công của quân Mông, người thổi kèn đứng ở tháp chuông này đang trong quá trình lên tiếng báo hiệu cho thành phố thì dính một phát tên của địch và chết ngay tại chỗ. Đó là lý do vì sao tiếng chuông hejnal ngày nay có đặc thù là đang phát ra thì đột nhiên ngắt giữa chừng (cố tình làm thế) như thể một người thổi kèn đang thổi thì bỗng dừng lại không thổi nữa . Câu chuyện thú vị này giúp tôi khám phá một điều mới về mặt ngôn ngữ. Người Mông Cổ được người Châu Âu mệnh danh là người tatar. Hóa ra người Việt  mượn từ này để chuyển hóa thành tác-ta (nói lái của âm tatar), ám chỉ ai đó rất dã man. Chẳng thế mà người ta có câu “con mụ này tác ta lắm”.  



Không quá xa Sukiennice là Collegium Maius, ký túc xá của trường đại học Jagellon, một trong những trường đại học cổ nhất Châu Âu, được thành lập vào thế kỷ 14. Như vậy là tính sơ bộ trong vòng 8 năm bên Châu Âu, tôi cũng tham quan được kha khá các trường đại học sinh ra vào thời trung cổ : Sorbonne (Pháp), Bologna (Ý), Salamaca (Tây Ban Nha) và Coimbra (Bồ Đào Nha). Chỉ có hai trường Oxford và Cambridge là tôi không có dịp thăm. 

Giảng đường

 Trường đại học Jagellon có một quá khứ hào hùng, khá mạnh về các môn khoa học và thu hút rất nhiều sinh viên từ khắp Châu Âu. Hai nhân vật nổi tiếng nhất đã từng học tại đây là Nicolaus Copernicus với thành tựu tìm ra quy luật trái đất hình cầu chứ không phải hình vuông như đạo thiên chúa vẫn thường nói. Người thứ hai là vị cố giáo chủ công giáo Jean Paul II.

Vào buổi chiều, theo chương trình ban đầu, tôi muốn tận dụng thăm luôn lâu đài Wawel nhưng do số người thăm quá đông nên tôi chuyển hướng thăm một địa danh khác cũng nổi tiếng không kém : mỏ muối Wieliczka cách Krakow tầm 15km. Thực ra ban đầu tôi không hề có ý định thăm mỏ muối này nhưng hầu như tất cả các người bạn Ba Lan của tôi đều khẳng định rằng một khi đã đến Ba Lan thì phải thăm nó. Lời khẳng định đó hoàn toàn đúng. Nhưng mà phải công nhận là giá vé vào cửa hơi chát : đến tận 20usd. Nếu mà đi mua tour của bọn văn phòng du lịch thì chắc bọn nó phải chém tầm 25usd

 Sinh ra ngay từ thời trung cổ, mỏ muối Wieliczka nằm ở độ sau 135m dưới lòng đất và diện tích của nó thì rộng khủng khiếp, cứ như thể lạc vào mê cung. Theo truyền thuyết kể lại, mỏ muối được tìm ra vào thế kỷ 13 và câu chuyện liên quan đến  một nàng công chúa tên là Kinga. Cô nàng này ngay trước khi lên đường đến Krakow để làm lễ thành hôn với hoàng tử thì chẳng may đánh mất chiếc nhẫn cưới. Trên đường đến thành phố, cô ta và thuộc hạ tạm nghỉ ở Wieliczka. Lên cơn khát, cô ra lệnh cho thuộc hạ đào một cái giếng nhỏ để tìm nước và tình cờ họ tìm thấy một tảng muối màu xanh ngọc và bên trong chính là chiếc nhẫn mà nàng công chúa làm thất lạc trước đó. 

tác phẩm điêu khắc bằng muối gợi nhớ lại truyền thuyết
 Những ai yêu thích chuyện cổ tích thì sẽ yêu thích nàng công chúa Kinga. Còn ai yêu thích bộ môn khoa học thì sẽ lắng nghe một lời giải thích lôgic hơn : cách đây hàng trăm triệu năm, thời điểm trước kỷ băng hà thì nước biển tràn ngập ở khắp nơi. Phần lớn Châu Âu và lãnh thổ nước Ba Lan ngày nay đều ngập sâu trong nước biến, mà nước biển thì tất nhiên là hàm chứa lượng muối rất lớn. Theo thời gian, đặc biệt là sau kỷ băng hà, một số lượng nước khổng lồ đóng băng tập trung ở Bắc Cực và Nam Cực. Nhờ đó, mực nước biển rút thấp xuống. Cùng lúc đó, do nhiệt độ trên lục địa Châu Âu ấm lên, khiến cho nước bốc hơi và cặn lại muối dưới lòng đất, tạo ra khu vực muối đặc Wieliczka.


Khi mỏ muối được tìm ra, Wieliczka nhanh chóng trở thành nguồn thu tài chính quan trọng nhất của vương quốc Ba Lan vì hồi ấy rất khan hiếm mỏ muối ở Châu Âu. Muối quan trọng đến nỗi nó trở thành một đơn vị tiền tệ quốc gia dùng để trao đổi với các mặt hàng khác. Điều này giải thích một phần vì sao mỏ này hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt 700 năm kể từ khi thành lập. Ngừng khai thác muối có nghĩa là kinh tế Ba Lan sụp đổ


Nó làm tôi liên tưởng đến địa đạo Củ Chi. Tuy nhiên điểm khác biệt là mỏ muối này tráng lệ hơn nhiều, đơn giản là vì nó được tạo ra để tôn vinh cái đẹp chứ không phải để tránh né bom đạn như Củ Chi. Mặc dù có rất nhiều đường đi, chỉ có một số nhỏ là được mở cho du khách tham quan và bản thân tôi cũng chỉ thăm được một đoạn dài 3km (1% diện tích của cả khu mỏ !) và cũng phải mất 2 tiếng vì có rất nhiều du khách đến thăm. Đại đa phần những lối đi được phép vào thăm chỉ nằm ở độ sâu 60-70m bao gồm rất nhiều hiện vật được làm 100% bằng muối. Tại đây, có vô số các lối đi khác nhau. Nguyên nhân là vì các thợ mỏ xưa kia cứ đào lung tung loạn xì ngậu các đường hầm với hi vọng sẽ tìm được một khoang muối nào đó, họ đào vô tội vạ và không theo một phương pháp khoa học nào.


Càng đi sâu xuống, nhiệt độ có chiều hướng giảm đi và hạ xuống tầm 15 độ.  Và càng đi sâu vào trung tâm của mỏ muối thì tôi càng có cảm giác đang đi ngược lại dòng lịch sử của thiên chúa giáo. Thật vậy, dọc theo đường dẫn vào có rất nhiều tác phẩm điêu khắc trên vách tường miêu tả cuộc sống của chúa Jesus và các truyền thuyết được ghi trong kinh thánh của đạo công giáo. Mà lạ nhỉ, chẳng lẽ hội tăng lữ thiên chúa giáo có đủ dũng cảm xuống tận dưới này để xây nhà thờ à ? Thực ra không hoàn toàn như vậy. 

tác phẩm gợi lại La Cena, bữa ăn tối cuối cùng của chúa Jesus trước khi bị hành hình
 Những công trình liên quan đến tôn giáo này là do các thợ mỏ muối tạo ra. Người Ba Lan vốn rất nổi tiếng là sùng đạo và những người thợ này tự làm các bàn thờ chúa để cầu nguyện ban phước lành và may mắn khi phải trải qua những ngày tháng khổ cực trong cái nơi tận cùng của thế giới này. Đào hầm sâu thế này lỡ nó sập cho một cái thì tạch, đấy là chưa kể rủi ro chẳng may đào đúng nơi có khí độc (gaz, thủy ngân…). Thế nên cầu nguyện sự che chở của chúa, may ra thì thoát chết. 



Lạc vào Wieliczka như thể lạc vào một viện bảo tàng nghệ thuật dưới lòng đất với rất nhiều pho tượng được làm bằng muối rất tinh xảo và điều đáng ngạc nhiên là tất cả được tạo ra bởi những người chưa bao giờ qua trường lớp nghệ thuật nào. Họ hoặc là tu sĩ, hoặc là những công nhân thợ mỏ đơn thuần. Điểm nhấn của chuyến viếng thăm là nhà thờ Kinga được làm 100% bằng muối, một kiệt tác nghệ thuật có một không hai do 3 thợ muối tạo ra vào cuối thế kỷ 19. Nghe nói nhà thờ này vẫn hoạt động, chủ nhật thỉnh thoảng người ta vẫn tổ chức cầu nguyện ở đây


Các khối muối ở đây có màu xám xịt và mờ đục nên có vẻ bề ngoài giống hệt đá granit. Đó là lý do vì sao các tác phẩm điêu khắc bằng muối có dáng vẻ giống bằng đá hơn là màu trắng trong suốt như tôi vẫn tưởng tượng. 

Không phải tác phẩm điêu khắc nào cũng có mối liên quan đến tôn giáo. Ví dụ như chỗ này thì giống chuyện cổ tích nàng bạch tuyết và 7 chú lùn hơn.
Trông thì đẹp thế thôi nhưng mà chắc chắn nước sẽ rất mặn. Uống vào một ngụm thì chắc phải uống thêm 1L nước nữa thì mới hết khát



 Có thể thấy ngày xưa các thợ mỏ sử dụng rất nhiều gỗ để làm cột đỡ các đường hầm. Chính điều này dẫn đến tình trạng hỏa hoạn dễ xảy ra. Thực tế cho thấy đã có một vụ hỏa hoạn kéo dài đến 8 tháng vào năm 1644. 


 Đi hết 2,5km thì tôi đến phần cuối của quần thể muối dành cho du khách. Sau đó, có hai lối dẫn, hoặc quay trở lại mặt đất hoặc thăm thêm một viện bảo tàng có tên là Krakow Saltworks Museum. Tôi thuộc dạng tò mò nên quyết dịnh nán lại thêm khoảng 45 phút thăm viện bảo tàng này. Thực ra thì các hiện vật trưng bày không quá đặc sắc nhưng nó giúp tôi hiểu sâu hơn cuộc sống và điều kiện làm việc của các thợ mỏ và cách họ tạo ra các tác phẩm bằng muối. 


Sáng sớm hôm sau, tôi tiếp tục cuộc khám phá thành phố Krakow với chuyến viếng thăm quần thể lâu đài Wawel, nơi ở của hoàng gia Ba Lan đến thế kỷ 13. Phải bắt đầu sớm từ buổi sáng vì đây là một biểu tượng được nhiều khách du lịch viếng thăm nhất. Để có thể hiểu tường tận quần thể lâu đài này, tôi mua luôn một quyển cẩm nang du lịch địa phương với những lời giải thích dễ hiểu và tổng quát. 


Có quá nhiều chi tiết lịch sử rồi thì những ngôi mộ cổ và các hiện vật bên trong nên đôi khi khiến du khách bị loạn. Đến giờ thì tôi quên hết chẳng còn nhớ gì nữa. Lâu đài Wawel đối với người Ba Lan cũng giống như Hoa Lư đối với người Việt. Nơi đây là cái nôi của lịch sử đất nước Ba Lan. Krakow từng là cố đô đến tận thế kỷ 16 trước khi Warsaw thay thế là đầu não chính trị của quốc gia. Cũng tại đây là nơi tập trung lăng mộ của tất cả các vị vua Ba Lan, tất cả được bảo quản bên trong một nhà thờ nằm trong lòng quần thể lâu đài. Chính tại đây, tôi lại khám phá thêm một điểm lịch sử thú vị nữa. Đất nước Ba Lan rất tôn sùng vị vua Kazimierz. Ông này sống khá cùng thời với Trần Hưng Đạo (thế kỷ 13-14) và cũng lập một đại công : đánh đuổi được quân Mông Cổ. Có thế mới biết đế chế Mông Cổ rộng lớn như thế nào. Họ đánh đến tận Ba Lan, có thể coi như là đến tận trái tim của Châu Âu. 

 
 Ra khỏi lâu đài Wawel thì tôi gặp ngay một pho tượng con rồng bằng thép mang tên Smok Wawelski cao chừng 10m. Con rồng này gắn liền với lịch sử của thành phố. Truyền thuyết kể lại rằng người sáng lập ra thành phố Krakow có tên là Krak. Ông này tại vị trong yên bình cho đến một ngày có một con rồng dữ tợn xuất hiện và ăn thịt nhiều người dân. Ông này sợ quá chạy tót vào hang nằm ngay dưới chân đồi Wawel (nay là lâu đài hoàng gia Wawel). Chứng kiến cảnh năm nào thành phố cũng phải cống nạp các cô gái đẹp cho con rồng ăn thịt, một chàng trai trẻ đã nghĩ ra một kế đánh lừa nó. Thay vì đưa người thật vào hang, chàng ta cho mấy con cừu có chứa chất độc vào. Con rồng ăn phải chết tức thì, thế là thành phố thoát nạn. Để tỏ lòng biết ơn, chàng trai này được phép cưới công chúa và sau này trở thành người cai trị thành phố với một cái tên mới : Wawel. Người ta nói đùa với nhau rằng ai đứng trước con rồng mà nó phun ra lửa thì người đó chắc chắn còn trinh. Đúng là bốc phét. Tôi thấy có một bà có con đàng hoàng đứng trước chụp ảnh thì vẫn thấy con rồng phun ra lửa đấy thôi. 



 Ngay sát lâu đài Wawel là con sông Vistula. Cũng như bao thành phố có bề dày lịch sử ngàn năm, Krakow được hình thành xoay quanh con sông này. Vào thời trung cổ, con sông này có rất nhiều nhánh nhỏ, nhiều đến nỗi một số khu phố ngày nay trước kia là các hòn đảo nhỏ. Nếu như bên này sông là quần thể kiến trúc cổ kính với khu phố cổ và lâu đài hoàng gia thì bên kia sông là khu phố mới với một điểm gây ấn tượng mạnh trong tôi : Kazimierz, hay nói cách khác là khu phố dành cho người do thái xưa kia (jewish ghetto). Cái tên do thái thì tôi đã từng nghe đến nhiều lần qua các bộ phim điện ảnh nhưng phải đến khi đặt chân đến đất Ba Lan thì tôi mới có những mường tượng cụ thể đầu tiên về dân tộc này. Nói dân tộc thì có vẻ hơi thái quá, nói là những người tôn sùng đạo do thái thì có lẽ chính xác hơn. Tôi cũng chỉ tình cờ đến thăm khu phố Kazimierz thì mới biết thêm về đạo này. Còn không thì việc tôi đến đây chủ yếu là do tính hiếu kỳ về lịch sử đất nước Ba Lan trong thế chiến thứ hai. Tôi là một phan hâm mộ cuồng nhiệt của những cuộc chiến tranh đẫm máu đặc biệt là các thế chiến. Bài viết lần theodấu vết cuộc đổ bộ Normandie 1944 đã nói lên điều đó.   

 Nguồn gốc của người do thái nơi đây bắt nguồn từ thế kỷ 14. Vào thời điểm ấy, dấy lên phòng trào bài trừ dân tộc do thái của các quốc gia theo đạo thiên chúa giáo ở Châu Âu. Phần lớn người do thái ở vòng quanh Địa Trung Hải (Ý, Tây Ban Nha, miền nam nước Pháp, Hy Lạp…) bị đuổi đi và họ phiêu bạt đến miền nam Ba Lan, nơi có vị vua Kazmierz rất đức độ. Vì để cảm ơn sự đón chào của vị vua này mà khu phố do thái ngày nay mang cùng một tên. Mặc dầu tồn tại đến vài trăm năm, cộng đồng người do thái ở Krakow được nói đến nhiều hơn vào giai đoạn thế chiến thứ hai. Cũng giống như thủ đô Warsaw, nhiều người dân Ba Lan gốc do thái ở đây là nạn nhân của phát xít Đức. Theo tài liệu lịch sử, khu phố này được tạo ra vào năm 1941. Lúc ấy, nước Ba Lan đã nằm trong tay quân Đức và họ tạo ra một khu dành riêng cho người Ba Lan gốc do thái với lý do “đảm bảo vệ sinh và an toàn công cộng”.  

Ngày nay không còn nhiều di tich sót lại cho thấy sự tồn tại trước kia của cộng đồng do thái. Phải chịu khó tìm tòi thì mới kiếm được một vài tòa nhà lụp sụp của những năm trước thế chiến
và phải để ý kỹ thì mới thấy những "chứng cớ" cho thấy sự hiện diện của người do thái. Ngôn ngữ do thái còn ghi rất rõ trên tầng hai.
Chỉ cần tinh mắt, sẽ thấy những biểu tượng của đạo do thái xuất hiện. Trên hàng rào sắt này có hình ngôi sao 6 cánh, biểu tượng của đạo do thái. Có thể thấy ngôi sao này trên lá cờ của Israel, quốc gia do thái.
 Ngoài việc dồn tất cả vào một chỗ, người Đức còn bắt tất cả đàn ông con trai trên 14 tuổi đi lao động khổ sai, chủ yếu làm việc trong các nhà máy sản xuất vũ khí hoặc phụ tùng quân sự. Số người chết đói chết bệnh đếm không xuể. Rồi đến những năm 1942-1943 thì nhiều đợt người bị đưa đến trại tập trung gần Krakow và bị chôn sống hoặc xử bắn tại chỗ. Ngày nay, không còn nhiều di tích chứng tỏ sự tồn tại của khu phố người do thái này nữa. Nếu có chăng thì chỉ là những bức tường vỡ vụn nằm rải rác đây đó. Một trong số đó là bức tường ở đường Lwowska với dòng chữ : “tại đây, họ (người do thái) đã từng sống, chịu đựng và bị thảm sát bởi Đức quốc xã. Tại đây, bắt đầu còn đường đến trại tập trung, chặng đường cuối của cuộc đời”. 


Khu phố Kazimierz nổi tiếng trong con mắt khách du lịch phương Tây nhờ có bộ phim “The Schindler’s List”. Tôi chưa bao giờ xem bộ phim đó nhưng khi tìm hiểu thông tin thì được biết rằng bối cảnh bộ phim nói về một thương nhân gốc Áo đã ra sức bảo vệ những người công nhân gốc do thái của mình khỏi sự truy lùng của phát xít Đức trong suốt thời gian Ba Lan bị quân Đức chiếm đóng. Một số con đường của khu phố Kazimierz được chọn làm trường quay cho bộ phim này và nhờ đó có nhiều khách du lịch đến vì tính hiếu kỳ. Cũng giống như hội Nhật Bản ùn ùn đến viện bảo tàng Louvres của Paris chỉ để chụp lấy chụp để cái kim tự tháp bằng kính (là trường quay cho bộ phim Da Vinci Code có Tom Hanks đóng).  


 Phố Szeroka là một trong những nơi được chọn làm trường quay cho bộ phim The Schindker’s List. Theo tôi, con đường này chính là biểu tượng rõ nét nhất còn sót lại của khu phố do thái xưa kia. Ngoài nó ra thì chẳng còn gì khác, tất cả đã bị phá hủy sau thế chiến. Dọc con phố có rất nhiều quán bar và nhà hàng và phong cách bài trí của các nhà hàng này vẫn mang đậm phong cách do thái và các món ăn được phục vụ tất nhiên là 100% phong cách do thái của Đông Âu. 


Nhìn từ bên ngoài, trông rất nhiều quán có dáng vẻ giống như một dãy các cửa hàng tạp hóa với những cái tên như Holzer, Weinberg, Nowak.

Cây nến 7 nhánh là biểu tượng của đạo do thái. Nó tượng trưng cho niềm tin vào chúa
 Hầu hết những nhà hàng sang trọng này đều được xây mới lại hoàn toàn nhưng vẫn trung thành với nét do thái xưa. Tôi đặc biệt ngạc nhiên khi ghé vào một quán cà phê cũng trên con đường này. Bên ngoài thì trông chẳng giống cà phê gì cả, giống một cửa hàng bán trang sức thì đúng hơn vì tôi thấy có nhiều chiếc nhẫn được trưng bày trên khung kính. Nhưng khi vào trong rồi thì thấy một phong cách thật đặc biệt : toàn là đồ nội thất kiểu do thái đều thế kỷ 20 và rất nhiều bộ quần áo cưới kiểu cuối thế kỷ 19. Hỏi ra mới biết là đây vốn dĩ là một cửa hàng thợ may chuyên đồ cưới vào cuối thế kỷ 19. Cửa hàng cà phê hiện tại được xây mới nhưng vẫn tôn trọng giá trị lịch sử của nền móng xưa kia nên mới có kiểu bài trí lạ vậy (thảo nào thấy có nhẫn cưới trưng bày bên ngoài). Tôi nán lại nhấm nháp một ly cà phê và lắng nghe những bản nhạc đặc trưng do thái (chẳng hiểu mô tê gì nhưng mà âm điệu cũng hay hay). 


Điểm dừng chân cuối cùng của tôi ở khu phố Kazimierz là khu nghĩa địa do thái. Nghe có vẻ lạ, tự dưng ai lại dở hơi chui vào đấy? Tôi ban đầu cũng do dự nhưng mà thấy cậu lễ tân ở hostel (nơi tôi nghỉ qua đêm ở Krakow) bảo nó rất đặc biệt nên nghe theo. Vậy cụ thể khu nghĩa địa này đặc biệt ở điểm gì? Nó chính là ở việc cách bài trí của nó tạo cho người ta cảm giác lạc vào một khu rừng amazone với cảm giác rợn tóc gáy như trong clip thriller của Michael Jackson!!! 

đừng nghĩ rằng những người đàn ông này cố tình ăn mặc theo kiểu thế kỷ 19. Đây là trang phục truyền thống của những người sùng đạo do thái. Nhờ chuyến đi Ba Lan, tôi học được cách nhận biết ai là người theo đạo do thái nhờ cách phân tích cách ăn mặc của họ.
 Được xây vào đầu thế kỷ 19, khu nghĩa địa này đóng vai trò tập trung tất cả hài cốt của khu vực vào một chỗ để giải tỏa diện tích xây thêm các khu phố với cho Kazimierz lúc ấy đang bùng nổ dân số.  Cái kiểu hàng ngàn bia mộ rêu phong nằm ngổn ngang như thế này làm tôi liên tưởng đến khu nghĩa địa Pere Lachaise  ở Paris. Điểm chung của hai nghĩa địa này là nơi các nhân vật nổi tiếng được chôn cất. Tuy nhiên, khu nghĩa địa do thái ở đây không thể so sánh với Pere Lachaise được vì dù sao các mộ phần ở Paris đều được chăm sóc cẩn thận và vặt cỏ dại thường xuyên. 

<<<CÒN TIẾP>>>
 


Categories:

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống