Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Thursday, 31 January 2013

Bao nhiêu thế hệ người Cơ Tu ở bản A Tu (xã Ch’Ơm, H.Tây Giang, Quảng Nam) lớn lên giữa bạt ngàn Trường Sơn mà không biết đến tiền.

Ở nơi chỉ cách Lào chưa đầy một giờ băng bộ, A Tu gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Con người lớn lên giữa rừng già cũng tự nhiên như cây cỏ, sớm hôm vui với nương rẫy chẳng chút bon chen. Già làng Tơngôl Yêng, 55 tuổi, niềm nở: “Lâu lắm rồi, A Tu mới lại có khách, xa quá mà. Ở lại với bố, uống rượu tà đinh, ăn con gà”. Hỏi già bây giờ mua rượu, gà ở đâu trong khi muốn mua hạt muối phải đi cả ngày đường. Ông hể hả: “Gà ta thả rẫy, rượu ta trèo cây đoác rót về, thiếu chi...”.

Sinh ra và lớn lên ở A Tu, thuở nhỏ Tơngôl Yêng ở trong ngôi nhà được cho là dài nhất H.Tây Giang cùng cả dòng họ. Trong ngôi nhà này, cha ông là một Adol (phụ trách chung) điều hành 30 hộ gia đình (150 nhân khẩu) làm ăn, sinh hoạt. Thuở ấy, cả làng ở cùng nhà, ăn chung, làm chung. Sáng sáng vỡ đất trồng sắn, ngô, chiều về 150 con người cùng chung mâm cơm. Làm ăn tập thể, tự cung tự cấp nên họ cũng không cần đến tiền bạc làm gì.

“Có tiền để làm chi, ta sinh ra lớn lên ở đây, không có tiền mà vẫn sống như pơ mu đấy. Lúa, sắn, ngô... ta trồng được. Con gà, con chó, con lợn... ta cũng nuôi được. Vậy là đủ ăn rồi”, nhấp chén tà đinh ấm môi, già Tơngôl Yêng tiếp lời: “Như ở dưới xuôi, có tiền thì mua được nhiều thứ. Chứ trong bản ta, có tiền cũng không biết để làm chi. Cần con rựa, con dao, cần hạt muối... mình có thể lấy sắn, ngô đổi được mà”.

Vẫn có trong bản nhưng tổng lượng tiền ở A Tu còn ít hơn của một chủ cửa hàng nhỏ dưới xuôi. Hỏi bất cứ người dân nào, chúng tôi cũng đều nhận được cái lắc đầu: “Không có tiền”. Ban đầu, chúng tôi tự hỏi, nếu không có tiền thì người ta sẽ mua bán bằng gì. Hóa ra người dân dùng sản vật nông nghiệp. Khi cần họ có thể đổi của làm ra để lấy về muối, bột ngọt, xà phòng...

Người A Tu không dùng từ “bán” mà là “đổi”. Anh Tơngôl Hương (30 tuổi) nói: “Vào rừng kiếm được chai mật ong, củ sâm, mình về thị trấn đổi gạo, muối rồi gùi về nhà, dành ăn đến hết mùa lúa. Có bữa trong nhà thiếu muối, mình bắt con chó đi đổi”.

Giữa bản A Tu là quầy tạp hóa của chị Pơ loong Thị Nhất (21 tuổi). Nói là quầy tạp hóa nhưng thực ra, thứ hàng chủ yếu vẫn là muối. Chị Nhất cho biết: “Hằng ngày, người dân vẫn thường lui tới quán mình để đổi sắn, ngô lấy muối. Đàn ông thì lấy sâm dây, sâm Ngọc Linh hoặc chai mật ong để đổi bánh kẹo, cá biển, chai rượu”. Sau khi đổi hàng cho người dân, chị Nhất lại đem những sản vật này về đổi tại một quán ngay trung tâm xã Ch’Ơm để tiếp tục lấy hàng về bản.

Cũng xuất phát từ việc trao đổi hàng lấy hàng, người A Tu bao đời nay vẫn duy trì “con đường mã não” cắt sang Lào. Theo già Tơngôl Yêng, từ nhỏ ông thường vượt rừng sang bản Ka Đon (tỉnh Sê Kông, Lào) để đổi mã não lấy những tấm vải tút (một loại vải như thổ cẩm của người Cơ Tu) đem về. Từ những chuyến giao thương như thế, già đã có khá đông bạn bè bên Lào. Mỗi lần thiếu thốn, mùa lúa thất bát, già lại cắt rừng sang nhà bạn để xin heo, gà, bò về ăn. “Thiếu cái chi thì mình sang làng họ đổi, lấy về dùng. Chứ lấy tiền về không biết làm chi”, già Yêng thật bụng.

Bây giờ ở A Tu đường giao thông đã về gần đến bản. Sự cách biệt với thế giới bên ngoài được rút ngắn nhưng làn sóng “mua được bằng nhiều tiền” vẫn chưa tác động đến ngôi làng này. Khi khách cho tiền, trẻ em trong bản vẫn ngơ ngác cầm từng tờ để ngắm một cách thích thú. A Tu vẫn còn in đậm cuộc sống tự cung tự cấp vốn có tự bao đời.

Du lịch, GO! - Theo Hoàng Sơn (Ihay), internet
Những ngày cuối năm, có dịp đi qua làng hoa kiểng Bà Bộ (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) sẽ cảm nhận hết vẻ mỹ miều của làng hoa có bề dày lịch sử trên 70 năm. Đây chính là làng hoa Bà Bộ, chuyên khai thác các loài hoa và cây cảnh bản địa mà người miền Tây ưa chuộng.

Nghề cha truyền con nối

Tuy không đa dạng và phong phú bằng làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) hay Cái Mơn (Bến Tre) nhưng mỗi năm, làng hoa kiểng Bà Bộ đã góp phần làm đẹp cho đời với trên 300.000 giỏ hoa và cây cảnh các loại. Ông Tám Hoài (quê ở Nha Mân, Đồng Tháp) là người khởi xướng phong trào trồng hoa ở Bà Bộ, nay đã qua đời.

Năm 1940, ông Tám Hoài qua Cần Thơ lập nghiệp, có mang theo một số hạt giống trồng thử nghiệm, rồi dần dần phổ biến cho bà con. Thế hệ nối tiếp ông gồm có các ông Năm Bông, Sáu Dơi, Tư Mẹo, Tư Lô…

Đây đều là những nghệ nhân tiền bối, có nhiều công lao đối với việc hình thành và phát triển làng hoa truyền thống này. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Lô (Tư Lô) có tới 8 anh chị em nối nghiệp làm nghề hoa kiểng.

Làng hoa Bà Bộ đã gắn liền với tết Nam bộ. Trước năm 1954, người trồng hoa dùng ghe xuồng chở hoa và cây trái ra đậu cặp bờ sông, trước khi đưa hàng lên đường Hàng Dương, gần nhà lồng chợ cổ hiện nay. Lúc bấy giờ, bến sông có tên là Le quai de Commerce, sau đổi thành bến Lê Lợi. Mãi đến năm 1958, cái tên “bến Lê Lợi” mới đổi thành “bến Ninh Kiều”.

Từ đó đến nay, Bà Bộ và Ninh Kiều như hình với bóng, hoa và tết như duyên tao ngộ. Hễ có tết là có hoa. Hoa trên bến, hoa dưới thuyền. Hoa theo dòng người đi vào thành phố, làm rạng rỡ khắp mọi nơi.

Nắm bắt thị trường để làm giàu

Làng hoa Bà Bộ chuyên khai thác các loài hoa và cây cảnh bản địa mà người miền Tây ưa chuộng như: mai vàng, cúc, vạn thọ, ngọc nữ, thược dược, trang, hồng, hoa giấy, hướng dương… Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do có nhiều giống mới nhập về, màu sắc phong phú và hấp dẫn khiến cho một số giống cũ như vạn thọ ta, cúc vàng, mào gà, hướng dương… lần hồi bị quên lãng, buộc lòng bà con phải chạy theo giống mới (cát tường, dạ yến thảo, các loại kiểng treo) để thu hút khách.

Bà Nguyễn Thị Chợ, Phó chủ tịch UBND P.Long Tuyền, phấn khởi cho biết hiện làng nghề hoa kiểng Bà Bộ có 236 hộ sản xuất trên diện tích 18 ha, đa số đều có thu nhập khá so với các mô hình trồng trọt khác. Sau mỗi đợt tết, gia đình nào cũng kiếm từ vài ba triệu tới vài chục triệu. Trong số đó, không ít nhà vườn đã vươn lên thành tỉ phú nhờ những cây kiểng có giá trị nghệ thuật cao, đặc biệt là kiểng cổ thụ như mai vàng, nguyệt quế…

Kể từ khi con đường 91B đi ngang qua rạch Bà Bộ, nhiều công trình xây dựng đã lấn chiếm, khiến cho diện tích trồng hoa bị thu hẹp dần. Tuy nhiên, không ít gia đình vẫn cố giữ lại mảnh vườn, miếng ruộng để phát huy nghề truyền thống. Nhờ vậy mà làng hoa vẫn tồn tại và phát triển.

Để có được những chậu hoa đẹp mang ra chợ, người trồng đã phải tốn bao mồ hôi công sức và trải qua một quá trình lao động nghiêm túc. Mỗi loài hoa đều có “tính ý” khác nhau, người trồng phải biết để chăm sóc, nâng niu. Vậy mà những khi trái gió trở trời, chúng còn “nũng nịu” không chịu ra hoa hoặc bung nụ trước đêm giao thừa, khiến người trồng phải khóc dở.

Du lịch, GO! - Theo Hoài Phương (iHay.Thanhnien), internet
Tết cổ truyền của người Hà Nhì -Tết Có Nhẹ Chà, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên diễn ra vào tháng 11 Âm lịch, ngay sau vụ mùa và kéo dài trong ba ngày.

Khắp bản ngày Tết, rượu tràn như dòng Mo Phí mùa nước. Bà con tưng bừng đi chúc Tết, nhà nào cũng sẵn một bàn cỗ ăm ắp thức ăn, các món làm từ thịt lợn và các loại rau cải luộc. Đến mỗi nhà một vài chén cũng đủ để tới khuya, chân lần đất bước về nhà. Tết bắt đầu vào ngày Rồng, không kể đầu tháng hay cuối tháng nhưng nhất định đó phải là ngày Rồng, tùy từng bản có thể tổ chức Tết sớm hay muộn.

Âm thanh Tết ở bản

Sáng sớm, sương mù chưa kịp tan khỏi những tán cây bà con đã lục đục dậy chuẩn bị cho ngày Tết đầu tiên. Ở sân nhà ông Pờ Dần Sinh (Bí thư xã Sín Thầu), một toán thanh niên đang hò dô quây chặt, rọ mõm chú lợn gần hai tạ nuôi đã hai năm nay. Phải sáu bảy người hợp sức mới gô cổ được nó, đưa lên phản gỗ lớn “làm lý” trước khi… hành quyết.

Những bước chân rậm rịch quanh sân chừng như háo hức trong niềm vui Tết với chú lợn núc ních. Trẻ con cũng náo nức lắm, hò nhau dậy sớm chạy ra sân, banh mắt xem người lớn chuẩn bị thịt con vật to béo, đen sì sì nằm phơi bụng thở phì phò trên phản kia. Tiếng lợn eng éc cùng rộ lên ở nhiều nhà khác trong bản… Đó là công việc quan trọng nhất trong ngày Tết đầu tiên của người Hà Nhì.

Tiếng dao thớt băm chặt không ngớt vang từ những chái bếp đã đỏ lửa hồi lâu. Lũ chim chí chách không ngớt trong những lùm cây. Dòng Mo Phí uốn lượn bao quanh bản Tả Kố Khừ mùa này nước trong vắt, róc rách luồn qua những tảng đá to như con trâu rừng.

Ngày thứ hai, khi sương sớm còn đu mình trên những sợi tơ giăng giăng bên bờ suối, trông xa như những con cá vảy bạc mắc lưới trên dòng Pang Pơi mà chúng tôi được thấy vào hôm trước khi theo bà con đi đánh cá thì tiếng giã bánh dày đã thậm thịch đánh thức bình minh cả bản. Tết cổ truyền của người Hà Nhì chẳng thể thiếu bánh dày. Bánh làm từ cơm nếp trộn với vừng rang thơm nức, giã nhuyễn thủ công bằng cối đá chôn ở góc nhà. Hớn hở nhất là tụi trẻ con. Chúng cứ líu tíu quanh mẹt bánh hôi hổi, thơm phức đang mỗi lúc một đầy thêm, thi thoảng nhón tay véo một góc bỏ tọt vào miệng nhai nhóp nhép.

Tiếng canh cách “tố xà” (cạn chén) nhà trên của cánh đàn ông, khách khứa và tiếng xào nấu nhà dưới của cánh phụ nữ cứ đều đặn lặp hết Tết mới thôi. Người dưới xuôi lên Tả Kố Khừ những ngày này có rượu chảy tràn như dòng Mo Phí tiếp đãi nồng hậu. Về nhà bà Sừng Kim Thu, một số người lớn vẫn còn dọn dẹp, có cô cháu gái đang ngồi đun nước trong bếp. Ánh lửa bập bùng lấp loáng gương mặt thiếu nữ miền sơn cước, tôi thoáng liên tưởng đến Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Mỵ trong ngày Tết phải ở nhà làm việc, cặm cụi nơi xó bếp, không được xúng xính áo quần đi chơi xuân theo những điệu kèn môi mời gọi.

Và cách "ăn" Tết của người Hà Nhì

Tết cổ truyền, người Hà Nhì thường treo “pín” lợn (nếu là lợn đực) trước nhà, báo hiệu đã mổ lợn ăn Tết. Trước đó, nước pha rượu, gạo trộn với muối sẽ được mang ra rắc vào tai, mõm… nó. Người ta gọi đó là “làm lý”. Ông Pờ Sí Tài - người mà mươi chục năm trước đã có công tìm ra mảnh đất màu mỡ và thuyết phục bà con di cư từ trên Tả Ló San về đây định cư, giải thích: "Làm thế để lứa lợn năm sau sẽ ăn nhiều, ăn tốt hơn năm trước".

Thủ lợn trước khi được cắt lìa khỏi cổ, người mổ dập trở lại. Tương ứng, cứ lợn một tạ thì dập hai lần, lợn hai tạ thì bốn lần để cầu mong lứa lợn năm sau sẽ to gấp hai, ba năm cũ. Gan là bộ phận rất được coi trọng, bởi người đàn ông nhiều kinh nghiệm trong gia đình nhìn vào đó có thể biết được vận hạn của cả nhà trong năm tới.

Ban thờ của người Hà Nhì đặt ở đầu giường nhà trai trưởng. Một dòng họ chỉ có một ban thờ đó, ngoài ra các anh em không đặt ban thờ riêng tại gia. Dịp lễ tết, họ hàng tập trung ở nhà trai trưởng làm lễ cúng bái, nhưng không có hương khói nghi ngút. Ban thờ không thể thiếu thịt lợn, bánh cha lê (bánh trôi), ngoài ra cũng không thể thiếu rượu, gạo và lá chè tươi.

Ăn trọn vẹn cái Tết mới thấy hết tài chế biến của người phụ nữ Hà Nhì. Họ có thể làm thuần thục vài chục món ăn chỉ từ nguyên liệu là thịt lợn, mà mỗi món có hương vị và cách kết hợp chế biến khác nhau.

Thậm chí “A ga xà be” - tên một loại nước chấm, chỉ có vào ngày Tết cũng được làm từ thịt lợn trộn với vài loại thảo quả cay cay, nồng nồng ăn lạ và hấp dẫn. Ba ngày tết, ngày nào gia chủ cũng bày biện cỗ ba bữa với thực đơn giống nhau, quan trọng nhất là phải đủ thịt lợn nghi ngút khói và rượu cả can đặt cạnh bàn ăn…

Người Hà Nhì ăn Tết theo lịch Mặt trăng - Âm lịch, nên những chiếc bánh dày làm ra là tượng trưng cho Mặt trăng. Pờ Hùng Sang, chàng trai bản có thân hình rắn rỏi cho biết: bánh dày làm trong dịp Tết để mong có một năm đủ đầy, tròn vẹn. Tối ngày Tết đầu tiên, nhập mâm là phải uống đủ ba chén rượu, cứ mỗi chén là một cái nắm tay thật chặt, người nào không uống được thì phải chịu hình phạt bằng cách ăn một xâu thịt mỡ. Gian bếp tưng bừng tiếng hò dô “tố xà” cùng lời chúc luôn luôn “chú mừ chú xá, à kha pi pô” – chúc mừng năm mới, chúc mừng sức khỏe.

Ăn trọn vẹn một cái Tết với người Hà Nhì, ấn tượng những món thịt được chế biến vô cùng độc đáo, nhất là cơm Hà Nhì. Gạo tẻ nương chỉ xát một lần nên vẫn giữ được những vệt đỏ. Trần gạo qua nước sôi cho nở ra trước khi đưa vào thố hấp vì thế cơm ăn dẻo, ngọt và thơm. Và phải là người phụ nữ giỏi bếp núc mới nấu được thố cơm ngon thết khách ăn một lần nhớ mãi.

Du lịch, GO! - Theo Tintuc Dulich, internet
Đến bất cứ thành phố nào, chúng ta cũng có thể bắt gặp những chợ quê trong phố. Những người bán hàng không chỉ mang về chợ sản phẩm của làng quê mà còn cả giọng nói, cử chỉ mộc mạc, dáng vẻ chân chất, lam lũ của người quê.

Những chợ quê trong phố thường được gọi là chợ chồm hổm hay chợ đường phố. Hàng hóa bày ngay dưới đất, trên một lớp ni lông hay lớp lá chuối. Người bán, dù có cái đòn gánh hoặc có thể kê dép nhưng chẳng mấy khi ngồi, cứ chồm hổm cho tiện. Còn khách mua cũng chồm hổm để mua cho nhanh.

Gần nhà tôi (TP Nha Trang) cũng có một chợ như thế. Quen thuộc đến độ người trong xóm chẳng mấy khi ra chợ chính. Sản phẩm được bán nhiều nhất ở chợ hẻm này là hàng rau: rau muống, mồng tơi, rau đay, rau ngót, cải bẹ, xà lách, tần ô…mùa nào thức ấy.
Bên cạnh đó là các lọai củ quả: su hào, cà chua, giá đỗ, hành khô, măng tươi, cà pháo, trứng gà ta…

Rau củ nhiều mấy cũng mau chóng hết veo bởi sản hàng tươi non và giá rẻ. Bên cạnh là hàng đậu phụ. Những miếng đậu đều chằn chặn, thơm mát, giá rất phải chăng. Ngoài ra còn có sữa đậu nành, chỉ  2.000đ một bịch.

Chợ chỉ họp buổi sáng nên các món điểm tâm rất phong phú. Một dãy hàng ăn san sát, chiếm gần hết vỉa hè bên trái: phở, bún cá, bánh canh, bún bò, mì Quảng …

Cạnh đó là hàng bánh: bánh chưng, bánh giò, bánh dày, bánh ít, bánh ướt, bánh bèo. Hàng xôi có xôi bắp, xôi gấc, xôi đậu, xôi vò…Thứ gì nhìn cũng bắt mắt, ngon mà giá lại "mềm". Ít tiền thì ăn chừng 2.000đ - 3.000đ bánh ướt, 4.000đ - 5.000đ xôi, khá hơn có thể ăn tô bánh canh 7.000đ - 8.000đ. Đắt nhất là phở, bún bò hay mì Quảng cũng chỉ từ 13.000đ - 15.000đ/ tô.

Hàng tươi sống có một dãy riêng. Chợ nhỏ mà có đủ thứ, nhiều nhất là các lọai cá biển: Cá thu, cá ngân, cá bạc má, cá hồng, tôm tép, mực, sò, ốc… đôi khi có cả cua, ghẹ, tôm tích…

Hải sản được đưa về từ cảng cá nên giá chỉ bằng giá ở chợ lớn, có khi rẻ hơn. Tôm to bằng ngón tay, nhảy tanh tách cũng chỉ 70.000đ - 80.000đ/kg. Ở đây cũng bán các loại cá sông như cá chép, cá trôi, cá mè, cá diếc, cá lóc. Vỉa hè bên phải dành cho hàng thịt với đủ các lọai thịt heo, bò, gà, vịt…

Trái cây ở chợ hẻm này cũng khá phong phú, mùa nào thức ấy: chuối tiêu, chuối mốc, chuối sứ, chuối ngự, mãng cầu, cam, táo, lê, đu đủ, sapôche…Thỉnh thoảng có đào, nho tươi, xoài, vú sữa…Vào những ngày rằm mồng một còn có hoa tươi, hoa cúng , hoa cắm, hoa lễ chùa… Gần đó là hàng gạo và đồ khô. Từ những lọai gạo sang như nàng hương, tám thơm, tài nguyên …đến các lọai gạo thường, gạo nở…đều có.

Sát ngay lối vào hẻm là hàng quần áo, giá cực rẻ: 15.000đ đến 20.000đ là mua được cái quần hay cái áo mặc được, thậm chí khá kiểu cách. Đồ bộ chỉ khoảng 30.000 - 40.000đ, tha hồ chọn. Bên cạnh đó là đủ thứ hàng tạp hóa: khăn mặt, xà bông, mũ, nón, giày dép, kính mát, vòng cổ, hoa tai…Không thiếu thứ gì mà giá cả lại rất "mềm". Thỉnh thoảng, những người bán đồ xôn đổ xuống cả lô những sản phẩm "quá đát", lựa mệt nghỉ: áo lạnh, mũ len, quần iean, đồ bộ, áo đầm, giày cao gót …Giá rẻ khó cầm lòng khiến nhiều “thượng đế” tần ngần rồi quyết định mở bóp.

Điểm đặc biệt nữa của chợ quê: Không nói thách. Người bán, người mua đều quá quen nhau, thách làm gì. Người bán lấy hàng tận gốc nên giá nới hơn, chỉ cần kiếm mỗi ngày dăm chục lãi là đủ. Người mua nhìn những khuôn mặt người bán sạm nắng, những bàn chân đen đúa, nứt nẻ, cảm thấy đôi chút xót xa. Thêm bớt làm gì vài trăm bạc lẻ.

Có lẽ vì vậy mà chợ nói chung, chợ quê trong phố nói riêng là một trong những nét độc đáo mà du khách thích tìm hiểu đời sống mong muốn được khám phá khi đến bất cứ thành phố nào.

Du lịch, GO! - Theo Giao Thủy (PNO)
Biết chúng tôi có ý định thực hiện một chuyến “phượt” đến trung tâm bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), một người bạn đang công tác tại thành phố Phan Thiết khuyên tôi nên dành một chút thời gian ghé qua một vùng đất hoang sơ mang tên Bưng Thị. 

Bị hấp dẫn bởi một vài thông tin mà người bạn cung cấp, tôi quyết định dùng xe máy “phóng” thẳng một mạch đến nơi. Không phụ lòng mong mỏi, Bưng Thị đã đón tiếp chúng tôi bằng vô số điều thú vị…
Mặc dù đang là giờ nghỉ trưa nhưng anh Võ Thanh Liêm - người có gần 20 năm gắn bó với khu bảo tồn vẫn niềm nở đón tiếp chúng tôi. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, anh Liêm sơ lược “lý lịch” về “ngôi nhà xanh” của mình.

Như đoán trước được thắc mắc của khách, đến đoạn xưng danh Tà Kóu anh dừng lại khá lâu để giải thích. Anh Liêm cho biết, theo tài liệu còn lưu giữ được thì cái tên Tà Kóu có từ thời Pháp thuộc. Một số nghiên cứu cho thấy, tên gọi này xuất nguồn từ ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Chăm. Theo đó, từ Tà có nghĩa là núi, Kóu có nghĩa là già, cũ… cụm nguyên của từ này có nghĩa là “Núi Già”. Ngày nay, để tiện cho việc quảng bá đến công chúng, những người làm công tác du lịch đã “Việt hóa” nó thành Tà Cú cho dễ nhớ.

Đường từ trụ sở trung tâm bảo tồn vào Bưng Thị không xa lắm, chỉ trên dưới 7km đường rừng nhưng rất khó đi. Xe vừa chạm bánh vào con đường rừng đầy cát trắng, anh Liêm dừng lại báo cho tôi biết chúng tôi sắp sửa chinh phục đường… dây thép! So với Quốc lộ 1A con đường này “già” hơn vài trăm tuổi.

Mặc dù đã được hướng dẫn khá kỹ cách chạy xe trên đường đầy cát, song do chưa có kinh nghiệm nên không ít lần tôi bị bỏ lại phía sau khá xa. Một mình giữa rừng, tôi rợn người khi chợt nhớ đến những câu chuyện ly kỳ mà mình đã nghe trước đó.

Anh Xuân, một người mà tôi gặp ở thị trấn Hàm Minh cho biết, trước ngày đất nước thống nhất, khu vực núi Tà Kóu có rất nhiều hổ. Do cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng nên hồi ấy chuyện “xung đột” giữa hổ và người diễn ra khá thường xuyên. Trong phần lớn những cuộc giao chiến, con người luôn là kẻ thua cuộc và không ít phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.

< Bưng Thị phong phú thực vật miền nhiệt đới.

Sau gần một tiếng đồng hồ cắt rừng vượt cát, cuối cùng thì vùng đất hoang sơ Bưng Thị cũng hiện ra trước mắt. Vì đang là mùa khô nên phần lớn diện tích vùng Bưng Thị bị bao phủ bởi một màu xám bạc của những trảng cỏ khô. Xen lẫn vào đó là một vài tán cây bụi đầy gai nhọn hoắc.

Bưng Thị được hình thành trên nền đất phù sa cổ, khí hậu tương đối khắc nghiệt với lượng mưa trung bình hàng năm chỉ trên dưới 100ml. Đó là lý do mà chỉ có cỏ và loài găng gai là có khả năng sinh trưởng tốt. Theo nhiều người tên gọi Bưng Thị xuất phát từ việc vùng bưng này có nhiều cây thị hoang sinh sống. Hiện vẫn còn một số cá thể loài này sinh trưởng quanh vùng đệm nhưng số lượng không còn nhiều như trước.

Nếu đi qua vùng trảng cỏ Bưng Thị vào dịp sáng sớm hoặc chiều tối, du khách sẽ có dịp nhìn thấy những gia đình chim công, gà lôi hồng tía - hai loài chim đặc hữu của vùng này nhởn nhơ tìm mồi. Bưng Thị có một quần thể khá đa dạng với nhiều loài động vật quý hiếm. Hệ động vật ít nhất 30 loài thú, 100 loài chim, 54 loài lưỡng cư và bò sát, 174 loài côn trùng... Hệ thực vật có 751 loài và có ít nhất 15 loài thực vật quý hiếm.

Nếu như trên cạn là cát trắng nóng bỏng đặc trưng sa mạc thì chỉ cách đấy vài bước chân nó là thế giới của vô số loài động, thực vật miền nhiệt đới. Chỉ cho tôi một vùng đầm lầy bị bao phủ bởi cỏ dại và tràm nước (loại cây đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười) trước mặt. Để đo độ sâu mực nước vùng đầm lầy Bưng Thị là điều không thể. Bởi chưa từng có ai vượt qua được những bãi lầy dày hàng chục mét để vào sâu bên trong.

< Khu vực đầm lầy.

Do nằm trong khu vực vành đai núi lửa nên nước ở Bưng Thị chứa khá nhiều khoáng chất. Chưa có một nghiên cứu chính thức, song nhiều người cho rằng chính nhờ nguồn nước này mà quả thanh long Hàm Thuận Nam ngon ngọt, trở thành đặc sản nổi tiếng khắp cả nước.

Sau gần ba tiếng đồng hồ lang thang quanh Bưng Thị, trước khi quay trở ra, chúng tôi “tự thưởng” cho mình một chầu trứng luộc bằng chính dòng nước suối nóng bỏng được lấy trực tiếp từ lòng đất. Được các nhà khảo sát địa chất khoan thăm dò vào năm 1979, dòng nước suối này có nhiệt độ khoảng 800C, đủ khả năng làm chín một quả trứng trong vòng 20 phút.

Khám phá suối nước nóng Bưng Thị

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Minh (Phunuonline)

Wednesday, 30 January 2013

Nhắc đến những chuyến du lịch hấp dẫn, ít ai kể về kỷ niệm với bác tài – lái xe chở khách trên những chặng đường gập ghềnh. Bài viết sẽ hé lộ câu chuyện kỳ thú của một bác tài (CTy vận tải Thiên Thảo Nguyên) để các bạn cùng trải nghiệm nhé!

< Cảnh hồ Ba Bể.

Chuyến đi Đông Bắc được khởi hành từ Hà Nội vào mùa đông lạnh giá kéo dài 7 ngày đêm. Đảm nhiệm một con xe mới, chở 17 khách, bác tài tên là Nguyễn Đức Văn với kinh nghiệm 13 năm kể lại chuyến hành trình dài và gian nan, nhưng cũng hết sức đáng nhớ của mình.

Đó là 17 vị khách đến từ Pháp muốn đi thăm lại di tích hồ Ba Bể ngày xưa. Xe bắt đầu lăn bánh từ Hà Nội đến hồ Ba Bể, dừng chân tại một làng bản. Ngày hôm sau, bác tài đưa đoàn khách đi Cao Bằng, thăm hang Bắc Pó, rồi đi đến thác Bản Dốc,…. Lạng Sơn và cuối cùng tham quan vịnh Hạ Long.

Với khách du lịch, mọi chuyện diễn ra thật vô cùng lý thú và nhẹ nhàng, nhưng với công việc âm thầm, lặng lẽ của người cầm lái vận chuyển khách, thì không chỉ có vậy. Chúng ta hãy cùng quay ngược lại cuộc hành trình và nghe bác tài kể.

“Cách đây bốn năm, chặng đường đi từ Ba Bể đến Cao Bằng rất hiểm trở, đèo dốc, khó đi, đặc biệt vào mùa đông có nhiều sương mù. Ngay cả khách ngồi phía sau cũng lo sợ trước thời tiết dày đặc sương mù như thế này, nên họ đã yêu cầu tôi dừng xe để đợi khi ngớt mưa và sương sẽ đi tiếp.”, anh Văn kể.

Nhưng với lịch trình đã lên sẵn, bác tài chỉ dừng lại khoảng 5 phút và động viên hành khách, anh có thể vượt qua được chặng đường này bằng kinh nghiệm lâu năm của mình. Cuối cùng anh đã đưa khách đến nơi an toàn và đúng giờ theo như chương trình.

Trên đoạn đường từ Cao Bằng về Lạng Sơn, quãng đường dài gần 20km là Đông Khê và Thất Khê, đoạn đường mà theo như anh Văn nói “không lái xe nào chở khách đi du lịch Đông Bắc lại không biết”, một bên là vực sâu, một bên là núi rất khó đi và thường trơn trượt do trời mưa vào mùa đông.

Biết rằng chặng đường khó khăn vào mùa đông, bác tài đã phải chuẩn bị trước xà beng, cuốc xẻng, dây cáp kéo xe… để xử lý các vấn đề gặp phải trên trên đoạn đường Đông Khê, Thất Khê này.

“Suốt chặng đường ấy, dự đoán trước tình hình, tôi liên tục phải xuống xe dùng xà beng, cuốc, xẻng đào và xúc bỏ đi phần đất trơn lầy, để trơ ra phần đất cứng, thì xe mới qua được. Đó là còn chưa tính có đoạn nào trơn quá xe không đi lên được là tôi phải nhờ xe đi ngược chiều kéo xe mình bằng dây cáp đã chuẩn bị trước.”, anh Văn nhăn mặt, lắc đầu kể lại.

Tuy nhiên, “tôi vẫn có nụ cười rạng rỡ như thường lệ chứ không phải là một nụ cười gượng gạo”. Bác tài phân trần: “…những lúc khó khăn như thế, lái xe như chúng tôi phải rất bình tĩnh để vượt qua được chặng đường đó. Có lúc khách không biết được lái xe đã vượt qua khó khăn thế nào.”

Chắc chắn rằng phải có kinh nghiệm và bản lĩnh lắm lái xe mới vững vàng xử lý được mọi vấn đề, để vượt qua chặng đường khó khăn, kịp thời gian cho cuộc hành trình.

Có lúc giữa buổi đêm, khách bị đau bụng phải đi cấp cứu do khác biệt về ẩm thực, anh Văn đã có mặt kịp thời đưa bệnh nhân đi bệnh viện ngay trong đêm, cách nơi ở khoảng 10km.

Một trường hợp khác, khách bị thất lạc hành lý do để nhầm lên xe khác cùng màu. Bác tài Văn kể lại đó là 2 vị khách Indonesia bị thất lạc hành lý. Với trách nhiệm của người lái xe và óc phán đoán của người có bề dày kinh nghiệm, bác đã đi hỏi cụ thể, tìm hiểu vị trí của xe, thời gian để hành lý lên xe, nên bác Văn đã tìm ra được chiếc xe mà hành lý của khách bị thất lạc.

Nói về niềm đam mê với nghề, anh Văn cho rằng do “Có trách nhiệm với nghề thì yêu nghề thôi" và “yêu nghề thì gắn với trách nhiệm”, sau những chuyến đi dài ngày, nhận được những lời cám ơn, cảm kích của khách, tôi thực sự hạnh phúc". Anh Văn thổ lộ thêm “Nghề lái xe giúp tôi được gặp nhiều người, tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau, học hỏi được nhiều từ văn hóa của họ. Công việc này cũng đưa tôi đến nhiều nơi, danh lam, thắng cảnh đẹp”.

Du lịch, GO! - Theo DulichVN, internet
Vâng, cao lắm mới đến Cao Bằng. Cây sầu lá đỏ có cách tựa của cây sầu.
Sông có cách xanh ngắt của Quây Sơn vì một dãy núi cao ngất vây quanh. Và ngọn thác xuyên quốc gia đứng thứ nhì thế giới có tên Bản Giốc, vẫn đổ nước trắng xoá.

Như con đường tơ lụa vùng cao

Tôi đã dừng chân ở nhiều ngọn thác, nhưng thác nước kỳ vĩ này vẫn không xoá được trong tim tôi những ngôi nhà đất thó nơi vành đai biên giới tổ quốc tôi.

Khác với những ngôi nhà tường trình đất thó nện rất dày bên xóm Lũng Cẩm Trên ở Hà Giang, ngôi nhà đất thó, đất ruộng bên này tường đất vẫn mỏng hơn. Dù đã sang xuân, răng tôi vẫn lập cập va vào nhau. Chỉ khi chui vào cái bếp cũng đắp bằng đất thó; ăn cháo ấu tẩu nấu bằng thứ hạt dẻ khô với xương thịt heo cắp nách, mắt tôi mới sáng ra; rồi mới nhìn trần nhà của người dân tộc Tày. Trần nhà của vùng miền núi vẫn giăng mắc đầy ngô, gạo nếp nương vẫn nhiều hơn gạo tẻ. Đất có mặt ngay trong ba ông vua bếp, rồi cái bếp ngoài trời cũng đắp bằng đất khum khum như cái chum, khoét miệng dưới để nấu rượu ngô.

Một câu hỏi được đặt ra: vì sao đường vành đai biên giới vẫn còn nhiều nhà đất thó? Thì ra, xây nhà ở vùng Cao Bằng giá vật liệu đắt gấp ba lần miền xuôi vì phí vận chuyển. Hơn 30 cây số đường đèo còn đang rải đá, trời mưa hay nắng xe chạy phải mất hơn hai giờ đồng hồ. Đường đi nhiều chỗ thót tim.

Chỉ khi đứng bóng núi, sương giăng, lạc chân vào vườn hoa dẻ ở Trùng Khánh, ong từng bầy bay rù rì lưng núi, cánh cung của cung đường giáp biên thật đẹp. Con sông Quây Sơn lúc có nắng, trong vắt nghiêng về phía mặt trời. Nước vẫn trắng thác Bản Giốc, đổ xuống sông Quây Sơn, nơi dòng sông bắt nguồn từ phía Vân Nam Trung Quốc đổ về non nước Cao Bằng. Những cánh đồng lúa non, với những con ngựa trắng nhởn nhơ lưng núi. Những bầy ngựa trắng có con đang thồ hàng xuống chợ.

Có bao nhiêu con đường mòn của tiểu thương từng vẹt cả móng ngựa trên vách núi, không tính hết. Có bao nhiêu tấn chè Shan Tuyết ở cao nguyên đá Hà Giang, ngựa thồ sang Trùng Khánh, có bao nhiêu cao ngựa trắng thồ hàng về Lũng Cẩm Trên ở Hà Giang?

Con đường cánh cung biên giới đông bắc này thật huyền diệu, khác gì con đường tơ lụa năm xưa. Đổ về Cao Bằng dự phiên chợ trước tết, bò giống và ngựa giống, trà Shan Tuyết và ong rừng, xôi ngũ sắc và xôi trám... làm nên gương mặt chợ vùng núi trong thung lũng núi vừa xôn xao vừa ấm áp.

Sắc màu của người miền sơn cước

Tôi luôn bị ám ảnh bởi những con ngựa trắng ngắt trà dây ăn bên dòng sông xanh ngắt, nơi có những ngôi nhà đất thó, sẫm nâu, thâm u, những điệu hát lượn cũng u buồn của nhiều mối tình không đến được với nhau, vì tục lệ, vì những lý do rất nhiêu khê của con người tự đặt ra rồi tự làm khổ nhau. Làn điệu dân ca này luôn làm ta chới với như khi say rượu ngô. Bạn đã nghe một người Mông, đơn độc hát khi dắt ngựa trên dốc núi vắng? Đơn độc hát, mà chỉ có núi đá xám lại lắng nghe. Tôi đồ rằng vì những giọng hát này mà sông Quây Sơn mới xanh đến thế, mới day dứt tôi đến thế. Cũng có thể vì hát lượn, vọng ra từ ngôi nhà đất thó kia, đất thấu hiểu hắt lên núi đá, nên núi Cô Muông mới hùng vĩ, nên sông Bằng nước rất trong nhìn thấy cả sợi tóc bạc của người già.

Bạn đã một ngày theo ngựa đi hái trà dây trên ngọn thác Sầu? Tên thác là dân địa phương tự đặt, nơi thác đổ có những bóng cây sầu lá đỏ như khêu trên vách núi. Người phụ nữ miền núi có thói quen vừa đi vừa thêu, vừa đi vừa tước lanh. Những cô gái thêu khăn choàng và váy hoa để diện ngày tết.

Nếu gặp ngày mù sương, bạn ngồi nướng thịt gà bọc đất trong cái bếp bằng đất, trong ngôi nhà cũng bằng đất thó, ngước nhìn trần nhà dát toàn bắp ngô, đủ màu tự nhiên phết phảy trắng vàng đỏ sậm của ngô trên trần nhà, bạn sẽ cảm nhận được nỗi niềm của miền đất nơi ấy: cao lắm Cao Bằng.

Du lịch, GO! - Theo Lộc Vừng (SGTT), internet
Ngoài thịt gà sống thiến, thịt lợn xá xíu, ba chỉ áp chảo, chân giò kho mác mật, miến măng nấm hương… mâm cơm ngày tết của đồng bào Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc không bao giờ thiếu món 'nằm khau' (nằm khâu).

Món gì tên nghe lạ vậy?
Hỏi ra mới biết đó là món thịt heo nấu nhừ, xếp trên bát lùm lùm hình quả đồi nên gọi là nằm khau (tiếng Tày, Nùng nằm là chín nhừ, khau là quả đồi). Món này còn có tên gọi khác là khau nhục (khau: đồi, nhục: thịt).

Nằm khau được làm từ thịt ba chỉ. Nghe vậy hẳn có người sẽ nghĩ món ăn chắc là ngấy. Nhưng không. Với tài nấu nướng của mình, những “đầu bếp gia đình” ở các bản làng đã làm nên món nằm khau khiến người ăn phải gật gù, khen ngợi.

"Nằm khau có xuất xứ từ đâu và từ bao giờ chẳng rõ. Chỉ biết đó là món ăn truyền thống của người Tày, Nùng. Ngày tết, món nằm khau đã góp cho mâm cỗ của đồng bào thêm hương vị".

Tôi đã từng tò mò xem người trong bản làm món này. Thịt ba chỉ cắt miếng to chừng bàn tay, cạo rửa sạch sẽ rồi đem luộc. Chỉ luộc sơ, cốt để miếng thịt săn lại. Dùng que tre nhọn đầu xăm kỹ phần bì, xong xoa đều một lượt giấm hoặc nước cốt chanh. Thịt được ướp mắm muối, bột ngọt, để mươi phút cho ngấm. Mới thế thôi đã nghe dậy mùi thơm quyến rũ.

Thịt sau đó được đem rán trong chảo mỡ sôi. Khi rán phải quay mặt bì xuống dưới để bì chín vàng. Do đã ngấm giấm chua, lớp bì nở phồng, giòn xốp mà không cứng. Cũng không cần phải rán kỹ quá, chỉ cần bì nở đều, có màu vàng là được.

Nhưng như thế mới chỉ được một nửa công đoạn chế biến. Thịt vớt ra, để đó cho nguội và ráo mỡ. Bắt đầu sang phần làm khoai môn, loại khoai củ to hơn nắm tay, nhiều bột, có vân màu tím, được bà con trồng nhiều trong vườn nhà, không phải môn ngứa. Khoai môn gọt vỏ, bổ dọc, thái lát dày đem chiên giòn. Khoai chiên xong, lát nào lát nấy se vàng, sém cạnh, thơm ngọt và bắt mắt.

Thịt và khoai đã chế biến xong. Bây giờ mới là khâu cuối cùng để cho ra đời món nằm khau. Thịt được thái ra từng miếng dày, lại tẩm ướp một lần nữa với gừng tươi, tỏi bằm và quả mác mật khô giã nhỏ. Chế thêm một chút nước mắm, một thìa rượu trắng. Xếp thịt và khoai vào bát. Khi xếp phải lật ngược miếng thịt cho phần bì quay xuống. Cứ một miếng thịt xen kẽ một miếng khoai. Xong xuôi, úp một chiếc bát khác lên trên làm nắp đậy, lật ngược lại rồi đem hấp cách thủy.

Mâm cơm ngày tết đã được dọn ra. Rượu xuân đã được rót. Mọi người nâng ly chúc tụng. Lúc đó người nội trợ mới mở vung nồi, bê khay hấp ra. Những bát nằm khau vẫn còn nóng hổi.

Mở nắp đậy, bát thịt đầy có ngọn, những miếng thịt xếp đều chằn chặn còn nguyên hình bát úp. Màu bì vàng ruộm, nâu đỏ. Mùi thơm của mác mật, gừng, tỏi… hòa quyện thành một hương vị đặc biệt, sực nức, ngạt ngào. Gắp một miếng nếm thử. Thịt thơm ngậy, mềm lừ. Khoai vừa bột vừa bùi, dẻo quánh. Hai vị này quyện với nhau thật hài hòa. Béo mà không mỡ, nhừ mà không nát.

Nằm khau ăn nóng, ấm sực cả người. Gắp thêm miếng nữa, nhấp một chút rượu, hơi xuân thêm phần nồng nàn, câu chuyện đầu năm càng thêm rôm rả.

Du lịch, GO! - Theo Ba Hưng (DulichTuoitre), internet
Mỗi độ xuân về, chuẩn bị đưa tiễn năm cũ và đón mừng năm mới cộng đồng người Xơ-đăng sống trên dải Trường Sơn-Tây Nguyên vui mừng tổ chức lễ hội mừng sức khoẻ đầu năm để cúng Giàng, thần linh, tổ tiên ông bà cầu mong cho người Xơ-đăng luôn được khoẻ mạnh, vượt qua mọi sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên nhiên, thú dữ, cộng đồng luôn đoàn kết...

Theo truyền thống của cộng đồng dân tộc Xơ-đăng cứ vào mùa khô năm trước (khoảng tháng 10, 11 và tháng 12) đến thời điểm của mùa khô năm sau (khoảng tháng 2, 3, 4 và tháng 5), Hội đồng già làng họp lại chọn lấy ngày trăng sáng, đây là những ngày đẹp nhất để tổ chức làm lễ mừng sức khoẻ đầu năm.

Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày 3 đêm với cả làng tham dự.

Để có lễ vật dâng cúng Giàng, thần linh và tổ chức lễ hội được chu đáo, dân làng phải chuẩn bị rượu ngon, các loại thức ăn khô như: măng, cá; thịt và cả heo, gà... hằng tháng trời trước đó. Theo truyền thống, mỗi nóc (mỗi nóc có từ 20-30 gia đình sinh sống) được giao một việc, nóc thì lo sửa chữa lại máng nước, nóc thì lo trang trí lại nhà Rông, nóc thì lo vào rừng tìm cây về để làm cây nêu, nóc thì lo đi mua trâu, đàn bà, con gái thì lo giã lúa mới lấy gạo gói bánh, xuống suối bắt thêm cá, ốc, hái thêm rau... lễ hội này thường diễn ra như sau:

Ngày thứ nhất: Hội đồng già làng và một số người già lớn tuổi am hiểu về phong tục tập quán của người Xơ-đăng hướng dẫn một số thanh niên khoẻ mạnh làm cây nêu, trang trí lại nhà Rông, cồng chiêng được đem ra lau chùi và thử lại tiếng, tập xoang (múa), ca hát... đồng thời cũng tại nhà Rông, một ché rượu thiêng và một con gà trống to cũng được đem đến và được đặt ngay ngắn tại giữa nhà để chuẩn bị làm lễ. Tại đây, Hội đồng già làng dùng dao cắt tiết gà, một ít đổ vào ché rượu thiêng, còn lại đổ vào tô lớn.

Khi gà bị cắt tiết, một số người lớn tuổi lần lượt đọc những câu cầu khấn với nội dung hàm ý tỏ lòng thành kính đối với Giàng, ông bà tổ tiên. Họ đổ ít rượu thiêng trong ché ra vào tô đựng tiết gà trộn đều rồi cùng nhau xuống chỗ đào cây nêu để chuẩn bị làm lễ dựng cây nêu.

Trên tô tiết gà, người ta cắm vào đó một ngọn đèn bằng sáp ong. Ngọn đèn được đốt lên, già làng dùng tay nâng chén tiết gà lên đọc lời khấn, cùng lúc các chàng trai, cô gái và dân làng nối nhau thành một vòng tròn (nghi lễ này được thực hiện lại vào ngày thứ 2), cây nêu được dựng lên và cùng lúc trâu cũng được đem cột vào cây nêu, dê cũng được đem cột vào các cột cây Pơlang theo chiều dọc và có bao nhiêu dê thì có bấy nhiêu cây Pơlang được trồng. Vì vậy, có dịp đến các bản làng của người Xơ-đăng có rất nhiều cây Pơlang được trồng, đây là dấu hiệu của một làng no đủ và giàu có, tinh thần đoàn kết cao, ăn nên làm ra, thương yêu và đùm bọc nhau.

Ngày thứ hai: Từ sáng sớm, mọi người trong các nóc đã cơm nước xong. Cồng chiêng, trống từ nhà Rông được lấy xuống, dân làng trong bộ trang phục truyền thống đã có mặt đầy đủ trước nhà Rông.

Trống, cồng chiêng nổi lên, già làng hướng dẫn một số trai tráng khoẻ mạnh, những thanh niên này sẽ thực hiện việc đâm trâu và bắn dê sau đó nhảy múa. Những vòng xoang được nối nhau, già làng vừa di chuyển vừa ném những nắm gạo vào cho trâu vừa dùng giáo đâm vào đùi trâu trong tiếng hò reo của dân làng vang vọng cả núi rừng. Sau động tác này, ông lại chuyển giáo cho những người có uy tín trong làng và những thanh niên được chọn lần lượt dùng giáo đâm vào trâu, trong tiếng trống, cồng chiêng và họ đâm khi trâu chết hẳn thì mới thôi. Cùng lúc một nhóm thanh niên khác cũng trong tư thế sẵn sàng từng người một dùng ná bắn vào dê cho đến chết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu trâu bị đâm trúng tim chết và gục xuống đất ngay thì cả làng năm đó sức khoẻ dồi dào, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và công việc làm ăn, dân làng đoàn kết... Thanh niên nào đâm trúng tim trâu thì được cả làng tôn vinh dũng sĩ với hàm ý Giàng ông bà, tổ tiên đã cho họ một năm với sức khoẻ dồi dào và hạnh phúc.

Trâu, dê được đem đi xẻ thịt, trong làng có bao nhiêu nóc, mỗi nóc có bao nhiêu người cũng được chia phần bằng nhau. Phần tim, gan, bộ lòng của trâu để Hội đồng già làng dùng và tiếp khách, phần còn lại được chế biến các món ăn truyền thống ngay tại nhà Rông để dân làng bà con, anh em và cả khách mời có dịp vui chơi ăn uống thoả thích. Riêng đầu trâu sẽ được bố trí lại để cho ngày hôm sau (ngày kết thúc). Họ vừa ăn, uống vừa chúc sức khoẻ nhau, hỏi thăm công việc nương rẫy. Nhân dịp này, những thanh niên, thiếu nữ Xơ-đăng chưa chồng, chưa vợ có điều kiện tìm hiểu, quen nhau và kết duyên chồng vợ.

Ngày thứ 3: Đầu trâu được xẻ và chế biến tại nhà Rông để cho Hội đồng già làng và những người có uy tín trong làng ngồi lại bàn bạc và trao đổi rút kinh nghiệm. Đầu trâu được đem treo ở vách nhà Rông. Đến đây lễ hội mừng sức khoẻ đầu năm chấm dứt.

Lễ hội mừng sức khoẻ đầu năm không chỉ là nghi lễ cầu cho làng bản, cho gia đình và cộng đồng luôn khoẻ mạnh mà còn giải toả mọi tâm lý sợ hãi, ám ảnh của các thế lực siêu nhiên, mang lại sự an bình trong cuộc sống của mọi nhà, mọi gia đình và cộng đồng. Nghi lễ mừng sức khoẻ đầu năm từ lâu đã ăn sâu vào cuộc sống và tiềm thức của cộng đồng dân tộc Xơ-đăng. Nét văn hoá cổ truyền, độc đáo này luôn được người Xơ-đăng gìn giữ và trân trọng.

Du lịch, GO! - Theo Cema, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống