Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Thursday, 28 February 2013

Cá nhồng hầu như sinh sống phổ biến ở các vùng biển của nước ta. Thân dài hình trụ tròn, hai phần đầu và đuôi thót hẹp lại, vẩy mịn, dọc theo lưng có những chấm đen, con nhỏ độ 1kg, lớn cỡ 8 – 9kg.

Cá nhồng nhiều nạc thịt ngọt đậm, người lớn và trẻ nhỏ ăn rất tốt. Nhưng không phải tất cả cá nhồng  sinh sống ở biển nào nước ta cũng thơm ngon mà chỉ có giống cá nhồng ở Phú Quốc được đánh giá ngon hơn những nơi khác nhờ có điều kiện môi trường biển phù hợp.

Cá nhồng có thể kho với thịt đùi hay thịt ba chỉ, kho dưa cải, chiên giòn, chiên mắm ớt chanh, đặc biệt khi đến với Phú Quốc chúng ta không thể không bỏ qua món chả và gỏi cá nhồng đặc trưng nơi này.

Để làm món chả, cá nhồng thường dùng những con còn nhỏ được xay nhuyễn quết làm chả, trộn với tiêu sọ, hành băm nhỏ, sau đó mang chả đi hấp hay chiên đều rất ngon. Khi ăn miếng chả cá có độ dai dai, bùi béo và khi nhai, những hạt tiêu sọ vỡ ra có vị cay nồng. Chả cá nhồng có thể dùng để cuốn bánh tráng, chấm với nước mắm chua ngọt nhậu lai rai hay nấu làm món bún chả cá thì ngon không nơi nào bằng.

< Gỏi cá nhồng ăn với bánh tráng cuốn rau sống.

Gỏi cá là món ăn khoái khẩu của không ít người khi muốn khám phá mùi vị tự nhiên, tươi sống. Để làm món này đòi hỏi người chế biến phải công phu, tinh tế từ khâu lựa chọn cá cho đến nêm, ướp gia vị. Cá chọn làm gỏi phải thật tươi, lọc lấy phi lê, cắt mỏng, rải hành phi và củ hành tây cắt khoanh lên mặt. Nhưng để món này ăn ngon thì không thể thiếu nước chấm được pha chế một cách kỳ công.

< Thơm ngon chả cá nhồng ăn với bún.

Nước chấm là một hỗn hợp gồm tỏi, ớt, đậu phộng rang giã nhỏ pha với chanh, nước mắm nhỉ và nêm chút đường cho dịu lại. Sau đó vắt chanh vào cá cho chín tái đi rồi cuốn cá với bánh tráng, rau sống. Khi ăn gỏi cá nhai thấy dai, ngọt, uống vài ba ly rượu khi thưởng thức khiến cho món gỏi này bỗng dưng ngon miệng hơn.

Phú Quốc là vùng biển đảo phía cực nam của nước ta, đến đây thực khách sẽ có dịp trải nghiệm thưởng thức các món đặc sản từ hải sản. Và những món ngon lạ từ cá nhồng khiến chúng ta đến với nơi này khó lòng mà bỏ qua được.

Du lịch, GO! - Theo Hoàng Anh (Laodong)
Bạn muốn tự do đi lái ô tô đến nơi mình thích, hãy tham khảo 10 lời trong bài.
Du lịch bằng xe hơi hiện nay đang là xu thế vì bạn có thể chủ động đi đến những nơi bạn muốn. Để hành trình của bạn không bị gián đoạn, bạn cần có một số sự chuẩn bị nhất định bởi chỉ lái xe và đi không đơn giản như bạn nghĩ. Sau đây là 10 lời khuyên của chúng tôi:

1. Thiết bị định vị GPS

Thiết bị GPS cho phép bạn chọn con đường đi tối ưu, tiết kiệm thời gian đi du lịch và giảm thiểu chi phí xăng dầu. Sử dụng thiết bị này rất đơn giản: chỉ cần vào Menu -> Navigator, lựa chọn điểm bắt đầu và điểm đến, thiết bị sẽ tính toán con đường thuận tiện cho bạn. Bạn sẽ chỉ cần làm theo chỉ dẫn.

Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng đôi khi hệ thống GPS không chọn con đường đúng (nếu nhà sản xuất các biểu đồ dẫn đường cập nhật những con đường chỉ một năm một lần), do đó, bản đồ cầm tay vẫn là người bạn đồng hành đáng tin cậy.

2. Thiết bị không dây

Theo các nghiên cứu tại Đại học Công giáo Louvain (Bỉ), nghe điện thoại di động trong khi lái xe làm tăng nguy cơ tai nạn đến 75%. Nên nếu bạn không muốn bỏ qua các cuộc gọi đến hoặc không thể bỏ qua một chuyện quan trọng thì nên sử dụng các thiết bị không dây để không phải lái xe bằng một tay. Việc sử dụng các thiết bị không dây (tai nghe điện thoại, loa ngoài) sẽ giúp bạn lái xe tập trung hơn trên đường mà vẫn giữ được liên lạc với bạn bè, gia đình, và các đồng nghiệp.  Ngoài ra, cách này cũng giúp bạn không bị phạt do vi phạm luật giao thông ở một số nước. Ở các nước khác nhau mức phạt có thể tăng đến vài ngàn đô la.

3. Kiểm tra kỹ hệ thống chiếu sáng của xe

Đi một chuyến du lịch bằng xe hơi, bạn phải chắc chắn hoàn thiện các hệ thống chiếu sáng cho xe, vì ánh sáng là một trong những tính năng bảo vệ bạn trong các tình huống nguy hiểm và tránh tai nạn. Ngoài ra, chất lượng chiếu sáng giúp người lái xe đỡ mệt mỏi khi không phải căng mắt ra để nhìn đường, đặc biệt là đi du lịch. Giải pháp tối ưu nhất là sử dụng đèn Philips X-treme Power, tùy thuộc vào loại đèn pha chiếu sáng các con đường giúp bạn kiểm soát đến 80% so với những xe bình thường. Đó là loại đèn pha có một đèn chiếu mạnh và màu tươi sáng như một tia laser, hoặc đèn Philips BlueVision, có ánh sáng trắng làm tăng khả năng phản xạ của các biển báo giao thông và vạch đường.

4. Đèn pin và pin dự phòng

Một chuyến du lịch bằng xe khá phức tạp và rất khó để dự đoán nó sẽ như thế nào nên bạn cần có sự chuẩn bị tốt hơn. Một phần quan trọng của chuyến đi sẽ diễn ra trong đêm tối, do đó, đèn pin sẽ là một trong những thứ cần thiết nhất. Trước tiên, nó giúp bạn kiểm tra xe vào ban đêm và có thể giúp bạn thực hiện công việc sửa chữa. Thứ hai, đèn pin giúp bạn tìm các đồ vật hoặc để báo hiệu. Thứ ba là để truyền tín hiệu ánh sáng trong các tình huống khó khăn.

5. Nước

Nước ngọt trong chuyến đi đường không phải là thứ sang trọng nhưng rất cần thiết. Nước sẽ giúp bạn vô số việc: tránh phải dừng xe mua nước, giải khát, rửa các cửa sổ xe, rửa kính chắn gió…  (Giữ kính sạch là việc cần thiết để đảm bảo khả năng nhìn đường tốt hơn trong suốt chuyến đi). Bạn nên dự trữ 5-6 lít nước trên xe.

6. Phụ tùng thay thế

Yêu cầu tối thiểu của phụ tùng phụ thuộc vào nhãn hiệu, tuổi tác và điều kiện của xe, cũng như sử dụng của các trạm dừng dọc theo tuyến đường của bạn.

Tất nhiên, bạn không cần phải mang theo một va li đầy đủ các công cụ và thiết bị, nhưng bạn không thể làm mà không có một số đồ nghề tối thiểu. Bao gồm: cầu chì bơm xăng, một cặp bu lông, bánh xe, lốp dự phòng, jack và ắc quy.

7. Chăn và khăn bông

Để cho chuyến đi thoải mái và ấm cúng hơn, bạn sẽ cần mang theo chăn hoặc những chiếc khăn bông. Chăn luôn hữu ích trong các trường: lái xe trong đêm lạnh hoặc trong cuộc hành trình bạn quyết định tạm dừng và tự tổ chức một buổi dã ngoại bên đường chăn có thể sẽ là chiếc bàn cơ bản.

8. Hộp y tế

Trước khi cuộc hành trình bắt đầu, bạn phải kiểm tra hộp y tế trong xe, thay thế các loại thuốc đã hết hạn sử dụng và thêm vào những loại thuốc tiêu chuẩn. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng giải quyết các tình huống bất ngờ và tránh được những chi phí không cần thiết đối trên đường đi. Hãy cẩn thận thử phản ứng của một số loại thuốc và mang theo những loại thuốc chống dị ứng.

9. Giấy tờ tùy thân

Bằng lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm, hộ chiếu, những giấy tờ ngắn hạn… đó là tất cả các giấy tờ mà bạn có thể bị hỏi trong suốt chuyến đi. Hãy chú ý đến ngày hết hạn của các giấy tờ để tránh những rắc rối. Đồng thời cố gắng mang đầy đủ và để chúng ở một ngăn riêng.

10. Địa chỉ và số điện thoại hỗ trợ kỹ thuật

Nếu bạn có kế hoạch du lịch một chuyến đến các khu vực khác nhau trong  nước hoặc nước ngoài thì bạn nên lập danh sách riêng của các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và xe kéo.

Dù bạn có chuẩn bị một chiếc xe hoàn hảo cho chuyến đi dài thì bạn cũng không thể bảo đảm chắc chắn sẽ không gặp sự cố hoặc bị hỏng hóc.

Du lịch, GO! - Theo Sổ tay du lịch
Dù được tạc bằng đá, đúc bằng đồng hay bê tông, những pho tượng này vẫn tạo nên ấn tượng khó quên cho du khách.

Pho tượng nằm dài nhất

Với chiều cao 13m, dài 49m, tượng PhậtThích ca nhập niết bàn với tư thế nằm nghiêng gối đầu lên tay, mặt quay về hướng Nam, toạ lạc trên đỉnh núi Tà Cú, đây là bức tượng phật nằm dài nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Tượng được kiến trúc sư Trương Đình Ý thiết kế và xây dựng từ năm 1959 hoàn thành vào năm 1962. Tác phẩm hoàn toàn được làm bằng công sức lao động của con người, không sử dụng tới bất kỳ máy móc hay cần trục, cùng với sự hỗ trợ của đông đảo Phật tử khắp các tỉnh miền Nam.

Tượng được đúc bằng bê-tông, quét vôi trắng dài với tư thế nằm nghiêng gối đầu lên tay, mặt quay về hướng Nam dài 49m (tượng trưng 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập diệt), rộng (nơi bàn chân) 8,8m, cao (2 bàn chân xếp lên) 4,9m, cao (từ vai xuống) 12,2m.

Có hai cách để lên đỉnh núi chiêm bái tượng là đi bộ hoặc đi cáp treo. Mỗi cách sẽ mang lại cho bạn một ấn tượng riêng, song nếu có thể thì bạn nên thử kết hợp đi lên bằng cáp cho đỡ mệt, đi xuống bằng bậc thang. Ngoài tượng Phật nằm, ở đây du khách còn có thể chiêm bái các bức tượng khác thuộc ngôi cổ tự Linh Sơn Trường Thọ, hay trải nghiệm thêm nhiều chuyến khám phá các truyền thuyết kỳ bí của hang Tổ.

Pho tượng bằng đồng nặng nhất

Danh hiệu này thuộc về pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối dát vàng, cao 10m, nặng 100 tấn ở chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, Gia Viễn Ninh Bình, và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận kỷ lục “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam”.

Pho tượng này do các nghệ nhân đúc đồng thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đúc, được đỡ bởi khung bê tông cốt thép giả gỗ cao đến nóc gần 30 m, dài 44,7 m, rộng 43,3m.

Ngoài kỷ lục nói trên, trung tâm này cũng xác nhận nhận hàng loạt các danh hiệu kỷ lục khác cho chùa Bái Đính như Bức tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất, bộ tượng A Nan - Ca Diếp bằng đồng lớn nhất (mỗi tượng nặng 30 tấn, cao 9m, đặt tại điện thờ Giáo chủ Thích ca Mâu ni), chuông đồng lớn nhất (nặng 30 tấn), giếng Ngọc lớn nhất (đường kính 35m), tượng ông Thiện và ông Ác bằng đồng cao và nặng nhất (đặt nơi cổng tam quan chùa Bái Đính, mỗi pho nặng 20 tấn, cao 5,2m), tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng lớn nhất (nặng 80 tấn, cao 9,57m tính cả bệ), bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất (mỗi pho nặng 50 tấn). Đây còn là ngôi chùa lớn nhất và có nhiều tượng nhất Việt Nam.

Pho tượng bằng đá lớn nhất

Đại Phật tượng bằng đá cao 27m, nặng 3.000 tấn đặt trên đỉnh núi đầu tiên phát tích đạo Phật ở Việt Nam (núi Phật tích, Bắc Ninh), được xem như kỳ quan mới trên quê hương của các vua Lý. Tượng được tạc dựa trên nguyên mẫu tượng A Di Đà, là một trong những bảo vật từ thời nhà Lý.

Chùa Phật Tích còn là di tích lịch sử văn hóa quốc gia và là di tích tiêu biểu nhất chứa đựng các giá trị văn hóa, mỹ thuật thời Lý. Ngoài hai bức tượng phật A Di Đà bằng đá có từ thời Lý và Đại Phật tượng mới xây dựng, đây còn là nơi lưu duy nhất lưu giữ những linh thú với 5 cặp đối xứng là sư tử, voi, ngựa, trâu, tê giác vốn là các di vật của đời Lý.

Tượng Phật bà Quan Âm cao nhất

Ngoài việc được biết đến như một ngôi chùa đẹp, lớn và… trẻ nhất trong 3 ngôi “Linh Ứng Tự” ở Đà Nẵng, Linh Ứng Bãi Bụt nằm ở lưng chừng núi Sơn Trà còn được biết đến với tên nơi có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam.

Pho tượng Phật bà Quan Âm ở đây cao 67m, đường kính toà sen 35m do điêu khắc gia Thụy Lam và điêu khắc gia Châu Viết Thạnh thi công trong 5 năm. Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang lênh đênh trên biển kiếm sống. Trên mũ tượng Quan Âm có tượng Phật Tổ cao 2m. Trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau, gọi là “Phật trung hữu Phật”.

Đến đây, ngoài chiêm bái công trình, từ vị trí của tượng, du khách còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp khác của Đà Nẵng, với phía trước là vịnh Đà Nẵng đẹp như tranh, bên phải là một phần bán đảo Sơn Trà trầm mặc, xa xa là Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm bềnh bồng trong mây. Bạn cũng có thể tham gia khám phá núi rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà phía sau chùa.

Tượng chúa Giê Su lớn nhất

Tượng Chúa Ki-tô hay Tượng Đức Chúa dang tay là một bức tượng Chúa Giê Su nằm trên đỉnh Núi Nhỏ của thành phố Vũng Tàu, được xây từ năm 1974. Bức tượng này cao 32m, sải tay dài 18,3m đứng trên độ cao cách mặt biển 170m, bên trong có cầu thang 133 bậc dẫn lên tận 2 tay của tượng. Đứng tại đây, du khách có thể ngắm bờ biển Vũng Tàu xanh ngát hay tận hưởng những ngọn gió biển mát rượi. Hai bàn tay tượng Chúa Kitô dài tới 2,2m, ngón giữa dài 1,1m có 9 tia hào quang làm bằng kim loại vừa trang trí vừa có tác dụng thu lôi.

Bức tượng có thể xem như một phiên bản tương tự như tại thành phố Rio de Janeiro của Brasil. So với tượng Chúa dang tay của Brasil, thì tượng này ở Vũng Tàu cao hơn 2 m. Tuy nhiên, tượng Chúa ở Brasil đứng trên núi cao hơn 700m, còn tượng Chúa ở Vũng Tàu chỉ đứng trên độ cao hơn 100m của núi Nhỏ. Ngoài ra, bệ tượng ở Brasil cao tới 7 m, trong khi bệ tượng ở Vũng Tàu cao khoảng 4m.

Tượng Chúa được đặt trên một bệ bê-tông có bốn góc tạo hình cánh cung cao 10m. Mặt trước bệ được trang trí bằng bức phù điêu phỏng theo tác phẩm nổi tiếng của danh họa Ý Leonardo da Vinci “Bữa tiệc ly”. Mặt sau là bức tranh “Chúa trao chìa khóa cho thánh Phêrô”.

Lòng tượng được chiếu sáng nhờ hệ thống cửa sổ hình chữ “Thọ” trang trí trên áo. Hai bên vai và tay áo tượng được thiết kế như hai ban công với sức chứa khoảng 6 du khách mỗi bên.

Tượng gà lớn nhất Việt Nam

Với những chỉ số ấn tượng, bức tượng gà trống bằng bê tông đang vươn cổ gáy cao 3,2m, nặng khoảng 8 tấn giữa làng K’Long, thôn Darahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng được xem là pho tượng con vật lớn nhất Việt Nam.

Bức tượng khổng lồ này được thiết kế và xây dựng từ năm 1978 đến năm 1979 (kiến trúc sư Lữ Trúc Phương thiết kế, nhà điêu khắc Thụy Lam tạc tượng, Sở Thủy lợi Lâm Đồng thi công).

Ý tưởng xây tượng con gà xuất phát từ đề tài cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Công trình này được xem là công trình công ích đồng thời là một biểu tượng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Theo thiết kế ban đầu, khi dòng kênh dẫn nước từ núi Voi về sẽ tạo áp lực để phát một thủy điện nhỏ, khởi động chương trình “gáy” cho con gà, tuy nhiên thiết kế hiện đã bị bỏ dở.

Ngày nay, du khách khi đi ngang qua bức tượng con gà lớn nhất Việt Nam không thể không dừng lại để chụp hình lưu niệm và chiêm ngưỡng vẻ kỳ vỹ, hiên ngang của chú gà này.

Du lịch, GO! - Theo Infonet, Chudu24
Có rất nhiều món ăn dân dã đậm chất hương đồng cỏ nội đã đi vào ký ức người dân Nam Bộ như cá kèo kho tiêu, cá linh kho mía, cá lòng tong kho mỡ hành, cá bống trứng kho nước cốt dừa… nhưng ít ai nhắc đến con cá bống sao.

Đó là một loài cá mình tròn và dài như cá bống dừa nhưng nhỏ hơn thòi lòi. Vảy bống sao có nhiều đốm trắng li ti giống như những chòm sao.
Cá bống sao thường làm hang sống trong bùn nơi các bãi bồi ven biển, nhiều nhất là Đất Mũi - Cà Mau và nơi rừng Cù Lao Dung - Sóc Trăng. Vì trữ lượng cá không nhiều nên bà con ngư dân mỗi khi đánh bắt được chỉ mang bán cho người địa phương, người thành thị ít ai được thưởng thức loại cá này.

Muốn bắt cá bống sao, dân biển bơi xuồng ra bãi biển, tìm các hang ngách hoặc theo dõi các dấu vết trên mặt bùn để phát hiện ra chúng. Nếu cá ở hang, người bắt phải dùng tay thọc sâu xuống bùn để tóm gọn từng con. Công việc rất vất vả, dù người có kinh nghiệm cỡ nào cũng chỉ kiếm khoảng 2 ký sau mỗi con nước. Dân sành ẩm thực coi cá bống sao là đặc sản của Cù Lao Dung, là món ngon hấp dẫn mà ai đến đây cũng muốn tận hưởng hương vị ngọt ngào của nó. Tuy là cá của người nghèo nhưng nó đã làm nên nhiều “kỳ tích” với hai món ngon tuyệt chiêu, đó là kho sả ớt và nấu canh chua bần.

Ông Hai Lùng, quê ở Cù Lao Dung, người chuyên thụt cá bống sao ăn như cơm bữa vậy mà vẫn mê: “Cá thòi lòi cũng là đặc sản nổi tiếng của Cà Mau và Sóc Trăng, nhưng so với cá bống sao nó còn thua xa”.

Cá bống sao thịt màu hồng, săn chắc. Nếu mổ ruột sẽ thấy lá gan to màu hồng, khi nấu chín có vị béo, bùi và nhân nhẩn đắng do mật tiết ra. Cá bống sao ngon nhất là kho với sả ớt. Sau khi ướp xong nước mắm, đường, tỏi, sả, ớt cho thấm đều rồi bắt lên bếp cho lửa cháy riu riu. Khi cá sôi vài dạo mới cho thêm mỡ hành vào. Lúc ấy, mùi thơm sẽ tỏa ra ngào ngạt. Chính vị ngọt của cá hòa cùng với mùi cay cay của sả ớt đã làm cho ơ cá bốc lên mùi thơm lựng khiến ai nấy cũng cảm thấy đói, bụng cồn cào muốn ăn.

Còn đối với món canh chua nấu bần thì hết chỗ chê. Ai đã thưởng thức một lần khó mà quên được cái hương vị chua thanh, dìu dịu, cay cay, thơm mát của thứ nước đậm đà được chắct lọc từ cá, tinh hoa của nước và bần chua tạo thành.

Nếu có dịp về Cù Lao Dung một chuyến, rồi bao thuyền ra bãi biển xem bà con thụt cá bống sao, lúc về nhớ chọn mua vài ký, hái vài trái bần rồi ghé quán ăn nhờ cô chủ nấu cho một nồi canh chua bần và kho với sả ớt, ăn với gạo lúa thơm Sóc Trăng, chắc chắn sẽ không có gì thú vị bằng.

Du lịch, GO! - Theo Thành Hiệp (báo Laodong)
Chỉ sau một thời gian được đặt tên theo cố nhạc sĩ tài ba gốc người Huế, con đường Trịnh Công Sơn chạy dọc theo bờ sông Hương thơ mộng ở TP. Huế đã trở thành “khu phố ăn nhậu” nhộn nhịp.

< Con đường mang tên người cố nhạc sĩ tài ba ở Huế.

Trên đoạn đường dài chưa đầy 1 km, người ta đua nhau dựng lên những quán nhậu nằm san sát nhau với những cái tên được đặt theo các tác phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như: Hạ trắng, Diễm xưa… Một số quán khác cũng mang chút dáng dấp “phong cách Trịnh” cả trong việc đặt tên lẫn cung cách phục vụ.

< Quán nhậu mọc san sát trên đường Trịnh Công Sơn.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khu phố ăn nhậu trên đường Trịnh Công Sơn chủ yếu hoạt động mạnh vào ban đêm, xe cộ dựng kín hai bên đường và việc kinh doanh ở đây ngày càng có xu hướng phát triển.

< Một quán nhậu mang tên ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ.

Được biết, con đường mang tên Trịnh Công Sơn ở TP. Huế là một công trình văn hóa nhằm tôn vinh và nhắc nhở thế hệ mai sau nhớ về một tài năng lớn của nền âm nhạc Việt Nam.

< Một quán nhậu khác được đặt tên “Phố Trịnh”.

Có thể nói rằng, “khu phố ăn nhậu” bên bờ sông Hương là một địa điểm khá lý tưởng cho những ai thích ăn nhậu và thưởng thức những ca khúc nhẹ nhàng, sâu lắng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng nếu xét về mặt văn hóa thì điều này đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận, đặc biệt là đối với giới nghệ sĩ yêu mến Trịnh và những người làm trong ngành du lịch.

Du lịch, GO! - Theo Lê Tấn Lộc (Laodong)

Wednesday, 27 February 2013

Trong những năm gần đây, Bản Hồ đã tích cực khai thác thế mạnh về du lịch, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm và trở thành một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của huyện Sa Pa.

Nằm nép mình bên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ và soi bóng xuống dòng suối Mường Hoa thơ mộng đã tạo nên cảnh sắc hữu tình cho Bản Hồ. Cùng với đó là những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân bản địa đã giúp Bản Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Thôn Bản Dền - trung tâm Bản Hồ là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày, quê hương những làn điệu hát then quyến rũ… Không chỉ có vậy, vùng đất này còn được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hiếm có, một quần thể kiến tạo bao gồm: Núi, đồi, thung lũng, suối và những cánh đồng lúa mênh mông.

Đến Bản Hồ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, hòa lẫn những nếp nhà của người dân nằm rải rác dọc hai bờ suối.

Thôn Bản Dền còn là nơi gặp gỡ của hai dòng suối Mường Hoa và La Ve. Suối Mường Hoa được phối cảnh với một địa thế đẹp, khí hậu ôn hoà và những ngôi làng truyền thống người Tày đã tạo nên bức tranh sơn thuỷ hữu tình, mê đắm lòng người. Con suối đã quá thân thuộc trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Tày nơi đây.

Khác với dòng Mường Hoa ngày ngày mang nước đến cho hàng chục bản làng, dòng La Ve chảy về Bản Dền từ trong núi cao rừng thẳm đã tạo thành từng dòng thác trong vắt. Có lẽ vì thế mà cá suối thường tập trung về đây rất đông và nhảy múa dưới dòng thác như những nghệ sỹ miệt mài biểu diễn trên sân khấu.

Vì vậy, người dân địa phương đã đặt tên là thác Cá nhảy. Thác Cá nhảy là nơi lý tưởng cho những ai muốn tận tay giăng lưới bắt cá suối tươi ngon và thưởng thức món cá nướng ngay bên dòng thác. Ngoài hai dòng suối này, Bản Hồ còn có một loạt những dòng suối, con thác khác như: Tả Trung Hồ, Séo Trung Hồ… là những nơi lôi cuốn sự chinh phục khám phá thiên nhiên thơ mộng.

Từ trung tâm thị trấn Sa Pa, chạy xe ô tô khoảng 20 km và đi bộ gần 5km đường mòn qua các thửa ruộng bậc thang như dải lụa mềm mại uốn lượn quanh những triền núi cao, qua các con suối nhỏ và những chiếc cầu tre xinh xắn là đến thôn Séo Trung Hồ, nơi cư trú của đồng bào dân tộc Dao thân thiện và giàu lòng mến khách.

Đi qua trung tâm thôn chừng 1km đường rừng, là đến thác Séo Trung Hồ. Thác Séo Trung Hồ nằm sâu trong núi Hoàng Liên Sơn với độ cao trên 100m, nhìn từ xa như dải lụa trắng vắt ngang lưng chừng núi. Thác Séo Trung Hồ đẹp với vẻ chân chất, nồng nàn như thiếu nữ tuổi độ trăng tròn giữa núi rừng Hoàng Liên trùng điệp, vẻ đẹp mộc mạc ấy rất may chưa có bàn tay con người can thiệp vào. Thác Séo Trung Hồ tựa đoá hoa phong lan lặng lẽ khoe sắc giữa đại ngàn xanh thẳm không chỉ hút hồn những đôi lứa yêu nhau mà còn có sức lôi cuốn gọi mời du khách với những cuộc du ngoạn, khám phá và thưởng thức thắng cảnh kỳ thú của dòng thác thơ mộng.

Đến Bản Hồ, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hữu tình, không gian thoáng đãng nên thơ, kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà sàn gỗ gắn bó lâu đời với cuộc sống của người dân tộc mà còn được sống trong môi trường du lịch thân thiện, đầm ấm và cùng tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng. Du khách còn được khám phá, trải nghiệm những điều thú vị trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư nơi đây. Những ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời vài chục đến cả trăm năm luôn được gìn giữ và tôn tạo như một minh chứng cụ thể cho nét văn hóa đặc trưng của người Tày vẫn được bảo lưu. Cùng với đó là nghề dệt thổ cẩm truyền thống dù gặp một chút khó khăn cho đầu ra nhưng vẫn được người dân Bản Hồ duy trì và tìm hướng đi mới.

Mỗi khi có du khách đến nghỉ chân, người dân Bản Hồ đón tiếp rất chu đáo, cởi mở. Du khách sẽ được chủ nhà thết đãi những món ngon của địa phương như cá suối Mường Hoa nướng trên than hồng, giã nhỏ cùng muối và ớt nướng thơm lừng hòa quyện với khói bếp lam chiều như muốn níu chân du khách. Du khách còn được thưởng thức xôi tím, cơm lam, thịt lợn nướng chấm lá nhội và chút ớt chỉ thiên cay se môi, hay măng chua nấu vịt. Những món ăn ngon nhâm nhi cùng chén rượu gạo thơm nồng mùi lúa mới sẽ cho du khách cảm giác chếnh choáng say trong men tình nồng ấm của người dân miền sơn cước, nhất là khi được cùng họ quây quần bên bếp lửa nhà sàn nghe kể những điều thú vị về cuộc sống của người dân nơi đây; hoặc thưởng thức những điệu múa, câu hát then, câu sli, câu lượn mượt mà, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày.

Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày đã giúp Bản Hồ trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Tạm biệt Bản Hồ với khung cảnh êm đềm, những mái nhà sàn xinh xắn để du khách đến một lần nhớ, vấn vương.

Hương vị Bản Hồ

Du lịch, GO! - Theo DulichVN, internet
Lễ cầu an xưa kia gọi là lễ tống gió, tống phong, tống ôn, là một lễ tục có từ lâu đời ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tại Cần Thơ, lễ cầu an cho tới nay vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, tuy hình thức tổ chức ngày càng đơn giản hơn.

< Tàu ghe hộ tống đưa bè ra sông Cái để thả trôi.

Lễ cầu an thường diễn ra từ ngày 12 đến 16 tháng giêng hằng năm, tùy theo từng địa phương, cùng với thời điểm Tết Nguyên tiêu - rằm tháng giêng. Chính vì vậy dân gian mới có câu “Lễ tết quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Đây là một ngày lễ dân gian mang tính cộng đồng khá cao do nhân dân tự nguyện đứng ra quyên góp cùng với sự hỗ trợ về an ninh trật tự của chính quyền địa phương.

Lễ cầu an là lễ tống tiễn, xua đuổi tất cả những cái xấu, cái xui xẻo và khí độc ô uế, bệnh tật ra khỏi dân làng (tống gió, tống ôn), đồng thời cầu xin thần linh và người khuất mặt ra sức độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Lễ cầu an còn là dịp cho dân làng tri ân những người quá cố, biểu hiện lòng thành kính đối với các vị anh hùng liệt sĩ và các bậc tiền hiền có công khai khẩn, mở mang bờ cõi.

< Bà con đốt lửa cúng cầu an trong đêm 13 -1 âm lịch.

Lễ tục cầu an nhằm biểu thị một nếp sinh hoạt thuộc về tín ngưỡng dân gian với nhiều hoạt động phong phú mà cao điểm là “đốt lửa” và “tống gió”, tức dùng bè chuối để tiễn đưa âm binh, các lực lượng vô hình theo dòng nước đi càng xa càng tốt. Trên bè còn chở đầy gạo muối, vàng bạc giấy tiền, đồ mả và thức ăn để cho các cô hồn sử dụng, đừng bao giờ quay lại phá phách xóm làng.

Năm nay tại ấp Nhơn Lộc I, thị trấn Phong Điền và Xóm Chài, phường Hưng Phú, TP Cần Thơ là những nơi tổ chức lễ cầu an long trọng nhất. Địa phương nào có miếu Ông, miếu Bà, miếu Thổ thần… đều có tụng kinh làm lễ cầu an, múa lân, múa bóng rỗi và thả bè thủy lục nhằm tống khứ tất cả những điều xúi quẩy, bệnh tật ra khỏi xóm làng, đồng thời đón nhận những điều may mắn, tốt lành trong những ngày đầu xuân.

Đặc biệt tại khu vực 3, khu vực 9, phường Hưng Phú, không khí diễn ra thật tưng bừng, dưới sông tàu ghe hộ tống chật ních, tiếng trống lân trầm hùng vang dội, trên bờ nhà nhà đều đặt bàn hương án và đốt lửa sáng rực. Các gia chủ vừa cúng lạy vừa rắc muối, gạo vào lửa với ý nghĩa cho âm binh ăn xong rồi đi không quay lại.

< Bà con khiêng bè lên tàu chuẩn bị tiễn đưa ra sông Cái.

Cụ Lê Quang Trinh, 83 tuổi, trưởng ban cúng tế miếu Bà ở khu vực 3, Xóm Chài cho biết từ thuở nhỏ cụ đã tham gia tổ chức lễ tống gió với nhiều hoạt động sôi nổi. Cụ kể bè thủy lục xưa kia làm rất công phu, theo kiểu thuyền rồng, xung quanh trang trí cờ hoa rực rỡ, màu sắc lộng lẫy. Phía trước bè có bố trí các tượng Quan Công, Quan Bình và Châu Xương.

Theo ghe còn có đoàn lân và nhiều ghe xuồng hộ tống, diễu hành trên các sông rạch thật náo nhiệt. Trong ghe có thêm một bè nhỏ làm bằng chuối cây rất xinh xắn dùng chứa đựng các vật tế để cúng cô hồn. Lúc bè thủy lục di chuyển trên sông, tiếng trống lân trầm hùng hòa cùng với tiếng pháo tre, pháo thăng thiên giòn giã khiến mọi người, nhất là bà con đứng dọc theo hai bên bờ sông vô cùng phấn khởi.
Trên đường tống tiễn, bè còn mang theo một thầy pháp đóng vai chúa Ôn để phất cờ ra oai xua đuổi các loại tà ma phá hoại dân lành.

< Đưa bè ra sông Cái vào buổi tối.

Thời ấy, khi bè tiến ra tới vàm sông lớn ban tế lễ mới thả bè nhỏ xuống sông với ước nguyện dòng nước sẽ mang theo tất cả những cái xấu, cái dở. Nếu bè trôi thẳng, trôi nhanh không tấp vào bờ thì đó là hiện tượng “cát tường”, năm mới làm ăn sẽ phát tài, phát lộc.

Theo tín ngưỡng dân gian, những người từng gắn bó với nông nghiệp thì “Đất có thổ công, sông có hà bá” và “Sống khôn thác thiêng”, bởi thế làng nào cũng thờ thần và biết ơn các vị tiền hiền, hậu hiền, những người đã ngày đêm tác động đến cuộc sống an cư lạc nghiệp của dân tình. Trái lại, thiên tai địch họa và những điềm xấu điềm dữ là đối tượng cần phải tiêu trừ.
Do vậy, lễ cầu an hằng năm của bà con là một hành động xuất phát từ nhu cầu tâm linh với khát vọng hòa bình và hạnh phúc ấm no.

Du lịch, GO! - Theo Hoài Vũ (TTO)
3g sáng mới chính thức quyết định người đi, 5g sáng khởi hành với những chiếc xe không thể… kỳ dị hơn cho một chuyến "phượt":  Wave, Attila… Nhưng sự háo hức khám phá Cầu Đất (Lâm Đồng), vùng trồng cà phê Arabica duy nhất tại VN, đã thổi bay lo âu của các chàng trai nhóm Porevol - Mystery Hunting.

< Những ngôi nhà bé nhỏ trong rẫy cà phê ở Cầu Đất.

Lên đường nào!

1. Khởi đầu chuyến đi, thay vì chọn quốc lộ 20, đoàn quyết định “đột phá” bằng cách đi đường Bình Thuận, leo đèo Tà Pứa. Biết đâu sẽ nhanh và dễ dàng hơn?

< Đèo Tà Pứa (ảnh Dulichgo).

Do môtô của một số thành viên bất ngờ bị hư tay côn, thắng không ăn phải thay bằng mấy chiếc xe "kỳ dị" trên nên kết quả sau khi bở hơi tai vượt qua được đèo Tà Pứa với hàng chục khúc cua cùi chỏ ngoắt ngoéo, cực kỳ nguy hiểm, đèo Bảo Lộc và đèo Prenn trở nên hết sức đơn giản với cả đoàn! Thật không biết nên gọi là quyết định sáng suốt hay dại dột?!

Đà Lạt, phố núi sau tết vẫn đông đúc đến mức nghẹt thở. Phòng khách sạn kiếm mãi không có, nhà hàng, quán ăn đông nghịt người. Thế là, thay vì nghỉ một đêm “sang trọng” lấy sức ở Đà Lạt, cả nhóm quyết định ngủ nhà dân và sáng hôm sau thẳng tiến thêm 24km đến khu vực Cầu Đất (Lâm Đồng).


< Các "chiến mã" đã vào đến địa phận Cầu Đất.

Cầu Đất (Lâm Đồng) là địa chỉ khá quen thuộc và đắt giá với dân trong ngành cà phê do đây gần như là vùng đất duy nhất tại VN có thể trồng cà phê Arabica, loại cà phê rất khó trồng, có vị đắng mạnh nhưng cực kỳ thơm và có ít cafein. Chính vì ưu thế này, trên thế giới Arabica được đánh giá cao hơn hẳn giống cà phê Robusta, hiện trồng chủ yếu tại Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum nước ta.

2. Trời lành lạnh, tiếng xe chạy rào rạo bởi sên lâu ngày bị rơ và còn vì một chặng đường quá dài đã qua, đường cũng khá quanh co và khó đi. Tuy nhiên, không ai than vãn lấy một lời, tất cả dường như choáng ngợp bởi vẻ đẹp của rừng thông liên tục lên cao xuống thấp, hòa vào mây phía dưới chân đồi phía xa.


< Trên cao lộng gió.

Hương cà phê lẩn khuất trong từng tán cây, phiến lá ven đường, say đắm như thực như ảo thật sự là một “đặc sản” quá quyến rũ của Cầu Đất…

Cuối cùng thị trấn Cầu Đất cũng đã xuất hiện trước mắt. Một thị trấn đẹp như thơ như tranh. Nhìn ngang, dãy nhà ở phố trung tâm đẹp cổ kính với kiểu kiếu kiến trúc Pháp đã có gần trăm năm tuổi. Ngước lên, chập chùng những ngọn đồi trà, cà phê, bao la như không có điểm dừng, trải dài vô tận về phía chân trời.
Không một bóng khách du lịch, không cả những lời chào mời, cò kéo, Đà Lạt của trăm năm trước dường như đang nằm ngủ yên bình, dịu dàng ở đây…

3. Uống xong ly cà phê Arabica đậm đà, thơm phức trong gió cao nguyên lạnh buốt, không ngừng lại ở thị trấn, chúng tôi quyết định tiến trực tiếp vào khu vực trồng cà phê.

< Bạt ngàn những cánh đồng trà, cà phê.

Đường vào rẫy cà phê nhỏ xíu, chỉ vừa đủ một bánh xe lọt vào. Những cây cà phê gần sát đến mức chỉ đưa tay ra là chạm đến, giống cà phê Arabica trứ danh, một đặc ân thật sự của vùng núi heo hút này.

Tuy nhiên, dù đất đai tốt, khí hậu ưu đãi, đời sống của nông dân trồng cà phê ở đây vẫn còn rất khó khăn. Nằm lọt thỏm giữa rẫy cà phê mênh mông, họ sống trong những căn chòi nhỏ xập xệ, gia đình bốn, năm người chui ra chui vào, quanh năm mở mắt ra chỉ thấy cây cà phê và núi đồi, và bầu trời trên cao. Thế là hết! Nhiều nhà ở khu này, chủ nhà về quê hết cả nhưng nhà thậm chí còn không có khóa hoặc khóa hết sức lỏng lẻo, thờ ơ, thì nhà có gì đâu mà lo, mà giữ.


< Một góc thị trấn Cầu Đất.

Đứng lặng trước những ngôi nhà này, không ai bảo ai đều khá ưu tư. Tiếng là dân ghiền cà phê, thậm chí đã mở quán cà phê nhưng đây mới là lần đầu tiên chúng tôi đến trực tiếp nơi trồng ra cây cà phê, nhìn thấy hạt cà phê còn đọng nguyên sương sớm và nhất là nhìn rõ được đời sống khó khăn của những người nông dân ở đây. Tự nhiên thấy mình cần phải làm cái gì đó có trách nhiệm hơn, không chỉ đơn thuần là mua bán lợi nhuận nữa.

4. Bốn giờ chiều, sương xuống, trời cũng bắt đầu tối dần, đoàn rời Cầu Đất trong sự luyến tiếc. Chưa xa đã nhớ. Nhớ hương cà phê Arabica vương vấn trên vai áo ướt sương, trên bàn tay xoay xoay ly cà phê nhỏ nhắn, ấm sực. Nhớ những ngôi nhà bé nhỏ trên rẻo cao lắt lay gió thổi...
Cà phê ở đây ngon không chỉ nhờ đất tốt, mà hình như còn vì linh hồn hãy còn thô ráp, nguyên sơ rất riêng, rất khác của miền sơn cước này…

Du lịch, GO! - Theo Đoàn Bảo Châu (Dulich.Tuoitre)
Huyện Nà Hang (Tuyên Quang) có 10 di tích lịch sử vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia.

Tại buổi lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch với chủ đề “Hồ trên núi” của huyện Nà Hang nằm trong Tuần Văn hóa - Du lịch "Về với xứ Tuyên" năm 2009 của tỉnh diễn ra đêm 04/10/2009, Đảng bộ và nhân dân huyện Nà Hang đã tổ chức long trọng lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia cho các di tích, gồm: Hang Phia Vài, động Song Long, thác Nặm Me (Khuôn Hà); hang Phia Muồn (Sơn Phú); đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang); chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân khí H52, thắng cảnh Thượng Lâm (Thượng Lâm); Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương, Địa điểm sản xuất diêm tiêu (Năng Khả).

Động Song Long:

Thắng cảnh động Song Long (Khuôn Hà) là một hang động đẹp và và có quy mô khá lớn trong vùng, cách mặt nước hồ thủy điện trên 200m, lòng hang có chiều cao khoảng 40m, rộng khoảng 50m, sâu trên 200m, nhiều cột thạch nhũ với các hình thù kỳ thú, màu sắc lấp lánh như hoa cương, lòng hang được chia thành nhiều ngách ngăn nối tiếp nhau, hấp dẫn khách đến tham quan du lịch.

Hang Phia Vài:

Di tích hang Phia Vài (Khuôn Hà) là di chỉ khảo cổ điển hình, tìm thấy hàng nghìn công cụ lao động có niên đại cùng thời văn hóa Hòa Bình và bộ di cốt người nguyên thủy bán hóa thạch. Những di cốt động vật chủ yếu thuộc tập hợp bán hóa thạch của lớp địa tầng kết vón tầng văn hóa sớm, trong tập hợp di cốt bán hóa thạch có răng người khôn ngoan (Homo sapiens) và đại diện của quần động vật hậu kỳ Cánh tân như đười ươi (Pongo sp). Những di cốt này nằm trong lớp trầm tích có độ kết vón rắn chắc cùng với các di tích động thực vật khác như ốc núi, cua đá, hạt trám là những di vật đặc trưng cho giai đoạn văn hóa có niên đại từ 20.000 đến 11.000 năm cách ngày nay.

Những di cốt động vật bán hóa thạch tìm được ở Phia Vài bổ sung thêm những tư liệu quý để nghiên cứu về cổ môi trường và con người trong giai đoạn chuyển từ Cánh tân sang Toàn tân ở nước ta. Bếp lửa và mộ táng của di chỉ hang Phia Vài đã góp thêm tư liệu quý để tìm hiểu về táng tục, đời sống tinh thần cũng như cấu trúc xã hội của cư dân tiền sử. Bộ di cốt người nguyên thủy chôn nằm co, bó gối với cách khâm liệm độc đáo, táng thức bỏ ốc biển vào hốc mắt người quá cố đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu cổ nhân học tìm được những chứng tích quan trọng về quá trình tiến hóa chủng tộc người, cũng là bộ di cốt điển hình, độc đáo ở Đông Nam Á. Di tích bếp lửa tìm được ở Phia Vài thuộc lớp văn hóa muộn có niên đại khoảng 8.000 năm cách ngày nay, diện tích bếp không lớn, có thể phục vụ việc sưởi ấm hoặc nướng thức ăn cho một nhóm cộng đồng người theo kiểu huyết thống.

Hang Phia Muồn:

Di tích hang Phia Muồn (Sơn Phú) nằm trong khu vực phổ biến là những núi đá phiến sét vôi xen kẽ những núi đất, những dải thung lũng hẹp và những thảm rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn. Phia Muồn là một di chỉ cư trú và là khu mộ táng của cư dân thuộc nhiều giai đoạn tiền sử khác nhau. Địa tầng và di vật khảo cổ học kèm theo cho thấy có 2 mức văn hóa thuộc 2 giai đoạn phát triển hậu kỳ đá mới: Mức sớm chứa những công cụ tiêu biểu kỹ nghệ truyền thống Hòa Bình như rìu ngắn, công cụ hình đĩa, công cụ bầu dục vv...

Sự có mặt của nhiều mảnh tước chứng tỏ người nguyên thủy Phia Muồn đã chế tác công cụ ngay tại di chỉ. Lớp văn hóa sớm thuộc giai đoạn sớm của hậu kỳ đá mới, có niên đại khoảng từ 4.300 - 4.000 năm cách ngày nay. Lớp văn hóa muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí có niên đại từ 4.000 - 3.500 năm cách ngày nay. Hai lớp văn hóa sớm và muộn nằm chồng trực tiếp lên nhau, phát triển liên tục, không có lớp giãn cách.

Táng tục và đồ tùy táng cho thấy, toàn bộ 12 ngôi mộ thuộc hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí là tục chôn người thân ngay trong di chỉ, với một số loại táng thức mới: bên cạnh táng thức truyền thống trước đó, kiểu chôn người chết nằm co, bó gối là táng thức nằm ngửa, duỗi tay chân và kè đá xung quanh.

Những tài liệu ở Phia Muồn đã cung cấp thêm về một loại táng thức cổ mới phát hiện ở Tuyên Quang, đó là tục chôn kè đá vây xung quanh huyệt mộ và rải đá lên thân thể người chết đã hình thành một loại hình văn hóa Hòa Bình thuộc lưu vực sông Gâm, với những sắc thái riêng, tạo nên diện mạo, bản sắc vùng, phản ánh tính đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.

Đền Pác Tạ:

Di tích đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang) là một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1285: vị tướng tài giỏi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật lúc đó đương trấn thủ vùng đất Tuyên Quang đã khôn khéo chỉ huy quân chống giặc từ Vân Nam xuống. Theo những tư liệu lịch sử cho thấy, ngôi đền Pác Tạ được dựng lên bên Gâm giang dưới ngọn Tạ sơn để phụng thờ và ngưỡng vọng vị hôn phu (người vợ sắp cưới) của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.

Hình ảnh về vị hôn phu của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã được người dân nơi đây khoác lên tấm áo truyền thuyết ly kỳ lưu truyền từ đời này qua đời khác. Truyền thuyết kể lại rằng: Trong thời gian trấn thủ vùng đất Tuyên Quang xưa, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã đem lòng ái mộ con gái một viên tù trưởng địa phương. Cô thiếu nữ miền sơn cước tài mạo, xinh đẹp, tính tình hiền thục lại xuất thân trong một gia đình hiếu học. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược Nguyên - Mông, triều đình đứng ra tổ chức hôn lễ cho tướng quân Trần Nhật Duật với ái nữ xứ Tuyên.

Trên đường đón vị hôn phu của Tướng quân họ Trần về kinh đô, qua đây gặp cơn lốc xoáy dữ khiến thuyền bị lật. Người vợ trẻ của Trần Nhật Duật và cả đoàn tùy tùng bị chìm d­ưới dòng sông. Đã mấy ngày trôi qua, mà thân xác bà vẫn chưa được tìm thấy. Cảm thư­ơng trước tình cảnh của bà, triều đình đã ra lệnh cho toàn dân đôi bờ sông Gâm tổ chức tìm vớt thi thể bà và trọng thưởng cho ai tìm thấy. Khi đó có ng­ười trong dòng họ Ma đã vớt được thi thể bà. Để t­ưởng nhớ người vợ trẻ của Chiêu Văn v­ương Trần Nhật Duật, những ngư­ời dân địa phư­ơng đã lập đền thờ ngay tại nơi bà quy thác. Và dòng họ Ma đư­ợc quyền chăm lo hương khói cửa đền từ đó.

Chùa Phúc Lâm:

Di tích chùa Phúc Lâm (Thượng Lâm) được khởi dựng trong lịch sử đương đại thời nhà Trần lựa chọn Phật giáo làm hệ tư tưởng chính thống (hay còn gọi là Quốc giáo), đây là ý thức hệ làm cơ sở để triều đình phong kiến xây dựng đường lối trị nước của mình. Chính vì vậy, vào thời kỳ này, rất nhiều chùa tháp đã được dựng lên. Khác với các ngôi chùa thời Lý trước đây thường do triều đình xây dựng với quy mô lớn (đại danh lam), do các hoàng hậu, phi tần xây dựng (trung danh lam) và do các nhà sư cùng nhân dân xây dựng (tiểu danh lam).

Sang thời Trần, chùa chủ yếu do nhân dân quyên góp công sức, tiền của xây dựng (hay còn gọi là chùa làng) để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Qua nghiên cứu các di vật lịch sử hiện còn lưu giữ tại chùa, như tảng kê chân cột bằng đá xanh, mảng trang trí vật liệu kiến trúc bằng đất nung, bình đồ kiến trúc của ngôi chùa xưa, các mảnh tháp đất nung cùng hệ thống tượng thờ độc dáo... cho phép khẳng định, ngôi chùa Phúc Lâm mang phong cách kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc từ thời Trần (thế kỷ XIII – XIV) và trải qua nhiều thời kỳ tồn tại cho tới các giai đoạn sau này.

Cơ quan ấn loát đặc biệt Trung Ương:

Di tích Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương (Năng Khả): Ngày 7-10-1947, giặc Pháp ồ ạt tấn công lên Việt Bắc hòng triệt phá cơ quan đầu não kháng chiến và các cơ sở kháng chiến của ta. Chúng nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn, tiến công thành hai gọng kìm chiếm đánh thị xã Tuyên Quang, đánh lên Bản Thi (Chiêm Hóa) và dò tìm, triệt phá cơ sở in bạc Việt Nam và đầu não kháng chiến của ta. Nắm bắt trước ý đồ của thực dân Pháp xâm lược, công nhân Cơ quan Ấn loát đã được lệnh đánh sập nhà xưởng, ngụy trang máy móc và di chuyển số tiền đã được sản xuất trị giá 20 triệu đồng lên cất giấu tại hang Nà Thẳm và hang Nà Bó, thôn Nà Chác, xã Năng Khả (Nà Hang). Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức in tiền đầu tiên của nhà nước cách mạng Việt Nam.

Thắng cảnh Thượng Lâm:

Di tích Xưởng Quân khí H52 (Thượng Lâm) và địa điểm sản xuất diêm tiêu (Năng Khả) là 2 cơ sở trọng yếu khai thác và sản xuất diêm tiêu phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn từ năm 1950 đến 1954, nơi có vị trí bảo đảm bí mật, an toàn, là nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất diêm tiêu thô và than củi (hai nguyên liệu chính để sản xuất thuốc súng).

Xưởng Quân khí H52 do đồng chí Ngô Gia Khảm làm giám đốc, chuyên sản xuất diêm tiêu làm thuốc súng (còn gọi là thuốc đen) đã đáp ứng một phần chế tạo vũ khí như lựu đạn, mìn, thuốc phóng, dây cháy chậm, pháo hiệu phục vụ chiến trường.

Thác Nặm Me:

Thắng cảnh thác Nặm Me (Khuôn Hà) là một con thác lớn tiêu biểu trong vùng, có chiều dài khoảng 4.000m, cao trên 200m so với mặt nước biển với 15 tầng thác lớn, xen giữa các tầng thác lớn là những tầng thác nhỏ với lưu lượng nước khá đều quanh năm.

Thác có bề mặt rộng và thoáng, nước chảy bốn mùa len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và dãy núi đá vôi trùng điệp, cây rừng cổ thụ mang đặc trưng các loại gỗ quý hiếm vùng nhiệt đới, liền kề với mặt hồ thủy điện Tuyên Quang tạo nên phong cảnh đẹp và hấp dẫn.

Du lịch, GO! - Theo CTTĐT Tuyên Quang, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống