Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Thursday 8 September 2011

Không còn cảnh đầu lân Trung Quốc được bày bán tràn lan như mọi năm. Lân Huế đã có chỗ đứng chững chạc trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Sự kiên nhẫn, khéo léo của người thợ đã thổi hồn qua từng đường nét khiến những chú lân trở nên oai vệ, dũng mãnh nhưng cũng thật gần gũi.

Chững chạc lân Huế

Từ xưa, lân đã được xem là biểu tượng cho sự thái bình, thịnh trị. Thời Nguyễn, múa lân là loại hình nghệ thuật chỉ xuất hiện trong những ngày lễ trọng đại của triều đình như mừng thọ vua, thái hậu và đón tiếp sứ thần... Giờ đây, các cơ quan, đơn vị, những người làm ăn khá giả sẵn sàng mời các đội lân ở những câu lạc bộ lớn nhỏ trong thành phố về biểu diễn trong những ngày hiếu hỉ nhằm chúc phúc cho gia chủ.

Trung thu, ít cảnh những chú lân nhí xuống đường tràn lan như mọi năm, song nhà nhà vẫn muốn mua cho con chiếc đầu lân để chúng tự chơi với nhau trong dịp trăng rằm. Chỉ chừng ấy lý do cũng khiến người người đến tận lò để đặt đầu lân theo ý thích.

Chủ cơ sở làm đầu lân Cao Thắng quả quyết, giờ đây họ có thể sống được với nghề truyền thống khi thị trường không chỉ quanh quẩn ở Huế mà lân Huế đã có thương hiệu để vươn xa ra các tỉnh trong Nam ngoài Bắc.

Không chỉ đợi đến tết Trung thu, các cơ sở tiêu thụ từ 700 đến 1.000 đầu lân lớn nhỏ mà ngày thường người mua cũng lai rai quanh năm. Một tháng, cơ sở Cao Thắng tiêu thụ được vài ba chục đầu nên vẫn duy trì và sống với nghề mà họ yêu thích. Hơn nữa, làm đầu lân không mất nhiều vốn, miễn là sản phẩm phải bắt mắt, chất lượng bền, tinh xảo là nhiều đội lân ở các câu lạc bộ tìm đến dài dài.

Múa lân Huế và múa lân Trung Hoa có nhiều điểm tương đồng song múa lân Huế thường biểu diễn thấp, tấn bộ khoan thai, đĩnh đạc mang cái cốt cách sang trọng và quyền uy của vương triều.

Múa lân Huế mạnh về tuồng tích nên giàu cảm xúc. Vì thế, những người thợ làm đầu lân cũng phải nắm bắt được điều này và biến hóa sao cho phù hợp với ngữ cảnh theo yêu cầu của khách hàng.

Học làm đầu lân không khó, chỉ cần mất 6 tháng là có thể tự tay làm được một đầu lân đơn giản. Để có một chú lân ưng ý, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn kỳ công, tỷ mỉ. Cũng tùy cách múa của người chơi lân (múa dưới đất hoặc múa trên giàn) nên kỹ thuật mỗi con lân phải được làm sao cho phù hợp.

Trước tiên, là giai đoạn tạc khuôn. Khuôn phải được làm từ xi măng, đúc nguyên khối rồi làm mịn. Có được khuôn rồi, người làm phải dùng giấy xay nhuyễn trộn với hồ dán trát lên.
Tiếp đến, dùng dao xẻ đầu lân ra khỏi khuôn rồi dùng keo dán lại chỗ bị xẻ. Người thợ tiếp tục lấy đầu lân gắn “bộ xương” bằng tre cho cứng cáp rồi dán nguội thêm một lần nữa.

Giai đoạn tiếp theo sẽ phun lót sơn U90, tiếp tục phủ bằng sơn Bạch Tuyết. Muốn có một chiếc đầu lân nhẹ để người múa nâng lên đặt xuống đỡ vất vả đòi hỏi cái tâm của người thợ khi phải phơi thô đầu lân thật khô.

Còn để có một đầu lân đẹp, bắt mắt cũng cần đến khiếu thẩm mỹ của người đảm nhận vai trò tạo dáng cho lân. Nghĩa là, từ việc nhỏ nhất là pha màu cho đến việc vẽ hoa văn trang trí.

Những người am hiểu về nghệ thuật múa lân cho rằng, chỉ cần nhìn vào mắt con lân sẽ đánh giá được tài nghệ của người thợ. Một chú lân đẹp phải thể hiện được cái hồn trong đôi mắt, nhất là thần thái oai vệ, dũng mãnh nhưng cũng phải gần gũi.

Giữ nghề truyền thống

Khi đến với các cơ sở làm đầu lân trong thành phố, ít người phải về tay không khi người lớn cũng mê, trẻ em thì tít mắt trước những sản phẩm đẹp mắt bày la liệt. Các cơ sở có ít nhất hàng chục mẫu đầu lân với đủ sắc màu, kích cỡ, từ lân đại, lân trung, lân thiếu, lân nhi và lân tiểu, thượng đế tha hồ chọn lựa.

Cứ bình bình thì mỗi đầu lân cỡ vừa vừa, người thợ làm trong vòng hai ngày. Song nếu là những người gắn bó với nghề làm lân đến vài chục năm, một ngày có thể làm 2 cái. Những chú lân dành cho các tuổi từ thiếu nhi đến thiếu niên có người chỉ trong vòng một ngày đã hoàn thiện từ 7 đến 10 đầu.

Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng từ độ giêng hai, các cơ sở làm đầu lân đã tính đến chuyện bắt tay vào làm các công đoạn để kịp tháng 8 xuất hàng. Giá cả cũng khá phong phú và được xem là “mềm” khi đầu lân nhỏ thì độ chừng 40-50 ngàn đồng, còn đầu lân kích cỡ lớn có giá từ 300-500 ngàn đồng.

Anh Nguyễn Hữu Quyết, một trong những thành viên của câu lạc bộ múa lân trong thành phố cho biết: Dẫu thị trường vẫn bày bán lân nhựa rẻ tiền của Trung Quốc nhưng chúng tôi rất thận trọng. Nguyên liệu sản xuất lân Trung Quốc không rõ ràng, biết đâu lại có nhiều chất ảnh hưởng đến sức khoẻ. Thế nên, cứ chọn lân Huế mà múa, cũng có thể điều chỉnh một vài chi tiết trên đầu lân cho phù hợp mà giá cả lại phải chăng.

Nhiều cơ sở làm đầu lân trong thành phố có thâm niên trên 20 năm với nghề song vẫn ngại nói về cơ sở mình vì sợ “múa rìu qua mắt thợ”. Bởi người thầy của họ là ông Đoàn Văn Trai, chủ của cơ sở làm đầu lân Thu Đông đang phát triển rất mạnh trong thành phố.

Ông Trai được mệnh danh là “đệ nhất lân sư” ở Huế bởi sự tài hoa, sáng tạo trong từng tác phẩm sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Cụ Đoàn Văn Hiến, thân sinh của ông là một trong những người đầu tiên ở Huế biết làm đầu lân.

Nhớ về tuổi thơ của mình được chơi múa lân rồi lại sống với nghề suốt 50 năm nay, ông Trai bùi ngùi: “Hồi nớ, cứ đến trung thu là chúng tôi rủ nhau dán giấy vào thùng, vào cái rổ rồi say sưa nhảy múa. Thấy con thích chơi lân, ba tôi đã mày mò những cách làm lân cơ bản của Trung Quốc…Vừa làm ông vừa ghi chép để rút kinh nghiệm, khoảng sau đó một thời gian, đầu lân mới thành hình nhưng còn rất đơn giản”.

Sau khi cụ Hiến qua đời, ông Trai tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện chiếc đầu lân và dần dần thương hiệu đầu lân Thu Đông đã được mọi người biết đến. Kể cả các đại lý lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đặt cơ sở ông làm đầu lân với số lượng lớn khiến lắm lúc “cháy hàng”. Với vẻ đĩnh đạc cần có của người thợ gắn đời mình với nghề truyền thống, cơ sở ông không chạy theo số lượng. Lúc nào ông cũng thẩm định chất lượng, mẫu mã trước khi xuất xưởng.

Bí quyết để đầu lân Huế có chỗ đứng trên thị trường được ông truyền cho học trò rất đơn giản: “Nghề gì cũng cần có niềm đam mê, yêu thích thì mới có sáng tạo. Đầu lân chỉ đẹp khi người làm ra nó có cái tâm và sự kiên nhẫn”.

Một ngày đến các lò làm lân mới hiểu rằng nghề gì cũng cần phải có duyên nợ. Những người như ông Trai có thâm niên đến 50 năm quyết không bỏ nghề đã đành nhưng những thế hệ học trò mà ông truyền bí quyết cũng nhất nhất sống chết với lân. Họ đều có chung tâm nguyện giữ gìn nghề truyền thống để tuổi thơ của trẻ em được hưởng những cái Tết trung thu có ý nghĩa khi có sự xuất hiện của những chú lân hiền lành, chất phác.

Du lịch, GO! - Theo báo Nguoilaodong, internet

1 comment:

  1. Thấy múa lân là thấy vui, tinh thần của lân mà
    vietnam motorbike tours Loop Bike Tours

    ReplyDelete

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống