Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Thursday 6 September 2012


Liệu có một địa ngục trên trần gian này ? Có đấy, đó là vùng Transyvalnia ở Romania, chí ít thì trong phim ảnh. Nếu các bạn để ý thì sẽ thấy rằng vùng Transylvania luôn là nguồn cảm hứng cho các nhà đạo diễn dựng lên những bộ phim hư cấu liên quan đến quỷ quái. Thật vậy, trong rất nhiều bộ phim Hollywood, Transylvania được nhắc đến như một khu rừng nằm tận cùng trái đất, nơi hang ổ của ma cà rồng dracula và người sói. Tóm lại, đây là vùng đất của những lời nguyền từ hàng nghìn năm. Đó là tất cả những gì tôi biết trước khi đặt chân đến vùng đất rộng lớn này. Thế nhưng thực tế thì lại hoàn toàn khác. Ngoại trừ lâu đài Bran, nguồn gốc của truyện tiểu thuyết ma cà rồng thì vùng Transylvania chủ yếu nổi tiếng nhờ giữ được nét truyền thống văn hóa đặc trưng Saxon, một bộ tộc nguồn gốc Đức di cư và phát triển phồn thịnh ở đất Romania vào thời Trung Cổ. Hồi ức sâu đậm nhất mà tôi còn giữ lại mỗi khi nói đến vùng này chính là những khoảnh khắc dong duổi qua những ngôi làng nhỏ, những con đường đậm chất đồng quê, những pháo đài và nhà thờ gần 1000 năm tuổi, tất cả như thể đưa tôi trở về thế kỷ 13, thời điểm đánh dấu sự sinh ra của cái tên « transylvania ».

Đặt chân đến vương quốc của ma cà rồng, rừng thông chính là đặc thù của vùng Transylvania và cũng giải thích nguyên nhân sinh ra cái tên này. Thật vậy, trong tiếng latinh, « sylvania » có nghĩa là rừng còn « trans » có nghĩa là xuyên qua. Nổi tiếng như là vùng rừng thiêng nước độc, Transylvania từ lâu đã là một trở ngại lớn cho bất cứ thế lực quân sự nào muốn vượt qua nó. Ngay từ thời La Mã, quân đội của đế chế gặp rất nhiều khó khăn trong việc quy phục những bộ tộc sống rải rác tại đây vì những cỗ máy chiến đấu La Mã hiện đại không thể chống chọi được với chiến thuật đánh du kích dựa vào lợi thế sông ngòi hiểm trở. Và rồi ngay đến cả quân Ottoman hùng mạnh tung hoành khắp Trung Đông và Nam Âu nhưng cũng phải dừng bước trước ngưỡng cửa Transylvania.

Ngoài khía cạnh địa lý, không thể không nói đến truyền thống văn hóa Saxon (một nhánh của văn hóa Đức) của vùng Transylvania, phát triển từ thế kỷ 13. Thời ấy, một phần lớn lãnh thổ Romania là do người láng giềng Hungary cai trị. Để tránh khỏi sự xâm phạm của người Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Trung Đông, các vị vua Hungary cần phải tạo ra một tấm bình phong bảo vệ biên cương của họ và việc các làng mạc ở vùng Transylvania bây giờ sinh ra là một điều tất yếu. Do dân số quá thưa thớt, vua Hungary khuyến khích người dân thuộc dân tộc Saxon ở lưu vực sông Rhin (nay là biên giới giữa Pháp và Đức) di cư và chuyển đến sống ở Romania. Thành phần chính của dòng người di cư này là thợ thủ công, nông dân và thương gia và tất cả đều nói tiếng Đức cổ. Và để đáp lại, hoàng gia Hungary ban cho người dân nơi đây rất nhiều đặc ân đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế.  Nhờ vậy, cộng đồng Saxon phát triển mạnh mẽ và tạo nên một chỗ đứng vững chắc trong lòng nước Romania.

Do phần lớn người dân đều định cư dưới chân dãy núi Carpate, các làng mạc Saxon luôn là điểm tấn công ưa thích của quân Ottoman. Do không có sẵn tiềm năng tài chính để xây dựng chiến hào quy mô lớn như những gia đình quý tộc Châu Âu vẫn thường làm, người dân các làng mạc ở Transvylvania chỉ có thể xây dựng chiến hào cỡ nhỏ bao bọc xung quanh nhà thờ và những kho lương thực cho phép họ có thể cố thủ trong thời gian dài. Cấu trúc phòng thủ làng mạc kiểu này được đồng bộ hóa ở khắp nơi trong vùng Transvylvania trong suốt thời gian từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16. Đây là quãng thời gian tương ứng với hàng loạt các đợt xâm chiếm của người tatar đến từ Mông Cổ và ottoman đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, có thể nói vùng Transylvania thời Trung Cổ là một hệ thống các làng mạc nằm khá gần nhau và được trang bị một hệ thống phòng thủ thô sơ để cùng nhau chống lại sự xâm lược của các thế lực đến từ phía đông (Mông Cổ&Thổ Nhĩ Kỳ).  Nhưng theo dòng thời gian, phần lớn làng mạc hoặc bị bỏ hoang hoặc bị phá hủy. Theo các nhà sử học, vào đầu năm 1600 thì có khoảng hơn 300 làng mạc phòng thủ và cho đến nay chỉ còn tồn tại khoảng gần một chục làng mạc kiểu này và 7 trong số đó được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Do có rất nhiều làng mạc nằm rải rác, khắp nơi trong vùng Transylvania, việc thăm hết tất cả là không thể và tôi chỉ có thể lựa chọn một trục hành trình sao cho hợp lý để có thể thăm được những ngôi làng tiêu biểu nhất.

Tại vùng Transylvania, người dân địa phường thường nói đến bộ ba thị trấn : Brasov, Sibiu, và Sighisoara như là những chốt chặn phân rõ ranh giới giữa vùng Transylvania và thế giới bên ngoài. Ngay từ thời trung cổ, đã có sự giao lưu vận chuyển rất nhộn nhịp giữa 3 thị trấn này dẫn đến việc phát triển các trục đường chính mà tuyến đường tàu hỏa ngày nay đều sử dụng lại. Nhờ đó mà tôi không gặp mấy khó khăn trong việc di chuyển bằng tàu hoặc ôtô để đến được một trong 3 thành phố này.

 Lại nói đến hệ thống tàu hỏa ở Romania, tôi khám phá được nhiều điều thú vị nơi đây khi nhận thấy rằng tàu của họ có rất nhiều dạng, từ loại trên 100km/h đến loại chỉ có 30km/h. Tôi chủ ý chọn loại thông dụng nhất và cũng là loại rẻ nhất. Tàu này thì không khác gì mấy so với tàu của Việt Nam, đậu hết tất cả các bến. Thêm nữa, cửa các khoang hầu như không đóng và hành khách có thể nhảy lên nhảy xuống như thể người ta đang đi xe buýt 2 tầng vậy!

Bộ ba Sighisoara/Brasov/Sibiu tạo thành hình tam giác trên bản đồ địa lý, giúp tôi dễ dàng thiết kế lịch trình du lịch của mình. Từ Paris,  tôi dùng hàng không giá rẻ bay thẳng đến thành phố Timisoara rồi từ đó bắt tàu hỏa địa phương đi Sighisoara rồi từ đây đi theo chiều kim đồng hồ Sighisoara//Brasov/Sibiu trong vòng 1 tuần và điều đó giúp tôi khám phá vùng Transylvania một cách kỹ càng và tiết kiệm được thời gian.

Cánh cửa dẫn tôi vào xứ sở Saxon là thị trấn Sibiu, được mệnh danh là « thủ đô của cộng đồng người Đức ở Romania » và cũng được coi như một trong những thành phố mang tính Châu Âu nhất Romania. Nói vậy thì hóa ra những thành phố còn lại không phải Châu Âu hay nói cách khác phần lớn Romania không phải Châu Âu ? Nghe cũng lạ tai vì mặt địa lý thì rõ ràng Romania là một quốc gia Châu Âu cơ mà. Thực ra cái này hoàn toàn là một cách đánh giá mang tính chủ quan của những du khách đến từ Tây Âu. Trong con mắt họ, Romania từ lâu là một quốc gia nghèo nàn, lại chịu nhiều thế kỷ đô hộ của người Ottoman đến từ trung đông, là hang ổ của bọn dân du mục Roms (hay zigan) và hiếm có những thành phố mang dòng kiến trúc quý tộc như Tây Âu (phục hưng, roccoco, barốc). Có lẽ chính vì nét kiến trúc barốc của phần lớn các tòa nhà tại thành phố Sibiu mà người ta mới gọi đây là thành phố mang tính Châu Âu.  Lại nói đến kiến trúc nơi đây, tôi ngẫu nhiên thuê phòng tại một hostel mà bà chủ cũng là một kiến trúc sư chuyên về lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc của thành phố Sibiu. Vốn dĩ là một người yêu thích nghệ thuật kiến trúc, chúng tôi tìm được điểm chung rất nhanh chóng và ngay lập tức bà chủ nhà đã coi tôi như một người bạn và chúng tôi trao đổi rất nhiều về lĩnh vực này.

 Tôi thực sự lấy làm tiếc vì ở Việt Nam ta không có nhiều kiến trúc sư chuyên về trùng tu, nếu không muốn nói là thiếu thảm hại. Cũng phải thôi, cái nghề này mà sống ở Việt Nam thì có mà ăn cám, đi thiết kế nhà cửa thì ăn tiền hơn nhiều. Có lẽ vì thế mà chính phủ ta buộc phải xin tiền viện trợ cũng như thuê chuyên gia nước ngoài về để giúp trùng tu các di sản kiến trúc trong nước : Cửa Bắc của kinh thành Thăng Long là do Ba Lan giúp, phế tích Mỹ Sơn do Ý giúp, nhà cổ Hội An do Nhật giúp, kinh thành Huế một phần so Pháp giúp…

Bà chủ nhà thậm chí còn dẫn tôi vào thăm văn phòng làm việc của bà ta với hàng loạt bản vẽ chi tiết liên quan đến quy hoạch và dự án trùng tu các dãy nhà cổ của Sibiu. Qua đó, tôi được biết sơ qua về phương pháp và văn hóa làm việc của người Romania trong lĩnh vực này, cũng khá giống với nhiều nơi khác ở Châu Âu. Cuộc nói chuyện về kiến trúc của Sibiu giúp cho cuộc khám phá thị trấn của ngày hôm sau có ý nghĩa hơn.

Vùng Transylvania rất sẵn gỗ thông nên nhà dân ai cũng dùng gỗ là chủ đạo giống như phòng ăn của bà chủ hostel Sibiu
 Tại Sibiu, những vết tích trung cổ vẫn có nhưng không nhiều bằng di sản của nét kiến trúc ba rốc. Khắp nơi, tôi thấy rất nhiều con đường hẹp có phủ vòm và dẫn đến sảnh sân. Những cánh cửa lớn bằng gỗ chặn con đường này lại và cách biệt với thế giới bên ngoài. Đây là những nét đặc trưng của lối kiến trúc thời kỳ toàn bộ Romania còn là lãnh thổ của đế chế Áo-Hung thế kỷ 18-19.

lúc tôi đến Sibiu, toàn bộ nền đá của quảng trường chính vừa được tu sửa nên trông bộ mặt thị trấn khá là mới
đường dẫn kiểu này tôi gặp khá nhiều ở Sibiu. Xưa kia, đây là cổng vào dành cho xe ngựa và phía sau cổng sắt là một sảnh lớn dùng để tổ chức các buổi đón tiếp dành cho giới thượng lưu. Ngày nay, nhiều tòa nhà trở thành trung tâm hành chính nên cấm người ngoài vào
tại một số khu phố, tôi thấy khung cảnh khá giống phố cổ Hà Nội. Thật vậy, tường sơn gam màu nóng công thêm cửa chớp và hàng cột điện có dây rợ lằng nhằng đặc chất Pháp thuộc
Sibiu là một trong số hiếm thị trấn của Romania còn giữ được khá nguyên vẹn toàn bộ quần thể kiến trúc cổ mà không bị chế độ xã hội chủ nghĩa bổ sung những tòa nhà theo kiến trúc Liên Xô cũ. Và từ khi Sibiu được bầu là thủ đô Châu Âu năm 2007, liên minh Châu Âu đã đầu tư một số tiền khổng lồ để bảo tồn các tòa nhà cổ.

Để có thể tìm thấy những vết tích của kiến trúc trung cổ, phải đi xa hơn trung tâm một chút thì mới thấy được lớp tường thành bao bọc thị trấn. Sibiu với vị thế là một trong 3 chân kiềng của vùng Transylvania nên hệ thống tường thành được gia công kiên cố hơn nhiều so với các ngôi làng văn hóa saxon xung quanh. Có tất cả là 39 chòi canh cao tầm 50m bao vây xung quanh để chống lại sự xâm lược của người Thổ.


Sibiu là nơi ta dễ có cơ hội tìm kiếm những ngôi làng Saxon trung cổ rải rác xung quanh trong bán kính 15km. Vì thế, tôi lấy Sibiu làm đại bản doanh và từ đó thuê xe đạp đi khám phá xung quanh. Điều may mắn là tôi tìm được một văn phòng du lịch có địa bàn ở cả 3 thành phố Sibiu, Sighisoara và Brasov. Vì thế, tôi có thể thuê xe nhiều ngày từ một văn phòng ở Sibiu rồi trả xe tại một văn phòng khác ở Sighisoara mà không cần phải quay lại Sibiu. Thực ra, không phải tôi là người tự tìm thấy xe đạp vì trên internet cũng như ở các cẩm nang du lịch có rất ít thông tin. Tôi phải nhờ đến bà chủ nhà hostel tốt tính ở Sibiu thì mới có được những thông tin hữu ích.

Làng Dealu Frumos là nơi đầu tiên tôi đến, chỉ cách Sibiu khoảng 9km. Làng Dealu Frumos, trong tiếng Romania có nghĩa là « ngọn đồi tuyệt đẹp » sinh ra ngay từ thế kỷ 12. Những di tích còn lại tại đây cho phép ta mường tượng được cuộc sống rất nhiều biến động của người dân nơi đây, lúc thì chiến tranh, lúc thì hòa bình. Ban đầu chỉ là một ngôi làng đơn giản với những ngôi nhà dân xây quanh một nhà thờ.

 Nhưng với sự tấn công thường trực của người Tatar đến từ Mông Cổ, người dân buộc phải xây dựng hệ thống tường thành thậm chí là bố sung thêm chòi canh kiên cố để chống lại đạn pháo xuất hiện vào thế kỷ 15. Trong thời bình, làng Dealu Frumos phát triển dân số nên được mở rộng hơn với nhiều tòa nhà mang tính dân sự. Nhưng do xen kẽ với những đợt tấn công của giặc, họ cũng cho xây kèm theo các chòi canh phục vụ cho phòng thủ.

 Nếu như đa phần các quần thể kiến trúc đặc trưng Saxon Transylvania (nhà thờ + hệ thống phòng thủ) có nguy cơ rơi vào quên lãng và xuống cấp trầm trọng thì làng Dealu Frumos may mắn được sự quan tâm đầu tư của trường đại học kiến trúc và quy hoạch đô thị địa phương. Nhờ đó, hệ thống phòng thủ ở đây có lẽ là một trong những nơi được trùng tu tốt nhất Romania

Làng tiếp theo là Mosna, tọa lạc trong một thung lũng cùng tên. Theo sử sách, làng này sinh ra vào năm 1283 nhưng nhà thờ chính thì được xây dựng vào thế kỷ 15 và người dân ngay lập tức trang bị xung quanh hệ thống tường thành phòng thủ cao 9m với 5 chòi canh. Hiện nay, hai trong số 5 chòi canh này được chuyển thành viện bảo tàng. Trong thời bình, các chòi canh kiêm luôn chức năng là kho chứa lương thực đặc biệt là thịt lợn và nước đá. Vậy nước đá này lấy ở đâu ? Vào mùa đông, khi con sông bên cạnh bị đóng băng, người dân ra đó cắt thành các tảng đá lớn rồi cất giữ sâu trong hầm dưới chân các chòi canh, nơi có nhiệt độ thoáng mát đủ để tránh đá bị chảy thành nước trong mùa hè.

Những vết tích trung cổ còn lại của lang Mosna được bảo quản khá tốt do làng này nằm lệch so với các trục đường giao thông. Việc thăm được làng Mosna không dễ như thôi nghĩ vì muốn trèo lên đỉnh các chòi canh để có cái nhìn toàn cảnh làng thì phải có ai đó mở chìa khóa. Khổ nỗi làng này không phải là một địa danh nổi tiếng nên chẳng mấy khi có ai ở đây để phục vụ khách du lịch. Nhưng cũng may là bà chủ nhà hostel tốt bụng ở Sibiu ngoài việc tư vấn giúp tôi tìm xe đạp cũng giúp luôn việc liên lạc trước với người cầm chìa khoá ở Mosna, một vị linh mục cao tuổi. Cảm giác ban đầu của tôi khá là ngại ngùng khi phải đến xin nhờ vị linh mục này mở chìa khóa vào thăm nhà thờ và các chòi canh nhưng ông ta có vẻ rất vui tính và tốt bụng. Tại một cái làng hẻo lánh này, việc bắt gặp một Việt balô hay đơn thuần một du khách Châu Á không phải là chuyện xảy ra hàng ngày và vị linh mục rất đỗi tò mò không hiểu tại sao tôi lại lặn lội đường xa đến đây trong khi đến Sibiu hay Sighisoara thì dễ dàng và có nhiều thứ để xem hơn.

Vị linh mục này đạt một trình độ tiếng Anh cực tốt và tôi luôn tự hỏi ông ta học ở đâu khi mà xung quanh nơi đây không có trường học. Có lẽ chẳng mấy khi có dịp đón tiếp du khách nước ngoài nên ông ta rất hãnh diện giải thích cho tôi nghe nhiều điều thú vị về đời sống của người dân nơi đây. Điều quan trọng nhất mà tôi học được từ cuộc nói chuyện này là lịch sử phát triển của cộng đồng người dân gốc Saxon trong thời kỳ những năm 1960-1990 khi mà Romania còn sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, rất nhiều người dân gốc Saxon vượt biên sang Tây Đức để thoát khỏi sự kìm hãm vài thập kỷ của chế độ xã hội chủ nghĩa. Và thế là rất nhiều làng mạc ở vùng Transylvania này bị bỏ hoang, số lượng người dân Saxon của Romania giảm đáng kể dẫn đến tình trạng nét văn hóa Saxon của quốc gia này có phần mai một. Và thay vào đó, những công dân nguồn gốc du mục Zitan (hay Roms) hoặc mua lại hoặc đơn thuần chiếm lại nhà bỏ hoang và chuyển đến sống ở vùng này. Điều đó giải thích vì sao mang tiếng là các làng văn hóa Saxon, số lượng người dân Zitan lại chiếm phần đông.

Valea Viilor nhìn từ một sườn đồi
Tiếp theo là làng Valea Viilor, cũng được liệt vào danh sách 7 làng văn hóa saxon được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tôi không dành quá nhiều thời gian ở khu làng này, chỉ tập trung vào nhà thờ, điểm sáng nhất ở đây. Tháp canh phòng thủ của nhà thờ này có kích cỡ khá ấn tượng với 4 tầng.

như cái từ Transylvania nói, khắp nơi là rừng nên hầu như bất cứ một ngôi làng nào ở đây đều gần một thung lũng xanh tươi
như dòng chữ "705 ani" ghi trên tường, nhà thờ này có 700 năm tuổi. Điều đó ít nhiều chứng minh thâm niên của làng Valea Viilor
làng Biertan nhìn từ một đỉnh đồi trông rất giống một ngôi làng trồng nho của vùng Bourgogne (Pháp) nơi tôi sống trong vòng 2 năm
Ngôi làng cuối cùng tôi thăm trong ngày là Biertan. Biertan là một trong số hiếm làng mạc mà cộng đồng người dân gốc Saxon vẫn còn văn ôn võ luyện ngôn ngữ Đức cổ của họ. Thậm chí, họ sử dụng ngôn ngữ rất gần với tiếng Luxembourg (quốc gia nằm giữa Bỉ và Pháp) bới vào thế kỷ 13, tổ tiên họ cũng từ quốc gia này lặn lội đến Romania khai hoang. Biertan cũng là một trong những ngôi làng saxon đầu tiên thiết kế theo kiểu nhà thờ + hệ thống phòng thủ xung quanh, tạo tiền đề cho hàng chục ngôi làng khác.  

 Sau một ngày đạp xe mệt nhoài, tôi ngủ qua đêm tại thành phố Sighisoara, chân kiềng thứ hai của vùng Transylvania. Tại thị trấn này, tôi không ở hostel như ở Sibiu, mà lại quyết định ở nhà dân. Đây là một loại hình du lịch cực kỳ phổ biến ở Romania và người Châu Âu gọi là agritourism. Các gia đình ở vùng này chủ yếu sống bằng nghề nông. Vào những mùa không phải thu hoạch và để tăng thêm thu nhập, họ sửa sang một gian phòng ngay tại nhà mình và biến nó thành một kiểu nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi ngay giữa lòng vùng đồng quê lãng mạn. Du khách đến đây ngoài việc được giao lưu với gia đình thì họ còn có thể tham gia vào các hoạt động nông nghiệp cùng gia đình để hiểu rõ hơn về đời sống nông thôn Romania. Tôi thăm  Romania vào dịp hạ điểm nên cũng chẳng có dịp tham gia hoạt động nông nghiệp nhưng cái cảm giác ở nhà dân thực sự là rất thú vị. Tôi có một cuộc nói chuyện khá lâu với gia đình chủ nhà và chúng tôi xoay quanh chủ đề những người zigan. Các bạn có thể đọc rõ hơn qua bài viết «người Zigan, của nợ của Romania ».


Sighisoara ! Đến được đây thì có thể coi như tôi đang ở trái tim của vùng Transylvania. Thị trấn này luôn được coi như ví dụ điển hình nhất cho lối kiến trúc trung cổ của Romania. Và đây cũng là nơi sinh ra Vlad Tepes, vị vua bạo chúa thường bị liên tưởng đên nhân vật ma cà rồng trong tiểu thuyết của Bram Stoker. Tuy nhiên, trái với hình tượng vị bá tước khát máu dracula, Vlad Tepes được ví như anh hùng dân tộc Romania vì nhờ ông ta mà quốc gia này thoát khỏi sự xâm lăng của người Thổ Nhĩ Kỳ. 
Sighisoara là thi trấn duy nhất giữ được gần như nguyên vẹn nét kiến trúc trung cổ đặc biệt là hệ thống đường mòn lát gach như thế này
để bảo tồn gạch lát, trung tâm của sighisoara chỉ dành cho người đi bộ và cấm xe cơ giới
 Và nếu như ông ta thực sự tàn nhẫn thì cũng chỉ ở phương diện tra tấn và hành hình dã man kẻ thù. Tại Sighisoara, mọi thứ đều liên quan đến dracula đặc biệt là các món quà lưu niệm với khẩu hiệu kiểu như : « tôi đã gặp dracula đêm qua. Hãy đến gần hơn và tôi sẽ kể cho mà nghe ».

Dracula mời vào nhà hàng ăn
Những ngôi nhà nơi đây vẫn mang kiểu dáng kiến trúc trung cổ xen lẫn với những ngôi nhà theo dòng barốc với nhiều gam màu sơn tường. Cái này thì không có gì đột biến sau khi đã thăm Sibiu. 
chỉ một phần ngôi nhà cổ của Sighisoara là được sự chăm sóc của chính phủ. Phần lớn các ngôi nhà không được xếp hạng rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Người dân nơi đây không đủ tiền sơn sửa lại tường nhà và nhiều người sống trông chờ vào bán đồ lưu niệm
trái với gạch lát đường, tường nhà thì chịu ảnh hưởng của thời tiết, dễ bị chóc lở hơn. Vào thời điểm tôi thăm Sighisoara, rất nhiều ngôi nhà đang trong tình trạng tu sửa, còn nhiều ngôi nhà khác thì để mặc số phận cho mưa gió
nằm tọa lạc trên một ngọn đồi, muốn đi lên pháo đài Sighisoara phải đi len theo các con đường mòn lát đá đậm chất trung cổ. Con đường này dẫn tôi đên tháp chuông đồng hồ, biểu tượng của Sighisoara
Với mục đích xây hệ thống phòng thủ, một số đường dẫn thậm chí còn được kiên cố thêm mái lợp để tránh cung tên bán lạc vào
Rải rác đây đó là các tháp canh hoặc đường thành kiêm đường nối giữa các chòi canh có mái lợp
Phần lớn chòi canh không cho phép du khách lên trên vì tình trạng xuống cấp không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do Sighisoara nằm trên đỉnh đồi nên chỉ cần lên đường mép tường thành là tôi có thể có được cái nhìn toàn cảnh thị trấn. Trong một ngày nửa nắng nửa mưa, quần thể nhà cổ xuống cấp khiến tôi có cảm giác rơi vào thành phố của những ngôi nhà bị bỏ hoang. Và trong đầu tôi lại nhớ về bộ phim Dracula, trong một đêm giông bão ở một tòa biệt thự bỏ hoang như kiểu này
Điểm sáng nhất của Sighisoara là bảo tàng lịch sử nằm bên trong tháp chuông. Phía bên trong, cách trưng bày các hiện vật tạo cảm giác bạo lực và có chất gì đó hoang dại giống như trong lời kể của truyện tiểu thuyết dracula.  Cũng có lý vì những hiện vật này khơi lại cuộc sống của thị trấn Sighisoara thời trung cổ, thời kỳ mà chỉ có chiến tranh, bệnh dịch và chết chóc. Rồi trưng bày cả cách bố trí bàn ăn dự tiệc của giới thượng lưu, có cái gì đó rất giống bàn tiệc của dracula.


Điều đó làm tôi liên tưởng đến bài hát every body của ban nhạc Backstreet Boys. Hệ thống pháo đài Sighisoara rất nhỏ nên chỉ trong 2 tiếng là coi như tôi thăm hết tất cả mọi thứ. Về mặt kiến trúc mà nói thì nó cũng không có nhiều đột biến so với các điểm mà tôi đã thăm, vẫn những tháp canh với nguyên liệu xây dựng bằng gỗ, đất nện và đá.


 Từ Sighisoara, tôi tiếp tục đạp xe đến Brasov và phải nói rằng đoạn đường nối giữa hai thị trấn này là quãng đường đồng quê tôi thích nhất. Tôi như được sống trong thế giới của bộ phim « ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên » với con đường mòn hai bên là những con đồi xanh bát ngát, thỉnh thoảng đây đó lại gặp những người nông dân chăn bò và những ngôi nhà mái ngói đỏ nằm hẻo lánh.


Làng Saschiz tiếp tục chuỗi các làng văn hóa saxon mà tôi chọn khám phá. Làng Saschiz có phần khác so với các làng khác bởi nó sở hữu tháp đồng hồ khá đồ sộ. Một ngôi làng thông thường thì rất hiếm khi mới có thể đủ tiềm năng tài chính để xây được một công trình kiến trúc như vậy.

Lịch sử đã chứng minh rằng làng Saschiz xưa kia luôn là kình địch với Sighisoara để phấn đấu trở thành thủ đô của vùng Transylvania. Vì lẽ đó mà giới tăng lữ của Saschiz cho xây một tháp chuông phải ngang đẳng cấp với Sighisoara. Điều đó giải thích tại sao tháp chuông này có phần giống với Sighisoara.

Không giống như cái hôm rời Sibiu, do đã thăm được khá nhiều làng văn hóa saxon với kiểu dáng rưa rứa giống nhau, tôi không hùng hục thăm nhiều được như trước nữa. Sau khi rời làng Saschiz, tôi tập trụng dành thời gian đi du ngoạn ngắm cảnh đồng quê và thăm nốt một ngôi làng cuối cùng của ngày : Viscri.

 Đây là một ví dụ điển hình cho mô hình trùng tu một ngôi làng cổ. Tại đây là trụ sở của tổ chức Mihai Eminescu Trust, một quỹ tài chợ do Romania và Anh tạo nên nhằm mục đích sửa sang các ngôi nhà cổ. Việc có được sự hậu thuẫn của tổi chức này là cực kỳ quý báu bơi Viscri hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Chỉ có một con đường mòn duy nhất dẫn đến làng và chất lượng kém đến mức một chiếc ô tô địa hình cũng chỉ có thể chạy ở tốc độ 15km/h.

 Khi tôi bước chân vào ngôi làng, mùi sơn mới thoang thoảng đâu đó nhưng điều đó không giấu được sự thật là nhiều ngôi nhà đang xuống cấp trầm trọng vì người dân quá nghèo không đủ tiền để tu sửa. Mặc dù là ngôi làng văn hóa saxon, những người dân thực sự gốc saxon thì chỉ còn lại 34 người trên tổng số khoảng 400 dân làng. Không ai nghĩ rằng vào năm 1930 nơi đây có đến 562 người gốc saxon. 

Viscri đáp ứng đúng mong đợi của tôi ở một ngôi làng trung cổ đặc trưng Châu Âu thời thô sơ. Tôi nói thô sơ bởi hồi ấy một hệ thống phòng thủ đơn giản chỉ được xây trên một ụ đất cao, người dân lấy gỗ và đất nung là chủ yếu. Nói chung là không thể có những tảng đá để xây những pháo đài đồ sộ được.
toàn cảnh thiên nhiên nhìn từ tháp canh của Viscri
 Thật may mắn là một số tổ chức quốc tế đã quan tâm quyên góp tiền giúp đỡ dân làng, trong đó có thái tử Charle của Anh. Bản thân ông này cũng mua lại một ngôi nhà ở làng Viscri và cho phép người dân địa phương trùng tu nó thành một guest house. Ở đây có khoảng 10 hộ gia đình phát triển loại hình dịch vụ guest house và nhờ đó, tôi có dịp nghỉ đêm tại đây.

Guesthouse ở vùng này được thiết kế theo đúng nội thất cổ của thế kỷ 17-18. Tôi đặc biệt ấn tượng với kiểu giường ngủ. Cái ngăn đựng chăn gối trông giống như ngăn tủ ly. Thành giường thì rất cao, tôi phải è cổ trèo lên
Cũng giống như Sibiu, Brasov là một trong 3 chân kiềng của vùng Transylvania và được vây quanh bởi hệ thống các làng văn hóa Saxon vệ tinh. Gần nhất là làng Prejmer cách Brasov khoảng 17km, được liệt vào danh sách 7 làng mạc được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Sử sách ghi rõ rằng vua Hungary ban chiếu chỉ quyết định thành lập làng Prejmer vào năm 1240.

Cấu trúc làng này về mặt cơ bản cũng tuân theo quy luật xây dựng của vùng này : một nhà thờ rồi vây quanh là hệ thống phòng thủ hỗ trợ. Thuy nhiên, nét riêng của Prejmer là bức tường hình lỏng chảo sân vận động vây hãm cung quanh. Bức tường này kiêm luôn cả nhà ở cho dân với 272 căn phòng và người ta nói rằng con số này tương ứng với số lượng hộ gia đình sinh sống ở đây trong thời gian xây dựng nhà thờ.

 Không phải ngẫu nhiên mà cấu trúc làng Prejmer lại có kiểu hình thù thế này vì đây là tấm bình phong thường xuyên bị quân Ottoman đến tấn công. Bức tường bảo vệ cao đến 12m và dầy khoảng 4m. Tường được hỗ trợ bởi hệ thống lô cốt, cửa sắt, kênh hào. Thêm nữa, cứ 5m thì lại có một lỗ châu mai cho phép bắn cung nỏ hoặc đại bác ra ngoài. Điều này làm tăng hiệu quả phòng thủ của Prejmer.

Một ngôi làng văn hóa Saxon cuối cùng tôi thăm mang tên Barcut, nằm trên đường từ Brasov đến Faragas về phía tây. Sinh ra vào thế kỷ 14, những gì mà ta nhìn thấy ngày nay hoàn toàn được xây dựng lại vào cuối thế kỷ 19. Điều đó được thể hiện rất rõ qua nét kiến trúc nhà dân với mái ngói lợp, cửa chớp và tường sơn màu mè, rưa rứa giống những ngôi nhà Pháp cổ ở Hà Nội.  

 Mặc dù cũng thuộc chuỗi các ngôi làng Saxon của Transylvania, Marcut không hề được nhắc đến trong các quyển cẩm nang du lịch. Tôi biết đến nó là nhờ lời giới thiệu của cô chủ nhà trọ hostel ở Brasov. Theo tôi, có lẽ đây là một trong những ngôi làng hẻo lánh nhất Romania. Muốn đến được đây, phải quẹo từ đường chính và đi theo một con đường mòn đất nện dài khoảng 7km, qua một khu rừng khá rậm rạp nơi có nhiều thú hoang sống : chó hoang, chó sói, gấu…Và chưa hết, phương tiện công cộng duy nhất là xe buýt nhưng bến xe gần nhất thì cũng nằm ở một ngôi làng cách Barcut khoảng 14km. Bởi thế, để có thê đến được bến xe này từ làng Barcut, người dân làng phải mong chờ vào lòng hảo tâm của những người lái ôtô qua đây và cho đi nhờ xe. Và tất nhiên, những cơ hội như vậy thì không phải lúc nào cũng có ở cái nơi khỉ ho cò gáy này. Cách biệt hầu như hoàn toàn với thế giới bên ngoài, có lẽ không ngoa khi nói rằng làng Barcut đang chết dần chết mòn từng ngày. Có thể thấy rõ những ngôi nhà cổ đang xuống cấp nghiêm trọng, cũng giống như người dân nơi đây đang sống héo mòn. Chủ yếu là người già, không có mấy trường học vì thế hệ trẻ thì cũng chẳng ở đây làm gì, họ đi nơi khác kiếm kế sinh nhai. Tạt qua khu làng này, tôi như chìm vào một khung cảnh tuyệt vọng và buồn rầu nhưng có lẽ chẳng thể nào khác được và nếu so sánh với những ngôi làng cổ ở Việt Nam thì chắc cũng chẳng khá khẩm hơn gì.



Categories:

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống