Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Thursday, 1 September 2011

Gò Quao là huyện có đông đồng bào Khmer và nhiều món ăn của người dân nơi đây chế biến rất ngon, trong đó có món bún cà chơi.

Ở Sóc Ven, xã Định An (Gò Quao), bún cà chơi là món bún mắm dân dã do bà con Khmer sáng tạo, được xem là “đệ nhất bún”, với mùi thơm ngon rất riêng, rất độc đáo, hương vị nồng nàn đến lạ. Chị Thị Cẩm Hồng, bán bún cà chơi lâu năm ở chợ Sóc Ven cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, quê tôi đã có món bún cà chơi. Tôi rất thích hương vị bún, nhất là ngày mưa, ăn vào có thể giải cảm. Tôi chọn nghề nấu bún mắm cà chơi vì muốn đem món ngon dân tộc mình giới thiệu với mọi người”.

Cách nấu bún cà chơi khá cầu kỳ, phải thật chú ý khi nấu mới tạo được hương vị đặc trưng. Khâu chọn mắm nấu nước dùng rất quan trọng, phải chọn loại mắm chất lượng được làm từ cá đồng.

Con mắm ủ phải chín, thịt hồng, không nát, vẫn giữ mùi cá thơm ngon quyện với mùi thính ngào ngạt. Sau đó, chọn những con cá lóc đồng loại lớn, thịt chắc, đem nấu nước dùng. Cá lóc phải nấu vừa chín tới, không nát. Sau đó, vớt cá ra loại bỏ xương, chọn lấy thịt.

Để nồi nước dùng thêm thơm ngon, cần thả mắm vào nồi súp nấu cá lóc trước đó, thả và ninh từ từ mắm trong nồi nước dùng đang nghi ngút khói. Trong khi chờ nồi mắm sôi, thận trọng vớt từng đám bọt để nước dùng được trong. Chi tiết khá quan trọng là, sau khi vớt mắm ra lược bỏ xương thì cho hỗn hợp gồm củ ngải và sả băm nhuyễn phi cùng hành, tỏi thơm lừng vào nồi nước dùng. Lúc này nước bún có màu rất đẹp do mắm mang lại.

Người Khmer còn gọi củ ngải là củ cà chơi. Củ cà chơi nhỏ, thon dài bằng đầu ngón tay, có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sức đề kháng cơ thể, nhất là có tác dụng giải cảm. Bà con Khmer vẫn lưu truyền câu chuyện cảm động về củ cà chơi: “Xưa, có vợ chồng trẻ người Khmer sống hạnh phúc trong một khu rừng. Hàng ngày, người chồng trồng trọt và vào rừng đốn củi nuôi vợ con. Người vợ thương chồng làm lụng vất vả, luôn chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ của chồng chu đáo. Do lao động quá vất vả, một lần gặp phải cơn mưa lớn, người chồng bị cảm nặng. Người vợ rất đau lòng, lặn lội khắp nơi tìm thuốc chữa bệnh cho chồng.

Nghe mọi người chỉ dẫn, cô vào rừng đào củ cà chơi đem về băm nhỏ nấu canh cho chồng uống. Thật kỳ lạ, người chồng uống canh xong, hết bệnh và thêm yêu thương vợ”. Về sau, người Khmer thường dùng củ cà chơi nấu với mắm chan vào bún, ăn kèm cá lóc, thịt heo ba rọi. Củ cà chơi cho vào nồi nước dùng vừa bổ dưỡng, vừa giúp món ăn thêm đậm đà. Với người Khmer, món bún cà chơi còn nhắc nhở con cháu ngày sau biết quý trọng nghĩa tình.

Bún cà chơi sẽ kém ngon nếu thiếu những phụ kiện hấp dẫn. Ngoài thịt ba rọi cũng có thể ăn kèm chả cá, thịt heo quay… để mùi vị bún thêm đậm đà. Rau dùng góp phần quan trọng trong món bún này. Thêm một ít rau muống bào sợi, bắp chuối non, hẹ, vài cọng rau thơm cho dĩa rau thêm màu sắc thì không gì ngon bằng. Chị Thị Thu Hiền (Sóc Ven) cười tươi bên tô bún thơm lừng: “Tôi rất thích ăn bún cà chơi. Bún rất ngon. Tôi đang học cách làm bún cà chơi để nấu cho người thân của mình thưởng thức”.

Bún cà chơi rất dễ ăn, thích hợp mọi khẩu vị khác nhau và giá cũng “mềm”, chỉ 10.000 đồng/tô, có bán rất nhiều ở chợ Sóc Ven. Quán ăn của chị Cẩm Hồng luôn đông khách, nhưng món bún cà chơi vẫn được khách lựa chọn nhiều nhất, bởi đến Sóc Ven, thực khách thường “khoái” bún cà chơi, dù quán có bán thêm nhiều món bún khác. Chị Cẩm Hồng chia sẻ: “Tôi mong có thêm người bán bún như tôi để món bún ý nghĩa này được nhiều người biết đến và trở thành thương hiệu riêng của quê tôi”.

Du lịch, GO! - Theo Chorachgia, internet

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống