Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Ẩm thực địa phương. Show all posts
Showing posts with label Ẩm thực địa phương. Show all posts

Wednesday, 1 May 2013

Trao trảo là một loài chim thuộc họ chào mào, còn có tên hoành hoạch (hay quành quạch). Trao trảo biết hót, nhưng tiếng hót không mấy thanh tao, sang trọng, đài các như các “nàng” sơn ca, hoàng oanh, họa mi... nên chúng chẳng mấy khi được người chơi chim cho ở trong “lầu son gác tía”, thi đấu tưng bừng như các nàng ca sĩ có “sao” vừa nêu.

Trao trảo là loài chim được người ta liệt vào loài “phá họai vườn cây ăn trái” vì chúng rất thích ăn những trái chín treo lủng lẳng trên các cành cây đang trĩu quả, tỏa mùi thơm quyến rũ, như xoài, nhãn, sa-pô-chê, thanh long...



Đặc biệt trao trảo rất thích ăn những trái lá cách chín tím bầm. Dù vậy, để săn bắt chúng, người ta không giăng lưới, móc câu hay một phương cách nào khác, ngoài việc dùng cái giọng hót đặc trưng của con trao trảo mồi để quyến dụ chúng. Nếu trúng, một bữa người ta có cả chục con trao trảo mê nghe “ca hát” mà sa vào chốn hiểm nguy.

Chốn hiểm nguy ấy là bàn tay của những ông bợm nhậu, của những bà chủ quán lão luyện việc bếp núc. Như cái quán ở ấp Chông Nô 3 (xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè), được xem là vườn cây trái của tỉnh Trà Vinh. Cái quán ấy có tên “Cháo dơi” (dơi sen) nhưng người dân địa phương đặt cái tên dân dã là quán “Côn trùng”. Gọi như vậy vì ngoài việc bán các thức ăn pha chế từ dơi sen, trao trảo, quán còn bán những món ăn từ dế cơm, bọ rầy, đuông đất.

Toàn là đặc sản, nên ngoài việc thu hút dân bản xứ, quán còn hấp dẫn những người sành ăn từ khắp nơi đến thưởng thức. Riêng trao trảo, lâu lâu quán mới có vài chục con, nên muốn thưởng thức, khách địa phương cũng phải “a lô” đặt trước. Còn khách phương xa may mắn lắm mới có dịp nếm thử. Tại đây, quán chỉ có mỗi một món duy nhất làm từ trao trảo là chiên giòn.

Chủ quán là một người phụ nữ Khmer lai Hoa, trắng trẻo, mập mạp, tiết lộ "bí quyết" món trao trảo chiên giòn. Chẳng khó khăn gì: Trao trảo sau khi nhổ sạch lông, gọi là “làm lông”, được móc bỏ nội tạng, rửa sạch để ráo. Sau đó, ướp chúng với một số gia vị, như muối, tiêu, bột ngọt, bột nêm, đường, tỏi vừa ăn, để thấm chừng mười phút. Bắc chảo lên bếp lửa, chảo khô, đổ nhiều dầu vào. Dầu sôi, gắp từng con trao trảo thả vào.

Trong chốc lát, những con chim lớn  hơn chim sẻ một chút ấy, từ màu trắng ngà đã trở thành màu vàng sậm, bắt mắt. Hấp dẫn hơn là từ trong chảo dầu sôi sùng sục ấy tỏa ra một mùi thơm “điếc mũi” của những con trao trảo chín đều. Vậy là gắp chúng ra, sắp đầymặt dĩa, dọn ra bàn. Bên cạnh dĩa trao trảo là một dĩa đầy ắp rau xanh, gồm húng, húng lủi, quế và những miếng dưa leo non choẹt gọi mời cùng một chén ớt sừng xắt lát bên cạnh mấy miếng chanh chờ sẵn.

Phục vụ cho mồi màng thêm phong phú, đủ chuẩn là hai loại thức chấm: một chén nhỏ nước mắm me, một chén nhỏ muối tiêu. Ai ăn thức chấm nào thì cho ớt vào đó. Riêng muối tiêu thì phải vắt miếng chanh để có vị chua thấm lưỡi.

Vậy là thực khách cầm đũa, gắp một con trao trảo chấm vào thức chấm mình ưa thích trước khi cho lên miệng cắn, nhai. Ôi chao! Giòn rụm, hương thơm quyện với vị mặn ngọt chua cay, quá đã! Rồi miếng dưa leo, những lá rau xanh mơn mởn hòa điệu trong miệng như một bản "hợp xướng" ẩm thực. Càng “tê người” hơn khi chiêu một ngụm rượu gạo đục ngầu chánh gốc Cầu Kè, cay, nóng nhưng nhẹ hều, phiêu phiêu như gió thổi giồng tre xào xạc bên hè. Khoái sướng làm sao. Càng khoái hơn khi anh em bù khú bảo nhau rằng nhậu trao trảo chiên giòn là tích cực bảo vệ trái cây của nông dân cực khổ xứ nầy.

Du lịch, GO! - Theo Phương Kiều (TBKTSG Online) + internet

Tuesday, 30 April 2013

Xôi đen có độ dẻo ngon của gạo nếp, hương thơm thoang thoảng từ nhựa lá sau sau đang độ đâm chồi nảy lộc, thường được ngươi dân tộc Nùng làm mỗi năm đến tết Thanh Minh.

< Sau khi ngâm gạo nếp với nhựa của lá sau sau.

Thời tiết bắt đầu ấm dần, trên rừng, những cây sau sau lan tỏa hương thơm, thứ mùi hương rất đỗi thân quen với người dân tộc. Cây sau sau vươn cao, lá thường có 3 cánh hoặc 5 cánh, theo kinh nghiệm của người dân thì lá sau sau 5 cánh khi làm xôi sẽ có hương vị ngon hơn.

< Cây sau sau như thế này.

Cây sau sau mọc trên rừng, không phải ở đâu cũng có, phải mất thời gian và công sức mới gom đủ lá để nấu xôi. Người ta vác cả bao lá về nhà rồi nhặt ra những lá bánh tẻ thơm phức, chọn những chiếc lá đủ tiêu chuẩn để xôi có màu đen đẹp mắt.

Lá được băm nhỏ, giã đều tay rồi ngâm nước để ra nhựa, sau đó lấy gạo nếp ngâm với dung dịch nhựa sau sau khoảng 10 tiếng đồng hồ, phải đảm bảo sau đó gạo có màu xanh thẫm.

< Xôi chín có màu đen nhánh, nếu trộn với xôi nghệ hay xôi gấc sẽ tạo ra màu sắc hấp dẫn.

Trong quá trình nấu xôi, có thể cho thêm chút nước cốt dừa để hương vị đậm đà, nhưng không nên cho nhiều quá vì có thể át mất mùi hương đặc trưng của lá sau sau.

Khi xới xôi ra đĩa, xôi phải có màu đen nhánh, ăn một miếng xôi có thể cảm nhận mùi thơm của lá rừng. Người dân tộc thường lấy lá sau sau vào tháng 3 để làm xôi, họ cho biết hái lá sau sau vào tháng 3 là ngon nhất.

Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet

Sunday, 28 April 2013

Chẳng biết từ đâu miếng đất nhỏ trồng cây kiểng sau nhà tôi bỗng xuất hiện một loại dây có lá màu xanh hình lục giác, chúng phát triển rất nhanh, quấn quanh mấy cây mai, kim quýt, bò lan lên cả hàng rào gần đó.

< Dây bình bát có lá hình lục giác và trái màu đỏ rất bắt mắt.

Vài tháng sau, cây ra hoa có 5 cánh màu trắng, kết trái non màu xanh tương tự trái dưa leo nhỏ. Và lúc trái già, chín có màu đỏ. Tôi định chặt bỏ đi cho quang đãng nhưng chị láng giềng bên cạnh can và cho biết đó là bình bát dây, lá và đọt non nấu canh ăn được.
Tôi hơi hoài nghi khi nghe chị nói, vì từ trước đến giờ chưa từng biết tên cũng như công dụng của loại dây leo này. Tò mò, muốn khám phá ẩm thực dân dã, tôi hỏi chị cách nấu canh với loại lá lạ này.

Theo chị, đọt và lá bình bát non nấu canh với thịt, tôm, cua, cá… đều ngon, ngọt. Nhưng được các bà nội trợ miệt vườn miền Tây ưa chuộng nhất vẫn là canh cua đồng bình bát.

Cua đồng bắt được hoặc mua ở chợ đổ vào xô. Cho nước lạnh vào ngập xâm xấp, dùng đũa đảo nhiều lần và xả nước cho sạch đất. Đập vài cục nước đá cho vào để cua chìm vào giấc ngủ đông, quên kẹp. Dùng tay bắt từng con tách mai, yếm, miệng bỏ đi và cho cua vào cối đá giã nhuyễn với muối. Sau đó đổ nước lạnh vào cua đã giã và dùng đũa sơ cho thịt cua hòa tan vào nước.

Dùng vợt lược lấy nước thịt cua vài lần cho tới khi thấy nước trong thì thôi. Đem nước thịt cua cho vào nồi đun lửa riu riu. Dùng vá sơ nhẹ tay, hớt bọt cho đến khi từng mảng riêu cua nổi lên là chín.

Bình bát dây (còn gọi bình bát dại) là loại dây leo, lá ăn được. Tên khoa học là Coccinia grandis (L) Voigt, thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Dân gian thường dùng củ bình bát dây để ngâm rượu bóp chỗ sưng đau hay viêm khớp. Trái bình bát dây sắc uống trị tiểu đường…

Lá và đọt bình bát dây mới hái vào rửa sạch, để ráo cho vào nồi riêu cua. Chờ nước sôi bùng lên, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Cho hành lá xắt nhuyễn vào và nhắc xuống ngay, không để lâu bởi lá bình bát mềm thì mất ngon. Nhớ thêm một chén nước mắm ngon nguyên chất với vài trái ớt hiểm chín là xong!

Gắp đũa lá bình bát dây kèm miếng riêu cua chấm chút nước mắm cho vào miệng nhai sẽ cảm nhận được vị mềm, giòn, ngọt thanh và hương vị đặc trưng, không thể lẫn vào đâu được… Thêm một chén cơm nóng có chan vài muỗng nước canh vào nữa thì chán cơm cỡ nào cũng ăn được nhiều.

Ý định chặt bỏ dây bình bát không còn và kể từ đó để có món canh thanh nhiệt trong ngày hè nóng bức, tôi chỉ cần mang rổ ra sau nhà hái vài nắm lá bình bát nấu chung với những nguyên liệu khác sẵn có là có ngay tô canh ngon ngọt, đậm đà hương vị quê nhà.

Du lịch, GO! - Theo Thanh Tâm (Du lịch Tuổi Trẻ), internet

Friday, 26 April 2013

Nghe tới cái tên có lẽ ai cũng hình dung ra nguyên liệu của bánh, thế nhưng ít ai biết được đó là một loại bánh đặc trưng cho văn hóa ẩm thực của người dân tộc Tày - Cao Bằng. Bánh trứng kiến (tiếng Tày là Péng Lăng Lay) được làm từ trứng kiến, lá vả (bẩu ngóa) và bột gạo nếp là món ăn độc đáo của người Tày ở vùng núi Tây Bắc.

Dân tộc Tày sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mỗi dịp lễ hội đều có các món ăn đặc trưng, như dịp Tết Nguyên Đán có bánh khảo, bánh bỏng, tết Đắp Nọi (tết hết tháng Giêng) có bánh dày, dịp Tết Thanh Minh có bánh trứng kiến, dịp Rằm tháng 7 âm lich có bánh chuối....

< Trứng kiến có màu trắng sữa, lớn hơn hột gạo, thường chỉ có vào dịp tháng 3 đến tháng 5 âm lịch.

Các loại bánh kể trên, có thể làm vào mùa nào cũng được, duy chỉ có bánh trứng kiến chỉ có thể làm được vào tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Nguyên do vì nguyên liệu độc đáo là trứng kiến chỉ có vào mùa này.

Mùa trứng kiến ở Cao Bằng bắt đầu từ tháng ba âm lịch và kéo dài trong vòng 1, 2 tháng. Thông thường mỗi tổ trứng kiến to bằng cái mũ cũng chỉ đãi được từ 1 đến 2 lạng trứng. Không phải trứng kiến nào cũng có thể ăn được nên người tìm kiếm phải có những cách riêng để phân biệt. Kiến cho trứng lành thường cắn không đau và không độc như các loài kiến khác.

< Trứng kiến được trộn với thịt bằm, lạc rang, vừng... để làm nhân bánh.

Người Tày chỉ lấy trứng của loại kiến đen mà họ thường gọi là tua rày, kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn. Loại kiến này đi lại khá nhanh và thường làm ổ trên cây vầu, cây xoan, cây quế, cây găng.

Tổ của chúng màu đen, hình tròn hoặc hình bầu dục được làm từ lá cây mục và kết chặt vào những cành cây. Để tìm được một tổ kiến ngon và nhiều chất dinh dưỡng phải lựa chọn tổ có lớp màng trắng liên kết các lá bọc bên ngoài, khi nào lớp màng trắng phủ đều ngoài lá thì trứng kiến bên trong sẽ rất nhiều và ở độ căng tròn mọng sữa.

Tùy vào kích thước của từng tổ mà số lượng trứng kiến nhiều hay ít, có tổ lấy được một bát, nhưng có tổ lớn lấy được ba, bốn bát. Trứng kiến lớn bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, được mang về để chế biến thành nhân bánh. Một chiếc bánh ngon phải có nhân là trứng kiến nguyên chất, chỉ cần hành phi thêm chút mỡ và muối không trộn thêm các nguyên liệu khác. Tuy nhiên, trứng kiến ngày càng hạn chế nên bà con đã cho thêm thịt lợn băm nhỏ, hành khô, vừng hay lạc rang giã nhỏ làm nhân cùng với các gia vị khác tạo vị mặn cho bánh.

Không sử dụng lá chuối hay lá dong, bánh trứng kiến chỉ sử dụng lá vả hay lá sung để gói bánh. Tháng ba cũng là mùa cây vả, cây sung mọc lá non. Thiên nhiên cũng khéo sắp đặt khi mùa lá vả trùng với mùa trứng kiến để tạo nên một loại bánh đặc trưng mang lại giá trị văn hóa cho đồng bào Tày - bánh trứng kiến.

< Bánh được làm bằng bột nếp, gói trong lá vả và đem hấp chín.

Để làm bánh trứng kiến phải chọn loại lá vả nhỏ bởi lá thơm và mềm hơn lá to. Chọn loại lá bánh tẻ, không non quá cũng không quá già. Nếu lá non khi bóc sẽ rất khó, còn nếu lá già bánh sẽ không đủ thơm và sẽ cứng.

Gạo nếp sau khi ngâm được xay mịn, được đăng khô. Tiếp đến nhồi bột mịn, chia thành các phần đều nhau. Cho nhân trứng kiến vào giữa bánh, vo tròn lại để nhân bánh không bị chảy ra ngoài. Lá vả bỏ phần cuống và gân lá, gói bên ngoài bánh. Xếp bánh vào khay hấp, khoảng 30 – 45 phút là bánh chín.

Khi bánh đã chín đem ra để nguội rồi dùng kéo cắt ra từng miếng vuông vừa phải. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả và béo ngậy của trứng kiến.

Ngồi quanh bếp lửa hồng, hương thơm của mùi bánh chín như thúc giục khiến ai cũng nóng lòng chờ thưởng thức. Du khách lên Cao Bằng có dịp đi “đánh kiến” với đồng bào Tày đừng nên bỏ qua món bánh trứng kiến thơm ngon này. Tuy vậy, đây là một loại bánh rất khó ăn nên có một số người sẽ bị dị ứng nhẹ nếu không quen.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Dulich Tuoitre, VnExpress

Wednesday, 24 April 2013

Tại Quảng Nam, trái mít ngoài để ăn chín còn được dùng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như mít non luộc xắt phay chấm mắm ruốc, mắm cái hoặc làm gỏi mít; mít già xắt phơi khô để ghế (xáo) cơm; mít chín ngào gói trong mo cau cất nơi gác bếp là thứ “kẹo dẻo” khiến trẻ con luôn mê mẩn.

Đặc biệt, món mít hông là món ăn tuy dân dã nhưng cực kỳ hấp dẫn mà khi nói tới, người viết đã nghe nước bọt “râm ran” trong miệng.
Nghe nói ở thành phố Tam Kỳ có mấy quán bán mít hông rất hấp dẫn nên chúng tôi hăm hở “đánh” xe máy đi gần 60km để được thưởng thức.

Quán mít hông nằm khiêm nhường ở số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng. Trên dĩa mít hông còn có đậu phụng (lạc) rang giã giập, dừa nạo, dầu phụng đã phi thơm…
Ăn lúc nóng, múi mít hông ngọt ngào bốc hơi thơm lừng nơi mũi, hoà quyện lan toả của các vị ngọt, béo, bùi… đáng nhớ làm sao.

Chủ quán là anh Nguyễn Văn Kế (46 tuổi) vừa cho chúng tôi xem nồi hấp vừa cho biết cách chế biến: chọn những trái mít già “khú đế” hoặc trở tiếng (gần chín), lấy dao xắt chuối gọt vỏ, lấy lá chuối khô chùi mủ sạch sẽ, rồi xẻ trái mít ra làm nhiều miếng, cắt cùi, tách múi.

Lúc này, những múi mít già có màu vàng ngà trông rất bắt mắt. Sau đó, dùng dao rạch từng múi mít để bóc lấy hạt và lớp vỏ lụa ra ngoài. Nhân bỏ trong múi mít có thể làm bằng đậu xanh hoặc hạt mít luộc chín rồi đổ ra rổ rá cho nguội.

Dùng dao xếp lột vỏ lụa của từng hạt mít. Đem hạt mít này cho vào cối xay nát, sau đó lấy muỗng múc ra thau và dùng đũa bếp đánh cho tơi ra. Bấy giờ mới trộn các loại gia vị như tiêu bột, mì chính, muối hầm, rau ngò tàu... với tỷ lệ ước lượng theo kinh nghiệm từng người. Công đoạn này có tính chất quyết định phẩm chất của món mít hông.

Sau khi trộn cho các loại gia vị thấm đều, lấy xoong đổ dầu phụng (lạc) phi hành tỏi cho thơm rồi cho nhân vào xào khoảng năm phút thì được. Nhân nguội, dùng muỗng xúc cho vào từng múi mít. Công đoạn cuối cùng là sắp xếp những múi mít vào xửng và hong cách thuỷ chừng ba mươi phút cho chín. Khi sắp mít hông vào đĩa, nhà quán thường rắc lên trên đậu phụng (lạc) rang giã giập, dừa nạo, dầu phụng đã phi thơm…

Anh Kế còn cho biết, mít già anh mua mỗi ký là 11.000 đồng, trung bình mỗi trái mít già cho chế biến từ 20 – 30 dĩa mít hông, giá bán mỗi dĩa khoảng 10.000 đồng. Ngày thường trung bình mỗi ngày anh bán khoảng 5 – 6 trái; ngày lễ, tết bán khoảng 8 – 10 trái. Người ăn đa phần là học sinh, sinh viên từ khắp vùng miền đều ghiền món này.

Ngày nay, đời sống kinh tế của cư dân xứ Quảng cũng khá dần lên, cảnh những nồi cơm ghế mít thơm lừng, những nồi mít hông thơm ngào ngạt do bà mẹ quê chế biến cũng đã mất dần trong sự ra đi của những người già về bên kia thế giới. Cho nên, anh Kế cho hay, hai quán bán mít hông này chỉ có duy nhất ở thành phố Tam Kỳ, và có thể là cả nước.

Du lịch, GO! - Theo Hòa Vang (TuoitreQuangnam), internet

Tuesday, 23 April 2013

Được biết đến là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt…với những nền văn hóa đa dạng. Vì thế mà những món ăn của An Giang đều mang đậm bản sắc riêng.

Gỏi sầu đâu

Cây sầu đâu còn gọi là cây xoan ăn gỏi, một loài cây mọc hoang, nhiều nhất ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi - An Giang. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lúc còn non, đọt có màu tim tím.
Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời.

Chính vị mặn nồng của mắm hòa hợp với vị đăng đắng, hậu ngọt của lá sầu đâu sẽ làm cho vị giác lâng lâng khó tả, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu. Nhưng thực đơn nổi tiếng nhất ở An Giang xưa nay vẫn là món gỏi sầu đâu. Từ gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng tuyệt hảo.

Trước hết phải chọn cho được những đọt non kèm với bông. Khô cá lóc sau khi nướng chín, xé ra từng miếng nhỏ rồi trộn chung với đọt sầu đâu. Bí quyết của món gỏi này là phải trộn với nước me chua (dùng me chín ngâm trong nước ấm cho tan), thêm chút đường, ớt cho thấm độ 10 phút. Nước chấm cũng là thứ nước mắm me đậm đặc, cay, chua nhưng vừa ăn, không mặn, nhằm làm tăng thêm hương vị đậm đà.

Ai thích cầu kỳ và sang trọng hơn có thể trộn với tôm sú và thịt ba rọi xắt mỏng, kèm thêm dưa leo hoặc xoài chua bằm nhỏ sẽ hết chỗ chê. Món này mà có thêm chai rượu nếp nhất định buổi tiệc sẽ hào hứng không thua gì khi đang dùng cao lương mỹ vị.

Vị đắng dìu dịu của sầu đâu và vị mặn, ngọt, dai dai của cá quyện với nhau càng làm cho khẩu vị thăng hoa nhờ mùi đặc trưng, lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào.

Sầu đâu không những là đặc sản của An Giang mà còn là món ăn vị thuốc. Nhiều tài liệu về y dược cho biết trong vỏ, lá, quả và gỗ của cây sầu đâu đều có chất khổ vị tố (chất đắng) có tác dụng chữa giun rất tốt.

Mắm ruột

An Giang nổi tiếng về mắm và mắm ruột là món ăn làm từ ruột cá ngon, trộn với thính gạo lứt để chừng ba tháng. Mắm ngấu chao với đường thốt nốt lên vị rất ngon.

Ruột cá làm mắm phải chọn từ cá to, mập và phải có thêm chùm trứng to vàng. Sau khi moi mổ bụng cá lấy bộ ruột phải thật khéo tay lột bớt lớp mỡ bao quanh, sau cho thứ chất béo này đủ làm tươm bóng miếng mắm mà không gây mùi.

Đây cũng là khâu quyết định đến chất lượng mẻ mắm. Chỉ cần bớt tý mỡ, ruột mắm thiếu độ mướt, nét căng da thẳng thịt. Nhiều mỡ quá, miếng mắm sẽ bị lên dầu, chất lượng kém ngay. Sau đó dùng dao mũi nhọn tách bỏ bớt ruột già, đoạn "chần" bao tử, ruột non cho thật sạch rồi mang ra rửa thật kỹ bằng nước sông, ngâm vào dung dịch muối được pha chế theo công thức gia truyền.

Vài hôm sau khi ruột cá đã "ăn" muối, vớt ra rổ lại đợi ráo đoạn trộn với thính (gạo lứt rang vàng, xay mịn) đổ vào hũ gài vỉ tre thật khít chặt. Sau đó đổ nước mắm ngon loại thượng hảo hạng vào vừa xâm xấp ướt. Chờ khoảng một tháng, thắng đường thốt nốt "chao" mắm, ba tháng sau đã có hũ mắm ruột ngon tuyệt rồi.

Mắm sống ra ăn kèm với rau thơm, ớt "sừng trâu". Người cầu kỳ ham thích đậm đà hương vị thì cho mắm chưng với thịt ba rọi, hột vịt, rắc chút hành tiêu, vài lát gừng xắt mỏng. Người ta thích ăn nóng hôi hổi, thoang thoảng hơi cay của sả ớt thì chọn mắm kho ăn kèm mớ rau đồng xanh mơn mởn.

Xôi phồng chợ Mới

Chợ Mới được phù sa bồi đắp quanh năm nên cây nếp bản địa chất lượng cao, hạt tròn, đẹp. Nếp kết hợp với đậu trồng trên đất rẫy cho ra món xôi dẻo thơm. Đậu và nếp được hấp chín như nấu xôi truyền thống. Sau đó, phụ nữ đất cù lao dùng chày quết nhuyễn hỗn hợp nếp và đậu này lại với nhau.
Càng quết xôi càng dẻo dai, được cho thêm dầu ăn vào để “chống” dính và tạo độ bóng. Xôi ở Chợ Mới sau khi quết được cho vào khay hoặc quấn lại thành cuốn tròn để tiện bảo quản trong tủ lạnh. Khi dùng, khách chỉ cần cắt từng khoanh vừa ăn, chiên với dầu nóng. Xôi chiên có màu vàng ươm, thơm, ăn rất ngon.

Ăn xôi chiên phồng Chợ Mới có thể chấm với tương ớt, xì dầu hoặc ăn không vẫn “bắt”. Khách đến Chợ Mới, cù lao Giêng có thể thưởng thức xôi chiên với gà quay. Gà được nuôi thả vườn nên thịt dai và ngọt, được quay thủ công nên giữ được vị thơm của gà và mùi vị đặc trưng.

Món gà quay ăn với xôi phồng mới nghe đã ngán - nhưng khi thưởng thức tại Chợ Mới này thì có vị khác lạ, làm khách cứ ăn mãi, quên thôi. Nhiều du khách đến đây chỉ yêu cầu luộc gà hoặc quay gà rồi ăn với xôi chiên phồng thay cho bữa ăn chính.

Chợ Mới có nhiều cơ sở làm xôi để phục vụ trước hết cho người dân địa phương. Trong mâm quả đi cưới ở đây hiện vẫn phải có mâm xôi truyền thống. Xôi phồng Kim Hương của bà Hồng Thu ở thị trấn Chợ Mới được nhiều người biết đến không chỉ chế biến ngon miệng mà còn biết cách xây dựng thương hiệu...

Tung lò mò

"Tung lò mò" chính là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang. Là đồng bào theo đạo Hồi, đồng bào người Chăm không ăn thịt lợn mà chỉ ăn thịt bò. Món “tung lò mò” theo ngôn ngữ của người dân nơi đây chính là để chỉ món lạp xưởng làm từ thịt bò.

Từ lâu, người Kinh cũng ưa thích và chế biến món lạp xưởng bò gần giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở phường Núi Sam, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn.

Thịt bò vụn sau khi loại bỏ hết gân và mỡ giắt được xắt miếng, được băm hoặc xay nhỏ sau khi khử mùi bò bằng rượu và gừng. Thịt và mỡ bò phải theo tỷ lệ hai thịt một mỡ và mỡ bò dùng làm lạp xưởng là loại mỡ sa, mỡ chày vừa mỏng, vừa không nặng mùi như mỡ thăn. Sau đó họ trộn đều hỗn hợp thịt với hạt tiêu, tỏi, bột ngọt, đường cùng một vài loại gia vị bí truyền.

Thế nhưng nguyên liệu nhất thiết phải có trong món ăn này đó là cơm nguội. Đây chính là bí quyết để “tung lò mò” trở thành món ngon độc đáo hơn lạp xưởng bò bình thường nhờ cơm nguội lên men có vị chua lạ miệng.

Muốn cho món lạp xưởng bò này thơm, ngon và có mùi hấp dẫn ngoài những gia vị trên phải có thêm gia vị đại hồi và tiểu hồi.

Khác lạp xưởng lợn, lạp xưởng bò sau khi làm xong chỉ cần phơi cho khô là có thể đem chiên hoặc nướng. Hấp dẫn nhất là lạp xưởng nướng trên bếp than hồng. Khi nướng chín xong cắt ra thành viên có màu đỏ hồng, hương bay thơm phức không còn mùi mỡ bò.

“Tung lò mò” nướng nên chín tới đâu, ăn tới đó. Bạn sẽ thấy vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt, lại ăn kèm với rau sống, rau cần tươi, vị chua của khế, vị chát của chuối sống. Lạp xưởng bò khi ăn phải chấm muối tiêu chanh hoặc tương ớt. Hấp dẫn hơn là có ăn kèm rau sống và ăn chung với bún hoặc bánh mì.

Món ăn này để ăn cơm hay nhâm nhi đều hấp dẫn. Không riêng gì người Chăm mà người Việt, người Hoa cũng khoái món này. Để phù hợp với khẩu vị của người Kinh, “tung lò mò” được cải biến bằng cách bỏ phần cơm nguội, không còn mùi chua gốc, nhưng có mùi thơm lạ rất được ưa chuộng.

Bánh phồng Phú Mỹ

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hình thành, tồn tại và phát triển gần 70 năm nay, có 50 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 300 lao động. Trong đó, các gia đình nổi tiếng có truyền thống làm bánh như gia đình cụ Lê Minh Dơn, Ngô Thị Dờn, Trần Văn Tâm...

Theo các bậc cao niên tại làng nghề, nguyên liệu làm bánh phồng là loại nếp đặc sản được trồng tại địa phương. Các công đoạn làm bánh rất công phu. Người làm bánh chọn loại nếp rặt, ngon. Nếp được ngâm đúng ba ngày ba đêm, đãi cho sạch nước đục, đem xôi lên rồi bỏ vào cối quết.

Sau khi nếp được quết nhuyễn, đem ra cán thành bánh, phơi nắng rồi đem vào nhúng nước đường và phơi lại lần nữa cho khô mới đóng gói. Các phụ gia như đậu, mè, sữa... được đưa lần lượt vào bánh theo từng công đoạn.

Trước đây, người làm bánh quết bột bằng chày tay, nay đã có máy kéo chày thay thế nên người làm bánh đỡ nhọc công và sản phẩm được cải thiện rõ nét cả về chất lượng lẫn số lượng.

Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái dĩa nhưng nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, cắn vào nghe “phao” miệng bởi vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng... tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi.

Thời gian qua, bánh phồng Phú Mỹ được người tiêu dùng ưa chuộng nên làng nghề phát triển mạnh và sản xuất quanh năm, nhộn nhịp nhất là tháng giáp Tết.

Những kỳ hội chợ hay triển lãm tại An Giang, Cần Thơ hoặc TP Hồ Chí Minh, bánh phồng Phú Mỹ đều có mặt trong gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản của An Giang. Làng bánh phồng Phú Mỹ đã được UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống vào cuối năm 2006. Nếu có dịp đến An Giang, bánh phồng Phú Mỹ là một món quà rất có ý nghĩa để bạn mang về làm quà cho người thân.

Gà hấp lá trúc

Đây là món ngon trên núi Cấm (Châu Đốc, An Giang). Trúc là loại cây có múi, mọc ở núi Cấm, hương vị độc đáo. Gà để hấp phải là gà thả vườn có trọng lượng 0,8-1kg, để nguyên con ướp sơ với muối, gia vị… rồi mang đi hấp cách thuỷ khoảng 20 phút.

Thịt gà vừa chín tới dùng dao bén chặt thành miếng to cỡ 2 ngón tay, lá trúc xắt nhuyễn rải lên. Món ăn này mang đến cho thực khách cảm nhận được vị ngọt mềm của thịt, vị béo dai của da gà tơ hoà quyện với hương vị nồng the của lá trúc, ngọt chát của bắp chuối, cay cay của muối ớt…

Du lịch, GO! - Theo Hiền Anh (Vietnamnet), internet
Bánh cộ (bánh in) được sư cô ở các chùa Huế làm quanh năm, chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa để cúng trong các nghi lễ của Phật giáo như Rằm tháng 4, Rằm tháng 7, các ngày vía Quan Âm (19.2, 19.6,19.9).

< Quý sư cô đang làm bánh in hình tháp.

Chúng tôi gọi các cô làm bánh cộ ở chùa Hồng Ân (thôn Thượng I, xã Thủy Xuân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là những người “xây tháp". Bởi họ không chỉ đơn thuần tạo ra chiếc bánh cộ rực rỡ sắc màu, mà còn thể hiện tài trang trí, liên kết các bánh thành từng tầng, tháp có hình tròn hoặc hình lục giác, bát giác, trông rất đẹp mắt.

Bên cạnh việc kinh kệ sớm khuya hay công tác Phật sự, học hành.., quý cô, quý sư còn tổ chức làm các nghề như bánh cộ, làm nước tương, làm hương, trầm.., để có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhà chùa. Có thể nói, nghề bánh cộ ở Huế ra đời, tồn tại hàng chục thập kỷ qua và đang ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực, đáp ứng phần nào nhu cầu lễ nghi cúng tế của người dân xứ Huế và các vùng lân cận.

< Quý sư chùa Liên Trì-Huế đang thực hiện công đoạn gói bánh và “xây tháp”.

Trong các ngày lễ, ngày rằm, mồng một hàng tháng, và nhất là dịp Tết Nguyên đán, trên bàn thờ tổ tiên, ngoài hoa quả còn có bánh cộ rực rỡ sắc màu được thờ cúng trang nghiêm và ấm cúng. Đó là thành quả lao động miệt mài và bàn tay khéo léo của quý cô, quý sư ở các chùa Huế.

Bánh cộ có nhiều loại như bánh đậu xanh, bánh nếp, bánh bột bình tinh. Hình dạng của bánh cũng rất phong phú như hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, lục giác, bát giác…Kích cỡ bánh to nhỏ, dày mỏng cũng khác nhau để khách hàng tùy sở thích mà chọn lựa. Nguyên vật liệu để làm bánh, quý cô mua ở các chợ, siêu thị hoặc đặt hàng cho các Phật tử đem đến tận chùa.

Loại bánh cộ thông dụng nhất mà quý cô hay làm là bánh đậu xanh. Cô Thích Nữ Tịnh Thảo (chùa Hồng Ân-Huế) cho biết: "Bánh đậu xanh muốn để được lâu khi cúng (khoảng 6 tháng đối với bánh đã được xây tháp) thì khâu quan trọng nhất là phải sấy bột cho thật kỹ, thật khô, đều. Nếu không bánh sẽ bị nhanh mốc.
Bánh bột nếp thì các công đoạn làm đơn giản hơn, nhưng khâu quan trọng vẫn là sấy bánh cho thật khô, đều và tỷ lệ pha trộn giữa đường và bột thế nào là thích hợp. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm của người làm, chứ rất khó diễn giải chính xác".

Bánh bột nếp có 2 loại: bánh không nhân (nhụy) và bánh có nhân. Nhân bánh làm bằng chuối sấy khô, mè, đậu phụng, gừng, đường. Bánh bột nếp có thể để ở bàn thờ một năm ở dạng bọc kính giấy nilon (đã xây tháp). Cô Huệ Từ ( chùa Liên Trì-Huế) chia sẻ: "Bánh bình tinh thì khi nào có khách đặt hàng mới làm, bởi bột bình tinh có giá cao hơn các loại bột khác và nhu cầu của thị trường cũng ít hơn.


< Phật tử ở chùa cũng góp sức làm đẹp thêm cho mâm cỗ ngày Tết.

Bánh cộ ở các chùa Huế được bán với giá rất “mềm”: khoảng 42.000đ/cặp đối với tháp bánh cao 6 tầng.
Còn bánh “xây tháp” cao 20 tầng thì giá từ 450.000-480.000đ/cặp. Bánh đã được xây thành từng tầng, tháp thì giá thành cao hơn bánh thường vì tốn nhiều công gói, giấy nilon, keo dán…". Điều đáng nói, thị trường tiêu thụ của bánh cộ do các nhà chùa làm rất rộng lớn. Bánh không những tiêu thụ mạnh trong tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn vươn ra một số thị trường lân cận như: Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội.

Bánh cộ được các sư cô ở các chùa Huế làm quanh năm, chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa, để cúng trong các nghi lễ của Phật giáo như Rằm tháng 4, Rằm tháng 7, các ngày vía Quan Âm (19.2, 19.6,19.9). Đặc biệt, thị trường tiêu thụ mạnh nhất, bán với số lượng lớn nhất vẫn là dịp Tết Nguyên đán. Vì thế, ngay từ tháng 10 Âm lịch, các cô phải cho máy chạy hết công suất mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đặt mua.

Sư cô Thích Nữ Huệ Phước ( chùa Liên Trì-Huế) cho biết thêm: "Bánh cộ do nhà chùa sản xuất còn có mặt ở một số nước bạn như Campuchia, Lào, Myanma…Khi có đại lễ cầu siêu, chẩn tế cô hồn, Phật tử ở nước ngoài thường gọi điện về các chùa Huế đặt “xây tháp” với số lượng lớn, có tháp bánh cao từ 1-1,5m, đường kính đáy rộng từ 0,6-1m và đóng thùng vận chuyển sang rất công phu.

Huế là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, số đạo hữu và giới Phật tử cũng rất đông. Chỉ ngần ấy thôi cũng hình dung được “sức sống”, mức tiêu thụ bánh cộ ở đây lớn đến mức nào. Hiện nay, ở các chùa Huế làm bánh cộ nhiều nhất phải kể đến chùa Hồng Ân, Diệu Nghiêm, Liên Trì, Hoàng Liên, Tịnh Đức…

Những ngày giáp Tết Quý Tỵ 2013, du khách có dịp ghé thăm các chùa sư nữ ở TP. Huế đều cảm nhận được cái không khí rộn ràng của tiếng máy quay, giã bánh, sự tất bật làm việc của quý cô, quý sư nơi đây. Không chỉ đơn thuần là chiếc bánh, những tầng tháp ấy còn mang “thông điệp”của quý sư, quý cô về một năm mới 2013 hòa bình, an lạc cho tất cả mọi người.

Điều dễ nhận thấy trong vài thập kỷ qua, bánh cộ do các chùa Huế sản xuất mặc dù không đăng ký thương hiệu, không dán nhãn mác, không quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng trên thực tế, nó đã, đang chiếm lĩnh thị trường gần xa, làm hài lòng biết bao du khách trong nước, quốc tế khi họ có dịp đến tham quan, viếng cảnh ở các chùa Huế.

Không ai lí giải được điều đó nhưng người ta thầm công nhận với nhau: Bánh do chính tay các cô, các sư làm ra thì chắc chắn sẽ sạch sẽ hơn, tinh khiết, chất lượng và thơm ngon hơn, giá thành lại hợp lí, phù hợp với túi tiền của nhiều tầng lớp trong xã hội.

Cuộc sống vẫn cứ tiếp tục trôi qua, quý cô, quý sư vẫn ngày đêm âm thầm, cần mẫn “xây tháp” để dệt thêm hương vị cho đạo, cho đời, góp phần tô điểm cho mâm lễ vật trong mỗi gia đình càng thêm phong phú, cho bàn thờ gia tiên càng thêm ấm cúng và trang nghiêm trong những ngày Tết.
Với ý nghĩa giàu tính tâm linh đó, hình ảnh những chiếc bánh cộ rực rỡ sắc màu sẽ mãi mãi là hình ảnh quen thuộc trong tâm khảm mỗi người dân xứ Huế, của Phật tử ở phương xa, nhất là đối với những người mặc áo lam trong các chùa Huế hôm nay và ngày mai.

Du lịch, GO! - Theo Võ Văn Dần (Báo Dân Việt), internet

Monday, 22 April 2013

Cùng với món mì Quảng đã quá nổi tiếng và được du khách thập phương yêu thích mỗi khi đến với đất Quảng, bê thui Cầu Mống cũng là món ăn không thể không kể đến trên chặng đường ẩm thực.

Sở VHTT&DL Quảng Nam cho biết, món bê thui Cầu Mống vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận đạt kỷ lục quốc gia về món ngon Việt Nam. Và tại Festival Di sản Quảng Nam vào tháng 6.2013 tới đây, Sở VHTT&DL sẽ tổ chức công bố kỷ lục Việt Nam về bê thui Cầu Mống và món mì Quảng vừa chính thức được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt giá trị ẩm thực Châu Á.

Được biết, một trong những yếu tố góp phần tạo nên “kỷ lục” cho món bê thui đó chính là sự khác biệt với các món ăn trên toàn quốc về cách thức thui/nướng thịt bê, về nước chấm hay rau sống, bánh tráng nướng ăn kèm...

Với người dân đất Quảng, bê thui thường được gọi với cái tên quen thuộc “bò tái Cầu Mống”, bởi miếng thịt bê khi được mang lên thực khách phải còn màu hồng đỏ tươi rói, hơi tái một chút ăn mới thấm được vị ngon, ngọt.

Còn vùng đất Cầu Mống vốn xưa kia là là một ngôi làng nhỏ nằm trên tuyến quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Quảng Nam Đà Nẵng ngày xưa). Nơi đây bắt đầu bày bán món bê thui từ thập niên 60 của thế kỷ XX. Và nếu thực khách thường xuyên đi lại trên dải đất miền Trung này sẽ dễ dàng nhận thấy “món ngon đặc sản” được bày bán rất nhiều và hàng quán nào cũng phục vụ món bê thui chất lượng, hương vị đậm đà bản sắc xứ Quảng không nơi nào sánh được.

Con bê được chọn để thui tầm khoảng 30-35kg, như vậy thịt mới không nhão. Sau khi được cắt tiết, lấy lòng ra khỏi bê thì dùng dây thép khâu lại, lấy thanh sắt dài xỏ dọc thân và cuối cùng gác bê ngang qua ngọn lửa than đang đỏ để thui bê. Yêu cầu thành phẩm, miếng thịt bê phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn bì (da) thì phải chín đến độ trong suốt, giòn mềm vừa phải.

Điểm nhấn của món ăn có lẽ còn nằm ở cái nước chấm đặc trưng. Mắm phải là loại mắm cá cơm nguyên con, được chế biến từ những làng chài nổi tiếng ven biển. Mắm được pha cùng tỏi ớt xanh băm nhuyễn, thêm chút đường, gừng, dứa bằm và cả vừng trắng rang vàng.

Rau ăn kèm với bê thui cũng rất phong phú, bao gồm loại rau Trà Quế đặc trưng của vùng đất Hội An, xà lách, cải non kết hợp với khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm, húng, quế và giá đỗ… tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị đậm đà mà da diết.

Đặc biệt, vì là món bê được nướng chỉ đến độ còn hơi tái, nên bao giờ dọn ra, trên đĩa thịt cũng kèm theo vài miếng chanh tươi. Trước khi ăn, bạn phải vắt chanh thật đều lên khắp đĩa thịt, tạo vị chua chua dễ ăn đến lạ.

Trải lên lòng bàn tay bánh tráng cuốn, đặt lên vài lát thịt bê thui, cuốn chung với các loại rau sống, chỉ cần nhìn thôi đã thấy hấp dẫn mời gọi cái bụng rồi. Đến khi chấm nước mắm nêm đã pha, chậm rãi thưởng thức mới cảm nhận hết vị ngon ngọt của món ăn.

Đây, bê thui Cầu Mống!

Du lịch, GO! - Theo Hàn Giang (Báo Dân Việt), internet

Saturday, 20 April 2013

Sau khi đã chán chê với hải vị miền biển Phú Yên, thực khách lại muốn tìm đến những món ăn dân dã. Một trong những món này phải kể đến bánh canh hẹ.

Chạy xe lòng vòng trên những con phố, con hẻm hay chợ búa, thực khách thấy có rất nhiều quán bánh canh hẹ chật người. Người ta nói, làm bánh canh cực nhất là khâu lấy bột. Đầu tiên phải chọn loại gạo ngon nhất, ngâm một đêm rồi mới xay thành bột và xử lý lại chỉ lấy phần tinh bột. Pha thêm chút bột sắn để làm sợi bánh canh dai hơn. Sau đó, người ta ép bột thành sợi và phủ lên mặt một ít bột khô để chúng không dính vào nhau. Trước khi dùng, người ta trụng sơ bánh canh lại để bỏ đi lớp bột khô đó.

Khâu nấu súp cũng rất quan trọng. Người miền Trung thường sử dụng cá biển để nấu nước ngọt thay vì hầm xương thịt như trong Nam. Nước súp ngọt tự nhiên, có chút dư vị biển bởi nguyên liệu là cá. Cách nêm nếm cũng rất vừa miệng, không bị quá mặn hay quá ngọt.

Tô bánh canh được chăm chút kỹ lưỡng. Chả cá chiên vàng ươm nổi trên bề mặt tô bánh canh trong veo kèm theo trứng cút luộc trắng hếu. Bên trên là lá hẹ cắt nhỏ, được rắc đều lên bề mặt. Trên cùng là hành phi, tiêu xay. Mới nhìn thôi đã thấy thèm rồi. Vị thơm đậm đà phong vị biển hài hòa với vị thơm cay của tiêu và mùi hành phi nức mũi.

Múc sợi bánh canh dai sừng sực cho vào miệng, húp thêm miếng nước súp và cắn một miếng chả cá. Món ăn dân dã sao ngon lạ lùng. Ngon vì thưởng thức được món ăn lạ sau nhiều bữa hải sản thừa mứa chất đạm. Ngon vì ngồi chen chúc cùng người dân bản địa mà ăn món này trong cái nắng hanh hanh của miền Trung mà tươm cả mồ hôi ướt áo.

Du lịch, GO!: Cây hẹ ở Phú Yên cũng đặc biệt hơn giòng hẹ ở miền Nam: hẹ có cọng nhỏ ri rí, không xơ và xanh mướt mắt. Bó từng bó nhỏ, trong xa như loại cỏ lá kim...

Du lịch, GO! - Theo NGUYỄN ĐỨC (Cần Thơ Online), internet

Friday, 19 April 2013

Chuyến đi Phú Quốc đã qua cách đây hơn cả tháng, nhưng dường như những món hải sản nơi này vẫn còn nằm trong trí nhớ của tôi...

Cá sòng chanh - muối - ớt

Phải là cá sòng còn tươi roi rói (vừa lưới lên, còn sống thì càng tuyệt), nếu cá đã sắp ươn thì không ngon và… hỏng vị. Trước khi thưởng thức món cá nướng tuyệt vời này, ta nên chuẩn bị tươm tất một chút.

Than củi thật khô, vỉ nướng, hoả lò vừa phải, chanh, muối, ớt, bánh tráng mỏng và một dĩa rau sống đủ loại ăn kèm. Cá bắt lên không cần móc mang móc ruột, rửa sơ qua nước biển, để lên rổ một chốc cho thật ráo. Hoả lò đã rực than hồng, đặt vỉ nướng, rồi xếp vài con cá sòng (đừng tham… xếp nhiều, chỉ vài con thôi, vì món này nhấm nháp từ từ mới thú), khêu than và chờ cá chín.

Thường xuyên trở qua trở lại cho cá bén than chín đều, khi thấy hai bên phi lê cá vàng ươm tươm mỡ thơm nức mũi là cá đã chín tới. Nhẹ nhàng nâng cá ra khỏi vỉ nướng, nhẹ nhàng xếp cá lên dĩa và cũng nhẹ nhàng gỡ từng thớ thịt kẹp rau cuốn bánh tráng thưởng thức.

Chấm cuốn bánh tráng gồm hỗn hợp rau và cá sòng nướng vào chén muối ớt chanh (chanh nhiều, ớt nhiều, thêm chút nước, chút bột ngọt - không dùng nước mắm) rồi đưa lên miệng nhai nhè nhẹ mà xem, cả hương rừng vị biển như vừa dừng lại trên đầu lưỡi, rồi tan ra, thấm đẫm vào từng chiếc gai vị giác ngọt ngào. Nhấm thêm chút rượu ngâm quả sim rừng ở đảo, rồi thêm chút cá chút rau, không gian như chợt ngừng trôi, ngày như tan ra cùng những con sóng nhỏ. Biển - trời - đảo chếnh choáng theo chiều…

(Món cá sòng nướng chấm muối ớt chanh này, nếu có thể, thưởng thức ngay bãi biển là tuyệt nhất!)

Gỏi cá trích

Như món cá sòng nướng, cá trích dùng chế biến gỏi cũng thật tươi, vảy còn óng ánh sắc bạc. Cá trích ngư dân vừa bắt lên bằng lưới rùng (lưới mắt nhỏ) đánh vảy rửa sạch, để cho thật ráo rồi lóc lấy phi lê. Vắt chanh nhiều vào tô cá phi lê, trộn đều tay cho cá dần chín tái, sau đó vắt mạnh tay cho thịt cá thật khô là được.

Tiến hành các bước trộn gỏi như những món gỏi cá khác, nhưng ở món gỏi cá trích Phú Quốc, để có được đĩa gỏi cá tinh tươm hấp dẫn, các đầu bếp còn cho thêm những sợi dừa nạo vào. Đĩa gỏi cá trích bê lên có đủ đầy những sắc màu: màu xanh của rau mùi, màu đỏ của ớt sợi, màu trắng xám của cá, màu trắng muốt của dừa, màu vàng nâu của hành phi và màu vàng ươm của đâu phộng giã giập.

Những sắc màu ấy vừa như khêu gợi những gai vị giác vừa như kích thích những tế bào thị giác, nhìn là muốn… cầm đũa ngay! Tuy là gỏi, nhưng món này không ăn kèm bánh đa, bánh phồng và nước mắm chua ngọt mà ăn bằng bánh tráng cuốn rau sống chấm nước mắm đậu phộng. Thịt cá trích còn tươi chín tái không tanh mà ngọt lừ quyện cùng vị beo béo của dừa và đậu phộng, vị cay của ớt, vị thơm của rau mùi - nếm một lần ai cũng nhớ!

Món này thường “hợp rơ” với rượu gạo, “đi với bia” sẽ… lạc điệu, không ngon, có khi còn làm hỏng cả bữa gỏi ngon lành!

Cồi biên mai nướng

Cồi biên mai chính là hai lớp cơ thịt nối liền hai mảnh con sò biên mai. Có thể thấy con sò này lớn cỡ nào nếu bạn cứ hình dung với con sò huyết quá thông dụng ở đất liền có hai bộ phận còi chỉ như cây tăm tre nhỏ thì cồi biên mai lại lớn bằng đồng xu và lớp thịt dày đến nửa lóng tay.
Vậy nhưng các ngư phủ bảo rằng con sò biên mai lớn xác vậy nhưng thịt rất nhão và ăn không ngon. Mọi tinh túy của con vật này chỉ tập trung vào hai cái cồi mà thôi.

Cồi biên mai được ướp cùng bột ngọt, đường, nước mắm, tiêu, tỏi, ớt rồi thêm chút rượu trắng, trộn đều lên và để cho thật dậy mùi. Kiếm chút khô gì đấy nhấm nháp vài li rượu, chờ than hừng đo đỏ và cồi biên mai thấm đều gia vị là nhập tiệc!

Độ qua hai lượt rượu, cồi biên mai đã thấm đẫm gia vị thơm lừng và than cũng vừa đỏ lửa là tiến hành nướng. Cồi biên mai xếp đều lên vỉ, quạt vài lượt cho than đỏ đều nhưng không được nóng quá (nóng quá cục cồi sẽ cháy sém, mất ngon).

Qua thêm một lượt rượu, nhìn lại, những viên cồi biên mai đã bắt đầu tươm mỡ xèo xèo trên vỉ nướng trông mà phát thèm. Mùi cồi biên mai nướng tươm mỡ thơm lừng góc biển. Cục cồi biên mai nướng vàng ươm, dai như thịt gà nhưng mang vị hải sản, độc đáo, lạ miệng và thật đúng là “hàng hiếm”!

Tợp một ly rượu, cho vào miệng ngay một cục cồi biên mai nướng vừa lấy ra khỏi bếp than còn hôi hổi nóng, kẹp thêm vài lá rau sống xanh muớt, chấm chút muối tiêu chanh (hay muối ớt chanh cũng được) rồi nhè nhẹ nhai, và… thú không gì tả được! Món này hơi đắt, hơi “độc” và cực kỳ “bắt” rượu đấy.

Du lịch, GO! - Theo Việt Nam Ngày Mới, internet

Thursday, 18 April 2013

Thị trấn huyện Cầu Kè của tỉnh Trà Vinh không nổi tiếng trên bản đồ du lịch miền Tây nhưng có vài đặc sản khiến du khách khó quên nếu có dịp thưởng thức như gỏi “xái pấu”, “xái pấu” hầm xương (giò, đùi heo...), “xái pấu” chiên hột vịt...; dừa sáp; bún nước lèo; “xim lo”; đặc biệt là món dơi sen.

Đến thị trấn Cầu Kè, hỏi người địa phương thì ai cũng sẽ vui vẻ chỉ đường cho khách đến quán dơi sen dễ dàng. Quán nầy nằm cách trung tâm thị trấn chừng 2 cây số, ở ấp Chông Nô 3 (xã Hòa Tân). Tuy là một quán nhỏ, nhưng thực đơn có đủ một lô “5 món ăn chơi” toàn từ dơi sen: luộc, nướng, khìa, lẩu cháo đậu xanh và gần đây có thêm món mới toanh là tiết canh dơi sen.

Một số người ta cho rằng, dơi sen là động vật hoang dã nên quán làm thịt chúng là phạm luật. Nhưng nói vậy là chưa chính xác, xét ở khía cạnh khác, đó chính là hành vi tích cực bảo vệ môi trường. Vì, dơi sen là loại phá hoại cây trái, mùa màng của nông dân, chẳng kém gì loài chuột. Nên đánh bắt dơi sen là cách tốt nhất để bảo vệ thành quả lao động của nông dân.

Dơi sen là là loại có cánh, đầu như đầu chuột, có lông màu đen, nhỏ hơn dơi quạ, lớn hơn dơi muỗi nên người ta còn gọi là “chuột bay”. Chúng sống thành bầy đàn, ăn trái cây vườn. Khoảng chập tối, người ta chuẩn bị dơi mồi, lưới vợt, giỏ đựng để đi săn bắt chúng. Nếu không có dơi mồi, người ta phải biết cách thổi để dẫn dụ chúng bằng cách dùng lá mì kẹp trong hai bàn tay thổi tạo giả tiếng dơi kêu. Khi dơi mồi hoặc người thổi dẫn dụ được dơi đến thì dùng vợt huơ bắt lấy chúng. Mùa săn bắt dơi sen nhiều nhất là vào mùa trái cây chín rộ. Lúc này, người ta sẽ bắt những chú dơi mập mạp, thịt thơm ngon.

Quán dơi sen ở ấp Chông Nô 3 từ lâu “nức tiếng” với món lẩu cháo dơi sen đậu xanh, vì toàn thực hiện, pha chế từ những con dơi sống. Nay, quán có “chiêu” mới, hấp dẫn ngay những thực khách sành ăn với món tiết canh dơi sen. Dơi sống sau khi lột da, chặt đầu, bóc bỏ ngũ tạng, rửa sạch, người ta bằm cả thịt và xương dơi thật nhỏ. Sau đó bắc chảo lên bếp lửa. Khi chảo nóng, cho dầu hoặc mỡ vào. Dầu hoặc mỡ sôi thì cho thịt dơi bằm vào, xào với củ hành tím, tỏi, khế, rồi nêm gia vị vừa ăn.

Trong khi đó người ta đã chuẩn bị sẵn số tiết lấy từ 10 con dơi, đủ cho một dĩa tiết canh. Tiết lấy được được cho vào một ít nước mắm nhứt cùng một ít nước đun sôi để nguội để “hãm”, không cho đông. Một chiếc dĩa tinh tươm sắp sẵn cà chua xung quanh vành dĩa, cho đẹp, sẵn sàng cho số thịt dơi xào chín trên chảo xúc trải vun lên. Cuối cùng, người ta rưới số tiết dơi đều khắp thịt dơi bằm xào chín rồi rắc ngò gai bằm nhỏ cùng đậu phộng rang bóc bỏ vỏ và những lát ớt sừng trâu đỏ tươi đều khắp trên mặt dĩa tiết canh dơi, thật hấp dẫn trước khi dọn ra bàn.

Trên bàn cũng đã có sẵn dĩa bánh tráng nem cùng dĩa rau thơm với ngò gai, ngò om, húng lủi, quế, hẹ xanh mướt mắt. Cạnh dĩa tiết canh và dĩa rau xanh còn có sự “phụ trợ” của chén nước mắm nhĩ với vài lát ớt sừng trâu thả bồng bềnh, một chén nhỏ muối tiêu, một chén nhỏ ớt sừng trâu, một chén nhỏ chanh cắt miếng và một dĩa nước đun sôi để nguội. Bấy giờ thực khách bắt tay vào thưởng thức “đặc sản” Cầu Kè.

Nhẹ tay gỡ miếng bánh tráng nem, lướt nhẹ mặt nước đun sôi để nguội trong dĩa, rồi trải trên lòng bàn tay. Thực khách gắp sắp các loại rau thơm lên miếng bánh tráng, dùng muỗng xúc tiết canh dơi để chồng lên rau, rồi cuốn tròn lại. Trước khi cho vào miệng, tùy sự khoái thích của thực khách, mà chấm nước mắm hay chấm muối tiêu chanh. Dù là loại nước chấm nào, miếng ngon của tiết canh dơi sen vẫn “nồng nã” hương vị: vừa ngọt, vừa thơm, vừa bùi, vừa béo.... Càng khoái thích hơn khi chiêu một ly “Xuân Thạnh lão tửu”, đặc sản Trà Vinh thơm nồng hương nếp mới.

Du lịch, GO! - Theo Thesaigontimes.vn, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống