Thảo cầm viên Sài Gòn không chỉ là thế giới cổ tích của trẻ em mà còn của nhiều người trưởng thành, một loại “đặc sản” không có đối thủ cạnh tranh. Học sinh ở miền Nam trước 1975 đều mơ ước được đến Sài Gòn, được vào xem Sở Thú.
Với những “cựu trẻ em” lứa tuổi U.40 về trước, Sài Gòn hấp dẫn nhất là Sở Thú. Thời đó, chưa có Suối Tiên và các khu vui chơi, chưa có internet. Sở Thú là tên gọi dân gian, còn tên khai sinh là Thảo cầm viên (TCV), có nghĩa là Vườn Cầm Thú Thảo Mộc. Đó là thế giới cổ tích, không chỉ của trẻ em mà của nhiều người trưởng thành, một loại “đặc sản” không có đối thủ cạnh tranh. Học sinh ở miền Nam trước 1975 đều mơ ước được đến Sài Gòn, được vào xem Sở Thú.
Hè 1971, nhờ cuối năm học lớp đệ ngũ (lớp 9), được lên bảng danh dự, một hình thức biểu dương kết quả học tập toàn trường (hồi đó từng tháng, học sinh các lớp xếp từ hạng 1 - 5 được ghi tên vào bảng danh dự, cuối năm cũng vậy), lại nhân dịp có cô ở Sài Gòn về chơi, tôi được mẹ thưởng cho một chuyến đi Sài Gòn để đời.
Hồi đó, mỗi lần cô về, quà cho cả xóm là món bánh mì giòn thơm, để nguội vẫn rất ngon, ăn đứt bánh mì ở quê. Nhà cô bên Khánh Hội.
Mang tiếng đi Sài Gòn nhưng chủ yếu là ngồi trên xe ngắm cảnh và mấy ngày quanh quẩn trong xóm. Bù lại, được cô mua cho ổ bánh mì Sài Gòn và đi chơi Sở Thú cả ngày. Sướng nhất là được tận mắt ngắm nhiều loại cây, loại thú lâu nay chỉ nhìn thấy trong sách. Có loại chưa bao giờ nghe nói như cây súng nia. Nào là voi, sư tử, hươu cao cổ, đười ươi, cọp, beo, ngựa vằn...
Tháng 10.1975, tôi được Thành đoàn phân công về Tân Bình. Quận đoàn lại điều về xã Vĩnh Lộc, vùng đệm giữa thành phố và Long An. Các em ở đây suốt ngày làm ruộng, rẫy, chăn bò... Tay em nào cũng chai sạn vì kéo nước giếng tưới hoa màu. Em nào sang nhất là được lên tới Bà Quẹo.
Tết năm đó, tôi quyết định đưa các em đi Sở Thú. Mùng 1 tết, mượn xe đạp lên bến xe buýt Bà Quẹo hỏi giá và đặt cọc. Trẻ con náo nức hơn cả tết. Mùng 3 tết, 8 xe buýt lù lù đến đậu trước ủy ban xã. Trẻ con từ các ấp, cơm đùm cơm nắm, lũ lượt kéo về.
Dù đã được hỏi ý kiến nhưng chủ tịch xã vẫn phát hoảng hỏi tôi “Anh có biết quản vài chục con nít khó hơn chỉ huy cả tiểu đoàn không? Nếu lạc mất vài đứa thì đi tù mọt gông”. “Dạ biết, nhưng có vào tù cũng phải đưa các em đi chơi xong, vì đã hứa rồi”. Hơn 400 thiếu nhi có một cái Tết phấn khích, đầy kỷ niệm, cả tuần kể chưa hết chuyện. Chẳng lạc em nào, chỉ có mấy anh chị đoàn viên, cũng lần đầu vào Sở Thú, lơ ngơ đi lạc, phải gọi loa mấy lần mới tìm được.
Sau này, nhiều lần vào TCV, tôi càng phát hiện thêm nhiều điều kỳ thú. TCV được khởi dựng từ tháng 3.1864, có diện tích 12 ha với tên gọi ban đầu là Vườn bách thảo, còn gọi là Sở Thú, một năm sau, mở rộng thành 20 ha. JB Luis Pierre (1833-1905), là giám đốc đầu tiên của Sở Thú lớn nhất và sớm nhất Đông Nam Á thời đó. Từ tháng 7.1869, TCV mở cửa cho dân chúng vào xem. Năm 1926, Sở Thú có thêm đền thờ các vua Hùng và Bảo tàng Lịch sử (1929). Từ 1956, Vườn bách Thảo đổi tên thành Thảo cầm viên. Đây là khu bảo tồn động và thực vật nhiệt đới vào loại cổ xưa của nhân loại, xếp thứ 7 trên toàn thế giới.
Các vườn thú đàn anh là Chonbrunn (Áo-1752), Paris (Pháp-1793), London (Anh-1828), Dublin (Ireland-1830), Berlin (Đức-1844), Moscow (Nga-1863). Dù chỉ làm giám đốc 12 năm nhưng Pierre đã dồn hết tâm huyết cho việc phát triển TCV và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Hơn 100.000 phiên bản đang lưu giữ trong Bảo tàng Thực vật thuộc Viện Sinh học nhiệt đới do ông sưu tập.
Những hàng cây cổ thụ ở Tao Đàn và khắp thành phố đều mang dấu ấn của ông. Ghi nhận công lao đó, kỷ niệm 130 tuổi, TCV Sài Gòn đã đặt tượng bán thân của ông bằng đá hoa cương hồng trên cột bia khắc dòng chữ: “Tôi đã nghỉ hưu nhưng còn quá nhiều việc để làm cho ngành thực vật. Chỉ tiếc là không còn thời gian và cuộc sống thì quá ngắn ngủi”.
TCV hiện có 18 loài bò sát, 45 loài chim, 57 loài thú, 308 loài thực vật; mỗi loài lại có nhiều họ và chi. Đây là bảo tàng sống của các loài động thực vật nhiệt đới. Đến TCV, tôi mới vỡ lẽ, một số loài thú dữ thường dùng nước tiểu để xác định lãnh thổ của mình. Rùa thuộc loài bò sát. Gà nước họ trích. Sáo đuôi cờ họ quạ. Cò ruồi, cò ngàng nhỏ họ diệc. Hạc cổ trắng, gà đẫy Java họ cò chính... Có nhiều loại cây mang tên rất ngộ như bọ chét, cơm rượu, cơm nguội, cánh chuồn, mò cua, ổi bom, trứng cút, nón cụ, cây thúi...
Những loại cây hiếm như kim giao (vua chúa ngày xưa dùng làm đũa khử độc tố), bao báp (ở châu Phi), mã tiền (dân gian gọi là củ chi), phượng tím, sưa, súng nia, đầu lân... TCV còn là bảo tồn cây thuốc với nhiều loại như trầm hương, đại phong tử, đào tiên, bách bệnh, long não, kim ngân, sắn dây, huyết rồng, chùm ngây... Hàng chục cây đại thụ lớn tuổi hơn cả TCV. Là trung tâm bảo tồn và nhân giống thành công nhiều loài động vật quý hiếm như trĩ sao, báo lửa, vượn má vàng, rái cá lông mượt... TCV cũng đã bổ sung và thực hiện gần 400 mẫu của hơn 100 loài thực vật. Đặc biệt 21 loài chỉ có quả, 22 loài chỉ có hoa.
Diện tích chuồng trại từ 8.500 m2 trước 1975 được mở rộng gấp 3 lần, hơn 25.000 m2. Các song sắt tù túng cổ xưa được thay thế bằng kính cường lực trong suốt, tạo cảm giác thoải mái cho cả thú và người xem. Có thể đi bộ vừa tham quan vừa rèn luyện thân thể. Mỏi chân thì lên xe điện, xe lửa ngao du và hít thở không khí trong lành, nghe chim hót líu lo, vượn hú hoang dã.
Hoặc ngoạn cảnh hồ sen, hồ suối mơ, đảo tiên... Mỗi sáng chủ nhật có xiếc thú. Các bạn nhỏ tha hồ đùa vui với dê lùn, cừu con, thỏ...
Nếu các giờ học sinh vật lý thuyết được tổ chức trong TCV thì hiệu quả sẽ nhân lên gấp bội. Học và hành tại chỗ, lại có thêm phim ảnh hỗ trợ, học sinh sẽ nhớ đời. Sẽ thật thiếu sót và lãng phí nếu các giáo viên sinh vật, các hướng dẫn viên du lịch chưa biết tận dụng TCV để bổ sung những kiến thức thực tiễn phong phú về động, thực vật mà không trường lớp nào dạy được.
Dù chưa thể hấp dẫn bằng Vườn thú Safari các nước nhưng TCV vẫn có những thế mạnh riêng của mình. Đến với TCV và trở về với thiên nhiên giữa lòng thành phố, để hiểu thêm rằng loài vật và cả cỏ cây cũng có tâm hồn, biết buồn vui và thích được yêu thương chăm sóc.
Nếu không tin các bạn có thể xin gặp Giám đốc Phan Việt Lâm, người có thâm niên hơn 30 năm bầu bạn cùng cỏ cây muông thú. Ông có cả kho tàng chuyện lạ về thú, chuyện bí mật về cây, kể cả tháng chưa hết. Trong khi chờ đợi nên tìm đọc ngay Chuyện lạ Thảo cầm viên và Thảo cầm viên những bí mật lạ lùng của ông (Nhà xuất bản Kim Đồng). Đảm bảo hấp dẫn, cả trẻ em lẫn người lớn.
Du lịch, GO! - Theo Thanh niên, ảnh internet
Với những “cựu trẻ em” lứa tuổi U.40 về trước, Sài Gòn hấp dẫn nhất là Sở Thú. Thời đó, chưa có Suối Tiên và các khu vui chơi, chưa có internet. Sở Thú là tên gọi dân gian, còn tên khai sinh là Thảo cầm viên (TCV), có nghĩa là Vườn Cầm Thú Thảo Mộc. Đó là thế giới cổ tích, không chỉ của trẻ em mà của nhiều người trưởng thành, một loại “đặc sản” không có đối thủ cạnh tranh. Học sinh ở miền Nam trước 1975 đều mơ ước được đến Sài Gòn, được vào xem Sở Thú.
Hè 1971, nhờ cuối năm học lớp đệ ngũ (lớp 9), được lên bảng danh dự, một hình thức biểu dương kết quả học tập toàn trường (hồi đó từng tháng, học sinh các lớp xếp từ hạng 1 - 5 được ghi tên vào bảng danh dự, cuối năm cũng vậy), lại nhân dịp có cô ở Sài Gòn về chơi, tôi được mẹ thưởng cho một chuyến đi Sài Gòn để đời.
Hồi đó, mỗi lần cô về, quà cho cả xóm là món bánh mì giòn thơm, để nguội vẫn rất ngon, ăn đứt bánh mì ở quê. Nhà cô bên Khánh Hội.
Mang tiếng đi Sài Gòn nhưng chủ yếu là ngồi trên xe ngắm cảnh và mấy ngày quanh quẩn trong xóm. Bù lại, được cô mua cho ổ bánh mì Sài Gòn và đi chơi Sở Thú cả ngày. Sướng nhất là được tận mắt ngắm nhiều loại cây, loại thú lâu nay chỉ nhìn thấy trong sách. Có loại chưa bao giờ nghe nói như cây súng nia. Nào là voi, sư tử, hươu cao cổ, đười ươi, cọp, beo, ngựa vằn...
Tháng 10.1975, tôi được Thành đoàn phân công về Tân Bình. Quận đoàn lại điều về xã Vĩnh Lộc, vùng đệm giữa thành phố và Long An. Các em ở đây suốt ngày làm ruộng, rẫy, chăn bò... Tay em nào cũng chai sạn vì kéo nước giếng tưới hoa màu. Em nào sang nhất là được lên tới Bà Quẹo.
Tết năm đó, tôi quyết định đưa các em đi Sở Thú. Mùng 1 tết, mượn xe đạp lên bến xe buýt Bà Quẹo hỏi giá và đặt cọc. Trẻ con náo nức hơn cả tết. Mùng 3 tết, 8 xe buýt lù lù đến đậu trước ủy ban xã. Trẻ con từ các ấp, cơm đùm cơm nắm, lũ lượt kéo về.
Dù đã được hỏi ý kiến nhưng chủ tịch xã vẫn phát hoảng hỏi tôi “Anh có biết quản vài chục con nít khó hơn chỉ huy cả tiểu đoàn không? Nếu lạc mất vài đứa thì đi tù mọt gông”. “Dạ biết, nhưng có vào tù cũng phải đưa các em đi chơi xong, vì đã hứa rồi”. Hơn 400 thiếu nhi có một cái Tết phấn khích, đầy kỷ niệm, cả tuần kể chưa hết chuyện. Chẳng lạc em nào, chỉ có mấy anh chị đoàn viên, cũng lần đầu vào Sở Thú, lơ ngơ đi lạc, phải gọi loa mấy lần mới tìm được.
Sau này, nhiều lần vào TCV, tôi càng phát hiện thêm nhiều điều kỳ thú. TCV được khởi dựng từ tháng 3.1864, có diện tích 12 ha với tên gọi ban đầu là Vườn bách thảo, còn gọi là Sở Thú, một năm sau, mở rộng thành 20 ha. JB Luis Pierre (1833-1905), là giám đốc đầu tiên của Sở Thú lớn nhất và sớm nhất Đông Nam Á thời đó. Từ tháng 7.1869, TCV mở cửa cho dân chúng vào xem. Năm 1926, Sở Thú có thêm đền thờ các vua Hùng và Bảo tàng Lịch sử (1929). Từ 1956, Vườn bách Thảo đổi tên thành Thảo cầm viên. Đây là khu bảo tồn động và thực vật nhiệt đới vào loại cổ xưa của nhân loại, xếp thứ 7 trên toàn thế giới.
Các vườn thú đàn anh là Chonbrunn (Áo-1752), Paris (Pháp-1793), London (Anh-1828), Dublin (Ireland-1830), Berlin (Đức-1844), Moscow (Nga-1863). Dù chỉ làm giám đốc 12 năm nhưng Pierre đã dồn hết tâm huyết cho việc phát triển TCV và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Hơn 100.000 phiên bản đang lưu giữ trong Bảo tàng Thực vật thuộc Viện Sinh học nhiệt đới do ông sưu tập.
Những hàng cây cổ thụ ở Tao Đàn và khắp thành phố đều mang dấu ấn của ông. Ghi nhận công lao đó, kỷ niệm 130 tuổi, TCV Sài Gòn đã đặt tượng bán thân của ông bằng đá hoa cương hồng trên cột bia khắc dòng chữ: “Tôi đã nghỉ hưu nhưng còn quá nhiều việc để làm cho ngành thực vật. Chỉ tiếc là không còn thời gian và cuộc sống thì quá ngắn ngủi”.
TCV hiện có 18 loài bò sát, 45 loài chim, 57 loài thú, 308 loài thực vật; mỗi loài lại có nhiều họ và chi. Đây là bảo tàng sống của các loài động thực vật nhiệt đới. Đến TCV, tôi mới vỡ lẽ, một số loài thú dữ thường dùng nước tiểu để xác định lãnh thổ của mình. Rùa thuộc loài bò sát. Gà nước họ trích. Sáo đuôi cờ họ quạ. Cò ruồi, cò ngàng nhỏ họ diệc. Hạc cổ trắng, gà đẫy Java họ cò chính... Có nhiều loại cây mang tên rất ngộ như bọ chét, cơm rượu, cơm nguội, cánh chuồn, mò cua, ổi bom, trứng cút, nón cụ, cây thúi...
Những loại cây hiếm như kim giao (vua chúa ngày xưa dùng làm đũa khử độc tố), bao báp (ở châu Phi), mã tiền (dân gian gọi là củ chi), phượng tím, sưa, súng nia, đầu lân... TCV còn là bảo tồn cây thuốc với nhiều loại như trầm hương, đại phong tử, đào tiên, bách bệnh, long não, kim ngân, sắn dây, huyết rồng, chùm ngây... Hàng chục cây đại thụ lớn tuổi hơn cả TCV. Là trung tâm bảo tồn và nhân giống thành công nhiều loài động vật quý hiếm như trĩ sao, báo lửa, vượn má vàng, rái cá lông mượt... TCV cũng đã bổ sung và thực hiện gần 400 mẫu của hơn 100 loài thực vật. Đặc biệt 21 loài chỉ có quả, 22 loài chỉ có hoa.
Diện tích chuồng trại từ 8.500 m2 trước 1975 được mở rộng gấp 3 lần, hơn 25.000 m2. Các song sắt tù túng cổ xưa được thay thế bằng kính cường lực trong suốt, tạo cảm giác thoải mái cho cả thú và người xem. Có thể đi bộ vừa tham quan vừa rèn luyện thân thể. Mỏi chân thì lên xe điện, xe lửa ngao du và hít thở không khí trong lành, nghe chim hót líu lo, vượn hú hoang dã.
Hoặc ngoạn cảnh hồ sen, hồ suối mơ, đảo tiên... Mỗi sáng chủ nhật có xiếc thú. Các bạn nhỏ tha hồ đùa vui với dê lùn, cừu con, thỏ...
Nếu các giờ học sinh vật lý thuyết được tổ chức trong TCV thì hiệu quả sẽ nhân lên gấp bội. Học và hành tại chỗ, lại có thêm phim ảnh hỗ trợ, học sinh sẽ nhớ đời. Sẽ thật thiếu sót và lãng phí nếu các giáo viên sinh vật, các hướng dẫn viên du lịch chưa biết tận dụng TCV để bổ sung những kiến thức thực tiễn phong phú về động, thực vật mà không trường lớp nào dạy được.
Dù chưa thể hấp dẫn bằng Vườn thú Safari các nước nhưng TCV vẫn có những thế mạnh riêng của mình. Đến với TCV và trở về với thiên nhiên giữa lòng thành phố, để hiểu thêm rằng loài vật và cả cỏ cây cũng có tâm hồn, biết buồn vui và thích được yêu thương chăm sóc.
Nếu không tin các bạn có thể xin gặp Giám đốc Phan Việt Lâm, người có thâm niên hơn 30 năm bầu bạn cùng cỏ cây muông thú. Ông có cả kho tàng chuyện lạ về thú, chuyện bí mật về cây, kể cả tháng chưa hết. Trong khi chờ đợi nên tìm đọc ngay Chuyện lạ Thảo cầm viên và Thảo cầm viên những bí mật lạ lùng của ông (Nhà xuất bản Kim Đồng). Đảm bảo hấp dẫn, cả trẻ em lẫn người lớn.
Du lịch, GO! - Theo Thanh niên, ảnh internet
0 comments:
Post a Comment