Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Địa danh. Show all posts
Showing posts with label Địa danh. Show all posts

Thursday, 2 May 2013

Chùa Hương Nghiêm hay còn gọi Hương Nham (chùa Hang, vì chùa nằm trong lòng động) ở dưới chân núi Hương Nghiêm thuộc xóm Phúc Thọ, xã An Khang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Chùa Hương Nghiêm được xây dựng vào thời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), niên hiệu Đại Chính thứ 8 (năm 1537) tại thôn Thúc Thủy, xã Thúc Thủy, tổng Thường Túc, nay là thôn Phúc Thọ, xã An Khang.
Ngôi chùa được xây dựng từ sáng kiến của hai vị quan hiến sát là Ngô Thọ Khê và Vũ Trạch Xuyên.
Chùa nằm trong hang đá tự nhiên với 2 mái vòm đá và nhiều nhũ đá rủ xuống đủ mọi hình thù. Đặc biệt có nhũ đá hình cổ thụ, tạo cho hang đá một vẻ đẹp kỳ thú, bí ẩn.

Trước đây, trong hang đá còn có giếng sâu 8 đến 9m, gần giếng có dòng suối ngầm rộng khoảng 3m chảy ra sông Lô. Hang có nhiều lối đi lên đỉnh núi, lối xuống suối ngầm, ngoài cửa hang có một dãy núi hình con rồng, giữa hang có phiến đá to hình chiếc thuyền dài 8,7m rộng 4m.

Trong chùa còn có hai pho tượng Bồ Tát cổ bằng đồng và các vật dụng cổ như: giá đọc văn tế, hương án thời Nguyễn và một chiếc mâm đồng có hoa văn cũng từ thời Nguyễn. Đặc biệt là tấm bia “Hương Nghiêm tự bi” (văn bia chùa Hương Nghiêm) trước cửa chùa. Văn bia chùa Hương Nghiêm được tạc vào ngày 27 tháng 2 niên hiệu Đại Chính thứ 8 đời Thái Tông Mạc Đăng Doanh (năm 1537). “Hương Nghiêm tự bi”là một trong những tư liệu thành văn quý hiếm ở thế kỷ 16 được phát hiện ở Tuyên Quang.

Văn bia chùa Hương Nghiêm có chiều cao 1,25m, chiều rộng 1m gồm 2 phần trán bia và thân bia, trên trán bia có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh bia được chạm văn dây đơn giản. Dưới trán bia là 4 chữ đại tự: Hương Nghiêm tự bi.

Văn bia do do 2 vị đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1535), chức Tu thân doãn, Hiến sát sứ Thanh hình, Hiến sát các sứ Tuyên Quang, Triều liệt Đại phu Ngô Hoằng Trinh hiệu là Trinh Túc soạn và vị Thông chương đại phu, Tri phủ Yên Bình, hàng Công khanh là Đỗ Bá Chiêu hiệu là Huỳnh Phủ viết chữ.

Nội dung bài văn bia như sau:
“Dòng Long Vị như dải lụa trắng lượn vòng trước động. Phía sau động là đường cái quan, ngựa xe như nước. Phía tây động, nha môn tòa rộng dãy dài. Trong chùa khói hương nghi ngút, đó là cung Phạm Vương vậy. Trước cung tiền đường, trùng tu mái ngói đỏ tươi, có nơi thắp hương và tam quan. Cứ đến ngày rằm và mùng một, tín đồ thập phương nối gót cầu khấn, tăng ni cúi đầu về phương nam ba lần vái lạy. Những khi đất trời không hoà thuận, cầu nắng thì được trời quang tạnh, khấn mưa thì mưa trải khắp nơi. Chùa rất linh ứng, không thể ngờ được!”

Còn bài minh của người lập bia có nội dung:
Động u nhi cổ, nham sấu nhi hương,
Sáng tự khắc thạch, địa cửu thiên trường.

Dịch nghĩa:
Động sâu mà (có vẻ) cổ kính
Trái núi dáng nhỏ mà lại có hương thơm bay
(Nơi đó) xây dựng chùa và tạc bia đá
(Để cho) muôn thuở (cùng với) trời đất

Dịch thơ:
Động sâu in dấu tích xưa
Núi thanh thanh dáng, hương đưa ngạt ngào
Đất trời bền vững biết bao tháng ngày.
Dựng chùa bia tạc năm nào.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Hương Nghiêm là nơi cất giấu, lắp ráp và sửa chữa hai chiếc máy bay đầu tiên của quân đội Việt Nam trước khi chuyển lên sân bay Soi Đúng. Từ năm 1951-1976, chùa Hương Nghiêm là kho chứa vũ khí, đạn dược của Trạm vận tải và Trung đoàn 331. Chùa Hương Nghiêm đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch sẽ diễn ra lễ hội chùa Hương Nghiêm.

Hiện nay, do nhu cầu mở rộng khuôn viên của chùa Hương Nghiêm, Thầy trụ trì đã cho khánh thiết thêm một số hạng mục của chùa. Đặc biệt nhất là pho tượng Phật nằm, được đánh giá là lớn nhất miền Bắc. Hương Nghiêm tự bi là một trong những tư liệu thành văn quý hiếm ở thế kỷ 16 được phát hiện ở Tuyên Quang, được công nhận là di tích cấp tỉnh.

Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch sẽ diễn ra lễ hội chùa Hương Nghiêm. Du khách muốn đến Hương Nghiêm có thể đi từ thị xã Tuyên Quang qua Yên Sơn để tới Hương Nghiêm.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Phatgiao.org, Vietgle.vn và nhiều nguồn khác.
Con đường đèo nối đèo, dốc nối dốc để rồi bất ngờ mở ra một thung lũng trong mây. Mắt tôi ngợp trong màu xanh cốm giót của ngô non, mía nõn, màu xanh tím của những rặng núi mờ xa, màu xanh trong như lọc của nền trời miền thung Rếch…

< Cảnh sắc thung Rếch.

Một thời chưa xa, cán bộ xã Tú Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) lên họp trên thung phải vạch lau lách, bám vách đá mà leo, đi từ chiều hôm trước, ngủ lại đến sớm hôm sau mới kịp. Một thời chưa xa, chỉ có hai bản thung Dao, thung Mường bám ở rìa còn cả thung lũng hoang vắng đầy cỏ tranh, lau lách.

Một thời chưa xa, khi hai người đàn ông huyện Đà Bắc đi tìm miền đất hứa một lần đi lạc trong thung, giữa rừng già bỗng gặp một luồng khói lạ, lần theo luồng khói gặp khe nước Khặp Khẹ. Có nước là có tất cả. Hai người về thông báo cho mấy chục hộ gia đình Dao Tiền ở quê dỡ nhà sàn cho lên thuyền vượt lòng hồ sông Đà rồi từ thuyền lên ô tô, từ ô tô lên vai vác ngược thung Rếch. Đó là những năm đầu của thập niên 90.

< Đường vào bản Kim Bắc 1, xã Tú Sơn (Kim Bôi) được mở rộng giúp bà con đi lại và giao lưu hàng hóa thuận lợi hơn.

Trưởng bản Kim Bắc 1 Bàn Văn Thắng vốn gốc ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc kể khi xây dựng thủy điện Hòa Bình cả bản phải di lên đồi theo dạng di vén, mồ mả, nhà cửa còn chuyển được chứ ruộng nương đành để ngập dưới sâu vài chục mét nước. Không có đường xá, không ruộng nương, không trường học, không trạm xá, khổ quá bản mới cử người đi tìm chỗ di dân và chọn được thung Rếch.

Hành trang rời quê của họ mỗi hộ được 1,5 triệu đồng tiền vận chuyển, hỗ trợ sản xuất, 3 triệu đồng tiền làm nhà. Nhà chưa dựng xong phải ở tạm trong lán, sáng đi khẩn hoang, tối kê đầu xuống đất mà ngủ. Sáu tháng đầu còn có hỗ trợ, sáu tháng sau phải ăn củ mài, củ sắn cầm hơi, đói trũng sâu hố mắt, đói vàng bủng thịt da.

Cày bằng trâu thì sức trâu không kham nổi vì vướng rễ cỏ tranh đan kết nhiều đời tầng tầng, lớp lớp, vì mắc đá dắt nên phải cuốc bằng sức người. Một nhát cuốc giơ lên phải trải qua các công đoạn đập, rũ, nhặt từng cái rễ cỏ tranh gom lại mà đốt. Nhấc cuốc cả ngày đầu quyết chặt bụi đất lại thêm lẽ nước hiếm hoi, con trai bản ai nấy rủ nhau cạo trọc đầu cho đỡ bẩn.

< Màu xanh cây trồng tràn ngập Thung Rếch.

Đất mới độc, xuất hiện bệnh “sên” ăn, chân tay ngoằn nghèo những đường như giun đi rồi nổi phồng lên nhức đến mức phải lấy kim khều, buốt đến nỗi phải bóp hết nước độc rồi lấy thuốc nam mà đắp. Quần quật cuốc từ lúc mặt trời rạng đến khi gà lên chuồng mỗi người cũng chỉ được mảnh đất bằng hai manh chiếu. Mùa khô ba tháng khe cạn kiệt, cả bản chia nhau vét từng gáo nước đọng đầy mùn, lá mục ở hang Nai về ăn.

Trên thung lắm chuột rừng. Chúng ăn từ lúc hạt ngô giống ở dưới đất đến khi cây đã lên bắp, đóng hạt, có vụ mùa màng gần như xóa sổ. Hết vật họa lại đến nhân họa. Gừng trồng xuống có người vượt núi buổi đêm sang đào trộm, mỗi cân giống khi ấy giá trị bằng non nửa chỉ vàng. Gỗ quý trên rừng đầu nguồn lâm tặc cũng không tha, vác cưa rìu đến đốn. Đất đai tranh chấp giữa cư dân bản địa và người di cư lắm bận đánh nhau toạc máu đầu, trâu bò nhiều khi bị bắt làm “con tin” đòi tiền chuộc.

Bận ấy ở trên núi lại có con chim quỷ về kêu “oong oóc”, đêm đến người lớn không dám ra ngoài, trẻ con không dám đi đái, nhà nhà đóng chặt cửa. Nhiều người hoang mang vì nghĩ chim báo điềm xấu. Một phần ba dân chạy về quê vì sợ ma, sợ miền đất dữ. Trưởng thôn, Bí thư phải tổ chức họp bản gấp chỉ để giải thích đó là tiếng diều hâu kêu mùa giao phối.

< Người nông dân trong ruộng mía nguyên liệu.

Lời nói suông vẫn chưa đủ trọng lượng, cả bản lại bàn nhau góp sức lập một ngôi miếu thờ thành hoàng cho ngài phù trợ, kiên tâm mà ở lại. Khi đó hai bản cũ là thung Mường và thung Dao có ông Triệu Hệ mổ lợn mời người già bản mình cùng người ở bản mới xuống hòa giải.

Sau bữa rượu đoàn kết ấy ông Hệ còn cho bương, cho tre để dựng nhà, đám tang cho người đến giúp đóng hòm, đám cưới cử người đến góp rượu thịt. Những cuộc hôn nhân giữa người mới với người cũ càng thêm bền tình nghĩa thâm giao. Bền đến mức ngay cả cái tên bản ghép đôi Kim Bôi và Đà Bắc thành Kim Bắc 1, 2, 3, 4, 5.

Buổi hội hè, người Dao quần chẹt ở thung Dao, Hạ Sơn, người Mường ở thung Mường, người Tày ở Kim Bắc 2, Kim Bắc 3 đều đến dự. Đến năm 1998 thung Rếch giải phóng hết đất hoang, năm 2003 giải phóng cho cái chân khỏi cảnh đi bộ vì đã có đường vào, liền đó điện kéo về giải phóng nốt cảnh đốt đèn dầu tù mù.

Giờ người lên thung chỉ thấy một màu xanh mướt mát của cây cối, vườn tược mà không thấy biết bao mồ hôi đầm đẫm dân bản đổ xuống. Thế mà đào rễ tranh cấy lúa nương không kết quả, trồng mận sai quả mà không bán được, trồng sắn không có nơi tiêu thụ. Chỉ đến khi cây ngô lai, cây mía giống mới dân bản mới được mở mặt, mở mày.

< Nghề chăn nuôi của dân bản.

Kim Bắc 1 giờ có 20 nhà kiên cố, nhiều hộ như Đặng Văn Thu, Bàn Văn Tiền, Bàn Văn Phong, Bùi Văn Sự, Bạch Công Hợp mỗi năm thu 100-200 triệu đồng với năng suất ngô 6-7 tấn/ha, năng suất mía 70-130 tấn/ha. Vụ vừa rồi ông Triệu Văn Thu không bán ngô tươi mà xây lò sấy, tăng giá trị từ 4.000đ/kg lên 7.000đ/kg. Cả bản có 12 em đại học, cao đẳng, có nhà hai con đều đi như Triệu Văn Thu, Bàn Văn Hưng. Bản thành làng văn hóa vì kinh tế, vì giữ rừng, giữ thuần phong, mỹ tục, vì mấy năm liền không sinh con thứ ba thậm chí có người chỉ sinh một con dù trai hay gái.

“Trước không bao giờ dân chúng tôi mơ đến học đại học bởi trường xa, đi đò cả tiếng đồng hồ mới đến còn đi bộ cả ngày dù trường ở ngay trước mắt bởi vòng qua không biết bao nhiêu núi, bao nhiêu đồi”, trưởng bản Thắng bảo. Để khắc phục chuyện con gái của bản hiện không biết thêu thùa, in váy, nhuộm chàm, con trai của bản không biết đan, không biết chữ của ông cha, sắp tới Kim Bắc sẽ thành lập các lớp học đặc biệt.

Áo của người Dao Tiền cả nam lẫn nữ độc đáo ở chỗ không mặc đơn mà hai cái lồng vào nhau, áo trong dài hơn áo ngoài, áo nam cũng hoa văn, màu sắc như áo nữ. Trong bản nhà nào cũng dành một góc vườn trồng cây chàm nhuộm với những công đoạn cầu kỳ ngâm, lọc bã lấy bột, lấy bột trộn vôi rồi lọc với tro bếp. Ngoài trồng chàm nhuộm (có lá to rất độc) dân bản còn trồng loại chàm xôi chuyên dùng làm màu cho xôi ngũ sắc.

Lớp dạy chữ Dao đã có 50 học viên ở Kim Bắc 1, Kim Bắc 4 đăng ký còn trưởng bản Thắng sẽ đứng ra làm giáo viên. Anh giải thích: “Chữ là chìa khóa mở ra văn hóa cổ. Người Dao Tiền có 12 bộ sách chia làm 3 loại: sách giáo dục nhân cách con người, sách giáo dục lịch sử và sách văn chương, có bộ đã lưu truyền cả ngàn năm. Người Dao Tiền sinh con dăm ngày phải làm mâm cơm báo tổ tiên cho nhập khẩu.

Mỗi gia đình đều có sổ hộ khẩu ghi bằng chữ cổ chép họ tên, giờ, ngày, tháng, năm sinh. Nếu con trai đến 10 tuổi sẽ được đặt tên chính thức còn dưới 10 tuổi không có tên mà chỉ gọi theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5. Khi đứa bé 6-7 tuổi người nhà đã làm vài chĩnh thịt chua để đến lễ đặt tên thì khao bản. Con gái không có lễ đặt tên, lúc nhỏ gọi bằng những con số đến khi lấy chồng gọi theo tên chồng”.

+ Dạo mới mở đất, mỗi khi xuống chợ hễ trông dáng người ai thô kệch, quần áo lôi thôi đoan chắc mười mươi chỉ có người thung Rếch. Thế mà giờ đây nhờ có những “người rừng” ấy gộp vào thu nhập bình quân của cả xã Tú Sơn tăng trông thấy.

+ Dân thung Rếch ước mơ có nguồn nước ngầm để đỡ cực trong những tháng mùa khô khát. Họ bỏ tiền ra khoan thử, chỉ sâu chừng 30 m là chạm nước nhưng để đầu tư một hệ thống nước ngầm cần số tiền rất lớn.

Du lịch, GO! - Theo Nông nghiệp Việt Nam + Internet
Nằm bên dòng sông Cà Ty thơ mộng, tháp nước Phan Thiết là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo do kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang, người Lào thiết kế, ông là Hoàng thân Souphanouvong, nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào.

Theo anh Lưu Ngọc Đức, người bảo vệ tháp nước: Tháp có chiều cao từ nền lên đỉnh là 32m, chia thành 2 phần. Phần lầu đài (bồn nước) hình bát giác, cao 5m, đường kính 9m. Phần dưới của tháp là kiến trúc hình trụ bát giác dưới to, trên nhỏ cao 22m, có đường kính chân tháp là 10m. Nóc của lầu đài có 3 tầng mái che hình bát giác lợp bằng ngói móc.

Tháp do nhà thầu Ưng Du thi công trong suốt từ năm 1928 đến 1934 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho toàn vùng đô thị Phan Thiết. Tháp nước đến nay vẫn sừng sững như tòa pháo đài kiên cố, không hề hư hỏng.

Tháp nước Phan Thiết còn độc đáo hơn bởi dòng chữ “U.E.PT” (viết tắt chữ “Unise Des Eaux de Phan Thiet” - Nhà máy nước Phan Thiết) bao quanh tháp, được ghép bằng những mảnh chén sứ kiểu theo lối viết chữ hình tròn, nhìn từ xa luôn lấp lánh trong ánh nắng miền biển.

Với tuổi đời gần 80 năm, tháp nước Phan Thiết vẫn hiên ngang, lịch lãm đứng bên bờ sông Cà Ty, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nơi này. Tháp nước ngày nay đã không còn tích nước nữa, giờ nó trở thành một điểm tham quan du lịch của Phan Thiết.

Hiện ngành Du lịch ở tỉnh Bình Thuận đưa tháp nước vào danh mục giới thiệu rộng rãi về một công trình hữu nghị độc đáo, thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em. Chính vì thế mà năm nào cũng có những đoàn khách Lào ghé thăm tháp nước như một kỷ niệm không bao giờ quên.

Du lịch, GO! - Theo Báo Ảnh Đất Mũi, ảnh internet

Wednesday, 1 May 2013

Chúng tôi xuất phát chuyến du ngoạn An Giang từ đầu TL943 dầy đặc khói bụi do con đường đang sửa chữa với những đoạn hư hỏng nặng.

Đường về huyện Thoại Sơn bạt ngàn lúa xanh rì hứa hẹn mùa bội thu sắp tới. Đến xã Định Thành, xe bị cán đinh, nên phải dừng lại để vá. Thật ngạc nhiên khi nhiều điểm vá xe chỉ toàn là phụ nữ với nhưng thao tác rất nhuần nhuyễn.

Không khí oi bức tháng 11 dịu dần khi về đến núi Sập. Đường hẹp nhưng người mua bán 2 bên đường tấp nập minh chứng cho một cuộc sống mới của cư dân nơi đây.

Khu du lịch Hồ Thoại Sơn là sự kết hợp hài hoà giữa vẻ đẹp hoang sơ của đất trời  với sự hùng vĩ đầy bí ẩn của thiên nhiên đã  tạo nên khu du lịch hấp dẫn lạ thường. Đến đây, du khách có thể đạp  thuyền thiên nga trên nước, hoặc có thể  dừng lại bên tượng đài ông Thoại cao sững sững dưới chân núi Thoại Sơn.

Tương truyền núi này trước đây có tên là núi Sập, sau này để ghi nhớ công lao to lớn của Thoại Ngọc Hầu, triều đình Nguyễn mới đổi tên là Thoại Sơn, con sông chảy qua đất đặt tên là Thoại Hà, và địa danh huyện Thoại Sơn bây giờ cũng bắt đầu từ câu chuyện đó.

Rời Thoại Sơn, chúng tôi tiến dần về hướng huyện Tri Tôn. Đường hẹp dần. Khi đi qua những cái tên rất ngộ nghĩnh như: Xã Vọng Đông, Vọng Thê, thị trấn Óc Eo, núi Cô Tô, Ba Thê...
Đường lên núi Ba Thê khá nguy hiểm và trắc trở. Một số thành viên nữ phải dừng lại giữa chừng.

Nhớ lúc chuẩn bị xuất phát, người dẫn đường cảnh báo “mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa thì mấy ông chớ có liều mạng chạy lên đây bởi đường rất trơn và nguy hiểm...”. Theo số liệu xưa, núi Ba Thê cao 30 trượng, chu vi 13 dặm, phía Tây là sông Thoại Hà thơ mộng, trữ tình. Phía trước giáp với bưng biền, cỏ rậm bùn lầy.

Tương truyền, ông Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào cho sông rộng ra để thuyền bè đi lại, mua bán làm ăn dễ dàng. Nằm dưới chân núi Ba Thê hùng vĩ, Linh Sơn cổ tự còn gọi là chùa Phật Bốn Tay (thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Nơi chân núi còn là ngôi đình thờ ông Phan Thanh Giản.

Đỉnh núi còn có vết chân khổng lồ mà nhân dân tín ngưỡng gọi là Bàn chân tiên. Cách chùa Sơn Tiên chừng 10m còn có Nhà trưng bày cổ vật văn hóa Óc Eo - An Giang. Công trình này có lối kiến trúc mang dấu ấn của nền văn hóa Hindu giáo. Phía Bắc của núi Ba Thê còn có hang Ông Hổ, Chót Ông Tà, nơi thờ phượng thần Núi...

Càng về Tri Tôn, đường càng xấu. Thấp thoáng những sân phơi bong bóng cá Tra vốn là đặc sản của miền quê nơi đây. Mưa cuối mùa bất ngờ ập xuống. Chúng tôi trú mưa tại nhà ông Dương Văn Ẩn, xã Tân Tuyến được nghe ông kể nhiều câu chuyện thú vị về huyền thoại đồi Tức Dụp, vốn là căn cứ địa cách mạng trong những ngày chiến tranh ác liệt nay giờ đã thành khu du lịch tiềm năng.

Mưa tạnh, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Tiếng máy xay đá đang hoạt động, tiếng xe ben gầm rú dưới chân núi Cô Tô tạo âm thanh rất khẩn trương. Chùa Xvay Ton (đọc trại thành Tri Tôn) rất uy nghi lộng lẫy trong ánh sáng lung linh và tĩnh lặng. Đây là ngôi chùa cổ nhất ở An Giang.

Đường về Châu Đốc thật đẹp, phẳng lì, nhiều cây Thốt Nốt mọc san sát 2 bên tỉnh lộ, nghe nói có cây đã hàng trăm năm tuổi.  Dù là buổi chiều nhưng chúng tôi thấy khá nhiều đoàn du khách tập trung tại chân núi Cấm. Đường vẫn chưa thông được lên đỉnh  sau sự cố sạt lở đá núi vừa qua làm chết nhiều người.

Trong màn đêm, hình tượng con kéc khổng lồ bằng đá đang chót vót trên đỉnh núi thật lạ lùng, hấp dẫn. Ngã 3 Nhà Bàn luôn đông đúc người và xe đi lại dù trời đang tối dần. Núi Sam đã hiện ra trước mắt. Khu vực xung quanh miếu bà Chúa Xứ vẫn mua bán nhộn nhịp dù đã rất khuya.

Dì Nguyễn Thị Bảy, người có thâm niên hơn 50 năm bán mắm cá lóc, mắm thái tại đây cho biết “Tháng giêng đến tháng 4 tụi tui bán “dữ trời” lắm, mấy tháng còn lại  cũng lai rai...”. Đêm Núi Sam thật sôi động với hàng trăm lô sạp bán quần áo “Si Đa”, đồ thờ cúng, quà lưu niệm, quán ăn...

Hừng đông, chúng tôi đến viếng Tây An cổ tự, mộ ông Thoại Ngọc Hầu và bà Châu Thị Tiếp, miếu bà Chúa Xứ đang chìm ngập trong khói nhang nghi ngút. Đây là những di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đang được bảo tồn rất chu đáo, trang nghiêm. Ngang qua 2 khu vườn tượng điêu khắc quốc tế, chúng tôi nghe kể nhiều về quá trình hình thành tốn rất nhiều công sức của nhiều nhà điêu khắc gia trong và ngoài nước.

Thị xã Châu Đốc vẫn sầm uất nhộn nhịp như ngày nào với đủ chủng loại mặt hàng, nhất là hàng nhập khẩu từ Thái Lan và Cam Pu Chia. Cầu Cồn Tiên to rộng trong nắng mai. Qua cầu đã thấy thấp thoáng nhiều chiếc xe đẩy mua bán di động của người Chăm An Giang.

Thánh đường Ấp Hà Bao 2, xã Đa phước, huyện An Phú khá lộng lẫy và phủ màu trắng toát. Cạnh đó nhiều ngồi nhà dân tộc Chăm mới cất mọc lên. Đây Búng Bình Thiên thơ mộng tiêu biểu cho nền văn hóa sông nước nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng thật hấp dẫn với nhiều sản phẩm rất đặc trưng.

Du lịch, GO! - Theo Song Anh (báo Giao Thông Vận Tải), ảnh internet
Nhắc về miền Tây, du khách không chỉ nghĩ ngay đến những đặc trưng của miệt vườn sông nước, cây lành trái ngọt... mà miền Tây còn nổi tiếng bởi những khu chợ như: Chợ nổi, chợ trái cây, chợ cá miệt đồng... Và, đặc biệt là ở vùng Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, còn có một khu chợ chuyên bán gạo...

Từ Tp. Hồ Chí Minh về miền Tây, ngang qua địa phận xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, người đi đường hay lấy làm lạ về cảnh tượng xe tải chở hàng nhộn nhịp trên một đoạn đường dài cả cây số. Nơi ấy, không phải là thị tứ hay thị trấn, cũng không phải là bến xe, nhưng xe tải các loại luôn đậu chật kín bên đường...

Đó là một khu chợ chuyên kinh doanh mặt hàng duy nhất là gạo, người địa phương thường gọi là “Chợ gạo Bà Đắc”; còn giới kinh doanh lúa gạo gọi là “Chợ gạo Cái Bè”. Chợ nằm trên dải đất hẹp giữa QL1 và sông An Cư.

Đầu tiên, chợ gạo này chỉ là một xóm nhỏ bên đường, với mấy nhà máy xay xát loại nhỏ... Khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường, lúa gạo trở thành hàng hóa, ĐBSCL trở thành nơi cung cấp gạo chủ yếu cho xuất khẩu..., đó là những cơ hội vàng để những chợ gạo miền Tây hình thành và phát triển. Nơi nào giao thông thuận lợi, sẽ trở thành chợ đầu mối, như chợ gạo Bà Đắc - Cái Bè, thuận cả đường sông và đường bộ.

Nhiều năm nay, chợ gạo đầu mối Bà Đắc làm ăn sung túc... Chủng loại gạo phong phú, đến từ nhiều địa phương khác nhau, như Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, các tỉnh lân cận. Gạo đến từ các vùng nước ngọt, và cả các vùng nước lợ của đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhiều loại gạo thơm ngon nổi tiếng.

Bà Bùi Thị Nữ, khởi đầu là thương lái chuyên mua lúa cung ứng cho chợ Bà Đắc, bây giờ là chủ vựa gạo Tấn Vinh cho biết, trước đây mua ghe lúa nào là xay luôn ghe đó, gạo bán ngay cho các công ty. Bà đã xây kho để có gạo dự trữ theo xu thế chung của chợ đầu mối Bà Đắc. Một chủ “hàng xáo” tên Trần Thị Phương, cũng là dân làm gạo lâu năm kể: Trước đây, hàng xáo như chị luôn phải chạy đôn chạy đáo tìm sân phơi lúa. Tại chợ đầu mối chỉ nhận lúa đúng tiêu chuẩn, theo đặt hàng của các doanh nghiệp lớn. Chợ đầu mối này đã kích thích sự ra đời của gần 500 sân phơi, lò sấy lúa lớn nhỏ quanh vùng. Hiện chợ có trên 40 nhà máy gia công lau bóng gạo xuất khẩu và gần 80 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo hoạt động ngày đêm...

An Cư được xem như là trung tâm của vùng sản xuất lúa cao sản Tiền Giang, lại có khả năng thu hút lúa gạo từ Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Đây là khu vực thuận tiện về giao thông đường thủy, xà lan trọng tải lớn cũng có thể đi lại. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến chợ thì thấy phương tiện nhiều nhất trên sông lại là những chiếc thuyền có trọng tải vừa phải, bởi nó cơ động và phù hợp với thực tế giao thương.

Cả một đoạn sông trên bến dưới thuyền, nhộn nhịp và thơ mộng giữa đêm trăng sáng. Hai bên bờ sông An Cư, nhà cửa thuyền ghe san sát. Bên này là bến đậu của những chiếc ghe đang lên hàng, công nhân nối nhau cõng lúa lên bờ, cõng gạo xuống ghe. Bên kia bến sông ít nhà hơn, nhưng ghe từ các nơi về chờ lấy hàng cũng ken san sát.

Một ngày mới ở chợ gạo đầu mối Bà Đắc, thường được bắt đầu từ các bà bạn hàng xáo, hay tụ năm tụm bảy trên bờ sông. Họ vừa ăn cơm vừa trò chuyện, vừa trao đổi với nhau về công việc thu mua lúa gạo trong ngày. Những người ở đây làm nhiều nghề khác nhau, nhưng tựu trung đều là những người góp phần đưa hạt gạo của đồng bằng Nam Bộ đi xa... Họ là những thương lái chờ mua, những bạn hàng xáo đang chờ bán, những công nhân khuân vác, những hàng quán bình dân khuya sớm... Mỗi người mỗi việc, cùng nhau làm nên chợ gạo Bà Đắc sung túc mà vẫn giữ được nét riêng của chợ vùng sông nước phương Nam.

Đời chợ cũng không nhẹ nhàng, nhất là công nhân bốc vác. Gạo từ ghe lên vựa; từ vựa ra ghe hàng, xe tải. Những cây cầu ván chênh vênh thấm đẫm mồ hôi đêm ngày... Theo tổng hợp của xã An Cư, huyện Cái Bè, số công nhân bốc vác ở chợ Bà Đắc lên đến cả ngàn người, trong đó 2/3 là dân tứ xứ.

Một chủ quán cơm ở gần cầu Bà Đắc nói, ngày nào cũng bán sạch mấy nồi cơm, nấu gần 100kg gạo. Bán cũng cực, lời không bao nhiêu, nhưng đông vui là được. Từ chợ gạo đầu mối Bà Đắc này, theo thời gian làm ăn phát đạt, đã hình thành nên chuỗi chuyên doanh lúa gạo: Thu mua, xay xát, lau gạo theo hợp đồng, tiếp thị, cung ứng, vận chuyển... Nghề nào xem ra cũng phát đạt.

Cũng từ chợ gạo đầu mối, những thông tin về giá cả, chuẩn chất lượng hàng hóa theo hàng xáo về với nông dân, về với ruộng đồng, để cây lúa miền Tây chuyển động nhịp nhàng với thương trường, với cuộc sống hôm nay.

Chợ gạo Cái Bè không chỉ thu hút các thương lái gần xa, mà còn làm cho đời sống người dân địa phương thêm phần nhộn nhịp. Qua chợ, có thể thấy bức tranh nông nghiệp đồng bằng, với cây lúa vẫn là chủ lực. Câu chuyện về chợ Bà Đắc xem ra cũng chính là câu chuyện của những nhà nông đồng bằng.  

Du lịch, GO! - Theo Trần Trọng Triết (báo Giao Thông Vận Tải), ảnh internet

Tuesday, 30 April 2013

Sẽ rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai bằng lời, bởi thiên nhiên, cảnh vật và đời sống con người nơi đây, dường như vượt quá xa những khái niệm, quy chuẩn về "vẻ đẹp".

Đã có rất nhiều những nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên lẫn không chuyên đến nơi đây và mang về cho người xem những tấm ảnh tuyệt diệu. Tuy nhiên, đầm Cầu Hai vẫn còn nguyên đó những vẻ đẹp kỳ thú mà bất cứ ai cũng có thể khai thác.

Đầm Cầu Hai là khu đầm lớn nhất trong hệ thống đầm của phá Tam Giang với chu vi lên đến hơn 100km, nằm ở phía Nam - trên địa phận huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.

< Đầm Cầu Hai ở cửa Tư Hiền.

Để đến được đây thì bạn có thể đi theo hai đường: một là từ ngã 3 sân bay Phú Bài, đi theo đường Phú Bài - Trường Hà hướng ra biển, gặp QL 49B rẽ phải khoảng 30km là cửa Tư Hiền, đó là nơi chụp đầm Cầu Hai đẹp nhất, hoặc là đi theo QL 1A từ Huế vào Đà Nẵng, đến khu vực Ga Cầu Hai sẽ thấy ngay bên trái là đầm Cầu Hai. Đi thêm khoảng 8km nữa là lại gặp QL 49B để rẽ trái vào cửa Tư Hiền được.

< Sửa lưới trên Phá Tam Giang.

Khi đến với Đầm Cầu Hai bạn đừng quên đem theo một chiếc máy ảnh vì đây sẽ là một nơi lý tưởng để bạn trổ tài chụp hình của mình đấy. Lúc sáng tinh mơ, chiều nắng vàng, hoàng hôn, hoặc ngày mây vần vũ là thời điểm thích hợp để có những bức ảnh tuyệt vời đấy.

Ảnh chụp lúc 8h sáng tại cầu Tư Hiền, cách Huế 70km, cầu này bắc ngang qua đầm Cầu Hai.
Đừng lo vì mình đến không đúng thời điểm, trong thời gian chờ đợi bạn có thể mua thức ăn của dân và ăn trên đầm cũng là một trải nghiệm khá thú vị.

Còn nếu bạn nào có nhu cầu ở lại thì có thể đi ven QL 1A hoặc sát biển, gần cửa Tư Hiền kiểu gì cũng có nhà nghỉ.

Một số địa điểm gợi ý để bạn chụp ảnh:
- Cửa Tư Hiền
- Khu ga Đá Bạc, Cầu Hai, Thừa Lưu
- Chùa Túy Vân (phía gần biển, cách cửa Tư Hiền khoảng 3km về phía Bắc)

Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai là tổng thể đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Khu đầm này trải dài 68 km thuộc địa phận năm huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, và Phú Lộc.

Về mặt địa lý khu đầm này là bốn đầm nối nhau từ bắc xuống nam gồm:
- Đần Phá Tam Giang
- Đầm Sam
- Đầm Hà Trung-Thủy Tú
- Đầm Cầu Hai.
Các đầm có những dải đất dài gồm những đụn cát cao ngăn đầm với biển. Có nơi cồn cát cao đến 20 m.

Đầm Phá Tam Giang chạy dài khoảng 27 km bắt đầu từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương với diện tích 5.200 ha. Phá thông với biển bằng mỗi cửa Thuận An. Còn Đầm Sam nhỏ hơn với diện tích 1.620 ha, không thông ra biển.
Đầm Hà Trung-Thủy Tú dài và hẹp với diện tích 3.600 ha cũng là đầm kín không thông ra biển. Riêng Đầm Cầu Hai là lớn nhất với diện tích 11.200 ha. Cửa Tư Hiền thông đầm Cầu Hai với biển Đông.
Hệ đầm hứng nước gần như tất cả các con sông lớn trong tỉnh Thừa Thiên nên nước đầm tương đối ngọt rồi chuyển sang nước lợ vào mùa khô.

Vì được cấu tạo bởi những động lực từ các nguồn sông, lũ, bão và sóng biển, quần thể đầm phá Tam Giang - Cầu Hai từng biến chuyển qua nhiều thời kỳ. Gần đây nhất năm 1953 cửa Tư Hiền bị cát lấp, mãi đến năm 1959 mới mở lại.

Cửa Thuận An cũng đã di dịch tùy vào thủy văn. Đặc biệt nhất là năm 1999 khi có lũ lớn, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai mở thêm ba cửa thông ra biển: cửa Hòa Duân, cửa Vinh Hải, và cửa Lộc Thủy. Những cửa này không tồn tại lâu dài vì sau đó ít lâu lại bị cát bồi lấp đi.

Du lịch, GO! - Theo Xóm Nhiếp Ảnh, Wikipedia...
Nguy hiểm nhưng đèo Hải Vân vẫn được coi là con đèo nên thơ, hùng vĩ, tráng lệ bậc nhất Việt Nam. Đèo Hải Vân nằm trên một dải núi cao thuộc dãy Trường Sơn, dải núi này cắt ngang phần lãnh thổ đất nước từ khu vực biên giới phía Tây tới tận sát bờ biển, nên được coi là danh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.

Đèo Hải Vân dài hơn 20km, đường qua đèo đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Do địa hình phức tạp, độ dốc tương đối cao, đường quanh co liên tục với nhiều đoạn cua rất nguy hiểm, lại thêm hay sụt lở về mùa mưa, nên trước khi hầm Hải Vân được xây dựng và đi vào hoạt động, đèo Hải Vân là con đèo nguy hiểm bậc nhất Việt Nam, là nỗi lo cho bất kỳ tài xế, hành khách nào khi di chuyển qua khu vực này.

< Một đoạn đèo từ trên cao nhìn xuống.

Nguy hiểm là thế, nhưng đèo Hải Vân đồng thời cũng được coi là con đèo nên thơ, hùng vĩ, tráng lệ bậc nhất Việt Nam với một bên là biển xanh mênh mông, thăm thẳm, một bên là núi non điệp trùng, cảnh sắc vô cùng ngoạn mục.

< Một cột mốc kilômét ở lưng chừng đèo Hải Vân.

Chẳng thế mà vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông, sau khi vi hành nơi này, đã đặt tên cho đèo là “Đệ nhất hùng quan”. Cái tên này sau đó đã được vua Minh Mạng cho khắc lên cổng đá trên đỉnh đèo.

Kể từ tháng 6/2005, hầm Hải Vân được hoàn thành và đưa vào hoạt động, làm cho giao thông giữa Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng trở nên thuận tiên, an toàn hơn rất nhiều. Bởi vậy, nơi đây được đầu tư phát triển thành cung đường du lịch. Các điểm dừng nghỉ trên đèo đã được xây dựng, tạo điều kiện cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn khi đi vãn cảnh trên đèo.

< Những tòa nhà cao tầng, những nhà máy vươn mình trên biển.

Xe cộ phương tiện qua lại đèo Hải Vân giờ rất vắng vẻ, chỉ còn xe máy và một số ít loại phương tiện không được phép qua hầm đi lại trên con đường này. Với mặt đường còn khá tốt, đi lại dễ dàng, cảnh sắc hùng vĩ, nên thơ, lại là một con đèo nổi tiếng với lịch sử hàng trăm năm tuổi, nên đèo Hải Vân hấp dẫn dân du lịch bụi, dân phượt.

< Toàn cảnh Ải Vân quan.

Có chầm chậm phóng xe máy qua đèo một lần, và tận mắt ngắm nhìn cảnh đẹp nơi đây mới thấy cái tên “Đệ nhất hùng quan” quả thật xứng đáng.

< Cổng Ải Vân Quan.

Ở phía Nam của đèo, nhìn từ trên đèo xuống, TP Đà Nẵng hiện ra hiện đại, tráng lệ với những tòa nhà cao tầng, các nhà máy, ống khói vươn cao, nằm nép mình bên bờ biển xanh mềm mại, tỏa sáng như một viên ngọc trên biển đông.

< Mùa mâm xôi dại trên đèo Hải Vân.

Ở phía Bắc đèo, thuộc địa phận Thừa Thiên Huế, đầm Lập An và làng chài Lăng Cô lại tạo nên một khung cảnh bình yên khác hẳn. Những ngôi nhà khang trang ngói mới soi mình xuống biển xanh thăm thẳm, những cồn cát trắng tinh khôi trải dài tít tắp, phía xa là dãy núi điệp trùng với mây trắng bao phủ, vút cao ở lưng chừng trời là cầu lên hầm Hải Vân chạy thẳng vào lòng núi. Tất cả tạo thành một bức tranh nên thơ khiến du khách chỉ có thể đứng lặm ngắm nhìn…

< Bãi biển Lăng Cô đẹp như tranh vẽ.

Chạy dọc đường đèo, biển xanh sẽ luôn hiện diện trong tầm nhìn của du khách, khi thì trải rộng ra đến muôn trùng, khi lại ở rất gần, rì rào và xanh thẳm...

< Làng chài Lăng Cô, cầu lên hầm Hải Vân nhìn từ chân đèo.

Ở những đoạn thích hợp, du khách có thể đứng ở trên đèo và nhìn xuống đoạn đường ngoằn nghoèo, gấp khúc mình vừa đi qua ở phía dưới, trông vô cùng ngoạn mục.

< Du khách vui vẻ “tạo dáng” bên cột mốc chân đèo.

Án ngữ trên đỉnh đèo là Hải Vân quan mà vua Minh Mạng đã cho xây dựng. Trên có cổng đá với dòng chữ “Đệ nhất hùng quan” Ngài đã cho khắc năm xưa. Hải vân quan đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây cũng là một điểm đến hấp dẫn du khách. Từ  Hải Vân quan, có thể nhìn ngắm toàn bộ khung cảnh trên đèo.

Phiêu trên đỉnh đèo Hải Vân
Đèo Hải Vân - "Đệ nhất hùng quan"
Hải Vân Quan trong sa mù...

Du lịch, GO! - Theo Dreamcatcher (Du lịch Huế)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống