Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Định nghĩa từ phượt. Show all posts
Showing posts with label Định nghĩa từ phượt. Show all posts

Sunday 28 April 2013

“Phượt” (hay gọi một cách dân dã hơn là “du lịch bụi”) đang ngày một trở thành hiện tượng phổ biến trong giới trẻ ở Việt Nam. Và bên cạnh mục đích ban đầu của phượt là để khám phá những vùng đất mới, nghỉ ngơi thư giãn, tiếp xúc với văn hóa, cư dân bản địa… trong giới “phượt thủ” đã xuất hiện những chuyến đi liều lĩnh, có phần quái dị mà người ngoài cuộc khó có thể tưởng tượng ra.

Một chiếc xe máy, một ba lô với vài thứ cần thiết và một chiếc máy ảnh là đủ để các bạn trẻ thực hiện chuyến “phượt” (nghĩa là đi du lịch bụi hoặc tự túc tổ chức tour du lịch bất kể bằng phương tiện nào…). Những trải nghiệm từ hành trình khám phá những vùng đất mới có lắm bất ngờ lẫn không ít khó khăn, nhưng ít nhiều giúp các bạn trẻ rèn luyện kỹ năng sống - hành trang cần thiết để vững bước vào đời.

Niềm đam mê "đi bụi"

Kể về “phượt” hiếm thấy ai hứng khởi như Nguyễn Thị Tuyết Phương  , cô sinh viên năm thứ 4, ĐH Nông nghiệp 1. Phương chia sẻ, ngay từ năm thứ nhất cô đã cùng “xế” thong dong qua bao con đường quanh các tỉnh miền Bắc. Và cũng rất nhiều lần cô được nếm trải cảm giác lạ lẫm khi lang thang đến miền đất lạ...

“Phượt đem lại cho bạn cảm giác tự do, có thể vạch ra lộ trình mình thích với khung thời gian linh hoạt. Bạn có thể dành cả nửa ngày chỉ để ngồi ngắm sông Mã ồn ào chảy siết từ một góc cao của Mường Lát hay đứng lặng hàng giờ trước những tu viện tráng lệ ở Shangrila.

Không có hướng dẫn viên du lịch nào hối thúc bạn, cũng không bác tài xế nào phải cáu gắt vì đợi bạn quá lâu. Với phượt, bạn là người viết lên hành trình cho chính mình”, Cùng đam mê "phượt", Tuấn Tú , K29b, khoa Báo chí, Học viện báo chí và Tuyên Truyền , đang háo hức chuẩn bị cho kỳ đi các tỉnh miền Trung.

Để chuẩn bị cho chuyến đi trong tháng 6 này chu đáo và có kết quả cao Tú và các bạn trong đoàn đang lên kế hoạch chi tiết, Tú chia sẻ “ Mình đi Phượt cũng được năm rồi, điều thú vị đầu tiên mình có được đó là cảm giác thoải mái và không khí mát mẻ ở những nơi mình đã đến. Đi bụi trở thành niềm đam mê của mình ngay ở thời gian nghỉ hè ở các năm học đại học, mình được thỏa mình chime nghiệm vẻ đẹp ở những miền đất mới, lạ….”

Hằng , một nữ “phượt tử” cho biết: “Mình chưa tham gia nhiều lắm các chuyến phượt nhưng luôn cố gắng thu xếp thời gian, khi nào rảnh là vác balo đi. Có đi mới thấy đất nước mình đẹp lắm, mới thấy những cung đường, những con người hiền hậu. Và có đi, mình mới có thêm được những người bạn cực kỳ thú vị. Nó khác hẳn với các chuyến du lịch theo tour hay đi cùng gia đình, bởi đơn giản, bạn được làm những gì mình thích, đi những nơi mình muốn”.

Đi để trải nghiệm

Đi “ Phượt” bắt  đầu nổi thành trào lưu từ khoảng chục năm trở lại đây, trào lưu xê dịch, du lịch bụi phát triển mạnh mẽ và lan rộng trong cộng đồng giới trẻ. Thích va vấp, cọ xát, ngã vào thực tế là một trong những cách học thú vị. Đó chính là là bài học của  sự hòa nhập cộng đồng, của việc chạm vào tình yêu nơi họ đến…Phần lớn giới trẻ thích du lịch bằng cách đi “ Phượt”, vì họ thích tự do và mạo hiểm, được thỏa mình khám phá những điều bí ẩn ở các miền đất.

Minh Ngọc (Thái Bình) chia sẻ : “ Cách đây hai năm về trước, mình làm hướng dẫn viên du lịch cho các tour nhưng sau khi đi phượt với nhóm bạn ở Hà Giang về mình tạm bỏ nghề đi “ bụi” luôn, ban đầu gia đình phản đối kịch liệt nhưng sự quyết tâm của chính bản thân mình đã thuyết phục được bố mẹ. Đi phượt thoải mái và dễ chịu khác hẳn với đi tour, vì ở đây mình được tự do khám phá thiên nhiên, con người tại các nơi mình đi, chỉ cần chiếc xe máy và một số đồ dùng cá nhân là mình có thể đi được….

Điều đặc biệt ở “ phượt” là mình được trải nghiệm thực tế, đi mới biết được cuộc sống khó khăn của đất nước mình, khám phá vể đẹp huyền bí của thiên nhiên, thật lý thú.”

“Ban đầu nghe chúng bạn nói về Phượt mình cũng không biết gì đâu, nhưng sau đó đi một thời gian mình thấy thích và đam mê. Đi mới biết được nhiều thứ, cái mình thích ở “phượt” đó là sự trải nghiệm của ban thân. Cứ ở nhà không đi đâu mình sẽ nhỏ bé và không đáng giá chút nào, nhưng đi phượt rồi bản thân mình sẽ chiến chắn và quyết đoán hơn. Sự trải nghiệm của bản thân là phần quả chiến thắng nhiều nhất trong cuộc sống” (Tuấn Tú cười và chia sẻ).

Theo nhận xét của PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ, một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử văn hóa, phong trào đi du lịch bụi ngày Tết là một khuynh hướng mới của giới trẻ gần đây.

Ông nói: "Thời buổi bây giờ khác đi, nhất là kinh tế thị trường nên lớp trẻ bây giờ cũng ít quan tâm đến phong tục. Họ thích đi chơi, thích những thú vui hiện đại và họ cho những phong tục là cổ lỗ. Ở đây có sự giao lưu vừa là xung đột, vừa là đối thọai giữa các thế hệ. Thay vì trách học thì hãy thừa nhận trào lưu này”

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Khuyên (Giaoduc.net), internet

Thursday 4 April 2013

Trong những hành trình rong ruổi, được uống ly cà phê ở lưng chừng đèo khi hoàng hôn xuống, bên bờ suối khi bình minh lên... thì thật không còn gì thú vị bằng.

< "Tiệc" cà phê ở thảo nguyên xanh Yên Minh (Hà Giang).

1. So với thưởng trà thì cà phê xem ra không phức tạp lắm. Đồ nghề đi kèm cũng không đòi hỏi phải chén tống, chén quân, khay đĩa lích kích lại dễ vỡ. Trong khi trà đòi hỏi một không gian tĩnh, một địa điểm tĩnh thì cà phê có phần linh động hơn nhiều. Có lẽ vì thế, cà phê trở thành món ngon khó bỏ của nhiều khách lữ hành trên đường phiêu du.

Trong nhiều hành trình rong ruổi, việc dừng chân và ghé vào quán nhỏ dọc đường để uống ly cà phê cho tỉnh táo đã là cái thú. Mà được uống cà phê dọc đường, lưng chừng đèo khi hoàng hôn xuống, bên bờ suối khi bình minh lên... những nơi mà chả bao giờ có quán cà phê dịch vụ thì thật không còn gì thú vị bằng.

2. Những năm 2006, khi phong trào uống cà phê trên đường phiêu du bắt đầu được dân đi bụi bằng xe máy đưa vào lộ trình như một việc không thể thiếu, đồ nghề chuẩn bị cho món ngon xem ra khá đơn giản.

Cà phê tan có sẵn đường, sẵn sữa. Một cái xoong nhỏ, mà thời đó xoong khuấy bột cho trẻ em là thích hợp nhất. Vào hiệu thuốc mua vài chai cồn sát trùng. Chai nước lọc và một lon nước ngọt rất không liên quan đến món cà phê.

Dẫn đoàn sẽ là người chọn thời điểm và địa điểm hạ trại, thường khi xuất phát khoảng một giờ đồng hồ, các thành viên nhóm bắt đầu phiêu với nắng, gió, núi, đèo, mây, nước… thì sẽ dừng lại. Mỗi người mỗi việc. Lon nước ngọt cắt ra làm đôi, lấy đáy để đựng cồn nước. Ba viên đá kê lại thành bếp, xoong khuấy bột bắc lên, đổ nước vào, đun một loáng là sôi.

< Không có nồi thì dùng tạm lon coca nấu nước.

Cà phê tan pha ra, nóng hổi, thơm ngào ngạt. Có ly giấy thì mỗi người một ly trang nhã. Còn không thì chai nước suối cắt khéo là có 2 cái ly quá tiện rồi.

Giản tiện hơn, một lần dừng chân ở ngã ba Lử Thẩn, đường đi Bản Phố (Bắc Hà), Simacai, một sớm mùa đông mà nắng lên trong vắt, hơi lạnh của núi rừng vẫn ẩm ướt dưới bánh xe, cả bọn thèm một ly cà phê khó tả. Chỉ có cà phê, có nước lọc, không có xoong, cũng không có cồn khô.

Nào có hề gì, một xe quay ngược lại độ vài cây số tìm mua một lon nước ngọt, cồn không có thì đã có củi khô, vỏ lá giòn rụm bên vệ đường. Bạn đồng hành tỉ mẩn mài bay nắp lon nước ngọt, rồi bắc bếp lá, dùng lon coca làm siêu đun nước, đổ cà phê vào hòa tan. Độ 15 phút sau là mỗi đứa đã chia nhau ngụm cà phê nóng bỏng lưỡi, thỏa mãn, phiêu diêu.

< Pha cà phê bằng xoong.

3. Một chặng đường dài hơn 5 năm đã trôi qua, câu chuyện về những ấm cà phê trên đường phiêu du đã có nhiều biến chuyển, dù vẫn còn đó những con người đầy ắp đam mê xê dịch trong trái tim. Một chiếc siêu sáng loáng bé xinh đã thay thế chiếc xoong khuấy bột. Những nhóm đi cầu kỳ mang theo cả bếp gas du lịch, tiện dụng và rất chuyên nghiệp.

Thay vì uống cà phê hòa tan, dân đi bắt đầu mang theo phin, cà phê bột, đường, sữa, ly giấy... Và thế là không cần vào quán, tự chúng ta đã thành... chủ quán, đợi cà phê tí tách rơi ngay trên đỉnh đèo hay trên một bờ sông lộng gió.

Uống cà phê trên đường thiên lý giờ đã thật đậm chất “chơi” với dân du lịch, nhất là với dân đi xe đạp hay xe máy vì với ôtô thì quá thuận lợi trong việc vận chuyển công cụ, dụng cụ và nguyên liệu cho thú chơi tao nhã và thi vị này.

4. Một trong những chi tiết nên có của một buổi cà phê tao nhã trên đường thiên lý đó chính là âm nhạc. Chỉ bằng một chiếc loa du lịch chạy pin và một thiết bị nghe nhạc phù hợp, thanh âm của những bản tình ca rộn ràng hay réo rắt sẽ cùng bạn ghi dấu vào hành trình những khoảnh khắc khó quên.

Dọn dẹp kỹ lưỡng trước khi rời đi, để lại cho nơi ta đến chỉ là những dấu giày bám bụi và mang đi những kỷ niệm ngọt ngào, hẳn là một thứ văn hóa cà phê trên đường thiên lý hay ho.

Du lịch, GO! - Theo Băng Giang (Tuổi Trẻ), internet

Sunday 31 March 2013

Một chiếc xe Win, dăm bộ quần áo, chút đồ dùng cá nhân, Paul – một vị khách du lịch đến từ nước Anh đã khám phá dải đất hình chữ S bằng những thứ đơn giản như thế.

Mê Việt Nam qua TopGear

Giữa cái nắng mới đầy ấm áp đang trải khắp cả một đoạn đường Trường Sơn thuộc đất Quảng Bình. Một cảnh tượng lạ: Một ông Tây có cái đầu tròng trọc ướt nhèm lã chã mồ hôi đang ngồi sửa chiếc xe Win cũ mèm ven đường.
Chúng tôi đỗ xe, tiến lại gần xem có thể giúp gì được cho vị khách lữ hành ngoại quốc này. Anh ngẩng lên chào bằng một cái nhún vai làm như là chuyện mình đang gặp phải chỉ là chuyện nhỏ. Khá lành nghề, ít ai nghĩ rằng, ông Tây kia chỉ mất khoảng 15 phút để thay thế chiếc săm xe vừa bị đinh xuyên thủng.

< Paul biết đến Việt Nam qua chương trình Top Gear.

Anh là Paul – một khách du lịch đến từ nước Anh, người đã một mình xuyên Việt bằng xe máy chẳng khác nào một tay “phượt ta” chính hiệu. Paul mới đến Việt Nam được 2 tuần, tự mình liên hệ để mua một chiếc Win với giá 280 đô ở Sài Gòn, tự mình lên kế hoạch, lộ trình và tự mình trải nghiệm cái cảm giác chạy xe máy dọc dải đất hình chữ S.
Paul cho hay, anh không biết nhiều về Việt Nam kể từ sau khi xem xong chương trình Top Gear đến Việt Nam trên kênh truyền hình BBC.

Quá ấn tượng với phong cảnh về một đất nước có tên Việt Nam. Quá háo hức được thử cảm giác chạy xe máy đi dọc những bờ biển, qua những con đường khi thì đèo dốc quanh co, khi thì thẳng băng hai bên là cây cối xanh mướt. Paul đã quyết định một mình “bắt chước” các BTV của chương trình Top Gear khám phá Việt Nam.

< “Bạn đồng hành” xuyên Việt của Paul là một chiếc xe Win.

“Tôi nhớ là tôi xem chương trình mà Top Gear giới thiệu về đất nước các bạn đúng vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh. Có hai thứ khiến tôi ấn tượng nhất sau khi xem xong. Đó là cảnh quá đẹp và ở Việt Nam có rất nhiều xe máy” – Paul chia sẻ.

“Ý tưởng xuyên Việt bằng xe máy đúng là không hề tồi. Tôi cũng đã mua một chiếc xe máy cũ. Đã tự đi và cảm nhận Việt Nam y như Richard Hammond hay Jeremy Clarkson vậy”.

Đi xe máy rất thú vị

< Vị khách người Anh chia sẻ chuyện đi xe máy ở Việt Nam.

“Thú thực là ở Anh, tôi rất ít khi được đi xe máy. Vì thế, một trong những mục tiêu quan trọng của tôi khi sang Việt Nam du lịch là được trải nghiệm trên những chiếc xe hai bánh – thứ mà các bạn dùng làm phương tiện hằng ngày” – Paul nói.

Khi đặt chân tới Sài Gòn, Paul đã tự liên hệ để mua được một chiếc xe nhãn hiệu Win của Honda với giá mà theo anh “không bằng một chiếc vé máy bay khứ hồi từ Tp.HCM đi Hà Nội”. Ông Tây ba lô người Anh cũng cho biết, nhiều bạn bè của anh đến Việt Nam cũng chọn mua những chiếc xe Win để đi. Trước chuyến xuyên Việt, Paul đã có những giây phút cực kỳ căng thẳng khi tham gia giao thông bằng xe máy tại Sài Gòn.

< Hành trình xuyên Việt bằng xe máy là một trải nghiệm thú vị với Paul.

“Đường phố đông nghịt xe máy. Nhưng mọi người phóng rất nhanh. Điều cốt yếu để đi xe máy được ở Việt Nam là bạn phải biết quan sát, xử lý tình huống thật nhanh. Khi quen, bạn sẽ thấy xe máy là số 1 ở đây vì nó rất linh hoạt và tiện dụng” – anh kể.

Đi xe máy đường dài thì lại khác. Mới đi được hơn 1000 cây số, nhưng Paul đã tỏ ra khá kinh nghiệm. “Việc đi xe máy ở đất nước các bạn chẳng khác nào tham gia một trò chơi mạo hiểm. Bạn đừng hy vọng những chiếc xe tải đi ngược chiều nhường đường cho bạn. Hãy thận trọng hết mức, vì người dân đi xe đạp có thể rẽ bất cứ lúc nào mà không cần phát tín hiệu. Trên đường Hồ Chí Minh, bạn còn phải để ý tới gia súc hay những chú chó chạy vèo qua đường”.

< Hình ảnh khó quên của Paul tại Việt Nam: Cuộc gặp gỡ của những người mê đi.

Di chuyển bằng xe máy khá nguy hiểm và bụi bặm, song theo Paul, đó là trải nghiệm thú vị. Anh thích cầm lái trên những cung đường ngoằn ngoèo khi qua đèo Hải Vân, thích cái cảm giác gió biển tạt thật mạnh vào mặt, thích cái không khí trong lành trên những đoạn đường dẫn anh xuyên rừng.

Cũng theo Paul, xe máy giúp anh thân thiện với người dân địa phương hơn. Anh sẽ rất nhớ những tiếng chào “hello” từ đám trẻ đạp xe đi học về, nhớ ánh mắt rụt rè nhưng cái miệng cười thân thiện từ một cô gái bán hàng ven đường. Và có lẽ, những hình ảnh rất đỗi đời thường ấy sẽ còn được Paul nhiều lần kể lại với bạn bè mình qua những trải nghiệm thực tế của anh.

Du lịch, GO! - Theo Thế Đạt (TTTĐ), Lê Thắng - Autodaily

Monday 25 March 2013

Mấy ngày qua, cộng đồng phượt xôn xao không ngớt về cuộc hành trình vượt biển đêm ly kỳ mạo hiểm bằng thuyền hơi của 4 bạn trẻ từ Sóc Trăng ra đến Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đặc biệt, ớn lạnh hơn nữa là trong 4 phượt thủ này chỉ có 1 người biết bơi và có kinh nghiệm đi biển. Và đêm hôm ấy biển động cấp 6, cấp 7. Phóng viên iHay.vn đã kết nối được với nhóm phượt thủ này để có bài tường thuật chi tiết về chuyến vượt biển thót tim trong thời gian sớm nhất phục vụ bạn đọc. Đây cũng là câu chuyện được rất nhiều cư dân mạng chia sẻ lên Facebook cũng như các diễn đàn phượt trong mấy ngày qua, nhận được rất nhiều bình luận với những ý kiến trái chiều. Nhưng phần lớn đều nói cảm thấy rùng mình, ớn lạnh và lùng bùng lỗ tai khi nghe kể lại chuyến phiêu lưu liều lĩnh như phim nói trên.

< Hải trình dự định.

Câu chuyện chủ đề “Côn Đảo – cuộc hành trình đầy sóng gió” được tạo bởi thành viên KaDi (1 trong 4 bạn có mặt trong chuyến đi) từ ngày 15.3 trên diễn đàn phuot.vn và được cập nhật mỗi ngày bằng hình ảnh và những dòng hồi ức đầy cảm xúc. Topic đã thu hút được sự quan tâm theo dõi cực sôi động của cư dân mạng và phượt thủ.

Trước tiên, cùng nhìn lại những thông tin về chuyến đi có thể khiến nhiều người rùng mình này, bên cạnh đó là các bình luận trái chiều của cộng đồng phượt thủ.

Và hải trình thực tế:


< Chuẩn bị công cụ.

Nội dung topic là câu chuyện về một cuộc hành trình vượt 94km đường biển từ Sóc Trăng đến Côn
Đảo bằng thuyền hơi của 4 thành viên: Vũ Phạm, KaDi, pechuot_nt và một bạn trai tên Trực.

Với “máu phượt” trong người, họ đã liều lĩnh cho thuyền ra biển vào lúc 22 giờ tối trong hoàn cảnh chỉ có thành viên Vũ Phạm là có kinh nghiệm đi biển, còn 3 thành viên còn lại thậm chí… không biết bơi.

< Chuẩn bị xuồng hơi và máy móc.

Thêm một tình huống ngoài dự kiến và hết sức nguy hiểm là đêm đó biển động cấp 6-7. Thành viên KaDi đã chia sẻ trong topic như sau: “Cả nhóm phải vượt đại dương trong màn đêm thăm thẳm, trước những cơn sóng dữ cao 7 -8m, lênh đênh 16 giờ trên biển không ăn, không uống để đến được Côn đảo”. Rất may, cuối cùng họ đều an toàn đặt chân lên Côn Đảo.

< Lên đường!

Các thành viên trên diễn đàn đều bày tỏ sự nể phục đối với 4 nhân vật chính nhưng với nhiều thái độ
khác nhau. Có người nói họ quá ”liều”, có người trách họ quá dại, có người tôn vinh họ là “Phượt’s Got Talent”, thậm chí không ít phượt thủ còn khuyên họ nên đăng ký kỷ lục Việt Nam. Nhưng dù bình luận như thế nào thì hầu hết mọi người đều rất vui mừng khi họ đã bình an vượt qua được sóng gió.

< Rồi đau mình vì gặp bão trong đêm.

Phỏng vấn "thuyền trưởng" lái thuyền hơi vượt biển đêm ra Côn Đảo

Câu chuyện bốn bạn trẻ vượt biển ra Côn Đảo bằng thuyền hơi đang làm “dậy sóng” dân mạng. Nguy hiểm. Kịch tính. Liều lĩnh. Đậm chất phiêu lưu. Rất nhiều người tò mò muốn biết về anh chàng “thuyền trưởng” đã tài tình lèo lái chiếc thuyền phao giữa trùng khơi nhiều hiểm nguy là ai.

< Kiểm tra lộ trình trong giông bão.

Xin nói ngay đó chính là phượt thủ Phạm Vũ, chàng trai sinh năm 1983, làm việc freelance (nghề tự do), chuyên ngành điện. Ở Vũ có chút gì đó kiêu bạc, phong trần và lạnh lùng của một thủ lĩnh. iHay.vn vừa có cuộc trò chuyện hết sức thú vị cùng Phạm Vũ.

* Tại sao các bạn quyết định vượt biển bằng thuyền hơi?

Mình tham gia Hội thuyền hơi Sài Gòn. Đây là loại thuyền thường được dùng để cứu hộ.

< Cập vào thuyền chài của ngư dân để trú qua đêm.

Trước đây, một số anh em trong Hội đã tổ chức đi thuyền hơi từ Hà Tiên ra Phú Quốc và rất an toàn. Mình đã ấp ủ kế hoạch đi Côn Đảo bằng thuyền hơi cách đây hơn hai tháng nhưng các thành viên trong hội cứ bận rộn với công việc nên chưa sắp xếp được thời gian. Trong một lần lang thang trên diễn đàn phuot.vn, mình đọc được dòng tin của một bạn ở Hà Nội đang rao tin muốn tìm người cùng đi Côn Đảo. Mình và một số bạn cùng tham gia và dự định sẽ đi bằng tàu hoặc máy bay. Nhưng cuối cùng, nhóm mình không mua được vé tàu. Còn đi máy bay thì sẽ không mang được thuyền đi theo. Vì vậy, bọn mình quyết định sẽ có một nhóm đi ra bằng thuyền hơi.

< Kéo xuồng theo ghe cho đến sáng...

* Ba mẹ, người thân các bạn có biết về chuyến đi liều lĩnh này?

Chắc chắn là người thân không biết vì chẳng cha mẹ nào muốn cho con tham gia vào những chuyến đi nguy hiểm như vậy.

< Rồi cả nhóm lại lên đường!

* Bạn nghĩ sao khi mọi người cho rằng các bạn quá liều lĩnh, thậm chí "điên rồ"?

Nghĩ lại bọn mình cũng hơi liều mạng. Có người còn cho rằng bọn mình điên. Nhưng những ai từng trải nghiệm loại phương tiện này sẽ biết nó rất an toàn. Thật ra trước khi đi, mình đã trang bị những thứ cần thiết nhất cho một chuyến phượt đường biển.

* Nhưng tại sao phải vượt biển đêm trong điều kiện thời tiết như vậy?

< Qua nhiều giờ đối đầu sóng dữ, cuối cùng thì cũng thấy thấp thoáng Côn Đảo phía xa xa...

Mình có một thời gian sống ở Phú Quốc, theo ngư dân đi đánh cá. Kinh nghiệm của dân đi biển cho thấy ban đêm biển ít sóng gió hơn ban ngày. Tối 8.3, trước lúc khởi hành mình cũng đã tham khảo thời tiết, hướng gió và đặc điểm vùng biển Côn Đảo rồi. Hai bạn mình mới ra đến Côn Đảo bằng máy bay cũng cho biết thời tiết rất đẹp. Thậm chí mình còn chưa tin tưởng lắm mà nhờ các bạn chụp ảnh mặt biển gửi cho xem.

Nói chung thông tin mình nhận được là rất lý tưởng cho cho chuyến đi. Biển êm, không có sóng, gió đông cấp 2-3. Ai ngờ khi đi ra cách bờ khoảng 5km thì gió đã giật tới tấp. Đi được 20-30km thì biển động cấp 6, cấp 7, gió giật rát cả mặt. Động cơ chạy hết công suất cũng chỉ được 12-15km/giờ.

* Khi chiếc thuyền nhỏ bé của các bạn gặp sóng gió tơi bời trên biển, các bạn có lo sợ?

Khi gặp biển động, mình không hoảng sợ nhưng lo lắng nhiều. Thuyền bị gió đẩy sau nhiều giờ trôi dạt. Lúc đó mình cũng không có thời gian nghĩ ngợi gì ngoài chuyện dự trù tình huống xấu nhất là động cơ có thể bị trục trặc bất cứ lúc nào trong khi các thành viên đều chưa có kinh nghiệm đi biển.

< Vào khu vực Bến Đầm - Côn Đảo.

Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, khoảng 12 giờ đêm, mình đã gặp tàu đánh cá. Các anh cho bọn mình sang tàu nghỉ nhờ chờ trời sáng. Đặc điểm của thuyền hơi tuy nhỏ nhưng đi khó bị say sóng. Trong khi đó, tàu cá neo giữa biển trong cơn sóng dữ như vậy thường gây say sóng dữ dội.

Sau khi sang tàu cá được một lúc thì các thành viên say nhừ tử và mệt lả. Sáng hôm sau, nhiều người trên tàu đánh cá mình nghỉ và những tàu đánh cá xung quanh khuyên bọn mình nên trở về và từ bỏ ý định ra Côn Đảo. Lúc đó, thật tình về không đành, mà đi cũng khó. Sau một hồi bàn thảo, 10 giờ trưa, bọn mình quyết định đi tiếp và gần 13 giờ tới Côn Đảo.

* Nếu cho bạn chọn lại, bạn có tham gia một chuyến phiêu lưu như thế không?

Nếu cho chọn lại mình sẽ không đi như vậy bởi vì cả ba thành viên còn lại đều chưa có kinh nghiệm đi biển. Chuyến đi vừa rồi quá nguy hiểm cho họ.

* Có người gợi ý các bạn nên đăng ký kỷ lục những người đầu tiên vượt biển đến Côn Đảo bằng thuyền hơi, bạn nghĩ sao?

- Mình không nghĩ đến chuyện đăng ký kỷ lục. Mình đâu dám đánh đổi tính mạng của mình và mọi người vì “thành tích” như vậy. Chuyến đi là một trải nghiệm và thử thách ý chí. Một trải nghiệm nhớ đời và để lại cho chúng mình nhiều kỉ niệm cũng như kinh nghiệm. Còn mục đích chuyến đi ư? Mình luôn có một khát khao chinh phục thiên nhiên, và tuổi trẻ thường hay muốn làm cái gì đó ngông ngông một tí!

Du lịch, GO! - Theo Phạm Như Quỳnh, Tường Anh (iHay) + Phuot.vn

Monday 18 March 2013

Không còn là ô tô hay những chiếc xe mô tô phân khối lớn, giờ đây xe đạp mới là niềm đam mê mới của giới trẻ. Tiết kiệm, có thể dễ dàng di chuyển trong dòng người chật chội trên phố và đồng thời là điều kiện để có thể rèn luyện sức khỏe. Những lý do hết sức hợp lý ấy khiến cho lượng người đam mê xe đạp ngày một tăng lên.

Từ dân phượt ... tới dân công sở

Chỉ cách đây chưa lâu, nếu nhắc đến xe đạp người ta sẽ hình dung chủ nhân của chúng là những học sinh, sinh viên, các bà các chị nội trợ hay cao cấp hơn là phong trào của những người thích xe đạp biểu diễn kiểu xe đạp “ruồi”, xe X-Games... Nhưng giờ thì mọi chuyện đã khác, chiếc xe đạp đã thực sự phổ biến hơn và đối tượng sử dụng cũng hết sức đa dạng.

Tại Hà Nội đã có tới hơn 10 CLB xe lớn nhỏ thường xuyên gắn kết, duy trì sở thích đi xe đạp: CLB xe đạp thể thao Thăng Long, CLB Cựu chiến binh Hà Nội, CLB xe đạp Hà Nội xưa và nay, Tour de Five, N.H.O.E (Đội xe đạp địa hình chuyên nghiệp), Hội xe đạp Mountain Bike Hà Nội…

Còn trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, những người yêu thích xe đạp đã thành lập ra hàng chục các hội nhóm như: Hội những người thích đạp xe lượn phố, Hội những người thích đi chơi bằng xe đạp, Hội Ilove Bike… với rất nhiều những khẩu hiệu mà họ ưa thích kiểu như: Đi xe đạp không sợ tốn xăng, ê mông nhưng mà thích… Ngoài ra những người muốn tìm hiểu về sở thích đi xe đạp còn có thể tham khảo, cập nhật thông tin ở rất nhiều những trang chuyên về xe đạp như: xedap.vn, xedap.org, xedapdep.com.vn…

Nói về niềm đam mê xe đạp, đầu tiên phải kể đến những người thích đi phượt bằng xe đạp. Những người có cùng sở thích này đã xây dựng ra một website với tên gọi rất ngộ là: eMong.org (được dịch là “ê mông”) với mục đích tạo sân chơi cho các bạn yêu xe đạp và du lịch. Tiêu chí của website này là xe đạp - du lịch - sức khỏe - vui vẻ. Những ai yêu thích xe đạp, thích du lịch bằng xe đạp, thích đi xe đạp để tăng cường sức khỏe và có xe đạp đều có thể tham gia. Trong khi dân phượt xe máy thường chú trọng tới cự ly, khoảng cách, địa điểm thì dân phượt xe đạp lại chủ yếu chọn các cung đường nông thôn để có được những trải nghiệm mới.

Một thành viên trên diễn đàn này đã chia sẻ: Mỗi lần muốn thay đổi không khí ngột ngạt là mình lại vác ba lô đi phượt. Vừa đi ngắm cảnh, và “Pose” hình thật thích. Khi vác ba lô về lại cảm thấy tiếc nuối, nhớ nhung và lại mong chờ cho những chuyến đi kế tiếp. Qua những ngả đường, những mảnh đất, chiếc xe cũng nhuốm bụi và hòa vào với lòng người... Một điểm đam mê với những người yêu thích phượt bằng xe đạp là họ có thể thảnh thơi ngắm cảnh vật hai bên đường, đồng thời sự đơn giản của xe đạp giúp cho họ có thể dễ dàng sửa chữa khi gặp phải trục trặc. Sự ra đời của website này đã thu hút được rất nhiều thành viên tham gia và là nơi để những người này chia sẻ kinh nghiệm, niềm yêu thích được rong ruổi trên những cung đường dọc mọi miền Tổ quốc bằng chiếc xe đạp yêu quý của mình.

Nếu như dân phượt chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển là điều không khó hiểu, thì hình ảnh của những thanh niên trong bộ vest lịch lãm hay lịch sự vơi áo sơ mi quần tây cưỡi trên những chiếc xe đạp luồn lách trên phố đông người đã gây ra sự tò mò và thích thú cho không ít người. Hùng nhân viên của một công ty kiểm toán nước ngoài có trụ sở tại Hà Nội cho biết: Làm việc trong môi trường có nhiều đồng nghiệp là người nước ngoài, ban đầu tôi rất ấn tượng  khi nhìn thấy họ đi làm bằng xe đạp. Dần dần qua tiếp xúc và nói chuyện tôi mới biết, đây là thói quen di chuyển của họ từ khi còn ở trong nước. Hùng đã tìm hiểu và sắm cho mình một chiếc xe đạp và sử dụng nó cùng với ô tô của mình.

Ban đầu chỉ là 1,2 buổi/tuần, nhưng giờ đây anh đã coi xe đạp như là một phương tiện chính để đi làm. Hùng tâm sự, sau hơn 2 năm di chuyển trên chiếc xe đạp, anh rất mừng khi có thêm một số bạn bè đồng nghiệp cũng đã cùng tham gia hội “ê mông” này với anh. Cũng giống như Hùng, Thắng nhân viên của một ngân hàng lớn tại Hà Nội cũng đã chọn xe đạp làm phương tiện đi lại. Mặc dù mức lương có thể “nuôi” được ô tô, nhưng Thắng vẫn chọn xe đạp vì theo anh nó tiết kiệm và quan trọng nhất là giúp cho cơ thể được khỏe mạnh, tránh được những tác động của việc thường xuyên phải ngồi bàn giấy, bên máy tính cùng nhiều áp lực công việc khác.

Chọn xe tùy sở thích

Theo những người có kinh nghiệm, chất lượng của một chiếc xe đạp phụ thuộc chủ yếu vào chất liệu và công nghệ. Những chiếc xe chất lượng cao thường rất nhẹ và chắn chắn với khung sườn là thép, nhôm hoặc carbon. Xe có khung sườn làm từ carbon toàn bộ trọng lượng xe chỉ khoảng 7kg. Có vô số dòng, loại, nhánh xe đạp tùy theo nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, 2 loại xe đạp đang được dân chơi yêu thích và khá phổ biến hiện nay là MTB (Moutain bike) và Fixed Gear. MTB - xe đạp leo núi hay còn được gọi là xe địa hình thể thao được chia làm 3 dòng cơ bản: Hardtail (đuôi cứng), All Mountain (xe đạp leo núi) và Freeride-DH (Xe đạp đổ đèo). Ở Việt Nam hai dòng xe là Hardtail và All Mountain được nhiều người ưa chuộng và sử dụng. Loại xe còn lại ít xuất hiện hơn bởi nó rất khó điều khiển và giá thành lại cao. Những người thích chơi MTB thường chọn những loại xe nhập khẩu nguyên chiếc có xuất xứ từ Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, EU… như Bull, Foscus (Đức), Scott, Trek (Mỹ), Giant, Vicnie (Đài Loan).

Đối với Fixed Gear. Yếu tố khiến Fixed Gear trở nên khác biệt là nó… không có phanh. Xe có cấu tạo cực kỳ đơn giản, chỉ gồm có khung, yên, ghi đông, cặp bánh xe, bàn đạp, xích, moay ơ và vài bộ phận nhỏ khác. Fixed Gear có phần bánh răng của bánh sau cố định hay còn gọi là líp chết, vì vậy khi đạp tiến hay đạp lùi, bánh sau cũng chuyển động y như bàn đạp. Chính đặc tính này đã tạo nên sự hấp dẫn cho Fixed Gear, muốn phanh chỉ cần đạp ngược bàn đạp so với hướng chuyển động của chiếc xe. Fixed Gear được đánh giá là chiếc xe thể hiện cá tính của chủ nhân theo cách mà họ muốn, chính vì vậy nó luôn có màu sắc nổi bật, thậm chí là lòe loẹt trên đường phố, không có chiếc xe nào giống xe nào.

Cùng với xe đạp, là những phụ kiện đi kèm mà người chơi có thể lựa chọn như: đồng hồ công tơ mét, găng tay, mũ bảo hiểm, bảo vệ đầu gối, khuỷu tay, giày, quần áo… Để chiếc xe của mình trông hầm hố hơn hoặc có thể tạo ra chiếc xe theo ý tưởng của mình, những người yêu thích xe đạp có tìm phụ kiện riêng rẽ và tự lắp đặt như: khung xe, vành, xăm và lốp Michelin, các linh kiện bằng carbon… Nếu không quá sinh ngoại, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tìm đến với các sản phẩm xe đạp trong nước hiện cũng có khá nhiều kiểu dáng và mẫu mã hiện đại.

Bùng nổ các cửa hàng bán và cho thuê xe đạp

Không khó để tìm mua được một chiếc xe đạp theo sở thích. Nếu không quá cầu kỳ về chất lượng, kiểu dáng, người chơi xe có thể tìm đến các cửa hàng xe đạp ở các phố chuyên bán xe như: Bà Triệu, Thái Thịnh, Hồng Hà… Những cửa hàng này thường bày bán những chiếc xe MTB hay Fixed Gear được nhập khẩu từ Đài Loan hoặc Italia với giá thành từ khoảng 6-7 triệu. Cũng có không ít những người đam mê xe đạp đã chuyển sang mở cách shop kinh doanh và đây chính là nơi mà người mê xe có thể tìm thấy những chiếc xe độc và lạ với giá thành từ 7 triệu cho đến trên 30 triệu đồng, thậm chí có chiếc xe độc có thể lên tới con số trăm triệu đồng.

Có thể kể đến sản phẩm kết hợp của chiếc xe đua cá nhân Cervelo P4 của hãng xe đạp nổi tiếng thế giới Cervle với thương hiệu hàng cao cấp Chrome Hearts. Chiếc xe có phiên bản giới hạn với gia tiền lên đến mức 6.000 USD, tương đương khoảng 120 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu không dư dả về khả năng tài chính có thể chọn những mẫu xe được sản xuất trong nước của các thương hiệu quen thuộc như: Thống Nhất với kiểu dáng, tính năng hoạt động đa dạng kèm theo giá thành hợp lý chỉ khoảng từ 2 triệu đồng trở lên.

Đáp ứng nhu cầu yêu thích xe đạp hiện nay, không chỉ có các cửa hàng bán mà còn có rất nhiều dịch vụ cho thuê xe đạp đã mọc lên. Dễ nhận thấy nhất là ở khu vực xung quanh hồ Tây. Dịch vụ này thường rất hút khách vào những ngày cuối tuần.

Nếu không muốn phải tậu một chiếc xe đạp, chỉ cần bỏ ra từ 80.000 đến 100.000 đồng/ngày (với những chiếc xe đắt tiền thì khoảng 180 đến 200 nghìn/ngày) là bạn đã có thể có một chiếc xe đạp ưng ý cho hành trình đi chơi hoặc du lịch của mình. Khi thuê xe đạp, người thuê sẽ được tặng kèm 1 chai nước uống, được cho mượn mũ bảo hiểm dành cho người đi xe đạp cùng với các phụ kiện như khóa dây, đèn hậu khi đi buổi tối…

Du lịch, GO! - Theo Thu Huệ (ANTĐ), ảnh internet

Wednesday 20 February 2013

"Có đi mới biết nơi nào cũng có nhiều thứ đáng để khám phá mà bấy lâu nay mình lại ù lì, thờ ơ", Ý An (24 tuổi, Q,Bình Thạnh, TP.HCM), vừa nói vừa khoe chiến tích là một loạt ảnh thú vị từ chuyến đi Thái Lan trong dịp tết này.

< Phượt để trưởng thành...

Cũng như nhiều bạn trẻ khác, Ý An vừa trở về nhà để kịp đi làm vào ngày mai 18.2, nhưng những kỷ niệm khó phai trong chuyến du lịch kéo dài 5 ngày trên đất Thái vẫn khiến cô nàng... lâng lâng khó tả.

Cứ mạnh dạn mà đi...

Trong kỳ nghỉ tết vừa qua, Ý An cùng với gia đình quyết định "phá cách" bằng việc đón tết ở đất Thái. Cuộc hành trình trở nên thú vị hơn khi cô gái 24 tuổi này quyết định tách đoàn để tự mình khám phá đất nước chùa vàng xinh đẹp.

"Nếu bạn nghiện shopping thì Bangkok cũng là thiên đường mua sắm. Nhưng tôi thì yêu Bangkok vì sự dễ thương hiền hòa của người dân, của những ngày tôi lê la lang thang khắp các phố lớn sầm uất đến lạc vào những ngõ nhỏ như ổ chuột vẫn được gặp những nụ cười và sự giúp đỡ nhiệt thành. Còn nữa, ăn món Thái ở vỉa hè ngon lành và rẻ rề", Ý An chia sẻ trên trang cá nhân của mình.

Đi "du lịch bụi" ngay dịp Valentine cũng để lại nhiều kỷ niệm thú vị trong cô gái nhỏ nhắn này. "Valentine ở Bangkok không thấy gì quá rộn ràng nhưng điều tôi ấn tượng là sự thân thiện của mọi người ở đây. Buổi trưa đang đi lang thang quanh khu ở thì anh xe ôm đen nhẻm bên vệ đường cười, chúc mừng Valentine. Tối đi về thì gặp anh taxi hỏi đi có một mình thôi hả, có muốn đi vòng vòng Bangkok không, anh đưa đi và không có tính tiền thêm...", Ý An hào hứng kể.

Cũng như Ý An, nhiều bạn trẻ không chịu "ở yên" trong kỳ nghỉ tết dài đã quyết định tự mình khám phá những vùng đất xa lạ. Cái tết của anh chàng Hữu Vỹ (22 tuổi, sinh viên Trường đại học KHXH-NV TP.HCM) không chỉ ở một nơi mà là ba nơi: Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng, Hội An.

Đến mỗi nơi, Hữu Vỹ lại được bạn cùng lớp (quê tại đây) làm "thổ địa" dẫn đường. Thành quả của chuyến đi này không chỉ là những kiến thức không có trong sách vở mà còn là một tinh thần sảng khoái, sẵn sàng cho năm mới 2013.

Cũng vừa trở về sau chuyến "phượt" ngắn ngày ở Đà Lat, Thu Thủy (25 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: "Ban đầu mình cũng định ở nhà đón tết như mọi năm nhưng bỗng dưng cảm thấy chán sự lặp đi lặp lại ở chính mình nên quyết định một mình khám phá Đà Lạt". Kết quả là sau chuyến đi, ngoài rất nhiều kỷ niệm khó quên ở xứ ngàn hoa, Thu Thủy còn quen biết thêm được một anh chàng cũng ở TP.HCM, cũng có nhiều điểm chung với cô.

Khám phá chính quê hương mình

Dạo quanh mạng xã hội và các diễn đàn về "phượt", có thể thấy địa điểm được nhiều bạn trẻ chọn đi trong dịp tết này là các tỉnh miền núi phía Bắc như Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), Bản Giốc (Cao Bằng), Apachải (Lai Châu), Mù Cang Chải (Yên Bái)...

Đặc biệt, những cột mốc của đất nước như các điểm cực đông, nam, tây, bắc, biên giới và đặc biệt là đỉnh Phan Xi Păng "Nóc nhà Đông Dương" cũng được nhiều bạn trẻ lựa chọn để chinh phục trong dịp này. Tuy nhiên, có một địa điểm không mấy xa lạ nhưng ít ai nghĩ đến khi có ý định du lịch bụi chính là... quê hương của chính mình.

Ngọc Mai (20 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết gần 20 năm ở đây nhưng cô bạn chưa từng thử khám phá chính quê nhà mình. Cho đến khi nghe một người bạn huyên thuyên về những điều thú vị ở quê quán của bạn, Mai mới chợt nhận ra mình không biết gì về nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình.

Chính vì thế, tranh thủ kỳ nghỉ này, Mai quyết định dành thời gian khám phá mọi ngóc ngách của Quảng Nam. Hành trình về lại TP.HCM tiếp tục việc học của Mai còn là một loạt ảnh để chia sẻ với bạn bè về vẻ đẹp của quê hương mình.

Khi kỳ nghỉ tết kết thúc cũng là lúc mạng xã hội ngập tràn những hình ảnh, những dòng chia sẻ của cư dân mạng về những chuyến đi thú vị của mình. Không khí trở lại với chuyện học hành, công việc trong năm mới cũng trở nên sôi nổi hơn...

Du lịch, GO! - Theo Thiên Hương (iHay), ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống