Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Động. Show all posts
Showing posts with label Động. Show all posts

Saturday, 27 April 2013

Các cụ ngày xưa kể lại rằng núi có một đường hầm để Bà Chúa vận chuyển lương thực từ sông lên kho. Sau này qua các triều đại phong kiến, đường hầm này vẫn được tiếp tục sử dụng để đánh lại quân xâm lược phương Bắc. Dấu tích còn để lại đến ngày nay là những phiến đá to, những bức tường cát bi kéo dài, phân nửa chìm dưới lòng đất (xây bằng cát bi và một loại keo dính hỗn hợp).

Đường hầm do Bà Chúa Kho xây dựng? 

Đền Bà Chúa Kho ở Cỗ Mễ (Phú Ninh, Bắc Ninh) được người dân biết đến như một "ngân hàng địa phủ" lớn nhất và uy tín nhất cả nước.

Theo tục thì vay đầu năm trả cuối năm, vì thế cứ vào những ngày đầu năm người dân khắp cả nước lại về nơi đây cầu mong có một năm nhiều tiền lộc, no đủ. Ngôi đền có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076.

Vào thời đó ở làng Cổ Mễ, núi Kho, Cầu Gạo... (nay thuộc xã Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh) vốn là những nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ Nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Núi Kho, núi Dinh, Thị Cầu cũng vốn là một vị trí chiến lược có thể kiểm soát con đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về Thăng Long xưa.

Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt.

Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã "thác" trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077).

Suốt nhiều năm nay, nơi đây vẫn được coi là mảnh đất thiêng và được người dân khắp cả nước đến cúng bái, lễ lạt.

Thế nhưng ít ai biết ở dưới núi có một đường hầm, chỉ cách điện thờ Bà Chúa chừng 1,5m. Đây là đường hầm có kết cấu hình mái vòm nằm lùi sâu trong chân núi, chỗ cao nhất của đường hầm là gần 2m, chỗ thấp nhất cũng gần 1m8.

Nhiều người dân sống quanh đây kể rằng, đường hầm đã bị bỏ quên từ rất lâu, và trong đường hầm có rất nhiều rắn.

Nghe vậy, những gai ốc trên người tôi bỗng nổi lên. Nhưng máu tò mò đã thôi thúc tôi tìm đến ông Nguyễn Ngọc Thủy (người của ban di tích) và nhờ ông dẫn đường.

Dù đã chuẩn bị hai cái đèn pin và vài cây nến bằng nửa cổ tay tôi vẫn run run khi bước chân qua bức tường chắn đường hầm đã bị ai đó làm đổ.

Vừa mới bước vào đường hầm, một mùi ẩm mốc, ngai ngái đã bốc lên khiến chân tôi chùn lại. Xung quanh cửa hầm, mạng nhện giăng kín như từ lâu lắm không có ai ghé qua.

Bước sâu vào bên trong thì thấy đường hầm được xây khá kiên cố, bên trong lát gạch đỏ có chỗ trát bê tông. Do bị bỏ hoang quá lâu nên trên nền đường hầm gạch vữa sụp đổ ngổn ngang, bùn đất nhão nhoét.

Càng đi vào trong thì đường hầm càng bằng phẳng, cách cửa đường hầm khoảng 200m về phía bên tay trái vẫn còn một phòng cao chừng 2m, rộng 3m. Bên trong phòng có một bàn làm việc bằng bê tông. Nhiều đoạn trong đường hầm bị hỏng nhô ra những phiến đá hình thù khá đẹp.

Nói về đường hầm này với vẻ thành kính, bác Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ hưu trí ở Cổ Mễ, Bắc Ninh cho biết, từ đời bố của bác cũng không biết đường hầm này có từ khi nào.

Mọi người đều nói đường hầm do Bà Chúa Kho xây dựng. Trong cuộc chiến trống quân xâm lược nhà Tống, bà đã đứng ra xây dựng nhà kho, tích trữ lương thực để đánh quân xâm lược.

Núi kho là nơi được bà lựa chọn để tích lũy lương thực. Đường hầm chính là do bà cho xây dựng để vận chuyển lương thực từ bờ sông Như Nguyệt lên nhà kho của mình một cách dễ dàng và không bị địch phát hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Ban di tích đền Bà Chúa Kho) cho biết: "Các cụ ngày xưa có kể lại rằng núi có một đường hầm để Bà Chúa vận chuyển lương thực từ sông lên kho.

Dấu tích còn để lại đến ngày nay là những phiến đá to, những bức tường cát bi kéo dài, phân nửa chìm dưới lòng đất (xây bằng cát bi và một loại keo dính hỗn hợp). Bức tường này vẫn còn ở trên đồi. Đến thời Pháp, chúng xây dựng kiên cố hơn và tồn tại cho đến ngày nay".

Một số người lại cho rằng đường hầm này, xưa, do giặc phương Bắc đào để chứa vàng cướp được của dân ta. Một số khác lại cho rằng thực chất đây là một đường hầm xuyên núi có từ thời Pháp - Nhật giao tranh.

Một cụ già cao niên trong làng chia sẻ từ thời ông lên 9, lên 10, mỗi lần ra đây thả trâu tôi thường đốt đuốc đi vào trong để bắt dơi, bắt chuột nhưng không bao giờ dám đi hết đường hầm vì càng đi sâu vào trong càng khó thở... thành ra đường hầm vẫn là một nơi rất kỳ bí.

Quân giặc không dám phạm đến mảnh đất thiêng

Theo sách sử còn ghi rằng, vào đầu thế kỷ 19, thực dân pháp xâm lược Việt Nam. Trong những ngày chiếm đóng, chúng mở cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất để vơ vét của cải vật chất.

Nhà máy giấy Đáp Cầu được xây dựng năm 1913 ngay cạnh sông Như Nguyệt sát Núi Kho nằm trong kế hoạch ấy của chúng. Nhưng những năm 40 của thế kỷ 19 Nhật nhảy vào cạnh tranh với Pháp, chúng muốn hất cẳng Pháp tại Việt Nam và Đông Dương.

Cuộc chiến giữa Pháp và Nhật căng thẳng. Bắc Ninh không nằm trong ngoaị lệ, đường hầm được Pháp chọn làm nơi che giấu sĩ quan nhân viên cấp cao của chúng ở khu vực và công nhân nhà máy giấy Đáp Cầu mỗi khi quân Nhật càn quét tới.

Khi Pháp rút đi thì Mỹ lại xâm lược Việt Nam. Năm 1972, chiến tranh ác liệt, người dân Cổ Mễ phải sơ tán lên Núi Kho. Và chính đường hầm rộng, sâu nên chứa được rất nhiều người, nhờ đường hầm mà cả làng thoát được những trận mưa bom bão đạn.

Cũng nơi đây còn là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách. Trận địa pháo cao xạ được xây dựng cấp tốc ngay chân núi Kho, đường hầm là nơi cất giấu vũ khí. Tại núi Kho quân ta đã hạ được nhiều máy bay của địch.

Tuy nhiên có một điều lạ lùng xung quanh vùng núi Kho mà đến bây giờ mọi người vẫn không thể giải thích nổi. Trải qua hai cuộc chiến tranh, bom đạn của Pháp và Mỹ cày nát những vùng xung quanh thế nhưng nơi đây tuyệt nhiên không một quả bom rơi xuống.

Những đoàn pháo cao xạ khi chiến đấu ở đây cũng không hề bị một quả bom nào dội trúng, nhưng khi vừa bước qua quả đồi bên kia thì liền bị bom Mỹ dội ngay. Người dân tin rằng mảnh đất thiêng oai hùng khiến cho bom đạn của giặc không thể đụng tới. Chính Bà Chúa Kho đã che chở cho người dân khiến quân giặc không thể xâm phạm.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đăng Túc - Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Nguồn gốc của đường hầm này còn nhiều giả thiết khác nhau. Ông và một số nhà nghiên cứu thiên về giả thiết cho rằng đường hầm được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Sở cũng đang tiến hành một số thủ tục để nghiên cứu thêm về niên đại của đường hầm".

Du lịch, GO! - Theo Người Đưa Tin, Kiến Thức...

Friday, 19 April 2013

Những chiếc hang được biết đến với vô số những mẩu xương và những câu chuyện kỳ bí khiến nhiều người phải sởn da gà.
Những chiếc hang được biết đến với vô số những mẩu xương và những câu chuyện kỳ bí khiến nhiều người phải sởn da gà. Mỗi hang là một câu chuyện, một bí mật mà con người luôn khao khát khám phá...

Bể xương và những bộ hài cốt bí ẩn ở hang Cắc Cớ nằm tại Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Bể xương và "suối xương" trong hang Cắc Cớ chứa hàng nghìn bộ hài cốt. Theo nhiều người dân có đưa ra con số là 3.600 bộ hài cốt, tuy nhiên đây được cho là một con số được áng chừng thêu dệt nên. Hang sâu thẳm, tối om, phải dùng đèn pin và đi dò dẫm từng bước mới có thể xuống được. Ảnh: Lối dẫn xuống bể xương bí ẩn

Theo truyền thuyết mà người dân trong vùng truyền miệng, hàng ngàn bộ hài cốt trong lòng núi là của nghĩa quân Lữ Gia, những người đã hy sinh bi tráng từ 2.100 năm trước. Ảnh: Xương trong hang Cắc Cớ.

Trong hang có rất nhiều đồ sành, đồ gốm tìm trong lòng núi. Những mảnh gốm rất giống kiểu gốm sứ thời Trần này đã khiến tác giả Hoàng Hoa đưa ra nhận định, có thể tại đây cũng đã từng xảy ra một vụ tương tự như ở Thanh Hóa, Ninh Bình vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, khi quân Minh xâm lược nước ta.

Theo lời của một số người dân kể lại, ngày trước rất nhiều xương trong hang nhưng theo thời gian những bộ xương đang ngả màu vàng và mủn ra, sụp dần xuống. Thêm vào đó ở đây còn truyền tai nhau về một con suối có tên là " suối xương". Chính người dân ở đây đã nhặt xương ở suối cho vào trong bể.

Những mấu xương như thế này có rất nhiều trong hang khiến không ít người phải hoảng sợ. Những mẩu xương xếp một cách lộn xộn.

Không ai biết bể xương này sâu đến đâu. Chưa có một cuộc nghiên cứu nào được tiến hành, vì thế, tất cả ý kiến của các nhà khoa học đưa ra đều chỉ dừng ở mức phỏng đoán, chứ không có căn cứ chính xác.

Ở hang Nà Lồi, nơi có vô số những cổ mộ được táng trên các vách núi mà người dân còn gọi là những cỗ “quan tài bay”. Hang ma Nà Lồi chứa những cỗ quan tài kỳ lạ nằm trên một ngọn núi cao dựng đứng. Trong quá trình đi lên tới hang phải đi cẩn thận, không rất dễ rơi xuống chân núi.

Theo tài liệu phòng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu cung cấp thì những quan tài cổ có thể của một tộc người nguồn gốc Môn- Khmer (Người Xá, người Khơ mú, Xinh mun) chứ không thể của người Thái hoặc người Mường, bởi nếu là tổ tiên, họ đã phải thờ cúng...

... Thứ hai, những quan tài có tuổi ước vào khoảng 400-500 năm trước, nhìn vào quá trình phong hóa trên quan tài có thể phán đoán có những cái mới chỉ khoảng 200 năm tuổi. Thứ ba, dựa vào phần xương còn lại trong các quan tài có thể khẳng định những người này có thể hình lớn, cao to hơn người ngày nay rất nhiều.

Còn theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Viện khảo cổ Việt Nam, một người từng dành nhiều thời gian nghiên cứu về các táng thức của loài người thì những cỗ quan tài trên vách núi đươc dùng theo hình thức “Huyền táng” hay còn gọi là táng treo chính là hình thức táng được dùng trong các hang ma. Táng thức này sử dụng khá phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam hiện mới chỉ phát hiện ở Thanh Hóa và Mộc Châu.

Bên cạnh hang Na Lồi thì còn có hang ở Pưa Lai. Đường lên rất khó khăn và nguy hiểm. Những chiếc quan tài được làm bằng những thân gỗ nguyên, được bổ đôi cân đối, khoét lõi và cho xác vào bên trong rồi gác lên các vách đá, có hình dáng gần như một chiếc xuồng độc mộc. Mỗi quan tài đều được khóa chặt bằng một chốt gỗ nối liền hai nửa thân quan tài lại với nhau.

Có rất nhiều câu chuyện rùng minh xoay quanh những ngôi mộ ở đây. Theo như người dân ở đây kể lại: có nhiều người động đến quan tài về bị bệnh, chết và thậm chí thần kinh rồi bỏ nhà ra đi. Kinh hoàng hơn cả là có người vì tham lam những tấm gỗ Đinh thối quý hiếm, có thể chống lại mục rữa từ những quan tài ở cổ mộ mà đã tìm đến để ăn trộm đem đi bán. Khi đang uống rượu ăn mừng thì mắt mũi trợn ngược, máu mồm cứ ồng ộc tuôn ra lênh láng không gì cầm được cho tới khi mất mạng.

Nhiều người dân truyền tai nhau câu chuyện, những đêm trời mưa phùn, người dân ở đây còn nghe những tiếng rên rỉ, kêu la rợn người phát ra từ những ngọn núi nơi có những cổ mộ. Tất cả những điều đó đã khiến cổ mộ trở thành một chốn kiêng kị của người dân bản Pưa Lai này.

Hang "Kim ngân thất thập táng” nằm ẩn mình trên ngọn núi Khăm Mả ở Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Từ lâu, câu chuyện về hang chứa tới 70 gánh vàng vẫn là điều bí ẩn được người dân nơi đây truyền tai nhau hết đời này sang đời khác.

Theo lời của ngưởi dân kể lại có một tay địa chủ đã thuê thầy địa lý đi tìm một mảnh đất hợp phong thủy để giấu của. Sau khi xem xét, thầy phong thủy đã chọn một hang đá trên đỉnh “núi thiêng” Khăm Mả để chôn vàng. Kể từ đây, công cuộc chôn giấu kho báu bắt đầu, hàng đoàn công nhân được thuê mang theo ngựa lặng lẽ chở những hòm vàng bạc, châu báu rồi chui xuống hang để cất giữ.

Không gian càng thêm ẩm ướt, không khí quặn lên mùi vị tanh tưởi, lớp đất nhão nhét, nước từ đá thấm nhỏ ướt lạnh. Cho đến nay, vẫn chưa có một người nào tìm ra kho báu khổng lồ nhưng nhiều người dân vẫn tin vào câu chuyện hang “Kim ngân thất thập táng”.

Ông Lưu Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Thông Huề cho biết: “Cũng không biết hang vàng có từ khi nào, tất cả chuyện về hang chỉ là những lời truyền miệng từ người này sang người khác chứ thực hư thế nào cũng chưa ai biết.

Du lịch, GO! - Theo GDVN/ VTC, Zing

Monday, 15 April 2013

Không có vẻ đẹp huyền bí, lộng lẫy được tạo bởi những khối thạch nhũ như các hang động có nguồn gốc đá vôi tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, những hang dơi tại khu vực rừng giá tỵ nằm dọc quốc lộ 20 (thuộc địa bàn 2 huyện Định Quán và Tân Phú - Đồng Nai) còn giữ được nhiều nét nguyên sơ.

< Chỗ rộng nhất của hang dơi.

Nhóm hang động này đang được nhiều người biết đến khi nắm giữ một kỷ lục mới về hang động có nguồn gốc dung nham tại khu vực Đông Nam Á.

Từ những thông tin do Viện Sinh học nhiệt đới và Hội Hang động Berlin (Đức) cung cấp, chúng tôi đã tìm đến các hang dơi tại khu vực này để cùng trải nghiệm và tìm hiểu những nét hoang sơ, mang nhiều màu sắc huyền bí tại đây.

Bí ẩn hang Dơi

Ông Đỗ Hữu Đức, Trưởng trạm giống nông nghiệp La Ngà (thuộc Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Nam bộ), cho biết, nằm sâu bên trong lòng đất, ngay dưới khu rừng giá tỵ chạy dọc theo hai bên quốc lộ 20 có 7 hang dơi.

< Miệng hang rộng đủ để nhiều người chui qua cùng lúc.

Ẩn khuất trong nương rẫy của nhiều hộ nông dân thuộc các xã: Phú Lợi, Phú Tân (huyện Định Quán) còn có thêm 4 hang dơi nữa. Những hang động này đều có điểm chung là hầu như chỉ có dơi sinh sống. Có lẽ vì thế mà khi phát hiện, người dân nơi đây gọi chúng là những hang dơi.

Dẫn chúng tôi vào thám hiểm hang dơi nằm trên phần diện tích đất canh tác của một gia đình thuộc thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú (đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Tân Phú và Định Quán), ông Nguyễn Văn Trạng (ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán), cho biết: “Tôi đã từng hướng dẫn cho nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, khảo sát các hang dơi ở khu vực này từ năm 2005. Tuy nhiên, tôi cũng không dám mạo hiểm tìm hiểu hết những hang động nơi đây bởi mỗi hang còn đang ẩn chứa nhiều điều huyền bí.

< Sơ đồ miêu tả ngăn hang Dơi 1 (vòng cung bên trên - cave 1) và hang Dơi 2 (cave 2). Hình tròn ở giữa là đoạn đứt gãy mà nếu tính cả đoạn này, hang Dơi 1 là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á.

Càng đi vào sâu bên trong mức độ hiểm nguy, cộng với môi trường sống khắc nghiệt (thiếu khí oxy, thiếu ánh sáng, chênh lệch nhiệt độ với môi trường bên ngoài…) càng lớn.  Do đó, nếu không có những thiết bị hỗ trợ cần thiết, thì rất dễ làm chùn chân, thậm chí gây nguy hiểm cho bất cứ ai muốn khám phá các hang động nơi đây”.

Để chuyến đi vào hang dơi được an toàn, ông Trạng phải chuẩn bị một loại đèn soi đội đầu và một cây đèn măng-sông lớn. 3 giờ chiều, chúng tôi bắt đầu tiến vào hang dơi nằm trên phần đất của ông Trạng. Miệng hang ở đây rộng hơn 3 m, 2 - 3 người có thể chui vào cùng lúc. Mới vào bên trong, mùi hôi đặc trưng của phân dơi ngay lập tức xộc vào mũi.

Bên trong hang, nhiều đoạn rộng gần chục mét, cao hơn 4m, nhưng cũng có đoạn lối đi hẹp, thỉnh thoảng lại có những ụ đất, đá chắn ngang khiến cả đoàn phải khom người, rồi bò mới qua được. Trên suốt quãng đường dài hơn 300 m (tính từ miệng hang), đâu đâu cũng thấy những con dơi treo mình trên trần hang. Bị ánh đèn soi chói mắt, chúng đồng loạt vỗ cánh bay loạn xạ.


Theo tài liệu báo cáo khảo sát vừa thực hiện tại các hang động này của Viện Sinh học nhiệt đới và Hội Hang động Berlin, các nhà khoa học còn tìm thấy sự sống phong phú với nhiều chủng loại động vật khác, như: các loài động vật thuộc nhóm nhện, rết, bọ cạp, dế hang, ruồi, nhiều loài ếch nhái, động vật có vú, cùng những rễ cây to  của rừng giá tỵ ăn sâu xuống đây.


Ở km 123 và km 122 Quốc lộ 20, đi về phía bên trái, vào khoảng 150 m (tính theo hướng từ Dầu Giây đi Đà Lạt), chúng tôi đã có chuyến thám hiểm tại 3 trong tổng số 7 hang dơi nằm bên trong khu rừng giá tỵ (thuộc huyện Định Quán). Tại những hang này, bên cạnh những miệng hang lớn còn có những hang rất nhỏ, chỉ vừa đủ cho một người có thể trạng trung bình chui lọt qua.

“Tất cả những hang dơi nằm ở bên trong khu rừng giá tỵ và các hang dơi khác nằm trên phần đất của các hộ dân trong khu vực có đặc điểm giống nhau, là đều được hình thành từ những dòng chảy dung nham núi lửa hoạt động từ thời xa xưa với vô số những con dơi trú ẩn bên trong. Trong đó, có nhiều hang đã được phát hiện là ăn thông với nhau” - ông Trương Bá Vương, thành viên đoàn khảo sát (Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện hàn lâm Khoa học - công nghệ Việt Nam), cho biết.

Cần được bảo tồn

Hệ thống hang động tại Đồng Nai không nhiều. Tuy nhiên, theo tài liệu của Viện Sinh học nhiệt đới và Hội Hang động Berlin, chỉ tại địa bàn thuộc 2 huyện Định Quán và Tân Phú, đoàn đã tiến hành khảo sát tổng cộng được 11 ống/hang dung nham với tổng chiều dài 1,8km.

“Trong số này, hang động dài nhất được tìm thấy là hang dơi được ngăn cách bởi sự sụp đổ, đứt gẫy tạo ra 2 hang: hang dơi 1 và hang dơi 2 (tại km 122). Trong đó, hang dơi 1 có chiều dài là 426 m, nơi được ghi nhận là rộng nhất của hang này có chiều cao lên tới 4 m và chiều rộng 10 m” - ông Vương cho biết thêm.

< Scutigère: Loài Thereuopoda longicornis (Fabricius 1793)

Đây quả là một sự ưu ái của thiên nhiên đối với khu vực 2 huyện miền núi của tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển và bảo tồn những món quà thiên nhiên ban tặng và còn mang nhiều nét nguyên sơ, mới lạ này rất cần các nhà khoa học, các ngành chức năng tiến hành nghiên cứu làm rõ và có hướng bảo vệ thích hợp. Bởi hiện nay, theo phản ánh của nhiều hộ dân, hàng ngày vào lúc chập choạng tối, khu vực này có nhiều đoàn người xách theo đèn pin, lưới mắt cáo tìm đến các cửa hang để bắt dơi.

Ông Nguyễn Văn Trạng cho biết, trước kia thịt dơi chỉ dùng để chế biến thức ăn của người dân trong những ngày nông nhàn. Nhưng hiện nay, những món ăn chế biến từ thịt dơi đã trở thành đặc sản. Chính vì bị đánh bắt thường xuyên nên nhiều đàn dơi đã chọn cách chuyển đến các hang động tại những địa phương khác để sinh sống. Điều này đã làm cho một số hang trong vùng không còn cảnh sinh sống đông đúc của dơi như trước.

< Amblypyge: Loài Phrynichus orientalis - Weygoldt,1998

Ông Trương Bá Vương (Nghiên cứu viên, Viện Sinh học nhiệt đới (thuộc Viện hàn lâm Khoa học - công nghệ Việt Nam), thành viên đoàn khảo sát:

Với kết quả tìm được thì hang động dơi tại khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Tân Phú và Định Quán sẽ trở thành hang dung nham dài nhất khu vực Đông Nam Á tính cho đến thời điểm hiện nay (dài hơn ống dung nham Gua Lawah có chiều dài 400 m của Indonesia). Phát hiện này dự kiến sẽ được Hội Hang động Berlin xuất bản thành một báo cáo đầy đủ bằng tiếng Anh, bao gồm: phần bản đồ và phần mô tả về các hang động. Dự kiến sẽ được xuất bản trên ấn phẩm Speleological Berlin Speleoclub của hội.

Bà Võ Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch):

< Loài Dơi, có thể loài cf. Hipposideros pomona

Đã từng dẫn nhiều đoàn học sinh, sinh viên của nhiều trường đại học trong khu vực Đông Nam bộ đến tìm hiểu và nghiên cứu tại hang dơi ở 2 huyện Tân Phú và Định Quán, tôi nhận thấy những địa điểm này rất có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm hang động. Đây là hoạt động sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà đến với bạn bè trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để có thể biến mong muốn đó thành hiện thực thì đòi hỏi các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu khoa học cần thực hiện nhiều đợt khảo sát để đánh giá mức độ an toàn, tác động của du lịch đối với môi trường sinh thái.

Du lịch, GO! - Theo Văn Truyên (Đồng Nai Online), ảnh internet

Sunday, 14 April 2013

Nhà địa lý nổi tiếng Lê Bá Thảo đã từng đánh giá khối núi đá này rộng đến 10.000 km², nằm vắt vẻo trên đỉnh Trường Sơn, nơi có đường biên giới Việt - Lào cắt qua. Phần phía Việt Nam, nơi có di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, chỉ chiếm non nửa, phần còn lại thuộc Lào.

Khối núi đá vôi khổng lồ này còn rất hoang sơ, hầu như không có điểm quần cư của con người. Không có đường đi dù là đường mòn. Việc nghiên cứu địa chất hay lâm học chủ yếu được thực hiện trên ảnh hàng không và ảnh vệ tinh. Cũng không có dòng sông hay suối nào lộ mặt, không có mặt bằng nào đáng kể.

Gần chục nghìn kilomét vuông đá tai mèo lởm chởm, chỉ có ven rìa mới xuất hiện các thung lũng suối nhỏ bao quanh bằng những vách dựng dứng. Độ cao trung bình của khối núi này là 800 mét, đôi chỗ nhô lên những ngọn núi cao trên nghìn mét, cao nhất là đỉnh Phu Et Va (1.512m).

Đá vôi của khối núi Kẻ Bàng có tuổi địa chất từ 380 triệu đến 240 triệu năm. Trải qua nhiều biến động địa chất, đá bị gãy vỡ, rạn nứt, tạo điều kiện cho nước xâm thực, hòa tan thành vô vàn dạng địa hình karst: những thung lũng, phễu, giếng, hố karst, những hang động ngầm khô hay có nước đủ loại kích cỡ. Vùng Kẻ Bàng lại có lượng mưa khá lớn, khoảng 3.000 mm mỗi năm. Phần lớn lượng nước này đổ vào các hang động ngầm, mà Phong Nha chỉ là một trong vô số các hang động đó.

Ở gần cửa động Phong Nha, các nhà địa chất đã tìm ra những hóa thạch thực vật thân gỗ, thuộc các nhóm thực vật cạn đầu tiên trong lịch sử trái đất có tên là thực vật Lộ trần (Psylophyta) và thực vật Cây vảy (Lepidophyta).

Những dạng thực vật cạn này cho thấy đã từng tồn tại một lục địa rất cổ mà đá vôi vùng Kẻ Bàng là những thành tạo biển tiến nằm ở ven rìa lục địa này. Có thể thấy dấu ấn của thành tạo ven rìa lục địa đó qua hình ảnh tầng đá vôi dày đến 4.000 mét của khối Kẻ Bàng, giống như một tấm nệm đá khổng lồ, phủ bên trên các đá kiểu cung đảo núi lửa (giống như các quần đảo Nhật Bản hay Philippines ngày nay).

Nhiều nhà khoa học từ lâu cũng đã nghi ngờ rằng mảng lục địa trên là một mảnh vỡ của lục địa Australia, bị trôi giạt về phía bắc. Bằng chứng cho giả thuyết đó là tại vùng Quy Đạt, huyện Minh hóa, Quảng Bình, vào những năm 1980, các nhà khoa học đã phát hiện thấy một loài động vật Tay cuộn hóa thạch Australia 30 triệu năm tuổi. Đó là loài Veervesia suchana, có quê quán ở vùng Fitzoy phía tây bắc Australia.

Ngoài những giá trị về địa chất, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn có các quần thể động, thực vật được bảo tồn khá tốt mà nhiều vùng khác đã ít hay không còn được gặp nữa. Do đặc thù là rừng nhiệt đới trên núi đá vôi, nên ở đây có rất nhiều loài động thực vật lạ, quý hiếm, như sến mật, kim giao, trầm hương, dương xỉ thân gỗ, cu li, bò tót, mèo rừng, cheo cheo Nam Dương…

Một số nơi trong vườn có những khu rừng rộng hàng trăm hecta chỉ thuần một vài loài cây như lát hoa, lát da đồng. Ở đây còn có thể gặp những đàn khỉ vàng hàng trăm con, hay vào mùa sinh sản của rắn, có thể thấy hàng trăm con rắn đen quấn bện vào nhau trong những hốc đá vôi nhỏ hẹp...

Trong một vài buồng đá ở động Phong Nha, còn gặp di tích các miếu thờ thần với những bài văn khắc trên đá bằng chữ Chăm cổ. Đây chắc chắn chưa phải là chứng tích cổ duy nhất của con người ở vùng đất này, bởi vì thế giới hang động ở vùng Kẻ Bàng còn chưa được khám phá hết.

Thắng cảnh nổi tiếng động Phong Nha thực ra gồm hai động: động khô (Lâu đài Vua) và động ướt (Thủy tề Tiên).

Động được đánh giá là có 7 cái nhất: hang nước dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát và đá rộng và đẹp nhất, hồ ngầm đẹp nhất, thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam (13.969m) và hang khô rộng và đẹp nhất.
Riêng động Phong Nha do một con sông ngầm tạo thành, nhiều đoạn có những hồ nước và bãi bồi rộng lớn. Động chính gồm 14 buồng nối liền bằng một hành lang dài đến 1.500m. Toàn bộ động nằm sâu dưới đỉnh núi 800-900 m.

Du lịch, GO! - Theo Khoa học và Đời sống, ảnh internet

Sunday, 7 April 2013

Ðộng Cốc San thuộc xã Cốc San, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Động Cốc San là một hệ thống các thác nước và các hang động to nhỏ khác nhau, vì vậy người ta có thể gọi đây là động Cốc San hoặc thác Cốc San. Đường vào Cốc San rất ngoằn ngoèo, tối và bị lấp bởi những tảng đá, vẻ đẹp của Cốc San vẫn hoàn toàn mang tính chất tự nhiên, hoang sơ.

Nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 7km, Cốc San đã từ lâu được biết đến như một điểm du lịch lý tưởng của người dân thị xã. Từ quốc lộ 4D, một con đường đất nhỏ có chiều dài khoảng hơn 1km dẫn vào Cốc San. Hai bên đường là những cánh đồng nhỏ và làng xóm của dân địa phương. Khi còn cách Cốc San khoảng 300 - 400m, bạn đã có thể nghe được tiếng suối chảy rầm rì.

Cốc San nằm giữa hai đồi thấp, khe đồi tạo thành một con suối có độ dốc trung bình, ở đó có những thác nước xếp từ thấp lên cao tựa như những bậc thang. Các hang động ở Cốc San được phân bổ ở rất nhiều nơi, và có một điều rất đặc biệt là hầu như ở mỗi gầm một con thác, sau làn nước cong đổ từ trên cao xuống lại có một hang động.

Phong cảnh Cốc San hài hoà và khoáng đạt. Mọi người mỗi khi đến đây đều cảm nhận được sự huyền bí diệu kỳ toát lên từ những ngọn thác, những mô đá và những hang động. Cứ độ vài chục mét lại có thác đổ, khoảng cách giữa các thác là những đoạn suối bằng lặng trong xanh chảy giữa hai bờ cát.

Cốc San có những bãi đá gồm nhiều phiến đá nhỏ to khác nhau, nhấp nhô trùng điệp. Ðặc biệt có nhiều phiến mặt rất bằng phẳng và rộng lớn có thể ngồi được vài chục người.

Khí hậu ở Cốc San rất trong lành và mát mẻ khiến ta có cảm giác thật dễ chịu. Vào những ngày hè hoặc những ngày nghỉ lễ, rất nhiều người đến với Cốc San. Ða số họ là thanh niên, học sinh... Khi đến Cốc San ngoài việc thăm thú các phong cảnh, chụp ảnh... họ còn được tắm mình trong làn nước trong xanh mát lạnh.

Tuy nhiên, Cốc San mới chỉ được biết đến trong phạm vi thị xã Lào Cai và một số vùng lân cận và mặc dù Cốc San có nhiều hang động, nhưng hầu như chúng chưa được khám phá là mấy, vì đường vào hang rất ngoằn ngoèo, tối và bị lấp bởi những tảng đá. Có thể nói vẻ đẹp của Cốc San vẫn hoàn toàn mang tính chất tự nhiên mà chưa có sự tác động của bàn tay và khối óc con người nhằm biến nó thành một khu du lịch thật sự.

Du lịch, GO! - Theo DulichTaybac, internet

Saturday, 30 March 2013

Quần thể hang động trên Vịnh Bái Tử Long phong phú không kém nhiều so với Vịnh Hạ Long. Hiện còn nhiều hang động ở đây vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ, trong đó có 2 hang động rất đáng để du khách đến tham quan, khám phá sự kỳ bí của thiên nhiên…

Trước tiên phải nói đến hang Nhà Trò. Từ bến cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn), đi bằng tàu khách khoảng hơn 1 tiếng là đến xã đảo Bản Sen. Bản Sen có hệ thống hang động rất phong phú, nhưng đẹp hơn cả là hang Nhà Trò. Từ bến tàu Bản Sen, chèo mủng hoặc đi xuồng máy khoảng 1km sẽ đến được cửa hang Nhà Trò. Có người bảo tên hang Nhà Trò là do người ta liên tưởng nơi đây như một nơi thường diễn ra hát xướng, văn nghệ tựa như nhà hát thời hiện đại...

< Hang Nhà Trò.

Kể cũng không phải không có lý. Vì trong hang rất rộng, tới gần 200m², giống như một cái sân khấu. Ở hai bên “sân khấu” có lối ra vào giống như cánh gà, xung quanh là các nhũ đá giống hình thù quái vật tượng trưng cho phái ác, hay hình đầu người ngộ nghĩnh tượng trưng cho phái thiện.

Xung quanh “sân khấu” có các nhũ đá xếp thành nếp giống như tấm màn nhung của sân khấu xưa.

Phía ngoài vách hang có nhiều hoá thạch vỏ sò, vỏ ốc chứng minh đây là nơi sinh sống của người Việt cổ.

Không chỉ là thắng cảnh đẹp tự nhiên, hang Nhà Trò còn là địa điểm khảo cổ có giá trị. Vì ở các dải trầm tích, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các loại vỏ ốc tròn và dẹt, là loại ốc nước ngọt có tên là menali, thức ăn chủ yếu của người tiền sử, lẫn trong tầng hoá thạch có cả xương thú cháy và đá cát két được chế tác thành thứ công cụ làm chày nghiền thuộc kỷ đồ đá mới, cách ngày nay 5-7 nghìn năm.

Hang Nhà Trò còn có gốm Cái bèo (gốm cổ có độ tuổi khoảng 5-6 nghìn năm), các hòn ghè hình rìu đá v.v.. Viện Khảo cổ học Việt Nam khẳng định “Hang Nhà Trò là một chi lưu thuộc văn hoá Hoà Bình, và nơi đây chính là một “kho báu” lịch sử.

Sự phát lộ của hang Nhà Trò chính là một cứ liệu vững chắc làm sáng tỏ nguồn gốc và tính hệ thống liên tục không thể phủ nhận về một nền văn hoá Hạ Long sớm xuất hiện ngay từ thời kỳ đồ đá cũ và xuyên qua thời kỳ đồ đá mới thuộc văn hoá Hoà Bình cách ngày nay khoảng 20.000-5.000 năm”.

Sau hang Nhà Trò, có một hang động khác trên Vịnh Bái Tử Long cũng rất đáng khám phá. Đó là hang Luồn Cái Đé, nằm ở khu vực đảo Cái Lim, hiện quản lý của Vườn quốc gia Bái Tử Long.

< Hang Luồn.

Chỉ có thể vào Hang luồn Cái Đé khi nước kém, vì khi thuỷ triều lên, nước ngập đến tận đỉnh hang. Bề rộng của hang chỉ khoảng 50m, nhưng chiều dài tới hơn 500m xuyên qua một quả núi lớn. Hang luồn Cái Đé là hang duy nhất ở Vịnh Bái Tử Long có thể đi được thuyền trong lòng hang.

Với con thuyền nhỏ, nếu là thuyền chèo bằng tay thì càng thuận tiện, bơi trong lòng hang, ta giống như lạc vào một lâu đài lung linh nhũ đá mọc ở cả hai bên và trên trần hang. Các nhũ đá đủ mọi hình dạng khiến ta thầm cảm phục sự khéo léo tài tình của tạo hoá. Tuy nhiên, việc vào hang khá mạo hiểm và phải có ít nhất 4 người khoẻ mạnh tham gia. Vì trong lòng hang còn có một khu vực bãi cạn, khi đó du khách buộc phải khênh thuyền qua khu vực cạn mới bơi tiếp được.

Bơi thuyền khoảng 10 phút nữa ta đến được Vụng Cái Đé, ở đây là cả một quần thể rừng ngập mặn, những thân cây ngập mặn không nhỏ bé như ta vẫn thấy dọc bờ biển Quảng Ninh mà to lớn, có đường kính khoảng 30cm, cao hàng chục mét và có niên đại hàng trăm năm.

< Trong hang có thể đi được bằng thuyền, du khách thoải mái ngắm nhìn các nhũ đá trông rất đẹp.

Vụng Cái Đé chỉ rộng khoảng 10 ha, nhưng đây là vựa ngán khổng lồ, ước tính có thể khai thác được khoảng 10 tấn ngán/năm. Đã có thời kỳ nơi đây đã hình thành đội ngũ cai đầu dài, chuyên cai quản những người khai thác ngán. Từ khi Vườn quốc gia Bái Tử Long được thành lập, đội ngũ cai đầu dài bị dẹp bỏ. Ngày nay, hang luồn Cái Đé vẫn chứa trong nó những bí ẩn mà chỉ một số ít người ưa phiêu lưu mạo hiểm mới qua lại…

Du lịch, GO! - Theo Công Thành (Báo Quảng Ninh) cùng nhiều nguồn ảnh khác trên internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống