Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Di tích lịch sử. Show all posts
Showing posts with label Di tích lịch sử. Show all posts

Saturday, 27 April 2013

Các cụ ngày xưa kể lại rằng núi có một đường hầm để Bà Chúa vận chuyển lương thực từ sông lên kho. Sau này qua các triều đại phong kiến, đường hầm này vẫn được tiếp tục sử dụng để đánh lại quân xâm lược phương Bắc. Dấu tích còn để lại đến ngày nay là những phiến đá to, những bức tường cát bi kéo dài, phân nửa chìm dưới lòng đất (xây bằng cát bi và một loại keo dính hỗn hợp).

Đường hầm do Bà Chúa Kho xây dựng? 

Đền Bà Chúa Kho ở Cỗ Mễ (Phú Ninh, Bắc Ninh) được người dân biết đến như một "ngân hàng địa phủ" lớn nhất và uy tín nhất cả nước.

Theo tục thì vay đầu năm trả cuối năm, vì thế cứ vào những ngày đầu năm người dân khắp cả nước lại về nơi đây cầu mong có một năm nhiều tiền lộc, no đủ. Ngôi đền có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076.

Vào thời đó ở làng Cổ Mễ, núi Kho, Cầu Gạo... (nay thuộc xã Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh) vốn là những nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ Nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Núi Kho, núi Dinh, Thị Cầu cũng vốn là một vị trí chiến lược có thể kiểm soát con đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về Thăng Long xưa.

Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt.

Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã "thác" trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077).

Suốt nhiều năm nay, nơi đây vẫn được coi là mảnh đất thiêng và được người dân khắp cả nước đến cúng bái, lễ lạt.

Thế nhưng ít ai biết ở dưới núi có một đường hầm, chỉ cách điện thờ Bà Chúa chừng 1,5m. Đây là đường hầm có kết cấu hình mái vòm nằm lùi sâu trong chân núi, chỗ cao nhất của đường hầm là gần 2m, chỗ thấp nhất cũng gần 1m8.

Nhiều người dân sống quanh đây kể rằng, đường hầm đã bị bỏ quên từ rất lâu, và trong đường hầm có rất nhiều rắn.

Nghe vậy, những gai ốc trên người tôi bỗng nổi lên. Nhưng máu tò mò đã thôi thúc tôi tìm đến ông Nguyễn Ngọc Thủy (người của ban di tích) và nhờ ông dẫn đường.

Dù đã chuẩn bị hai cái đèn pin và vài cây nến bằng nửa cổ tay tôi vẫn run run khi bước chân qua bức tường chắn đường hầm đã bị ai đó làm đổ.

Vừa mới bước vào đường hầm, một mùi ẩm mốc, ngai ngái đã bốc lên khiến chân tôi chùn lại. Xung quanh cửa hầm, mạng nhện giăng kín như từ lâu lắm không có ai ghé qua.

Bước sâu vào bên trong thì thấy đường hầm được xây khá kiên cố, bên trong lát gạch đỏ có chỗ trát bê tông. Do bị bỏ hoang quá lâu nên trên nền đường hầm gạch vữa sụp đổ ngổn ngang, bùn đất nhão nhoét.

Càng đi vào trong thì đường hầm càng bằng phẳng, cách cửa đường hầm khoảng 200m về phía bên tay trái vẫn còn một phòng cao chừng 2m, rộng 3m. Bên trong phòng có một bàn làm việc bằng bê tông. Nhiều đoạn trong đường hầm bị hỏng nhô ra những phiến đá hình thù khá đẹp.

Nói về đường hầm này với vẻ thành kính, bác Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ hưu trí ở Cổ Mễ, Bắc Ninh cho biết, từ đời bố của bác cũng không biết đường hầm này có từ khi nào.

Mọi người đều nói đường hầm do Bà Chúa Kho xây dựng. Trong cuộc chiến trống quân xâm lược nhà Tống, bà đã đứng ra xây dựng nhà kho, tích trữ lương thực để đánh quân xâm lược.

Núi kho là nơi được bà lựa chọn để tích lũy lương thực. Đường hầm chính là do bà cho xây dựng để vận chuyển lương thực từ bờ sông Như Nguyệt lên nhà kho của mình một cách dễ dàng và không bị địch phát hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Ban di tích đền Bà Chúa Kho) cho biết: "Các cụ ngày xưa có kể lại rằng núi có một đường hầm để Bà Chúa vận chuyển lương thực từ sông lên kho.

Dấu tích còn để lại đến ngày nay là những phiến đá to, những bức tường cát bi kéo dài, phân nửa chìm dưới lòng đất (xây bằng cát bi và một loại keo dính hỗn hợp). Bức tường này vẫn còn ở trên đồi. Đến thời Pháp, chúng xây dựng kiên cố hơn và tồn tại cho đến ngày nay".

Một số người lại cho rằng đường hầm này, xưa, do giặc phương Bắc đào để chứa vàng cướp được của dân ta. Một số khác lại cho rằng thực chất đây là một đường hầm xuyên núi có từ thời Pháp - Nhật giao tranh.

Một cụ già cao niên trong làng chia sẻ từ thời ông lên 9, lên 10, mỗi lần ra đây thả trâu tôi thường đốt đuốc đi vào trong để bắt dơi, bắt chuột nhưng không bao giờ dám đi hết đường hầm vì càng đi sâu vào trong càng khó thở... thành ra đường hầm vẫn là một nơi rất kỳ bí.

Quân giặc không dám phạm đến mảnh đất thiêng

Theo sách sử còn ghi rằng, vào đầu thế kỷ 19, thực dân pháp xâm lược Việt Nam. Trong những ngày chiếm đóng, chúng mở cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất để vơ vét của cải vật chất.

Nhà máy giấy Đáp Cầu được xây dựng năm 1913 ngay cạnh sông Như Nguyệt sát Núi Kho nằm trong kế hoạch ấy của chúng. Nhưng những năm 40 của thế kỷ 19 Nhật nhảy vào cạnh tranh với Pháp, chúng muốn hất cẳng Pháp tại Việt Nam và Đông Dương.

Cuộc chiến giữa Pháp và Nhật căng thẳng. Bắc Ninh không nằm trong ngoaị lệ, đường hầm được Pháp chọn làm nơi che giấu sĩ quan nhân viên cấp cao của chúng ở khu vực và công nhân nhà máy giấy Đáp Cầu mỗi khi quân Nhật càn quét tới.

Khi Pháp rút đi thì Mỹ lại xâm lược Việt Nam. Năm 1972, chiến tranh ác liệt, người dân Cổ Mễ phải sơ tán lên Núi Kho. Và chính đường hầm rộng, sâu nên chứa được rất nhiều người, nhờ đường hầm mà cả làng thoát được những trận mưa bom bão đạn.

Cũng nơi đây còn là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách. Trận địa pháo cao xạ được xây dựng cấp tốc ngay chân núi Kho, đường hầm là nơi cất giấu vũ khí. Tại núi Kho quân ta đã hạ được nhiều máy bay của địch.

Tuy nhiên có một điều lạ lùng xung quanh vùng núi Kho mà đến bây giờ mọi người vẫn không thể giải thích nổi. Trải qua hai cuộc chiến tranh, bom đạn của Pháp và Mỹ cày nát những vùng xung quanh thế nhưng nơi đây tuyệt nhiên không một quả bom rơi xuống.

Những đoàn pháo cao xạ khi chiến đấu ở đây cũng không hề bị một quả bom nào dội trúng, nhưng khi vừa bước qua quả đồi bên kia thì liền bị bom Mỹ dội ngay. Người dân tin rằng mảnh đất thiêng oai hùng khiến cho bom đạn của giặc không thể đụng tới. Chính Bà Chúa Kho đã che chở cho người dân khiến quân giặc không thể xâm phạm.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đăng Túc - Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Nguồn gốc của đường hầm này còn nhiều giả thiết khác nhau. Ông và một số nhà nghiên cứu thiên về giả thiết cho rằng đường hầm được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Sở cũng đang tiến hành một số thủ tục để nghiên cứu thêm về niên đại của đường hầm".

Du lịch, GO! - Theo Người Đưa Tin, Kiến Thức...

Friday, 19 April 2013

Nằm cách TP Đà Nẵng gần 30 km về phía nam và cách phố cổ Hội An chưa đầy 10 km về phía tây, dinh trấn Thanh Chiêm xưa và nay là làng Thanh Chiêm thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) vốn là một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của xứ Đàng Trong từ thời chúa Nguyễn.

Quảng Nam với nghĩa là vùng đất rộng lớn ở phương Nam, nơi đây vốn là đất của Chiêm Thành. Đất đai màu mỡ, sản vật phong phú, dân cư đông đúc. Hàng năm số thuế thu ở Quảng Nam còn hơn cả Thuận Hóa.
Năm Nhâm Dần 1602, Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng xây dựng dinh trấn Thanh Chiêm và cử hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) làm trấn thủ để cai quản và mở mang bờ cõi về phía nam. Dinh trấn Thanh Chiêm lúc này được các thương nhân nước ngoài biết đến qua cái tên Cac Ciem hay Kẻ Chiêm.

< Dinh trấn Thanh Chiêm  và phố Nhật Bản tại Hội An với hai con đường dài 300 thước và chợ dù Phù Tang đặc trưng. Ảnh trích đoạn từ tranh thế kỷ 17: GIAO CHỈ QUỐC MẬU DỊCH HẢI ĐỒ hiện treo tại một ngôi chùa thành phố Nagoya, Nhật Bản.

Theo nhiều sử sách, vùng đất Thanh Chiêm cũng là nơi các giáo sĩ phương Tây soạn chữ quốc ngữ mà ngày nay chúng ta đang sử dụng. Trên văn bia đình làng Thanh Chiêm có ghi hai câu đối nói về thời thịnh vượng của dinh trấn Thanh Chiêm khi tàu bè các nước vào cảng Hội An phải về Thanh Chiêm làm thủ tục.

Hai thế kỷ lừng danh, vẻ vang dấu cũ (thế kỷ 17-18); Bốn trăm năm truyền thống, rạng rỡ làng xưa (1602-2007) trở thành niềm tự hào của người dân Thanh Chiêm và Điện Bàn.
Dinh trấn Thanh Chiêm ngày nay không còn nữa nhưng những hình ảnh hiếm hoi còn sót lại và những trang viết về dinh trấn của người đương thời đã minh chứng cho một thời kỳ vàng son của vùng đất Điện Bàn, Hội An, Quảng Nam trong quá trình mở nước của dân tộc.

Đến Thanh Chiêm có thể đi bằng đường bộ theo QL 1A hoặc theo sông Hoài từ Hội An ngược dòng Thu Bồn. Ngày nay, du khách có nhiều cơ hội khám phá, tham quan các làng nghề truyền thống vang tiếng như đúc đồng Phước Kiều, dệt chiếu, làm bánh tráng, làm gốm mỹ nghệ và đặc biệt là thưởng thức món bê thui Cầu Mống hay món mì Phú Chiêm nức tiếng gần - xa.

Làng Thanh Chiêm còn là nơi dừng chân của du khách trên con đường di sản nối liền Hội An và Mỹ Sơn. Đây là tour hành hương rất lý thú, giúp du khách tìm hiểu thêm về đời sống nông thôn và lịch sử của một vùng đất giàu truyền thống của miền Trung.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Báo Thanh Niên, Blog Ngobadung, ảnh internet

Tuesday, 16 April 2013

Di tích chiến thắng La Ngà trải dài trên 9km đoạn quốc lộ 20 từ cây số 104 đến 113 qua các xã Phú Ngọc Ngọc Định và Phú Hiệp của huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

< Tượng đài Chiến thắng nhìn từ cầu La Ngà.

Quốc lộ 20 được người Pháp xây dựng từ đầu thứ kỷ 20, là đường giao thông chiến lược nối liền Sài Gòn với Đà Lạt. Từ Đà Lạt còn có nhiều con đường nối với các tỉnh Tây nguyên đến trung Hạ Lào và xuống các tỉnh vùng duyên hải miền Trung.

Thuở ấy, đoạn quốc lộ 20 qua các di tích chiến thắng La Ngà chỉ là con đường trải nhựa nhỏ bé (khoảng 5 - 6 mét) quanh co khúc khuỷu men bên sườn núi, có những đoạn dốc cao kéo dài, độ dốc trung bình từ 10 - 15 độ.

< Cầu La Ngà năm 1969.

Phía đông, đường dốc thoải dần xuống thung lũng, có những chỗ là vực sâu. Phía tây, đường chạy theo những triền núi cao, cách sông Đồng Nai 7km. Hai bên đường toàn rừng già, không có dân cư sinh sống. Buổi sáng có thể nhìn thấy những bãi phân voi to như chiếc rổ rải rác trên mặt đường. Buổi chiều rừng nguyên sinh tĩnh lặng đến độ người ta có thể nghe tiếng xào xạc trên các tán cây hay tiếng bước chân của các loài thú rừng. Vào mùa mưa, sương mù bao trùm cả cánh rừng làm cho môi trường càng âm u, tĩnh lặng.

< Làm chủ trận địa La Ngà trong trận tập kích ngày 1-3-1948.

Ngày 01 tháng 3 năm 1948, sau một thời gian dài chuẩn bị, Chi đội 10 phối hợp với Liên quân 17 phục kích tấn công đoàn xe quân sự Pháp từ Sài Gòn đi Đà Lạt trên lộ 20. Tuyến phục kích trải dài trên 9 km từ cây số 104 đến 113 nay thuộc địa bàn Định Quán. Lực lượng vũ trang cách mạng tập kết quân và bố trí phục kích trên ba mặt trận với tên gọi: A, B, C nhằm khóa đuôi, chăn viện và đánh thẳng vào đoàn xe quân sự địch - Trên các mặt trận được bố trí nhiều địa lôi.

15 giờ 12 phút, chiếc thiết giáp dẫn đầu đoàn xe địch lọt vào trận địa phục kích. Quân cách mạng tấn công, ba trái địa lôi và viên đạn chống tăng gần như nổ cùng một lúc tạo nên một cột lửa khói bao trùm mục tiêu. Chiếc thiết giáp bị đẩy hất lên nằm chắn ngang đường rồi bốc cháy. Chỉ huy đoàn xe cùng bộ phận thông tin bị tiêu diệt tại chỗ. Hai chiếc xe chở lính hộ tống đi tiếp sau đâm sầm vào xác chiếc xe trước bắt lửa cháy luôn. Quân cách mạng dùng hỏa lực tiêu diệt đám lính còn lại và vận động xung phong tấn công trực diện đoàn xe địch trên lộ.

Số xe địch đi sau lọt hẳn vào trận địa và tiếp tục tiến lên, không hay biết về bộ phận đi đầu đã bị tiêu diệt. Khắp cả hai mặt trận B và C, quân ta tập trung hỏa lực vào những xe quân sự, chiến đấu quyết liệt với địch và nhanh chóng làm chủ trận địa. 16 giờ trận đánh kết thúc, 59 xe địch bị tiêu diệt hoàn toàn, 150 lính lê dương đi hộ tống, 25 sĩ quan Pháp, trong đó có đại tá De Sérigné - chỉ huy lữ đoàn lê dương thứ 13 và đại tá Patruit - phó tham mưu trưởng thứ nhất quân viển chinh Pháp ở Đông Dương bị thiệt mạng, trung úy Joeffrey - chỉ huy đội hộ tống bị bắt sống. Cùng với bộ đội Chi đội 10 và liên quân 17, lực lượng vũ trang địa phương tham gia trận đánh rút về căn cứ an toàn.

Chiến thắng La Ngà gây một tiếng vang lớn trong cả nước ta, làm chấn động dư luận nước Pháp. Quốc hội Pháp phải chất vấn chính phủ về trận La Ngà. Viên đại tá Thalès, chỉ huy trưởng khu vực Đồng Nai thượng bị giáng chức nên đã tự tử.
Đây là một chiến thắng quân sự lớn nhất từ đầu cuộc kháng chiến đến lúc bấy giờ của lực lượng vũ trang Biên Hòa. Trận đánh giao thông La Ngà đánh dấu bước tiến vượt bậc về khả năng phối hợp, tổ chức, trình độ chiến thuật, kỹ thuật của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hoà. Các đơn vị tham gia trận đánh được vinh dự nhận Huân chương Quân công hạng II do Bác Hồ trao tặng.

< Tượng đài chiến thắng La Ngà.

Tại chiến trường xưa, trên ngọn đồi Gió bên dòng sông La Ngà, tượng đài Chiến thắng La Ngà được xây dựng như một biểu tượng tình cảm thiêng liêng của hậu thế khắc ghi công lao to lớn của cha ông đã tạo nên một chiến công bất tử, một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Cụm di tích chiến thắng La Ngà trải dài trên 9 km đoạn quốc lộ 20 từ km 104 đến 113 qua các xã Phú Ngọc, Ngọc Định và Phú Hiệp, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Cụm di tích tượng đài chiến thắng La Ngà được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích, lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 235/VH- QĐ ngày 12 tháng 12 năm 1986.

Ngày nay, Quốc lộ 20 được mở rộng nâng cấp những cánh rừng nguyên sinh không còn nữa, thay vào đó là những khu dân cư đông vui tấp nập. Bên tả ngạn sông La Ngà, trên đỉnh đồi, là khu công viên tượng đài “Chiến thắng La Ngà” hoành tráng sừng sững giữa bầu trời xanh lộng gió, soi bóng xuống dòng sông.

Hơn 55 năm trôi qua vết tích về một trận đánh giao thông táo bạo, hùng tráng gần như không còn, nhưng âm vang chiến thắng La Ngà vẫn còn đó. Tượng đài La Ngà như một biểu tượng tình cảm thiêng liêng của đất nước khắc ghi công lao to lớn của chiến sĩ đồng bào đã hy sinh góp phần làm nên chiến công vang dội “Chiến thắng La Ngà”. Một mốc son chói lọi của lịch sử đấu tranh dân tộc.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ SVHTT&DL-Đồng Nai và nhiều nguồn thông tin, hình ảnh khác trên internet

Wednesday, 10 April 2013

Khu du lịch Tam Đảo (thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là một thung lũng hình lòng chảo. Ở đây có một ngọn núi có tên gọi Nhà Thờ, vì sát chân núi nầy có một ngôi nhà thờ bằng đá cổ.

Theo tư liệu, năm 1902, người Pháp khám phá ra thung lũng rộng 253 hecta, trên độ cao 900 mét, một ngày có bốn mùa xinh đẹp tuyệt vời ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) nầy. Họ nhanh chóng bắt tay biến Tam Đảo thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất Đông Dương, dành cho các quan chức của họ.

Dưới bàn tay của phu phen người bản xứ, tù thường phạm, tù chính trị, qua sự cai quản của Pháp: dần dần Tam Đảo mọc lên 145 tòa biệt thự nguy nga, tráng lệ, sân thể thao, sàn nhảy, hồ bơi, nhà thờ, trên những con đường lượn qua các đồi dốc cao thấp thơ mộng.

Đó là quyết tâm của người Pháp biến Tam Đảo mang vẻ đẹp phương Tây lãng mạn, là Đà Lạt xứ Bắc, một “Hòn ngọc Đông Dương”.

Tuy nhiên, qua chiến tranh, những công trình thấm đẫm mồ hôi, máu và xác người bản xứ ấy nay đã tiêu vong, một số còn “xác”, chỉ riêng nhà thờ còn tồn tại.

Nhà thờ Tam Đảo được xây dựng từ năm 1906, nhà sàn lợp lá. Đến năm 1937 xây lại to đẹp, kiên cố với vật liệu đá, gạch, gồm: Nhà thờ không có trụ, rộng 12mx22m, gian cuối 2 tầng, tầng trên dành cho ca đoàn. Mái nhà thờ hình vòm gắn kiếng màu vàng, tím, trắng; lợp ngói Hưng Ký cỡ lớn. Tường nhà thờ bằng đá xanh, chỉ tô hồ bên trong. Hai bên vách trong thánh đường bố trí từng khoang nhỏ (2m) treo các chặng đường thánh giá. Hông phải nhà thờ nằm gần vách núi. Hông trái nhà thờ, phía cửa chính là tháp chuông cao 18 mét.

Nhà thờ tọa lạc trên nền kè cao khoảng 5 mét, có hai cầu thang bằng đá xanh lên tiền diện và hậu diện. Giữa hai cầu thang là bức tường xây cuốn hình cánh hoa to đựng nước phép, hứng nguồn nước ngầm trên núi. Truyền thuyết cho rằng nhà thờ có mẩu xương thánh do Tòa thánh La Mã ban.

Ngôi thánh đường xây dựng theo kiến trúc kiểu Gothic, nổi trên nền rừng thông do người Pháp trồng, xanh ngắt trên sườn núi Nhà Thờ. Thánh đường im lìm soi bóng xuống thung lũng đầy những biệt thự, nhà nghỉ, hàng quán. Lúc bấy giờ thánh đường có một tu viện nơi khoảng 100 vị ẩn tu.

Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến của cách mạng Việt Nam, nhân dân đã di tản khỏi thị trấn, mọi biệt thự đều bị phá hủy; riêng nhà thờ được Bác Hồ chỉ thị phải giữ nguyên vẹn, không được xâm phạm vào tín ngưỡng của dân... nhờ vậy giữ được một kiến trúc đậm nét văn hóa. Từ năm 1954, chính quyền trưng dụng nhà thờ vào việc công.

Ngày 8-8-2008, nhà thờ được trao trả ban Hành giáo xứ đạo Vĩnh Yên. Và Đức cha giáo phận Bắc Ninh đã cử hành làm phép lại cho nhà thờ, khởi công trùng tu, đặt tên cho nhà thờ là “Nữ vương Hòa bình”. Ngày 02-9-2008, lần đầu tiên nhà thờ cổ Tam Đảo chính thức tổ chức buổi dâng lễ tạ ơn, với hơn 2.000 giáo dân tham dự.

Ngày nay, đứng ở thung lũng Tam Đảo, bất cứ nơi nào cũng nhìn thấy nhà thờ đá, nhất là cái tháp chuông, như một người trầm mặc in hình giữa rừng thông vi vút lá gió trên sườn núi. Nhà thờ có một khoảng sân khá rộng.

Khoảng sân nầy một mặt dài theo hông nhà thờ, mặt kia nằm “chon von” phía đường lộ. Để đảm bảo an toàn cho tín hữu, phía đường lộ được xây dựng một vòm cửa bằng đá xanh. Vòm cửa nào cũng có hình bán nguyệt, có mặt bằng để khách ngồi nhìn ngắm thị trấn bên dưới. Thị trấn xinh đẹp mà vòm cửa cũng đẹp xinh - có thể xem là một tác phẩm mỹ thuật làm tôn vẻ đẹp vốn có của nhà thờ.

Với những nét đặc trưng quý hiếm đó, nhà thờ đá cổ là một điểm tham quan lý thú, thu hút bất cứ vị khách nào khi đến nghỉ ngơi Tam Đảo. Đến viếng nhà thờ bất cứ thời điểm nào trong ngày, khách cũng đều thấy vẻ đẹp của nó, mỗi tiết trời một vẻ đẹp khác nhau. Buổi sáng se se lạnh với sương mù lãng đãng vây quanh. Buổi trưa trời hanh heo nhưng gió núi thổi lùa tạo cảm giác dễ chịu. Buổi chiều lâng lâng với mùa thu lãng mạn. Buổi tối sương giăng dầy đặc, lạnh run.


Thật là kỳ diệu! Đặc biệt ai cũng thích thú khi tận tay sờ vào những phiến đá xanh rêu “cổ tích”, được chụp những bức ảnh đẹp kỷ niệm chuyến đi nhiều thơ mộng, lãng mạn ở cái thung lũng diễm tuyệt nầy với ngôi thánh đường cổ kính tuy mang đậm phong cách kiến trúc phương Tây nhưng lại đằm thắm hồn Việt. Vì, nhà thờ đá Tam Đảo có giá trị lịch sử đáng trân trọng. Đây là một trong bốn nhà thờ đá nổi tiếng ở nước ta, là: nhà thờ đá cổ Sa Pa (Lào Cai), nhà thờ đá Nha Trang (Khánh Hòa), nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình).

Độc đáo nhà thờ đá Tam Đảo
Ngoạn cảnh nhà thờ đá tại Nha Trang

Du lịch, GO! - Theo Hoàng Ngọc (Thesaigontimes), internet

Saturday, 6 April 2013

Đến huyện An Dương nhiều người tìm đến đình Nhu Thượng (xã Quốc Tuấn) để khám phá và chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc thế kỷ 19 hiện vẫn được lưu giữ.

Đình Nhu Thượng cấu trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung bề thế được xây dựng theo thức chồng diêm, nóc các, 2 tầng, 8 mái cao vượt hẳn lên so với 5 gian tiền đường, dựng năm Tự Đức 14 (1861). 20 năm sau, mùa xuân năm Tự Đức 34 (1882), dân làng dựng tiếp 5 gian tiền đường, nối với tòa hậu cung bằng cách tận dụng nguồn vật liệu gỗ, đá của ngôi đình cũ ven sông.

Theo các cụ cao tuổi trong làng, đình Nhu Thượng thờ vua Bạch Đầu Đế Mai Kỳ Sơn và nữ tướng Mai Thị Cầu - hai người con của vua Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan)  - người đứng đầu chống quân đô hộ nhà Đường thế kỷ 8.

Hai chị em nữ tướng Mai Thị Cầu đã giúp đỡ dân làng ruộng đất, vàng bạc, đồng thời chiêu mộ dân thôn xây dựng đồn trại, tham gia nghĩa binh, chống giặc ngoại xâm.

Năm 722, sau khi vua Mai Hắc Đế mất, Mai Kỳ Sơn lên nối ngôi, đem quân đánh chiếm lại vùng đồng bằng phủ Tổng Thành (Thanh Hóa ngày nay) cho đến Quảng Ninh, Nam Hà. Tháng Chạp năm 727, sau 2 tháng giao chiến, quân giặc phá được căn cứ phòng thủ của hai chị em nữ tướng Mai Thị Cầu và vua Bạch Đầu Đế. Không chịu khuất phục quân giặc, hai chị em nữ tướng  gieo mình xuống sông tuẫn tiết.

Ngày nay, trên bờ một con trạch thoát triều cũ, chảy ra sông Lạch Tray thuộc địa phận xã Quốc Tuấn vẫn còn 2 ngôi miếu nhỏ - nơi hai chị em nữ tướng gieo mình (người dân trong làng gọi  là miếu Một và miếu Đôi). Đình Nhu Thượng được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1991.

Hằng năm, để tưởng nhớ công lao của hai chị em họ Mai, dân làng mở hội từ mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng.

Ngoài đám rước của dân làng, từ miếu Đôi, miếu Một về Đình, sau nghi thức tế thần làng và hàng loạt các hoạt động văn hóa diễn ra trong lễ hội như: đấu vật, tam cúc điếm, thi bắt vịt, thi cầu thùm... tổ chức tại sân đình.

Du lịch, GO! - Theo Diệp Anh (Haiphong.gov), internet

Wednesday, 3 April 2013

Ngọa Long Sơn (có nghĩa con rồng nằm), là tên chữ của núi Dài. Đây là ngọn núi thuộc dạng núi dốc, được hình thành trong thời kỳ tạo sơn mãnh liệt nên núi có độ cao 554m (có nơi ghi 580m) và độ dốc lớn trên 25 độ.

Đá trên núi phần lớn là đá cứng với nhiều pha tạp khác nhau gồm đá núi lửa và đá granditoit có tuổi Jura thượng, đá granite có tuổi Creta. Con rồng nằm này dài khoảng 8.000m, dài nhất trong dãy Thất Sơn, nằm dọc theo Tỉnh lộ 955B, chiếm một diện tích rộng lớn thuộc 4 xã: Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc và Lê Trì của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Trên núi có nhiều loại gỗ quý như dầu, căm xe, lăng ổi, bời lời, quế, gõ mật, nính... tạo thành rừng rậm, là nơi trú ngụ của một số loài chim muông và thú rừng, như: nai, mang, heo rừng, trăn, rắn, gà rừng...

Tại đây có một địa danh gọi là Ô Tà Sóc, có nghĩa là suối Ông Sóc. Đây là chốn sơn lâm hiểm trở, được Tỉnh ủy An Giang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước chọn xây dựng làm căn cứ, gọi là Căn cứ Ô Tà Sóc.

Để tham quan Căn cứ Ô Tà Sóc, từ Tỉnh lộ 955B vào chân núi lên địa danh này là con đường nhựa nhỏ dài 2,5km, nhiều nơi tróc lở lởm chởm. Con đường với hai bên là bạt ngàn những cánh “rừng” tầm vông chạy liên tiếp tạo cảnh quan rất ngoạn mục. Lẩn trong màu lá tầm vông mùa khô màu vàng xanh là những tán lá xoài, mít, đào lộn hột... xanh biếc.

Ngã ba ngay bên chân núi đi thẳng có con đường đất nhỏ dẫn lên đồi Ma Thiên Lãnh (còn gọi Bụng Ông Địa). Từ ngã ba này quẹo phải, theo con lộ nhựa chừng năm trăm thước là đến chân núi, nơi có bến chợ bán trái cây Ô Tà Sóc (ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn). Bến Ô Tà Sóc tọa lạc giữa nhiều bóng cây râm mát, ngay con đường bậc thang dẫn lên núi. Con đường quanh co ẩn mình trong rừng cây râm mát. Đi xuyên rừng, lúc nào cũng nghe tiếng chim ríu rít. Mùa hè tiếng ve rền vang không dứt như ru ta vào giấc mộng viễn hoài về một thời kỳ đấu tranh khốc liệt của quân dân An Giang anh hùng.

Căn cứ Ô Tà Sóc được Tỉnh ủy An Giang xây dựng từ năm 1962 đến năm 1967 trên ngọn núi Dài với các cơ quan trực thuộc, như: quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra và các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ đóng rải rác trong các “lò ảng” (hang động). Các hang động có đường mòn trên núi nối liền nhau, từ Bụng Ông Địa (tổ giao liên Tỉnh ủy) đến Ô Vàng (Ban An ninh binh vận, đài minh ngữ), Vồ Út Mười (Ban chỉ huy Quân sự tỉnh trọng tâm là Điện Trời Gầm - nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy - với bán kính khoảng 3 cây số.

Ưu điểm của những hang động trên Ô Tà Sóc là rất hiểm trở và chắc chắn, đặc biệt chứa được rất nhiều người. Nhìn cảnh quan kỳ vĩ của chốn núi non, không du khách nào không bật thốt lời tán tụng thiên nhiên đã khắc tạo nên những tác phẩm hùng tráng trên nền đá granite. Đến đây mới thấy rằng, các hang động là nơi trú ẩn, tránh đạn pháo, ngăn chặn hữu hiệu những đợt tiến quân của địch với hỏa lực hùng hậu, cũng vừa tiến công địch một cách lợi hại.

Trong chiến tranh, địch đã tổ chức hơn 365 trận càn quét lớn nhỏ với mọi phương tiện chiến tranh lên Căn cứ Ô Tà Sóc nhưng hoàn toàn thất bại. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo quân và dân tỉnh nhà tấn công tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng vũ trang thổ phỉ ở vùng rừng núi ven biên, mở rộng vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến, kiên cường phá tan hệ thống “ấp chiến lược”, góp phần đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy.

Đến Ma Thiên Lãnh hôm nay, du khách sẽ nghe kể sự hy sinh của 7 chiến sĩ. Năm 1969, khi đó Tỉnh ủy An Giang đã rút đi, Ma Thiên Lãnh được tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61, chủ lực Miền trú đóng. Một hôm, máy bay địch ném bom đánh sập cửa hang, 7 chiến sĩ bị kẹt trong đó. Khói bom tan, các chiến sĩ cùng đơn vị tìm cách mở miệng hang nhưng lực bất tòng tâm. Để giúp 7 chiến sĩ cầm cự chờ phương cứu thoát, anh em đã tiếp lương thực cho 7 chiến sĩ trong hang bằng cách dùng ống tre đưa cháo và sữa vào. Mấy ngày sau, địch tiến đánh đồi Ma Thiên Lãnh một cách ác liệt, đơn vị đành rút lui về rừng U Minh. Vậy là số phận 7 chiến sĩ của đơn vị vĩnh viễn nằm lại trong hang.

Chiến tranh kết thúc, thắng lợi thuộc về ta, vào ngày đại thắng 30/4/1975. Nhưng ta vẫn luôn đau đáu nhớ đến sự hy sinh của 7 chiến sĩ kẹt trong hang, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đã tiến hành phá cửa hang. Với phương tiện tương đối tốt, vậy mà phải mất đến 24 ngày làm việc cật lực, chiều ngày 8/7/2007, cửa hang mới được mở, hài cốt 7 chiến sĩ hy sinh đã được an táng long trọng. Hiện nay, trên ngọn đồi cao 80m này có tấm bia kỷ niệm, bên dưới bia là bàn thờ 7 liệt sĩ.

Đến Ô Tà Sóc, đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt nhìn một vùng xung quanh bên dưới đẹp như bức tranh thủy mặc, với nào nhà cửa, vườn cây, ruộng nương xanh ngút mắt, cùng những con đường liên thôn, liên ấp chạy xuyên qua những hàng cây như những mạch máu nối liền nhau bất tận. Cảnh đẹp đến nao lòng khi nghĩ về sự hy sinh quả cảm của các chiến sĩ ta trong những tháng ngày lửa bom ác liệt trong kháng chiến vừa qua.

Du lịch, GO! - Theo Tin tức Du lịch, Ditich Lichsu QG...

Tuesday, 12 March 2013

Nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) là một công trình kiến trúc điêu khắc gỗ độc đáo, mang đặc trưng miền sông nước Cửu Long do ông Huỳnh Ngọc Khiêm (1843-1927) để lại.

< Nhà cổ Huỳnh Phủ nay thuộc địa phận xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Nhà cổ Huỳnh Phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Việt Nam công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2011.
Ông Huỳnh Ngọc Khiêm là người miền Trung vào Nam lập nghiệp từ lúc còn tay trắng cho đến khi sự nghiệp giàu có vào bậc nhất ở vùng cù lao Minh và đất Bến Tre lúc bấy giờ.

< Nhà cổ Huỳnh Phủ hiện tại gồm ngôi nhà chính có diện tích trên 500m², theo phong cách “nhà rường” Huế.

Theo những cao niên xã Đại Điền kể lại, việc xây dựng và hoàn thành ngôi nhà có nhiều chuyện đã trở thành giai thoại. Chuyện rằng, người thợ lúc kéo gỗ khởi công làm nhà ăn bưởi và ném hột quanh nhà, hột bưởi nẩy mầm thành cây, lớn lên cho trái chín mà ngôi nhà vẫn chưa xong.

< Họa tiết khắc gỗ là những bức tranh sinh động, mô tả cảnh vật thiên nhiên của vùng sông nước.

Ngôi nhà làm lâu đến mức các thợ lúc dựng nhà còn bé, khi lớn lên được ông đứng ra lo việc vợ con rồi mà vẫn chưa hoàn thành. Theo căn cứ là bức hoành phi mừng tân gia họ Huỳnh của Tri huyện Bảo An Thái Hữu Võ tặng vào năm Giáp Thìn (huyện Bảo An thuộc cù lao Bảo, tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ) thì ngôi nhà được hoàn thành trước năm Giáp Thìn (1904). Vì thế, có thể ngôi nhà được xây dựng vào khoảng cuối thập niên 80 hoặc đầu thập niên 90 của thế kỷ XIX.

< Anh Huỳnh Ngọc Hồng, cháu đời thứ 6 rất nhớ những giai thoại về ngôi nhà cổ của dòng họ.

Nhà cổ Huỳnh Phủ hiện tại gồm ngôi nhà chính có diện tích trên 500m2 với một căn phụ bằng gạch nối liền ở góc phải. Nhìn từ bên ngoài và theo các hàng cột phía trước của ngôi nhà, ta thấy có chín gian, nhưng thực ra đây là ngôi nhà ba gian được mở rộng ra bốn phía, một kiểu nhà rất to ngày xưa và chỉ những người thật sự giàu mới có khả năng xây dựng. Nhà xây dựng trên nền cao 0,7m, chung quanh được kè đá xanh, thềm cũng được viền bằng loại đá này.

< Song sắt nhà cổ Huỳnh Phủ mang dáng dấp kiến trúc Pháp.

Nhà có 80 cây cột, trong đó 48 cột gỗ và 32 cột gạch (thay cho cột gỗ bị hư hỏng vào những năm 1945 - 1954), làm theo kiểu nhà nhà rường ở Huế. Hai hàng cột cái gồm 8 cây đứng song song nhau. Các cây cột cái cao trên 5,5m, chu vi 1,2m, gắn kết với nhau từng cặp theo chiều ngang bởi các cây trính và theo chiều dọc mỗi hàng có một thanh gỗ dài xuyên qua bốn cây cột. Mái lợp ngói âm dương, bên dưới là lớp ngói có hoa văn. Hai đầu song được xây kín và trang trí hình một bông hoa 4 cánh.

< Mái lợp ngói âm dương, bên dưới là lớp ngói có hoa văn.

Nội thất và sườn nhà làm bằng các loại gỗ có giá trị cao như: lim, thau lau. Nội thất chia thành 2 phần: từ cột nhất của mặt hậu vào phục vụ sinh hoạt gia đình, từ cột nhất của mặt hậu trở ra cột hàng nhì của mặt tiền sử dụng vào việc thờ tự. Phía tả thờ Cửu Huyền Thất Tổ, giữa thờ Phật Bà Quan Âm, phía hữu thờ ông, bà Huỳnh Ngọc Khiêm.

< Công đoạn chạm khắc gỗ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật.

Khánh thờ Phật Bà Quan Âm chạm trổ long, lân, phụng theo lối song phụng tranh châu, nền đế là hai kỳ lân đối diện, cùng nhe nanh, mặt hướng ra ngoài, chân trụ chạm rồng ba móng, mặt hướng lên trên (theo truyền tụng rồng ba móng thường dành cho dân thượng lưu, rồng bốn móng dành cho quan lại, rồng năm móng dành cho vua).

< Các vật dụng trong nhà cổ Huỳnh Phủ toát lên vẻ cổ kính.

Tất cả các bức hoành phi, bài vị, biển đề… đều viết bằng chữ Hán, khắc vào gỗ, chạm trổ hoa văn công phu, sơn son thiếp vàng, có tuổi đời tương đương với tuổi thọ ngôi nhà. Các tấm chạm đã đạt tới trình độ cao của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Đó là những bức tranh sinh động mô tả cảnh vật thiên nhiên vùng sông nước, của vùng đất cù lao bốn mùa cây xanh, trái ngọt, cảnh vật thanh bình, chim muôn ca hát, cùng các loại sinh vật khác...

< Bộ bàn ghế cổ khảm xà cừ và đá với các họa tiết cầu kỳ, tinh xảo.

Tiền công thù lao cho thợ không tính bằng ngày công mà tính bằng khối lượng dăm bào sau một ngày lao động. Mỗi chén dăm bào được trả 5 cắc bạc, riêng thợ cái được trả 2 đồng/ngày, cơm nước chủ nhà đài thọ (thời gian này một giạ lúa bằng 1,8 cắc bạc). Ông Huỳnh Ngọc Khiêm vốn là người tỉ mỉ nên dù giá công cao nhưng thợ không được làm quá một chén dăm bào/ngày vì như vậy cho là làm dối.

< Phong cách điêu khắc nhà rường” Huế.

Cách trang trí nhà cổ Huỳnh Phủ thể hiện sự phóng khoáng của các bậc thầy trong việc kết hợp đề tài dân dã là các loài động, thực vật quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của cư dân địa phương như chuồn chuồn, chim, mãng cầu… xen với các đề tài theo khuôn mẫu đã có như tứ linh, tứ quý, tứ thời...

< Anh Huỳnh Ngọc Hồng, cháu đời thứ 6, thăm non và chăm sóc hai ngôi mộ tổ tiên.

Các mô típ phương Tây cũng xuất hiện một cách nhuần nhuyễn như hoa hồng, nho, sóc, chuỗi ngọc... Đây là một di tích kiến trúc có nhiều chất liệu mỹ thuật quý giá, đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử trang trí của mỹ thuật truyền thống Việt Nam tại Nam Bộ.

< Phù điêu kỳ lân trên ngôi mộ cổ.

< Bức họa chân dung ông bà Huỳnh Ngọc Khiêm, người đã cho xây dựng nhà cổ Huỳnh Phủ.

Khu mộ cách ngôi nhà cổ 3km thuộc xã Phú Khánh có diện tích 966m2, được xây  năm Tân Hợi (1911). Vật liệu xây dựng là đá xanh từ hàng rào bên ngoài cho đến phần lăng mộ bên trong. Rào cao khoảng 1,5m gồm 2 phần: phần trên là những thanh đá được cắt hình chữ nhật hoặc hình tam giác, phần dưới là những phiến đá nguyên.

Hai ngôi mộ của ông bà Huỳnh Ngọc Khiêm làm giống nhau theo kiểu lăng mộ với tường đá cao bao bọc xung quanh. Chân mộ là tấm bia cao 1,5m, rộng 1,2m, có mái che với hoa văn trên nóc và chân bia. Tất cả đều được chạm khắc tinh xảo trên chất liệu đá.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Oanh,Lê Minh, Nguyễn Luân (Vietnam.vnanet)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống