Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Khu bảo tồn. Show all posts
Showing posts with label Khu bảo tồn. Show all posts

Sunday, 7 April 2013

Rồi tôi cũng đến được vùng đầm lầy nguyên thủy cuối cùng của Nam Bộ, cách TP Hồ Chí Minh cỡ 150 km đường bộ về phía tây bắc để nếm trải những giờ phút ghê rợn trên chiếc thuyền con thèo đảnh lênh đênh giữa bàu nước xanh ngằn ngặt với hàng đàn cá sấu hoang dã, có con dài ba mét nặng hơn tạ.

Hồi nhỏ đọc tiểu thuyết của Nhà văn Đoàn Giỏi, tôi cứ lật đi lật lại Chương 15- Phường săn cá sấu và tự hỏi lấy đâu ra lắm cá sấu thế. Nay nghe anh em kiểm lâm rồi người Mạ bản địa ở xã Tân Phú (huyện Tà Lài, tỉnh Đồng Nai) kể, lại đọc thêm tài liệu của dự án bảo tồn Bàu Sấu, mới mường tượng được cá sấu ở vùng Đất Rừng Phương Nam của Võ Tòng có lẽ từng nhiều như muỗi thật. “Bắt cá sấu như bắt cá lóc rộng trong khạp. Bàu nào cũng có”.

Mới sau năm 1975 đây thôi, màn đêm buông xuống, Bàu Sấu từng được mô tả là hằng hà những đốm sao sa đỏ hồng khi cầm đèn lia trên mặt nước. “Bị chiếu đèn pin, mắt chúng rực lên đỏ au như hai hòn than và im thin thít.

Vì thế, đám thợ săn cá sấu rất nhàn”, Hồ Huy Hạnh - một kiểm lâm thế hệ 8X ở Trạm Kiểm lâm Bàu Sấu, nói - “Để điểm danh đàn cá sấu đang bên bờ tuyệt chủng, chúng cháu chỉ việc cầm đèn pin soi vào ban đêm”.

Tự thuở khai thiên lập địa, người ta đã săn cá sấu nhờ sức hấp dẫn của những thớ thịt trắng, giòn và thơm như thịt gà ta.

Nhưng chỉ hai thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, cá sấu tại Bàu Sấu mất sạch sau mấy ngàn đêm mặt nước Bàu Sấu sáng rực ánh đèn thợ săn. Chính xác là năm 1996 các nhà bảo tồn tuyên bố cá sấu ở Bàu Sấu tuyệt chủng. Kèm theo đó là sinh cảnh xung quanh bị tàn phá không thương tiếc.

Chút hoang sơ còn sót lại ở Bàu Sấu giờ trở thành điểm phượt số một. Từ trụ sở Vườn đến Bàu Sấu phải xuyên 15 km rừng. Cung đường này được dân phượt xếp vào hàng thử thách. Ai nấy dặn nhau phải chuẩn bị tinh thần trước khi quăng gạch. Ai ưa luyện gian khổ bằng đi bộ, phải mất bốn tiếng với điều kiện có hướng dẫn viên bản địa đi kèm.

Từ khi 10 km đầu tiên được thảm bê tông đủ cho một ô tô nhỏ đi, có thể rút ngắn thời gian xuyên rừng nhờ đi xe đạp hết tiếng rưỡi. Đoạn năm cây số còn lại, xe đạp được dựng bên gốc cây. Đoàn người lầm lũi bước vào rừng sâu bắt đầu cuộc trekking.

< Kiểm lâm Chiến lái mũi thuyền vượt qua biển bèo, thức ăn khoái khẩu của cá sấu.

Hơn tiếng sau, từ rừng âm u, mở tung trước tầm mắt là một biển nước mênh mông. Không khí từ mặt Bàu Sấu thổi lên mát rượi. Thiên đường đã mất nay lại hồi sinh của cá sấu xiêm (Crocodylus siamensis) đây ư? Hồ Huy Hạnh cùng Hoàng Quốc Huy, dân tộc Tày, di cư từ Cao Bằng, vừa trở về từ chuyến tuần rừng 10 km trên những con đường còn khó hơn đường chúng tôi vừa trải qua.

Ngày nào các anh cũng trekking như thế. Cơm trưa xong, Hạnh và kiểm lâm Nguyễn Văn Chiến chèo thuyền kayak đưa tôi ra giữa Bàu Sấu. Không một tiếng động trong thinh không. Một sự yên ắng đầy bất trắc.

Vừa ra khỏi bờ được mấy tay chèo, Hạnh phát hiện một cá sấu to nằm trên cồn trước mặt. Thuyền lướt nhẹ về hướng đó. Con cá sấu màu xám này có vẻ ngoài trễ nải, lười nhác.

Nom như kỳ đà nhưng thân dài, mõm thuỗn như cái kẹp. Hàm dưới đầy răng dài và nhọn. Một cú phập bằng hai hàm của nó được đánh giá có sức nặng tương đương trọng lượng của nó. Cái đuôi duỗi dài trên trảng cỏ vẫn lộ ra dáng vâm vức với một gờ phía trên.

Thuyền phải vượt qua đám bèo lục bình trước khi cập được bờ cồn. Không kể thức ăn động vật gồm chuột và cá, lục bình cùng cỏ dại là hai loại rau khoái khẩu của cá sấu. Kiểm lâm Hạnh và Chiến ra sức lấy mái chèo gạt bèo. Bèo dày đến mức có thể đứng và nhảy lên được.

< Cầu gỗ ngập trong nước, nếu có anh sấu nào ở gần buồn miệng tợp một cái chắc thôi rồi...

Mái chèo đẩy cả mảng bèo lớn gây nên tiếng động nước. Sấu ta chợt cựa quậy. Dáng uể oải của nó bỗng thoắt biến mất. Cách chỗ nó nằm không xa là một xoáy nước. Tịnh không nghe tiếng tũm nào. Hạnh bảo con sấu này có thể thuộc bầy gồm bảy con. Có một bầy nhiều hơn, tới 25 cá thể.

Thuyền cập bờ cồn. Hai kiểm lâm cắm mái chèo xuống nền bèo dày đặc, giữ chắc hai đầu thuyền. Tôi tót lên mặt đất rặt bèo khô với toàn bộ sức lực. Thứ còn lại trên cồn, chỗ con sấu vừa phơi nắng, là mấy cục sét trắng phau.

Chiến cười, đấy là sản phẩm dị hóa của nó. Với thỏi dài như bánh giò to bằng cố tay người lớn, con này ước cỡ hai mét và nặng khoảng tạ. Hạnh bảo, con to nhất ở Bàu Sấu hiện nặng hơn tạ dài hơn ba mét.

Ráng chiều, chúng tôi trở về trạm. Tôi đứng lên để bao quát hoàng hôn quyến rũ. Chiếc thuyền bé tẻo tèo teo tròng trành. Hai kiểm lâm trẻ vội khua mạnh mái chèo xuống luồng nước xanh thẳm để lấy lại cân bằng. Bỗng tôi nhớ đến con sấu khổng lồ còn sót trong một cái hồ rộng trên phim Lake Placid. Lên đến bờ, thoát khỏi cảm giác ớn lạnh…

Du lịch, GO! - Theo Quốc Dũng (Tiền Phong), internet

Tuesday, 2 April 2013

nơi “hội thủy” của 3 con sông lớn Thu Bồn, Trường Giang, Đế Võng, có một rừng dừa nước ngập mặn đang là điểm đến thú vị.

Sắc xanh trong vùng lõm

Cách khu phố cổ Hội An chừng 5km về phía đông, rừng dừa nước ngập mặn Bảy Mẫu (thuộc địa bàn thôn 2 và 3, xã Cẩm Thanh) được bao bọc bởi sông nước. Nước trải ra giữa mênh mông trời mây. Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến và là một trong những phần lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An - Cù Lao Chàm.

Ông Trần Bừa, cán bộ cách mạng ở thôn 2, kể: “Nhờ địa hình kín đáo mà từ thời kháng Pháp, ta đã tổ chức lực lượng du kích địa phương đánh bại nhiều trận càn của địch”.

Từng bị giặc Pháp “cày trắng” nhưng với sức sống mãnh liệt, những ngọn dừa bị chặt đi lại mọc lên xanh. Nhiều lúc, trong thế không tương xứng về lực lượng nhưng du kích địa phương đã dựa vào rừng dừa gây cho địch nhiều tổn thất. Sau Hiệp định Giơnevơ, giai đoạn khó khăn của cách mạng, rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành nơi che chở, trú ẩn cho nhiều cán bộ cách mạng của Thị ủy Hội An và Tỉnh ủy Quảng Nam trong những đợt “tố cộng, diệt cộng”.

Đêm 27/9/1964, nhân dân Cẩm Thanh đã đứng lên nhất tề đồng khởi, rừng dừa Bảy Mẫu đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Với kế nghi binh dùng súng bẹ dừa và hành quân rầm rộ khiến địch hoang mang, hốt hoảng, quân ta đã đánh úp đồn phòng vệ dân sự, bắt gọn một trung đội nghĩa quân và nhiều tên ác ôn, tuyên bố giải phóng hoàn toàn Cẩm Thanh.

Bà Võ Thị Hóa, nguyên cán bộ du kích Cẩm Thanh, nhớ lại: “Sau 1965, dọc theo 2 tuyến của rừng dừa là hệ thống hầm hố, chướng ngại vật cản đường, hệ thống giao thông hào, các lớp hàng rào được xây dựng chằng chịt với các bãi chông tre, hầm chông để ngăn bước tiến của quân thù vào vùng giải phóng”. Nhằm tiêu diệt khu căn cứ địa này, Mỹ - ngụy đã tổ chức tấn công nhiều lần, kể cả dùng chất độc hóa học làm trụi lá rừng dừa. Nhưng bất chấp mọi thủ đoạn, căn cứ này vẫn gây ra nhiều tổn thất cho quân địch. Rừng dừa đã thực sự trở thành nơi trú ẩn an toàn, nơi bảo tồn lực lượng cách mạng của Hội An và là bàn đạp để quân ta xuất kích tiến đánh nội ô Hội An, làm nên những trận thắng lừng lẫy.

Khám phá

Rừng dừa Bảy Mẫu không chỉ là khu di tích có giá trị lịch sử đặc biệt, đây còn là vùng sinh thái độc đáo với hệ rừng ngập nước có thắng cảnh hữu tình. Trước những năm 1980, rừng dừa trải rộng trên các thôn 1, 2, 3, 8 của xã Cẩm Thanh với diện tích lên tới hàng trăm héc ta.

Ngày nay, tuy đã bị thu hẹp chỉ còn 58ha nhưng rừng dừa vẫn là nét đặc trưng hiếm có ở vùng sông nước. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý - bảo tồn di tích Hội An cho biết: “Thành phố đã đề nghị công nhận khu di tích này và có kế hoạch quản lý, bảo tồn nghiêm ngặt. Đây còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học với nhiều đặc điểm độc đáo và hiếm có”.

Tại vùng này, trên các cồn gò và các vực nước chung quanh có hệ sinh thái cỏ biển. Đây còn là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển giá trị, nhất là các loài tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Các thảm cỏ biển là nơi sinh sống và bắt mồi của nhiều loài hải sản. Các hệ sinh thái ngập mặn này còn đóng vai trò như một máy lọc sinh học, tích tụ và phân hủy chất thải, làm trong sạch nguồn nước trước khi về với biển. Năm ngoái, UNESCO đã công nhận Hội An - Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có hệ sinh thái vùng ngập mặn thuộc hạ lưu sông Thu Bồn này.

Khai thác du lịch ở vùng sinh thái này phải phù hợp với tiêu chí thân thiện, gần gũi với môi trường. Du khách vừa khám phá hệ sinh thái ngập nước của rừng dừa, bơi thuyền thúng, đạp xe đạp hoặc câu cá trong rừng dừa vừa tham gia thu gom rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. “Năm năm trở lại đây, một số doanh nghiệp đã tổ chức khai thác tour du lịch khám phá rừng dừa này. Vấn đề đặt ra là công tác quản lý di tích và khai thác du lịch phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp” - bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An khẳng định.

Du lịch, GO! - Theo báo Quảng Nam, Quê Hương online

Wednesday, 20 March 2013

Long An xưa nay gần như chỉ được coi là nơi “quá cảnh” cho du khách thập phương đến ngao du miền Tây nam bộ.

May mắn thay, từ khi bộ phim Cánh đồng bất tận được công chiếu, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười ở Long An trở thành một địa điểm tham quan nghỉ dưỡng nổi tiếng. Bởi trung tâm này là nơi quay bộ phim trên.

Và nhờ đó, ngày càng nhiều phượt thủ rủ nhau tìm về trung tâm nghiên cứu này để khám phá cánh đồng bất tận.

< Rất nhiều người chọn những quán nước võng như thế này làm nơi dừng chân nghỉ ngơi trên đường đi miền Tây. Nước dừa tươi cứ như một thứ nước thần kỳ có thể xua đi mọi mệt mỏi.

Từ TP.HCM, tôi bắt đầu hành trình tìm về "cánh đồng bất tận". Đi theo tỉnh lộ 10, qua khỏi Cầu Xáng (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) là đến địa phận tỉnh Long An.

Chạy xe dưới cái nắng chói chang dọc đường khói bụi, tôi đành phải ghé vào một quán "võng" ven đường để nghỉ chân dù lòng háo hức được sớm gặp cánh đồng trong mơ ấy.

Sau ít phút tiếp sức bằng nước dừa ngọt lành, tôi tiếp tục men theo tỉnh lộ 10, đến ngã ba Hòa Khánh (trước đây được gọi là ngã 4 Đức Hòa - một di tích lịch sử cấp quốc gia), rồi qua cầu Đức Hòa, đến đường N2. Trên đoạn đường này, tôi đã được dịp chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp đồng quê của vùng đất Long An hiền hòa.

< Cảnh quê hữu tình dọc hành trình tìm về cánh đồng bất tận.

Để đến “cánh đồng bất tận”, bạn cứ chạy dọc đến gần cuối đường N2 sẽ thấy một ngã 3 đi vào xã Bình Phong Thạnh (cuối đường N2 là quốc lộ 62, ngã 3 này cách quốc lộ 62 khoảng 12km). Bạn rẽ vào con đường này, chạy khoảng 12-15km thì hỏi đường đến “khu dược liệu ông Ba Bé” ( là “tên thường gọi” của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười) thì ai cũng biết và sẵn sàng chỉ đường cho bạn.

< Lần đầu tiên đi phà ở miền Tây như thế này, cảm giác vừa thú vị lại vừa… hồi hộp.

Dù đi bằng đường nào, bạn cũng sẽ đến một cây cầu nhỏ tên là Trục Dầu Tràm. Đến đây, bạn gửi xe ở nhà một cô chú gần cầu rồi đi tắc ráng vào “khu dược liệu ông Ba Bé”. Hôm ấy, người “đưa tắc ráng” cho tôi là một bé gái chừng 14, 15 tuổi, rất thông minh, tháo vát lại xinh xắn và nhiệt tình. Sau khi thuyết minh về “khu dược liệu”, em còn đề nghị làm hướng dẫn viên miễn phí cho tôi, dẫn tôi tham quan khu vực gần đó.

< Cô bé (đội nón lá) đang hướng dẫn khách lên tắc ráng. Tắc ráng (hay vỏ lãi) là phương tiện di chuyển trên sông phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Sau 15 phút lênh đênh sông nước, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười đã hiện ra trước mắt. Ngồi trên tắc ráng, bạn sẽ thấy bên trái là một trường tiểu học khang trang do bác Ba Bé (giám đốc trung tâm) góp tiền xây dựng, còn bên phải là Ngũ Giác Đài - nơi thờ hai vị tổ sư nam dược là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, đồng thời là nơi nghiên cứu của ông Ba Bé.

Đến nơi, tuy không hẹn trước nhưng tôi vẫn được chị Mai – là phụ trách của Trung tâm, trợ lý đắc lực của bác Ba Bé - tiếp đãi rất nhiệt tình.

Tôi được chị mời một ly nước lá vối – loại lá được hái từ cây vối trồng tại Trung tâm, giúp chống mệt mỏi. Sau đó, chị căn dặn nhà bếp làm cơm trưa cho tôi. Trò chuyện với chị trong lúc đợi cơm, tôi được biết Trung tâm chủ yếu chỉ trồng, nghiên cứu dược liệu và phục vụ điều trị nghỉ dưỡng, họ không chủ trương làm du lịch sinh thái nên rất hạn chế đón khách du lịch. Chị dặn tôi nếu lần sau có đến, nên liên lạc trước với chị hoặc bác Ba để họ sắp xếp, ví như hôm tôi đến thì bác Ba Bé đang bận tiếp một đoàn khách khác.

Ngoài ra, khi liên lạc trước với chị, bạn cũng có thể biết được thời điểm bạn đến có phải là thời gian thích hợp để tham quan hay không. Bạn muốn chiêm ngưỡng cánh đồng bàng xanh ngắt (chính là “cánh đồng bất tận” trong phim), bạn muốn ngắm sen súng nở rực, bạn muốn nhìn hàng hàng lớp lớp các loài chim và cò bay về trú đông làm tổ, tất cả đều phải chọn đúng mùa mới thưởng lãm được những hình ảnh đẹp nhất.

Rất tiếc là tôi không liên hệ trước và cũng đến không đúng thời điểm nên đã không được thấy những cảnh đẹp lung linh mà tôi đã từng xuýt xoa khi xem phim. Mặc dù vậy, cảnh vật nơi đây vào thời điểm không rực rỡ nhất cũng đủ tuyệt vời để tôi thỏa lòng mong chờ.

Tôi chào tạm biệt bác Ba Bé và chị Mai sau khi thưởng thức một bữa cơm rất “miền Tây” mà tất cả mọi nguyên vật liệu của bữa ăn đều được nuôi trồng tại Trung tâm, mỗi loại rau lá hầu như đều có vị thuốc, mỗi loại cá tôm đều tươi ngon.

Trở về thành phố, tôi vẫn không quên cảm giác nhẹ nhàng thả hồn nơi miền sông nước, vẫn không quên những người con miền tây nam bộ thiệt thà mến khách. Và tôi chợt nhận ra rằng, Long An  không chỉ có gạo nàng thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, thơm Bến Lức hay đậu phộng Đức Hòa, mà nơi này còn làm rung lên những cảm xúc xuyến xao kỳ lạ, đáng để ta trải nghiệm và yêu thương…

Đôi nét về Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười - hay còn gọi là cánh đồng bất tận.

- Cách TP.HCM 110 km, thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.

- Có diện tích 1.041 hecta, trong đó có 800 hecta rừng tràm nguyên sinh, là khu rừng tràm gió nguyên sinh duy nhất tại Việt Nam.

- Ngoài tràm, Trung tâm cũng sưu tầm, nuôi trồng hàng trăm loài cây cỏ khác nhau để nghiên cứu chiết xuất các loại tinh dầu mang dược tính cao. Khi đến đây, bạn nên mua về một ít tinh dầu dùng thử.

- Giám đốc trung tâm là dược sĩ Nguyễn Văn Bé, còn gọi là “ông Ba Bé” hay “ông Ba đất phèn”. Năm 1982, ông nghỉ làm cán bộ giảng dạy ở trường Đại học Y Dược, để vợ con ở lại TP.HCM để xuống nơi đồng không mông quạnh này, biến hàng ngàn hecta đồng hoang trở thành kho dược liệu khổng lồ mà giới chuyên môn trong nước và thế giới đều đánh giá rất cao.

- Trung tâm là một trong bảy nhà cung cấp hương liệu của hãng dầu gió xanh nổi tiếng Eagle.

- Nơi đây là trường quay bộ phim “Cánh đồng bất tận”, đồng thời cũng là địa điểm xây dựng phim trường của bộ phim nổi tiếng “Cánh Đồng Hoang” năm 1979.

Du lịch, GO! - Theo Phượt ký của Phạm Như Quỳnh (iHay)

Monday, 25 February 2013

Du khách khi đến thăm Hải Dương ai cũng muốn một lần được đặt chân lên đảo cò An Dương, một khu du lịch thiên nhiên độc đáo nằm giữa lòng hồ An Dương thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện (vì vậy còn gọi là đảo cò Chi Lăng Nam).

“Vương quốc cò” là một dải đất nổi nằm giữa lòng hồ mênh mông sóng nước. Đảo rộng hơn 3000m2, được phủ kín bởi những rặng tre xanh đứng nghiêng mình bên bờ nước gắn liền với truyền thuyết về một trận đại hồng thủy và ngôi chùa cổ đã chìm sâu dưới vụng xoáy nước hình thành nên hồ An Dương và đảo cò. Nhìn từ xa, cả quần thể đảo nổi lên như một hòn ngọc bích xanh mướt, điểm xuyết những cánh cò trắng chao nghiêng trong ráng chiều lấp lánh. Tất cả không gian toát lên vẻ đẹp hoang sơ hư ảo đến lạ kỳ.

Đảo cò tại Hải Dương được đánh giá là nơi có hệ sinh thái rất phong phú, đa dạng ở miền Bắc. Đây là chốn cư ngụ của hơn 1,6 vạn con cò, khoảng 5000 con vạc và nhiều loài chim khác như diệc xám, chim chả, bói cá…

Du khách đến thăm đảo cò vào mỗi mùa trong năm, mỗi thời điểm trong ngày lại cảm nhận được những nét đẹp độc đáo riêng. Vào mùa thu và mùa đông là mùa cò tập trung về làm tổ, sinh sôi nảy nở. Đây là thời điểm cò về đông nhất trong năm. Du khách đến đây vào những mùa này khi đi thuyền trên mặt hồ có cảm giác trôi bồng bềnh giữa không gian với dày đặc những cánh cò bay liệng kín trên đầu. Vào thời điểm sáng sớm trong ngày, đàn cò đi kiếm ăn sải cánh bay trắng toát cả một khoảng trời hắt bóng xuống mặt hồ xanh ngắt.

Đến thăm đảo cò, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn đắm mình trong khung cảnh nên thơ giữa mênh mông sóng nước. Nếu không có nhiều thời gian, chỉ cần một giờ đồng hồ trên chiếc thuyền máy là có thể đến với những trải nghiệm lạ và thú vị khi chu du trên mặt hồ rộng hơn 31.000ha chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh đảo cò. Khi chiều chạng vạng, du khách ngồi trên thuyền giữa bốn bề sóng nước, buông câu và ngắm ráng chiều đổ dài trên mặt nước lấp loáng bóng cò về tổ trông thật thơ mộng. Đêm đến, khi cò đi kiếm ăn trở về, cũng là lúc những chú vạc bắt đầu ăn đêm. Không gian giao thời ồn ào, nhộn nhịp. Những cánh cò chao liệng rợp trời đáp xuống ngọn tre, những chú vạc vút lên sải cánh đều trên mặt hồ. Tiếng kêu, tiếng đập cánh huyên náo cả một vùng hồ nước. Mặc dù vậy, hoạt động này diễn ra như một trật tự trong cộng đồng đã được hai loài “quy ước ngầm” với nhau.

Nán lại đảo cò trong đêm, tự tay cầm mái chèo, lướt nhẹ con thuyền nhỏ trên mặt hồ sóng sánh ánh trăng, thưởng thức cảnh đêm trên đảo cò thật thi vị. Lúc này, những gia đình cò quần tụ bên nhau đậu kín trên tán cây trông như cây trên đảo được phủ đầy một lớp bông trắng muốt.

Không gian vào đêm, bốn bề trở nên im ắng lạ thường. Một vài chú cá búng trên mặt nước loe lóe dưới trăng rồi im bặt. Khi con thuyền chầm chậm rẽ nước cập bờ, du khách vẫn chưa muốn rời xa.

Du lịch, GO! - Theo Trần Duy Văn (QĐND)

Tuesday, 19 February 2013

“Rừng ngập mặn, ngập lợ chú em đi nát hết rồi chứ gì. Còn rừng ngập ngọt đã 'nếm' chưa?", một người bạn của tôi khơi gợi.

< Xuồng máy chở chúng tôi lướt nhẹ vào những con mương rợp mát bóng tràm.

Vậy là tôi rủ nhóm “khoái lang thang” cưỡi xe máy đi tìm cánh rừng “mập mờ” kia vào một ngày cuối tuần. Xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An thẳng tiến. Có quá nhiều cảm xúc đan xen, từ ngạc nhiên đến... mến mộ, nên khi đến nơi, ba anh em đều sững sờ và vỗ đùi đành đạch bảo sao mình không biết nơi đây sớm hơn!

< Lung linh bông tràm.

Nhưng tôi lại không thích gọi khu này bằng cái tên có vẻ mông lung là rừng ngập ngọt. Thay vào đó, nhóm tôi đặt cho nó một cái tên dễ mến, dễ nhớ hơn: Nàng Hương Tháp Mười. Nghe gọn nhẹ mà duyên dáng, như cặp má lúm đồng tiền chúm chím trong sổ tay điền dã của một kẻ thích đi rong.

< Tham quan rừng tràm, có "dù" bạch đàn chanh che nắng thật sướng!

Thoảng nghe một mùi hương hấp dẫn lạ, tỏa xa khoảng 12m, chúng tôi cứ ngỡ mùi thơm của nồi cháo gà tơ đang bốc khói quyện mùi hành hương cùng muối tiêu chanh mới nướng sơ, do chủ nhà chu đáo chuẩn bị trước đón khách. Song khi đến gần hơn, lại nghe ra mùi sả lẫn hương chanh Bắc dìu dặt. Tiến sát mới thật ngỡ ngàng, thì ra chỉ là mùi hương của một loại... tinh dầu từ dãy bạch đàn. Nhưng lạ thay, bao mệt mỏi do đi đoạn đường khá dài bỗng tan biến!

< Bảng lảng bình minh ở rừng ngập ngọt.

Tò mò, chúng tôi hỏi dược sĩ Nguyễn Văn Bé, giám đốc công ty cổ phần Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, về loại tinh dầu thú vị này. Mới biết, đó là tinh dầu bạch đàn chanh.

< Hồ bơi nước phèn - trông thật mát mắt.

Và cây bạch đàn chanh lớn nhất ở đây đã to bằng bắp đùi người lớn, cao trên 12m. Cũng theo ông Bé, sau một năm trồng giống bạch đàn này đã có thể khai thác tinh dầu từ lá. Cây càng cao tuổi thì năng suất tinh dầu càng cao. Cứ 1 tấn lá bạch đàn chanh, cho từ 7 - 10kg tinh dầu, sau khi chưng cất. Hiện giá 1 ký tinh dầu bạch đàn chanh là 18 triệu đồng.

< Hoàng hôn dát vàng cảnh vật rừng ngập ngọt.

Được biết, tinh dầu bạch đàn chanh ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: khử mùi công nghiệp, hỗ trợ xua đuổi muỗi, sát trùng, xịt phòng... Thế nên ông Bé cho rằng, trồng bạch đàn chanh hưởng lợi cao hơn bạch đàn thường 2 - 3 lần.

Rừng tràm trỗi nhạc!

Không phải rừng U Minh nhưng ở đây cũng  bốn bề là tràm, với tổng diện tích trên 1.000 ha. Trong đó có hơn 800ha tràm lấy tinh dầu còn gọi tràm gió. “Bởi tinh dầu của nó, có thể trừ được chứng cảm mạo do thời tiết thay đổi bất thường, nên ông bà mình gọi gọn là trám gió”, ông Bé vui vẻ giải thích. Một tấn lá tràm gió thu được 3 - 6kg tinh dầu.

< Vuốt nhẹ, lá bạch đàn chanh sẽ tỏa hương thơm thật sảng khoái.

Ngoài ra, nhờ quan sát rừng tràm hàng ngày, ông Bé dự đoán: nước mặn có thể xâm thực vào đây trong vài năm nữa. Bởi một số nhuyễn thể nước lợ đã có mặt ở đây. Thêm con cá cơm trắng, từng sống ở nước lợ, từ một năm trước đã về nhiều.

Nhiều món lai

Cũng chính mùi hương cháo gà từ bạch đàn chanh, quấn quýt chúng tôi suốt bữa ăn tối trong phòng khách. Đặc sản có khô cá lóc loại ngon, rim mặn ngọt, một kiểu chế biến khá sáng tạo. Khô được cắt nhỏ, dần cho tơi ra rồi tẩm ướp giấm, đường... Món này ăn cơm cũng ngon mà nhâm nhi với rượu trái nhàu thêm... “bắt” mồi. Rau ăn kèm cũng đúng điệu dân dã: mớ lá cách non.

< Ấn tượng nữa là hương dãy bạch đàn chanh giống mùi thơm cháo gà đến lạ...

Bên cạnh đó còn nhiều món ngon lai: thịt heo rừng lai, cá mùi lai với cá rô biển, thêm lạ miệng.
Chủ khách quây quần, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả đến gần nửa đêm. Cảm giác ấm cúng như đại gia đình đang ăn cỗ, khiến cả đoàn thêm vui.


< Món khô lóc rim mặn - ngọt lạ miệng.

Chia tay, chúng tôi không quên mua những lọ tinh dầu xịn mang về làm quà. Tiễn khách, ông Bé vỗ vai căn dặn: “Lần sau nhớ báo trước, để tui chuẩn bị mấy món bánh lá chân quê.”

Và chúng tôi đã ngéo tay hứa rằng, sẽ trở lại để "tắm trăng" Tháp Mười, ngụp lặn trong hương sen, hương tràm tinh khôi. Hí hửng kéo con cá lóc cắn câu. Mềm môi với câu vọng cổ thân thương... Có người còn dự tính, tết này sẽ rủ đám bạn thân về đây “ở ẩn”.
Hẹn ngày tái ngộ “nàng” hương!

< Bữa ăn tối thật ấm cúng!

Theo Cẩm Nang Lâm Nghiệp của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn, biên soạn năm 2006, trang 85: “...Rừng tràm giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng sinh thái, phòng hộ nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Rừng tràm là một hệ sinh thái đặc biệt chứa đựng nhiều ý nghĩa khoa học mà cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Đây là một hệ sinh thái tổng hợp của nhiều hệ sinh thái khác nhau và là hệ sinh thái chuyển tiếp giữa hệ sinh thái biển và hệ sinh thái lục địa cần được bảo tồn lâu dài.”

Du lịch, GO! - Phượt ký của Tấn Tới (iHay)

Thursday, 31 January 2013

Biết chúng tôi có ý định thực hiện một chuyến “phượt” đến trung tâm bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), một người bạn đang công tác tại thành phố Phan Thiết khuyên tôi nên dành một chút thời gian ghé qua một vùng đất hoang sơ mang tên Bưng Thị. 

Bị hấp dẫn bởi một vài thông tin mà người bạn cung cấp, tôi quyết định dùng xe máy “phóng” thẳng một mạch đến nơi. Không phụ lòng mong mỏi, Bưng Thị đã đón tiếp chúng tôi bằng vô số điều thú vị…
Mặc dù đang là giờ nghỉ trưa nhưng anh Võ Thanh Liêm - người có gần 20 năm gắn bó với khu bảo tồn vẫn niềm nở đón tiếp chúng tôi. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, anh Liêm sơ lược “lý lịch” về “ngôi nhà xanh” của mình.

Như đoán trước được thắc mắc của khách, đến đoạn xưng danh Tà Kóu anh dừng lại khá lâu để giải thích. Anh Liêm cho biết, theo tài liệu còn lưu giữ được thì cái tên Tà Kóu có từ thời Pháp thuộc. Một số nghiên cứu cho thấy, tên gọi này xuất nguồn từ ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Chăm. Theo đó, từ Tà có nghĩa là núi, Kóu có nghĩa là già, cũ… cụm nguyên của từ này có nghĩa là “Núi Già”. Ngày nay, để tiện cho việc quảng bá đến công chúng, những người làm công tác du lịch đã “Việt hóa” nó thành Tà Cú cho dễ nhớ.

Đường từ trụ sở trung tâm bảo tồn vào Bưng Thị không xa lắm, chỉ trên dưới 7km đường rừng nhưng rất khó đi. Xe vừa chạm bánh vào con đường rừng đầy cát trắng, anh Liêm dừng lại báo cho tôi biết chúng tôi sắp sửa chinh phục đường… dây thép! So với Quốc lộ 1A con đường này “già” hơn vài trăm tuổi.

Mặc dù đã được hướng dẫn khá kỹ cách chạy xe trên đường đầy cát, song do chưa có kinh nghiệm nên không ít lần tôi bị bỏ lại phía sau khá xa. Một mình giữa rừng, tôi rợn người khi chợt nhớ đến những câu chuyện ly kỳ mà mình đã nghe trước đó.

Anh Xuân, một người mà tôi gặp ở thị trấn Hàm Minh cho biết, trước ngày đất nước thống nhất, khu vực núi Tà Kóu có rất nhiều hổ. Do cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng nên hồi ấy chuyện “xung đột” giữa hổ và người diễn ra khá thường xuyên. Trong phần lớn những cuộc giao chiến, con người luôn là kẻ thua cuộc và không ít phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.

< Bưng Thị phong phú thực vật miền nhiệt đới.

Sau gần một tiếng đồng hồ cắt rừng vượt cát, cuối cùng thì vùng đất hoang sơ Bưng Thị cũng hiện ra trước mắt. Vì đang là mùa khô nên phần lớn diện tích vùng Bưng Thị bị bao phủ bởi một màu xám bạc của những trảng cỏ khô. Xen lẫn vào đó là một vài tán cây bụi đầy gai nhọn hoắc.

Bưng Thị được hình thành trên nền đất phù sa cổ, khí hậu tương đối khắc nghiệt với lượng mưa trung bình hàng năm chỉ trên dưới 100ml. Đó là lý do mà chỉ có cỏ và loài găng gai là có khả năng sinh trưởng tốt. Theo nhiều người tên gọi Bưng Thị xuất phát từ việc vùng bưng này có nhiều cây thị hoang sinh sống. Hiện vẫn còn một số cá thể loài này sinh trưởng quanh vùng đệm nhưng số lượng không còn nhiều như trước.

Nếu đi qua vùng trảng cỏ Bưng Thị vào dịp sáng sớm hoặc chiều tối, du khách sẽ có dịp nhìn thấy những gia đình chim công, gà lôi hồng tía - hai loài chim đặc hữu của vùng này nhởn nhơ tìm mồi. Bưng Thị có một quần thể khá đa dạng với nhiều loài động vật quý hiếm. Hệ động vật ít nhất 30 loài thú, 100 loài chim, 54 loài lưỡng cư và bò sát, 174 loài côn trùng... Hệ thực vật có 751 loài và có ít nhất 15 loài thực vật quý hiếm.

Nếu như trên cạn là cát trắng nóng bỏng đặc trưng sa mạc thì chỉ cách đấy vài bước chân nó là thế giới của vô số loài động, thực vật miền nhiệt đới. Chỉ cho tôi một vùng đầm lầy bị bao phủ bởi cỏ dại và tràm nước (loại cây đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười) trước mặt. Để đo độ sâu mực nước vùng đầm lầy Bưng Thị là điều không thể. Bởi chưa từng có ai vượt qua được những bãi lầy dày hàng chục mét để vào sâu bên trong.

< Khu vực đầm lầy.

Do nằm trong khu vực vành đai núi lửa nên nước ở Bưng Thị chứa khá nhiều khoáng chất. Chưa có một nghiên cứu chính thức, song nhiều người cho rằng chính nhờ nguồn nước này mà quả thanh long Hàm Thuận Nam ngon ngọt, trở thành đặc sản nổi tiếng khắp cả nước.

Sau gần ba tiếng đồng hồ lang thang quanh Bưng Thị, trước khi quay trở ra, chúng tôi “tự thưởng” cho mình một chầu trứng luộc bằng chính dòng nước suối nóng bỏng được lấy trực tiếp từ lòng đất. Được các nhà khảo sát địa chất khoan thăm dò vào năm 1979, dòng nước suối này có nhiệt độ khoảng 800C, đủ khả năng làm chín một quả trứng trong vòng 20 phút.

Khám phá suối nước nóng Bưng Thị

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Minh (Phunuonline)

Monday, 28 January 2013

Trong chuyến khảo sát tháng 10 vừa qua, chuyên gia lâm nghiệp Vũ Văn Dũng đánh giá với lợi thế về địa hình, khí hậu và điều kiện nhân văn, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái, Phia Oắc – Phia Đén có đủ các tiêu chí, thậm chí thừa tiêu chí, để trở thành vườn quốc gia thứ 31 của Việt Nam.

Đề xuất Phia Oắc - Phia Đén trở thành vườn quốc gia

Theo quy định hiện hành, các khu rừng quý phải có diện tích từ 15.000ha rừng trở lên thì Chính phủ mới công nhận là rừng đặc dụng (sau đó có thể xây dựng vườn quốc gia).

Còn theo Quyết định số 194/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ký ngày 9/8/1986 “Khu bảo tồn thiên nhiên” núi Phia Oắc – Phia Đén được thành lập bao gồm sáu đơn vị hành chính gồm thị trấn Tĩnh Túc và các xã Quang Thành, Phan Thanh, Vũ Nông, Thành Công, Hưng Đạo (thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) nhằm bảo vệ khu rừng “á nhiệt đới lá rộng xen lá kim núi thấp”, phân bố chủ yếu từ độ cao 1000m đến 1931m (đỉnh Phia Oắc). Diện tích ghi trong quyết định là 10.000ha. Còn theo số liệu do ông Long Văn Bằng, Giám đốc Rừng Đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén, cung cấp thì diện tích rừng đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén là 10.261ha (theo quy hoạch phân chia 3 loại rừng năm 2008 của tỉnh).

Hiện nay ở Việt Nam có 12 bộ thú trên cạn. Ở rừng núi Bắc Bộ có 10 bộ thì vùng núi Phia Oắc-Phia Đén đã xác định sự hiện diện các loài thuộc 8 bộ, chiếm 66,7% số bộ thú của Việt Nam; với số loài đã biết là 87 loài/300 loài, chiếm 29% tổng số loài thú trên cạn của cả nước. Nếu so với một số vườn quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) có 52 loài; vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) 65 loài; khu bảo tồn Hữu Liên (Lạng Sơn) có 73 loài, thì đa dạng thành phần loài thú Phia Oắc là rất cao. Trong số đó có ít nhất 24 loài thú thuộc diện quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh mục Đỏ Thế giới năm 2011 và trong các phụ lục IB, IIB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP, Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Cùng với đó là 11 loài chim quý hiếm, 14 loài bò sát và 7 loài côn trùng quý hiếm. Đây chính là di sản, là báu vật của núi rừng Phia Oắc cần được ưu tiên bảo tồn.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, Phia Oắc – Phia Đén là khu rừng còn giữ được nhiều nét nguyên sinh, bởi các hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi cao, rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng hỗn giao gỗ - tre nứa, cấu trúc bốn tầng với độ che phủ lớn. Đặc biệt có một số hệ sinh thái đặc trưng cho vùng núi cao như hệ sinh thái rừng lùn, rừng rêu. Trong thảm cỏ hàng nghìn loài thực vật, trong đó có một số loài cây có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao như cây gù hương hay còn gọi là re hương; lát hoa, sến mật, nghiến, dẻ tùng, cùng với nhiều cây thuốc quý, quần thể phong lan đa dạng, cây cho quả, như trám trắng, trám đen, bứa, dọc, dâu da, vải, nhãn rừng, sung, vả, me... với các thảm xanh bốn mùa tươi tốt, là nơi tạo điều kiện sinh tồn cho khu hệ động vật hoang dã.

Dựa theo các tiêu chí phân cấp vườn quốc gia tại điều 17, Luật Đa dạng Sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008 được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 4, nhóm tác giả đã đề xuất xây dựng thành vườn quốc gia Phi Oắc – Phia Đén có diện tích là 20.480 ha trong đó rừng nguyên sinh là 9.500ha trên địa phận của các xã Ca Thành, Triệu Nguyên, Vũ Nông, Mai Long, Phan Thanh, Quang Thành, Thành Công, và thị trấn Tĩnh Túc.


< Các nhà khoa học, nhà bảo tồn, và các chuyên gia lâm nghiệp đều có chung nhận định rằng Phia Oắc – Phia Đén hoàn toàn xứng đáng quy hoạch thành vườn quốc gia.

Vùng đề xuất xây dựng vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén là vùng núi có địa hình phân cắt phức tạp với các dãy núi nhấp nhô uốn lượn vòng cung, núi đá dựng đứng hiểm trở trùng điệp nối tiếp nhau, được che phủ gần như hoàn toàn bằng những thảm rừng nguyên sinh mưa mùa và mưa ẩm á nhiệt đới xanh ngút ngàn. Vùng đề xuất xây dựng thành vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén là nơi sinh sống thường xuyên không chỉ của một loài mà 16 loài thực vật và 56 loài động vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao.

Trước đề xuất trên, ông Nguyễn Sinh Cung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng, đề nghị các nhà khoa học cần xem xét lại diện tích, nếu trên 20.000 thì cao quá mà chỉ từ 13.000 đến 14.000ha thì dễ quản lý hơn. Trong vùng Phia Oắc – Phia Đén dân số năm 2010 là 32.064 người. Mật độ dân số trung bình là 50,6 người/km2 (trừ xã Bình Lãng của huyện Thông Nông). Hai thị trấn Tĩnh Túc, Nguyên Bình và các xã Thái Học, Vũ Nông, Thể Dục, Mai Long, Minh Thanh, Tam Kim có mật độ dân cư cao, lớn hơn mật độ trung bình của vùng, đó cũng là các khu vực có đất nông nghiệp nhiều, dân cư tập trung thành từng cụm lớn với sản xuất nông nghiệp là chính. Trong vùng dân tộc Dao nhiều nhất, chiếm 48,62%; Nùng 23%; Tày, 14%; Mông 1%.

Đánh giá sau chuyến khảo sát thứ sáu kết hợp các ý kiến tại hội thảo “Phia Oắc-Phia Đén – Báu vật thiên nhiên quốc gia” diễn ra trong tháng 10 ở Cao Bằng, các nhà khoa học, nhà bảo tồn, và các chuyên gia lâm nghiệp đều có chung nhận định rằng nơi đây hoàn toàn xứng đáng quy hoạch thành vườn quốc gia.

Ông Long Văn Bằng, Giám đốc Rừng Đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén, cho biết qua khảo sát thực tế kết hợp với những tài liệu thu thập được, các nhà khoa học đánh giá hiện nay rừng bị chặt phá ngày càng mạnh mẽ, khai thác quặng, đa dạng sinh học vùng Phia Oắc – Phia Đén đã và đang bị suy giảm đáng kể. Nếu không kịp thời ngăn chặn nạn “quặng tặc” hoặc các giải pháp quản lý, bảo vệ và bảo tồn theo các quy chế của vườn quốc gia không sớm được quy hoạch và quyết định thì các báu vật  của Phia Oắc – Phia Đén, đặc biệt sản phẩm du lịch cực kỳ quý giá sẽ bị suy giảm hoặc mất mát.

Việc điều tra, đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội vùng Phia Oắc-Phia Đén là rất cần thiết nhằm đánh giá chính xác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên đa dạng sinh học; xác định và khoanh vùng các hệ sinh thái đặc thù; các loài động vật quý hiếm và đặc hữu đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trên cơ sở đó, có thể đề xuất các giải pháp, hoạch định bảo tồn, bảo vệ những giá trị quý giá của tài nguyên đa dạng sinh học mà thiên nhiên đã ban tặng Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng nói riêng và vùng Đông Bắc Việt Nam nói chung.

Ông Long Văn Bằng chia sẻ: Trải qua hơn 20 năm công tác tôi đã đi hầu hết các huyện trong tỉnh Cao Bằng (trước đây tôi công tác ở Đoàn điều tra quy hoạch Lâm nghiệp Cao Bằng) chưa thấy nơi nào có rừng phân bố tập trung với diện tích lớn (trên 7.000 ha) như ở khu rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén. Tôi cũng có nhiều đợt đi tuần tra ở nhiều khu vực, địa điểm khác nhau trong khu rừng thấy tính đa dạng sinh học ở đây rất cao, nhiều loài cây có thể chưa biết tên, cấu trúc rừng nhiều tầng, đặc biệt là rừng rêu ở phía trên đỉnh Phia Oắc có lẽ ít nơi nào có được, rừng nguyên sinh khu vực Ca Mi – Tĩnh Túc, Khuổi Má - Thành Công có cây cao tới 30-35m đường kính 50 - 60 cm.

Nhiều cây có tên trong sách đỏ như cây gù hương, theo người dân địa phương gọi là cây mạy vác thì hiện nay cây còn sống là không tồn tại, nhưng theo đoàn Phân viện Điều tra Quy hoạch Đông Bắc Bộ khảo sát tháng 5/2012 (để xây dựng dự án bảo vệ và phát rừng đặc dụng giai đoạn 2013 -2020) thì khẳng định cây gù hương hiện nay vẫn còn cây gỗ lớn và cây tái sinh. Ngoài ra còn có cây bảy lá một hoa, lan kim tuyến cũng có tên trong sách đỏ, cây thảo quả, xa nhân…. Về chim thì có gà so ngực gụ cũng có tên trong sách đỏ. Về côn trùng có cua bay hoa, bọ hung sừng chữ Y, bọ hung ba sừng, cặp kìm sừng đao, bọ lá có tên trong sách đỏ và nhiều loài bướm lạ, đẹp chưa biết tên. Qua một thời gian chưa phải là nhiều tôi cũng biết được đôi chút về khu rừng Phia Oắc - Phia Đén, để biết được nhiều bí ẩn về khu rừng Phia Oắc - Phia Đén phải nhờ đến nhiều nhà khoa học, nhiều nhà nghiên cứu và thời gian dài thì câu trả lời sẽ rõ.

Theo đánh giá của ông Bằng, đề tài “Nghiên cứu, điều tra đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam xây dựng là rất khả thi. Các nhà khoa học của Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam và Trung tâm Địa Môi trường&Tổ chức Lãnh thổ đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu có quy mô, đánh giá được thực trạng đa dạng sinh học, các giá trị đặc biệt thiên nhiên hiện có. Nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ và trong “Nghị định 32” chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhiều khu rừng đặc dụng lân cận; Thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên đáp ứng được các tiêu chí theo Nghị định số 117/2010/NĐ – CP, ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng và Luật Đa dạng Sinh học năm 2008 đủ cơ sở khoa học để xây dựng vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén.

Hết

Rừng Phia Oắc - Phia Đén (P1): Độc đáo “Rừng cảnh tiên” Phia Oắc – Phia Đén
Rừng Phia Oắc - Phia Đén (P2): Mất dần những động vật quý hiếm
Rừng Phia Oắc - Phia Đén (P3): Đánh thức Phia Oắc – Phia Đén
Rừng Phia Oắc - Phia Đén (P4): Đề xuất Phia Oắc - Phia Đén trở thành vườn quốc gia

Du lịch, GO! - Theo Mạnh Cường (Tinmoitruong), internet
Nói đến Phia Oắc - Phia Đén là nói đến một vùng di sản thiên nhiên độc đáo và giàu có - một báu vật trời đất ban tặng cho Cao Bằng. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, người Pháp đã đến đây khai phá và tôn vinh giá trị của vùng Phia Oắc.

Đánh thức Phia Oắc – Phia Đén

Ngoài việc khai thác tài nguyên khoáng sản, với điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, người Pháp đã chọn nơi đây làm nơi nghỉ mát. Ngày nay đến đây, chúng ta vẫn còn bắt gặp những dấu tích của các khu biệt thự cổ xây bằng đá tảng và bê tông bề thế, vững chắc ẩn hiện trong khu rừng thông cổ thụ đầy mộng mơ.

Điển hình là nhà Đỏ (Tatsloom) tại khu vực Phia Đén. Gần khu nhà đỏ, người ta mới phát hiện một ngôi miếu cổ có tên gọi “vọng tiên cung”, rộng 20m2. Bên ngoài và trong miếu đều có hoành phi, câu đối bằng chữ Hán với kiến trúc độc đáo. Bên ngoài miếu có câu “Cung tiên vọng” (ngóng nhìn cung tiên), có 2 cặp câu đối, một cặp tại cửa ra vào, một cặp phía ngoài hai bên thành miếu. Theo người dân vùng Phia Đén, trên đỉnh núi Phia Oắc còn có bàn đá là nơi tiên ông đánh cờ, dưới chân núi có dòng suối trong xanh là nơi có thể nơi cung nữ giáng trần xuống tắm.

Ngoài ra còn có các khu nghỉ dưỡng cuối tuần, các biệt thự xây bằng đá tảng từ thời Pháp và trước đó của người Hoa. Nơi đây vẫn còn lưu giữ một số địa danh nghỉ mát của thực dân Pháp được nhiều người biết đến như khu nghỉ mát cuối tuần nhà Đỏ (xã Thành Công) và của người Hoa (nhà Tài Soỏng ở xã Phan Thanh).

< Với điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, người Pháp đã chọn nơi đây làm nơi nghỉ mát, điển hình là nhà Đỏ (Tatsloom) tại khu vực Phia Đén.

Một dấu ấn lịch sử cũng được ghi nhận ở nơi đây là vào ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập với 34 chiến sỹ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đây là đơn vị đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Ông Long Văn Bằng cho hay sau khi trạm phát sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam được xây dựng thì số khách đến tham quan nhiều hơn, bởi vì có đường ô tô lên đến đỉnh cao 1931mét. Trên đỉnh cao Phia Oắc nói riêng và toàn bộ khu rừng đặc dụng nói chung có khí hậu mát mẻ về mùa hè, mùa đông có tuyết rơi, khí hậu trong lành, nhiều loài cây, loài hoa, nhiều loài côn trùng đẹp thuộc loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ năm 2007. Do vậy thu hút được nhiều khách trong nước và nước ngoài đến tham quan nghiên cứu.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội – Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, Phia Oắc – Phia Đén có nhiều tài nguyên du lịch đa dạng có thể phát triển nhiều loại hình du lịch với bản sắc riêng. Mặc dù vậy hiện nay du lịch sinh thái và các loại hình du lịch khác ở vùng núi Phia Oắc – Phia Đén còn ở dạng tiềm năng, vì hầu như chưa có cơ sở dịch vụ du lịch cũng như chưa đưa vào thị trường du lịch.

Hiện nay đề tài “Điều tra, nghiên cứu, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam và Trung tâm Địa Môi trường&Tổ chức Lãnh thổ đang thực hiện đã phác thảo được 15 tuyến du lịch tạm ghép vào một số tuyến sau đây.

Tuyến ngã ba Phia Đén – Tham quan trạm phát sóng quốc gia trên đỉnh Phia Oắc, tham quan các hệ sinh thái rừng nguyên sinh thường xanh, rừng thần tiên (rừng rêu núi cao), các vách đá granite phức hệ Phia Oắc, thác nước, hầm khai thác volfram thời Pháp, có thể xây dựng thêm các trạm nghỉ - ngắm cảnh kiểu “nghênh phong đình” dọc đường lên đài phát sóng quốc gia.

Tuyến ngã ba Nà Phặc – Phia Đén – Tĩnh Túc: Tham quan các di tích của nền lịch sử khai khoáng và nghỉ dưỡng Cao Bằng: Nhà Đỏ, nhà Tài Soỏng, bức tường sót lại của nhà nghỉ dành cho toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1857 - 1932) dịp lên thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc, mỏ thiếc Tĩnh Túc (là mỏ đầu tiên của ngành khai khoáng Việt Nam) với bức tượng Bác Hồ bằng đồng được xây dựng nhân kỷ niệm 52 năm (15/9/1958 – 15/9/2010) ngày Bác Hồ về thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc.

Tuyến xã Mai Long: Tiềm năng có các điểm du lịch leo núi mạo hiểm, trekking, thăm các hang động karst hiện và ngầm và homestay.

< Sau khi trạm phát sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam được xây dựng thì số khách đến tham quan nhiều hơn, bởi vì có đường ô tô lên đến đỉnh cao 1931mét.

Cùng với điều kiện cảnh quan sinh thái thuận lợi đối với phát triển du lịch của vùng Phia Oắc – Phia Đén, điều kiện khí hậu ở đây nhìn chung khá thích hợp, thuận lợi cho cho các hoạt động tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng. Nhất là vùng núi trên 1.000m (tại làng Phia Đén xã Thành Công) có thể chọn làm nơi xây nhà nghỉ dưỡng để bồi bổ sức khỏe, phục hồi và điều dưỡng bệnh. Nếu như rừng đặc dụng vùng Phia Oắc – Phia Đén được mở rộng ra các vùng phụ cận sáu xã thuộc huyện Nguyên Bình như Quang Thành, Thành Công, Phan Thanh, Thị trấn Tĩnh Túc, Vũ Nông, và Hưng Đạo. Từ đó có kế hoạch xây dựng các khu nghỉ dưỡng, tham quan, học tập của các trường đại học, phổ thông và du lịch sinh thái của Cao Bằng, vùng Đông Bắc, và cả nước. Tham quan danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử, văn hóa của Cao Bằng như lịch sử khu rừng Trần Hưng Đạo, hang Pắc Bó, hồ Thăng Hen, thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao của Cao Bằng.

Tuy có vị trí thuận lợi cho biệc giao lưu hàng hóa và các hoạt động du lịch lịch sử, sinh thái nhưng chưa được phát triển rộng. Trong huyện Nguyên Bình có 368 cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại, du lịch thì toàn bộ là của tư nhân, kinh doanh nhỏ lẻ. Mặc dù vị trí thuận lợi cho các tuyến du lịch liên kết với xung quanh nhưng hiện nay vẫn chưa có cơ sở tổ chức du lịch và nghỉ dưỡng.

Với lợi thế về địa hình, khí hậu và điều kiện nhân văn, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái, vùng Phia Oắc - Phia Đén là nơi hội tụ những yếu tố đặc trưng rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái bền vững. Rõ ràng, giá trị về rừng và đa dạng sinh học của khu rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén có đầy tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội.

Vì vậy, việc quy hoạch, xây dựng vùng Phia Oắc - Phia Đén trở thành khu danh lam thắng cảnh, khu du lịch sinh thái là việc làm hết sức cần thiết, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và bền vững cho du lịch của tỉnh Cao Bằng, góp phần khẳng định vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai. Đồng thời sẽ góp phần làm thay đổi về đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư trong vùng.

Việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ được hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc thù của vùng Phia Oắc - Phia Đén chính là phục vụ kinh tế - xã hội bền vững trong đó có phát triển du lịch như kỳ vọng của tỉnh Cao Bằng đã đặt ra. Vì vậy ngày mồng 9/1/2012, UBND tỉnh Cao Bằng có quyết định phê duyệt đề tài “Nghiên cứu, điều tra đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén” và giao cho Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam thực hiện trong hai năm.

Để sớm phát huy các giá trị của báu vật thiên nhiên Phia Oắc – Phia Đén, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Sở Khoa học&Công nghệ tỉnh Cao Bằng, các nghiên cứu về tài nguyên động vật hoang dã nhằm góp phần xây dựng bức tranh tổng thể của khu rừng độc đáo quý giá này của Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung. Du lịch bền vững vừa là khả năng vừa là điều kiện cho bảo tồn “báu vật thiên nhiên quốc gia”.

Ông Hòe nói vui du lịch Phia Oắc – Phia Đén như nàng tiên đang ngủ quên trong rừng. Chỉ có hoạt động khai thác quặng của người địa phương là “rộn ràng”, kể cả dùng thuốc nổ. Du lịch Cao Bằng cần sớm đánh thức nàng tiên ngủ quyên này trước khi nàng bị hôn mê sâu không còn dậy được nữa.

Theo ông Bế Xuân Tiến, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình nói chung và Phia Oắc - Phia Đén nói riêng có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, du lịch sinh thái, khoáng sản dồi dào phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Việc đề xuất các giải pháp phát triển du lịch vùng Phia Oắc - Phia Đén của các nhà khoa học Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam có ý nghĩa rất thiết thực đối với địa phương.

Còn tiếp

Rừng Phia Oắc - Phia Đén (P1): Độc đáo “Rừng cảnh tiên” Phia Oắc – Phia Đén
Rừng Phia Oắc - Phia Đén (P2): Mất dần những động vật quý hiếm
Rừng Phia Oắc - Phia Đén (P3): Đánh thức Phia Oắc – Phia Đén
Rừng Phia Oắc - Phia Đén (P4): Đề xuất Phia Oắc - Phia Đén trở thành vườn quốc gia

Du lịch, GO! - Theo Mạnh Cường (Tinmoitruong), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống