Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Lễ hội. Show all posts
Showing posts with label Lễ hội. Show all posts

Monday 29 April 2013

Đúng 8h50 tối 29/4, “đại tiệc” pháo hoa trên sông Hàn chính thức khai mạc. 3 đội trình diễn trong đêm đầu tiên là Nga, Việt Nam và Ý đã mang đến cho hàng chục ngàn khán giả nhiều cảm xúc trào dâng.

"Vũ điệu ánh sáng Khan" (Nga)

Đúng 20h50, khi sông Hàn đang im lặng bổng những tràng pháo bất ngờ được đội Pháo hoa Khan - đến từ nước Nga, phóng khỏi bệ phóng- mở màn DIFC 2013 với chủ đề “Linh hồn Nga”. Từ trên bờ, dưới sông, những tràng vỗ tay hòa cùng tiếng reo không ngớt. Sông Hàn ngập trong vũ điệu âm thanh và ánh sáng.

< Phần trình diễn của đội Nga nhìn từ tầng 34 của tòa nhà Azura ven sông Hàn.

Thuộc hàng sinh sau đẻ muộn của làng pháo hoa thế giới, Khan định hình được vị thế của mình ở những năm 90 tại Nga. Tiếng vang của Khan thực sự lớn vào năm 2005, khi tham gia trình diễn pháo hoa theo nhạc với màn trình diễn Kalinka tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Croatia. Không lâu sau đó, đội đã đạt giải vô địch pháo hoa mở rộng ở Utska - Ba Lan.

Khan là trung tâm pháo hoa duy nhất, khác biệt với các thương hiệu pháo hoa xứ sở Bạch dương khi sử dụng thiết bị bắn hiện đại Pyrodigit để biểu diễn các màn pháo hoa lớn và hiệu ứng đặc biệt trong các tòa nhà.

Với lối đi riêng này, đội đã nhiều lần giữ vị trí quán quân tại các cuộc thi pháo hoa quốc tế ở Nga, Ba Lan, Đức, Croatia. Hiện Khan là công ty pháo hoa hàng đầu tại Nga, thường xuyên được lựa chọn là đại diện cho đất nước này tại các cuộc thi pháo hoa quốc tế.

Màn trình diễn của “Khan” tại DIFC 2013 dựa trên những hình tượng độc đáo, thú vị, kết hợp với âm nhạc. Trong đó, phần âm nhạc bao gồm những tác phẩm kinh điển của Nga cùng những tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài. Điều đặc biệt, đội Nga còn đưa một bài hát Việt Nam vào phần trình diễn của mình, khiến nhiều khán giả ngạc nhiên thích thú.

"Đà Nẵng dưới mặt trời" (Việt Nam)

Đội Đà Nẵng thành lập vào năm tháng 8/2008 và là đại diện đầu tiên của Việt Nam tham gia các cuộc trình diễn pháo hoa quốc tế, có trang thiết bị bắn hiện đại ngang tầm với các nước trên thế giới. Các thành viên của đội được đào tạo tại nước ngoài và thường xuyên được nâng cao trình độ về nghệ thuật trình diễn pháo hoa.

Màn trình diễn của đội Đà Nẵng - Việt Nam gồm 4 chương: Việt Nam quê hương tôi, Vũ điệu của nắng, Đất mẹ - Bảy sắc cầu vồng và Đà Nẵng dưới mặt trời cùng với các giai điệu sâu lắng ca ngợi đất nước và con người Việt Nam xinh đẹp, hiền hòa cùng những âm thanh đầy xúc cảm về thành phố bên bờ sông Hàn, mang đến những nét mới lạ cho người dân và du khách.

May mắn hơn đội Nga, đến phần trình diễn của đội Việt Nam, trời nổi gió nhẹ xua khói khỏi những tràng pháo. Những quả pháo nổ liên tiếp đã thu hút sự theo dõi của du khách. Nhiều người trầm trồ khen pháo hoa đội Việt Nam đẹp hơn năm trước.

“Cảm xúc của dòng sông” (Ý)

Đội cuối cùng trong đêm thi đầu tiên "đốt cháy" Đà Nẵng bằng vẻ đẹp của âm thanh, sắc màu là Parente (Ý) với màn diễn mang tên “Cảm xúc dòng song”. Nhà đương kim vô địch DIFC đưa khán giả đến với cuộc phiêu lưu đầy xúc cảm.

Với những bản tình ca không lời, những điệu valse, nhạc thính phòng..., đội Ý đã diễn tả những thay đổi của một dòng sông chảy qua đất nước. Những con người lãng mạn này tái tạo nên hình ảnh đôi khi rất xung đột với nhau: một cuộc hành trình từ nơi bắt nguồn tới tận nơi cửa sông, chảy qua những dãy núi, tới các thành thị, từ những khu rừng cho tới các đầm lầy bằng nhiều loại pháo với các hiệu ứng khác biệt.

Những khoảng lặng trầm tư bất chợt, những thời khắc dữ dội mãnh liệt hay không gian trang nghiêm hòa quyện, xen lẫn vào nhau đã tạo lên sự khác biệt của đội Italia. Nhiều du khách lội cả xuống bờ sông để theo dõi những tràng pháo đẹp mắt.

Kẹt… thuyền trên sông Hàn

Đến 19h30, hàng nghìn tàu cá ùa về khu vực sông Hàn (TP.Đà Nẵng) - nơi đẹp nhất để theo dõi cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế - nên diễn ra tình trạng… kẹt thuyền.

Mặc dù Bộ đội biên phòng TP và CSGT đường thủy được huy động tối đa để ngăn chặn tàu cá đổ về khu vực trước bãi bắn, nhưng theo ghi nhận, tình hình vẫn không được kiểm soát. Một cảnh tượng chen lấn giữa các tàu cá đang diễn ra. Tàu lớn chèn ép tàu bé, tàu bé cố lách vào chỗ trống. Điều đáng nói là hầu hết các tàu cá này (chưa xác định được có được Biên phòng TP cấp phép hay không) không có phao cứu hộ. Trên tàu có rất nhiều phụ nữ và trẻ em; còn những thanh niên trai tráng thì trong tình trạng ngà ngà men bia.

< Hàng trăm chiếc ghe tụ tập về sông Hàn gây nên tình trạng ùn ứ trên sông.

Thời tiết ở Đà Nẵng đã tạnh mưa, nhưng có gió to nên những màng trình diễn sắp tới có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trên kháng đài, 2 bên bờ sông Hàn và cả dưới sông đang nóng lên từng phút. Tại khu vực bãi bắn các thành viên đội Ý - đội thi đầu tiên - đã vào bệ phóng chuẩn bị khai pháo.

Tại khu vực cầu sông Hàn, Thuận Phước và cầu Rồng đã không còn chỗ trống. Tuy nhiên, người dân và du khách rất trật tự nên không có xảy ra xô lấn. 20h bầu trời Đà Nẵng đã tối hẵn nhưng những dòng người từ các ngã đường vẫn kéo về đôi bờ sông càng đông. Các ngả đường, trên các cây cầu mọi người chen chân kín lối. Khó có thể diễn tả hết niềm háo hức trên khuôn mặt mỗi người. Những chỗ ngồi “đắc địa” nhất trước khu đi bộ đối diện UBND TP, người dân, du khách và các nhóm gia đình khoanh vùng từ rất sớm. Khu đất trống ven sông đường Trần Hưng Đạo (góc tiếp giáp cầu Thuận Phước) rộng vài ngàn mét vuông chật người. Dù phải bỏ ra 50.000 đồng để “mua” 1 ghế nhựa do những người dân tự phát chiếm chỗ “kinh doanh”, nhưng không ai phàn nàn. Với họ, miễn sao có được chỗ ngồi xem pháo hoa là được rồi.


< Các thuyền hoa chạy tấp nập trên sông Hàn, phía xa là cầu Rồng uốn lượn.

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng trực tiếp chỉ huy tại các tuyến cầu Rồng, Trần Thị Lý, Tuyên Sơn, cho biết sẽ “cắt đường” theo kế hoạch chung nhưng tùy tình hình thực tế như lượng người xem, lượng xe cộ lưu thông qua cầu.

Ăn theo pháo hoa, tại bờ sông khu vực Nại Hiên Đông, hàng chục chiếc ghe của ngư dân làng cá sẵn sàng chở khách theo yêu cầu với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/người. Nhiều tòa nhà, khách sạn, quán karaoke ven bờ sông Hàn đặt biển còn chỗ xem pháo hoa trên tầng thượng với giá vé 200.000 - 300.000 đồng.

Đội mưa 'xí' chỗ xem tiệc pháo hoa tại sông Hàn

Vào 8h20 tối nay, cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế 2013 tại Đà Nẵng mới bắt đầu, nhưng lúc 4h chiều, hàng ngàn người đội mưa tập trung về 2 bờ sông Hàn để “xí” chỗ trước.


< Dù trời Đà Nẵng đổ mưa nhưng không thể ngăn dòng người kéo về đôi bờ sông Hàn.

Mặc dù đây là lần thứ 5 diễn ra cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, nhưng không vì thế mà kém phần hấp dẫn đối với du khách, người dân. Bằng chứng là từ 4h chiều nay, hàng nghìn người dân và du khách đã nườm nượp kéo đến 2 bờ sông Hàn để tìm cho mình vị trí đẹp nhất để chiêm ngưỡng pháo hoa, dù trời mưa nặng hạt.

16h30, nhóm PV đã có mặt tại các vị trí trọng điểm. Tuy nhiên, phải rất khó khăn, chúng tôi mới chen được qua cầu sông Hàn và Thuận Phước để tiếp cận khán đài. Tại khán đài (đường Trần Hưng Đạo), đã chật kín người. Là người đến từ rất sớm nhưng chị Nguyễn Thị Châu (du khách đến từ Quảng Ngãi) mới chen được vào khu vực khán đài B. “Thật thú vị, đây là lần thứ 5 tổ chức nhưng tôi vẫn thích đi xem. Sáng nay, tôi và người thân bắt xe từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng, chúng tôi phải đi từ sớm để tận hưởng cái không khí lễ hội nhộn nhịp này”, chị Châu, rất mệt mỏi khi phải chen lấn trong dòng người, cho biết.


< Nhiều người đã chọn cho mình vị trí đẹp.

Lượng du khách đổ về Đà Nẵng khá đông khiến các nhà hàng, quán ăn gần như kín chỗ. Để đảm bảo an toàn cho các “thượng đế”, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đà Nẵng tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra các nhà hàng, khách sạn có phục vụ ăn uống và các hàng quán ăn 2 bên bờ sông Hàn, như đường Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng… 600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được kiểm tra là con số dự kiến của chi cục trong đợt này. Bên cạnh việc giám sát từ khâu cung ứng đến bảo quản, chế biến thực phẩm, chi cục còn xây dựng phương án ứng phó kịp thời khi xảy ra ngộ độc hàng loạt.

Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị xe cấp cứu, phương tiện, trang thiết bị, thuốc men và nhân lực đầy đủ để phục vụ lễ hội; đồng thời xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống thảm họa có thể xảy ra như tai nạn, chấn thương, cháy nổ, ngộ độc hàng loạt... Là những đơn vị chịu trách nhiệm về cấp cứu, điều trị trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện C... đã chuẩn bị hàng trăm giường cấp cứu, điều trị.

Từ 3h chiều nay, các lực lượng chức năng gồm công an, quân đội… đã huy động hầu như toàn bộ lực lượng để chốt tại các vị trí quan trọng. Tại khu vực cầu Cảng Đà Nẵng, Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng đã huy động Hải đội 2 và hàng trăm cán bộ, chiến sỹ để bảo vệ, hướng dẫn tàu du lịch có dịch vụ xem pháo hoa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay do TP.Đà Nẵng giao Bộ đội Biên phòng cấp phép cho các tàu neo đậu xem pháo hoa nên tình hình an ninh tật tự dưới sông rất tốt. Các phương tiện không còn đậu gần khu vực khán đài, nơi bắn pháo hoa. Trên sông, xuồng cao tốc của lực lượng Bộ đội Biên phòng liên tục quần thảo nhắc nhở các phương tiện tàu, thuyền của ngư dân cũng như các tàu du lịch tuân thủ các quy định.

< Các em bé háo hức theo ba, mẹ chờ giờ pháo nổ.

Tại các trục đường chính như Bạch Đằng, Lê Duẩn, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo; cầu Rồng, sông Hàn, Thuận Phước, Tuyên Sơn, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi… công an các quận/huyện, phòng ban nghiệp vụ cùng 300 chiến sĩ của Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm Bộ Công an đã có mặt từ 2h chiều để triển khai các phương án bảo vệ theo kế hoạch.

Khu vực cầu Rồng, để du khách không bị phân tán khi thưởng thức pháo hoa, lãnh đạo TP.Đà Nẵng quyết định không cho “rồng” phun lửa và nước đêm nay. Chính vì thế, cầu này đã trở thành một “khán đài” lý tưởng để dủ khách kéo đến thưởng thức pháo hoa.

Lúc này những chiếc thuyền hoa đã bắt đầu xuất phát. Thuyền hoa sẽ tiếp tục diễu hành hàng dọc từ tại cầu Rồng, chạy về hướng biển, quay đầu ở cầu Thuận Phước và tập kết hàng ngang tại cầu sông Hàn trước giờ khai pháo...

Du lịch, GO! - Theo Infonet, VnExpress

Wednesday 24 April 2013

Khởi động mùa du lịch biển đảo, dịp lễ 30-4, 1-5 năm nay được xem là kỳ nghỉ lý tưởng với hàng loạt sự kiện lớn diễn ra tại các thành phố biển. Đặc biệt lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được phục dựng tổ chức tại đảo Lý Sơn ngày 27 và 28-4.

Đà Nẵng: sẵn sàng cho “bữa tiệc” pháo hoa

Dưới cái nắng gay gắt của tiết trời miền Trung, các công nhân vẫn cặm cụi lắp đặt những công đoạn cuối cùng của khán đài A cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013 (DIFC 2013). Đối diện khán đài, các thiết bị phục vụ đêm trình diễn pháo hoa cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

Theo UBND TP Đà Nẵng, DIFC 2013 sẽ có sự góp mặt của những quốc gia lừng lẫy về công nghệ sản xuất, trình diễn pháo hoa. Trong đó, hai đội tầm cỡ là Trung tâm pháo hoa Khan (Nga) với những màn pháo hoa lớn bắn trên thiết bị hiện đại Pyrodigit sở trường và Melrose Pyrotechnics (Mỹ) với công nghệ bắn pháo hoa điện tử lần đầu tiên góp mặt. Còn nhà đương kim vô địch DIFC 2011, 2012 Ý cũng hứa hẹn mang đến một “món ăn” đặc biệt trong “bữa tiệc” ánh sáng bên sông Hàn...

Hiện hệ thống khách sạn dọc hai bờ sông Hàn gần khán đài và điểm bắn pháo hoa đều đạt công suất 100%. Theo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, so với DIFC 2012, năm nay Đà Nẵng có thêm 75 khách sạn mới với hơn 2.400 phòng. Đến nay số lượng phòng hoạt động mới đạt gần 75%, các khách sạn ở nội thành và vùng ven vẫn còn trống khá nhiều. 351 khách sạn đã đăng ký công khai niêm yết giá và công bố đường dây nóng xử lý việc “chặt chém”.

Bên cạnh pháo hoa, 16 sự kiện phụ trợ khác cũng sẽ diễn ra trong những ngày này. Từ ngày 25-4 đến 1-5, tại vỉa hè đường Bạch Đằng sẽ trưng bày ảnh đẹp du lịch Đà Nẵng, riêng đêm 27-4 sẽ diễn ra chương trình âm nhạc đường phố. Từ ngày 27 đến 30-4, ngày hội đọc sách, khám phá văn hóa Champa diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng. Từ ngày 28 đến 30-4, lễ hội văn hóa ẩm thực quốc tế “Hương vị cuộc sống” của các đội tham gia thi pháo hoa diễn ra tại Thư viện Khoa học tổng hợp. Lễ hội biển với chương trình giao lưu hip hop, tiệc âm nhạc tại công viên Biển Đông...

Quảng Ninh: 5.000 diễn viên tham gia lễ hội carnival Hạ Long

Lễ hội carnival Hạ Long 2013 với chủ đề “Sắc màu Quảng Ninh - hội tụ và lan tỏa” sẽ chính thức diễn ra tối 27-4. Theo ban tổ chức, kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh, carnival Hạ Long 2013 với điểm nhấn là màn diễu hành đường phố sẽ được tổ chức công phu và hoành tráng hơn các năm trước với sáu xe hoa, 26 khối diễn thể hiện tài nguyên du lịch tỉnh với sự tham gia của gần 5.000 diễn viên... Năm nay tỉnh tiếp tục mời các đoàn nghệ thuật Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào... tham gia.

Ông Hà Quang Long, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh, cho biết lượng khách đến Hạ Long dịp này đã bắt đầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 15.000 phòng khách sạn và hơn 1.500 phòng trên tàu du lịch nghỉ đêm, nhưng hơn 90% số phòng đã được đặt trước. Tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được quán triệt không “chặt chém” du khách, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần tạo ấn tượng tốt về một lễ hội “đặc sản” của tỉnh với du khách.

Trong thời gian này, tại các trung tâm du lịch Vân Đồn, Uông Bí, Cô Tô, Móng Cái... đều diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hưởng ứng carnival Hạ Long 2013. “Những năm gần đây, vào các dịp lễ và mùa du lịch, lượng khách chọn các tour du lịch sinh thái đến các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn tăng đột biến. Dự kiến năm nay du lịch biển đảo Quảng Ninh sẽ đón 50.000-70.000 khách đi tour huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô, bãi biển Trà Cổ...” - ông Long nói.

Hải Phòng: “Đồ Sơn biển gọi”

Một trong những hoạt động mở màn Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 là lễ hội “Đồ Sơn biển gọi” diễn ra từ ngày 28-4 đến 6-5. Các hoạt động bên lề lễ hội chủ yếu là các giải thể thao mở rộng như giải quần vợt du lịch Đồ Sơn mở rộng, giải đua xe đạp, đua thuyền rồng, biểu diễn dù bay... Bến cảng du lịch Nam Đồ Sơn - hòn Dấu và tuyến du lịch tàu cao tốc Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long - Móng Cái được đưa vào hoạt động từ năm 2012 cũng sẽ tạo lực hút đối với khách du lịch.

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách du lịch trong dịp lễ, ông Nguyễn Anh Tuân, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hải Phòng, cho biết sở đã phối hợp các ban ngành thực hiện nhiều biện pháp siết chặt tình trạng làm giá. “Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Cát Bà đều đã được tập huấn để nâng cao chất lượng và kiểm soát giá trong mùa du lịch, đặc biệt trong Năm du lịch quốc gia, để xây dựng hình ảnh thu hút khách du lịch. Nhiều doanh nghiệp đã cam kết không tăng giá dịch vụ trong các ngày lễ. 100% các cơ sở dịch vụ đều phải thực hiện niêm yết giá. Các ngành chức năng cũng phối hợp rà soát, kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện tình trạng bắt chẹt du khách sẽ xử lý nghiêm” - ông Tuân nói.

Theo Sở VH-TT&DL Hải Phòng, dự kiến dịp nghỉ lễ này Hải Phòng sẽ đón hơn 70.000 du khách. Riêng khu du lịch Cát Bà và Đồ Sơn hiện có khoảng 5.000 phòng nghỉ, khách sạn đáp ứng nhu cầu cho khoảng 10.000 khách mỗi ngày.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Trọng tâm của Tuần lễ văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2013 là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được phục dựng tổ chức tại đảo Lý Sơn ngày 27 và 28-4.

Khác với mọi năm (tổ chức ở 13 tộc họ), năm nay lễ hội được tỉnh đứng ra tổ chức với quy mô lớn nên số lượng khách đăng ký tham dự cũng tăng vọt. “Hiện có bốn tàu cao tốc hoạt động tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn với khoảng 800 người/lượt. Nếu 2.000 khách cùng ra đảo trong sáng 28-4 kịp dự lễ khai mạc lúc 8g30, chúng tôi sẽ phải tăng bo 18 lượt cả đi và về mới chở hết” - ông Nguyễn Văn Danh, giám đốc Công ty vận tải đường thủy tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, tính toán.

Đến thời điểm này, các khách sạn, nhà nghỉ trên đảo đã được đặt kín. Sở VH-TT&DL đã làm việc với các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện để tận dụng nhà công vụ làm nơi nghỉ cho du khách. 24 nhà cổ cũng đồng ý đón khách vào ở trong dịp lễ hội. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 800 du khách. “Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo các công ty lữ hành nên cân nhắc đưa khách ra đảo dịp này” - ông Tạ Quy, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, cho biết.

Hiện Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi đã thống nhất với các chủ tàu chờ “lệnh” xuất bến từ ngày 25-4. Cảng Sa Kỳ cũng được nâng cấp, lắp đặt mái che, bố trí ghế nhựa cho du khách chờ tàu. Công tác bán vé đã được ban quản lý cảng Sa Kỳ triển khai. Chuyến tàu đầu tiên sẽ rời bến lúc 5g30 tại cảng Sa Kỳ.

Festival biển Nha Trang năm 2013

Chương trình Hội chợ Du lịch Biển đảo quốc tế Nha Trang – Việt Nam 2013 và Festival Biển Nha Trang 2013 với chủ đề “Nha Trang- Biển hẹn”sẽ diễn ra từ ngày 7/6 – 11/6/2013 tại Cung Hoa hậu Hoàn vũ Diamond Bay, thành phố Nha Trang.

Bắt đầu từ ngày 1 – 6, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức nhiều hoạt động như:

Liên hoan nhạc Rock-Hip hop toàn quốc
Giải đua xe đạp Báo Khánh Hòa mở rộng cúp CMC
Lễ hội hoa quả sơn
Giải thuyền buồm toàn quốc
Triển lãm hội họa-nghệ thuật sắp đặt
Cuộc thi Nữ hoàng Biển toàn quốc
Lễ hội ẩm thực
Thi Dù bay quốc tế…

Đây sẽ là cơ hội tốt để quảng bá những hình ảnh thiên nhiên, con người Nha Trang hiền hòa, mến khách đến khách du lịch trong nước và quốc tế cũng như giúp cho du lịch “đảo ngọc” phát triển bền vững. Đặc biệt, điểm nhấn của Festival Biển năm nay là Hội chợ Du lịch biển, đảo Nha Trang- Việt Nam (ISTE 2013) do Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo thực hiện, phối hợp cùng một số đơn vị thực hiện sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 10-6-2013.

Hội chợ sẽ tập trung vào 3 loại hình du lịch: Inbound (thu hút khách nước ngoài vào Việt Nam); outbound (mời các cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài đến giới thiệu sản phẩm cho du khách tại Việt Nam) và du lịch nội địa.

Festival biển Nha Trang được xem là sự kiện lớn nhất của thành phố Nha Trang năm 2013. Đến Nha Trang thời gian này, du khách được tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi, hoạt náo hấp dẫn trong festicval, để chuyến du lịch về miền biển thêm phần lý thú.

Du lịch, GO! - Theo báo Tuổi Trẻ, Tin Tức, ảnh internet

Tuesday 23 April 2013

Trang trí ánh sáng nghệ thuật trên đường Lê Duẩn, đua thuyền truyền thống trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, chạy việt dã trên đường Hoàng Sa - Trường Sa... là hàng loạt hoạt động chào mừng ngày 30/4 tại TP HCM.

Từ ngày 25/4 đến 10/5, đại lộ Lê Duẩn trước dinh Độc Lập (quận 1) sẽ được trang trí ánh sáng nghệ thuật để chào mừng 38 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam và 127 năm ngày Quốc tế lao động.
Triển lãm ảnh kỷ niệm ngày thống nhất đất nước được khai mạc lúc 8h ngày 26/4 tại Công viên Lam Sơn, Công viên Chi Lăng và đường Đồng Khởi (từ ngã tư đường Lê Thánh Tôn đến ngã tư đường Nguyễn Du).

Cùng với đó, giải đua thuyền truyền thống sẽ được tổ chức ngày 27/4 trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé và giải việt dã truyền thống 30/4 lần thứ 37 vô địch thành phố sẽ diễn ra sáng 28/4 tại tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa.

Ngoài ra, trong đêm 30/4 và 1/5, các công viên 23/9 (quận 1), sân khấu Sen Hồng, Công viên Gia Định 2 (huyện Củ Chi), Khu Tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn), Trung tâm Văn hóa quận 12, Khu Di tích Lịch sử Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh), Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (quận 9) và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) đều có chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Nhân dịp này, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức lễ động thổ công trình xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo vào ngày 28/4. Cùng ngày, Sở Giao thông Vận tải tổ chức thông xe cầu vượt Lăng Cha Cả và khởi công 3 cầu khác là cầu vượt nút giao Nguyễn Tri Phương (quận 10); cầu vượt vòng xoay Cây Gõ (quận 6) và cầu vượt nút giao Cộng Hòa/Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình).

Kỷ niệm 38 năm Giải phóng miền Nam, TP HCM sẽ bắn pháo hoa tại 2 điểm trong 15 phút. Pháo hoa tầm thấp được bắn với thời lượng 15 phút (21h – 21h15 ngày 30/4) tại khu vực đầu Đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, quận 2) và Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11).

Trước đó, UBND TP HCM cũng có thông báo dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, cán bộ, công viên chức được nghỉ liên tục 5 ngày (27/4-1/5) và đi làm bù ngày 4/5. Dự báo, dịp này nhu cầu đi lại, vui chơi nghỉ lễ của người dân sẽ tăng cao. Các bến xe, bến phà và ga Sài Gòn cũng đã có kế hoạch tăng thêm xe, thêm chuyến để phục vụ hành khách.

Du lịch, GO! - Theo VnExpress, Petrotimes

Wednesday 3 April 2013

Tiếp nối thành công của nhũng mùa pháo hoa trước, pháo hoa Đà Nẵng 2013 với chủ đề 'Tình Yêu Sông Hàn', hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều điều đặc sắc và thú vị.

Đây là thông tin mới nhất gửi đến khách du lịch Đà Nẵng và những ai yêu thích lễ hội Pháo Hoa Đà nẵng hằng năm. Một mùa lễ hội hứa hẹn đầy sắc màu và hoành tráng nhất từ trước đến nay sẽ bắt đầu vào ngày 29 đến 30/4/2013.

1. Đơn vị tổ chức

Đơn vị tổ chức: Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Đà Nẵng.
Đơn vị tư vấn: Công ty Global 2000 – Malaysia.

2. Chủ đề: TÌNH YÊU SÔNG HÀN

3. Thời gian: 02 đêm, 29 và 30/4/2013

4. Địa điểm:

Địa điểm bắn: Cảng Sông Hàn.
Địa điểm khán đài chính: Vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, đối diện khu vực bắn.
Đường Bạch Đằng, đường Trần Hưng Đạo, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, một số tàu thuyền được phép hoạt động trên sông... là những điểm xem trình diễn pháo hoa của người dân và du khách

5. Thời gian trình diễn:

Mỗi đội tham gia trình diễn trong khoảng từ 20 - 22 phút (không được dưới 20 phút và không quá 22 phút) theo chủ đề của Cuộc thi Trình diễn Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012 (Sau đây gọi tắt là Cuộc thi).

6. Các đội tham gia:

Các đội tham gia pháo hoa Đà Nẵng năm 2013 gồm: Nga, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ và đội Đà Nẵng - Việt Nam.

7. Cơ cấu giải thưởng:

01 Giải Nhất.
01 Giải Nhì.
01 - 02 Giải Ba.
01 - 02 Giải Khuyến khích.

8. Tiêu chí đánh giá các màn trình diễn:

Tập trung vào một số tiêu chí sau:
Ý tưởng, sự đa dạng và chủ đề của màn trình diễn.
Sự phong phú, đa dạng về màu sắc.
Tính độc đáo và chất lượng của màn trình diễn.
Quy mô và số lượng hiệu ứng.
Sự đồng bộ giữa âm thanh và hình ảnh, sự phù hợp của nhạc với hình ảnh của pháo hoa.
Phù hợp với chủ đề và thể hiện được ý nghĩa chủ đề của Cuộc thi.
Thời lượng của màn trình diễn: Từ 20 đến 22 phút.

9. Chương trình cuộc thi:

+ Đêm thứ nhất:
- 16h30: Mở cửa cho người xem vào các khán đài
- 18h00: Chương trình nghệ thuật
- 19h30: Đón khách VIP
- 20h00: Chương trình văn nghệ chính thức
- 20h20: Lễ khai mạc Cuộc thi
- 20h35: Đội thứ nhất trình diễn
- 20h55: Giải lao/ ca nhạc
- 21h10: Đội thứ hai trình diễn
- 21h30: Giải lao/ ca nhạc
- 21h45: Đội thứ ba trình diễn

+ Đêm thứ hai:
- 16h30: Mở cửa cho người xem vào các khán đài
- 18h00: Chương trình nghệ thuật
- 19h30: Đón khách VIP

- 20h00: Chương trình văn nghệ chính thức
- 20h20: Đội thứ tư trình diễn
- 20h40: Giải lao/ ca nhạc
- 20h55: Đội thứ năm trình diễn
- 21h15: Giải lao/ ca nhạc
- 21h30: Lễ trao giải và bế mạc Cuộc thi

Đây hứa hẹn sẽ là một lễ hội hoành tráng nhất, đầy màu sắc nhất vào dịp 30/4 ở Đà Nẵng. Nơi đây hứa hẹn sẽ mang lại cho khách du lịch Đà Nẵng những trải nghiệm thú vị và giây phút khó quên khi đến với Đà Nẵng.

Để phục vụ "bữa tiệc của âm thanh - ánh sáng - sắc màu” này cho khán giả, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức hệ thống các khán đài gồm hai khu: Khu khán đài A, B tại sân khấu chính với sức chứa khoảng 19.500 chỗ ngồi (1 đêm) và Khu khán đài C về phía Bắc khu khán đài A, B với sức chứa khoảng 17.700 chỗ ngồi (1 đêm).

Dự kiến, Ban Tổ chức DIFC 2013 sẽ bán khoảng 25.000 vé xem pháo hoa, giá vé khán đài B4, B5 là 400.000 đồng/người/đêm, C1, C2, C3 theo thứ tự là 300.000 đồng, 250.000 đồng và 200.000 đồng/người/đêm.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu xem pháo hoa trên thuyền của du khách, UBND thành phố Đà Nẵng đã cho phép các đơn vị có tàu du lịch bán vé trên tàu xem trình diễn pháo hoa; tuy nhiên phải có cam kết đảm bảo về an toàn, chất lượng dịch vụ và giá vé bán không được quá 300.000 đồng/vé/người/đêm.

Du lịch, GO! - Theo Du lịch Đà Nẵng
Tháng tư đã về cùng với những cơn mưa đầu hạ. Thời tiết chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hè mang tới cho chúng ta cảm giác mát mẻ và đầy hứng khởi, rất thich hợp với việc ngao du ngắm cảnh, tìm hiểu văn hoá đất nước. Hãy cùng điểm qua các Lễ hội lớn sẽ diễn ra vào tháng tư mà bạn không nên bỏ qua nhé.

Hội Phù Dày (Phủ Dày): 3/3 âm lịch (12/4 dương lịch)

Ngày 3/3 Âm lịch , những người theo đền, điện và yêu thích chầu văn lại đổ về xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tham dự hội Phù Dày, nơi thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người Mẹ linh thiêng của dân tộc Việt Nam.

Tục thờ Đức Thánh mẫu có ở khá nhiều nơi như Phố Cát (Thanh Hóa), Đền Sòng (Nghệ An)...
Nhưng có lẽ tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (nơi Mẫu sinh) là thu hút khách thập phương hơn cả.

Du khách về đây để dự ngày giỗ Thánh Mẫu, ngắm cảnh chùa và còn thưởng thức những điệu hát chầu văn say lòng người.

Lễ hội Hòn Chén: 3/3 âm lịch (12/4 dương lịch)

Dịp 3/3 âm, tại núi Ngọc Trản và đình làng Hải Cát của huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra lễ hội suy tôn Thiên Y A Na, vị thần của người Chăm đã sáng tạo đất đai, hoa màu, dạy dân cách trồng trọt. Lễ rước diễn ra trên những chiếc thuyền trang trí rực rỡ vào ban đêm trên sông Hương, trong tiếng nhạc của phường hát văn và phường bát âm. Ngày hôm sau là lễ đại tế tại đình và lễ rước kiệu về điện Hòn Chén. Trong đêm kết thúc, có lễ phóng sinh và thả đèn trên sông.

Lễ hội Bạch Đằng: 8/3 âm lịch (17/4 dương lịch)

Vào ngày 8/3 âm lịch, tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà và các đền thuộc huyện Yên Hưng, Quảng Ninh diễn ra lễ hội suy tôn các anh hùng dân tộc đã có công chống giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng. Lễ hội gồm lễ rước và các trò chơi đua thuyền, diễn xướng, thi đấu vật, cờ người.

Lễ hội đền Hùng: 10/3 âm lịch (19/4 dương lịch)

Hội Đền Hùng được tổ chức vào 10/3 âm lịch hằng năm tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Hội diễn ra từ ngày 1 dến 11/3 nhưng chính hội vào ngày 10. Đến với Lễ hội , bạn sẽ được tham gia vào Lễ dâng hương tại đền Thượng, tương truyền là nơi xưa kia vua Hùng tế trời đất. Ngoài ra trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động khác như trò chơi dân gian, hát xoan, ca trù…

Hội Vàm Láng (Nghinh Ông); 10/3 âm lịch(19/4 dương lịch)

Tới xã Kiêng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang vào ngày 10/3 âm , du khách được tham dự lễ hội được tổ chức quy mô ở lăng ông Nam Hải.

Ngoài phần rước, lễ trên biển với hàng trăm tàu thuyền được trang hoàng lộng lẫy, phần hội hấp dẫn người dân với màn hát bội, hát cải lương, các trò chơi như kéo co, bơi lội... Dân làng được xem hát, ăn uống, vui chơi suốt 2 ngày.

Lễ hội Đền Đô: 16/3 âm lịch ( 25/4 dương lịch)

Nếu bạn đã từng tham dự Hội Lim và cảm thấy thích thú với làn điệu quan họ của các liền anh liền chị xứ sở Kinh Bắc thì tháng 4 sẽ cho bạn một lý do để quay lại đây. Đó là Hội Đền Đô được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng 3 âm lịch nhưng hội chính vào ngày 16 tại làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn.

Lễ hội với đám rước hang vạn người, đi từ chua Kim Đài đến đền Đô (khoảng 3km). Đi đầu đoàn rước là một đoàn tướng võ, cởi trần, đóng khố, tay cầm truỳ đồng và hàng tram quân sĩ theo sau. Ngoài việc đi theo đoàn rước bạn đừng bỏ qua việc nghe hát quan họ và tham gia trò chơi dân gian lí thú.

Du lịch, GO! - Theo Người Đưa Tin và nhiều nguồn khác.

Friday 22 March 2013

Hàng năm, vào mùa xuân (từ ngày 12 đến 15-2 âm lịch), đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An lại nô nức về đền Cuông trẩy hội, tưởng nhớ công lao to lớn của Thục An Dương Vương, người đã có công cùng nhân dân đánh Tần đuổi Triệu, giành độc lập tự do cho dân tộc. Mở đầu cho trang sử vàng truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội đền Cuông gắn với một huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thục Phán – sau khi được Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi đã đoàn kết sức mạnh toàn quân, đại phá quân Tần và lên ngôi vua, lấy hiệu là Thục An Dương Vương.

Sau đó, An Dương Vương đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì đất nước trong 50 năm (từ năm 257 trước công nguyên đến năm 208 trước công nguyên).

Dưới thời An Dương Vương, đất nước ta phát triển về nhiều mặt, đặc biệt có bước tiến mới trong sản xuất lúa nước và quốc phòng. An Dương Vương đã cho xây thành Cổ Loa xoáy hình trôn ốc, ngoài thành là con sông Đào nối các nhánh sông Hồng ngày đêm thuyền chiến tuần tra nghiêm ngặt.

Lúc bấy giờ, ở phương Bắc, cha con Triệu Đà không khuất phục nhà nước phong kiến Trung Quốc và nổi dậy cát cứ xưng vương ở phía Đông Nam. Với âm mưu bành trướng mở mang bờ cõi, Triệu Đà đã nhiều lần đem quân xâm lược Âu Lạc. Nhưng An Dương Vương có thành cao, hào sâu, có binh hùng, tướng mạnh, có vũ khí lợi hại nên đã nhiều lần đánh tan quân xâm lược Triệu Đà. Không thể chiến thắng Âu Lạc bằng sức mạnh quân sự, Triệu Đà đã gian xảo dùng kế mưu hoà, kết tình thông gia và cho con trai là Trọng Thuỷ lấy công chúa Mỵ Châu chờ thời cơ thôn tính Âu Lạc. An Dương Vương có ngờ đâu chính tình yêu đôi lứa của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ và thủ đoạn đê hèn của Triệu Đà dẫn đến quốc hoạ khôn lường cho Âu Lạc.

Năm 208 trước công nguyên, do mất cảnh giác, Thục An Dương Vương bị Triệu Đà đem quân bất ngờ tấn công, phải rút lui về phương Nam và tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía bắc chân núi Mộ Dạ, nay thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Để tưởng nhớ công ơn của Thục An Dương Vương, nhân dân vùng Diễn Châu đã lập đền thờ ở đỉnh núi Mộ Dạ và hằng năm tổ chức lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham dự.

Nhớ đền Cuông là nhớ về cội nguồn, về thời kỳ lịch sử xa xưa hào hùng của dân tộc cùng với những huyền thoại, truyền thuyết về "Thánh hiển linh"; "Núi Đầu Cân"; "Bàn Cờ Tiên"; "Lời thề hóa đá"; "Tổ sư nghề rèn"...

Lễ hội đền Cuông đã trở thành nếp sống sinh hoạt không thể thiếu của người dân Diễn Châu và du khách thập phương. Đến hẹn lại lên, hàng năm từ ngày 12 đến 15-2 âm lịch, các hoạt động lễ hội lại diễn ra.

Về với lễ hội đền Cuông, du khách không những được thưởng thức các phần lễ trang nghiêm, thành kính trước anh linh của Thục An Dương Vương và các vị thần linh mang đậm đà bản sắc dân tộc của đất Diễn Châu, mà còn được hòa vào không khí tưng bừng lễ hội với những trò chơi dân gian, những hoạt động văn hoá, thể dục thể thao đậm đà bản sắc dân tộc như: chọi gà, đu quay, kéo co, trò chơi u...

Lễ hội đền Cuông còn là dịp để du khách thăm Cửa Hiền- Hồ Xuân Dương, khu du lịch biển Diễn Thành, chùa Cổ Am - hồ Linh Sơn - lèn Hai Vai soi bóng dưới sông Bùng thơ mộng. Đến với các di tích danh thắng trên địa bàn Diễn Châu, nơi có lịch sử hơn 1.380 năm văn hiến, để rồi cùng nhau suy ngẫm và nhắc nhau hãy giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Du lịch, GO! - Theo Tuổi Trẻ, ảnh internet

Thursday 21 March 2013

Đến An Giang, một số khách tham quan, du khảo... còn hầu hết khách vì mục đích tín ngưỡng bởi từ xưa, người dân đã coi núi Sam và vùng Bảy Núi là vùng địa linh, đất Phật.

< Du khách tham quan hồ Thủy Liêm và chùa Phật Lớn - núi Cấm.

Tại núi Sam, lễ hội vía Bà hằng năm thường diễn ra từ ngày 22 đến 25-4 âm lịch nhưng những năm gần đây, từ sau Tết Nguyên đán kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch, du khách đã bắt đầu đổ về núi Sam và núi Cấm khiến không khí phố núi ngày càng tưng bừng náo nhiệt.

Phố núi tưng bừng

Từ xa xưa, người dân địa phương đã coi núi Sam (Châu Đốc) và vùng Bảy Núi thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên - An Giang là một vùng địa linh, vùng đất Phật nên du khách đổ về “Thất Sơn mầu nhiệm” (1) để chiêm bái và vãn cảnh mỗi năm một nhiều.

< Khách hành hương viếng miếu Bà Chúa Xứ - núi Sam, Châu Đốc.

Ban tổ chức lễ hội Văn hóa quốc gia vía Bà Chúa Xứ cho biết mỗi năm thị xã Châu Đốc thu hút gần 2 triệu lượt người đến hành hương và du lịch, nhất là từ khi các loại hình du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng phát triển, giúp ngành du lịch An Giang có nhiều ưu thế nổi bật, trong đó hấp dẫn nhất là núi Sam với nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạn được đầu tư khá đồng bộ.

Thông thường sau khi viếng Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, đa số du khách đều đổ về vùng Bảy Núi, lần lượt tham quan núi Cấm, núi Két, núi Cô Tô... là nơi thủy tú sơn kỳ, cảnh quan tươi đẹp, khí hậu trong lành và mát mẻ. Đặc biệt là núi Cấm, nơi Trịnh Hoài Đức đã có lần cảm khái Hang núi ngậm mây, suối cong nhã ngọc, rất xứng danh là vùng đất bửu ngọc như người đời thường gọi Tu phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi.

Không chỉ tham quan các quần thể du lịch, về Bảy Núi, khách thích tìm hiểu lịch sử còn có dịp ghé thăm hơn 50 ngôi chùa của người Khmer hoặc các chùa Phi Lai, Tam Bửu và nhà mồ Ba Chúc, nơi ghi dấu tội ác của bọn diệt chủng PônPôt. Ấn tượng nhất là đồi Tức Dụp. Kế đến là khu du lịch Xoài So ở núi Tô hoặc khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc, khu căn cứ được coi là “Bản anh hùng ca vùng Bày Núi”.

< Khách hành hương đổ bộ lên núi Cấm vào những ngày tháng 3.

Với khách nước ngoài, không chỉ choáng ngợp trước phong cảnh kỳ vĩ của núi rừng, đôi khi chuyến đi cũng trở nên đặc biệt bởi tiếng xe ngựa, xe bò lốp cốp trên các đoạn đường đổ về Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc. Nơi đây mọi người còn có dịp tham quan các mô hình nuôi hươu, nai, rắn; các khu vườn trồng trầm và tận mắt chứng kiến thanh niên người dân tộc hiền lành, chất phác chuyên sống bằng nghề trèo cây lấy nước thốt nốt, mang vị ngọt đến cho mọi người.

Ở Châu Đốc và vùng bán sơn địa Bảy Núi, không những yêu thích cuộc sống chân chất, bình dị của cư dân miền núi, nhiều người còn mê các món ngon vật lạ như khô bò, lạp xưởng bò, cháo bò, thịt bò xào lá vang, gà hấp lá trúc và bánh xèo núi Cấm ăn với 12 loại rau rừng độc đáo, hương vị nồng nàn khó quên.
Ngon nhất là trái cây và rau củ trồng trên núi Cấm, núi Dài như xoài, mít, bơ, chuối, đu đủ, sầu riêng… Chưa kể đây còn là xứ sở của nhiều đặc sản nổi tiếng như đường thốt nốt, tháng 3 mùa sầu đâu, Châu Đốc vương quốc mắm…

< Phố núi Châu Đốc trong mùa lễ hội.

Hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực nâng cao chất lượng sinh hoạt hội hè, ẩm thực và vệ sinh môi trường đồng thời ra sức bảo tồn rừng để làm xanh hóa môi sinh. Năm 2013, ngành du lịch ước đoán lượng khách sẽ tăng lên đáng kể nên ban tổ chức lễ hội đang cố gắng nâng cấp và phát triển các khu vui chơi giải trí, nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn nhằm giữ chân khách lâu ngày.

Tiềm năng không xa...

Nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh, không chỉ các ngày lễ, ngay cả ngày thường khách hành hương cũng chen nhau đến điện thờ để cầu tài cầu lộc giữa khói hương nghi ngút. Sau khi cúng Bà, đoàn người qua viếng Tây An cổ tự và lần lượt chiêm bái các di tích khác như chùa Hang, trại Ruộng, đình Thới Sơn… những vùng đất còn ẩn chứa nhiều huyền thoại.
Những ngày này, từ trên những đỉnh cao nhìn xuống chân núi, những dòng người nối đuôi nhau giống như một con rắn khổng lồ đang cuộn mình trườn lên cao.

< Đặc sản thốt nốt mùa lễ hội.

Từ khi lễ hội vía Bà Chúa Xứ được nâng lên thành lễ hội văn hóa cấp quốc gia, ban tổ chức lễ hội đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng văn hóa lễ hội.

Cái đẹp của Bảy Núi là cái đẹp mộc mạc chân quê. Mỗi ngọn núi, mỗi ngôi chùa, mỗi phum sóc đều còn mang dấu ấn của thời kỳ khai hoang nên rất dễ làm say đắm lòng người. Từ năm 2005, UBND thị xã Châu Đốc đã đầu tư cho các công trình giao thông, thương mại và quy hoạch các khu vui chơi giải trí, phấn đấu đưa Châu Đốc lên thành một đô thị du lịch nhưng vẫn giữ được nét đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại và đến nay đã trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ hấp dẫn của đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện các tuyến đường tráng ximăng từ chân núi Cấm đến chùa Phật Lớn dành cho khách hành hương vừa leo núi vừa vãn cảnh đã khai thông. Nay mai, khi các hạng mục công trình được hoàn chỉnh, khu du lịch núi Cấm và các trung tâm du lịch ở An Giang sẽ giữ được nét đẹp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với cảnh quan nhân văn, giữa công trình kiến trúc với công trình thiên tạo như ao, hồ, suối, hang động để các khu du lịch ở các huyện miền núi An Giang thật sự trở thành khu du lịch sinh thái, văn hóa, giáo dục, lịch sử độc đáo nhất ở miền Tây.

(1) Tên cuốn sách “Thất sơn mầu nhiệm” của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu.

Du lịch, GO! - Theo Hoài Vũ (Tuổi Trẻ online)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống