Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Suối - thác. Show all posts
Showing posts with label Suối - thác. Show all posts

Tuesday, 23 April 2013

Đá Dăm là một ngọn thác nhỏ ở Dương Hòa, thị xã Hương Thủy. Bạn có thể tổ chức cùng gia đình, bạn bè đến đây vui chơi, tắm mát vào những ngày nghỉ. 

Từ trung tâm TP Huế, có hai đường đến thác: một là men theo đường qua công trình hồ Tả Trạch; hai là đi theo hướng cầu Tuần, qua bến đò Tân Ba.

Xuất phát theo hướng cầu Tuần, chúng ta sẽ dễ dàng mua được thức ăn tươi hoặc một số nông sản địa phương ở chợ quê. Gặp mùa thanh trà, đừng quên ghé vào một số vườn cây bên đường, vừa thưởng ngoạn phong cảnh, vừa mua đặc sản này mang theo giải khát.

Đường đến thác khá hoang sơ nên rất thích hợp với những người thích phiêu lưu bằng xe máy, đặc biệt là các bạn trẻ. Muốn chinh phục độ cao, đón dòng nước đầu nguồn, hãy chuẩn bị thật kỹ để không bị trượt chân khi men theo những vách đá dựng đứng; bạn cũng có thể thỏa sức vui đùa ở hồ nước mát lạnh bên dưới thác. Ai lãng mạn thì đi hái hoa rừng, tìm sim chín...

Trên đường vào thác có một căn nhà nhỏ của Kiểm lâm Hương Thủy. Các anh nhân viên sẽ là những “thổ địa” cung cấp nhiều thông tin bổ ích về con người, sinh vật khu vực này. Nếu gặp khó khăn trong việc đi lại, tìm kiếm nước uống… đừng ngần ngại mở lời xin giúp đỡ.

Một người dân địa phương cho biết: “Thác Đá Dăm là điểm đến thú vị của nhiều học sinh, sinh viên Huế vào mùa hè. Phong cảnh còn nét nguyên sơ nên các bạn trẻ sẽ có những bức ảnh cực đẹp. Nếu trong đoàn có trẻ nhỏ, phải cẩn thận do hồ nước khá sâu và vách đá khá cheo leo”.

Du lịch, GO! - Theo Báo Thừa Thiên - Huế

Sunday, 21 April 2013

Bình minh vừa hé, chúng tôi đã có mặt ở thôn Khe Và - điểm xuất phát chuyến bộ hành ngược núi đến con thác đẹp nổi tiếng của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh): Pạc Sủi. Nói là nổi tiếng, nhưng ngay cả những người Dao, Sán Chỉ ở đây cũng đã mấy ai biết đến, bởi một lẽ, đường lên tới đỉnh thác vô cùng cheo leo và hiểm trở.

Vào những đêm tịch mịch, người ta chỉ thoảng nghe tiếng thác dội về như từ chốn xa xăm nào đó, mà nhớ tới lời truyền: Hàng năm, vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch, có bảy nàng tiên nữ hạ giới xuống tầng thác thứ 12 của Pạc Sủi, đùa vui trên phiến đá rộng phẳng lì, bên cạnh một hồ nước trong vắt, mát lạnh. Tục truyền rằng, đây là ngày sinh ra nước...

Nơi  con người thuần khiết

< Cách thị trấn Tiên Yên chừng 10 km, con đường tới thác Pạc Sủi uốn lượn quanh co men theo sườn đồi, các cung ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ.

Nói tới Pạc Sủi, đôi mắt ông Kiều Quốc Huy, Bí thư Huyện uỷ Tiên Yên sáng lên như vừa nhớ tới một kho báu chưa từng khám phá. “Quả là một kho báu! Mình đã đi tham quan nhiều nơi, tới nhiều con thác nổi tiếng trong nước, nhưng chưa thấy đâu đẹp như Pạc Sủi” - ông Huy rủ rỉ. Và để minh chứng cho những điều mình nói, ông rủ chúng tôi khám phá “kho báu” Pạc Sủi ngay sớm hôm sau.

< Phút nghỉ chân của đoàn thám hiểm trên đỉnh Trâu Đằm.

Cuối hạ đầu thu, là thời điểm những làng bản vùng núi miền Đông bắt đầu phô diễn dáng vẻ và sắc màu đẹp nhất. Khi mặt trời phía Đông Bắc toả những ánh nắng đầu tiên xuống mặt đất, bước chân của chúng tôi đã đi trên ngọn núi của Khe Và. Làn sương mỏng nhanh chóng tan biến. Những đoá hoa mào gà đỏ như máu cố ngẩng lên đón ánh dương. Thảm ruộng bậc thang màu xanh nhuốm vàng bên kia đồi, dưới nắng tía trông như những bức vẽ vụng dại, vương vãi phẩm màu của đám trẻ chăn trâu.

< Tầng thứ nhất của thác có độ dốc thấp nên lên xuống dễ dàng, lòng thác nhỏ, nước chảy êm đềm.

Có nhiều cách để tới được thác Pạc Sủi. Người thạo đường có thể đi từ Khe Há tới thẳng đỉnh thác rồi cứ thế xuôi xuống, hoặc có thể đi từ Đông Ngũ hay Phong Dụ sang. Chúng tôi chọn con đường đi bộ từ Khe Và (xã Yên Than), vượt qua dãy núi Đỏ theo sự chỉ dẫn của người đồng hành là một “lão thần nông” tên Khang, tên đầy đủ là Nguyễn Tiến Khang, nguyên cán bộ của huyện mới nghỉ hưu. Cho tới lúc này tôi mới hiểu, tại sao Bí thư Huyện uỷ Kiều Quốc Huy lại gọi ông Khang là “lão thần nông” và nằng nặc mời ông cùng leo Pạc Sủi cho bằng được.

< Từ tầng thứ hai trở lên, dòng nước ào ạt trút xuống từ những bậc đá lớn hơn như những mái tóc của nàng tiên nữ.

Là người Kinh, nhưng “lão” Khang thuộc từng ngả đường mòn, rành từng loài cây cỏ trong những cánh rừng rậm rạp; nói chuyện bằng tiếng Dao với bất kỳ người bản địa nào gặp trên đường; cao hứng, ông còn hát nguyên một làn điệu của người Sán Chỉ... Cứ thế, “lão” Khang “cuốn” chúng tôi vào sâu trong rừng, như đi vào thế giới của những câu chuyện thần thoại, kì bí, mà quên bẵng đi đôi chân thấm mỏi vì leo dốc và cuốc bộ gần 10km đường mòn.

Cuối cùng, thôn Pạc Sủi cũng hiện ra giữa khung cảnh bao la, khoáng đạt, mênh mang của đất trời. Quê hương của cộng đồng dân cư Dao, Sán Chỉ nằm giữa những cánh rừng trùng điệp, rất hiếm khi ánh nắng mặt trời soi đủ bốn bề. Từ dưới thung lũng nhìn lên, hình ảnh của những đỉnh núi cao với những đám mây mang nhiều hình thù quanh năm ôm ấp như một mối gắn bó truyền đời. Và giữa mảnh đất ngút ngàn sương gió ấy là thôn Pạc Sủi, nơi có những nguồn nước trong lành đang bình yên chảy suốt ngày đêm.

< Liên tiếp những tầng thác đẹp.

Pạc Sủi theo tiếng của người Hoa phiên âm là Bạch Thuỷ, nghĩa là nước trắng. Chữ “Bạch” đặt lên trên chữ “Thuỷ” ghép thành chữ “Tuyền” cũng có nghĩa là “Suối”. Đây là chốn quần cư của người Dao và người Sán Chỉ với gần 80 hộ dân, nguồn sống chính của họ là thâm canh lúa nước, chăn nuôi gia súc và trồng rừng. Sống giữa thiên nhiên trong vắt, có lẽ vì thế mà con người ở đây cũng thanh khiết, thuần phác đến lạ lùng. Chẳng thế mà khi đứng trước vị lãnh đạo cao nhất huyện, ông Chạn Dì Phúc (Bí thư Chi bộ thôn Pạc Sủi) chẳng có vẻ gì là “cấp dưới”, ngoài sự thân mật chân tình như với bất kỳ một vị khách nào khác.

Bắt đầu từ triền thung, ông Chạn Dì Phúc thay vị trí của “lão” Khang, thành người dẫn đường cho đoàn người đi tìm “kho báu”.

Kho báu giữa núi rừng

< Các tầng thác trên có độ dốc cao, khó đi song lại là điểm đến hấp dẫn cho những ai thích khám phá thiên nhiên.

Mất nửa giờ xuyên rừng nữa, chúng tôi lên tới được tầng thác đầu tiên của Pạc Sủi (thác gồm tổng cộng 16 tầng). Bao nhiêu mệt mỏi tan biến khi ngâm chân xuống làn nước trong xanh, mát lạnh. Nước suối trong vắt có thể nhìn thấu đáy những viên đá cuội nhiều màu ẩn hiện và những đàn cá thân mỏng đuôi dài, hàng vẩy lưng óng ánh màu sắc lượn dưới nhánh rêu xanh. Gần nơi thác đổ, suối chảy xiết, bọt nước sủi sùng sục tung lên quật ràn rạt vào những phiến đá, nơi mấy người trong đoàn mặc tiếng thác gầm nước réo, vẫn nằm duỗi dài sau mấy tiếng vượt rừng vất vả.

Chưa kịp thoả mãn với mười mấy phút nghỉ ngơi, Bí thư Huyện uỷ Kiều Quốc Huy đã giục chúng tôi khám phá tiếp. Pạc Sủi là một hệ thống nhiều tầng thác lớn nhỏ nối tiếp nhau.

Từ tầng thác đầu tiên, chỉ đi vài chục mét nữa là đến tầng thứ hai. Nước đổ qua những tảng đá lớn xanh màu rêu, rồi chảy xuống ghềnh đá ngay phía dưới. Xung quanh cây rừng rậm rạp xanh um. Trên những vách đá là những bộ rễ chằng chịt của những cây cổ thụ. Cảnh vật vừa hoang sơ vừa hùng vĩ.

Điều kỳ lạ ở Pạc Sủi là, tầng thác trên bao giờ cũng đẹp hơn tầng thác dưới. Chính điều này đã khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên, đến thôi thúc khám phá tới tầng thác cuối cùng. Xuân Thao, phóng viên trẻ của Đài huyện, luôn là người đi chậm nhất vì phải vác theo chiếc camera và một thân hình khá nặng nề. Khó khăn lắm anh mới qua được những đoạn đường lởm chởm đá tai mèo, những rễ cây, lau lách rậm rạp.

Đường càng đi càng mất hút dấu chân người. Chỉ còn thấy những vách đá dựng ngược chắn ngang lối. Nhiều đoạn không thể bám theo phiến đá mà leo lên được, phải vắt qua đường rừng, đu mình vào rễ cây mà leo lên. Chúng tôi cứ theo hướng mở đường của ông Chạn Dì Phúc mà đi. Càng lên cao sương núi càng âm u, khí núi càng lạnh buốt.

Leo mãi. Vượt qua một dốc đá trơn tuột có hàng cổ thụ đứng như hàng lính canh, đến một triền đá xanh vân trắng trải dài, bên cạnh một hồ nước mà bất cứ ai nhìn thấy cũng muốn nhảy ùm xuống tắm, nơi bảy nàng tiên nữ giáng trần là đây - “kho báu” cuối cùng mà chúng tôi vừa đặt được chân tới.

Ngồi trên phiến đá của bảy nàng tiên nữ, ông Chạn Dì Phúc liu riu đôi mắt, kể cho chúng tôi nghe về sự tích của con thác trứ danh này: Đây là tầng thác đẹp nhất của Pạc Sủi. Người trong vùng truyền rằng, cứ mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm, bảy nàng tiên nữ lại xuống đây mà đùa vui, du ngoạn phong cảnh.

Vẻ đẹp của tầng thác thực sự cuốn hút giữa núi rừng hoang sơ. Dòng nước trong vắt len lỏi qua những kẽ đá thỉnh thoảng lại đổ xuống ào ào khi gặp những ghềnh đá. Hai bên bờ suối là rừng cây cổ thụ um tùm, chốc chốc lại bay ra những chú bướm đủ màu sắc. Để tỏ lòng kính trọng, người ta lập miếu thờ bảy nàng tiên ngay bên bờ suối, và ngày mùng 7 tháng 7 hàng năm, dân trong vùng lại lên đây lấy nước uống để có sức khoẻ, dẫn nước nguồn về thôn cho mùa màng tươi tốt...

Nhìn đường chỉ tay theo hướng “chim bay” của người dẫn đường, từ lúc chúng tôi rời tầng thác cao nhất cuốc bộ lên đến đỉnh Ngàu Vó Lẻng (đỉnh Trâu Đằm) chỉ cách khoảng 3-4km, nhưng cảm giác như đường về dài vô tận. Đoàn người thám hiểm chúng tôi chọn cách vượt thẳng lên đỉnh đồi rồi từ đó đi xuống, thay vì xuôi xuống tầng thác đoạn đường ngắn hơn nhưng vô cùng nguy hiểm. Con đường mòn bám chênh vênh theo sườn núi cao chót vót vắng dấu chân người nên cỏ dại mọc lấn cả lối đi, thi thoảng ông Phúc lại phải dùng con dao quắm phạt ngang để mở lối.

< Trên thác còn có nhiều hồ nước xanh mát, ở đây, bạn có thể ngâm mình dưới những dòng thác, trong bể nước thiên nhiên mát lạnh.

Có lúc men theo đường mòn, có lúc đi xuyên qua cánh rừng, có khi lại đổ đèo thăm thẳm rồi lại băng lên những cửa ải kỳ vĩ, thậm chí có đoạn dốc cao dựng đứng phải… bò, khiến chúng tôi ai nấy đều “thở không ra hơi”. Dù chẳng lạ gì cảnh băng rừng, leo núi, nhưng nhìn lên đỉnh núi mây mù xa vời vợi phía trước mà trong đầu cứ lan mãi viễn cảnh về một bữa trưa có gà đồi, muối ớt…

< Quanh thác, có nhiều rễ cây rủ xuống đong đưa như những chiếc võng, trong đó có cả các loại cây thuốc nam, hoa phong lan tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Trở về từ cõi mây gió mịt mù trên đỉnh núi cao nghìn mét, nhớ lại khung cảnh hùng tráng của Pạc Sủi với ngổn ngang đá, nước mà đầu óc tôi cứ vơ vẩn không yên. Theo lời Bí thư Huyện uỷ, thì đây là một kho báu không của riêng ai. Nó cần được nhiều khách du lịch đặt chân tới, khám phá để mang về cho huyện Tiên Yên những khối “vàng ròng”, mà vẫn giữ được vẻ tự nhiên, hoang sơ như hiện nay. Nhưng nếu cứ để mặc cho gió sương, cỏ dại chen lấn, liệu rằng bao nhiêu năm nữa người đời sẽ biết đến phong cảnh kỳ vĩ, những huyền tích về mảnh đất thuần khiết này?

Thác Pạc Sủi mùa Thu

Du lịch, GO! - Theo Quảng Ninh Online, báo Quảng Ninh và nhiều nguồn ảnh khác.

Monday, 15 April 2013

Bắt nguồn từ núi Chiến, suối Ba Li là một trong hệ thống các suối Tranh, suối Thượng (núi Chà Pau), suối Rích, suối Cóc (núi Nhọn)… đổ nước về hồ chứa nước Cam Ranh, nơi cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 30km về phía Nam, trên địa bàn hai xã Cam Tân và Cam Hòa, thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Suối Ba Li là một điểm du lịch nổi tiếng của huyện Cam Lâm. So với các suối khác, đây là nơi thuận tiện đi lại, vui chơi cắm trại, và còn tương đối hoang sơ nên đảm bảo được yêu cầu sinh thái, nghỉ ngơi, dã ngoại...

< Đường vào suối Ba Li

Có nhiều đường đi đến suối Ba Li. Từ trung tâm thành phố Nha Trang xuôi Quốc lộ 1A, đến địa phận huyện Cam Lâm, đi khoảng một cây số, có tấm bảng lớn chỉ đường vào làng xã hội Cam Tân, rẽ theo đường này đi khoảng 3km là đến suối Ba Li.

Đường vào suối được láng nhựa, băng qua làng mạc, ruộng đồng thanh bình và yên ả. Gần đến khu vực suối, khách sẽ thấy hồ Ba Li và không khí bắt đầu mát mẻ. Từ đập tràn, mặt nước hồ trải ra xanh ngút mắt. Bên kia hồ là cánh rừng dày đặc, xanh um. Càng đi, không khí càng dịu mát.

Vào điểm gửi xe máy, khách bắt đầu thả bộ xuống đập tràn, từ đây có nhiều con đường mòn rẽ nhánh lên suối. Đi theo những con đường mòn này vào rừng, chưa đến một cây số là có nơi để cắm trại.

Chọn một bãi cát bên kia suối, khách bắt đầu xắn quần lội qua. Đá nhiều rêu, dễ trơn trợt, tuy nhiên, nước không sâu lắm, chỉ quá đầu gối một chút. Người chịu ướt thì bước qua dễ dàng, còn không thì bước trên đá cho đồng đội kéo qua.

Sang tới “bãi bồi”, nhóm du khách tụ tập dưới một tán cây to, bóng nắng chỉ xuyên qua lốm đốm. Trải tấm bạt, “đội hậu cần” bắt đầu chuẩn bị món ăn. Gà làm sẵn từ nhà, lấy gia vị ra ướp. Một nhóm khác đi kiếm củi khô. Trong chốc lát, một con gà đã nằm trên giàn nướng. Bếp gas mini cũng đang đỏ lửa để nấu một nồi lẩu gà lá… me hái trong rừng. Kết hợp với đồ ăn nguội mang theo là đã có bữa trưa đơn giản giữa rừng.

Ăn xong, cả nhóm nằm lơ mơ trên đá ngủ, một vài người thơ thẩn dọc bờ cỏ cây, rồi đi tắm suối, chơi trò chơi hay thám hiểm rừng…

Rừng ở đây có một loài hoa màu trắng nhỏ xíu, mọc thành từng vạt, lấp lánh trong nắng, rất đẹp. Thậm chí bạn chỉ cần nằm trên một tảng đá và ngắm mây trời, nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim hót bên tai cũng đã là một sự thư giãn tuyệt vời.

Chiều xuống, cả nhóm “thanh toán” cho bằng hết số thức ăn còn lại, thu dọn “chiến trường” sạch sẽ, lên đường về lại phố. Một ngày được sống giữa thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, chim muông, nước chảy, mây trôi đã qua...

Du lịch, GO! - Theo Bình An (Phụ Nữ Online)

Hoang sơ suối Ba Li - Khánh Hoà

Wednesday, 10 April 2013

Tại Đắk Lắk hóa ra còn có một cái thác mà tìm đỏ mắt trên mạng cũng không ra thông tin về nó: Thác Phật ở vườn Quốc gia Yok Đôn thuộc Buôn Đôn.
Rất ít người biết đến thác này và hiện nay cũng chưa có tên trên bản đồ du lịch Đắk Lắk.

< Thác Phật ở vườn Quốc gia Yok Đôn - Buôn Đôn.

Nhiều dân phượt đi nhiều nhưng vẫn chưa biết hay chưa có cơ hội ghé thăm. Thực ra, sau khi cây cầu bắc qua sông ở vườn Quốc gia Yok Đôn hoàn thành thì chả khó khăn gì mấy khi tìm đến với nó.

< Thác nằm gần một trạn kiểm lâm của vườn quốc gia Yok Đôn (dĩ nhiên là vào vườn QG phải mua vé).

< Trong khu vực thác còn khối các cây rừng to đùng đoàng như thế này. Vậy mà nhiều người xấu mồm cứ bảo vườn Quốc gia... hết cây, ghét thật!

Phần lớn khách Tây đi du lịch ở đây còn chịu khó cuốc bộ hết đoạn đường non chục cây số để tối cắm trại ngủ lại bên ngọn thác Phật này nữa kia.

< Mùa nước lũ thì chắc bãi đá này sẽ ngập hết... nhưng giờ mới đầu mùa mưa nên trông cũng hùng vĩ ra trò.

Thác Phật là một dòng thác đẹp mơ màng, hùng vĩ, hoang dã nằm ẩn sâu trong những cánh rừng của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Thác lại nằm rất gần một trạm kiểm lâm của vườn nên có thể tổ chức nấu nướng tại đây xong đem xuống thưởng thức ở dưới thác.

< Thác Phật hiện vẫn giữ được nét hoang dã của núi rừng Tây Nguyên.

Gọi là thác nhưng thực ra đây là một con suối với nhiều ghềnh. Tuy nhiên, trông nó vẫn rất đẹp và hoành tráng hơn thác Bảy nhánh ở phía trên rất nhiều, lại  nằm giữa rừng già nữa nên đi vào đây chơi hay phết.

Mùa nước lũ thì chắc bãi đá này sẽ ngập hết nhưng giờ mới đầu mùa mưa nên trông cũng... hùng vĩ ra trò.

< Thời điểm thích hợp nhất để chiêm ngưỡng Thác Phật là vào mùa khô.

Theo một cán bộ tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, đã có một số nhóm nghiên cứu đến đây để tìm hiểu xuất xứ của cái tên "Thác Phật". Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một chứng lý thuyết phục về tên gọi này.

< Đoạn phía trên nước lặng ơi là lặng, nhìn cứ như một mặt hồ. Nhìn chỉ muốn nhảy tòm xuống mà bơi thôi.

< Nhưng chớ có dại nhé, vì ngay phía dưới đó nước lại chảy xiết... như thác vậy. Nói gở mồm, đang bơi mà các bác Thủy điện ở phía trên nổi hứng xả lũ thì cứ gọi là trôi đến... Cam Pu Chia ngay!

< Mùa khô: nước vẫn rì rào réo gọi suốt ngày đêm! Vậy mới biết vườn quốc gia Yok Đôn vẫn còn hoang sơ nên giữ nước lại nhiều lắm.

Với cây cầu bắc qua sông ở vườn Quốc gia Yok Đôn vừa hoàn thành, hi vọng trong tương lai không xa Thác Phật sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa.

Du lịch, GO! - Thổng hợp từ Đắk Lắk Online, Vuontrohbu
Du khách đến Nha Trang, tất nhiên ai cũng muốn ngắm nhìn phong cảnh và đắm mình trong làn nước trong xanh của đại dương.

Nhưng còn có một thú vui khác là tắm nước khoáng và thư giãn giữa không gian thoáng mát với khung cảnh những thác nước, hồ nước khoáng thiên nhiên. Nha Trang hiện có 3 điểm đến như thế. Trong đó, I-resort đang thu hút du khách với cảnh quan gần gũi thiên nhiên, thoáng mát và thiết kế độc đáo.
I-Resort tọa lạc trên khu đất rộng thuộc xã Vĩnh Ngọc; cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 4km theo hướng qua cầu Bóng ra Đồng Đế.

Trước dây, khu đất cạnh đường tàu hỏa này bỏ trống, khô cằn. Cảnh quan nơi đây được kiến tạo bởi bàn tay con người, nhưng du khách đến đây sẽ có được cảm giác gần gũi thiên nhiên.

Toàn bộ các công trình xây dựng được sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ, đá, lá dừa nước...

Dù bên ngoài trời nắng như đổ lửa, bên trong vẫn mát mẻ, dễ chịu bởi cách thức bố trí nội thất và đặc biệt hơn là nhìn ra ngoài, vườn hoa và cây cối luôn xanh tươi, mát mắt. Du khách mua vé vào cửa và tắm khoáng(100 ngàn đồng/người), sẽ được nhận khăn tắm, đồ tắm... vui chơi suốt ngày trong một khu vực rộng phủ cây xanh.

Dựa vào một ngọn đồi nhỏ, nhiều thác nước được thiết kế, hợp lý khiến một số du khách nhầm tưởng đó là những thác nước tự nhiên, thực ra tất cả đều do bàn tay con người tạo nên. Người biết điều này vẫn hài lòng bởi cảm giác gần gũi thiên nhiên, trong khi ở nhiều nơi khác, những con suối, thác nước tự nhiên bị can thiệp bằng bê tông làm mất đi vẻ đẹp của thiên nhiên.

Từ trên đồi cao, nơi có những hồ tắm khoáng, phơi nắng, du khách có thể nhìn xa xa những dãy núi phía bắc thành phố Nha Trang và khu nhà nghỉ, khu ngâm khoáng thảo dược, tắm bùn khoáng... trong I-resort.

Khu nhà nghỉ yên tĩnh nằm cạnh khu tắm khoáng và một nhà hàng có thể phục vụ một lúc 300 thực khách.

Vào những ngày lễ, tết, lượng khách đến I-resort lên đến hàng ngàn người. Ngày thường, du khách Việt từ các tỉnh thành và khách du lịch nước ngoài cũng thường xuyên hơn 100 người.

Thời gian gần đây, lượng du khách Nga đến Nha Trang khá đông. Người Nga trên tuổi trung niên rất thích ngâm mình trong hồ nước khoáng nóng, vận động và massage cơ thể với hệ thống thủy lực jacuzzi tại hồ bơi.

Có những hồ khoáng nóng nằm cạnh hồ nước mát. Cách thiết kế này giúp những nhóm bạn, gia đình có thể tắm gần nhau dù mỗi người có ý thích lựa chọn khác nhau về nhiệt độ nước khoáng.

Ngoài những trò giải trí như trượt nước vốn thích hợp với giới trẻ, người ở tuổi trung niên thích ngồi dưới thác nước để được "masage" bởi dòng thác tuôn chảy, hoặc nhấn huyệt đạo cơ thể từ giàn ống tre trên thác nước.

Ngoài những dãy ghế xếp quanh khu hồ tắm cho khách phơi nắng, I-resort còn có khu mái che lá dừa với những bộ phản gỗ, là nơi các nhóm bạn, gia đình nghỉ ngơi, an uống và ngủ trưa.

Có thể nói khu tắm khoáng I-resort là một điểm giải trí, thư giãn tuyệt vời, không có điều gì đáng chê nếu không có cái bàn thờ Phật đặt không đúng chỗ...

Vừa bước vào khu lễ tân, mọi người nhìn thấy ba pho tượng Phật được xếp hàng ngang trên một kệ gỗ tầm ngăng thắt lưng một người đứng, quay mặt vào trong khu hồ tắm. Thoạt nhìn cách bài trí không ai nghĩ đó là nơi thờ tự, nhưng lại có cả lư hương, đèn cầy, lọ nước...

Dù dùng tượng Phật để trang trí hay đặt bàn thờ nơi đây đều rất phản cảm, thiếu sự tôn nghiêm. Đó là điều khiến nhiều người đến đây không hài lòng hoặc ít ra cũng đã gây thắc mắc đối với một số khách nước ngoài.

Du lịch, GO! - Theo  Mai Lĩnh / Thesaigontimes

Monday, 8 April 2013

Khi nói đến du lịch sinh thái ở Đà Nẵng, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ đến những con suối tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố bên dòng sông Hàn này. Trong số đó có thể nhắc đến: khu du lịch Suối Lương, Thủy Vân Sơn, Suối Hoa, Suối Mơ... và tất nhiên không thể không nhắc đến khu du lịch Ngầm Đôi nằm ở địa bàn huyện Hòa Vang của tp Đà Nẵng.

Nằm cách trung tâm Đà Nẵng hơn 30km về phía tây nam, Ngầm Đôi (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là một điểm đến thư giãn thú vị, nhất là trong những ngày nóng nực này.

< Du khách vui chơi, tắm mát giữa thiên nhiên mát lành.

Ngầm Đôi được kiến tạo bởi những dải đá nổi chìm với những thác nước rầm rì suốt ngày đêm. Không như những cái tên mỹ miều như suối Hoa hay thác Mơ... người dân Hòa Vang đặt một cái tên giản dị cho "thiên cảnh" quê mình là Ngầm Đôi. Đơn giản chỉ vì nơi đây có hai con suối chảy hợp lại trước khi đổ vào sông Lỗ Đông. Qua hàng ngàn năm, dòng chảy của hai con suối trên những tảng đá rộng lớn, gồ ghề xếp chồng lên nhau đã tạo nên những thác nước hùng vĩ.

< Tắm suối là điều không thể bỏ qua khi đến với Ngầm Đôi.

Đến với Ngầm Đôi khách như lạc vào không gian cách biệt với thế giới bên ngoài. Không khí trong lành, mát mẻ, ánh mặt trời len qua từng kẽ lá chiếu xuống con đường gập ghềnh đá, tiếng chim rừng lảnh lót cùng với tiếng thác nước dội vào vách đá cheo leo.

Muốn khám phá cảnh vật, du khách có thể men theo những triền đá khúc khuỷu ngược dòng về thượng nguồn lên tận “đỉnh trời” để chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của các thác nước đang ồ ạt đổ xuống.

Bên cạnh thác nước, Ngầm Đôi còn có những bãi đá nhảy ngoạn mục. Bắt đầu từ lối đi xuống Ngầm Đôi là những bậc đá, có nơi nhỏ vừa đủ hai người qua lại. Đá hai bên lối đi như thể có đôi bàn tay tài tình nào đó của tạo hóa khéo léo tạo hình, xếp đặt với muôn hình vạn trạng.

Ngầm Đôi không chỉ hấp dẫn du khách bởi những con suối, mà nó còn để lại nhiều ấn tượng bởi cảnh núi rừng trùng điệp và đồng lúa xanh ngát hai bên đường. Rất nhiều người không ngại đường xa lên ngầm đôi cũng bởi vì phong cảnh hai bên đường, nó có một nét đẹp rất hoang sơ và thơ mộng.

Những tảng đá lớn dọc bờ suối với nhiều hình thù lạ mắt. Cả những hoa văn mà nước và gió đã chạm khắc vào đá càng làm cho cuộc thưởng ngoạn của du khách thêm phần hào hứng. Đến những đoạn đường “thở dốc”, thiên nhiên lại ban tặng khách những thạch bàn to phẳng. Muốn thư giãn, có thể ngả lưng ngắm cảnh trời mây yên bình hoặc hòa vào dòng thác đón làn nước trong vắt, tung hứng những tia bọt trắng xóa giữa tiếng reo ầm ầm.

Cảm giác thư thái, bay bổng giữa thiên nhiên mát lành làm mọi người quên hết nhọc nhằn của những ngày làm việc căng thẳng.

Vài chục năm trước Ngầm Đôi còn rất hoang vu, nhưng từ nhiều năm nay nơi đây đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với tất cả mọi người. Từ người ưa tĩnh lặng đến kẻ thích mạo hiểm đều có sự lựa chọn điểm đến Ngầm Đôi mỗi khi hè về.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre, YuMe

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống