Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 1 July 2011

Cách Hà Nội khoảng hơn 20km về phía Đông, vùng đất cổ tích Dâu – Thành Luy Lâu mang trong lòng biết bao câu truyện cổ. Và chắc hẳn bất kỳ ai cũng đã ít nhất một lần được nghe những câu ca dao nói về miền đất thiêng này: “Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu".
Hội chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 8 - 4 (Âm lịch), cũng là ngày Phật đản theo truyền thống cổ, nhưng lễ hội được tổ chức kéo dài từ mấy ngày trước đó. Vào ngày hội, kiệu của các Nữ thần Pháp Vũ từ chùa Đậu, tượng Pháp Lôi từ chùa Tướng, tượng Pháp Điện từ chùa Dàn tụ về chùa Dâu, rồi cùng kiệu Pháp Vân đi đến chùa Tổ thăm mẹ Man Nương.

Theo ghi chép trong sách sử, bia đá, chùa Dâu là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 dưới thời Sĩ Nhiếp làm thái thú. Chùa Dâu còn có tên là chùa Diên Ứng, thờ nữ thần Pháp Vân nên còn gọi là chùa Pháp Vân, và nằm trong vùng đất Cổ Châu nên cũng gọi là chùa Cổ Châu. Chùa gắn liền với truyện cổ tích Tứ pháp của người Việt xưa.
.
Lịch sử chùa Dâu gắn liền với huyền thoại Man Nương, người trinh nữ làng Mãn Xá bên sông Đuống từ lúc 12 tuổi đã bỏ từ bờ Nam sang bờ Bắc để học đạo với Thiền sư Khâu-đà-la người Thiên Trúc (Ấn Độ) ở chùa Linh Quang (xã Phật Tích, Tiên Sơn). Khâu-đà-la là một Thiền sư đã kết hợp việc truyền giảng Phật giáo Mật Tông với tín ngưỡng dân gian, nên có ảnh hưởng rộng lớn trong cư dân Luy Lâu. Nhưng con đường học đạo của Man Nương bị dở dang vì một hôm, lúc nàng đang ngủ, Khâu-đà-la sau giờ hành lễ đã bước qua người nàng khiến nàng thụ thai.

Một năm hai tháng sau, nhằm ngày 8-4 (âm lịch), Man Nương sinh một bé gái và mang trả cho Thiền sư, Khâu-đà-la bồng đứa bé đến một cây đa cổ thụ ven sông, niệm thần chú. Khi nhà sư dùng thiền trượng gõ vào, gốc cây nứt ra đứa bé được đặt vào, vết nứt liền khép lại và một mùi hương thơm ngát tỏa ra. Kỷ vật cuối cùng mà Thiền sư trao cho Man Nương là cây thiền trượng. Theo lời dặn của Khâu-đà-la, mỗi khi trời hạn hán, đất đai khô nẻ, mùa màng thất bát, Man Nương cắm cây thiền trượng xuống đất cất lời cầu nguyện, thì phép màu lại hiện ra: trời đổ mưa.

Một đêm mưa to gió lớn, cây đa cổ thụ nơi gửi xác đứa con gái của Man Nương bỗng đổ xuống sông và xuôi theo dòng nước trôi về làng Dâu. Dân làng không ai khiêng nổi cây, may có Man Nương dùng dải yếm đào kéo được cây lên bờ. Đêm ấy dân làng được thần nhân báo mộng khuyên nên đem cây tạc tượng thờ. Từ đó ra đời 4 pho tượng thờ 4 vị nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp: Pháp Vân (tức bà Dâu, thờ ở chùa Thiền Định), Pháp Vũ (tức bà Đậu), thờ ở chùa Thành Đạo), Pháp Lôi (tức bà Tướng, thờ ở chùa Phi Tướng), Pháp Điện (tức bà Dàn, thờ ở chùa Phương Quang).

Từ câu truyện cổ đó, đã tạo nên một hệ thống chùa Tứ Pháp rất đặc biệt của riêng người Việt: chùa thờ Nữ thần nông nghiệp, thờ người Mẹ Việt, lấy tượng Nữ thần làm trung tâm chứ không phải là tượng Phật. Phật và Nữ thần hòa quyện, bà mẹ của các Nữ thần cũng được tôn là Phật Mẫu Man Nương.

Nghi thức ngày hội

Huyền thoại Man Nương, người mẹ đồng trinh trở thành Phật Mẫu sinh ra Tứ Pháp đã khiến hàng năm vào ngày 8-4 (âm lịch), các vị sư tăng và khách thập phương về chùa Dâu mở hội như câu thơ trên đã nói. Hội chùa Dâu không chỉ là dịp để các Phật tử hành hương về nơi cửa Phật mà còn để tham dự những nghi thức văn hóa của cư dân nông nghiệp. Hội diễn ra khắp cả tổng với đám rước tưng bừng (gồm rước chào, rước đón, rước đưa) thỉnh các tượng bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn về quy tụ với chị cả là bà Dâu ở chùa Diên Ứng. Trong bốn chị em, Pháp Điện trẻ nhất lại ở xa nhất, vì vậy bao giờ cũng phải đi sớm hơn, nhưng bao giờ cũng đến chùa Dâu trước tiên. Còn khi đã gặp chị cả Pháp Vân ở chùa Dâu, thì phải theo thứ tự mà về thăm mẹ. Vì vậy xưa kia sân phía trước chùa rất rộng mới đủ chỗ cho các cỗ kiệu và nghi trượng, tam quan ở tận bến sông Dâu.

Ban ngày rước Tứ Pháp về chùa Dâu “công đồng” là hội tụ các yếu tố Mây, Sấm, Chớp, Mưa. Ban đêm rước Tứ Pháp đi “tuần nhiễu” một vòng khép kín từ đông sang tây là mô tả chu kỳ quả đất xoay tròn, tạo ra năm tháng, bốn mùa. Nghi thức “Múa gậy” trong ngày hội không chỉ để dẹp đám, mà nghi thức đó còn là hình thức tái diễn sự tích cây gậy thần kỳ. Giếng cổ trong chùa là dấu vết Man Nương cắm gậy xuống đất làm ra nước cứu sống sinh linh.

Hội Dâu còn có một sự kiện đặc biệt mà không nơi nào có, đó là cuộc thi “Cướp nước”. Đây là cuộc thi chạy giữa bà Sấm (Pháp Lôi) với bà Mưa (Pháp Vũ). Người ta bói xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu là bà Mưa thì năm ấy được mùa. Nếu là bà Sấm thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.

Tương truyền thời xưa các vị vua triều Lý ngày xưa thường rước Phật Pháp Vân về Kinh đô Thăng Long làm lễ “cầu đảo”. Sau lễ múc nước, dâng nước và múa gậy, đám rước lại thỉnh 4 tượng về bái vọng Phật Mẫu Man Nương ở chùa Tổ Mãn Xá. Trước kia, mỗi khi Hội Dâu rước phật vào ngày hội, trên bãi chùa Dâu người ta có thể xem múa sư tử, múa hóa trang rùa và hạc, múa trống, đấu vật, đánh cờ người.

Kiến trúc độc đáo

Vốn là một ngôi đền mang tên Pháp Vân, chùa Dâu đã được sửa chữa và trùng tu nhiều lần: giữa thế kỷ XIII vào đời Lý, cuối thế kỷ XIII và thế kỷ XIV vào đời Trần, thế kỷ XVIII vào đời Lê, cuối thế kỷ XIX vào đời Nguyễn. Ngôi chùa ngày nay còn mang nhiều dấu ấn của kiến trúc thời Hậu Lê. Ông Mạc Đĩnh Chi đã đứng ra tổ chức trùng tu lớn ngôi chùa vào năm 1313 như Đại Nam Nhất Thống Chí đã ghi lại: “Đời Trần, Mạc Đĩnh Chi dựng chùa trăm gian, tháp 9 tầng và cầu 9 nhịp, nền cũ nay vẫn còn”. Chùa làm theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Từ tiền đường, đi qua một sân gạch có tháp Hòa Phong ở giữa, sẽ đến Đại bái đường và Phật điện, sau lưng là Hậu đường. Tất cả nằm giữa bốn dãy nhà dài vây quanh theo hình chữ “Quốc”. Trong Phật điện, tượng bà Pháp Vân thờ ở gian giữa cao gần 2m ngồi trên tòa sen. Đặt liền hai bên tượng bà Pháp Vân là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ cao 1,57m mang đặc trưng phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII - XVIII.

Bao quanh tòa điện chính chữ công là những dãy nhà ngang, nhà dọc vây kín theo kiểu nội công ngoại quốc. Chính giữa sân chùa trước bái đường, được Thiền sư Pháp Hiền xây dựng vào cuối thế kỷ VI để giữ gìn các di tích xá lợi, tháp Hòa Phong vốn có 9 tầng. Nay tháp chỉ còn 3 tầng, tháp cao 17m, tầng chân tháp hình vuông mỗi cạnh 7m, tường dày, trổ 4 cửa vòm cuốn. Hai cửa chính nhìn ra hướng Đông và hướng Tây có bậc cấp lên xuống. Hai bên bậc cấp là hai con sóc đá trong tư thế nằm dài từ thềm xuống sân mang phong cách rất gần với điêu khắc cổ Chăm-pa và điêu khắc thú tượng trưng trong kiến trúc lăng mộ đời nhà Tùy. Tháp Hòa Phong được trùng tu năm 1737 vào đời Lê. Trong tháp có chuông lớn đúc dưới triều Cảnh Thịnh và khánh lớn bằng đồng đúc năm 1837 dưới triều Minh Mạng.

Ngôi tháp vuông xây bằng gạch trần mộc to bản, dáng chắc khỏe nổi bật giữa khung cảnh xung quanh. Tháp tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ, bốn góc tháp có bốn tượng Thiên vương trấn giữ, trên tháp treo một khánh đồng cổ. Tháp Hòa Phong được xây cao với vai trò như một thạch trụ chặn cản luồng gió nghiệp chướng từ cõi vô minh thổi tới.

Dưới chân tháp Hòa Phong có một bức tượng cổ hình một con cừu đá nằm quỳ hai chân trước, được tạc từ gần 2.000 năm trước. Chính điện chùa Dâu là pho tượng lớn và đẹp nhất là bà Dâu - nữ thần mây Pháp Vân. Pho tượng màu gụ, được ngồi trên tòa sen như tượng Phật, nét mặt như một người mẹ hiền từ nhìn xuống, bàn tay phải đưa ra như vỗ về an ủi, tay trái đặt trong lòng. Bốn phía tòa sen có các vòng sắt để có thể di chuyển tượng trong ngày lễ hội. Tượng được phủ lớp áo vàng, ngày hội khi làm lễ tắm tượng mới thay áo. Phía trước là nơi đặt Thạch Quang Phật, bàn thờ trước nữa là người em hai Pháp Vũ. Nguyên chùa Đậu bị phá thời Pháp, người dân đem tượng Pháp Vũ về thờ chung với chị tại chùa Dâu.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng chùa Dâu trên đất Luy Lâu với những tích cổ và tín ngưỡng thờ Tứ Pháp vẫn tồn tại như một minh chứng cho một vết tích nền nông nghiệp hết sức phát triển ở khu vực hạ lưu sông Hồng. Mặt khác đây còn là nét đặc sắc trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt, là minh chứng cho những giai đoạn hoàng kim của Phật giáo tại Việt Nam.

Du lịch, GO! - Theo báo Daidoanket, ảnh internet
Dương Đông là con sông lớn nhất của đảo Phú Quốc, bắt nguồn từ dãy núi Ông Thầy (trong dãy Hàm Ninh) từ phía Đông chảy quanh co khoảng 15km đổ ra phía Tây tại Cửa Dương bên cạnh Dinh Cậu. Phía cửa sông có một cồn cát khá lớn án ngữ.

Những đêm sáng trăng, trai gái tụ tập ở đó ca hát, vui chơi và thắp nến mừng sinh nhật. Nhìn từ phía bờ Dinh Cậu, cồn cát như một dải lụa trắng ngăn cách lòng sông và đại dương xanh thẳm. Mùa biển êm cát ở đây trắng mịn, có những đêm trăng chiếu xuống cát lấp lánh như những hạt pha lê. Đến Phú Quốc, bạn hãy ngồi uống cafe dưới gốc cây bàng đối diện xóm cồn để cảm nhận những cái dôi ra rất đặc biệt của khúc sông nơi cửa biển này.

Có dịp đi qua cầu Hùng Vương (Cầu đúc), hãy dừng chân một chút ở giữa cầu, bạn sẽ cảm nhận một góc đẹp khác của sông Dương Đông.
.
Lòng sông rộng, hai bên bờ lau sậy và cỏ dại um tùm, đôi chỗ dôi ra vài hàng tràm nước loà xoà rủ bóng xuống lòng sông làm cho cảnh vật ở đây vừa hoang dã, vừa thơ mộng vô cùng. Xa xa những đám mây lững lờ trôi từ dãy núi Hàm Ninh chừng như mang trong mình nhiều nỗi suy tư dồn tụ tự bao đời.

Vào những buổi chiều mùa thu, đứng trên cầu bạn sẽ có những điểm nhìn khác nhau thật tuyệt vời. Trông ra hướng mặt trời đang lặn, bạn sẽ cảm nhận những ráng chiều ánh đỏ in trên nền trời và toả xuống dòng sông cái khắc khoải của tâm hồn hoà lẫn với cái khoáng đạt bao la của vũ trụ.

Nhìn về phía bên kia cầu, buổi chiều mùa thu bàng bạc một màn sương phủ nhẹ trên mặt sông như khói sóng. Bạn hãy hít thở cái không khí một bên lành lạnh và một bên ấm áp dễ chịu để tâm hồn bạn gột rửa mọi ưu phiền của cõi trần bụi bặm. Trên con đường này mỗi chiều tan học, những tà áo trắng tan trường luôn làm nức lòng những tâm hồn nhạy cảm, đánh thức trong bạn những kí ức ngọt ngào của một thời cắp sách.

Nếu nhìn từ máy bay bạn sẽ thấy một dải lụa xanh vắt vẻo trong từng ngóc ngách. Đó là điểm nhấn tuyệt vời cho hòn đảo xanh tươi và xinh đẹp này.

Du lịch, GO! - Theo DulichVN
Còn lại một ngày cuối cùng tại Phan Rang, bọn mình chỉ đơn thuần khám phá nội ô của thành phố này, không đi quá xa nữa. Để chắc ăn thì bọn mình chạy ra bến xe đặt trước (Bến xe Phan Rang nằm trên đường Thống Nhất, ngay ngã 3 Hoàng Hoa Thám). Hôm nay mình chọn đường Trường Chinh (con đường có tượng Phật Bà trên núi) ra khu trung tâm. Theo lối này thì gần hơn nhưng đường xấu hơn ngõ 16 tháng 4.

Đến bến xe, pà xã chọn xe Quê Hương giường nằm với giá vé là 135k/người - xe kèm theo thêm 200k nữa. Giá cao hơn những loại xe khác nhưng không thành vấn đề, cái đáng gọi là "vấn đề" (hôm sau mình mới biết) ở chuyện máy lạnh của xe kia vì nó quá yếu - cứ nhỉ nhả như cụ già đứt hơi... nên không si nhê gì với cái nắng, cái nóng Ninh Thuận. Không sao cả, coi như mình thụ hưởng thêm chút kinh nghiệm với nhà xe này sau một lần đi.
.
< Chủ khách sạn chăm con.
Giấc xế chiều mình tìm đường ra bờ đê từ phía Yên Ninh ven biển. Ngã giao nhau của hai đường thuộc làng Hãi Chữ gần cửa sông Dinh.
Con đê bê tông chạy dài theo mép sông từ cửa biển đến chân cầu Dạo Long, đây có lẽ là phòng tuyến chống lũ của TP trong mùa mưa bão.
Gió hiu hiu trong nắng chiều, dưới kia dòng nước lửng lờ trôi, xem ra cũng thú vị. Càng thú vị hơn khi trông thấy mấy chú dê kêu be he, rồi dành nhau thức ăn ven bờ. Phẹc, dê nhà ta nhơi.... cả rác à? rác ngay bờ sông, mấy cô cậu dê ta sơi ráo! Vậy mà bữa thịt rất ngon, he he...
< Công viên ngay bịnh viện đa khoa.
< Khách sạn Ninh Thuận.
< Bảo tàng Ninh Thuận.
< Tượng đài Chiến Thắng 16.4.
< Nhà bảo tàng xem ra có vóc dáng hiện đại lắm, đẹp.
< Trong chuyến lơn tơn qua cầu Tri Thủy về hướng Đầm Vua hôm trước: bọn mình đã bỏ mất một cơ hội vàng để tham quan cho biết một mũi biển đẹp.

Bỏ mất vì bọn mình không biết, không điều nghiên thật kỹ trước chuyến đi. Nơi đó là Hòn Đỏ, ngay trên đường đi Vĩnh Hy.
(3 ảnh về hòn Đỏ này của HuongKhuc)
Hòn Đỏ là một mũi đất nhô ra biển thuộc thôn Mỹ Hiệp xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải. Trên hòn có miếu Pô Pia Sôi với bia đá chữ Chăm cổ.

Hòn Đỏ vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là nơi câu cá lý tưởng và cũng là nơi có rạn san hô đẹp và đa dạng nhất Việt Nam.
Tại đây có 307 loài san hô cứng tạo rạn với nhiều hình dáng, màu sắc phong phú nên có sức hấp dẫn không chỉ đối với các nhà hải dương học mà còn thu hút du khách thường xuyên đến thưởng ngoạn. Những rạn san hô phát triển rất nhanh tạo thành những con đê chắn sóng tự nhiên bền vững với những bãi cát đẹp đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong tương lai.

Tìm thêm thông tin trên mạng thì bọn mình còn biết là năm 2003, vùng biển Ninh Hải vinh dự được chọn là địa phương duy nhất trong cả nước làm thí điểm trình diễn thực hiện dự án bảo tồn san hô dựa vào cộng đồng. Do vậy du khách đi tới nơi này sẽ thấy trạm bảo vệ san hô Mỹ Hiệp, cũng là nơi tập kết hay tạm nghỉ chân cho các đoàn.

< Chơi đã rồi thì ghé lại thưởng thức bánh xèo, bánh căn Hồ Cá.

Quán này có tên như vậy vì nằm đối diện công viên lớn có hồ cá trên đường Trần Quang Diệu.
< Tượng đài Chiến Thắng về đêm - mình rất thích tượng đài này, trông uy nghi và rất có hồn.

Con đường 16 Tháng 4 buổi tối trở thành trung tâm ăn uống với hàng loạt những quán chè, cháo bên đường.
Còn dưới khu công viên và quảng trường cũng khá đông người, dân địa phương cùng du khách ra đây hóng gió.
< Công viên nhạc nước sau tượng đài.
Sáng hôm cuối cùng: chị quản lý KS rủ đi tắm biển sớm xong về chuẩn bị hành lý, giả từ Phan Rang.

Tụi mình vốn kỹ tính nên xe hẹn 10h thì 8h30 bọn mình đã quanh quẩn gần khu bến xe rồi, vẫn chưa thấy tăm dạng chiếc xe bọn mình sẽ đi.
10h, rồi thêm hơn 30 phút nữa "ẻm" mới xuất hiện: đúng là giờ dây thung, he he.
< Xe rời thành phố.
< Núi và đồng...
.
Xe giường nằm sạch sẽ, mỗi khách được phát chai nước như các nhà xe khác - Xe có mền nhưng không ai xài đến vì nóng "bà cố" - máy lạnh vẫn chạy đều nhưng cái sự "mát" thì không, chắc do quá tuổi bảo trì.

Khi mua vé được người bán giới thiệu là xe có WC. Lên thấy có thật nhưng chỉ để... ngó chơi thôi nghen - Nó tịt rồi!
Vậy là những chai nước cũng dùng để "ngó" thôi.

< Mơn mởn một màu xanh của rừng.
< Nhìn qua đường sắt Bắc Nam.

Chuyến đi được nhà xe dừng lại lúc 14h để khách dùng bữa trưa tại quán Kim Phát. Tiếc là không mấy ai dám xơi vì giá khủng quá. Đành ra hàng quán phía ngoài mua bánh trái qua bữa vậy.

Hoan hô xe nhà xe đã tạo cho khách "những ấn tượng khó phai" trong cuộc hành trình.
< Yên bình...

Miền Nam Trung bộ chứa chan nắng nhưng khi xe đến địa phận Hàm Thuận Nam thì mưa tối trời. Gió mạnh đến mức các bảng quảng cáo, dù che... bên đường thi nhau hạ thổ.

Qua kính trước chỉ thấy con đường mù mịt, loáng thoáng đèn của các xe chạy ngược chiều, ớn - he he...
< ... và hoang vu.

Mưa giảm dần khi đến "bò sữa long Thành 2", nơi ghé nghỉ chân lần 2 trong chuyến về.
Cuối cùng thì Sàigòn kia rồi, thành phố đã loáng thoáng ánh đèn trong đêm.
< Qua cầu sông Lũy.

Năm đêm, sáu ngày nhanh chóng trôi qua thật nhanh. Một chuyến lãng du không tạo nhiều ấn tượng như các chuyến trước nhưng đây lại là chuyến phượt đầu tiên sau khi mình thoát khỏi cơn bịnh nặng, tưởng như phải rời bỏ cuộc chơi...

Không ấn tượng nhưng lại là một cuộc hồi sinh với mình, với "nửa kia". Chắc chắn rằng không có gì buộc mình phải từ giả cái thú vui nhỏ là đi chơi khắp đó đây sau nhiều chục năm lăn lộn với cuộc sống đời thường..
Chuyện phượt và bụi... vẫn là thú vui khó bỏ của bọn mình - Về phần bạn, liệu bạn có thích du hành một chuyến lãng du nào đó không?
Hết.


Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 cuối

Điền Gia Dũng - Blog Du lịch, GO!

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống