Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 1 July 2011

Thực ra, quán cháo đùm này của chị Trần Thị Hòa chẳng có biển hiệu đâu, khách “ghiền” món cháo đùm nên đặt “chết” tên, gọi riết thành quen vậy thôi. Qua Bàu He ở P.Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi một quãng, hỏi bất cứ ai về quán cháo này cũng đều biết.

Sao gọi là “đùm”? Vì trong nồi cháo của chị Hòa, bao giờ cũng có... 100 cái đùm.

Lá chuối chát được hơ qua lửa cho mềm oặt lại để khi gói khỏi rách, xong bỏ tiết lợn có thêm phụ gia vào, cột lại bằng hai nuột lạt, cũng bằng lá chuối, xong một “đùm”. Trước khi bỏ đùm vào nồi cháo, chị Hòa phải làm một loạt công đoạn mà công đoạn nào cũng thành bí quyết để nồi cháo của chị luôn luôn khác lạ với thực khách. Chẳng hạn như cách ướp tiết lợn với món nghệ và củ nén là cả một kỳ công. Chị bảo: “Cháo đùm này ngon nhờ cách ướp với món nghệ và nén ấy đấy”.

.
TP Quảng Ngãi có đến vài trăm quán cháo lòng. Ấy thế mà chỉ có quán cháo đùm của chị Hòa này là độc đáo nhất. Từ cách chọn nguyên liệu đến cách chế biến, tất tật đều phải tinh.

Chẳng hạn như chỉ có loại heo cỏ (heo nuôi ở quê, ăn rau và cám xay từ lúa chứ không dùng thức ăn công nghiệp) mới được chị chọn để lấy bộ lòng. Thứ heo cỏ này, năng suất thấp nhưng thịt của nó luôn khô vì ít mỡ nên lòng cũng rất thơm ngon. Lòng được luộc lấy nước nấu cháo. 20 kg lòng được luộc lấy nước để nấu cho 2 kg gạo cháo, hèn chi rất ngọt! Còn đùm thì gói trong lá chuối, bỏ vào nồi cháo nên chín bằng hơi chứ không bị ngấm nước cháo vào. Mùi nghệ, mùi nén lẫn với mùi lòng thơm ngào ngạt, một mùi thơm nguyên chất.

Thực khách gọi món cháo đùm, được kèm theo một đĩa lòng, rắc lớp rau húng quế trông thật bắt mắt. Nếu chỉ dùng riêng món cháo, vẫn được, dĩ nhiên là giá chỉ một nửa (hiện nay giá mỗi tô cháo đùm là 20.000 đồng, chưa tính đĩa lòng). Một điều thú vị ở quán cháo đùm chị Hòa này nữa là, mỗi ngày chị chỉ nấu đúng 100 cái đùm, tương ứng với 100 tô cháo. Bất luận mưa hay nắng, đúng 7 giờ 30 mỗi ngày, chị gánh từ nhà ra quán (quán thuê), bán đến 9 giờ là xong. Ai đến sớm hơn thì ngồi quán cà phê cạnh đó chờ, ai đến muộn thì... hẹn hôm sau vậy. Hỏi chị sao không thêm 100 đùm nữa, chị nói: “Ăn thòm thèm vậy mới nhớ lâu”. Chị Hòa “kế tục sự nghiệp cháo lòng” từ người mẹ nhưng đến đời chị, món “đùm” này mới được nâng cấp thành đặc sản của riêng quán chị.

Khách về Quảng Ngãi, nếu có ghé Thu Xà thăm chùa Ông và quê của thi sĩ Bích Khê, trên đường đi, quá cầu Bà He một quãng, đúng 7 giờ 30 mỗi ngày, nhìn bên tay trái cạnh quán cà phê Lung Linh, món cháo đùm chị Hòa sẽ đợi bạn. Nếu sau 9 giờ mới ghé quán, phải mất một ngày nữa mới biết thế nào là “đùm” trong cháo!

Du lịch, GO! - Theo Thanhnien
Sau 1 giờ 45 phút  rẽ sóng, con tàu có sức chứa 60 người chầm chậm cập bến  Bãi Nhà của đảo Hòn Sơn. Trước mắt tôi là bức tranh yên bình hiu hắt buồn.

< Hòn Sơn Rái.

Cảnh tượng đầu tiên bạn được chứng kiến khi đến đảo chỉ là chừng 500 tàu thuyền, ghe xuồng đang neo đậu trên bãi cát vàng nhiều rác, một làng chài với các cơ sở sản xuất nước mắm còn sót lại đổ nát và rêu phong.

Đảo Hòn Sơn cách thành phố Rạch Giá khoảng 65km về phía Tây, rộng 11,7km2,  gồm 7 đỉnh núi dính chùm” vào nhau. Xung quanh triền đảo giáp biển, ngoài 4 làng chài và những vườn cây ăn trái chiếm khoảng 20% diện tích, còn  lại là rừng nguyên sinh với ít cây cổ thụ, nhiều cây nhỏ và dây leo. Động vật chủ yếu có khỉ, sóc, chim, một ít kỳ đà và trăn…. Đến nay, Hòn Sơn đã có hơn 1.600 hộ gia đình đến lập nghiệp.
.
Theo lời các cụ già trên đảo, Hòn Sơn có tên gọi khác là Hòn Sơn Rái, do hòn đảo này trước kia có nhiều rái cá sinh sống. Vào khoảng  năm 1777, lúc chạy trốn truy sát  của quân Tây Sơn,

Nguyễn Ánh đã đến Hòn Sơn lánh nạn. Truyền thuyết kể rằng có một con rái cá khổng lồ đã bắt rất nhiều tôm cá dâng cho Nguyễn Ánh.

Người dân đảo từ trước đến nay sống chủ yếu bằng nước ngọt của các khe suối bắt nguồn từ những đỉnh núi và nguồn cá ngoài biển khơi. Dân đảo Hòn Sơn còn có những nghề thủ công như đóng tàu, chế biến: tôm, cá, mực khô, làm ruộng… Nhưng nghề từng làm cho hòn đảo này vang danh khắp nơi là chế biến nước mắm.

Một số cụ già kể, từ đầu thập niên 1960 đến 1975, Hòn Sơn chỉ có vài  trăm nóc nhà nhưng đã có gần 30 cơ sở sản xuất nước mắm được xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, mười  năm trở lại đây, hàng chục cơ sở ấy đã hoang phế do nguồn cá cơm quanh đảo trước kia rất dồi dào nay đã cạn kiệt.

Tôi bắt đầu khám phá Hòn Sơn bằng việc tìm hiểu đời sống tâm linh của người dân xứ đảo. Những nơi thờ tự như Đình Thần Lại Sơn, Miếu Bà Cố Chủ, Thánh Thất Cao Đài, chùa Hải Sơn đều nằm tại ấp Bãi Nhà - nên không mất nhiều thời gian tham quan. Phần lớn thời gian được tôi giành cho việc khám phá đỉnh Ma Thiên Lãnh và các bãi cát đẹp quanh đảo.

Ma Thiên Lãnh - đỉnh núi của những "dị nhân"

7 đỉnh núi đều có truyền thuyết gắn liền với tên gọi của riêng mình, nhưng Ma Thiên Lãnh là đỉnh núi nổi tiếng hơn cả. Không chỉ cao nhất với độ cao 450m so với mặt nước biển và có tên gọi trùng một địa danh nổi tiếng ở Côn Đảo, đỉnh núi này còn gắn liền với những câu chuyện thần tiên đậm chất thơ và cả những câu chuyện “ngày nay” đầy màu sắc kiếm hiệp được dân đảo truyền miệng nhau.

Tương truyền ngày xưa, trên đỉnh Ma Thiên Lãnh có một tảng đá bằng phẳng, với phong cảnh xung quanh rất đẹp nên nhiều tiên nữ thường xuống vui chơi. Tên gọi Sân Tiên là một bảo chứng cho câu chuyện đó.

Ngày nay, khi con người đến đây khai phá, trải qua hàng trăm năm, thỉnh thoảng  có những tu sĩ theo thuyết khổ hạnh và những kẻ buồn tình sầu đời lên Sân Tiên tu thiền. Họ ẩn cư trong một hang đá có khắc dòng chữ “Mai Dương Kiếm Pháp”. Cuộc đời, tính tình  và cách hành xử của những người này được người dân truyền miệng với những câu chuyện  nửa hư nửa thực.

Có hai con đường lên Ma Thiên Lãnh. Con đường thứ nhất bắt đầu từ trung tâm Bãi Nhà theo hàng ngàn bậc cấp nằm giữa những rẫy chuối, vườn mãng cầu, xoài và những vạt rừng nguyên sinh trước khi đến một lán trại. Cách Bãi Nhà khoảng 2km đi bằng bậc cấp, có một tượng Phật - vẫn được người dân gọi là  Phật Lộ Thiên . Đi thêm khoảng 400m đường mòn sẽ gặp chùa Phổ Tịnh nằm giữa núi rừng, vị sư 82 tuổi trụ trì là người duy nhất bạn có thể gặp. Đường đến sân Tiên cách đó khoảng 2km đường mòn giữa rừng.

Nếu bạn muốn đi con đường thứ 2, phải thuê ghe từ Bãi Nhà với giá 80.000 - 100.000đ; hoặc đi men theo ghềnh đá dài khoảng 7km qua Bãi Bàng. Một đoạn đường mòn dài khoảng 1km, có độ dốc khá lớn, ít người đi nên đã bị cây rừng che khuất, bạn phải chú ý mới thấy được.

Có thể chọn giải pháp đi lên đường này, đi xuống đường kia, để tận hưởng đầy đủ cảm giác. Và để chắc chắn không bị lạc đường, hãy nhờ vào sự giúp đỡ của ông Hiền ở Bãi Nhà và anh Văn ở Bãi Bắc.
Khi lên sân Tiên, bạn đừng mãi ngắm toàn cảnh đất trời bao la, núi rừng hoang dã  giữa biển xanh ngắt mà quên việc tìm hiểu những dấu tích của các “dị nhân” còn lưu khắc trên đá như tên, tuổi, ngày đến, ngày đi, số năm tu….

Thám hiểm quanh "tiên cảnh"

Dọc theo mép biển quanh hòn đảo có chu vi hơn 17km này còn có 5 bãi cát đều có nhà ở, ngoài ra là một ghềnh đá hoang sơ.

Từ trung tâm xã Lại Sơn - ấp Bãi Nhà - bạn có thể theo ghềnh đá hoặc đi trên con đường duy nhất trên đảo dài  khoảng 3km để đến Bãi Thiên Tuế và Bãi Giếng. Hai bãi này nằm tựa lưng nhau như chung một bãi có khoảng 800 căn nhà phần lớn lụp xụp, tạm bợ liền vách nhau trong diện tích trên dưới 0,7km2. Sát bên là bến tàu chừng 500 tàu thuyền, ghe xuồng neo đậu góp phần làm nên một khung cảnh bình yên.

Không khí tại khu dân cư có thể thoảng mùi hôi của nước thải sinh hoạt và các chất khác. Nhưng vừa ra khỏi Bãi Giếng và bãi Thiên Tuế, ngay lập tức bạn được thưởng thức một không khí rất trong lành. Và trước mắt bạn là  vô số hòn đá nằm san sát nhau tạo thành một ghềnh đá dài ngoằng.
Hãy tiếp tục nhảy, leo, bò… từ hòn đá này qua tảng đá kia, và chịu khó quan sát và thả hồn tưởng tượng, thỉnh thoảng bạn sẽ gặp những tảng đá hình khối giống con vật hoặc một tác phẩm điêu khắc nào đó.

Sau khi chinh phục khoảng 5,5km ghềnh đá, trước mắt bạn hiện ra một làng chài với chừng 100 nóc nhà ẩn mình dưới vườn dừa râm mát. Đó là Bãi Bắc. Nếu đến đây mà trời sắp tối, hoặc sức khỏe không cho phép  tiếp tục hành trình, bạn hỏi thăm nhà vừa là quán giải khát của anh Văn để nghỉ ngơi, đặt cơm và ngủ tạm qua đêm.

Rời Bãi Bắc, tiếp tục men theo ghềnh đá 2.5km để đến Bãi Bàng có phong cảnh đẹp nhất Hòn Sơn. Nhiều cây dừa nghiêng nghiêng phủ bóng mát xuống một  phần bãi cát trắng dài khoảng 1km. Một bãi biển hoang vắng và êm đềm nhưng dễ tạo cảm giác buồn đến nao lòng.  

Bãi Bàng là nơi thích hợp nhất để bạn tắm biển. Không chỉ có phong cảnh trữ tình, đây còn là nơi sạch sẽ hơn cả, nếu có rác cũng chỉ có rác tự nhiên như vỏ trái dừa và lá cây các loại, (trong khi các bãi khác rất nhiều bịch nilon). Đặc biệt, ở đây còn có dòng suối Tiên nước trong vắt chảy từ đỉnh Ma Thiên Lãnh xuống ngay Bãi Bàng làm nước ngọt cho bạn tắm sau khi vùng vẫy cùng sóng biển.

Từ Bãi Bàng về Bãi Nhà dài khoảng 6km, ngang qua những khu vườn  rợp bóng dừa, ghềnh đá chặng này có vài đoạn khó đi, bạn nên lên phía trên chừng 10m để tìm đường mòn hoặc vạch cây rừng để đi.
Lưu ý trong quá trình thám hiểm, bạn nhớ mang giầy gọn nhẹ cũng như nhớ mang theo nước uống, thức ăn.

Hòn Sơn chỉ có duy nhất  nhà trọ của ông Bảy Nữa nằm sát vách trụ sở ủy ban xã tại Bãi Nhà. Giá 30.000đ/phòng 1 giường. 100% quán ở đây bán những thức ăn chế biến từ thịt các lọai. Nếu muốn  thưởng thức những đặc sản biển, bạn chỉ có cách đặt trước một quán ăn nào đó. Tiện nhất là đặt cơm chủ nhà trọ, giá 15.000đ/phần trở lên tùy mức độ đặc sản cao cấp hay thông thường

Du lịch, GO! - Dulich Tuoitre, internet

Quyến rũ hòn Sơn Rái
Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây còn được biết đến như một thành phố của lễ hội: Festival Biển, Hoa hậu Hoàn Vũ 2008, Hoa hậu Thế giới 2010,… 
Các bãi biển đẹp của thành phố này đã biến nơi đây trở thành một danh lam thắng cảnh thu hút khá nhiều du khách quốc tế lẫn trong nước đến nơi đây.

Ngoài những bãi biển xanh ngút ngàn, thành phố biển cực kỳ hấp dẫn với những đồi cát trắng, suối khoáng nóng và những thác nước hùng vĩ. Với khí hậu ôn hòa, giao thông thuận lợi cả về đường thủy, đường bộ, đường hàng không và đường sắt - Nha Trang là một "Thiên đường miền nhiệt đới", một điểm đến trong các kỳ nghỉ hè.
Dưới đây là những địa danh nên thăm quan khi tới đây.

Vinpearl Land

Toạ lạc trên đảo Hòn Tre với những bãi biển trong xanh quanh năm, Vinpearl Land được biết đến như "thiên đường của miền nhiệt đới", địa danh mà bất kỳ du khách nào cũng muốn đến tham quan và khám phá.

Ngoài những khách sạn sang trọng, những khu vườn tuyệt đẹp, hồ bơi nước ngọt lý tưởng, nơi này còn thu hút du khách với những trò chơi cảm giác mạnh như trượt ống, hang Rung, cái búa, vòng xoay vũ trụ, thụt dầu... và những rạp chiếu phim 4D hoành tráng.

Vé tham quan đảo bao gồm vé tham quan và chơi trò chơi 360.000đồng/người lớn, và 260.000đồng/trẻ em. Nếu không thích cáp treo, du khách có thể ra đảo bằng ca nô taxi, tàu cao tốc.

Bãi biển Đại Lãnh

Bãi biển Đại Lãnh được tạo nên từ bờ cát trắng mịn, nước trong xanh nhìn rõ đáy và được ôm trọn bởi những hàng dương tạo nên bức tranh biển tuyệt đẹp. Sau khi vùng vẫy thỏa thích dưới dòng nước, du khách có thể thuê thuyền máy tham quan làng chải Khải Lương, Đầm Môn, cảng Vũng Rô, hay thong dong vào làng Đại Lãnh khám phá đời sống của dân chài, thưởng thức hải sản, hoa quả tươi, thăm Ga Đại lãnh mặn mà mùi biển, mùi gió.

Bãi biển Đại Lãnh thuộc địa phận huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nằm bên quốc lộ 1A, cách Nha Trang khoảng 80km về phía bắc.

Vịnh Vân Phong

Vịnh Vân Phong thu hút du khách với vẻ đẹp hoang sơ của quần thể đảo lớn nhỏ và màu xanh trong của những vịnh nhỏ nằm trong vùng vịnh. Ngoài việc tắm thoả thích, du khách còn được thưởng thức những bữa hải sản cực rẻ do người dân đánh bắt được. Trong đó lạ nhất là món ốc quỷ. Đây là một loại ốc chỉ có ở nơi đây với với lớp vỏ dày, cứng, xấu xí. Thân ốc khá nhỏ nhưng mềm, ngọt, ăn với nước mắm gừng cho cảm giác thơm lạ.

Vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 40km.
Có hai hướng đến vịnh, một là lênh đênh trên thuyền theo đường biển từ vịnh Nha Phu, hai là đi ô tô từ thành phố Nha Trang. Hướng đi nào cũng có cái thú và vẻ đẹp riêng nhưng đi bằng đường biển chỉ tốn nửa thời gian so với đường bộ.

Suối Ba Hồ

Suối mang tên Ba Hồ (thuộc xã Ninh Ích, Ninh Hoà) vì phía đầu nguồn, trên đường vượt núi, băng rừng để xuống với biển, có ba lần suối mở lòng tạo liên tiếp ba cái hồ gắn với những huyền thoại ly kỳ.

Mỗi hồ nối với nhau bằng những triền suối cheo leo, hay những bụi lau lách um tù, vách đá dựng đứng. Muốn chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan, cách duy nhất là du khách phải chuẩn bị tinh thần chinh phục những vách núi trơn trượt hay cảm giác hồi hộp không biết điều gì chờ đón mình trong những bụi rậm ven bờ.

Suối Tiên

Suối Tiên bắt nguồn từ khu vực Hòn Bà. Cách "cảm" suối tốt nhất là lần theo những khối đá đen đi ngược về thượng nguồn. Trên đường đi, du khách sẽ được chiêm ngưởng hàng trăm khối đá thiên hình vạn trạng được thiên nhiên mài nhẵn thính với những truyền thuyết ly kỳ như là điểm đặt chân, nơi để quần áo của các tiên nữ hay bàn cờ của các tiên ông. Càng gần thượng nguồn, suối Tiên càng quyến rũ với những thác nước, hồ nhỏ, động tiên. Đắm mình trong dòng nước ngọt mát lạnh giữa một vùng đất được mệnh danh thiên đường của biển càng tuyệt diệu.
Suối Tiên cách thành phố Nha Trang khoảng 25km theo hướng Tây Nam.

Hòn Chồng

Từ trung tâm thành phố, du khách chạy dọc theo bờ biển về hướng Đông Bắc là đến được Hòn Chồng.

Đây là một quần thể khối đá lớn với đủ loại hình thù, xếp chồng lên nhau chạy từ bờ cao xuống biển. Một nhóm đá khác nhỏ hơn, nằm dưới chân đồi phía Đông, gọi là Hòn Vợ. Lạ nhất là trên một khối đá lớn nằm trên mỏm cao nhất của Hòn Chồng có in dấu một bàn tay khổng lồ. Tục truyền, thuở xưa cần câu của ông khổng lồ bị một con cá lớn cắn câu lôi đi. Để kìm sức kéo của cá, ông tì vào tảng đá lấy đà nên để lại dấu như hiện nay. Theo một truyền thuyết khác, xưa có một người khổng lồ khi đi ngang đây thấy một đàn tiên nữ đang tắm. Mải mê vừa đi vừa ngắm, ông trượt chân, té đập tay vào đá nên có vết hằn như vậy.

Nằm nhô ra biển, không gian của Hòn Chồng gần như tách biệt với không gian nhộn nhịp của phố phường. Ngoài ra, nơi đây cũng là một trong những điểm ngắm thành phố biển đẹp nhất.

Đầm Nha Phu

Đầm nằm cách thành phố biển Nha Trang 12km về phía Bắc.

Đầm Nha Phu là là tên gọi cả một khu vực rộng lớn, trong đó có những hòn đảo du lịch như Hòn Thị, Hòn Lao, Hòn Sầm, Hòn Đá Bạc (bãi tắm Công chúa), Hòn Lao - đảo Khỉ, suối Hoa Lan, Khu nghỉ mát Ninh Vân.

Đến với mỗi đảo, mỗi lao, du khách sẽ khám phá những nét riêng. Hòn Lao với tên gọi khác là Đảo Khỉ với hàng trăm con khỉ sống trong những khu rừng hoang sơ. Hòn Thị với rừng cây bạt ngàn. Bãi Tiên dưới chân Hòn Hèo với những phiến đá bằng phẳng tạo nên vẻ bình yên. Suối Hoa Lan lại êm đềm với hàng trăm loại hoa lan quý hiếm, với thác nước róc rách chảy ngày đêm.

Bãi Trũ

Là bãi tắm tự nhiên trên đảo Hòn Tre (còn gọi là Đàm Mông, Hòn Lớn), thuộc phường Vĩnh Nguyên. Đi ca nô từ cảng Cầu Đá ra Bãi Trũ mất khoảng 15 phút. Nơi đây được coi như là bức tranh ranh giới tuyệt đẹp của đại dương trước mặt và rừng sau lưng.

Bờ cát của nơi đây thoải dần ra xa, trắng mịn lạ lùng. Sau khi bơi lội, có thể tản bộ trên cát nhặt vỏ ốc, vỏ sò nhiều hình dáng hay đi câu, lặn săn tôm, mực.
Khu du lịch Dốc Lết

Muốn đến bãi biển, du khách phải vượt qua những đồi cát trắng, khiến việc di chuyển mệt mỏi hơn, mất thời gian hơn. Song bù lại, khi vượt qua, du khách sẽ được đặt chân lên một nơi tuyệt vời với bờ cát mịn màng, nước biển trong xanh, hàng trăm đợt sóng vỗ.

Nước biển ở đây khá cạn nên trẻ em và người lớn đều có thể thoải mái bơi ra xa. Sau những trò nô đùa, vùng vẫy ngoài biển, hay trượt cát đến mệt nhoài, du khách có thể thưởng thức những món hải sản như tôm, ghẹ, cua biển, ốc nhảy, tôm tích biển, ốc gai, sò lông biển, sò dương... với giá từ 30.000 - 60.000đồng/kg.
Khu du lịch Dốc Lết nằm ở địa phận bờ biển huyện Ninh Hòa, cách Nha Trang chừng 50km về phía Bắc.

Suối khoáng nóng Tháp Bà

Suối nằm sau lưng thác bà Ponagar, cách trung tâm thành phố khoảng 4km về phía Bắc.

Đây là một một trung tâm chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp độc đáo với các dịch vụ ngâm tắm bùn khoáng, khoáng nóng, hồ bơi khoáng ấm và hồ phun mưa khoáng nóng. Giá dịch ở đây tương đối bình dân. Hồ bơi - thác nước khoáng ấm: 30.000đồng/vé/ người lớn; thiếu niên 20.000 đồng/vé; trẻ em 10.000 đồng/vé. Ngâm khoáng nóng, người lớn 50.000đồng/vé, trẻ em 25.000 đồng/vé. Tắm bùn 60.000 đồng/vé/người lớn, 30.000 đồng/vé/trẻ em.

Thác Tà Gụ

Thác Tà Gụ (theo tiếng Raglai là Tạc Gu) là một thắng cảnh đẹp tọa lạc tại xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Do dáng thác nhìn từ xa giống như một chiếc ngà voi trắng xoá nổi bật trên màu nâu của đá, màu xanh của núi rừng nên thác Tà Gụ lúc trước được gọi là thác Ngà, Sau, do dòng chảy của thác hòa vào dòng suối Tà Gụ nên gọi là thác Tà Gụ. Nằm trong không gian hùng vĩ nhưng dòng nước không ồn ào mà trầm lắng, đổ vào hồ nước rộng gần 200m2 dưới chân thác. Đến đây, ngoài việc khám phá, chinh phục thác, du khách còn có thể thỏa thích bơi lội trong hồ.

Thác Yang Bay

Thác Yang Bay nằm trong khu vực buôn Y Bay, xã Phước Thượng, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Theo cách gọi của người Raglai, Yang Bay có nghĩa là "thác trời".

Thác từ trên cao đổ xuống, gặp những triền đá tạo nên những dốc thác khác nhau. Mỗi thác có nhiều hồ nước trong veo, soi rõ những vân đá đẹp mắt. Trải nghiệm thú vị nhất là hành trình chinh phục độ cao, khám phá những ghềnh đá cheo leo, hay cảm giác hồi hộp khi thâm nhập vào khu rừng.

Sau khi chiêm ngưỡng thác, du khách có thể đám mình trong làn nước mát rượi, hay mắc võng giữa những tán cây, đọc sách, nghỉ ngơi. Hoặc thưởng thức những món đặc sản như mối chúa tiềm thuốc bắc, ngọc linh cẩu, heo rừng nuôi quay - nướng, cơm lam, rượu cần...

Đầm Bấy

Đầm Bấy là một vịnh hoang sơ nằm khép mình ở phía đông nam đảo Hòn Tre (Nha Trang). Đến được điểm tham quan này chỉ mất 15 phút đi bằng tàu cao tốc và 45 phút đi bằng tàu gỗ du lịch.

Rất ít du khách đến đầm tham quan tự túc mà thường tham gia tour từ Nha Trang với giá 195.000 đồng/người. Đầm Bấy thích hợp cho những du khách thích du lịch theo kiểu "Robinson trên hoang đảo" hay là nơi để các bạn trẻ vui chơi với âm nhạc, bước nhảy hơn là dành cho khách nghỉ dưỡng.

Thủy cung Trí Nguyên

Nhìn từ xa, Thủy cung giống như một con tàu hóa thạch mắc cạn trong eo biển. Nhưng trong lòng tàu ấy là là cả một đại dương nước mênh mông với hàng trăm loại cá quý như cá mú, cá hồng, cá chình hay các loại cá khổng lồ chỉ được nhìn thấy trong ti vi bơi lội sau lớp kính. Bước giữa những chiếc hồ cá ấy, du khách có cảm giác như đang dạo chơi dưới độ sâu hàng ngàn mét của bãi biển.

Sau khi tham quan thuỷ cung, đừng quên ghé bãi Sỏi gần đó ngâm mình trong vùng nước sạch đến kỳ lạ, hay nhón chân xuống mặt nước nghe tiếng sỏi va vào nhau.

Khu du lịch Con Sẻ Tre

Cũng được xây dựng trên một hòn đảo như Vinpear land nhưng nếu "thiên đường miền biển nhiệt đới" thu hút du khách với hàng loạt khu nhà hàng, hồ bơi, trung tâm mua sắm sang trọng thì Con Sẻ Tre gây ấn tượng với không gian mộc mạc của một miền quê qua hình ảnh bánh xe cổ mộ, với nhà cửa, bàn ghế... bằng tre, của khu rừng thấp thoáng.

Du khách tha hồ hít thở không khí trong lòng của biển, của rừng, quên đi những lo lắng thường nhật của cuộc sống.

Khu du lịch Hòn Tằm

Hòn Tằm cách thành phố Nha Trang 7km về phía Đông Nam. Nếu đi ca nô mất độ 7 phút, đi tàu khách khoảng 25 phút.

Tuy được đầu tư với những nhà hàng, hồ bơi, khu vui chơi giải trí hiện đại, Hòn Tằm vẫn giữ nét hoang sơ của những bãi cát uốn lượn, bãi biển trong veo, thảm rừng xanh tươi, sóng biển êm đềm, những chiếc chòi là nên thơ nằm cạnh bờ biển. Đến với Hòn Tằm, ngoài việc thường thức hai món cháo Nhum và gỏi Nhum nổi tiếng, du khách còn có thể tham gia những trò chơi cảm giác mạnh như dù bay có động cơ, dù lượn, lặn biển, kéo phao chuối, thuyền kayak, cano, thả diều...
Giá vé tham quan 70.000 đồng/ người lớn; 50.000 đồng/trẻ em.

Khu bảo tồn biển Hòn Mun

Cách Nha Trang 45 phút tàu chạy từ cảng Cầu Đá, cận kề với các đảo yến.

Khu bảo tồn biển Hòn Mun nằm trong Vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc và vùng nước xung quanh. Đến đây, du khách sẽ được ngắm "loài chim lấy máu làm tổ", ngắm san hô qua tàu đáy kính cùng hàng trăm loại cá lạ nhiều màu sắc được bảo tồn.

Tháp bà Ponagar

Tháp bà Ponagar là một quần thể tháp với lối kiến trúc độc đáo của dân tộc Chăm, được xây dựng và tu bổ qua nhiều thời kỳ, nằm sát tả ngạn sông Cái Nha Trang. Nơi này hiện có bốn ngôi tháp, hai miếu thờ và một nhà nghỉ. Tháp lớn nhất thờ nữ thần Ponagar (tiếng Chăm có nghĩa là Mẹ Xứ Sở).

Du lịch, GO! - Theo Bưu Điện Việt Nam, Chudu24, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống