Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 4 July 2011

khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên, đại đa số đàn ông các dân tộc thiểu số mặc khố. Hiện nay, rất nhiều người Ê đê, Mnông ở độ tuổi từ 40 trở lên chỉ khi có việc cần phải đi đâu ngời ta mới mặc quần dài còn trang phục chủ yếu của học là khố. Thậm chí người còn có khố để dành riêng đi đám tiệc.

Những người trẻ tuổi, khi biểu diễn cồng chiêng, các nhạc cụ của dân tộc thì khố là trang phục không thể thiếu bởi nó trang phục truyền thống từ bao đời của người dân xứ cao nguyên này.

Có số ít người già Mnông ở tỉnh Đăk Nông vẫn còn cất giữ những chiếc khố được làm bằng vỏ cây - tiền thân của khố bao đời qua. Vỏ cây được lột nguyên dề, bản rộng khoảng 20cm, dài khoảng 70cm, đem đập dập, nạo bỏ hết thớ ngang, chỉ lấy sợi dọc, rồi lấy sợi của lõi cây me vóc (mây rừng) đã được chẻ nhỏ như chỉ và dùng que tăm dài bẻ gập lại kẹp một đầu chỉ vào tỉ mỉ kết các sợi vỏ cây như đan bao bố thời nay vậy.
.
Sau đó, lấy sợi vỏ cây làm đai lưng giữ khố không bị tuột, mối đai được thắt về một bên hông, khố này được gọi là Troi Dăk (khố bằng vỏ cây). Mặc dù vậy đã rất “kiên cố” nhưng Troi Dăk cũng được nhuộm màu để thêm phần kín đáo, có điều khố rất thô và nhám, mặc không quen rất khó chịu. Sau này khố được dệt bằng sợi bông và ngày càng  được cải tiến sao cho đẹp hơn.

Từ cái khố, ta có thể phân biệt được người mặc nó thuộc giới trung lưu, thượng lưu hay nghèo khó. Khố chỉ một màu trắng, đen hoặc xanh được gọi là Troi Book. Đây là trang phục chủ yếu dành cho những người dân nghèo.

Troi Book bao gồm thân khố, đai dài quấn 2 vòng quanh bụng và tấm che rộng 20cm phủ từ lưng khố xuống gần đầu gối. Với những chiếc Troi Book có riềm chỉ màu ở hai bên và dệt sọc khác màu hay thắt hoa văn ở tấm che, phần đai có dệt nhiều màu sặc sỡ được dùng để mặc khi đi đám, tiệc.

Đối với những người giầu có và các chức sắc trong buôn thì thường mặc Troi Nhong - loại khố được dệt, may khá cầu kỳ, diêm dúa. Đai Troi Nhong dài đủ quấn tới 5 vòng quanh bụng và được đính hột cườm nhiều màu, hoa văn được dệt chìm hay thắt nổi là tùy theo cách bài trí của thợ dệt (thường là do người vợ dệt cho chồng). Nếu là trang phục dự các lễ hội thì Troi Nhong còn được gắn thêm hai chiếc “Ruy” (lục lạc) bằng đầu ngón chân cái, mỗi bước đi “ruy” reo lên nghe rất vui tai. Những người mặc Troi Nhong có gắn “ruy” được mọi người kính nể bởi thuộc giới giàu sang, phú quý.

Chiếc khố tuy nhỏ nhắn và nhiều người có thể cho rằng nó thật đơn giản, thế nhưng dệt được tấm khố không phải là điều đơn giản. Thời gian để hoàn thành một chiếc khố lâu gấp 2, gấp 3 lần so với công may một chiếc áo, chiếc váy của phụ nữ, bởi khố thường (Troi Dăk) riêng đai đã có chiều dài tới hơn 2m, còn Troi Nhong thì đai cũng dài 2m, thân khố 70cm và tấm che 60cm.

Xưa kia, một Troi Dăk thường đổi được một con gà mái đẻ, Troi Book có giá trị bằng một con heo, Troi Nhong dệt đẹp có đính 20 hột cườm và 2 “ruy” đổi được một con trâu cái. Thời nay, một chiếc khố thổ cẩm được coi là sang trọng cũng có giá đến hơn một triệu đồng.

Du lịch, GO! - Theo Cema/Báo DT&PT
Mười cảnh đẹp* và nên thơ bậc nhất của đất Hà Tiên (Kiên Giang) đã và đang bị xâm hại, có những cảnh đã hoàn toàn biến mất...
Mười vị trí thường được gọi là Hà Tiên thập cảnh ấy, nổi tiếng từ khi đất Hà Tiên được khai phá, gắn liền với Hà Tiên thập vịnh - mười bài thơ ngâm vịnh miêu tả mười cảnh đẹp do Mạc Thiên Tích (1718-1780) sáng tác. Mạc Thiên Tích là con trai Mạc Cửu (1655-1736 - người có công khai phá đất Hà Tiên) và cũng là người sáng lập nên Tao đàn Chiêu Anh Các - nơi đã cho ra đời hơn 300 bài thơ xướng họa về 10 cảnh đẹp này.

Kim Dự “mất thiêng”

Từ TP Rạch Giá, chỉ sau hơn 2 giờ 30 phút đi xe máy, chúng tôi đã đến được ngã ba tượng đài Mạc Cửu, thị xã Hà Tiên. Từ đây, hỏi thăm người dân địa phương về đảo Kim Dự (cảnh thứ nhất trong mười cảnh đẹp của Hà Tiên: Kim Dự lan đào - đảo vàng chắn sóng), chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu “không biết”.
.
Anh Nguyễn Chí Công - một người dân sống tại Hà Tiên - cho rằng chúng tôi nhớ nhầm tên chứ ở thị xã Hà Tiên không có đảo nào là Kim Dự. Tuy nhiên, khi nghe hỏi về núi Pháo Đài, anh Công nhanh nhảu chỉ tay về hướng cầu Tô Châu: “Nó ở phía trước mặt kìa, ngay dốc bên kia đầu cầu Tô Châu”.

Theo truyền thuyết, trước cửa biển Hà Tiên có hòn đảo Kim Dự ngăn chặn sóng gió, gìn giữ cho nội địa được yên bình. Tại hòn đảo này còn có câu chuyện truyền kỳ rằng dưới đảo có con giao long ôm hòn ngọc nằm ở ẩn. Khi giao long chuyển mình thì hòn đảo lay chuyển, có khi trôi xa, có khi dạt vào bờ hoặc chìm xuống đáy biển. Từ cửa biển Hà Tiên, trông đảo Kim Dự như một hòn ngọc nổi trên biển.

< Đảo Kim Dự (nay là núi Pháo Đài) ngày xưa như một hòn ngọc nổi trên biển nhưng nay đã nối với đất liền.

Tuy nhiên, đảo Kim Dự hiện giờ đã được gọi là núi Pháo Đài. Cảnh xưa giờ đã khác nhiều. Hiện tượng bồi lấn khiến mặt phía đông và bắc của Kim Dự bị “xâm lấn” dần dần, nối liền với đất liền của trung tâm thị xã Hà Tiên và vì vậy Kim Dự không còn là ốc đảo. Ngoài yếu tố khách quan từ thiên nhiên, những năm gần đây đảo Kim Dự còn bị con người tác động dữ dội. Án ngữ ngay trên núi Pháo Đài hiện nay là nhà nghỉ Pháo Đài. Nhà nghỉ này khá quy mô, gồm hai khu nghỉ dưỡng và khu nhà hàng, phía trước mặt của nhà hàng (tiếp giáp với mặt biển Tây) là quán cà phê... Nhìn cảnh bát nháo ở đây không ít du khách tỏ ra bức xúc: “Đảo Kim Dự giờ đã mất thiêng”.

Lư Khê bị lấp

Cùng cảnh ngộ với đảo Kim Dự là Rạch Vượt - nơi thuyền ngư đỗ bến, gắn liền với bài vịnh Lư Khê ngư bạc, cũng là cảnh đẹp mà Mạc Thiên Tích nói đến nhiều nhất trong thơ của mình. Trên đường đến thị xã Hà Tiên, nhiều người đi ngang cảnh này mà không hề hay biết sự tồn tại của nó. Hiện Lư Khê nằm gần trụ sở UBND xã Thuận Yên (thị xã Hà Tiên), chỉ cách thị xã Hà Tiên 5km về phía nam và nằm trên quốc lộ 80. Nhiều du khách sẽ rất thất vọng vì không còn nhận ra cảnh Rạch Vượt như trong Hà Tiên thập cảnh nữa. Cửa Rạch Vượt đã bị lấp.

Theo lão nông Trần Minh Đức (74 tuổi, nhà ở cạnh Rạch Vượt), ông nghe ông bà xưa kể lại rằng cửa Rạch Vượt bắt đầu từ mũi núi Gành kéo dài đến núi Đồn. Cửa này bị lấp vào thời Pháp trước những năm 1940. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đức hồi tưởng về Rạch Vượt với vẻ day dứt: “Hồi tôi còn nhỏ dòng Rạch Vượt sâu lắm, cắm ngập cây sào tre cũng chưa đụng đáy, bề ngang con rạch lớn hơn 30m, nước trong xanh.

Tại đây cá tôm ăn không hết. Con rạch này có điều đặc biệt là có rất nhiều cá vượt (loại cá chẽm lớn) nên mới có tên Rạch Vượt. Mạc Thiên Tích rất thích cảnh này và ông cho xây dựng bên bờ rạch một điếu đình (nhà ngồi câu) để văn nhân thi sĩ đến câu cá, ngâm thơ. Khi cửa Rạch Vượt bị lấp thì tôm cá cũng không còn nữa”. Theo ông Trần Sơn Hùng (cán bộ xã Thuận Yên), hiện Rạch Vượt có chức năng chính là phục vụ nuôi trồng thủy sản, rạch ngày càng bồi lắng và... ô nhiễm.

Môi trường và cảnh quan bị xâm hại

< Những bụi tre sót lại của lũy Phù Dung (còn gọi là bờ đồn nhỏ).

Là một người am hiểu đất Hà Tiên đến “chân tơ kẽ tóc”, nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt cho biết trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên có cảnh mất “hồn” còn “xác”, có cảnh đã mất hoàn toàn. Cụ thể như Giang Thành dạ cổ (lũy Giang Thành, cảnh thứ tư trong Hà Tiên thập cảnh). Thế kỷ 18, thành lũy nơi đây được đắp bằng đất, bên ngoài lũy trồng tre và cây có gai. Lũy Giang Thành nối tiếp từ lũy Thị Vạn (xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên) đến quận Giang Thành (hiện nay là huyện Giang Thành)dài độ 20km. Ngày nay hệ thống lũy Giang Thành này đã mất hoàn toàn dấu vết.

Ngoài Kim Dự lan đào hay Lư Khê ngư bạc hiện chỉ còn “xác” nhưng đã mất... hồn, có khá nhiều cảnh trong “top 10” cảnh đẹp Hà Tiên cũng đang bị xâm hại. Từ cổng chính của di tích đến cửa hang Thạch Động (Thạch Động thôn vân), tình trạng hoạt động kinh doanh hàng hóa diễn ra bề bộn, rác đổ bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường. Còn bên trong hang, nhiều người tham quan vẽ chữ ngoằn ngoèo trên vách đá trông rất mất mỹ quan. Hiện tại, đứng ngay giữa Thạch Động du khách cũng không thể nhìn “thông thiên” được vì bị mái chùa che khuất. Tương tự, thắng cảnh Mũi Nai (Lộc Trĩ thôn cư) cũng không tránh khỏi tình trạng bị xâm hại, hằng ngày nơi này vẫn đang gánh chịu ô nhiễm của nguồn nước chưa qua xử lý từ các nhà hàng, dịch vụ thải ra.

Theo bà Trần Thị Mai Khanh - trưởng Phòng Văn hóa thể thao và du lịch thị xã Hà Tiên - 10 cảnh đẹp của Hà Tiên đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Hà Tiên cũng như người dân cả nước. Hiện nay, khi đến Hà Tiên, du khách thường chọn điểm đến là những cảnh trong Hà Tiên thập cảnh để tham quan.

“Trong quá trình phát triển du lịch, chúng tôi luôn cố giữ lại yếu tố gốc vốn có của thập cảnh Hà Tiên trước đây. Khi cải tạo hay đầu tư lớn, chúng tôi đều phải xin ý kiến cấp trên, nếu đồng ý chúng tôi mới làm”, bà Khanh nói. Tuy nhiên bà Khanh cũng thừa nhận quá trình phát triển du lịch đã có mặt trái và tác động xấu đến danh lam thắng cảnh về môi trường, cảnh quan.
“Chúng tôi đã rút kinh nghiệm những mặt hạn chế trong bảo tồn di tích thắng cảnh thời gian qua, đồng thời đề xuất tỉnh sớm tôn tạo, phục chế những cảnh đã bị mất để phục vụ khách tham quan”, bà Khanh nói thêm.

< Hà Tiên Thập cảnh.

Đã mất 5 cảnh

Theo ông Lê Minh Hoàng- giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang, hiện Hà Tiên thập cảnh đã mất năm cảnh đẹp: Kim Dự lan đào, Giang Thành dạ cổ, Đông Hồ ấn nguyệt, Nam Phố trừng ba, Lư Khê ngư bạc.
Theo nhà thơ Đông Hồ, Hà Tiên thập cảnh gắn liền với Hà Tiên thập vịnh gồm: Kim Dự lan đào (đảo vàng chắn sóng - núi Pháo Đài), Bình San điệp thúy (núi một màu xanh - núi Bình San), Tiêu Tự thần chung (cảnh chuông chùa tịch mịch - chùa Tam Bảo), Giang Thành dạ cổ (trống đêm Giang Thành - lũy Giang Thành), Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây - núi Thạch Động), Châu Nham lạc lộ (cò đậu Châu Nham - núi Đá Dựng), Đông Hồ ấn nguyệt (trăng soi Đông Hồ - đầm Đông Hồ), Nam Phố trừng ba (bãi Nam sóng lặn, tục danh: Bãi Ớt); Lộc Trĩ thôn cư (xóm Mũi Nai), Lư Khê ngư bạc (Rạch Vượt).

TẤN THÁI (còn tiếp)

Du lịch, GO! Theo Tuoitre ------------

* Theo sách “Phủ hiên tạp lục” của Lê Quý Đôn (khắc bản năm 1776) ông cho biết có giữ được sách in bản “Hà Tiên Thập Vịnh” do Mạc Thiên Tích xướng 10 bài có 31 danh sĩ khác họa lại, nên tổng cộng 320 bài đường luật.

Mười cảnh đó được Mạc Thiên Tích đặt tên như sau:

1- Kim dự lan đào (Hòn đảo vàng ngăn chận sóng to)
2- Bình san điệp thúy (Núi dựng một màu xanh)
3- Tiêu tự thần chung (Tiếng chuông sớm ở ngôi chùa tịch mịch)
4- Giang thành dạ cổ (Tiếng trống đêm ở thành lính ven sông)
5- Thạch động thôn vân (Động đá nuốt mây)
6- Châu nham lạc lộ (Núi ngọc cò đậu)
7- Đông hồ ấn nguyệt (Hồ Đông in bóng trăng)
8- Nam phố trừng ba (Bờ biển Nam lặng sóng)
9- Lộc trỉ thôn cư (Thôn trại ở Mũi Nai)
10- Lư khê ngư bạc (Thuyền đỏ ở rạch Vượt)

Ngoài ra còn Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh:

Nếu Hà Tiên thập vịnh có mục đích phổ biến trong giới trí thức về phong cảnh của Hà Tiên thì Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh là một áng văn Nôm có mục đích truyền bá trong giới bình dân, hay nói khác hơn nó thuộc về văn học Nôm.

Đây là khúc vịnh, chia thành 10 đọan mỗi đoạn tả một cảnh trong mười cảnh ở Hà Tiên, mỗi đoạn gồm một khúc lục bát giáng thất chừng 30 câu, cuối mỗi đoạn  có một bài vịnh làm theo thể Đường luật và cuối cùng có một bài tổng vịnh. Tóm lại Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh gồm 422 câu gồm 334 câu lục bát giáng thất và 88 câu của 11 bài đường luật thể thất ngôn bát cú.

Khúc vịnh này có lẽ được sáng tác cùng thời với Chinh phụ ngâm, nhưng đặc biệt hơn là suốt khúc vịnh áp dụng một lối gieo vần chữ thứ 8 câu 8 gieo vần vào chữ thứ 3 câu 7 và do đó thay vì câu thất trắc chữ thứ ba thanh trắc chữ thứ ba thanh trắc lại phải đổi sang thanh bằng...

Nguồn

Sunday, 3 July 2011

“Tây Hồ chân cá thị Tây Thi” tức Hồ Tây đích thị nàng Tây Thi. Câu thơ của Cao Bá Quát ví Hồ Tây đẹp như nàng Tây Thi, một cách ví độc đáo vì Tây Thi đẹp theo bốn mùa: mùa xuân lộng lẫy, mùa hè rực rỡ, mùa thu thanh tú và đẹp thuần nhị mùa đông. Còn Hồ Tây vạt nước mênh mang cũng đẹp như vậy.

Hồ Tây đẹp vì đã ấp ủ cả một kho tàng văn học dân gian phong phú và sáng giá. Ven hồ hội tụ đủ mọi chủ đề tiêu biểu của thần thoại Việt Nam, Lạc Long Quân đã để lại ở đây một trong ba công tích là thêu dệt cáo trắng chín đuôi đem lại yên lành cho dân chúng. Vì thế tên ban đầu của Hồ Tây là hồ Xác Cáo, rồi Khổng Minh thu hết đồng phương Bắc đem về đúc chuông lớn mà khi đánh lên Trâu Vàng cứ ngỡ tiếng mẹ gọi (đồng đen là mẹ vàng), đã vùng chạy sang quần mãi đất thành ra Hồ Tây.

Hồ Tây còn có thêm tên gọi là hồ Trâu Vàng. Rất nhiều các nhân vật lẫn huyền thoại và lịch sử hoạt động ven hồ như: Linh Lang, Trấn Vũ, Mục Thận, Lê Văn Thịnh, Phùng Hưng, Quỳnh Hoa, Quế Hoa, Liễu Hạnh, …

Ven Hồ Tây có nhiều làng nghề mà tên tuổi có thể tính bằng thiên niên kỷ: nghề làm giấy Yên Thái, Nghĩa Đô có cách đây khoảng 11 thế kỷ; nghề dệt lĩnh ở Trích Sài có từ thời Lý; nghề trồng hoa, cây cảnh ở Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân cũng có mặt ở đây khi Thăng Long trở thành kinh đô; nghề đúc đồng Ngũ Xã cũng đã dư vài thế kỷ.

Ngoài ra nhiều di tích lịch sử, văn hóa ven hồ như: đình, đền, chùa, miếu mà tuổi đời cũng xấp xỉ nghìn năm. Đền Đông Cổ ở làng Đông là ngôi đền cổ nhất hiện có ở Thăng Long, Hà Nội. Tính đến nay, ven Hồ Tây đã có 32 di tích đã xếp hạng trong đó 22 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 7 di tích xếp hạng cấp thành phố trên tổng số 62 di tích. Những di tích đó cứ mỗi khi xuân về, đã thu hút số lượng lớn khách thập phương trong và ngoài nước đến vãn cảnh, tham quan.  Các lễ hội ở đây giàu bản sắc dân tộc mà chỉ ở Thăng Long – Hà Nội mới có. Đó là lễ hội trung hiếu ở đền Đồng Cổ, lễ hội bắt trạch ở làng Hồ Khẩu, lễ hội rước nước ở đình làng Yên Phụ, Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm,…

Đền Quán Thánh tương truyền có từ khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, tức đầu thế kỷ XI. Chùa Trấn Quốc còn sớm hơn, từ  thế kỷ thứ VI ở ngoài đê nên có tên là Khai Quốc, năm 1615 dời vào trong đê lấy tên là Trấn Quốc. Còn Phủ Tây Hồ theo truyền thuyêt kể rằng: đây là nơi Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã gặp Quỳnh Hoa công chúa tức Mẫu Liễu Hạnh. Sau được nhà vua ban sắc phong và cho phép nhân dân lập đền thờ và tôn vinh là “Mẫu nhi thiên hạ”.

Tây Hồ  còn là nguồn cung cấp hoa, cây cảnh cho thì trường Hà Nội: đào Nhật Tân, quất Tây Hồ, Tứ Liên, cá cảnh Yên Phụ, cây cảnh Nghi Tàm. Tây Hồ với diện tích mặt nước khá rộng còn là vựa cá, cá chép Hồ Tây là đặc sản riêng của Hà Nội.

Từ bao lâu Hồ Tây vẫn như nàng Tây Thi thủa còn giặt lụa ở Trữ Na. Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư, kinh doanh du lịch đã đánh thức “người đẹp”. Mặt hồ và đất hồ cựa mình trỗi dậy, bao nhà hàng, khách sạn,… cần quản lý.

 Một cấp hành chính quản lý riêng khu vực Hồ Tây được ra đời vào cuối năm 1995. Dự án quy hoạch tổng thể được phê chuẩn. Dải đất này sẽ trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch, dịch vụ, trung tâm thể thao và thương mại.

Trong tương lai gần, khu phía nam của hồ sẽ là trung tâm giao dịch thương mại Quốc tế với văn phòng, khách sạn, căn hộ cho thuê,… nối liền trung tâm chính trị Ba Đình với đường Thăng Long – Nội Bài. Phía tây hồ là phường Xuân La sẽ là trung tâm thể thao Quốc gia, có sân vận động chứa hàng vạn người và nhiều dịch vụ giải trí khác. Khu phía bắc với phường Nhật Tân được quy hoạch thành nơi nghỉ cuối tuần. Du khách sẽ thăm các làng hoa, cây cảnh, tham dự các hoạt động thể thao thư giãn như câu cá, bơi thuyền,…Phía đông hồ với hai phường Yên Phụ, Tứ Liên sẽ là trung tâm du lịch, dịch vụ với khách sạn, nhà hàng, các tòa nhà phục vụ hội nghị Quốc tế. Quy hoạch này đang chờ nhà đầu tư.

Những năm gần đây UBND TP Hà Nội đã quan tâm đầu tư kinh phí để làm đường dạo quanh Hồ Tây, vừa tạo cảnh quan phục vụ du khách dạo chơi quanh hồ, vừa chống lấn chiếm đất. Đồng thời sẽ phải có những giải pháp kiến trúc hạn chế không cho làm nhà quá cao bên cạnh hồ. Mật độ xây dựng cũng vừa phải tạo sự thông thoáng.

Hiện đã có một dự án của nước ngoài liên doanh với Hà Nội, xây dựng một thành phố bên Hồ Tây với diện tích khoảng 400 ha. Nếu dự án này được nghiên cứu ở nhiều góc độ: quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, kinh tế và được chấp nhận thì Hồ Tây không chỉ là Tây Thi trong thơ ca mà là “người đẹp” tuyệt trần trong hiện thực đời sống của thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Du lịch, GO! - Theo Vietbao

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống