Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 4 July 2011

Giàu lên nhờ sâm, chàng trai Xê Đăng 32 tuổi ấy đào ao thả cá giữa lưng chừng trời và đang tính mua ô tô riêng. Một 'tay chơi' có tiếng của núi rừng Trà Linh.

Đào ao cá ở độ cao 2.000m

Gặp Hồ Văn Hình (thôn 3, xã Trà Linh) giữa núi rừng Ngọc Linh khi anh đang đi tìm lá cây về cho cá. Hình có nước da trắng, mũi cao. Bộ râu quai nón ấn tượng, đôi mắt xanh.
Hình sinh ra và lớn lên giữa núi rừng. Đến lớp 8 thì nghỉ học theo ba mẹ lên núi trồng sâm. Như bao người con Xê Đăng khác, Hình lập gia đình sớm và tách hộ ở riêng. 32 tuổi Hình đã có 5 đứa con, con gái đầu lòng năm nay đã tròn tuổi 16, trắng trẻo như bố.
.
Phải tỉ tê trò chuyện, Hình mới tiết lộ: “Hiện tại gia đình có gần 3.000 gốc sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi, 1.000 gốc sâm 7-8 năm tuổi”. Với giá thu mua như hiện nay, sâm loại 1 trên 50 triệu đồng/kg, Hình là tỷ phú của núi rừng Ngọc Linh. Hàng năm, Hình lại mở rộng diện tích sâm của mình từ 400-500 gốc.

Hồ Văn Hình còn là người đầu tiên của Ngọc Linh nghĩ đến chuyện đào ao, xây ao, thả cá giữa lưng chừng trời. Cuộc sống của người dân Trà Linh chủ yếu tự cung tự cấp, hàng hóa, cá tôm từ xuôi lên đây đắt đỏ gấp 2-3 lần.

< Tay chơi Hồ Văn Hình.

Vào những ngày mưa gió, đường sá cách trở, người dân các nóc cao ở Trà Linh hầu như bị cô lập hoàn toàn. Để chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho gia đình và dân làng, đầu năm 2009 Hình đào ao nuôi cá. Một quyết định táo bạo. Giữa lưng chừng núi, chủ yếu nước khe suối chảy về, việc giữ nước là hết sức khó. Trong khi xi măng, cát sỏi để xây hồ không có.
Một bao xi măng lên đây mất 250.000 đồng tiền công gùi cõng, một kilôgam cát mất hơn 1.500 đồng. Riêng tiền vật liệu Hình phải đầu tư hơn 140 triệu đồng chưa kể tiền công cho thợ.

Sau hơn 3 tháng, hai ao cá của Hình hoàn thành trong sự ngạc nhiên của mọi người. Chàng trai Xê Đăng lại lặn lội xuống huyện mua giống cá, tìm người tư vấn cách nuôi và chăm sóc cá. Hai ao cá của Hình trở thành bể nước lớn vừa tích nước cho dân làng vào mùa khô hạn, vừa là nguồn thức ăn dự trữ quý giá.

Hình đang tính lập trang trại nuôi heo, gà. “Sang năm mình sẽ làm trang trại nuôi heo, nuôi gà để phục vụ dân làng. Thịt cá dưới xuôi lên đến đây đắt đỏ mà đâu còn ngon nữa. Tội gì mình không làm, vừa có thu nhập vừa giúp đỡ dân làng”.

Làm được, chơi được

Ngôi nhà của Hồ Văn Hình gọn gàng ngăn nắp, đầy đủ tiện nghi. Trong nhà có 5 cái tivi trong đó có 3 chiếc màn hình phẳng đời mới, 3 cái tủ lạnh, một đàn Organ lớn, chưa kể đầu đĩa, đầu kỹ thuật số các loại, chăn màn, giường chiếu ngăn nắp.

< Những gốc thông cổ thụ trên núi Ngọc Linh.

Hỏi sao mua nhiều ti vi thế. Hình cười: “5 cái cho 5 đứa con, mỗi đứa một cái khỏi giành nhau”. Ngỏ ý muốn mở tủ lạnh xem có gì không, Hình lắc đầu: “Không được đâu”. Hỏi bên trong có gì mà bí mật thế, Hình cười, không nói. Có lẽ bên trong toàn sâm quý. Đưa máy ảnh lên chụp cảnh ngôi nhà, Hình cũng không cho chụp vì: “Sợ trộm biết. Chụp ngoài ao cá đủ rồi”. Sau này mới biết, tình trạng mất cắp sâm quý diễn ra liên tục ở Trà Linh khiến người dân cảnh giác với khách lạ.

“Năm 2009, xây hồ cá xong, mình bán 5kg sâm dẫn cả nhà với ông bà nội ngoại ra Thủ đô chơi một tuần, đưa cả nhà vào thăm lăng Bác. Mình ước mơ thăm lăng Bác từ lâu rồi mà”, Hình kể. “Thằng Hình đi về mang ảnh cho dân làng xem, kể chuyện vào lăng Bác Hồ cho dân làng nghe ai cũng ưng lắm. Nó là đứa đầu tiên ở đây được ra thủ đô, được vào thăm lăng Bác đó”, già làng Hồ Văn Lài cho biết.
Chuyến đi đó, cả gia đình Hình tiêu tốn hơn 60 triệu đồng chưa kể tiền vé máy bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội. Hình trở thành người đầu tiên của Trà Linh đi máy bay.

Hình mang bình rượu chứa đầy sâm mời khách, rồi vào nhà lấy mấy lon bia Heineken. “Mình uống bia thôi. Mỗi ngày 10 lon. Khi nào đau ốm mới mang sâm ra dùng”. Hình bảo, đường nam Quảng Nam làm xong, anh sẽ xuống tỉnh đi học lái, mua ô tô riêng để chở con, chở học sinh của thôn xuống huyện học chữ.

Bỗng điện thoại reo. Hình rút điện thoại ra nghe. Chiếc Nokia E72 sáng loáng. Dân làng đang rủ nhau đi canh sâm. “Thôi mình phải lên núi canh đây. Trộm sâm dữ lắm. Trộm từ dưới xuôi lên có, từ bên Kon Tum qua cũng có. Mình chủ quan một tý là mất tiền tỷ như chơi”. Hình vác dao, cùng ba lô đầy gạo, thịt cá hộp lên núi. Từ nhà Hình lên vườn sâm phải mất 4 tiếng đồng hồ đi bộ. Để bảo vệ Sâm, dân làng chia nhau đi canh, một đợt kéo dài từ 5-7 ngày.

Ông Hồ Vũ Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết: “Ở Trà Linh những tỷ phú giàu nhờ sâm không thiếu. Nhưng người trẻ dám nghĩ dám làm và dám chơi thì chỉ có Hình”.

“Ông Tây, bà Tây” giữa núi rừng

< Bà Tây Hô Thị Yên mũi dài, trắng trẻo.

“Trên này có nhiều nhà cha mẹ con cái giống Tây. Ai cũng cao to trắng trẻo lắm”, phóng viên Hoàng Thọ nói. Là người gắn bó với xã Trà Linh từ lâu nên anh Thọ khá rành rẽ. Ở Trà Linh có những rừng thông cổ thụ. Đó là rừng thông do người Pháp trồng từ những năm còn đô hộ nước ta.

Lên thôn 3, vòng qua thôn 4 chúng tôi bắt gặp những rừng thông nguyên sơ. Già làng Hồ Lăng (80 tuổi) cho biết: “Tôi nghe bố mẹ kể lại, trước đây người Pháp lên đây thăm dò, định vị, đo đạc, rồi đóng quân. Rừng thông do người Pháp trồng”. Những cây thông cổ thụ giờ đây tạo nên cảnh trí đẹp nên thơ giữa núi rừng Ngọc Linh. Và như lẽ thường tình, những đứa con Xê Đăng lai Pháp ra đời. Con cháu họ giờ sống rải rác khắp Trà Linh.

Tay chơi Hồ Văn Hình ở nóc Tăk Lan, cũng mang một phần dòng máu Pháp. “Hôm mình ra Thủ đô, có mấy người bán hàng tưởng là Tây nên chạy theo nói tiếng Tây chào mời”, Hình cho biết. Cả 5 đứa con của Hình cũng trắng trẻo và khôi ngô, giống bố. Dù cả Hình và vợ là Hồ Thị Vân đều sinh ra và lớn lên ở Trà Linh.

Theo chỉ dẫn của dân làng tôi tìm đến gia đình già làng Hồ Văn Lôi (73 tuổi) người “giống Tây” nhất nóc Tăk Lan. Già Lôi khỏe mạnh, giọng nói hào sảng, da trắng, mũi dài, mắt xanh, mái tóc vẫn vàng một cách tự nhiên: “13 người con của tôi toàn bộ tóc xoăn, da trắng, mũi cao, con trai có râu quai nón, cao to”.
Sáu người con gái của già Lôi đẹp nổi tiếng cả xã bởi nước da trắng ngần, cao ráo, mắt xanh, sống mũi cao. Già Lôi khoe: “Con Thế (con gái thứ 3) xinh gái nhất thôn. Có anh kỹ sư lên đây lắp điện mê nó, rồi xin cưới nó về dưới Tam Kỳ. Nó giờ sướng thân rồi, không phải khổ như các chị em nó. Mỗi năm một lần hai vợ chồng mới về thăm bố mẹ, dân làng”.

Bên ly rượu nồng già Lôi kể lại rằng: Bà ngoại của già là Y Xoan người sống ở xã Trà Tập, nơi có căn cứ của quân đội Pháp đóng. Bà Y Xoan có tình cảm với một người lính Pháp, có với nhau một người con gái đặt tên là Y Giáp. Sau khi sinh hạ, Y Xoan lên Trà Linh lấy chồng và có thêm một người con nữa.

Y Giáp, cao, trắng trẻo, mũi cao mắt xanh. Y Giáp có chồng và sinh ra 3 người con, trong đó già Lôi giống mẹ nhất. Y Giáp đã mất, nhưng nhắc đến tên bà người dân thôn 3 Trà Linh đều biết, bởi dung nhan khác thường.

Những người cháu của già Lôi giờ cũng vậy, đều có nét giống ông và bố mẹ chúng. Hồ Thị Thu đứa con gái út của già Lôi năm nay học lớp 10 trường dân tộc bán trú Nam Trà My kể rằng: “Ngày em xuống nhập học, thầy cô trong trường không tin em là người dân tộc Xê Đăng. Em nói mãi thầy cô mới tin và cho em nội trú”. Lý do vì Thu trắng trẻo, mũi cao, tóc vàng khác hoàn toàn với học sinh Xê Đăng, Ca Dong của trường.

Chúng tôi tình cờ gặp Hồ Thị Yên, con gái của Hồ Văn Dũng cõng hai đứa con song sinh đi chơi. Yên năm nay mới 21 tuổi, lấy chồng năm lên 18. Yên là một trong số bà Tây của thôn Tăk Lan. Vòng qua thôn 4 Trà Linh chúng tôi bắt gặp những chàng trai, cô gái cao to vạm vỡ, mũi dài, tóc vàng, xinh đẹp giữa núi rừng.

Hỏi già Lôi, già Long, hỏi Hình, Yên có muốn biết gốc gác của mình. Tất thảy đều lắc đầu. Già Lôi bảo: “Gốc gác thuộc về quá khứ, lịch sử. Trong tôi, con cháu có dòng máu người Pháp nhưng tôi luôn tự hào mình là người con Xê Đăng được núi rừng nuôi lớn lên”.

Ký sự - Trên đỉnh Ngọc Linh - Kỳ 1

Du lịch, GO! - Theo báo Tienphong
Gần một tuần vượt rừng, lội suối lên núi Ngọc Linh - Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) mới nhận ra, xứ sở sâm quý còn có những người, những chuyện lạ kỳ hơn cả... sâm.

Người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh có thể được xếp vào bậc đệ nhất thiên hạ trong chuyện thưởng thức rượu. Già trẻ, gái trai ở đây đều uống rượu và ăn thuốc.

Lên non

Thấy chúng tôi quyết định lên Ngọc Linh, cánh xe ôm tại thị trấn Tắc Pó lắc đầu: “Đừng liều. Khóc giữa đường ráng chịu”. So sánh những chiếc xe Minsk rất bụi đời của cánh xe ôm với những chiếc Wave, Dream cũ nhèm, yếu hơi của cánh phóng viên thì hành trình chinh phục có vẻ quá xa vời.
.
Nhưng vẫn quyết đi. Tuyến đường nam Quảng Nam nham nhở, sau trận mưa càng trở nên sình lầy. Những dốc cao hun hút, chênh vênh giữa bốn bề núi rừng. Xe liên tục cài số 1. Tưởng chừng phải bỏ cuộc, cuối cùng 11h trưa, chúng tôi đến xã Trà Linh. Đây mới chỉ là chặng đường dễ dàng nhất. Từ Trà Linh lên đỉnh Ngọc Linh phải vứt lại xe, leo núi.

Trà Linh gồm 4 thôn với 12 nóc nằm rải rác giữa dãy Ngọc Linh hùng vĩ. Không biết lối đi. Chợt phía sau có giọng trẻ con: “Mấy chú lên thôn mấy. Nếu lên thôn 3 cháu dẫn đường cho. Cho cháu gói bánh về làm quà cho em”. Ngoảnh lại, một cậu bé đen đúa trên vai trĩu nặng gùi hàng. Hồ Văn Hời năm nay học lớp 6 nhưng chiều cao cân nặng chỉ bằng cậu bé lớp một dưới xuôi. “Con gùi cát lên để xây lớp ở thôn. Một ký được 1 ngàn đồng. Con gùi được 25 ký”. Nghỉ hè, Hời cùng bạn bè trong thôn rủ nhau đi gùi cát xi măng để xây trường học.

< Người dẫn đường tý hon Hồ Văn Hời.

Theo chân Hời bắt đầu băng rừng leo núi. Gùi trên lưng trọng lượng nặng hơn mình, Hời vẫn đi thoăn thoắt. Chúng tôi theo không kịp, thở cả ra đằng tai. Thỉnh thoảng Hoàng Thọ, phóng viên Đài huyện Nam Trà My phải gọi với: “Hời ơi. Nghỉ đã. Ly ò, ly ò (tiếng người Xê Đăng nghĩa là mệt quá)”.

Dọc đường gặp nhóm thanh niên thôn 3 đang nghỉ bên bờ suối. Một thanh niên vai gùi tivi, một tay xách chú vịt, tay kia cắp can rượu 5 lít: “Mua được tivi. Mua thêm rượu và mồi về cả nhà ăn nhậu. Tối cán bộ ghé uống nhé!”. Nhóm thanh niên này xuống núi từ chiều hôm qua, ăn nhậu no say, trưa nay mới lên lại. Một thanh niên mặc áo sẫm màu, bê bết bùn đất, tựa vào vách đá nhìn chúng tôi với ánh mắt hoang dã. “Nó say hôm qua tới giờ. Đi không vững, té ngã mấy lần rồi!”, một người trong nhóm lên tiếng.

Rượu - nước, thuốc - cơm

Gần 3 tiếng đồng hồ theo chân Hời, cùng nhóm thanh niên, chúng tôi đến nóc Tăck Lan thuộc thôn 3 khi mây mù bắt đầu phủ kín đỉnh Ngọc Linh. Chân tay, xương cốt rã rời.

< Chị Tin một ngày nấu gần 100 lít rượu bán cho dân làng.

Ghé quán hàng đầu nóc Tăck Lan. Chị Nguyễn Thị Tin, người ở huyện Núi Thành lên đây buôn bán được 2 năm đang phơi nong cơm mới để ủ rượu tất tả ra chào khách. Biết người xuôi lên chị Tin mừng lắm.
“Đây buồn lắm. Hai vợ chồng lên đây buôn bán vài năm kiếm tiền nuôi con ăn học rồi về xuôi. Buôn bán cũng được nhưng chỉ có điều dân làng nợ nhiều quá. Gần 30 triệu rồi, toàn tiền rượu, sổ nợ ghi chẳng hết. Nợ nhưng mình không dám đòi”.

Người dân đợi đến mùa bán sâm mới có tiền trả. Nhưng nhiều hộ nghèo nợ không trả nổi một xu. Như chợt nhớ điều gì chị Tin lại lên tiếng: “Mấy anh em qua chỗ cậu Long công an thôn nói nó tiếng. Nói với nó khi nó còn tỉnh. Lên đây không trình báo, nó say vào là hỏi chuyện đó”.

Đang nói chuyện với chị Tin, một cậu bé chừng 10 tuổi ôm can rượu to hơn người bước vào nói câu trống quơ: “Rượu”. Chị Tin hỏi: “Bao nhiêu?”. “3 lít. Ghi nợ cho bố Hài”. Rót rượu cho cậu bé, chị Tin nói: “Thế đó. Buôn bán trên này là thế. Dân đây uống rượu như uống nước lã. Nóc này có 45 hộ. Mỗi ngày tôi nấu gần 100 lít nhiều hôm không đủ. Chưa kể đến rượu đám thanh niên xuống núi mang lên, rượu cần trong dân tự ủ nữa đó”.

Ở đây, những phụ nữ như Dung biết uống rượu từ khi 8-9 tuổi. Ai cũng uống rượu hết. Không uống rượu khó lấy được chồng. Chưa đầy 30 phút can rượu 5 lít hết sạch. Long sai vợ đi lấy thêm.

< Người Xê Đăng uống rượu như uống nước.

Chúng tôi ghé nhà Hồ Văn Long, trưởng công an nóc Tăck Lan để trình báo. Long 25 tuổi, nhưng trông người già quắt. Long và 4 người khác đang chuẩn bị bắt đầu cuộc nhậu. Xung quanh mấy chị em xúm lại cười nói rôm rả “Nhà báo à. Vào uống đã rồi tính sau”. Một can rượu 5 lít đã dựng sẵn bên.
“Uống đi. Uống xem rượu trên này ngon hơn dưới xuôi không”, Long rót rượu ra bát lớn mời chúng tôi. Thấy những bát rượu to, đầy tràn, cả bọn chúng tôi đều ngợp. Hoàng Thọ đá chân nói nhỏ: “Tập tục người dân quý khách đãi rượu đầy, gắng uống hết, không họ trách”.

Thỉnh thoảng Dung vợ Long và mấy chị em giơ ly rót rượu cùng uống. Ngọt xớt, không thua kém gì đàn ông. Ở đây, những phụ nữ như Dung biết uống rượu từ khi 8-9 tuổi. Ai cũng uống rượu hết. Không uống rượu khó lấy được chồng. Chưa đầy 30 phút can rượu 5 lít hết sạch. Long sai vợ đi lấy thêm.
Long bảo: “Bọn mình không hút thuốc. Hút thuốc có hại cho sức khỏe. Bọn mình nhai thuốc thôi. Nhai như nhai cơm, nhai thế này mới ngon”.

Nói rồi Long rút từ túi quần một hộp nhỏ, chứa thứ bột sẫm màu. Đổ bột ra tay, ngả miệng, le lưỡi liếm sạch. Bột thuốc dắt ở kẹt răng, Long nuốt nước, rồi phun bột ra ngoài. Đó là bột được nghiền từ lá thuốc. Dân ở đây nhai thuốc, thay vì hút thuốc.

Chúng tôi về lại quán vợ chồng chị Tin lúc nửa đêm xin tá túc chờ trời sáng. Tiếng đàn ông lè nhè, tiếng phụ nữ cười nói rôm rả giữa núi rừng trong đêm sương mù lạnh giá. Ngả lưng xuống chiếc chiếu được trải giữa nền đất chưa kịp chợp mắt đã nghe tiếng gõ cửa rầm rầm. Một giọng lè nhè: “Rượu…”.

Chồng chị Tin làm biếng lên tiếng: “Hết rồi”. Cửa vẫn bị đập liên hồi, chị Tin lật đật dậy mở cửa rót rượu cho một thanh niên. “Không bán cho nó thì đừng hòng ngủ được. Nó gõ cửa cả đêm. Ngày nay bán hơn 80 lít, mai còn phải dậy sớm nấu rượu rồi”, giọng chị Tin ngái ngủ.

Trên đỉnh Ngọc Linh - Kỳ 2

Du lịch, GO! - Theo báo Tienphong
Nói đến tháp Chăm (tháp Chàm), người ta thường mường tượng tới những ngọn tháp dựng trên những quả đồi cao in bóng giữa trời xanh của vùng duyên hải miền Trung quanh năm dạt dào sóng biển và lồng lộng nắng gió.

Nhưng ở Tây nguyên cũng lại có tháp Chăm, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người làm công tác nghiên cứu văn hóa, khảo cổ. Đó là tháp Yang Prông nằm tại một khu rừng thuộc tỉnh Đăk Lăk.

Tháp Chăm Yang Prong Là tháp Chàm duy nhất ở Tây Nguyên , thuộc huyện Ea Súp cách Buôn Ma Thuột 100 km. Từ thành phố Buôn Ma Thuột, theo tỉnh lộ 1, vượt qua chặng đường khoảng 100 km là tới trung tâm huyện Ea Súp. Lại đi tiếp ngót 20 km nữa. Gần đến cầu Ea Rôk, rẽ phải, qua vài xóm nhỏ nhà cửa thưa thớt, chúng tôi tới cánh rừng nơi có ngọn tháp Yang Prông huyền bí.

Xây dựng vào cuối thế kỷ XIII để thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga, cầu mong sự nảy nở của giống nòi,và ấm no hạnh phúc.Tháp Yang Prong là một khối kiến trúc bằng gạch nung đỏ trên nền cao bằng đá xanh uy nghi bên dòng Ea H'leo. Theo tiếng của cư dân bản địa Tây Nguyên thì Yang là “thần”, Prong là “chức vụ cao nhất”, vì vậy Yang Prong có nghĩa là “thần tối cao”, hay “thần đứng đầu trong các vị thần”, hoặc “thần lớn”.

Việc xây dựng ngôi tháp này, trước hết đó là nhu cầu của cộng đồng cư dân, phù hợp với tín ngưỡng và tâm linh của người Chăm. Tháp thờ thần Mukha Linga cầu mong cho người Chăm sinh sôi, nảy nở ở vùng đất Tây Nguyên.

Tháp Yang Prong là khối kiến trúc có đáy hình vuông, xây bằng gạch (giữa các lớp gạch không thấy mạch vữa liên kết), mỗi mặt tường rộng 5m, cao 9m (không kể chóp), tháp có một cửa ra vào duy nhất mở về hướng Đông có bề rộng 1,06m; diện tích lòng tháp hơn 5m² -  3 mặt tường còn lại, mỗi mặt có 3 cửa giả; chóp tháp được tạo thành bởi những lớp gạch xếp chồng lên nhau. Phía giữa mở rộng và đỉnh hình thon vút hình tháp bút, khác biệt với kiến trúc của các tháp Chàm khác ở Trung Bộ.
Nền tháp được làm bằng những phiến đá xanh mài nhẵn và xung quanh tháp rải rác có những khối đá xanh với các kích cỡ khác nhau.

Trước kia, trong tháp có thờ một bộ linga - yoni bằng đá để cầu mong thần phù trợ cho hằng năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn loài sinh sôi nảy nở (linga và yoni là tượng vật biểu trưng cho sinh thực khí của nam và nữ, thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Chăm). Trải bao thăng trầm của lịch sử, bộ linga đó đã bị mất. Trong tháp giờ có một ban thờ chính và ba ban thờ nhỏ. Đây là những ban thờ do người đời sau lập nên.

Sau tháp, cách không đầy 50m là dòng suối Ea H’Leo. Nằm giữa khu rừng hoang sơ sau lưng là suối, đây quả là điểm khác thường trong việc chọn vị trí xây tháp của người Chăm bởi thường các tháp Chăm đều được xây dựng trên đồi cao thoáng đãng, không bị che khuất tầm nhìn.

Năm 1991, tháp Chàm Yang Prong, ở thôn 5, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp (Đắc Lắc) được công nhận là Di tích kiến trúc cấp quốc gia. Hằng năm, vào những dịp lễ tết, bà con các dân tộc trong vùng vẫn đến đây hương khói, cúng tiến... cầu mong mọi sự an lành.

Ðến thăm tháp Yang Prong bạn sẽ cảm nhận một nét độc đáo, hiếm thấy. Hiện nay đây là điểm thu hút nhiều nhà nghiên cứu và khách du lịch khi đến với cao nguyên.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Tuoitre, Daklakexpress

Hơn 10 năm trước, tỉnh Đắc Lắc đã thực hiện những đợt trùng tu, nhưng trước đó phần lớn hiện vật trong tháp đã bị mất, hoặc hư hại không thể phục chế. Tài liệu về tháp Yang Prong của những nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định, năm 1906 hiện vật còn lại duy nhất trong tháp là 1 tượng thần Mukha Linga bằng đá, nhưng hiện nay tượng này cũng không còn.
.
Vào thời điểm trùng tu tháp, Bảo tàng tỉnh Đắc Lắc chỉ thu giữ được một đầu con chim hạc bằng đất nung. Những đợt trùng tu trước đây, để tránh cho tháp khỏi bị đổ, ở phần tiếp giáp thân và chóp tháp người ta đã phải sử dụng khung sắt để cố định. Xung quanh việc trùng tu còn có những ý kiến cho rằng, việc dùng gạch xây nhà để xây tháp là không phù hợp, cửa ra vào của tháp hiện làm không đúng nguyên bản…

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống