Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 5 July 2011

Nhà người Khmer miền Tây Nam Bộ bao giờ cũng có vài ba lọ mắm vừa để ăn, vừa đãi khách quý. Hầu hết các món ăn của người Khmer như canh, lẩu, chiên, chưng… bao giờ cũng được nêm chút mắm này cho dậy mùi.

Sống tại mảnh đất miền Tây Nam bộ màu mỡ và trù phú, đồng bào dân tộc Khmer có những món ăn đặc trưng góp hương sắc cho văn hóa ẩm thực miền Tây. Một trong những đặc sản Khmer là món mắm bò hóc có hương vị đậm đà khó quên.

Mùa nước nổi, khi cá kéo lưới được nhiều, ăn không hết, bà con nghĩ đến cách làm mắm để dành. Như bao dân tộc khác, người dân Khmer cũng có cách làm pro - hok (mắm) rất riêng, mà ta vẫn gọi là “mắm bò hóc”.
.
Nhiều người cho rằng mắm bò hóc khó ăn vì chẳng khác gì món cá… để sình, nhưng thực ra không phải vậy. Đây là một loại mắm rất ngon, có cách làm công phu, cầu kỳ hơn nhiều so với mắm cá của người Việt. Bất kỳ loại cá nào cũng có thể chế biến thành mắm bò hóc, nhưng có lẽ ngon nhất vẫn là cá lóc (cá quả).

Cá được làm sạch, ngâm nước một đêm cho hơi trương lên mới đúng điệu, rồi tiếp tục bỏ đầu và ruột, rửa kỹ bằng nước muối. Sau đó, cá được xếp vào lọ theo công thức một muối, một cá và nửa bát cơm nguội, dằn kín, để khoảng ba tháng là có thể dùng. Mắm bò hóc ngoài vị ngọt của cá đồng còn có vị béo, bùi của cơm nên mùi không quá gắt. Phía trên lọ bao giờ cũng có một lớp nước sóng sánh vàng như mật, thường được chắt riêng ra để dùng như một loại nước mắm ngon.

Đến thăm nhà người Khmer, bao giờ cũng thấy vài ba lọ mắm vừa để ăn, vừa để đãi khách quý. Hầu như trong các món ăn của người Khmer như canh, lẩu, chiên, chưng… bao giờ cũng được nêm chút mắm này cho dậy mùi. Thông thường, chỉ cần bát cơm nguội, vài lát dưa leo ăn với mắm được nêm thêm đường, chanh, tỏi, ớt… cũng đủ “ghiền”. Có khi mắm được bằm nhuyễn, chưng với thịt, trứng vịt hay cuốn bột chiên giòn. Món ăn dân dã này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống người dân, từ bữa cơm vội giữa đồng hay trên mâm cao cỗ đầy ngày lễ tết.

Từ mắm bò hóc, người Khmer đã tạo ra một món ăn mà nay đã trở thành đặc sản miền Tây: bún nước lèo. Món này còn được gọi là bún nước ngải, bởi trong thành phần chế biến không thể thiếu củ ngải bún - một loại gia vị gần giống như riềng nhưng có mùi thơm và hương vị rất đặc trưng. Nếu thay thế bằng riềng hoặc gừng, món ăn sẽ không còn đậm đà và mất đi hương thơm đặc trưng.

Nguyên liệu chính để chế biến bún rất đơn giản: cá lóc, ngải bún, thêm các gia vị như sả, ớt… và tất nhiên không thể thiếu mắm bò hóc. Cá được làm sạch, nấu chín, vớt ra lọc lấy thịt giã nhuyễn. Nồi nước lèo được cho mắm vào theo tỷ lệ vừa đủ, nấu lửa liu riu cho đến khi rã thịt, lọc bỏ bã. Cuối cùng là cho thịt cá cùng các loại gia vị như sả, ớt, ngải bún vào, nêm nếm cho vừa.

Khi ăn, cho bún vào tô kèm với các loại rau như giá, hẹ, bắp chuối, rau thơm… rồi chan nước lèo, thêm miếng chanh và một chút muối ớt (nếu nêm nước mắm sẽ làm tô bún bị chua). Nồi bún nước lèo ngon phải có nước trong, thơm lừng mùi mắm, quyện với mùi ngải bún và ngọt lịm vị cá đồng. Người chưa ăn, chỉ cần nghe mùi nước lèo là đã thấy thèm, ăn vào thì bị cái vị là lạ, ngòn ngọt, cay cay ấy làm cho háu đói, muốn thêm tô nữa.

Bún nước lèo vốn được xem là một phần linh hồn của người Khmer, bởi chỉ cần nhìn vào tô bún là thấy hết cái chất văn hóa ẩm thực trong ấy: bề ngoài tuy mộc mạc, nhưng mỗi gắp bún lại chứa đựng cái tinh túy của món ăn, cái tình và sự công phu của người nấu. Ở mỗi địa phương, cách nấu bún nước lèo cũng có nhiều “biến thể”. Đôi khi người ta cho thêm vào tô bún vài con tép, thịt heo quay, cặp trứng hoặc ruột cá lóc để ăn lấy no. Nhưng, tất cả những thứ ấy chỉ là phụ, vì phần đặc sắc nhất nằm ở cái ngon của nước lèo đã thấm vào từng sợi bún.

Mắm bò hóc còn xuất hiện trong món canh (sim-lo) của người Khmer, một món canh có cách nấu khá lạ. Có nhiều loại sim-lo khác nhau như sim-lo măng, sim-lo mít, sim-lo thốt nốt, sim-lo cá… Ngon nhất là món sim-lo lò cô (thập cẩm) nấu từ nhiều loại rau củ như ngọn nhãn lồng, bù ngót, các loại quả non như thốt nốt, mít, chuối nước, đu đủ, trái nhàu… được xắt lát mỏng, ngâm nước muối. Ngoài ra còn có cá lóc, sườn heo non và không thể thiếu một chút mắm bò hóc, sả, ớt, thính… rồi hầm nhừ.

Sim-lo lò cô có vị ngọt thanh của rau củ, ngọt béo của thịt, cá, xen lẫn vị hơi chua của thính rất khoái khẩu và chất mặn mòi của mắm bò hóc. Riêng món canh lò cô để đãi khách hoặc cúng thì phải có đủ 10 thứ rau quả và mất 3 - 4 giờ chế biến. Vì lẽ đó, khi thưởng thức hương mắm bò hóc cùng những món ăn của người Khmer, cảm nhận lớn nhất có lẽ là cái tình trong mỗi món ăn, bởi có quý lắm, thương lắm mới đãi nhau ân cần và tỉ mẩn đến thế!

Du lịch, GO! - Theo báo Phụ Nữ TP HCM
Là một trong những hang động hùng vĩ và đẹp nhất của huyện Bắc Hà, Lào Cai, động tiên Cốc Ly được coi là một "Bích Động” hay “Phong Nha Kẻ Bàng” mới, trên cao nguyên gần 2.000 m so với mực nước biển.

< Cửa động tiên Cốc Ly.

Động tiên Cốc Ly nằm trên tuyến du lịch khám phá sông Chảy. Động được những người dân bản địa nơi đây phát hiện từ rất sớm nhưng vẻ đẹp và sự thơ mộng của nó chỉ thực sự được biết đến trong một vài năm trở lại đây khi du lịch phát triển, đặc biệt khi tuyến du lịch Bảo Nhai - chợ Cốc Ly được hình thành.

Sở dĩ được gọi là động tiên bởi nó được gắn liền với truyền thuyết về ba nàng tiên giáng trần. Ba nàng tiên được Ngọc Hoàng cho đi thăm thú cõi trần gian, khi ngang qua vùng này đã bị vẻ đẹp hữu tình của hang động níu giữ, không muốn về trời. Ngọc Hoàng biết chuyện đã nổi giận, sai Thiên Lôi xuống trị tội.
.
Biết không thể thoát khỏi sự trừng phạt của nhà trời, ba nàng gieo mình tự vẫn. Xác họ được dòng nước đưa xuống vùng hạ lưu (trung tâm xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà ngày nay), dân làng gần đó vớt lên tống táng và lập miếu thờ mang tên miếu Ba Cô, tục truyền miếu rất thiêng.

< Cảnh non nước hữu tĩnh bên ngoài động.
< Nhũ đá như những đài hoa lớn.
< Có lúc lại như những đóa sen không lồ tỏa từ trên cao xuống.

Động là điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình khám phá dọc sông Chảy. Đây là một quần thể gồm ba hang động, mỗi hang lại có vẻ đẹp riêng biệt. Động Cốc Ly là cả một thế giới của thạch nhũ muôn hình vạn dạng treo mình lộn ngược và bị che kín bởi bức rèm bằng dây leo ngoài cửa hang.
< Lúc lại như tòa sen hướng lên trên, thật ngoạn mục.
< Những hang rêu phong mời gọi bước chân người khám phá.

Động giống như một mê cung kỳ vĩ được thiên nhiên tác tạo, nhũ đá mang dáng dấp của tháp cổ to nhỏ kết hợp với những luồng sáng hiếm hoi hắt vào khiến không gian bên trong thêm huyền ảo. Động này còn là nơi trú ngụ của các loài dơi núi.


Du lịch, GO! - Theo DatViet
Hồ Đồng Thái là một hồ nước ngọt nằm trên địa bàn xã Yên Đồng, Yên Thái huyện Yên Mô và xã Đông Sơn thị xã Tam Điệp tỉnh Ninh Bình. 

Toàn bộ hồ có diện tích 2.185 ha trong đó có 380 ha được quy hoạch thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Đây là hồ nước lớn nhất Ninh Bình với nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Hồ Đồng Thái là một hồ rộng với hình dạng bị cắt xẻ nhiều. Bờ hồ nằm uốn lượn tạo ra nhiều "bán đảo" với nhiều thung lũng đẹp, diện tích từ 2 - 10 ha, Các thung lũng là khu rừng nguyên sơ với nhiều loại động, thực vật hoang dã. Phần lớn thung lũng có bề mặt bằng phẳng, rất thuận lợi xây dựng các khu vui chơi, giải trí hoà quyện với thiên nhiên.
.
Hồ Đồng Thái nằm trong dãy núi Tam Điệp nên có cảnh quan rất đẹp và gần nhiều di tích lịch sử văn hóa khách như cửa Thần Phù, động Mã Tiên, phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn thuận lợi kết hợp thành những tour du lịch hấp dẫn.

Đi thuyền qua hồ Đồng Thái vào chân núi, du khách lên thăm động Mã Tiên. Men theo gần 100 bậc đá, bên sườn núi để đến cửa động. Cửa động cao đến 15 m, rộng 10 m, trông giống miệng của con cá khổng lồ. Nền hang ở động trũng xuống, không phẳng với nhiều khối đá lớn nhỏ, đặc biệt có những tảng đá lớn nhấp nhô như một đàn voi đang nô đùa. Từ nền hang đi qua một cửa hang hẹp sẽ bước lên tầng 2 của động với 5 buồng hang. Mỗi buồng hang là một cảnh sắc khác nhau, đầy mới lạ gắn với những truyền thuyết như: Bàn tay tiên, Giếng ngọc. Động Mã Tiên cũng có rất nhiều đền, chùa, miếu mạo mang yếu tố tâm linh gắn với những lễ hội dân gian đặc sắc.

Vượt qua triền núi thấp, bằng đường mòn, du khách sẽ đến với những thung lũng to nhỏ khác nhau. Đâu đó, tiếng chim gọi bầy từ những khu rừng nguyên sơ bỗng làm tan vỡ khoảng không yên lặng, tạo ra một âm sắc mới, âm sắc của sự sống và khát vọng. Thế nhưng, ngay sau đó, sự tĩnh lặng sẽ trở về, trả lại cho du khách những giờ phút nghỉ ngơi thoải mái.

Hồ Đồng Thái là nơi phát triển nhiều loại hình du lịch giải trí như du thuyền, đua thuyền, cắm trại, săn bắn, mua sắm hàng hoá, hành hương đến các đền, phủ, leo núi, khám phá hang động, nghỉ dưỡng .v.v.
Dự án sân golf 54 lỗ lớn nhất Việt Nam đã được xây dựng tại khu du lịch hồ Đồng Thái - Yên Thắng, năm 2008 đưa vào vận hành giai đoạn 1.

Lâu nay Đồng Thái được xem là địa điểm lý tưởng cho những ngày nghỉ cuối tuần của du khách, nó quyến rũ người ta bằng nhiều loại hình du lịch thú vị như du thuyền, đua thuyền, cắm trại, săn bắn, du lịch văn hóa - lịch sử hay mua sắm hàng hóa...
Cùng với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, đây cũng là điều tạo nên dấu ấn đẹp trong lòng du khách mỗi khi chia tay Đồng Thái, một góc hồn của cố đô xưa.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Vietnamangling, NTO, Dongatravel

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống