Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 6 July 2011

Bidoup - Núi Bà nổi tiếng bởi vẻ đẹp hùng vĩ, với sinh cảnh đặc trưng cho hệ sinh thái rừng của vùng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và vùng núi thấp của Nam Việt Nam. Với núi, sông, thác, hồ trong các cánh rừng nguyên sinh, Bidoup - Núi Bà đang trở thành điểm đến của du lịch sinh thái. 

Rừng Bidoup - Núi Bà nằm trong hệ thống Vườn Quốc gia Việt Nam - Với diện tích trên 65 ngàn ha - Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà nằm trên địa bàn hành chính huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông. Đi vào rừng Bidoup - Núi Bà, du khách được chiêm ngưỡng rừng kín thường xanh lá rụng, rừng kín hỗn hợp cây lá rộng và lá kim ẩm á nhiệt đới; rừng lùn đỉnh núi, rừng thưa cây lá kim (thông ba lá), kiểu phụ rừng rêu.

Trong rừng Bidoup – Núi Bà chúng ta luôn bắt gặp nhiều loài cây lâu năm, thân rất lớn như chò sót, chò nước, pơmu, thông nàng, thông chàm, thông năm lá (đây là loại cây rất hiếm, chiếm tỉ lệ nhỏ, chỉ có ở một số đỉnh núi cao trong đó có Núi Bà), ngo tùng, thông hai lá dẹt (là loại thông quý hiếm của cả thế giới, thân có thể rộng 4m, cao trên 20m). Bên cạnh đó còn có giổi, long não, thông trê, thông lông gà…
.
Rừng ở đây còn có một số loài cây thuốc quý: Đại bi, Nam sâm, Ngưu tất nam, bổ cốt toái, Hoàng liên ô rô.
Rừng Bidoup - Núi Bà sở hữu 1561 loài thực vật có mạch thuộc 5 ngành, 161 họ, 861 chi. Trong đó, có 74 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật hết sức đa dạng gồm 10 bộ, 24 họ, 258 loài. Với sự hiện diện của các loài thú lớn móng guốc như: Bò tót, Trâu rừng, Sơn dương, Mang lớn… Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm trong vùng chim đặc hữu của cao nguyên Đà Lạt, gồm 15 bộ, 43 họ và 220 loài.

Trong đó 14 loài nằm trong sách đỏ Việt nam, 17 loài nằm trong sách đỏ thế giới: Khiếu đầu đen, Khiếu đầu đen má xám, Hiếu đầu xám, Bồ câu nâu, Trèo cây mỏ vàng, Sẻ thông họng vàng, Khiếu mỏ dài, Trĩ sao, Niệc nâu.

Đến rừng Bidoup – Núi Bà chúng ta được tận mắt chứng kiến nơi khởi thủy, đầu nguồn của các con sông chảy qua khu vực Tây Nguyên, Miền Trung và Đông Nam Bộ: Đó là sông Đồng Nai khởi nguồn từ Đạ Đờn; sông K’rông Nô, K’rông Ana, Sê rê pốk… Với những dòng thác tuyệt đẹp như Liêng ca, Liêng char, thác 7 tầng, thác K’long K’lanh.

Vẻ đẹp bất tận của miền sơn cước này đã cuốn hút các nhà thám hiểm, các nhà khoa học, hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng sinh vật cảnh, tham quan khu bảo tồn, thắng cảnh thiên nhiên và văn hóa bản địa, quan sát động vật hoang dã, tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên hoang sơ. Hiện nay vườn quốc gia Bidoup -Núi Bà đang đề xuất đưa du khách khám phá theo các tuyến: Đạ Sa -Liêng Ca; K’long K’lanh; K’long K’lanh - Hòn Giao; Đà Lạt -Cổng Trời; Đưng K’nớ - Sông K’rông Nô; Đa Nhim -Đưng Ja Riêng.

Du khách còn có nhiều lựa chọn cho chuyến khám phá rừng Bidoup – Núi Bà. Bất kỳ một người dân bản địa nào ở xã Đạ Sa, Đạ Cháy, Đa Nhim, đều có thể là một hướng dẫn viên nhiệt tình  giúp các bạn leo núi, vượt thác, đi xem lan rừng và các loại nấm… Rừng ở đây là tụ hội của 300 loài lan rừng Việt Nam như: Thanh lan, Hồng lan, Vân hài, Hoàng lan, Tuyết ngọn, Mắt trúc, Bạch nhạn, Lan sứa, Lá gấm… Đặc biệt người dân bản địa còn hái lượm nhiều loại nấm quý như: Linh chi, Xích chi, Hắc chi…

Sức quyến rũ của rừng Bidoup – Núi Bà còn ẩn chứa ở một vùng địa hình chia cắt, trải rộng trên cao nguyên Lâm Viên, có độ cao trung bình từ 1500 đến 1800m, với những đỉnh núimà du khách muốn được chinh phục đó là ngọn Bidoup có độ cao 2287m, núi Langbian cao 2167m. Điều ngạc nhiên thú vị là các thảm thực vật ở đây thay đổi theo độ cao, từ những thung lũnh bạt ngàn thông đến các khu rừng với vô vàn các loài cây có hàng trăm bộ gen quý hiếm. Sức hút của rừng nơi đây còn nằm ở những vách núi không thể vượt qua, những hốc ngách hiểm trở trong long dòng thác, dòng suối.

Du lịch, GO! - Theo báo Lâm Đồng, ảnh internet
Huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận có một hòn đảo nhỏ còn hoang sơ, dân địa phương gọi là cù lao Câu, còn du khách đặt tên đảo là “vương quốc đá”. Đảo cách bờ gần nhất ở xã Phước Thể khoảng 10km, cách TP Phan Thiết chừng 110km về phía bắc.

Lên tàu tại làng chài xã Phước Thể, sau khoảng 45 phút ngắm cảnh biển trời mênh mông du khách sẽ đặt chân lên cù lao Câu, nơi hoàn toàn không có resort, spa cao cấp và những nhà hàng sang trọng mà chỉ có sự mộc mạc, hiếu khách của người dân đảo cùng nắng, gió, đá và những bãi biển tuyệt đẹp.

Hầu hết du khách tìm đến cù lao Câu đều yêu thích thiên nhiên hoang dã nên họ chẳng ngại phải ngủ qua đêm tại nhà dân hoặc dựng lều ngoài biển hay tá túc tại đồn biên phòng (các anh bộ đội biên phòng vui tính sẵn sàng bố trí chỗ nghỉ ngơi cho bạn tại khu nhà tập thể).
.
Bạn có tin không: trên cù lao Câu ngoài đồn biên phòng chỉ có hai hộ dân, đã thế vào mùa mưa bão những cư dân ít ỏi này cũng vào đất liền, qua mùa mưa bão mới ra đảo sinh sống.

Chỉ vào ngày rằm tháng 4 âm lịch hằng năm, tàu thuyền của ngư dân lại nhộn nhịp đổ về, tập trung tại miếu thờ cá ông trên đảo để tế lễ cầu mưa thuận gió hòa, được mùa tôm cá bội thu.
Trước khi đặt chân lên đảo, tàu sẽ đưa du khách chạy quanh đảo ngắm những vườn đá trắng dọc quanh bãi biển. Muôn vàn những khối đá lớn nhỏ với vô số hình thù lạ mắt ở khắp đảo khiến người ta liên tưởng đã có bàn tay của bà mẹ thiên nhiên rải một trận mưa đá sỏi khổng lồ xuống ban tặng cho nơi này.

Đó là lý do vì sao những du khách đầu tiên đến với cù lao Câu đã đặt “nickname” cho hòn đảo nhỏ này là “vương quốc đá”. Trước khi lao mình xuống biển, bạn cần chuẩn bị ống thở và kính lặn để ngắm san hô và các loài cá đầy màu sắc bơi lội tung tăng ở các rạn san hô trước mắt mình. Hiện nay Cù lao Câu được quy hoạch làm khu bảo tồn sinh vật biển, trong tương lai hưá hẹn nhiều triển vọng về du lịch sinh thái.

Bơi lặn, đi dạo trên đảo cho đến khi chiều xuống cũng là lúc du khách ngồi lại bên nhau thưởng thức hải sản tươi sống: cá sọc dưa, sò điệp, mực nang, cá bống mú... Đặc biệt, du khách có thể được nếm hai món ngon là tôm đỏ và cá chình kho tộ. Tôm đỏ nhìn giống tôm hùm nhưng nhỏ hơn, vỏ màu đỏ sậm, râu dài, nướng mọi chấm muối tiêu chanh thật tuyệt hảo. Còn cá chình nhiều xương nhưng vị rất ngọt, kho với nước mắm đường nêm nhiều tiêu, ớt xanh, ăn với cơm nguội (thật ra đây là cơm mới nấu nhưng do trên đảo bốn bề lộng gió ngày đêm nên cơm vừa đơm ra chén đã nguội), ôi thôi... “bá chấy”!

Sau bữa tối cũng là lúc du khách ngồi bên ánh lửa bập bùng lắng nghe tiếng sóng biển và giao lưu với các chiến sĩ đồn biên phòng. Càng về khuya trời càng lạnh, lửa gần tàn không đủ ấm để mọi người xích lại gần nhau hơn. Lời ca tiếng hát quyện với tiếng đàn guitar réo rắt khiến thời gian như dừng lại...

Đón chào bình minh trên đảo là một trải nghiệm khó quên, nhất là với những du khách muốn có những bức ảnh đẹp của hừng đông trên biển. Dù muốn níu kéo thời gian để tận hưởng những thời khắc tuyệt vời trên đảo nhưng cũng đến lúc chia tay vì buổi sáng là thời điểm thích hợp nhất để rời đảo khi biển lặng và hiền hòa. Chia tay cù lao Câu với lời ước hẹn sẽ trở lại, tìm sự bình yên tâm hồn ở “vương quốc đá”.

Du lịch, GO! - Theo DulichTuoitre, Chudu24, internet
Thời nhà Nguyễn, các cung tần mỹ nữ đã biết dùng loại mỹ phẩm để trang điểm cho bản thân nhằm cuốn hút bậc vua chúa. Và đến nay bí quyết làm đẹp đó vẫn được lưu truyền.

Mỹ phẩm cho làn da cung phi

Vùng đất Thừa Thiên lắm nắng nhiều mưa xưa kia là kinh đô của nhà Nguyễn.

Bên trong những lâu đài, thành quách uy nghiêm, phía sau chốn nội cung, những bậc mẫu nghi, các quý bà, quý cô, các cung tần mỹ nữ vẫn có nhu cầu làm đẹp để cuốn hút những bậc vua chúa. Trước đây, việc làm đẹp của cung tần mỹ nữ trong Hoàng cung cực kì công phu và kĩ lưỡng. Không có hóa phẩm hóa học can thiệp, do đó những sản phẩm mà nữ giới dùng để làm đẹp hoàn toàn từ thiên nhiên.
.
Theo lời cô Trần Thị Ái Thu (SN 1963) tại số nhà 34 Tô Hiến Thành, thành phố Huế, chủ nhân của cửa hiệu phấn nụ bà Tùng nổi tiếng xứ Huế thì người đầu tiên nắm giữ bí quyết làm phấn nụ trong cung đình Huế chính là người mà cô Thu gọi là bà ngoại. Những bí quyết làm đẹp, những công thức pha chế để tạo nên các sản phẩm làm đẹp cho quý bà, chính người thị nữ này đã tập hợp lại để sản xuất hàng loạt với tên gọi của một dòng sản phẩm: Phấn nụ.

Gọi là phấn nụ vì viên phấn dưỡng da có hình như nụ hoa màu trắng, hồng cánh sen, hồng đào... từng màu lại có độ đậm nhạt khác nhau cho tương thích với từng loại da.

Nụ phấn thành phẩm mát lạnh, thơm nhẹ và xinh xắn. Phấn nụ xưa chỉ có màu trắng tinh khi thoa lên da người phụ nữ sẽ có gương mặt của các nàng geisha của Nhật Bản. Dòng phấn dưỡng da còn có phấn nước dùng về đêm, khi dùng lắc đều cho bột phấn hòa cùng nước thuốc thành một dung dịch sền sệt, đắp lên mặt có tác dụng như một lớp mặt nạ bùn khoáng.

Công phu như vậy nên việc làm đẹp cho những quý bà ngày xưa rất cầu kì. Đổi lại, hiếm có ai có được những làn da trắng muốt và thơm thảo như vậy. Tương truyền, bà Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại - cả đời dùng phấn nụ, thọ đến 104 tuổi nhưng làn da không một vết nâu hay đốm đồi mồi nào xuất hiện.

Tiếp chuyện tôi trong căn nhà cổ lẩn khuất dưới những tán lá, cô Thu cho biết: “Phấn nụ có công dụng dưỡng da mặt mịn màng, trắng da, trị mụn và tàn nhang, giải độc tố, giúp giảm viêm, hạn chế quá trình lão hóa, ổn định bề mặt biểu bì, hài hòa màu da tự nhiên”. Ngay cả người phụ nữ đang ngồi tiếp chuyện với tôi, dù con cái đã lớn, sống trong môi trường hiện đại với đủ những chất độc, khói bụi có thể làm ảnh hưởng da mặt nhưng làn da của bà vẫn ánh lên sắc tươi và căng mát.

Chỉ làm từ nước mưa Huế

Lạ cho thiên nhiên xứ Huế với những cơn mưa thối trời thối đất, những ngày nắng gắt gỏng cháy đầu. Nhưng rồi chính trời đất này lại là môi trường lý tưởng và tốt nhất để sản xuất ra loại phấn nụ nức danh.

Theo cô Thu, làm phấn nụ rất công phu và trải qua tới 9 công đoạn, tỉ mỉ từ đầu đến cuối. Chỉ riêng việc hứng nước mưa đã khó, nước mưa phải là nước mưa Huế, phải là nước tinh khiết, không lấy từ mái tôn, không hứng nước mưa lần đầu tiên.

Mùa mưa, người phụ nữ chắt chiu từng giọt nước sạch, gạn lọc kĩ rồi cất trong chum, vại để đến mùa nắng thì mang ra sản xuất phấn nụ. Chính hai người chị gái của cô Thu là bà Tùng và bà Phương đang định cư ở Mỹ và TP HCM đã từng có ý định sản xuất phấn nụ ở địa phương khác, thế nhưng do không đảm bảo yêu cầu về nguồn nước nên hằng năm các bà vẫn phải về Huế sản xuất phấn rồi mang tới những nơi trên để bán.

Nguyên liệu chính để làm phấn là thạch cao và phải là loại thạch cao tốt nhất, trắng mịn không có tạp chất. Để có từng loại phấn phù hợp cho việc trang điểm, cô Thu thường chọn trên 10 vị thuốc Bắc, những vị thuốc này được giấu kín không cho ai biết.

Trước tiên, cao lanh được nướng chín trên lửa than không khói cho đến khi trở thành trắng tuyết. Chờ nguội cao lanh được nạo thành bột rồi hòa với nước mưa trong rồi khuấy kĩ. Mỗi sáng chỗ nước cặn được gạn bỏ, phần bột còn lại được quấy rồi lọc qua hai ba lớp vải sa nõn chồng lên nhau để bỏ đi phần cặn thô...

Đủ 8 ngày, chỗ bột còn lại nhẹ tênh và mịn như nhung. Lần gạn cuối cùng, người ta đặt nhiều lớp giấy thấm hay giấy bản trên khay bạc, phủ lên trên cùng một lớp vải để thấm nước rồi lấy thìa múc bột đổ thành nụ hình xoắn ốc lên vải. Khi nước đã kiệt, phấn được đưa vào phơi ở những chỗ thoáng mát, sau đó được cất vào các hộp kín để ướp cùng hương hoa nhài, hoa bưởi hoặc hoa sứ trắng hái lúc mờ sáng.

Mất khoảng mươi ngày để ướp hương hoa, nụ phấn sẽ thơm ngát. Phấn nụ hồng có thêm phẩm màu chiết từ dịch cánh sen hoặc cánh hoa hồng đỏ chưng kín hơi.

Để làm ra một mẻ phấn nụ phải mất rất nhiều thời gian như gạn lắng, ủ nắng, phơi sương, ướp hương. Khi nặn phấn lại càng kiên trì hơn, mạnh tay một chút là hỏng, không thể thành nụ như tên gọi.
Trừ những công đoạn phơi, nặn, toàn bộ những khâu pha chế phụ gia, liều lượng đều được thực hiện trong phòng kín.

Sản phẩm khi làm ra, được các quý bà ngày xưa sử dụng như một sản phẩm làm đẹp nhanh và nhiều công dụng nhất. Không những vậy, phấn nụ từ ngày xưa còn được dùng như một phương thuốc phát hiện các bệnh như cảm, cúm, chuyển người...rất hữu hiệu. Chỉ cần đánh phấn vào người, sau một đêm nếu da bị nổi mốc lên tức là người đã nhuốm bệnh, nếu da láng, trơn tức là người đó khỏe.

Du lịch, GO! - Theo Zing

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống