Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 11 July 2011

Khi đến với thành phố Kon Tum, hỏi ở đây có đặc sản gì mà nơi khác không có, anh bạn “ thổ địa” của tôi không ngần ngại giới thiệu ngay lập tức món gỏi lá.

Để có món ăn này phải có ít nhất từ bốn chục loại lá trở lên gồm mơ lông, đinh lăng, lá sung, lá cải, tía tô, lá bứa, hồng ngọc, lá chua, lá ổi, lá chùm ruột, lá xoài và các loại rau gia vị như hành, rau húng, rau thơm, rau é tím... Trong đó, 3 loại lá không thể thiếu là mơ lông, đinh lăng và lá sung, ngoài tác dụng tạo hương vị còn dùng để quấn gỏi mới được tính là gỏi lá.

Với những loại thông thường có thể dễ dàng mua hoặc tìm thấy trong các chợ song những loại lá như phải đi rừng mới lấy được như lá vừng, bạch sung, hồng sung hoặc những loại thường mọc ở những bờ sông, vách suối lá kim cang, hồng ngọc, lá con khỉ, é trắng, lá dấn, trường sanh,...
.
Đi kèm với lá là gỏi nên ngoài đĩa thịt heo ba chỉ luộc thái mỏng có tác dụng tạo độ béo và đĩa tôm kho còn phải có gỏi cá. Thông thường các quán ở đây thường làm gỏi bằng cá lóc, cá hồng hay cá ngừ. Cá sống thái lấy thịt, cắt nhỏ ướp với gừng, chanh, riềng trong thời gian ít nhất 5 tiếng đồng hồ để cá tự chín.

Trên bàn bày một mớ lá xung quanh với một tô lớn chứa gia vị  nước chấm được nấu từ hèm rượu với tôm giã, thịt heo băm, trứng mắm ruốc và mè. Thứ này được nấu sền sệt như cháo đặc có màu vàng nghệ. Hèm rượu chọn nấu phải là hèm rượu nếp, mới cất xong. Tôm không nhỏ quá, lớn quá, nếu không có tôm tươi thì dùng tôm khô cũng được. Thịt heo ba chỉ băm nhỏ. Món gia vị này có mùi rất lạ của tôm, thịt heo, trứng được hòa vào mùi thơm của men rượu tạo nên một thứ nước chấm đặc sắc, đậm đà.

Nhìn chung để có món gỏi lá đòi hỏi các công đoạn chế biến cũng lắm công phu. Khi lấy các loại lá từ rừng về phải biết cách bảo quản sao cho thật tươi, lá phải xanh non.

Riêng loại cá ăn kèm phải trải qua nhiều công đoạn chế biến róc thịt, lược bỏ hết xương ra, thái mỏng, cho vào một ít chanh và ướp với gừng, riềng trong nhiều giờ để thịt cá chín và hết mùi tanh, đủ độ cứng và thấm gia vị.

Khi ăn món gỏi lá ta chọn một chiếc lá lớn như lá sung hay lá mơ để gói bên ngoài.
Chiếc lá lớn này được đặt trên bàn tay, nếu lá chưa đủ lớn thì có thể chọn thêm một chiếc lá loại khác để gói. Sau đó tìm những lá nhỏ rải một lớp trên lá lớn, gắp thịt heo hoặc cá rồi gói lại.

Múc gia vị nước chấm vào chén hoặc lấy muỗng xúc từng ít một cho vào đầu gói lá đã cuốn để ăn. Khi ăn được một chút thì cắn chừng một nửa quả ớt chỉ thiên còn xanh và một hạt muối trắng nhỏ để ăn lẫn với gỏi lá. Ai lần đầu tiên thưởng thức món này đều không khỏi ngạc nhiên bởi vị thơm của các loại lá hòa quyện lẫn nhau  chua, cay, đắng, chát đều có khiến thực khách ăn chẳng bao giờ thấy ớn.

“Nếu đã đến Kon Tum thì phải tìm thưởng thức cho được món gỏi lá  còn không thì coi như chưa đến!” - lời anh bạn tôi nói chắc nịch sau khi nhâm nhi mấy ly rượu cần đặc sản cao nguyên với món lá rừng nơi chốn đại ngàn rừng xanh này.

Du lịch, GO! Theo báo Laodong, ảnh internet
Đắk Lắk có vẻ đẹp tự nhiên, đa dạng phong phú với cấu tạo địa hình dòng sông xen lẫn núi đồi, ao hồ, ghếnh thác, và những khu vực rừng nguyên sinh tạo nên nhiều thác nước đẹp nổi tiếng như: thác Krông Kma, Bảy Nhánh, hồ Lắk, hồ Ea Súp Thượng, Ea Đờn, Ea Kao…phù hợp cho việc tổ chức hoạt động du lịch dã ngoại.

Với khí hậu ôn hòa thuận lợi, đất đai màu mỡ, Đắk Lắk sản sinh ra nhiều cây công, nông nghiệp giá trị như: Café, tiêu điều, chè, cao su… đã xuất khẩu đến 60 nước trên thế giới.

Đắk Lắk cũng có nhiều di tích lịch sử văn hóa thu hút du khách đến tham quan như: nhà tù Buôn Mê Thuột, đình Lạc Giao, chùa Sắc tứ, Khải Đoan, tháp Chăm Giang Prông, hang đá Đắk Tour, Ba Tầng. Nền văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk phong phú đa dạng, âm thanh của các loại cồng chiêng, đèn đá và những nhạc cụ thô sơ làm từ chất liệu của núi rừng, những điệu múa, lời ca của cộng đồng các dân tộc Ê đê, M’nông, Gia Rai…
.
< Ở Đắk Lắk voi giống như người bạn thân thiết của người dân Tây Nguyên.

Đặc biệt, Bản Đôn là nơi nổi tiếng về săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Vì vậy: tới phố núi trên cao nguyên, nhiều du khách đã không ngại ngần thử cảm giác ngồi lên lưng những chú voi to lớn dềnh dàng nhưng hiền lành để đi dạo khắp nơi.

< Những chú voi có thể vượt sông lớn.

Voi và người chăn giữ thường quy tụ về Hợp tác xã du lịch voi - một cái tên dân dã mà bà con đã đặt cho Hợp tác xã du lịch Buôn Jun nằm ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Hợp tác xã này do bà con xã viên là người dân tộc bản địa M’nông góp vốn bằng... voi để kinh doanh du lịch và đang hoạt động rất hiệu quả.

Sản phẩm “du lịch trên lưng voi” ra đời đã thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với Buôn Jun, đến với huyện Lắk, nhất là khách du lịch nước ngoài. Được biết mỗi tháng, đơn vị đón, phục vụ từ 1.000-1.500 lượt khách du lịch, trong đó có trên 50% là khách nước ngoài.

< Nhiều du khách nước ngoài muốn thử ngồi trên lưng voi đi dạo.

Điều khá thú vị là đoàn khách nào đến cũng đặt tour “cưỡi voi” đi tham quan các danh lam thắng cảnh của huyện Lắk như cưỡi voi đi dọc hồ Lắk; thăm thú buôn làng đồng bào dân tộc M’nông bản buôn Jun, buôn Liêng; thác ba tầng, Biệt điện Bảo Đại; rừng đặc dụng Nam Ka.

< Chú voi vừa chở khách du lịch vừa ăn rơm ven đường.

Có lúc gặp đoàn khách đông, hợp tác xã lại huy động cả “đoàn quân” voi nhà đi phục vụ. Cứ một tour du lịch cưỡi voi, với thời gian từ 1-1,5 tiếng đồng hồ, chủ voi thu được 200.000-250.000 đồng và bình quân mỗi con voi mang lại thu nhập cho chủ voi mỗi tháng từ 6-8 triệu đồng; còn đối với hợp tác xã thì thu ít hơn chỉ chiếm khoảng 25-30% so với chủ voi.

< Những ngày mùa hè, bầu trời ở Đắk Lắk xanh ngắt.

Ngoài sản phẩm du lịch cưỡi voi, Hợp tác xã Buôn Jun còn có các sản phẩm du lịch khác như diễn tấu cồng chiêng, lưu trú trong các căn nhà dài của đồng bào dân tộc M’nông bản địa, đi thuyền độc mộc trên hồ Lắk, thăm làng nghề truyền thống.

Thời điểm đi Đắc Lắk nên tránh tầm tháng 3 - 4 (vì có gió lào), tầm tháng 7 - 8 vì mùa mưa lũ. Nếu được thì nên đi vào tầm tháng 10 - 11 là tuyệt nhất. Đi Đắc Lắc từ SG rất dễ dàng, các bạn chỉ cần ra khu tây ba lô Phạm Ngũ Lão làm một chuyến xe 100 ngàn, sáng đi thì chiều đã có mặt ở Đắc Lắc rồi.

Du lịch, GO! Tổng hợo từ Ngoisao, TTXVN, Yume...
Ngược dòng Thu Bồn, chúng tôi tìm về làng Phong Lệ (thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Ðà Nẵng), nơi lưu giữ những phong tục, tập quán và lễ hội, đình chùa về... Thần Nông và Mục đồng độc nhất Việt Nam.

Các bậc cao niên trong vùng cho biết, xưa kia làng Phong Lệ rộng và lớn lắm. Lớn đến nỗi Phong Lệ phải chia làm hai, Phong Lệ Nam và Phong Lệ Bắc. Vì lớn như vậy, nên nơi đây có hẳn một đình thờ Thần Nông, độc nhất Việt Nam thời bấy giờ và cho đến ngày nay.

Làng Phong Lệ phía nam giáp Trà Kiệu, bắc giáp Sơn Trà, tây giáp núi Chúa và phía đông giáp Ngũ Hành Sơn. Các bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất rộng lớn này đặt tên là làng Ðà Ly. Ðến thời vua Thiệu Trị năm thứ I (1841) đổi tên Ðà Ly xã thành làng Phong Lệ, có một chính quyền điều hành.
.
Ðời vua Thành Thái thứ 8 (1889 - 1907), vì địa dư quá rộng, cách trở sông đò, đi lại khó khăn... nên Phong Lệ được chia thành hai làng là Phong Lệ Nam và Phong Lệ Bắc. Làng Phong Lệ Nam ở phía nam cầu sông Yên (sông Cầu Ðỏ) thuộc tổng Thanh An, phủ Ðiện Bàn (gồm Bầu Cầu, Ðông Hòa, Tây An, Phong Nam - xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang ngày nay). Làng Phong Lệ Bắc ở phía bắc sông Yên thuộc tổng Bình Thái, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Thọ Ðông và Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Ðà Nẵng). Ngoài ra còn có một khu vực ở phía tây của làng Phong Lệ, dân cư thưa thớt gọi là làng Phong Lệ Tây gồm các thôn Cây Sung, Hội Vực thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.

Làng Phong Lệ Nam là đất gốc tích nên có điều kiện phát triển hơn về mọi mặt. Tại đây, nhiều công trình kiến trúc cổ như nhà thờ làng, chùa làng, lăng miếu... đã được xây dựng. Trong đó, tiêu biểu nhất là đình Thần Nông. Mỗi khi có lễ hội, nhân dân, tộc họ làng Phong Lệ Bắc, Phong Lệ Tây mang lễ vật về cúng bái, đông vui như hội... Dân gian có câu: "Lính có đồn, dân có đình". Ngôi đình được xây dựng trước thời vua Thiệu Trị, gọi là đình Thần Nông. Cấu trúc của đình có ba bộ phận gắn liền nhau, từ ngoài vào trong là nhà Tiền Ðường, có gác chiêng, trống, hai bên nhà chính có năm gian... và trong cùng là tẩm.

Mái đình lợp ngói âm dương. Trên nóc nhà chính tẩm và các góc đuôi mái đều có đắp tượng Long, Ly, Quy, Phượng, biểu tượng sừng trâu và nhiều họa tiết hoa văn rực rỡ sắc mầu. Cột kèo, xà nhà được chạm trổ tinh vi, trên tường có đắp phù hiệu, ngay giữa nhà chính có đắp tấm biển lớn gắn ba chữ "Phong Lệ Ðình" bằng chữ Hán được sơn son thếp vàng, nội tẩm còn có ba chữ "Anh khí chuông" (tức tiếng chuông vang xa) viết bằng chữ Hán cẩn xà cừ. Trong đình còn có các câu liễn đối của các bậc tiền bối ban tặng, được tạc vào gỗ quý vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay:

Ðình Thần Nông làng Phong Lệ là nơi tế lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, lúa màu tươi tốt. Ðây là ngôi đình có một không hai trong cả nước, gắn liền với lễ hát mục đồng (chữ Mục nghĩa là chăn giữ, điều khiển; chữ Ðồng là đứa trẻ - Mục đồng có ngụ ý là trẻ chăn trâu), vì vậy ở đây còn lưu truyền câu ca: "Nhất Phong Lệ mục đồng, nhì Giáng Ðông hát vật".

Trong lịch sử, tuy mục đồng là những người chịu nhiều thiệt thòi, bị áp bức, bóc lột, thậm chí nhân phẩm bị chà đạp..., nhưng đã có không ít những nhà khoa bảng, những nhà lãnh đạo yêu nước đầy tâm huyết như Hoàng đế Ðinh Tiên Hoàng, Lê Ðại Hành, Nguyễn Chích, Trịnh Khả (danh tướng khởi nghĩa Lam Sơn), Nội tán Ðào Duy Từ thời chúa Nguyễn, danh tướng Ông Ích Khiêm, chí sĩ Ông Ích Ðường... xuất thân là những Mục đồng. Và dòng họ Ông - một cự tộc có nhiều danh nhân khoa bảng giàu lòng yêu nước đã gắn liền với gốc tích làng Phong Lệ.

Trước năm 1934 (Bảo Ðại thứ 9) tại đình làng cứ ba năm tổ chức đáo lệ hát mục đồng vào ngày 4-4 âm lịch, thời gian lễ hội diễn ra trong ba ngày ba đêm, giới mục đồng được chơi các trò chơi dân gian, được "ăn trên ngồi trước", vinh hạnh làm lễ trọng thể. Năm 1936, Lễ rước Mục đồng được tổ chức quy mô, lớn nhất so với cả nhiều năm trước đó. Nhưng cũng từ đó, những biến đổi của thời cuộc, cuộc sống khó khăn đã làm thời gian tổ chức các lễ rước cứ giãn cách dần, từ ba năm, sau lên sáu năm, thậm chí, có giai đoạn, 12 năm mới làm lễ một lần, và cũng không tiến hành được đầy đủ các lễ nghi như trước.

Cuối năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðà Nẵng đã tiến hành phục dựng lễ rước Mục đồng với quy mô lớn, đầy đủ về hình thức và nội dung. Chúng tôi có dịp gặp cụ Ngô Viêm (sinh năm 1923), một trong số rất ít cụ được tham gia Lễ rước Mục đồng được tổ chức quy mô nhất vào năm 1936. Cụ kể: "Tương truyền, ngày xưa có vị Thần Nông giáng xuống gò, tay cầm cờ, thường hay dạo chơi với trẻ em chăn trâu khắp đồng.

Dân làng truyền nhau gò rất thiêng, ai qua đấy nếu quở, về nhà sinh bệnh mà chết, phải có lễ khấn mới qua khỏi. Người nào ngồi lên mộ thần là bị dính vào mộ không sao có thể gỡ được, cũng phải làm lễ xin mới được tha. Có người còn cho rằng hiện tượng trên chỉ xảy ra với người làng khác đến, còn với người làng Phong Lệ thì không, đặc biệt là trẻ em chăn trâu thì không việc gì". Cụ Ngô Viêm lo lắng: "Với sự thay đổi và nhịp sống đô thị hóa, làng quê đang dần vắng bóng trâu trên những cánh đồng. Thế hệ trẻ hiện nay cũng không mặn mà lắm với những phong tục, lễ hội xưa của cha ông. Vì thế, để duy trì lễ hội có một không hai này là một vấn đề... nan giải".

Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Văn Hòe cho rằng: 'Lễ hội Rước Mục đồng là một lễ hội hiếm, riêng biệt so với cả nước, được tổ chức ba năm một lần tại làng Phong Lệ. Lễ hội Rước Mục đồng xứng đáng được tôn vinh, lưu truyền và phục hồi, bảo tồn trong cư dân. Những câu chuyện kể đẹp như cổ tích sẽ được nuôi dưỡng, trao truyền trong tâm thức từ người già đến thế hệ trẻ hôm nay'.

Du lịch, GO! - Theo báo NhanDan, ảnh internet

Sau gần 70 năm gián đoạn, sáng 28-11-2010 chính quyền TP Đà Nẵng cùng 17 chư phái tộc làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đã tổ chức phục dựng lễ hội mục đồng - một lễ hội dân gian độc nhất vô nhị của làng quê Việt nhằm tôn vinh trẻ chăn trâu.
Đây cũng là lần đầu tiên lễ hội mục đồng được phục dựng lại sau lễ hội mục đồng được tổ chức vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Có đến dự lễ hội mục đồng mới hiểu được cái lý của câu ca “Ai bảo chăn trâu là khổ!”.

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống