Đắn đo mãi cuối cùng chúng tôi vẫn quyết định đi tắm biển ở Sầm Sơn. Đi Cát Bà, giá cả phải chăng thật, cảnh trên bờ dưới biển đẹp mê hồn thật song không ai đủ nghị lực, kiên nhẫn để vừa chờ phà, vừa lênh đênh trên biển bằng cái xà lan cũ nát 5 - 7 giờ/mỗi lượt đi, về.Còn Đồ Sơn, đẹp đến mức Bảo Đại phải xây nhà nghỉ dưỡng ở nơi này (hồi đầu thế kỷ XX) bây giờ biển vừa bẩn vừa đục. Bãi 1 toàn rác và đá sắc. Bãi 2 đục như nước phù sa sông Hồng mùa lũ. Bãi 3 thì, eo ôi, quá vắng người tắm biển. Tắm mà ít người thì sướng nỗi gì? Còn Cửa Lò thì xa quá là xa.
Với đặc thù công việc, chúng tôi không đủ quỹ thời gian để lặn lội vào tận Cửa Lò - mặc dù nơi ấy cảnh trí, giá cả, tình người không hề “nóng” như Lò... Vậy là chỉ có đi Sầm Sơn thôi! Sầm Sơn cách Hà Nội chừng 170km, cách Vĩnh Yên City chừng 220km. Cái khoảng cách ấy là lý tưởng cho một chuyến picnic cả đi và về trong 2 đêm 3 ngày.
Hơn nữa, tắm ở Sầm Sơn thì nhất. Nước xanh như trà Bát Bảo. Sóng lúc khoan lúc nhịp, dập dồn không ngớt, phù hợp với mọi lứa tuổi. Ai thích sóng dồn, sóng mạnh thì ra xa bờ một chút, ai thích sóng chỉ dịu êm, như cơn dỗi hờn của người tình thì cứ lưng lửng gần bờ mà xả láng.
Đặc biệt cát ở Sầm Sơn thật mịn, lại thoai thoải, không có những hố tử thần, không hụt hẫng kiểu đang nông thì lại hoẵng cái thật sâu. Thành ra người tắm biển có thể nằm ngửa trên phao bơi để mà ngắm cảnh, ngắm người, ngắm những thiếu nữ đang mê mải rỡn đùa với sóng...
Với tất cả những mường tượng, kinh nghiệm của các lần đi biển trước như vậy, chúng tôi quyết tâm đến Sầm Sơn vào một chiều thứ sáu. May mắn thế nào, lúc rời Vĩnh Yên trời rả rích mưa. Đến Sầm Sơn nắng rực rỡ, chan hòa như mời chào du khách hãy ào ngay xuống biển.
Chưa kịp bước xuống xe, chúng tôi đã được một tốp dân địa phương mời chào đon đả, dẫn đi nhà nghỉ này, khách sạn nọ. Họ chỉ chịu buông tha khi biết chúng tôi là khách đi tua, song mấy anh tài xích lô vẫn cố nài kéo:
- Các bác nghỉ ở đây. Cần dịch vụ gì cứ bảo chúng em. Đừng có tự tiện đi một mình mà rồi nó chém cho đến cái quần lót cũng không còn mà về.
Nói rồi anh ta say sưa kể:
- Đấy mới tuần trước mấy ông ở Hà Nội hay Hà Tây gì đó ra đây nghỉ nhờ chúng em tìm chỗ mát xa. Em giới thiệu cho một nơi đàng hoàng, giá từ A đến Z cũng chỉ có 200 ngàn thì chê đắt. Nghe người khác chỉ đểu đến một chỗ giá trăm hai nhưng nó lại chỉ cho xem hàng thôi chứ không được sử dụng. Nó còn chửi cho một trận “trăm hai bây giờ thì mua được gì mà đòi mát xa với mát gần”. Dại ơi là dại!
Đoàn chúng tôi không ai bắt lời bởi những thông tin vô bổ đó, lục tục kéo đồ về phòng nghỉ. Sầm Sơn mùa này các dịch vụ đã bắt đầu thi nhau nâng giá. Nói như dân du lịch, cả năm dân Sầm Sơn “mài dao”, chỉ đợi đến ba tháng hè thì đưa ra để “chém” khách du lịch. Giá một căn phòng (cỡ 1,5 sao) cũng không dưới 500.000đ/1 ngày đêm. Đấy là đoàn đi đông, từ 50 khách trở lên. Nếu vãng lai, dăm vài người thì 700 - 800 ngàn đồng/phòng. Nếu đi đôi thì còn chết nữa.
Ăn một bữa trên mức bình dân một chút cũng trăm ngàn/1 suất. Bữa sáng 30.000 đồng - được vẻn vẹn một đĩa bánh cuốn vừa dầy vừa nhão, hoặc một bát phở mà ngay cả người dễ tính nhất, háu ăn nhất cũng phải để lại tới non nửa, vì không thể ăn nổi.
Mang tiếng ăn cháo ngao nơi cửa biển, nhưng phải mỏi mắt mới tìm được thịt ngao trong bát, còn thì toàn cháo là cháo. Thi thoảng lại có cả những cục cơm nguội vón hòn trong bát cháo mà chủ quán do tiết kiệm nên đã đổ lẫn vào.
Ở Sầm Sơn được nửa ngày, chúng tôi rủ nhau đi dạo phố. Bước sang năm nay bóng dáng xe điện đã khá nhiều trong các cung đường thị xã. Chúng tôi chọn phương án đi xích lô cho thỏai mái. Vốn đã được đồng nghiệp ở Thanh Hóa cung cấp thông tin, lại sẵn kinh nghiệm của những lần đi Sầm Sơn trước đó, chúng tôi mặc cả ngay:
- Từ đây (chúng tôi ở Khách sạn Hà Nội) ra chợ bao nhiêu một người?
- Năm ngàn cả đi cả về! Anh xích lô trả lời.
- OK! Thế thì đi!
Đường từ nơi chúng tôi ở ra chợ Sầm Sơn chừng 1km. Chiếc xe xích lô kẽo kẹt chở tôi và một người bạn đến đại lý tôm - cua cá Thời Lợi thì dừng lại. Anh xích lô bảo:
- Đại lý này to nhất Sầm Sơn bác ạ! Họ bán đủ cân lắm. Hàng lại ngon. Khách du lịch toàn mua ở nơi này.Quả là đại lý Thời Lợi đông khách thực. Cô bán cá khô, mực... vừa bán vừa mắng khách hàng mà du khách vẫn lao vào chọn. Một cân cá thu một nắng đúng 280 ngàn. Một ký lô tôm nõn loại trung bình đúng 500 ngàn. Không mặc cả. Không được chọn. Đắt và khó mua hơn cả chợ Vĩnh Yên. Nhưng thôi ra tới nơi này, chả lẽ khi về không có cho người nhà, bạn bè tý quà biển. Thế là dù biết là đắt, là một cân chỉ ăn có tám lạng, mọi người vẫn xúm xít mua. Mua xong, trở lại khách sạn, tôi rút 10 ngàn ra trả anh tài xích lô.
- Sao lại có 10 ngàn? Hai mươi ngàn chứ bác? Anh xích lô thấy tôi đưa 10 ngàn thì cự lại.
- Lúc đi, cậu chẳng đã nói hai người mười ngàn cả đi lẫn về còn gì. Sao bây giờ lại đòi 20 ngàn! Tôi quắc mắt.
Thấy tôi “rắn”, anh xích lô dịu lại:
- Quên, cháu không nói rõ (Anh ta xuống thang, xưng cháu với tôi) 5 ngàn là với điều kiện bác phải mua hàng từ 1 triệu đồng trở lên. Đằng này hai bác mua chưa tới một triệu.- Sao việc xích lô của cậu lại liên quan đến việc tôi mua hàng? Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
Ngảnh mặt lên trời cười như một con nghé, anh xích lô bộc bạch:
- Nếu bác mua hàng nhiều thì chúng cháu được hoa hồng nhiều. Khi đó tiền xích lô chúng cháu chịu thiệt đi một tý cũng được. Đằng này bác mua ít, hoa hồng chúng cháu chẳng được bao nhiêu. Người to như hai bác mà có 5 ngàn một người thì chúng cháu ăn gì? Bác cũng phải để chúng cháu sống với chứ? Bây giờ làm cái gì mà chả có công.
Thấy anh xích lô lý sự cũng có tình, tôi cười lấy ra tờ 20 ngàn để trả rồi lên phòng. Trong đầu miên man một ý nghĩ: Ngần này tuổi vẫn bị... lừa!
Đêm xuống, Sầm Sơn tráng lệ hẳn lên. Toàn thị xã được khoác một chiếc áo ánh sáng đa sắc nên vẻ lam lũ, nhọc nhằn trên những khuôn mặt đen đúa, cáu cạnh của ngư dân cũng vơi bớt. Thiếu nữ Sầm Sơn đẹp tới mấy, trắng đến mấy cũng không giấu được gốc gác của mình, bởi thổ âm của họ đậm đà chất biển, vừa nặng vừa mất hết các thanh ngã (~).
Để thay đổi không khí, đêm nay chúng tôi rủ nhau đi xe điện. Không kể số lượng người, chỉ tính chuyến: 100 ngàn đồng/chuyến, đi hết các phố chính thì thôi.
Cậu lái xe điện có tên là Hải, khuôn mặt hiền lành ra sức thanh minh khi tôi hỏi:
- Nghe nói đến Sầm Sơn khi sử dụng dịch vụ mà không mặc cả thì bị dính bẫy liền. Đúng không?
Hải trả lời:
- Cũng tuỳ dịch vụ chú ạ! Có những dịch vụ khó nói lắm. Ngay cả người mua cũng không dám tố cáo thì mới bị bắt chẹt!
- Ý cháu muốn nói tới mấy trò tệ nạn xã hội chứ gì? Chuyện đấy thì không ai can thiệp. Mà cho mấy lão nhóm máu D chết cũng đáng. Nhưng còn những dịch vụ khác rất lành mạnh cũng bị các tiểu thương ở Sầm Sơn bắt chẹt thì sao?
Hải ngạc nhiên:
- Ví dụ như dịch vụ nào?
Anh bạn đồng nghiệp đi cùng xe tôi nhanh nhảu:
- Đây này, sáng nay các anh vừa uống bia ở cái quán đằng kia kìa. Lúc hỏi giá, thằng bé 16 tuổi con chủ quán bảo là 15 ngàn một chai Hà Nội. Lúc thanh toán, bố nó lại đòi 18 ngàn. Bố nó lập luận nó là trẻ con thì biết gì. Thế là bọn anh mất trắng 3 ngàn đồng một chai bia. Ba ngàn không lớn nhưng thấy ức quá. Chả lẽ tiểu thương Sầm Sơn toàn những người như thế à? Rồi nữa, hồi chiều trong đoàn có hai chị ra bãi biển chơi, thuê ghế để ngồi. Vừa thuê xong, một chị có việc phải về phòng gấp, chưa kịp đặt đít xuống ghế, chủ ghế vẫn nằng nặc đòi đủ 20 ngàn đồng mới cho đi. Vậy theo cậu đó là trò gì?
Hải lắc đầu:
- Những chuyện ấy đúng là có thật. Chính vì thế mấy năm trở lại đây Sầm Sơn mất dần khách du lịch. Những du khách kỹ tính, họ ngại tới nơi này. Chẳng hiểu sao chính quyền biết việc ấy song vẫn không dẹp nổi.
- Đó là chưa kể Sầm Sơn càng ngày càng bẩn. Bãi biển đẹp như thế mà rác cứ nổi lều bều - Tôi chêm vào - Dịch vụ thì cắt cổ. Cứ làm khách du lịch như những con bò sữa. Ai thò tay vào vắt cũng được. Kinh doanh phục vụ kiểu ấy thì chỉ được váng mỡ nổi thôi. Hội nhập khu vực, quốc tế làm sao được.
Nói rồi tôi kể cho mọi người một câu chyện: Chả là cơ quan tôi nghèo, chi ra một đồng cũng phải tính. Bữa tối qua, lãnh đạo cơ quan có nhã ý cho đoàn ăn tươi một chút, bèn phân công bộ phận hành chính đi chợ để mua ít ghẹ. Quan niệm đi mua về để nấu ăn thì chắc sẽ rẻ ít nhiều so với nhờ khách sạn đứng ra làm dịch vụ. Ai dè ghẹ mang về tới nơi, khách sạn Hà Nội đòi 30.000đ/1kg tiền công luộc. Chẳng lẽ mua ghẹ về để ăn sống? Cực chẳng đã đoàn trưởng phải nhắm mắt đồng ý cái giá trên trời nọ. Thế là 30kg ghẹ mất toi 900 ngàn đồng tiền công luộc (trong 3 phút).
Ghẹ luộc xong, chúng tôi cho vào thùng xốp để mang sang liên hoan bên khách sạn Thái Bình Dương. Đến lúc này mới té ngửa: Tiền công phục vụ (bao gồm cho mượn dụng cụ ăn ghẹ, thu dọn bàn) Thái Bình Dương đòi tới 70 ngàn đồng/1kg. Thế này thì còn đắt hơn giá dịch vụ uống rượu ở Malaysia, ở Singapore... Chúng tôi hoa hết cả mắt. Người ta cho mượn có 20 cái kẹp ghẹ và công bưng bê trong 10 phút mà nỡ lòng nào xơi của chúng tôi 2.100.000 đồng.
Nhưng chả lẽ ra tới biển mà không biết mùi vị ghẹ (cua không được biết mùi thì đã đành, vì nó quá xa xỉ)? Chả lẽ mang mấy chục cân ghẹ chín về Vĩnh Yên để liên hoan? Thế là cũng liều nhắm mắt đưa chân, Trưởng đoàn đành xót xa OK, chi ra số tiền công dịch vụ ấy cho 30kg ghẹ.
Bữa tối hôm đó, trong cái tiếng rắc rắc của càng ghẹ bị bẻ vỡ, tôi cứ ngỡ như từng cái răng chắc khỏe trong mồm mình đang bị người ta rứt bỏ. Tiếc đến đứt ruột! Sau này mới ngã ngũ: Khách sạn Thái Bình Dương đã phạt chúng tôi vì không sử dụng trọn gói dịch vụ của họ. Ai bảo, ra đến Sầm Sơn đi xả láng lại vẫn còn tính tính, toán toán chi ly như mấy vị tiểu nông!
Rời Sầm Sơn, mang theo hương vị mặn mòi của biển, lòng chúng tôi cũng trĩu nặng một nỗi buồn: Cứ cung cách phục vụ du lịch chụp giật kiểu này thì mấy mà Sầm Sơn hết khách? Sầm Sơn gần đấy mà xa thăm thẳm: Gần về cự ly đi lại nhưng xa lạ về lối ứng xử văn hóa kinh doanh vốn rất thật thà, trọng thị của người Việt Nam ta. Mà khách du lịch thì, đâu phải chỉ cần ăn, cần nghỉ. Điều họ quan tâm nhất đó là văn hóa du lịch ở nơi mình đến. Tiếc thay ở Sầm Sơn biển rất đẹp mà văn hóa kinh doanh thì quá xấu, dẫu rằng không phải tất cả các tiểu thương đều như vậy.
Và những chuyện tương tự thế này liệu riêng chỉ Sầm Sơn mới có?!
Du lịch, GO! - Theo Vĩnh Phúc Online
Và những chuyện tương tự thế này liệu riêng chỉ Sầm Sơn mới có?!ĐGD: Rất tiếc là nhiều nơi khác cũng có nạn chặt chém trên và đối tượng của họ chính là du khách - dù địa phương có xử lý nhiều lần nhưng không xuể. Những tệ nạn đó đã làm xấy đi bộ mặt du lịch của nhiều nơi có biển, có thắng cảnh đẹp... nhưng cách cư xử lại rất "xấu" khiến cho rất nhiều du khách nước ngoài lẫn trong nước ngần ngại khi lựa chọn điểm đến cho kỳ nghỉ hè...
Du khách bị bắt chẹt trong dịp nghỉ lễ