Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 15 July 2011

Chúng tôi cùng lên chiếc ghe đánh ốc rời bến tàu hòn Nghệ tiến ra hòn Nhum Bà (ấp Hòn Ngang, xã Sơn Hải, Kiên Lương). Ghe đánh ốc là loại ghe nhỏ, rộng khoảng 2 mét và dài chừng 5 mét, phía trước chứa những vỏ ốc vôi xâu dài trên mành lưới dùng để thả xuống biển dụ mực tuộc chun vô. Càng ra xa càng thấy ghe quá nhỏ so với những con sóng cấp 3, cấp 4 bạc đầu đánh tạt vào mũi, nhiều lúc như muốn nhấn chìm.

Trên sóng nước xanh dờn, chốc chốc lại bắt gặp một bầy cá gỏi nhỏ như cọng tăm bay lướt trên mặt biển. Cách nhau chỉ 9 cây số mà phải mất đến hơn hai tiếng đồng hồ ghe mới cặp vào bãi Nam của hòn Nhum Bà.

Thiếu tá Lê Đồng Khởi, Trưởng trạm biên phòng 734 (đồn Hòn Nghệ, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) là một người gắn bó với quần đảo Bà Lụa (thuộc hai xã Sơn Hải và Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) đã 16 năm nay, nên ông thông thuộc tất cả mọi chuyện vùng đảo trong vịnh Hà Tiên này.
.
Ông kể sự tích hòn Nhum Bà: Hồi xưa có một đám rước dâu trên vùng biển này bị sóng đánh chìm chết hết. Thi thể cha mẹ chú rể tấp vô hai hòn Nhum nên có tên Hòn Nhum Ông và Hòn Nhum Bà. Còn thi thể chú rể và chú rể phụ mỗi người tấp vô một hòn, có tên hòn Rể Lớn, hòn Rể Nhỏ (rể phụ).

Trong số 4 đảo Nhum Ông, Nhum Bà, Nhum Trầu và Nhum Giếng, hòn Nhum Bà có dân cư "đông đúc" nhất với... bảy gia đình. Hòn Nhum Ông có duy nhất một nhà, hòn Nhum Giếng có bốn gia đình; riêng hòn Nhum Trầu không ai ở.

Gọi tên các đảo này là hòn Nhum vì xưa kia trên các hòn này có rất nhiều cây nhum. Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí: “Cây thiết tung tục gọi là cây nhum (ngoài Bắc gọi mỳ), giống như cây dừa mà có nhiều gai, thớ gỗ màu đen mà cứng bền, dùng làm cột nhà, sàn nhà, xẻ ra làm tấm khắc liễn đối rất tốt, lại dùng làm đồn lũy vì có gai nhọn và cứng”. Thiếu tá Khởi cho biết thêm, hồi trước cây nhum được dân địa phương dùng đóng ghe tàu, tốt và bền hơn đóng đinh bây giờ.

Lên hòn Nhum Bà, chúng tôi gặp ông Trần Công Hưởng (Tư Hưởng), 53 tuổi, mà thiếu tá Khởi giới thiệu vui là “ông chúa hòn”. Chúng tôi ngồi quây quanh trên nền gạch bông hàng ba căn nhà sàn lộng gió biển. Nhà Tư Hưởng và sáu nhà bà con ông, nhà nào cũng đều có máy phát điện và giếng nước. Một phụ nữ đem trà lên, thiếu tá Khởi giới thiệu: “Chị Tư, tên thật Trần Thị Kim, quê ở Châu Đốc, An Giang ra đây dạy học cấp 1 khi đảo còn đông dân rồi “dính” với Tư Hưởng. Bây giờ chị Tư cũng còn dạy tới hết lớp 5 cho đám cháu 7 nhà dòng họ. Lên cấp 2 tụi nó vô Bình An học”.

“Chúa hòn” cho biết ông sống trên đảo này đã hơn 40 năm, từ lúc mới lên chín, mười tuổi theo cha mẹ từ Châu Đốc (An Giang) ra khai cư. Về sau có khoảng 40, 50 gia đình đến cư ngụ, sống với nghề đánh cá. Khoảng 20 năm trước, người ta nhớ đất liển với cuộc sống tiện nghi và mong muốn con cái được học hành đàng hoàng, có điều kiện thuận lợi lập gia đình… nên họ lần lượt trở vô đất liền sinh sống, chỉ còn lại 7 gia đình anh em ông bám đảo với 50 nhân khẩu. Sáu gia đình sống ở bãi Nam, một gia đình duy nhứt cư trú tại bãi Chướng là hộ ông Trịnh Văn Oanh (Hai Oanh), 62 tuổi, anh rể ông Tư Hưởng.

Uống trà xong, chúng tôi đi bãi Chướng. Từ bãi Nam qua bãi Chướng là đoạn đường dốc núi dài khoảng hai cây số đi vòng vèo khi lên lúc xuống dốc với đất đá lục cục lòn hòn. Mùa này bãi Chướng đầy sóng. Sóng bỏ vòi trắng xác đập vào bờ đá san hô lỗ chỗ dài theo bãi. Bãi vắng hoe với một số ngư cụ nằm trơ vơ trên cầu đá chừng năm thước nhô ra biển. Đứng nơi đây thấy nhà máy xi măng Holcim, hòn Phụ Tử phía Bình An (Kiên Lương).

Vợ chồng Hai Oanh chạy máy đi Bình An từ sáng sớm, nên cô con gái 28 tuổi của ông tiếp chúng tôi. Cô học hết cấp 3 rồi nhưng không có điều kiện học tiếp đại học, đang tìm một việc làm nào đó trong đất liền. Cô nói, vẻ tiếc rẻ: “Hổng ai ở nhà chài cá én đãi mấy chú”. Rồi cô diễn tả, cá én như cá chốt, không gai, nặng hết mức nửa ký một con. Cá én chiên ngon mà nấu canh chua thì “hết ý”. Cá có quanh năm, nhưng mùa gió Nam, do biển nơi đây không bị sóng dập nên có nhiều cá én hơn. Ngoài ra còn có cá suốt, chong đèn dụ cá đến, thò vợt vớt oằn cán. Lại còn cá én sơn kỳ, cá nhớt… đều là đặc sản hòn Nhum Bà. Một bên nhà Hai Oanh dài theo bãi là thung lũng rộng 3 héc ta, nơi ông trồng một số loại cây ăn trái. Hai Oanh không nuôi cá lồng bè, chỉ đi cào để thêm thu nhập.

Cũng đi cào như vậy nhưng kèm thêm nuôi cá là sáu gia đình ở bãi Nam với 12 – 13 lồng. Trở lại uống trà, chúng tôi được Tư Hưởng cho biết trước kia ông nuôi cá mú và cá bớp. Nhưng cá mú nặng vốn, cá bớp ăn nhiều, không kham nổi, anh em nhà ông chuyển qua nuôi một vài loại cá nhẹ vốn tùy theo mùa cùng một ít cá chuộn.

Tư Hưởng đi cào từ 4 giờ khuya tới 7 giờ sáng. Các loại hải sản cào được, một số ông đem vô Bình An bán, số cá tạp đem về nuôi cá lồng. Mỗi ngày kiếm vài trăm ngàn đồng, trừ mọi chi phí. Nghe “ngon” vậy nhưng đâu phải ngày nào, mùa nào cũng vậy. “Mùa biển động thì te tua như tàu lá chuối; nhứt là khi bị tụi cào điện, cào bay, cào đôi cào trước thì coi như nhịn đói!”, Tư Hưởng cười chua chát. “Mấy ông “đánh ốc” bị nó “quét” qua là tiêu luôn dàn lưới, sạt nghiệp như chơi”, nói rồi ông cầm ly trà cụng với một người trong chúng tôi cứ như đang uống rượu.

Chị Tư dọn bếp gas với mực tuộc và ghẹ. Sáng nay, sau chuyến cào, Tư Hưởng chừa lại một mớ hải sản này vì chiều qua thiếu tá Khởi đã điện báo có khách. Ghẹ không mấy lớn nhưng mùa này con nào cũng có gạch vàng hươm, ai cũng khen ngon. Chuyện đãi đằng khách từ đất liền ra thăm luôn được dân đảo vui vẻ như là một vinh dự của gia chủ.

Cũng chẳng có gì, chỉ “cây nhà lá vườn”, như lời Tư Hưởng khiêm tốn. Mực tuộc tươi nhúng giấm ăn “te tua” đầu lưỡi, mới hao phân nửa thì chị Tư dọn tiếp canh chua. Tư Hưởng gắp thịt cá bỏ vào chén từng người, mời: “Ăn đi, cá chuộn”. Thấy họ ngơ ngác, ông cắt nghĩa: “Cá chuộn, giống như cá chẽm, nuôi lồng 16 tháng thì mỗi con nặng chứng 2 ký lô, mỗi ký bán được 200.000 đồng. Cá chuộn ngon hơn cá bớp vì thịt không tanh nên thơm”.

Cá chuộn nấu chua là một món ngon, dù trên đảo nhỏ thiếu thốn gia vị nên không thể nấu chua theo kiểu trong đất liền là có sả nghệ đâm nhỏ cùng các loại bạc hà, cà chua, giá... chỉ có mỗi đậu bắp và bắp cải với me hái trên núi thôi mà tô canh được anh em “hưởng ứng tận tình”.

Tư Hưởng mạnh rượu, cụng ly lia lịa. Rượu có màu sậm, hỏi, ông cho biết ngâm với cây thuốc. Trên ngọn núi cao 180 mét này có nhiều cây dược liệu như huyết rồng, thần thông, dây gấm, dây cóc… Lâu lâu có một đoàn săn tìm cây thuốc tới đây khai thác. “Nếu không quản lý, mơi mốt chắc không còn giống gì trị bịnh”, Tư Hưởng băn khoăn. Cuối cùng, dĩa chả cá mối chiên dọn lên, nhưng không ai đụng đũa vì ai nấy bụng căng tròn.

Chia tay, cả gia đình Tư Hưởng tiễn chúng tôi đến tận cuối cầu tàu, nơi có mấy chiếc ghe cào của anh em ông neo đậu. Hai con anh (anh có sáu con, 3 trai ba gái đều ở đảo) đang ngồi vá lưới cũng ngưng việc, tiễn chân, nhắc chừng chừng “nhớ ra chơi nhen mấy bác”, dù họ không cùng chúng tôi ngồi chung mâm. Mới thấy cái “hơi” đất liền quý làm sao với họ. Với phong cảnh đẹp, còn rất hoang sơ, vậy mà hòn Nhum vẫn cứ là một “ốc đảo” đối với nhiều khách du lịch! Ý nghĩ đó khiến chúng tôi chợt buồn khi rời hòn đảo giữa vùng vịnh Hà Tiên thơ mộng này - nơi được mệnh danh là “Tiểu Hạ Long phương Nam”.

Ghe nổ máy. Cứ tưởng buổi trưa biển êm. Nào dè ra khỏi vùng có các hòn che khuất, những con sóng dữ tợn hồi sáng lại đập vào be ghe. Lúc lúc một vài con cá heo trồi lên hụp xuống trước mặt, bên hông ghe khiến anh bạn say sóng cũng tỉnh người mê mắt nhìn. Thiếu tá Khởi hô lớn: “Nược đua, nược đua”. Vậy là mấy con cá heo nô nức rượt theo ghe một cách ngoạn mục.

Du lịch, GO! - Theo TBKTSG
Hà Thành là nơi tập trung nhiều ngôi chùa có cả ngàn năm tuổi. Chùa Vạn Niên - giống như cái tên của nó, đã trường tồn cùng với Thăng Long một nghìn năm nay. Nhưng với vẻ khiêm tốn của mình và trải qua thời gian đằng đẵng, không còn nhiều người biết đến ngôi chùa này.

< Cổng sau chùa Vạn Niên nhìn ra Hồ Tây.

Trong cuộc sống hối hả, người ta tìm đến vãn cảnh chùa chiền vừa để thấy lòng mình thanh thản hơn, vừa cầu bình an sức khỏe cho người thân. Hà Nội có khá nhiều ngôi chùa như thế, không chỉ có cảnh vật hữu tình mà kiến trúc cổ kính có giá trị. Nằm ngay trên đường Lạc Long Quân khang trang sạch sẽ, chùa Vạn Niên không tấp nập người khói hương mà cảnh vật thanh bình cây cối xanh mát. Bức tượng Phật khá lớn đặt giữa trời, trước đài phun nước, những bông sen bông súng nở hoa tạo nên khung cảnh thanh tịnh khoáng đạt.
.
Ngày thường, chùa vắng lặng chỉ có những người trong chùa trông coi hương khói, đến ngày rằm và ngày lễ, người dân đến đây thắp hương rất đông. Không giống như các ngôi chùa khác người ta đến xin cầu tài làm ăn, chùa Vạn Niên mang hơi hướng cầu bình an, tránh tà, cầu xin sức khỏe cho gia đình, con cháu. Cảnh chùa không còn rộng lớn nhưng đổi lại là không gian xanh mát khiến cho khách vãng lai muốn dừng chân nghỉ lại. Cho dù chỉ ngồi dưới chân tượng phật mà ngẫm nghĩ và để cho lòng mình được tự tại thanh nhàn.

< Cổng chính chùa Vạn Niên.

Cổng chùa Vạn Niên Chùa Vạn Niên nằm ở bờ phía tây của Hồ Tây, thuộc địa phận ấp Quán La, nay thuộc Xuân La, quận Tây Hồ. Hiện nay trên nóc chùa còn ba chữ triện đắp nổi “Vạn Niên tự” nhưng tên cũ của chùa là Vạn Tuế.  Chùa có gốc tích từ rấy lâu đời, tường truyền, đời nhà Lý năm Giáp Dần, niên hiêụ Thuận Thiên thứ Năm (1014)., Thạch Nhai tăng thống tấu xin cho lập giới đàn ở đây để tập hợp tăng đồ thụ giới. Vua xuống chiếu ban cho. Nhiều nhà sư danh tiếng như Lâm Tuệ Sinh, Lý Thảo được từng trị vì ở đây. Đến thời Lý, chùa đã trở thành chốn tùng lâm thị giới cho các tăng đồ.

Như vậy, ngay từ thời kỳ này, đây đã phải là một ngôi chùa có quy mô lớn. Hiện nay, chùa Vạn Niên thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh. Suốt hơn 1.000 năm lịch sử, qua bao thăng trầm, thay đổi, ngôi chùa cũng đã nhiều lần trùng tu. Đến nay, chùa Vạn Niên có phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Mặt bằng chùa bao gồm: tam quan, chùa chính và điện mẫu, ẩn hiện dưới những vòm cây cổ thụ và in bóng xuống hồ Tây. Bộ di vật của chùa gồm hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn được đánh giá là lớn và có giá trị lịch sử - văn hoá nghệ thuật cao được lưu giữ tại chùa.

Một góc cảnh chùa với hoa sen đang nở Hiện tại, chùa Vạn Niên nằm khiêm tốn nép mình dưới những rặng cây cổ thụ um tùm. Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá. Những ngày rằm và mùng 1 hàng tháng chùa làm cơm chay để các Phật tử đi lễ chùa dùng cơm chay cùng nhà chùa. Nhà chùa làm cơm chay rất nhiều món và rất ngon.

Thông thường để dự cơm chay thì các Phật tử báo với nhà chùa để nhà chùa chuẩn bị và tịnh tài thì các Phật tử tuỳ hỷ.  Bài ký trên chuông đồng "Vạn Niên Tự Chung" đúc vào đời Gia Long cho biết: "Chùa Vạn Niên là một di tích cổ có qui mô bề thế, một danh lam cổ tích lớn ở phía tây kinh đô Thăng Long". Từ đó về sau, ngôi chùa được trùng tu nhiều lần. Ngôi cổ tự này cũng là nơi dừng chân của nhiều du khách đến thưởng ngoạn cụm di tích phủ - đền - chùa Hồ Tây của Thủ đô ngàn năm tuổi.

Ngôi cổ tự Vạn Niên là nơi dừng chân của nhiều du khách đến thưởng ngoạn cụm di tích phủ - đền- chùa Hồ Tây của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Chùa đã được Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Nhiều năm nay, di tích này luôn được chính quyền và nhân dân Thủ đô cùng du khách thập phương trân trọng, gìn giữ, tu bổ tôn tạo ngày một khang trang hơn. Hướng tới 1000 năm Thăng Long Hà Nội, chùa Vạn Niên không chỉ giữ mãi nét đẹp truyền thống, cổ kính cho không gian của Thủ đô mà còn giữ lại cả nét độc đáo về văn hóa kiến trúc cho con cháu mai sau.

Du lịch, GO! - Theo NguoiHanoi, VOV

Thursday, 14 July 2011

Tết đến, chúng tôi háo hức lên đường. Điểm đến là những cung đường ở miền núi phía Bắc, nơi đào mận tưng bừng khoe sắc xuân, bà con dân tộc thiểu số náo nức chơi hội sải sán, gầu tào, lồng tồng, ra đồng...

Buổi sáng ở Lào Cai, chúng tôi đi xe máy theo hướng Mường Khương, Pha Long rời Bắc Hà qua Xín Mần, tìm đến Hoàng Su Phì khi trời đã tối như mực.

Dãy Tây Côn Lĩnh nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, thuộc địa phận huyện Hoàng Su Phì. Ngoài đỉnh Tây Côn Lĩnh 2.427m được coi là cao nhất khu vực Đông Bắc bộ, còn có đỉnh Gia Long (thuộc xã Bản Phùng) và Kiều Liêu Ti (thuộc xã Hồ Thầu) đều cao trên 2.400m và một loạt đỉnh khác có độ cao hơn 2.000m. Chinh phục Tây Côn Lĩnh huyền thoại luôn là mơ ước đối với dân "phượt", nhưng khám phá Tây Côn Lĩnh vào mùa xuân là một lời chào xuân ấn tượng.
.
< Thị trấn Vinh Quang.

Tại thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) vào một ngày đầu năm mới, không dễ để hỏi được lối lên Tây Côn Lĩnh khi nhà nhà đều đang vui vầy sum họp, tiệc tùng.

Đến phiên chợ cuối tuần đầu tiên trong năm mới cũng vắng vẻ, chỉ có một nhóm người Tày, Nùng mang rau cải xuống chợ, ngồi từ sáng tới chiều có khi không bán hết gùi rau xanh.

Sau 20km đường trồi sụt xóc tung người, chúng tôi cũng tới trung tâm xã Tân Tiến và được chỉ đường vào ngã ba Túng Sán, nơi có một ngả lên Tây Côn Lĩnh 1 đi về phía biên giới Trung Quốc - con đường chúng tôi sẽ chinh phục, ngả kia qua dãy Tây Côn Lĩnh 2 đi về phía Vị Xuyên.

Ghé vào một ngôi nhà bán hàng tạp hóa ở Túng Sán, chúng tôi được mời uống rượu tết với chủ nhà người Tày và được mời ở lại để hôm sau tham gia lễ hội ra đồng với bà con.

Tuy nhiên, chúng tôi đành từ chối và tiếp tục lên đường. Nắng vàng ươm trải rực rỡ trên lối mòn chúng tôi đi. Con đường hoang hoải và rậm rạp cây cỏ vốn chỉ dành cho người đi bộ nhưng cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú vô cùng.

Từ trên cao, những thửa ruộng bậc thang quấn quanh lưng núi, trải dài miên man và hùng vĩ dù chưa vào mùa gieo hạt nên vẫn khô màu đất.

Càng lên cao càng nhọc nhằn trắc trở, nhà cửa thưa thớt, những bụi cây thêm rập rạp, che lấp cả lối mòn. Bất chấp cây cỏ chắn ngang, những con suối vắt qua đường khi ngập nước khi sình lầy, chỉ cần thấy con đường phía trước còn đi được là mấy con chiến mã lại háo hức xông lên, có lúc đuổi theo đám trâu rừng vừa chạy vừa ngoái lại nhìn trước khi rẽ sang vách núi khác, trả lại con đường mòn cho đám khách lạ không mời.

Đường từ Đản Ván Thượng lên đỉnh Bốt Đen có lẽ là cung đường mùa xuân đẹp nhất mà tôi từng đi qua trong cuộc đời. Màu hoa đào Tây Côn Lĩnh ấy sẽ ám ảnh tôi mãi dù từng được chiêm ngưỡng hoa đào ở Điện Biên, Lai Châu, Sa Pa, Bắc Hà, Ý Tý...

Có lẽ không ở đâu những gốc đào núi lại tuyệt đẹp và rạng rỡ đến vậy. Cánh hoa như dày dặn hơn, bông hoa như to hơn, khỏe khoắn hồn nhiên đu mình trên vách núi, căng tràn sức xuân tựa nàng sơn nữ tuổi trăng tròn. Những gốc đào nằm cheo leo, hoa nở hồng rực từ gốc đến ngọn, giữa thiên nhiên hùng vĩ, bên những mái nhà tranh giản dị khiến chúng tôi ngây ngất bàng hoàng. Trước mùa xuân, Tây Côn Lĩnh rạng rỡ trong một buổi chiều như không có thật, bao nhọc nhằn trước đó như tan biến.

Sau bữa trưa với xôi nếp trắng và gà luộc giữa rừng sâu núi cao, cảnh sắc thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa trữ tình, chúng tôi tiếp tục đi về phía Bốt Đen. Có đoạn đường phải dùng dao mở lối cho xe đi. Dốc cao thì cùng nhau hò dô đẩy cho xe qua bằng được. Dăm ba lần chiến mã húc vào vách núi, ngã ùm xuống suối, thậm chí tuột xuống vực nhưng may mắn được đám cây rối rắm quấn vào nhau giữ lại! Đến khi trước mặt chúng tôi là một nửa quả núi sạt xuống không biết tự bao giờ, không có đường mòn cho cả người đi bộ. Biết không thể vượt Bốt Đen để sang bên kia Lao Chải về Thanh Thủy, chúng tôi quyết định quay về. Lại mở đường, phạt cây, kê đá, bê xe, lăn bánh, đẩy xe... như khi đi vào.

Chiều xuống. Hoàng hôn khoác tấm áo đỏ tím lên dãy Tây Côn Lĩnh, tỏa ánh nắng chiều lấp lánh trên những cánh hoa đào, hoa mận khiến chúng trở nên lấp lánh và hư ảo lạ thường. Tôi biết sẽ không ai trong chúng tôi có thể quên được mùa xuân Tây Côn Lĩnh diệu vợi, phiêu bồng...

Du lịch, GO! - Theo DulichTuoitre, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống