Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 15 July 2011

Trên cái nền của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nếu không ngoa nói rằng còn có một không gian văn hóa rượu cần thì cũng không có gì qúa đáng. 

Hầu như cộng đồng các dân tộc ở đây đều biết làm và uống rượu cần theo cách thức rất độc đáo của dân tộc mình. Và cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, rượu cần là thức uống quý và phổ biến của các dân tộc thiểu số ở miền tây Quảng Ngãi - nhất là trong cộng đồng dân tộc Hrê.

Rượu cần (người Hrê gọi là cà-rỏ) được làm công phu từ lương thực nuôi sống con người nên bà con rất qúi. Nguyên liệu chính làm rượu cần có thể bằng gạo, bắp (ngô) hoặc khoai mì (sắn)…. Mỗi loại cho một hương vị riêng, nhưng ngon nhất là loại rượu cần được làm từ lúa rẫy.
.
Gắn với làm rượu cần là cách thức làm men truyền thống (người Hrê gọi là bờ-lo). Ngày xưa làm men ủ rượu cần là bí quyết của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Cách thức sử dụng nguyên liệu và pha chế làm men ủ rượu cần truyền thống của từng dân tộc có khác nhau đôi chút, nhưng nhìn chung là đều dùng chất liệu từ những thứ lá, rễ cây tự nhiên trên rừng. Và chỉ loại rượu cần được làm từ men tự chế theo kiểu truyền thống như vậy mới cho được hương vị thơm ngon riêng biệt.      

Đối với người Hrê trước đây, làm rượu cần thường là công việc của người phụ nữ. Để có được chóe rượu cần thơm ngon thì ngoài sử dụng loại nguyên liệu, cách làm men, còn phải có kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người phụ nữ trong gia đình. Và làm rượu cần ngon cũng là một nét đẹp nữ tính của người phụ nữ Hrê. Điều đặc biệt là chóe rượu cần của người Hrê dùng để mời khách bao giờ cũng là choé rượu ngon nhất của gia đình. Điều đó vừa thể hiện sự trân trọng của gia đình tiếp đón khách, nhưng đồng thời người phụ nữ chủ nhà cũng tế nhị muốn giới thiệu với khách về sự khéo léo của mình!

Về nguyên lý cơ bản, làm rượu cần của người Hrê phải qua các công đoạn: Nấu chín nguyên liệu, trải ra cho nguội, trộn đều với men đã được giã nhỏ, ủ qua một đêm rồi cho vào chóe bằng gốm. Khi cho hỗn hợp trên vào choé, bà con thường trộn thêm vỏ trấu (để tạo độ thoáng cho rượu dễ lên men). Chóe rượu được bịt kín miệng bằng lá chuối, để vào nơi râm mát và sau một tháng là có thể uống được, nhưng nếu để càng lâu thì hương vị càng thơm ngon hơn.

Ngày xưa, trong các dịp lễ tế thần linh, ngày hội làng và đón khách của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số miền tây Quảng Ngãi nói chung và của người Hrê nói riêng thường không thể thiếu rượu cần. Vào dịp này, mọi người trong làng quay quần uống rượu cần với nhau thật vui vẻ, cùng nhau chia sẻ việc làng, việc nước. Tính cấu kết cộng đồng thông qua chóe rượu cần vì vậy có ý nghĩa rất cao.

Cách thức uống rượu cần cũng có những nghi lễ riêng. Thường thì chủ nhà mở chóe rượu, dùng những chiếc triêng (cần) làm công phu bằng thân cây dương sỉ cắm sâu xuống đáy chóe rượu (tác dụng như những chiếc ống hút).

Chủ nhà nếm trước rồi nâng cần trao cho khách. Rượu vơi đi châm thêm nước suối vào là có thể dùng tiếp được mà hương vị vẫn đậm đà không hề thay đổi. Khi uống, chủ nhà sẽ cầm ca tiếp nước vào chóe. Nước trong ca rót hết mà không tràn ra ngoài là khách đã uống hết phần rượu của mình, cứ như thế đến lượt người khác, giáp vòng. Trong cái không khí thâm tình vui vẻ khi uống rượu cần, nếu bạn lỡ qúa đà vui say thì cũng không qúa lo ngại, vì như vậy bà con cho là chân thành và càng yêu qúi bạn hơn.

Tháng 3, tháng 4 âm lịch hàng năm, khi hoa gạo nở đỏ rực núi rừng, đồng bào Hrê miền tây Quảng Ngãi bắt đầu ăn Tết truyền thống của dân tộc mình. Vào mùa này, có dịp về với buôn làng, nếu may mắn cùng với con trai con gái và dân làng quay quần uống rượu cần, cùng vui múa hát trong âm vang tiếng ching rộn ràng, sẽ dâng lên trong mỗi chúng ta một cảm nhận rất lạ, rất đặc biệt!

Du lịch, GO! Theo YuMe, ảnh internet
Đến Gia Lai trong những ngày xuân là đến với nắng gió, đến với màu rừng sắc núi vẫn còn nguyên sơ, tươi nồng, với những lễ hội đậm đà bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên.

Huyện Chư Sê ở cách thành phố Pleiku, tỉnh lỵ của Gia Lai, khoảng 40km. Thác Phú Cường thuộc xã Dun của huyện Chư Sê, chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa đã tắt nguội từ hàng triệu năm trước. Cột nước của thác cao khoảng 45m. Mùa mưa, thác tràn rộng, giăng ngang tựa tấm màn bạc, mịt mù hơi nước. Mùa khô, nước thu gọn, đổ xuống óng mềm như dải lụa.
Nếu chọn hành trình này, bạn có thể liên hệ trước với các công ty du lịch để kết nối với người dân địa phương, đặt trước những chú voi. Cưỡi voi trên những triền dốc mênh mang, hoang dã của vùng rừng núi Chư Sê là một trải nghiệm thú vị.
.
Đây là hành trình hoàn toàn khác với cưỡi voi len lỏi qua những ngôi nhà sàn ở Buôn Đôn, Buôn Jun của đất Ban Mê, Đắk Lắk, hay cưỡi voi trên những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Tuyền Lâm, Đarahoa của Đà Lạt. Để có thể đón du khách vào 9g sáng ở xã Dun, những chú voi sẽ phải đi bộ từ làng voi Nhơn Hòa lúc 3g sáng, qua những cánh rừng, những nẻo đường đất đỏ bazan.

Trên bành của con voi to lớn nhưng hiền lành, bạn sẽ mất khoảng mươi mười lăm phút đầu để làm quen với cảm giác nghiêng ngả, tròng trành. Vượt qua chút e ngại khi bị dốc ngược, lúc đổ xuôi, chắc chắn bạn sẽ rất thích thú. Ấn tượng nhất là khi đang đi trên mặt dốc nghiêng từ 15-45 độ, những “ông tượng” bỗng hứng chí quỳ chân, sục vòi xuống con lạch nhỏ ven đường để uống nước. Mặt đất chơi vơi, chấp chới xung quanh nhưng bạn hãy vững tâm, vì bốn chân voi luôn trụ vững vàng như bàn thạch.

Các anh nài cũng sẽ nhanh chóng vỗ về, nhắc nhở để chú voi mau đứng dậy cho thăng bằng. Voi đạp trên cây cỏ mà đi, tự khai phá con đường đầy ngẫu hứng chứ không hề theo lối mòn. Du khách ngất ngưởng trên lưng voi, thư thái ngắm cảnh. Đường vòng vèo men theo con suối, tiếng nước chảy rì rào, băng qua những khoảng ruộng bậc thang xanh mướt ôm lấy sườn đồi cong, băng qua những bụi cây, hoa, cỏ dại không biết tên. Khi đói bụng, những chú voi bỗng quơ vòi, ăn vội vài nhánh lá...

Đến đầu ngọn thác Phú Cường là điểm cuối của hành trình cưỡi voi. Xuống đất rồi, bạn vẫn còn cảm giác lâng lâng, lại phải mất thêm vài phút để lấy lại cân bằng. Đi bộ tiếp, vòng qua mặt đường lớn và theo lối xuống dốc gần như thẳng đứng; ở lưng chừng, sẽ có một mỏm đá dừng chân để bạn ngắm thác. Dòng chảy buông thẳng xuống ào ạt, mạnh mẽ. Hơi nước li ti phun thành quầng mây trắng. Trong ngày nắng, giữa vùng bụi nước sẽ lung linh bảy sắc cầu vồng.

Đứng từ dưới thác nhìn lên, dải thác như chiếc khăn lụa trắng, nổi bật trên nền trời xanh biếc với một vùng hoa lá cỏ cây vây quanh. Dưới chân thác là bãi đá magma có màu đỏ đậm đặc trưng. Đây là loại đá hình thành từ lòng núi lửa, ngổn ngang chất chồng lên nhau với đủ cỡ, rất kỳ thú.

Nếu vẫn còn thời gian, bạn có thể xuôi dòng đi tiếp đến hồ thủy điện Ayun Hạ. Hồ rộng 37km² chứa 253 triệu m³ nước, là nơi cung cấp nguồn thủy sản lớn cho khu vực Ayun Hạ và TP. Pleiku. Đến đây vào lúc sáng sớm, bạn có thể xem được cảnh đánh bắt cá tấp nập. Nơi này có nhiều loài cá đặc sản của vùng, đặc biệt là cá lăng. Tại đây cũng có những đội tàu, thuyền phục vụ khách du lịch tham quan, dã ngoại, ngắm cảnh.

Du lịch, GO! - Theo báo Gia Lai
Từ bao đời, các thế hệ người Việt đã nối tiếp vun bồi công sức, góp từng viên đá, mồ hôi và cả máu để xây dựng nên một Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi ngay sau ngày xảy ra sự kiện tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp ở khu vực thềm lục địa VN, chính ủy đơn vị Công binh M31 hải quân, thượng tá Nguyễn Viết Nhất, khẳng định VN không bị bất ngờ trước tham vọng của nước ngoài về biển đảo.

Nhiệm vụ đặc biệt

Trong ký ức mình, ông Nhất còn nhớ như in đúng 21h30 tối 30 Tết Mậu Thìn (tức ngày 16/2/1988), đơn vị M31 nhận được lệnh khẩn của Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân phải điều gấp một phân đội từ Quảng Ninh vào Cam Ranh để nhận nhiệm vụ đặc biệt: tiếp tục xây dựng công trình tại Trường Sa!
.
< Đoàn M31 hành quân đi xây đảo ở Trường Sa năm 1988.

Lính công binh quanh năm ở công trình, ngày tết mới được về quê. Nhưng chỉ một tiếng sau khi nhận được lệnh, đơn vị M31 đã triệu tập hội nghị cán bộ cốt cán và ngay đêm giao thừa, tất cả lãnh đạo đơn vị đang ứng trực tỏa xuống các gia đình cán bộ ở khu vực đóng quân tiếng là chúc tết, nhưng chủ yếu phổ biến nhiệm vụ, triệu tập cán bộ lên đường. Sáng mùng 1 Tết, xe M31 đến từng nhà đón cán bộ, chiến sĩ. Ngày 15/3, sau khi chuẩn bị xong phương tiện, vật tư, thiết kế, phân đội đầu tiên của đơn vị M31 hành quân thẳng tiến về Trường Sa.

Ông Nhất kể: “Thời đó mình chưa phải là lãnh đạo đơn vị, trước khi lên đường ra Trường Sa mình gộp hết tiền mua hai nồi áp suất, một tặng vợ, một tặng gia đình nhà vợ”. Lúc ấy 28 tuổi, con vừa sinh, ông Nhất nhớ lại cảm giác kỳ lạ của mình:“Cũng xác định trước có thể hi sinh, món quà trên có thể là món quà ân nghĩa cuối cùng với người ở lại”. Nhưng để giữ không khí Tết thanh bình, trước khi lên đường ông chỉ nói với vợ: “Anh đi công tác xa, cố gắng chăm con”...

Khởi hành

< Buổi chào cờ đầu tuần trên Đảo Thuyền Chài.

Đại tá Vũ Tiến Quỳnh, hiện là chỉ huy trưởng đơn vị Công binh hải quân M31, hóm hỉnh nhớ lại: “Hồi đó chúng tôi phải ngồi cỡ hai ngày đến một tuần trên cái “máng lợn” thì mới đến Trường Sa”. Ông Quỳnh giải thích: công binh thời đó hay ra đảo trên tàu há mồm LTU. Tàu này không có phòng, cả trung đoàn trưởng ra đảo cũng phải tự tìm chỗ trên boong mắc võng mà nằm. Nắng chói chang, sóng tạt, mưa ầm ầm cũng cứ ở boong chịu trận.
Sống giữa hai cái sườn tàu như máng lợn nên tàu LTU chết tên là “cái máng lợn”. Thượng tá Nhất cũng nhớ: “Tàu LTU thời đó chỉ bằng tàu cỡ 30-40 tấn ngày nay. Nó vừa cõng vật liệu, lại chở cán bộ chiến sĩ nên rất chật”.

< Làm móng xây nhà trên đảo Núi Le, Trường Sa năm 1988.

Đại tá Vũ Tiến Quỳnh nhớ lại nhiệm vụ đầu tiên của M31 là xây nhà kiên cố ở đảo Đá Lớn. Công binh được lệnh xây nhà cấp 3 bằng gỗ, lợp mái tôn. Ra đảo ai cũng biết khó khăn, nhưng với nhiều người lính, gian khó không ai nghĩ lại ghê gớm đến thế. Thượng tá Nhất nói khó nhất là khâu truyền tải. Ngày đó không có cơ giới, tất cả làm bằng tay. Đá, cát, sắt thép bê từ thuyền xuống xuồng quá truân chuyên. Có khi chiến sĩ dưới xuồng cầm được đá rồi, nhưng gặp sóng dữ cả người lẫn đá văng xuống biển.

< Chiều trên đảo Núi Le.

“Ngày đó chúng tôi có loại dây nilông không chìm, khi chất xong vật liệu xuống xuồng phải lần theo dây này kéo xuồng vào đảo”. Đoạn đường này có khi dài vài cây số vì vướng bãi san hô, thuyền không thể vào sâu được. Nắng cháy, rồi cả ngày chiến đấu với nước, bàn tay người lính bạc thếch. Những chiếc dây nilông ghì kéo với sóng to gió lớn làm bàn tay họ tước cả thịt da. Điều kỳ lạ là chỉ trong 12 ngày, công binh Hải quân M31 đã dựng xong nhà cấp 3 ở Đá Lớn, bàn giao cho chiến sĩ canh giữ, thêm một lần nữa khẳng định dứt khoát chủ quyền VN ở Trường Sa.

< Công binh tập kết đá xây nhà cấp 1 trên đảo Len Đao, tháng 5/1989.

Căng thẳng nhất là thời điểm đổ bộ tái cắm mốc và xây nhà ở đảo Cô Lin và Len Đao năm 1989.
Để bắt đầu xây đảo, đơn vị M31 cử một tổ tiền trạm ra hai đảo. Tàu HQ 668 chở đoàn đi. Ngay khi vừa xuất phát, HQ 668 đã phải neo lại giàn khoan năm ngày vì sóng quá dữ. Dự kiến tàu sẽ đi một vòng, rồi từ đảo Sinh Tồn đổ bộ nhanh vào Cô Lin và Len Đao.

Nhưng do sóng to, tàu lại nhỏ, phương tiện cũ nên HQ 668 đã đi lạc vào đảo Chữ Thập. Đến 4g sáng cùng đêm đó, tàu lại lạc vào đảo Ga Ven. HQ 668 chuyển hướng, sáng sớm thì tới Nam Yết. Trong khi HQ 668 lênh đênh trên biển thì tàu chở vật liệu lại ở Sinh Tồn. Từ Nam Yết, HQ 668 đi vòng sang Cô Lin và Len Đao, đổ bộ để triển khai tiếp tục xây dựng các công trình.

< Và Len Đao bây giờ...

Nhiều sáng kiến đã được đưa ra, như vận chuyển bêtông ngầm dưới nước, làm giàn giáo dã chiến... để đẩy nhanh tiến độ. Có chiến sĩ đã làm cả những thanh gỗ, phủ bạt lên, trông như pháo để uy hiếp, giảm ý chí tấn công của nước ngoài. Chỉ sau ba tháng, những chiến sĩ công binh đã tự hào nối tiếp cha ông, họ đã xây nên công trình trên hai đảo Cô Lin và Len Đao.

Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên chỉ huy trưởng đơn vị công binh Hải quân T3, nguyên tư lệnh Binh chủng công binh, vẫn nhớ như in những ngày bắt đầu công tác tại Trường Sa: “Thời ấy đảo chưa trồng rau được, cán bộ chiến sĩ quanh năm ăn đồ hộp nên hầu hết bị bệnh đường ruột, đặc biệt là bệnh kiết.

Lúc mới ra tôi có mang theo ít măng khô, rau củ. Nhìn anh em nào yếu, tối tôi phải gọi riêng vào phòng cho củ su hào. Có khi chỉ một cọng rau không còn lá nhưng lính quý, chảy nước mắt...”.

“Xây Loa thành trên biển”

Không chỉ lo sóng lớn, bão bùng, những ngày đẹp trời ở Trường Sa cũng là thử thách với những người xây đảo. “Nắng ở đảo chói chang, nên có một lần ra đảo, kỷ lục bốn lần tôi bị thay da” - đại tá Vũ Tiến Quỳnh, hiện là chỉ huy trưởng đơn vị công binh Hải quân M31, kể.

Do nắng rát, lại liên tục ngụp lặn, nhiều chiến sĩ đã tính vui thâm niên bằng những lần bong tróc, thay da. “Có khi da mới thay còn đang đỏ, sau một ngày làm lại bong ra thay lớp mới” - ông Quỳnh nói.

< Sửa sang công sự, sẵn sàng chiến đấu.

Thời tiết Trường Sa khắc nghiệt, những ngày làm đảo Đá Lớn, ông Kiền lần đầu tiên đưa xuồng máy ra chuyển tải, kéo thuyền vật liệu để bớt sức công binh. Nhưng cũng chỉ được một tháng là các máy đẩy lần lượt hỏng hệ thống điện, phải dừng lại. Chỉ còn một chiếc, chiến sĩ phải “áp đặt chế độ nghỉ dưỡng đặc biệt cho máy”, chỉ dùng khi cần cấp cứu, tình huống khẩn cấp. Nhưng người lính thì vẫn phải làm. Thủy triều xuống là tất cả lại lao ra công trường, bất kể ngày đêm.

Anh Nguyễn Văn Thống, nguyên tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn thuộc đơn vị công binh Hải quân T3, nhớ mãi những ngày hè xây đảo. Rồi mưa dông kéo đổ giàn giáo, tường vữa nhưng người chiến sĩ cứ làm và cuối cùng những ngôi nhà trên sóng dần hiện ra. “Chúng tôi như những người xây Loa thành trên biển” - anh Thống tự hào kể.

Phút giây sống chết

< Đảo Tốc Tan 1988.

Ngày 25/3/1990, tàu HQ 617 đưa một đại đội ra đảo Đá Lớn đào nền san hô cứng để tiếp tục mở luồng dài gần 1km vào một âu thuyền trú bão cho ngư dân. Tàu phải đậu ở xa, tránh va phải đá ngầm. Nếu đóng quân trên tàu, mỗi buổi thời gian đi về mất cả tiếng. Bộ đội quyết định “đóng quân” trên hai bãi nổi chỉ cỡ vài chục mét vuông.
“Doanh trại” của chiến sĩ bên trên chỉ có một tấm bạt, dưới chằng đủ nồi niêu, xoong, chảo. Khi thủy triều lên nó “phập phù trên mặt nước”, khi gió mạnh thì sóng tràn qua.

“Chiến đấu” với nắng gió được hơn một tuần thì xảy ra sự cố. Ông Hoàng Kiền vẫn nhớ như in đó là đêm 4/4/1990, khoảng 1h sáng, đang ngủ thì bỗng dông ầm ầm ập tới. Chiến sĩ gác vừa hô báo động thì gió đã thổi, sóng vỗ ào ào. Cả đơn vị giật mình. Không kịp buộc vật dụng sinh hoạt, tất cả từ sĩ quan đến chiến sĩ đứng dàn thành vòng tròn ôm chặt lấy nhau.

< Đảo Thuyền Chài tháng 5 năm 1988.

Gió càng lúc càng to, sóng trùm cả lên đầu. Cứ sóng ập vào là cả chục người lại bị bốc lên cao cỡ hơn 1m rồi ném xuống. Chỉ một người lỏng tay là cả nhóm bị cuốn ra biển. Lúc đó, đã có những người hét lên để át tiếng gió, dặn dò nhau ai sống thì về quê nhắn hộ mấy lời cho con... Có thể họ đang đối diện với những giờ phút cuối cùng.

Nhưng những cánh tay, bàn chân bám trụ của người lính đã chiến thắng. Dông qua đi, không ai ngủ tiếp. Nhiều người hát như vừa được sống lại dù biết cuộc sống sắp tới sẽ gian khó hơn do nồi, niêu, vật dụng cá nhân... đã bị trôi gần hết.

< Đường vào đảo Đá Đông.

Sáng, cả đơn vị họp và quyết tâm... trụ lại ở bãi nổi thay vì rút lên tàu. Hai kỹ sư công trình Hoàng Đình Đạm và Võ Hồng Khanh được dịp trổ tài. Ông Hoàng Kiền quyết định tạm dừng thi công một ngày, tất cả đi vác đá, làm công sự chống sóng.

Bất thường nắng gió Trường Sa được đại tá Vũ Tiến Quỳnh kể lại: “Trời, nước ở Trường Sa rất lạ, bình thường thì biển lặng, đẹp như gương. Nhưng chỉ ầm ào vài phút là mây đen từ đâu kéo đến vây chặt lấy người. Gió có thể bốc người ra xa. Sóng lừng lững cả chục mét ập xuống”.

< Xây dựng đảo Thuyền Chài.

Bão ở trên đất liền đã kinh khủng, bão giữa biển còn ghê gớm hơn. Nhiều đợt thi công, bộ đội công binh M31 phải đóng quân trên những pôngtông - một dạng phao nổi, có bạt ở trên, được neo bốn góc xuống đảo chìm, lúc nào cũng phập phềnh trên nước. Các chiến sĩ đơn vị M31 trên pôngtông vẫn còn nhớ trận bão năm 1994, dù trên phao nhưng có lúc pôngtông cuộn lại như hình tròn, rồi như một trái bóng bị ném văng theo ngọn sóng.

Trận bão năm 1994, một pôngtông của công binh M31 bị cuốn phăng ra biển. Những người ở lại tưởng đã phải vĩnh biệt đồng đội, nhưng cuối cùng pôngtông được một tàu cứu sống.

Những vụ nổ nhớ đời

Ông Hoàng Kiền còn nhớ vụ nổ mìn tạo luồng ở đảo Đá Lớn. Ông và cán bộ phải trực tiếp chứng kiến nổ. Lợi dụng tảng đá lớn án ngữ, công binh dùng đá, gỗ tạo một công sự vững chắc, có lỗ châu mai nhìn ra ngoài, cách điểm nổ 200m.

< Dãi cát hình chữ S ở Trường Sa.

“Lúc mới nổ mặt đất rung lên, tôi nhìn thấy cả một con kênh vừa được tạo, nước dạt ra, để lộ đáy cát trắng tinh trông tuyệt đẹp”. Quả nổ đó dù rải theo chiều dài luồng cần mở nhưng cũng rất mạnh. Ngay lập tức nước và sóng xung kích tràn đến.

Đất đá không phá được công sự nhưng nước thì tràn vào và khói thuốc nổ mịt mù. Không thở được, trời đất đen kịt. Ông Hoàng Kiền tưởng chết nhưng điều lạ kỳ chính ông cũng không hiểu sao mình vẫn sống. Ông quay lại nhìn những người lính đứng đằng xa, mặt ai cũng nhem nhuốc khói.

Một lần nữa trong năm 1990, sự kiện thoát chết với người lính công binh T3 có lẽ rất khó quên là quả nổ cuối cùng thông luồng vào Đá Lớn. Tàu vận tải đã vào bờ, chỉ có hai tàu LTU bảo vệ ứng trực. Bằng linh cảm lạ, chỉ huy tàu gặp lãnh đạo công binh đề nghị “phải tạo luồng nhanh thôi, không bão đến thì đắm tàu”. Ông Hoàng Kiền đồng ý với đề nghị khi có bão phải cho lính ông lên tàu. Rồi ông Kiền quyết định thực hiện quả nổ.

Tướng Kiền cho rằng: “Đó là một vụ nổ mang tính quyết định. Phải sơ tán bộ đội trong phạm vi 5km. Luồng vừa thông, tàu vừa vào hồ thì hôm sau bão dữ ập đến. Không làm nhanh có lẽ không chiến sĩ công binh nào sống sót với trận bão”.

Phải tiếp tục “thần tốc”

Những ngày này đại tá Hoàng Duy Lập - nguyên chỉ huy trưởng đơn vị công binh Hải quân T3, đã nghỉ hưu tại thành phố Đà Nẵng - ngày nào cũng chạy ra phố mua một tờ báo Tuổi Trẻ, dõi theo chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Ông nói: “Hồi năm 1988, cả nước phát động phong trào vì Trường Sa, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho sáu tỉnh thành gồm: Hải Phòng, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Vũng Tàu - Côn Đảo, TP.HCM, Phú Khánh, mỗi địa phương làm một nhà kiên cố cho một đảo. Những con tàu mang tên Quy Nhơn, Sông Côn, Ba Tơ... đã chở hàng trăm công nhân cưỡi sóng ra sát cánh cùng bộ đội “tôn nền Tổ quốc”. Nay ta cần mở rộng, vươn lên vững chãi hơn về phòng thủ nên việc xây “Loa thành trên biển” rất cần phải làm theo cách thần tốc mà công binh hải quân từng làm... “.

Du lịch, GO! Theo Tuoitre, HTN và nhiều nguồn khác

Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 1
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 2
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 3
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 4

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống