Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 16 July 2011

Nói tới Tây Bắc, người ta hay dùng đến hai chữ "khám phá". Những câu chuyện kỳ thú về cách ăn nếp ở của những con người trên những vùng cao nguyên cực Bắc tổ quốc, nơi cư ngụ của rất nhiều dân tộc anh em, như vẫn còn chờ các vị khách miền xuôi khám phá...
Đây là chuyến đi của bạn Zozzo từ ngày 24 đến 29/2 năm trước với chiều dài khoảng 1100 km khởi hành từ Hà Nội lên Sapa, Sơn La.

Ngày thứ nhất: HN-Sơn La

Rảnh rỗi lại vác xe chạy dọc theo đường 6 lên Sơn La, đoạn từ Tương Dương lên đường làm gần như hoàn chỉnh, có cái mới so với năm ngoái là đã có đường tránh qua Tx. Hòa Bình. Đường thì đẹp nhưng cũng không thấy gì mấy do đã chạy nhiều lần. Qua khu vực trồng mận kết hợp buôn heroin Loong Luông, Hang Trùng rồi mấy đồi chè Mộc Châu, rồi mấy vách núi đất đỏ Yên Châu... etc không có gì là đặc biệt ngoài các cô gái Thái. Các cô vẫn tắm suối ngay bên cạnh đường đi, hết sức tự nhiên.
.
Rồi Cò Nòi, dừng lại chút tưởng niệm các anh hùng kháng chiến chống Pháp tại đài Liệt sỹ. Tôi cũng đang tiến về Tây Bắc theo hướng các anh hành quân ngày xưa đây, nhưng tôi không tiến vào Điện Biên mà đến Tuần Giáo tôi sẽ rẽ sang Tủa Chùa, theo chiều ngược lại.

Đường đẹp quá nên chạy rất thong thả, cơm nước đàng hoàng mà 5h chiều đã đến Tp. Sơn La, vậy là chỉ mất chừng 6-7 tiếng cho quãng đường mà ngày xưa bộ đội ta phải mất ròng rã hàng tháng trời lặn lội.
< Phố núi đây, mây vờn cột đèn cao áp nhé.

Nhưng thực ra nó chỉ là cái đám khói trẻ trâu đốt rạ ngoài đồng bay vào. Cũng nhiều khi có mây, nhưng không phải hôm nay. Vả lại, mạn này sương mù hay có hơn.
Còn sớm, đi lòng vòng quanh Tp. Sơn La hóa ra to hơn mình tưởng nhiều. Lần trước chỉ loanh quanh 1 góc nên tưởng nó bé. Chạy dọc theo con đường công sở thấy 1 điều đặc trưng là đâu đâu cũng thấy chơi cầu lông. Mọi nơi mọi chỗ, trường học, sân công sở, vỉa hè... mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là đám công chức cõ lẽ do rất đông công chức ở tp núi này vốn ở các huyện, họ làm việc trên tỉnh cuối tuần mới về nhà. Hết giờ làm việc không phải cơm nước vợ con mè nheo. Vậy còn gì tốt hơn là luyện tập thể thao, nâng cao sức khỏe lại tránh được bao điều cám dỗ không lành mạnh nơi đô thị. Mà cầu lông vốn là môn dễ tổ chức chơi. Tinh thần thể thao rất là khí thế.

< Đây, quán bình dân, toàn đồ nhà trồng được, ngay cả cái chai SPA kia cũng thế.

Đến tối, cơm rượu rượu rồi chui vào Ks Sơn La quen thuộc ngủ. Có cái vẫn chưa hiểu sao giá cả mạn Tây Bắc này khá đắt đỏ. Vừa ở Q1 và Q3 trong Sài Gòn, ngay cả khi lạm pháp tăng cao hồi năm ngoái, thì bữa cơm bình dân 50 ngàn ăn không hết. Vậy mà đi trên Tây Bắc này toàn xấp xỉ 100k/bữa. Mà rõ ràng toàn đồ có thể tự cung tự cấp ngay tại địa phương. Chả nhẽ dân tình giàu hơn Sài Gòn sao (?). Tuy nhiên, ăn trên này ngon thật, 1 phần vì đồ tươi sống, một phần chạy xe mệt, đói.

Ngày thứ hai: Sơn La - Tuần Giáo - Tủa Chùa - Mường Lay

Sáng dậy sớm lên đường sang Tuần Giáo. Đã hết Tết, bà cụ người Thái mang cành đào ra vỉa hè giải tán nốt.
Đường sang Tuần Giáo tuy nhỏ cũng rất phẳng phiu, dân tình 2 bên đường đã đông đúc hơn hẳn năm ngoái.
Đang đi lơ ngơ qua Thuận Châu, tự nhiên thấy trước sân ngôi nhà bên đường có đám xanh đỏ, rẽ vào xem nào. Hóa ra mấy cô gái Thái đang tập múa.

Giữa bộn bề khoai sắn, quần áo bẩn chưa giặt và mặc kệ ông chồng đang chổng mông sửa xe máy trong nhà, họ bật đài hăng say theo điệu múa vòng quanh, không thèm để ý đến máy ảnh luôn.
Xem lúc rồi đi tiếp. Chuẩn bị lên con đèo Pha Đin. Có những vạt rừng hoa ban nở trắng xóa. một vài cô bé trèo lên hái mang xuống vệ đường bán cho đám khách dưới xuôi đi qua.
Việc sửa chữa đèo Pha Đin năm ngoái giờ đã hoàn thành. Tổng quan lại là đã hạ được vài chỗ cao nhất xuống chút ít. Ví đụ đọan này năm ngoái vẫn còn là đường đất. Ảnh chụp khi đứng trên đường cũ.
Để hạ thấp được chút vây, nhiều cây cầu đã được làm thêm, bắc qua vực. Có chừng chục cái như thế.

Lưu ý: ảnh trong Du lịch, GO! đều được upload trọn khổ lớn. Bạn nhấn vào ảnh hay Open new tab để xem đúng kích thước.
Được nâng cấp sửa chữa, vượt đèo bây giờ đã dễ dàng hơn năm ngoái nhiều. Nhưng không vì vậy mà số người lao xuống vực giảm đi.

Đây chẳng hạn, dấu vết còn mới cứng như chỉ xảy ra 1-2 hôm trước. cái lều con bên đường kia thực ra là cái bàn thờ lập ra vội vàng, có bát hương và cái chai vodka Hà nội bé.
Nhưng dù sao, thì đường vẫn tốt lắm rồi, chỉ cần thay đổi chút biển báo thôi: những cái biển giới hạn tốc độ 25km/h và xóa hết 25km/h xuất hiện liên tiếp, mỗi cái cách nhau chừng 50-100m.

Và cái biển dưới đây: đang thẳng thì giới hạn, sắp vào cua thì bỏ hết. không hiểu ý đồ muốn gì. Cõ lẽ là muốn người ta tăng tốc lên mà vào cua cho nó sướng.

Hết đèo Pha Đin, không để ý thấy cái biển kỷ niệm trên đỉnh đèo ngày xưa đâu nữa, chắc nó nằm lại trên đường cũ, không đi qua.

Khăn phiêu, một món trang phục có ý nghĩa quan trọng đối với phụ nữ Thái. Tiếc là chưa gặp được cô nào dễ tính để hỏi sâu hơn.
Đến Tuần Giáo rẽ đi Tủa Chùa. Cây ban, loài cây đặc trưng cho Tây Bắc, vẫn nở hoa tưng bùng bên sườn núi.
Đường đi khá dốc và quanh co...

< Nhà ở xung quanh thị trấn.

Gặp một ông em kỹ sư xây dựng về thăm nhà, đang lên dốc thì tuột bugi. Dừng lại lấy đồ ra giúp, loanh hoay nửa tiếng không xong vì cái đầu bò đã hỏng hết ren. Thôi anh đi trước vậy, rồi chú gọi người nhà ra gánh xe về sau.

Vào thị trấn lúc giữa trưa, một thị trấn rât bé tý và xơ xác. Có lẽ xơ xác nhất trong các thị trấn đã từng đi qua, mặc dù vẫn có đèn cao áp.

Zozzo blog.
Còn tiếp
Du lịch, GO! - Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần cuối
Nếu như trước đây, muốn nhìn toàn cảnh TP.Vũng Tàu, du khách phải vất vả leo núi Tao Phùng, hay chạy xe lên ngọn Hải Đăng thì nay, khách tham quan có thể ung dung ngồi trên những chiếc cabin xinh xắn của hệ thống cáp treo để lên đỉnh núi Lớn ngắm toàn cảnh thành phố biển.

Ngồi trong những cabin của Khu Du lịch Cáp treo – Sinh thái – Văn hóa Hồ Mây, du khách sẽ cảm thấy thích thú khi được nhìn ngắm toàn cảnh TP.Vũng Tàu. Đó là khung cảnh khu vực Bãi Trước với những ngôi nhà theo kiến trúc biệt thự của Pháp, nằm nép mình bên triền núi hiền hòa thơ mộng. Xa hơn chút nữa là biển Bãi Trước rì rào sóng vỗ, phía xa xa là những chuyến tàu rẽ sóng tung bọt trắng xóa vào ra các cảng biển đem theo những chuyến hàng từ Việt Nam đi khắp mọi nơi.

Rời cabin cáp treo, đến ga số 2, du khách được nhân viên Khu Du lịch Cáp treo – Sinh thái – Văn hóa Hồ Mây đón đi dạo khắp mọi nơi trong Khu Du lịch bằng xe điện.
.
< Nhà ga phía dưới.

Nhiều du khách thích thú khi được tản bộ dưới những bóng cây xanh mát, ngắm nhìn những thác nước nhân tạo tuyệt đẹp tại Hồ Mây được trên đỉnh núi cao với diện tích 10.000m²; đùa nghịch với những chú công, cưỡi đà điểu; còn các em nhỏ thì đắm mình trong những trò chơi đu quay, nhà phao...
Sau khi đi tham quan Khu Du lịch Sinh thái rộng 35ha, du khách có thể dừng chân ở những Nhà hàng Trung tâm, Nhà hàng Hồ Mây, Nhà hàng Rồng, Nhà hàng Lô Cốt... vừa nghỉ ngơi, vừa thưởng thức những món ăn ngon miền biển, miền núi, những ly bia mát lạnh...
< Thác nước Hồ Mây về đêm.

Nếu đến Khu Du lịch Cáp treo – Sinh thái – Văn hóa Hồ Mây vào buổi tối, du khách còn có dịp được giao lưu và thưởng thức những màn biểu diễn sôi động của các ca sĩ, nghệ sĩ. Tại đây, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ như Đà Lạt.
< Trại nuôi đà điểu.

Được khởi công từ tháng 10-2003, cụm du lịch cáp treo Núi Lớn - Núi Nhỏ là một dự án trọng điểm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Dù dự án bị dư luận phản ứng khá nhiều do có động chạm vào những di tích lịch sử, cảnh quan). Dự án gồm hai giai đoạn: giai đoạn 1 là tuyến cáp treo vừa khánh thành dịp Tết Nguyên đán Canh Dần - giai đoạn 2 là hệ thống cáp treo từ đỉnh núi Lớn qua đỉnh núi Nhỏ ở độ cao 130m, dài 2.025m.

Đây là hệ thống cáp treo đầu tiên ở Bà Rịa - Vũng Tàu được đầu tư xây dựng với công nghệ nhập từ châu Âu gồm 25 cabin, công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay 2.000 người/giờ. Giá vé hiện nay là 100.000 đồng (người lớn) và 50.000 đồng (trẻ em), du khách có thể đi cáp treo 2 chiều (lên – xuống), đi xe điện và tham quan rừng thông, rừng hoa anh đào được giữ nguyên nét hoang sơ của thiên nhiên, công trình thác nước nhân tạo, cầu mây, đồi hoa bằng lăng, khu vực nuôi chim công...

Du lịch, GO! - Theo Tạp chí Du Lịch, ảnh internet
Theo câu ca tôi tìm về Yên Lạc, Quang Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) tìm hiểu về làng tơi duy nhất ở vùng “ chảo lửa, túi mưa” để giải đáp băn khoăn: Giữa thời công nghệ polymer hiện đại, áo bạt, áo ni lông đủ kiểu, ô tím, xanh, vàng đỏ đủ sắc màu, thì áo tơi có đã là bảo tàng, là câu chuyện cổ tích xa xưa!?

Phận tơi

Nhưng tôi đã nhầm. Quần tụ quanh dãy đồi bát úp, nép vào dưới rặng tre xanh, làng tơi Yên Lạc vẫn tồn tại qua năm tháng, bất chấp thị trường chao đảo, bất chấp dè bỉu của “mốt” hiện đại vẫn lặng lẽ âm thầm bảo lưu một làng nghề truyền thống đã gắn bó lâu đời với mảnh đất cha ông.
“ Còn nắng, còn mưa, thì còn tơi”, ông Đặng Văn Đức (80 tuổi) khẳng định. Cũng nắng, mưa, nhưng nắng mưa ở dải đất hẹp miền trung khủng khiếp. Nắng quăn tàu cau. Đất quăn diệp cày. Ruộng đồng nứt nẻ. Mênh mông bạc trắng. Lại thêm gió Lào táp lửa vào mặt. Mưa thì thối đất, mưa chém vào mặt, quất vào da thịt.

Bao đời nay vẫn thế!

Giữa đồng không mông quạnh, nón, mũ, ni lông không thể che đậy thịt da. Chỉ có cái tơi mới là “áo giáp lá” chống lại mưa nắng nghiệt ngã thất thường.
Khi ti vi truyên hình quảng cáo kem dưỡng da, chống nắng… thì ở Yên Lạc nói riêng và xứ sở miền trung nói chung nhân dân tự tạo ra một “vũ khí” tiện lợi là chiếc tơi.

Người làng Yên Lạc không biết nghề chằm tơi có từ bao giờ. Chỉ biết rằng tơi là một phần cuộc sống tất yếu của người dân nơi đây.
Ông Đặng Văn Quang – Xóm trưởng xóm Yên Lạc cho biết: “ Xóm Yên Lạc có 78 / 180 hộ , thu hút trên 200 lao động ngoài độ tuổi làm nghề chằm tơi. Trung bình mỗi năm sản xuất 20.000 chiếc tơi và tạo một nguồn thu nhập gần 500 triệu đồng / mùa”.

Nghề tơi lấy công làm lời. Lá tơi, dây mây lấy ở Truông Bát (Hương Khê). Dụng cụ chỉ có một bàn tơi đắp bằng đất hay ken bằng gỗ. Một chiếc kim sắt uốn cong dài 35cm, dăm sợi dây, nuộc lạt là có thể hành nghề. Nghề chằm tơi ai cũng làm được miễn là chăm chỉ và kiên trì. Đàn ông, đàn bà, con gái, con trai, tranh thủ nông nhàn có thể chằm tơi để tạo nên nguồn thu nhập.
Buổi trưa không ngủ, đưa bàn tơi ra ken lá. Buổi tối vừa uống nước vừa trò chuyện vừa chằm tơi. Các cháu học sinh, sau buổi học về nhà, mỗi buổi chằm dăm chiếc tơi cũng tự giải quyết được tiền sách, vở bút giấy.

Nói thế, nhưng không đơn giản thế! Lá tơi trên rừng, nhưng mang được về Yên Lạc mất một ngày. Sáng tinh mơ, cơm gói, cơm đùm vào rừng. Tối mịt mới về. “ Lấy lá xong, chúng tôi đốt lửa thui qua cho héo, rồi chở về. Về phải phơi sương qua đêm để lá được ngậm sương. Lá tơi gặp nắng mới thơm, mới bền. Nếu không gặp nắng thì lá úng, bợt, dễ mục. Lá ngậm sương đưa ra vuốt, xếp mới không quăn ”. Ông Nguyên Đăng Nhuận (65 tuổi) cho biết.

Chúng tôi đến nhà anh Đặng Văn Quang (46 tuổi), giữa lúc các cháu đang chằm tơi.

Cháu Đặng Thị Quỳnh (Lớp 12), Đặng Thị Nga (lớp 11), Đặng Thị Giang (lớp 5) cháu nào cũng đạt học sinh tiên tiến. Đặc biệt cháu Giang năm học 2010-2011 đạt HSG. Các cháu được tặng rất nhiều giấy khen. Cháu Quỳnh cho biết: “ Để chằm một cái tơi mất hơn một tiếng đồng hồ. Trong chằm tơi khó nhất là gấp cổ, làm sao khít, bền, chặt và phải đẹp. Mùa tơi vừa rồi mấy chị em cháu chằm được hơn một trăm chiếc. Cũng đủ trang trải tiền học”.

Mỗi năm mùa tơi ở Yên Lạc chỉ có 2 tháng: Tháng 3 và tháng 4. Những tháng đó, sân ngõ phơi đầy lá tơi. Chiều chiều, những chiếc xe của người đi lấy lá tơi nối đuôi nhau về làng. Tối tối, xóm làng lại vào mùa sản xuất. Tơi sản xuất xong, khách ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ đến lấy. Cũng có khi mang bán ở chợ Nhe, chợ Tổng, chợ Chùa và các chợ lân cận.

Năm nay, tơi được giá, mỗi chiếc từ 35 đến 40 ngàn đồng. Gia đình Chị Nguyễn Thị Thanh, gia đình anh Đặng Văn Quang chằm, bán được 700 chiếc thu về hơn hai chục triệu đồng. Cũng là một nguồn thu giải quyết được nhiều vấn đề của đời sống. “ Tiền giống má, nước, thuốc trừ sâu, máy bơm, tiền học của con trông chờ vào đó cả chú ạ”. Anh Quang cho biết.

Nhưng điều lạ là những cô gái làng Yên Lạc lấy chồng làng khác, không mang theo nghề; ngược lại các cô gái về làm dâu Yên Lạc lại học nghề, giữ nghề. Chắc là do Yên Lạc đất hẹp, người đông? Hay do Yên Lạc xa núi, xa sông không được thiên nhiên ban tặng những thuân lợi khác phải bám lấy nghề để tạo nguồn thu nhập ổn định cuộc sống? Hay do nhân dân Yên Lạc chăm chỉ cần mẫn, lấy lao động làm gốc mà gắn bó chung thủy với nghề? Câu chuyện của ông Nguyễn Danh Ân đã ám ảnh chúng tôi trong lần về điều tra viết bài về làng tơi Yên Lạc.

Choàng áo tơi phơi lá tơi

Sinh năm 1939. Mười tuổi đã biết chằm tơi. Ông Ân đã có “ thâm niên” chằm tơi hơn 60 năm. Hai lần gia nhập quân ngũ. Lần 1 vào năm 1959 bộ đội quân tình nguyện Việt Lào, trở về quê Yên Lạc lại tiếp tục nghề chằm tơi. Năm 1967 tái ngũ. Hai năm sau xuất ngũ lại gắn bó với bàn tơi. Đến năm 1972, buông tơi tham gia vào đội quân xe đạp thồ. Hết ra rồi vào trên các cung đường ác liệt. Ra quân lại về Yên Lạc vót mây, chuốt lá, chằm tơi. “ Có lẽ nghề tơi với tôi là duyên phận chăng nên cứ bám vào tôi đeo đẳng đến tận bây giờ!”.

Tôi ngước mắt nhìn lên tường nhà đầy huân, huy chương, bằng, giấy khen ghi công những đóng góp của người chiến sỹ năm nào. Đó là niềm kiêu hãnh, niềm vui tinh thần nhưng cuộc sống còn cơm áo gạo tiền, nên nghề chằm tơi trở thành duyên phận.

Một ông già 75 tuổi, mà sáng tinh mơ, cơm đùm xe đạp vào tận khe Giao lên rú Truông Bát hái lá tơi, tối mịt mới về. Về chuốt lá, vót mây, bện triêng cho bà nhà chằm tơi. Năm nào cũng thế. Bền bỉ. Cơm, gạo, mắm, muối, trầu, cau đầu tay, đầu chân. Tịnh không một tiếng kêu ca, phàn nàn.
“Bà nhà” là cụ Đặng Thị Cháu, năm nay đã “ thất thập cổ lai hy”. Ở tuổi 70, bà Cháu vẫn bám ruộng sản xuất . “ Hai ông bà làm hai sào. Tiền giống, nước, thuốc trừ sâu, phân bón tăng vùn vụt. Hai sào thu hoạch gần 5 tạ, trừ trầm chẳng lãi bao nhiêu. Cho nên hai ông bà phải còng lưng chằm tơi góp nhóp thêm đồng trả tiền nước, tiền thuốc chú ạ!”. Thế là hóa ra, nghề chằm tơi lại nuôi nghề làm ruộng!?

Theo ông Ân, nghề chằm tơi với người già đau gối, mỏi lưng, nhưng với hai ông bà không thể không làm, vì đó là nguồn sống. Ông cho biết, con trai ông là anh Nguyễn Danh Thủy và cháu là Nguyễn Thị Thùy hiện ở xóm Yên Lạc vẫn lấy chằm tơi làm nghề phụ. Như thế, nhà ông Ân, nghề tơi là nghề cha truyền con nối.
Vẫn biết nghề mọn này chẳng thể giàu có, nhưng là nghề lao động, mồ hôi, nước mắt làm cho con người thánh thiện ra, nên ông khuyến khích con cháu không bỏ nghề.

Mai sau, con cháu học hành đỗ đạt, có thể làm nghề khác, sinh sống bằng nghề khác, nhưng nghề chằm nón đã dạy cho bài học giản dị, chất phác, bài học yêu lao động để từ đó hình thành nên cốt cách của người lao động thì không thể phụ bạc và khinh nhờn.

Áo tơi và nghề chằm tơi: Chuyện không bao giờ cũ

Vào vụ gặt hay vụ cày cấy (khoảng tháng 5 hay tháng 6) nhìn xuống cánh đồng ở Cẩm Xuyên hay Thạch Hà, Can Lộc, những chiếc áo tơi đã làm dịu đi những nắng lửa. Tơi không chỉ dùng cho người có tuổi mà trẻ em, thanh nữ cũng khoác áo tơi quê nhà. Trẻ em choàng áo tơi chăn trâu, chăn vịt hay nhổ mạ trên đồng. Quây tròn lại, đố gió thổi vào được. Thanh nữ giữa đồng không, mông quạnh, chụm tơi trên bờ là có một WC di động.

“ Trên nắng, dưới nước như đun sôi, lại gió Lào quần quật quạt lửa nữa, không có áo tơi làm răng có thể cúi xuống gặt, cấy hái được chú”. Bà Đặng Thị Cháu trao đổi.
Cái áo tơi lại tiện lợi ở chỗ, buổi trưa giờ nghỉ lên bờ, mấy cái tơi chụm lại thành bóng râm để ăn uống tại chỗ rồi tiếp tục xuống ruộng.

“ Tôi lái máy cày, máy bừa mang tơi chống được nắng nóng. Đúng là hiện đại đồng hành cùng thô sơ”. Anh Thân Viết Thi (38 tuổi) nói.

“ Mùa mưa bão, ni lông, ni liếc mang cảnh, nhằm nhò chi. Cái áo tơi, gió bề nào che bề nấy, mưa có táp vào, bão có quất tơi bời cũng chẳng làm cóc khô chi được!”. Ông Đặng Văn Quang khẳng định.

Cái áo tơi bao đời nay bạc sờn qua năm tháng, dầm mưa dãi nắng là người bạn thấm hết nỗi gian lao của người nông dân. Khi tả tơi, những chiếc áo tơi áy, ngã mình, khum lại lót ổ cho gà ấp trứng hay lại hiến mình che đậy những vại cà, vại nhút mà không chịu là vô ích.

Chiếc áo tơi cùng người nông dân đã thăng hoa thành ca dao, lục bát, thành tranh ảnh, thơ văn và cất lên không chỉ ở “Hà Tĩnh mình thương”… Vì lẽ đó, còn mưa nắng, còn đồng ruộng, còn nông dân là còn nghề chằm tơi. Về Yên Lạc, nhân dân đang hồ hởi xây dựng nông thôn mới. Chiếc áo tơi với nghề chằm tơi câu chuyện không cũ bao giờ!

Du lịch, GO! - Theo Hà Tĩnh online, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống