Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 19 July 2011

Những buổi sáng trời quang mây tạnh hay buổi chiều nắng đẹp, từ thành phố Lào Cai hay từ một nơi nào đó của quê mình, bạn nhìn về phía Tây thấy hiện lên một bức tranh huyền ảo. Hai dãy núi chắn ngang tạo khung cho bức tranh hoành tráng. Những ngọn núi nhấp nhô uốn lượn trập trùng làm nền, từ phía sau vút lên ngọn núi như năm ngón tay chĩa thẳng lên trời. Dãy núi hình năm ngón tay ấy mang tên Ngũ Chỉ Sơn.

Buổi sáng, Ngũ Chỉ Sơn mờ xanh, ẩn hiện trong mây. Chiều tà, mặt trời từ sắc vàng chuyển sang ửng đỏ từ từ xuống núi. Hoàng hôn hắt vàng rực lên nền mây. Trên cái phông trời ánh chiều biến chuyển huyền diệu ấy, Ngũ Chỉ Sơn xanh mờ chuyển dần sang xanh lam rồi tím sẫm, gợi bao suy tưởng huyền thoại.
Chuyện xưa kể rằng: từ xửa từ xưa, từ thủa trời đất còn tối tăm mờ mịt, mặt đất bằng phẳng trơn tru. Bỗng xuất hiện một vị thần thân hình vạm vỡ, cao lớn khoẻ mạnh phi thường. Một mình ông chuyên làm công việc tạo dựng nên núi non, sông biển. Ông gồng sức lên làm việc hăm hở miệt mài. Ông đào đất đắp nên đồi thấp núi cao.

Chỗ ông lấy đất tạo thành biển rộng và ao hồ. Ông khéo léo tạo nên những suối khe nối với sông con, sông cái, dẫn nước vào ao, vào hồ rồi chảy ra biển rộng. Cuối cùng ông dồn tất cá đất đá đắp một dãy núi thật cao. Dãy núi ấy được đắp cao dần, cao mãi, cao vượt tầng mây đen mây trắng, cao đến tận tầng mây tím, mây xanh, chóp núi nhô đến tận xứ sở Nhà Trời.

Nhà Trời thây thế giận lắm, liền sai thần Sấm Sét đến đánh suốt mấy ngày đêm. Thần Sấm Sét gầm thét, chớp rạch sáng loè, đất trời rung chuyển. Dãy núi cao ngạo nghễ ấy bị sứt mẻ, còn lại năm ngọn núi cao ngất như năm ngón tay chĩa thẳng lên trời như thách thức. Thần Sấm Sét kiệt sức, đành phải bỏ về. Năm ngọn núi cứ đứng vững vàng như thế cho đến ngày nay. Người ta đặt tên cho núi ấy là Ngũ Chỉ Sơn, tức là núi Năm Ngón Tay.

Ngũ Chỉ Sơn hiện hình từ bao đời, bao thế hệ ngắm nhìn. Bao nhiêu chàng trai đã vượt bao nhiêu Cổng Trời, đã lên đỉnh núi trước mặt, đã tới đỉnh núi sau lưng, chỏm núi bên trái, bên phải cũng đã vượt qua. Nhưng đỉnh Ngũ Chỉ Sơn thì chưa ai dám thử sức. Làng kia có chú bé người Mông trán cao, cằm bạnh, mắt sáng, vóc dáng cao lớn hơn chúng bạn trong làng. Đã nhiều hôm chú ngắm nhìn Ngũ Chỉ Sơn, ánh mắt xa xăm, đầu nung nấu một ý nghĩ.

Một sáng đẹp trời, chú chống chiếc gậy sắt dài, chào bố mẹ, chào mọi người rồi nhắm hướng Ngũ Chỉ Sơn đi tới. Chú đi, đi mãi, đi trong gió mát, nắng tươi, đi trong mưa dầm, giá rét. Ngày đi đêm nghỉ. Qua bao dốc thẳm khe sâu, vượt bao dốc đèo hiểm trở. Chú đến được chân núi. Chú ngước nhìn đỉnh núi cao sừng sững như dựng đứng trước mặt. Chú dừng nghỉ ít lâu  lấy sức rồi hăm hở leo lên. Bao ngày ròng rã nữa, bao nắng mưa, sương gió cản bước chân chú. Chim muông thấy chú phải trố mắt nhìn. Chú mải miết leo lên.

Cuối cùng, chú đã lên được đỉnh cao nhất. Rồi chú quay về ngay. Đường về vẫn vất vả nhưng bước chân nhanh hơn. Đến nhà, chú bé đã thành một ông già râu tóc bạc phơ, chân tay gầy nhưng săn chắc, đôi mắt sáng và nụ cười nở trên gương mặt nhăn nheo dạy dày sương gió. Chiếc gậy sắt dài đã mòn vẹt, chỉ còn hai gang tay.

Ngày nay, Ngũ Chỉ Sơn thêm đẹp, thêm hùng vĩ trong cuộc sống thanh bình. Ngũ Chỉ Sơn đã đi vào bài hát, bài thơ ngợi ca quê hương. Ngắm Ngũ Chỉ Sơn, kể lại huyền thoại xưa, dáng núi gợi thêm bao suy tưởng….

Du lịch, GO! - Theo Egov.Laocai, ảnh sưu tầm

Chinh phục Ngũ Chỉ Sơn -----------------

Giọng ông Sùng Tếnh trần trầm:
- Các cháu có nhìn thấy dãy núi hình năm ngón tay sừng sững chĩa lên trời kia không. Thấy rồi á! Núi Ngũ Chỉ Sơn đấy.

Chuyện đời xửa  đời xưa kể lại thế này. Thuở xa thăm thẳm, mặt đất còn phẳng phiu trơn  tru, bỗng một hôm có vị thần xuất hiện. Vị thần cao lừng lững, mang sức lực của đất của trời, người thường không ai bì kịp. Vị thần này chuyên làm công việc đào sông đắp núi. Sau khi đã khơi đào bao nhiêu hồ rộng, sông sâu, suối khe chằng chịt, đắp nên gò đồi nhấp nhô và núi non trập trùng, vị thần bèn gom tất cả đất đá đắp một ngọn núi  cao sừng sững. Ngọn núi ấy cứ được đắp cao lên, cao mãi, cao đến tận xứ sở của Nhà Trời. Một hôm trời mây quang đãng, Nhà Trời nhìn thấy đỉnh núi sừng sững ấy thì giận lắm, bèn sai Thần Sấm Sét đi đánh phá.

Hàng tháng trời ròng rã, Thần Sấm Sét ra tay. Sấm nổ đùng đùng rung trời chuyển đất. Sét toé lửa sáng loè chằng chịt dọc ngang. Ngọn núi cao chỉ sứt mẻ nham nhở, phần còn lại tẽ thành năm ngọn núi ngạo nghễ chĩa lên trời. Thần Sấm Sét mệt rã rời, phải dừng tay. Nhà Trời đành phải gọi Thần Sấm Sét trở về. Từ bấy giờ đến nay, năm ngọn núi ấy vẫn sừng sững, như năm ngón tay chĩa lên trời...
Ông Sùng Tếnh chìa năm ngón tay ra, giơ lên trước mặt mấy đứa cháu. Môi ông bặm lại, mắt nheo cười. Lũ trẻ trố mắt kinh ngạc. Sùng Páo tò mò hỏi:

- Từ đây sang đó xa không hả ông?
- Hầy dá! Xa lắm! Xa như thế này nhá...

Giọng ông Sùng Tếnh lại trầm trầm:

- Có một chú bé người Mông ta thấy dãy núi hình năm ngón tay cao đến tận trời như thế thì thích lắm, bèn nhằm hướng núi ra đi. Chú mang theo chiếc gậy sắt dài một sải tay, vừa làm gậy chống, vừa làm vũ khí dọc đường. Chú vượt qua bao nhiêu mỏm núi hiểm trở, bao nhiêu sông suối thác ghềnh. Đến chân Ngũ Chỉ Sơn, chú bé đã trở thành chàng trai Mông cường tráng, chân khoẻ, tay chắc, mắt sáng. Chàng trai ngước nhìn:  Đỉnh Ngũ Chỉ Sơn cao hút tầm mắt. Vách núi dốc đăm đẳm.  Chàng trai Mông không chùn bước, tiếp tục leo lên. Miệt mài, hăm hở. Nắng dội và mưa xối. Gió cuốn và sương giăng. Giá rét. Lưng đầm đìa mồ hôi. Bàn chân toé máu. Rồi chàng đã lên đến đỉnh núi. Chàng quay nhìn bốn phương bời bời mây trắng. Rồi chàng lại mau chóng lần theo đường cũ trở về. Đến nhà, chàng đã trở thành ông già tóc bạc phơ, chân tay săn lại. Chiếc gậy sắt mòn vẹt, chỉ còn độ hai gang tay. Các cháu thấy có xa không.

Mấy đứa cháu tròn mắt. Chậc Chậc! Xa quá! Ầy dô! Xa thế. Ông Sùng Tếnh lại bặm môi, nheo mắt cười.

Sùng Pao nói một câu chắc như cọc gỗ chẩn đóng xuống đất thịt:

- Cháu sẽ lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn!

Ông Sùng Tếnh trố mắt, quay nhìn Sùng Pao:

- Cháu lên Ngũ Chỉ Sơn á?
- Vâng! Cháu sẽ lên Ngũ Chỉ Sơn, rồi ông xem.

Sùng Páo nhìn về phía tây, nơi năm ngọn núi màu xanh thẳm in trên ráng chiều huyền ảo, gợi bao mơ mộng xa xăm. Mấy đứa ngồi bên quay nhìn Páo. Chúng biết Páo là đứa học giỏi, đã làm được bao việc táo bạo mà chúng phải thán phục. Nhưng việc Páo sẽ lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn thì chúng chẳng tin. Chúng cùng cười ồ lên. Riêng Páo thì vẫn nhìn đăm đắm về phía Ngũ Chỉ Sơn, mắt mơ màng. Hình như hồn vía nó đã gửi sang phía  đỉnh núi xa, nơi những ngọn núi hình năm ngón tay ẩn hiện trong mây...

...Sau mấy tháng hì hục, cặm cụi, mày mò, chiếc máy bay của Sùng Páo đã hoàn thành. Con Đại Bàng của Páo đấy. Đó là con Đại Bàng bằng hợp kim rất nhẹ và chắc chắn. Con Đại Bàng của Páo bụng thon, dang đôi cánh gọn nhưng bề thế. Buồng lái có mui che bằng mi ca trong suốt. Động cơ chạy bằng ga, gắn khuất trong khoang bụng. Không cần vô lăng, không có cần số, tất cả chỉ điều khiển bằng  năm nút bấm tròn tròn màu trắng, xanh, đỏ, tím, vàng, kèm theo mũi tên hay ký hiệu do Sùng Páo nghĩ ra. Một bên là đồng hồ chỉ tốc độ bay và bên kia là đồng hồ báo ga còn nhiều, ít và vệt đỏ an toàn. Khoang buồng lái có ghế phủ tấm vải lanh nhuộm chàm thêu hoa văn, vừa chỗ ngồi cho Sùng Páo làm phi công và có thể cho Seo Mỷ, đứa em gái hơi nhõng nhẽo nhưng chăm ngoan của Páo ngồi sau.

Mọi việc đã hoàn tất. Sùng Páo đưa máy bay ra bãi chăn trâu trên đỉnh La Pán Tẩn, để cất cánh bay thử. Sùng Páo bảo Seo Mỷ leo lên mỏm đá, ngồi xem. Sùng Páo đẩy mui che, ngồi vào buồng lái, hơi hồi hộp nhưng tự tin. Máy khởi động dễ dàng, nổ ro ro đều đều, phun ra làn khói trắng mỏng. Páo khẽ bấm nút. Con Đại Bàng trắng từ từ lướt nhẹ trên nền cỏ rồi hếch đầu hướng lên cao. Một loáng sau nó như cánh chim trắng nhỏ xíu trên bầu trời vọng về tiếng “ro ro ro... eng eng eng...”. Seo Mỷ vừa thích thú vừa sợ, nó gào to:

- Anh Sùng Páo! Anh Sùng Páo! Bay về đi!

Nhưng nó có nghển cổ lên gào đến rách cổ thì anh nó cũng chẳng làm sao nghe thấy. Nó lo quá, nó sợ anh nó lên trời mất, cũng sợ anh nó rơi ùm xuống vực sâu, xuống dòng Sông Xanh  hun hút phía xa. Nhưng kìa, con chim trắng đã vòng về, cánh nó lấp loá ánh mặt trời. Tiếng “ ro ro ro...eng eng eng” to dần. Rồi con chim sắt trắng lao về rà rà sát mặt đất và dừng lại. Sùng Páo đẩy mui buồng lái bước ra nhìn cái Seo Mỷ, vẻ đầy sung sướng và kiêu hãnh. Seo Mỷ chạy đến bên anh, miệng vừa cười, vừa mếu, phụng phịu, nước mắt vẫn còn loang trên má:

- Em lo quá. Chỉ sợ anh lên trời hay rơi ùm xuống vực!.

- Máy chạy tốt lắm. Anh là phi công, sợ gì. Ngày mai anh sẽ bay xa hơn, bay lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, phía kia kìa. Sùng Páo chỉ tay về phía tây, nơi có dãy núi hình năm ngón tay màu xanh thẳm chĩa lên trời, ẩn hiện trong mây trắng bồng bềnh.

Cái Seo Mỷ ngúng nguẩy:

- Ứ! Em ứ cho anh bay đi xa thế. Em sợ lắm!

- Sợ gì. Ngồi trên máy bay nhìn xuống, cũng giống như  trèo lên mỏm đá nhìn ra bốn phía và trông xuống dưới thấp kia. Thích lắm. Mai anh sẽ cho Seo Mỷ bay cùng.

Sùng Páo vỗ vỗ vào vai đứa em gái ngoan nhưng hay nhõng nhẽo, mỉm cười động viên.

- Em cũng thích ngồi máy bay. Nhưng mà em sợ!
- Không sợ. Con Đại Bàng sắt sẽ cõng anh em chúng mình bay vút lên. Thích lắm, em gái ạ!

Cái Mỷ về nhà, hồi hộp, thích bay một chuyến với anh, nhưng cứ phấp phỏng lo lo. Anh Sùng Páo bảo phải mặc quần, mặc áo thun, đi giày vải cho gọn. Mặc váy loè xoè và bịt khăn len vuông phấp phới là không được. Lại còn không được ăn no quá, không được uống nhiều nước. Máy bay của anh không có chỗ ị, chỗ tè. Anh Sùng Páo phổ biến nội quy chuyến bay đầy vẻ quan trọng, nhưng rồi lại vuốt tóc Seo Mỷ động viên, để nó không sợ, bay cùng anh cho vui.

Sùng Páo rà xiết lại các chốt ốc, xem lại sải cánh, soi xét kỹ khắp từ đầu, thân cho đến đuôi con Đại Bàng trắng. Ga được nạp đầy bình, kim đồng hồ ga nằm nghiêng bên trái, chỉ mức tối đa. Máy móc được soi đi soi lại cho thật an tâm. Nghe đài, xem ti vi, báo thời tiết trời nắng, quang mây. Trời đẹp thế là thuận lắm rồi. Con Đại Bàng trắng từ từ tiến ra bãi cỏ chăn trâu rộng rãi và thoáng đãng. Cỏ hôm nay như xanh hơn, mượt mà hơn. Sương núi hôm nay dường như tan sớm hơn. Nắng trải vàng rực cả triền núi bao la. Con Đại Bàng trắng nằm chênh chếch, hướng về phía tây, vẻ sẵn sàng.

Sùng Páo mặc quần áo thun, ngực in chiếc máy bay đang lướt cánh trong mây, chiếc áo này Páo chọn mua hôm xuống thị xã. Cái Mỷ trong bộ áo thun xanh gọn gàng, vẻ rón rén, rụt rè. Sùng Páo xem đồng hồ. Tám giờ kém một phút. Páo đẩy mui buồng lái bước lên rồi đưa tay đỡ em gái lên cùng. Mui buồng lái kéo lại. Kim đồng hồ chỉ đúng tám giờ.

- Bắt đầu bay nhá! Ôm chặt lấy anh! À quên, cài dây an toàn vào!

Sùng Páo bấm nút. Con đại bàng sắt khẽ rùng mình. Máy nổ ro ro ro êm êm. Sùng Páo bấm một nút khác. Đại bàng sắt giật nhẹ rồi từ từ rà rà lướt trên nền cỏ. Nó nghếch đầu lên và hướng về phía tây. Tiếng máy  “ro ro ro... eng eng eng...”. Seo Mỷ ôm chặt tay, áp sát người vào lưng Sùng Páo. Sùng Páo nghe rõ tiếng tim nó nẩy bình bịch. Páo nắm lấy tay nó, động viên: “Đừng sợ!”. Đại  Bàng trắng đã vút lên cao. Nhìn qua mui mi ca trong suốt thấy đôi cánh trắng loáng loáng nắng.

Seo Mỹ đã bớt sợ hơn. Sùng Páo nhìn xuống giảng giải cho em:

- Qua triền núi quê mình rồi đấy. Bây giờ đang bay qua vùng núi thấp. Con suối ngoằn ngoèo như dải vải lanh nhuộm chàm uốn lợn. Con đường nhựa vòng vèo theo chân đồi, lúc khuất lúc hiện. Những quả núi như những cái đầu cạo trọc lóc. Những miền đồi có vạt nương mới đốt đen nhẻm bên mảnh mới gieo trồng đang mờ mờ xanh, loang lổ, chắp xá. Những khoanh ruộng bậc thang uốn vòng, vân vi trông đẹp mắt. Sông Hồng! Sông Hồng đấy! Seo Mỷ thấy không? Sông Hồng như tấm vải đỏ trải dài giữa  hai triền  đồi núi, luồn giữa  san sát nhà cửa màu trắng trắng, xam xám và đỏ hồng từng ô viền cây xanh. Thành phố Lào Cai đấy. Không biết họ có nhìn thấy máy bay của anh em chúng mình không. Chắc là họ đang cắm cúi đi bộ, đang chăm chắm cầm lái xe máy hay đang ngồi trên ô tô, đâu có thảnh thơi nhìn lên trời mà thấy con Đại Bàng trắng của anh em mình. Cũng có thể có bọn trẻ con khum tay che nắng nheo mắt nhìn lên chăm chú. Tưởng tượng thế, lòng Páo sướng rơn.

Máy bay lướt nhanh qua vùng trời thành phố, lại qua vùng đồng lúa dưới chân núi mà Sùng Páo chả biết tên. Nhìn về phía trước, Ngũ Chỉ Sơn vẫn xa xa. Những lời của anh Sùng Páo truyền tự tin cho Seo Mỷ. Ban đầu, Seo Mỷ nhắm nghiền mắt, ôm chặt lấy anh. Dần dần, Mỷ hé hé mắt nhìn và rùng mình thấy mặt đất xa tít hút. Rồi Mỷ hé mắt nhìn lâu hơn, nghe anh Sùng Páo thuyết minh. Bây giờ thì cái sợ đã vợi đi nhiều lắm. Tiếng máy bay vẫn “ro ro ro ... eng eng eng”..., đôi cánh trắng vẫn loang loáng, thỉnh thoảng, một làn mây mỏng lướt qua mui.

- Cho phi công ăn gì đi chứ?

Tiếng Sùng Páo nhắc Seo Mỷ.

- Sao anh không nhắc em đem cơm nếp hay ngô luộc đi. Bây giờ có gì mà ăn?
- Phi công ai lại ăn ngô luộc trên máy bay? Có thức ăn đặc biệt dành riêng cho phi công, trong túi anh đây này.

Seo Mỷ thọc tay vào túi áo thun Sùng Páo và nhón ra một gói nhỏ, tròn tròn. Thì ra thức ăn đặc biệt của anh phi công là kẹo béo. Seo Mỷ đưa thức ăn đặc biệt cho anh phi công.

- Thế em có được ăn không?
- Được. Seo Mỷ là phi công phụ, giúp việc cho phi công chính, được ăn.

Seo Mỷ bỏ viên kẹo béo vào miệng. Ơ lạ! Seo Mỷ cảm thấy ngon hơn, khác lạ hơn kẹo béo ngày thường.

Một đám mây chắn trước mặt, máy bay lao qua, lắc nhẹ. Seo Mỷ giật mình ôm chặt lấy lưng anh. Bây giờ nhìn xuống không thấy làng bản, đồi nương và ruộng bậc thang nữa. Phía dưới là bạt ngàn rừng cây. Một mầu xanh thắm nhấp nhô như sóng dâng theo thế núi.

- Rừng nguyên sinh đấy, thích không?
- Rừng nguyên sinh là thế nào?
- Là rừng già từ xưa, nguyên vẹn còn sót lại. Trong rừng này nhiều muông thú lắm.
- Phà ơi! Thế thì em sợ lắm.
- Sợ gì. Lúc nào em cũng sợ.

Con Đại Bàng trắng đã đến gần Ngũ Chỉ Sơn. Càng đến gần, núi không còn hiện hình từng ngón tay nữa, mà là dãy núi lớn, vách núi như dựng đứng, phủ đầy cây xanh. Càng đến gần, càng nhìn rõ lớp cây xanh bám vào vách núi, vài chỗ lộ ra mảng đá trắng. Sùng Páo bấm nút giảm tốc độ. Máy bay lại lắc nhẹ. Đỉnh núi đây rồi. Con chim sắt nghiêng cánh quay vòng. Cây trên đỉnh núi lướt lướt. Sùng Páo quan sát. Một bãi bằng gần giống như bãi chăn trâu quen thuộc, cây cỏ xanh một màu xanh hơi khác. Con chim sắt rà rà trên mặt cỏ. Tiếng bánh xe lăn lịch kịch, thỉnh thoảng khẽ nẩy lên, chắc là gặp hòn đá. Sùng Páo bấm nút tắt máy rồi xem đồng hồ. Đúng 9 giờ.

- Ngồi yên đấy! Để anh ra trước.

Sùng Páo đẩy mui buồng lái, bước ra. Không khí trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn thoáng đãng, lâng lâng. Gió thổi ù ù. Lớp cỏ cây lúp xúp, khô ráp. Lạnh. Trời rất lạnh. Páo kéo khoá cổ áo, che kín lên giáp vành tai rồi đẩy mui, đỡ cho Seo Mỷ bước ra.

Seo Mỷ run lập cập, vì rét, vì lạ lẫm, và sợ sợ. Páo đưa ống nhòm quan sát bốn phía: Núi non trập trùng xa tít tắp, sâu hun hút. Nó tìm đến một tảng đá to, rút con dao con khắc lên đó dòng chữ:

“ Sùng Páo và Seo Mỷ. Ngày.... tháng.... năm”. Đá rắn, lưỡi dao nhỏ, dòng chữ hằn không sâu.

Rồi Páo đi lượm mấy hòn sỏi nhỏ, ngắt mấy nhánh cây đem về làm kỷ niệm. Seo Mỷ đã phát hiện ra những chấm hoa. Trên đỉnh núi cao chót vót này, những cây dại se sắt lại mà cũng nẩy hoa. Cánh hoa nhỏ, có màu sắc riêng. Nó mải miết tìm hoa quanh chỗ con chim sắt đỗ. Đúng là con gái, đến đâu cũng thích hoa.

Sùng Páo hạ lệnh:

- Lên máy bay. Chín giờ ba mươi rồi.

Con chim sắt quay đầu về hướng đông, nổ máy ro ro ro ... rồi cất cánh.

Đường về, hình như con chim sắt bay nhanh hơn. Tiếng máy “ ro ro ro ... eng eng eng...” đều đều. Chẳng mấy chốc đã gần đến đỉnh núi La Pán Tẩn quê nhà. Bỗng Sùng Páo khẽ giật mình. Cái kim đồng hồ ga đã nằm ngang về phía trái, sát cái vạch đỏ cảnh báo. Páo lấy lại bình tĩnh, bấm nút hạ độ cao. Con đại bàng sắt rà rà xuống bãi chăn trâu, bánh xe lăn lịch kịch rồi dừng lại. Kim đồng hồ ga nằm ngang, vừa chấm vạch đỏ nguy hiểm. Xem đồng hồ: 10 giờ 28 phút, nhanh hơn lượt đi 2 phút . Cả đi về hơn hai tiếng đồng hồ. Páo đẩy mui mi ca, dắt Seo Mỷ ra. Chuyến bay chinh phục Ngũ Chỉ Sơn kết thúc và hạ cánh bình yên. Hai anh em ôm lấy nhau và nhảy cẫng lên...

Sùng Páo giật mình bừng tỉnh. Seo Mỷ từ ngoài vườn đi vào:

- Anh làm gì mà ớ ớ lên ghê thế.
- Mơ à! Hai anh em mình vừa lên máy bay đi chinh phục Ngũ Chỉ Sơn về. Cái đỉnh núi hình năm ngón tay mà ông Sùng Tếnh kể ấy. Hoá ra là mơ à?
- Anh lúc nào cũng chỉ mơ mộng.

Sùng Páo đi rửa mặt rồi ngồi vào bàn học. Nó với tay lấy cuốn sách chuẩn bị trước bài ngày mai  theo lời cô giáo dặn.  Trước mặt nó là cuốn sách Vật lý...

Cao Văn Tư - Tạp chí Phan Si Păng

Monday, 18 July 2011

Niềm tự hào Tốc Tan
.
“Đây là niềm tự hào nhất của tôi”, thượng tá Trần Quốc Thống chỉ vào tấm ảnh chụp căn nhà cấp 1 ở đảo Tốc Tan năm 1990.

Nhà cấp 1 ngày đó còn thô phác như một cái lô cốt hình trụ, màu bêtông xám như muốn lẫn vào trời biển, mấy ô cửa sổ nhỏ hẹp hình chữ nhật như mấy con mắt. Ngón tay của ông chỉ lên nóc nhà, trên đó có một hình khối được đặt trên cột ximăng, mặt quay chính diện ra trước máy ảnh còn đọc được dòng chữ mờ nhòa màu đỏ: “CHXHCN VN - đảo Tốc Tan - kinh độ: 08o48’N; vĩ độ: 113o59’E”.

Thuốc thử bản lĩnh

Ông Thống kể ngày ấy Tốc Tan là đảo thứ ba mà ông đến xây dựng. Những tấm bia chủ quyền nối tiếp dựng lên như một kế tục quyền làm chủ biên cương trên biển từ bao thế hệ cha ông truyền lại. Bia hình khối hộp tam giác ba mặt, chữ đắp nổi bằng ximăng. Một mặt là quốc kỳ, mặt thứ hai là quốc hiệu, tên đảo và tọa độ, mặt thứ ba là tên đơn vị thi công.
.
Nghe chúng tôi kể chuyện được đến Trường Sa, được chơi bóng chuyền ở sân đảo nổi, được hóng gió trên lầu cao ở đảo chìm, ông Thống cười tự hào: “Công trình của công binh chúng tôi đó!”.

Niềm tự hào thật là to lớn của một người chỉ huy. Còn người làm quân y kiêm hậu cần của Đoàn M31 như trung tá Lê Văn Học thì có niềm tự hào về những bí quyết bảo quản thuốc men, rau củ, ngón nghề ủ giá, làm đậu phụ, nuôi heo, nuôi gà, vịt dưới hầm tàu để đảm bảo được bữa ăn cho anh em những ngày chưa có lấy một mặt phẳng làm chỗ trồng rau. Những người lính tự hào về những ngưỡng của thể lực, của lòng quyết tâm mà mình đã vượt qua. Chính trị viên Đoàn M31 như trung tá Lê Văn Hữu cứ nhắc mãi về tính đồng đội, tính trong sáng đến tuyệt đối của những con người ngoài biển khơi...

Niềm tự hào có cả trong câu chuyện về hai thùng nước ngọt 200 lít còn lại cho cả 80 con người mà tàu tiếp nước, tiếp hàng thì không biết bao giờ mới tới. Nát óc suy nghĩ, ông Thống ra lệnh pha thêm nước biển vào để nước ngọt biến thành nước lợ và chỉ sử dụng để nấu canh, nấu cơm, cắt hết phần nước uống của cả cấp chỉ huy. Những bữa ấy cơm nấu không chín, vị mặn ở khắp nơi nung cơn khát, anh em nhìn nhau không ai nói một lời, quay đi để giấu cái nhăn mặt.

< Tàu Vàm Cỏ 24 chở 2000 tấn cát đá xi măng ra để xây dựng ngôi nhà bát giác cho những người giữ đảo. đảo vào mùa xuân năm 1988.

Sau hai ngày thì tàu tới. “Tôi nghe nhẹ cả người vì đã có nước cho anh em, lại tiếc hai thùng nước ngọt đã biến thành bốn thùng nước lợ phải đổ bỏ. Nhưng rồi nghĩ thấy cũng hay, thỉnh thoảng lại có những tình huống như là liều thuốc thử cho bản lĩnh, cho tình cảm, cho sự gắn bó của đội mình. Cứ qua một lần như vậy lại thương nhau hơn...”.

Những liều thuốc thử ấy của đời công binh nhiều lắm, những câu chuyện cứ miên man trong ngày họp truyền thống của Đoàn M31 mỗi ngày 6-11 hằng năm.

“Trường Sa khổ mà vui...”

Trung tá Hữu cười khà khi bật mí: dưới thềm ximăng của đảo anh em thường dùng que vạch một câu ghi dấu: “Trường Sa khổ lắm nhưng mà thật vui”.

< Công binh vận chuyển vật liệu xây dựng nhà trên đảo Tiên Nữ năm 1989.

“Ở trong bờ không thể tưởng tượng được sự vất vả của công binh ngoài ấy, trong những ngày ấy” - ông Hữu chỉ nói vậy. Hàng ngàn tấn đá, cát, ximăng, sắt thép đi qua vai người lính công binh, cả thềm đảo, cả các công trình xây từ những bàn tay trần bợt bạt vì ngâm nước, trên không có mái che nắng lửa, dưới không có chỗ đặt chân khỏi mặt biển, sụp tối không có điện, vật liệu xây dựng mau chóng bị ăn mòn bởi nước mặn, áo quần, găng tay, giày vớ mau chóng bị mục nát vì ngấm muối, vì cọ xát... Chỉ có thịt da con người là vẫn còn và mồ hôi còn mặn hơn nước biển.

“Bệnh ngoài da hầu như ai cũng bị vì ngâm nước muối, tuột da tay, giập, đứt ngón tay cũng xảy ra thường xuyên trong giai đoạn kéo xuồng”, trung tá Học kể. Nhưng nguyên tắc của lính là không nghỉ ngơi, không rảnh rỗi nên những người bị bệnh, bị thương vẫn bình thản nhận những công việc phù hợp hơn, tiếp tục làm việc mỗi ngày trên 14 tiếng, tiếp tục chuyển hàng tấn vật liệu mỗi ngày và bệnh tật cũng trôi luôn xuống biển, ngấm xuống làm cứng hơn nền đảo.

< Buổi chào cờ đầu tuần trên Đảo Thuyền Chài.

Đã có những hi sinh không tránh khỏi của anh em công binh. Ngày 9-5-1988, trong lúc giật mìn để tạo hố móng, anh Nguyễn Văn Vĩ (quê Nghệ An) bị sức ép của mìn, của sóng tạo ra từ vụ nổ, hi sinh. Ngày 20-6-1989, khi cẩu hàng xuống xuồng để kéo vào đảo, giữa những cơn sóng lắc, bốn người phải kéo căng dây chỉnh con xuồng chao đảo, bập bềnh, đỡ khối hàng xuống cho cân. Sóng gió tạt ngang, khối hàng chao nghiêng một bên đánh văng anh Nguyễn Duy Thiệu (quê Quảng Ninh) xuống biển. Khi anh em lặn xuống vớt được lên anh đã tắt thở. Cả hai cùng hi sinh ở đảo Đá Lớn ở độ tuổi 20.

Những người ở lại không một ai nản lòng. “Là chỉ huy, tôi rất cảm kích với sự chia sẻ của anh em. Hễ nước lên, bất kể ngày đêm các chàng trai của chúng tôi vẫn lao xuống biển kéo xuồng, có khi họ vừa kịp chợp mắt, có khi bộ quần áo vừa kịp khô, có khi lòng bàn tay chưa hết rỉ máu...”, ông Hữu bồi hồi nhắc.

< Điểm ném đá xây mới nhà cấp 1 bêtông cốt thép trên đảo Tốc Tan A tháng 3-1999.

Những ngày ấy, người sĩ quan đóng vai trò khung trưởng như ông luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió với nghĩa sát thực nhất. Trong tấm ảnh chụp hiếm hoi ngày đặt viên đá xuống chân móng đảo Thuyền Chài, toàn thân ông Hữu ngập dưới nước, chỉ nhô lên cái đầu. Tàu vừa neo, ông đã là người đầu tiên lao xuống làn nước thăm thẳm xanh bơi vào đảo, tìm chỗ buộc dây kéo xuồng chở đá. Ông cười nụ cười sảng khoái sau mấy mươi năm “chỉ huy không đi trước thì làm sao điều động lính được”.

Những công trình ấy đã tiếp tục mọc lên nhanh không kém tốc độ xây dựng hiện đại hôm nay và “chất lượng thì chỉ có từ 100% trở lên mà thôi”, ông Hữu lại cười. Ông nói động lực thúc đẩy nhanh tiến độ, giám sát đòi hỏi chất lượng công trình cao nhất: thiên nhiên. Gần tới mùa gió bão là công trình buộc phải hoàn thành.

Chinh phục đại dương

< Công binh tập kết đá xây nhà cấp 1 trên đảo Len Đao, tháng 5/1989.

Đi xây đảo từ năm 1989, cái thời chưa có xuồng máy để chuyển tải mà chỉ dùng tay kéo xuồng chở vật liệu từ tàu vào đảo, từ lúc chưa có máy trộn bêtông mà phải trộn bằng tay với những dụng cụ thô sơ... những ký ức về Trường Sa của trung tá Lã Ngọc Tuân - chủ nhiệm chính trị E83 - vẫn sống động sau gần 20 năm...
Tháng 6-2007, chính trị viên tiểu đoàn 885 Lã Ngọc Tuân được giao nhiệm vụ làm khung trưởng khi xây âu tàu ở đảo Song Tử Tây.

< Đường vào đảo Đá Đông.

“Thời gian thi công đúng vào lúc biển động - ông Tuân nhớ lại - ở quần đảo Trường Sa, về mức độ dữ dội của sóng gió thì đảo Song Tử Tây chỉ đứng sau đảo An Bang! Công binh vẫn đội mưa đội gió chuyển tải đá hộc vào đảo để tạo thành phần thân đê. Sóng quá to. Xuồng lắc, tròng trành dữ dội. Anh em trên xuồng bị say sóng, nôn ọe ngay lúc cúi xuống để bưng đá”.

Từng viên đá hộc được quăng vào những vị trí đã đánh dấu bằng hệ thống cọc tiêu để tạo thành khuôn hình của thân đê.

“Chúng tôi xác định: làm không chỉ cho khung mình mà còn cho đồng đội sau này đỡ vất vả. Đá hộc được xếp trong rọ và liên kết với nhau. Phần đầu của đê sóng gió đánh nhiều quá, rọ bị đứt, một số viên bị sóng cuốn ra xa. Chờ khi nước cạn, anh em lại đóng bè đi gom từng viên về xếp lại”.

< Nhà thuộc hai thế hệ 1988 và 1999 trên đảo Tốc Tan A.

Cứ thế mất ba năm (từ tháng 7-2007 đến tháng 8-2009), hàng ngàn tấn đá hộc chuyển ra mới xếp thành khuôn hình kè chắn sóng âu tàu. Tính ra mỗi năm, suốt sáu tháng trời công binh mới làm được hơn 100m thân kè.

Khó khăn lớn nhất là chuyển tải đá hộc vào vị trí tập kết trên đảo. Anh em chuyển tải bằng xuồng cũ một đáy, bề ngang chỉ rộng hơn 2m, thành xuồng cao 1m, khi lấy đá ra rất vất vả và nguy hiểm bởi sóng luôn làm xuồng lắc lư, tròng trành. Đã vậy, xuồng một đáy rất hay bị thủng. Mỗi lần xuồng thủng, anh em công binh phải huy động 20 người đẩy xuồng lên nền san hô để hàn.

“Rồi bão, áp thấp nhiệt đới hoành hành. Có ngày chúng tôi chỉ chuyển được 10 tấn đá hộc. Trong khi những ngày biển êm, anh em chuyển được 100-150 tấn đá một ngày. Định mức bình thường của một chiến sĩ là 3-4 tấn hàng một ngày. Trong khi đó, thời gian cho anh em là trong 10 ngày phải chuyển hết 1.000 tấn hàng!”, trung tá Tuân khẽ chép miệng khi kể lại.

Sáng tạo công binh

< Công binh M31 xây kè chắn sóng ở đảo Song Tử Tây tháng 5-2008 - Ảnh: E131 cung cấp.

Trung tá Tống Văn Hóa - chủ nhiệm kỹ thuật của Trung đoàn E83 - đã sáng tạo loại xuồng... lật. Đó là loại xuồng rộng gấp đôi xuồng cũ, có hai khoang đặt hai máy bơm nước. Xuồng được đóng kín, thành xuồng không cố định và chỉ cao 30cm.

Gần tới vị trí đổ đá, máy bơm ở khoang 1 sẽ bơm nước vào làm đầy khoang. Còn máy bơm của khoang thứ hai sẽ bơm nước ra. Khi đó, trọng lượng một bên xuồng giảm 50% và nghiêng qua bên khoang đầy nước.

Anh em thấy xuồng nghiêng đến một độ an toàn để đá đủ sức trượt xuống biển thì rút chốt thành, đá tự động tuột xuống. “Trước, một xuồng cần 7-8 người quăng đá và phải mất 15-20 phút thì bây giờ chỉ cần hai người (một giữ neo, một sử dụng máy bơm) và mất 10 phút”, ông Tuân tự hào nói.

Sau này xuồng lật thế hệ thứ hai được cải tiến: chỉ cần một máy bơm. Máy bơm của bên khoang hút nước vào được thay bằng một van. Chỉ cần vặn van ở đáy xuồng là nước tự động chảy vào khoang.


< Chuyển vật liệu cho công trình kè chắn sóng ở đảo Song Tử Tây năm 2008 Ảnh: E131 cung cấp.

Việc thi công trên đảo luôn gặp nhiều khó khăn. Công binh phải mở luồng để xuồng đi lại thuận lợi và phải dùng thuốc nổ phá một vùng san hô tạo luồng đá rộng 3m. Sau khi nổ, việc lấy và chuyển san hô đổ ra xa gặp rất nhiều khó khăn. Anh em phải vét sạch những cục san hô vụn ở độ sâu hơn 3m chuyển ra ngoài mép xanh (sâu 40-50m)!

Một nhóm 8-9 người chỉ có ống thở và kính lặn thông thường cả ngày lặn ngụp dưới đáy luồng gom san hô để đồng đội kéo lên xuồng. Lại ngốn một lượng lớn thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Công binh E83 đã sáng tạo loại xuồng mở đáy. San hô tự rơi xuống biển chứ không phải ngốn sức bộ đội vứt từng cục san hô. Trước đây công việc cần 10-15 người/xuồng thì nay chỉ cần 4-5 người.

Ở lòng đại dương...

Nguyễn Văn Dương là một trong hai thợ lặn chuyên nghiệp giỏi nhất của E83. Quê Thanh Hóa, đi xây công trình ở Trường Sa từ năm 1994. Năm 2008 anh được giao nhiệm vụ ở lại trông coi công trình. Một đêm, khoảng 2g sáng, đang đi kiểm tra ván khuôn, một cú trượt chân làm anh bị thương 41%. Sau khi về trị vết thương một năm, nhớ đảo, Dương lại xin ra Trường Sa ở đến tận bây giờ.

Trung úy Dương kể: “Anh em bị thương phần lớn là do sóng xô và gió thổi. Có người bị thương khi lao ra cứu vật liệu trong gió lốc; có người khi đang chỉ đạo kỹ thuật trên giàn giáo bị gió thổi rớt xuống đất; có người đang đứng chỉ huy trên kè, gió thổi bay từ độ cao 6m xuống...”.

Trung tá Lã Ngọc Tuân bùi ngùi khi kể về liệt sĩ Đặng Quang Chiểu, hi sinh năm 2003 khi đang làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Chiểu được phân công theo xuồng chuyển tải chở sắt, thép vào đảo. Sóng bất ngờ cuộn lên đánh ụp xuống xuồng. Chiếc xuồng tải trọng cả tấn trong tích tắc đã chìm nghỉm. Một đầu sắt móc vào áo Chiểu, kéo người chiến sĩ 19 tuổi xuống biển. Hai ngày sau anh em mới đưa được Chiểu về đất liền.

Một trường hợp khác, khi đang cẩu đá hộc xuống xuồng, sóng lớn, xuồng tròng trành liên tục, cần cẩu bất ngờ va vào cạnh xuồng. Một người chiến sĩ bị ngã, đầu đập vào thành tàu rồi rơi vào đáy đại dương trong sự bất lực của đồng đội. Sáng hôm sau, anh em lặn xuống chỉ tìm thấy một dây thắt lưng và một phần bộ đồ hải quân còn sót lại...

Du lịch, GO! - Theo Tuoitre + internet

Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 1
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 2
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 3
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 4
Muốn đến cù lao Minh (Bến Tre), có thể đi theo hai đường. Nếu đi từ TP.HCM, phải qua phà Hàm Luông (Mỏ Cày), cách thị xã chừng ba cây số. Còn nếu xuất phát từ Cần Thơ, Vĩnh Long, phải sang phà Đình Khao cách thị xã Vĩnh Long chừng năm cây số, rồi theo quốc lộ 57 là đến nơi. Từ TP.HCM đi Bến Tre khoảng 85 km, từ Cần Thơ đến Vĩnh Long chừng 30 km

Tỉnh Bến Tre, được hình thành bởi ba cù lao lớn là Minh, Bảo và An Hóa, nằm ở hạ nguồn Mekong, giữa bốn con sông Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên. Người ta thường gọi ba cù lao này là “ba đảo dừa xanh”. Cù lao Minh ngày nay gồm có ba huyện là Chợ Lách, Mỏ Cày và Thạnh Phú, trải dài theo sông Hàm Luông và Cổ Chiên đến biển Đông hơn 80 km, có các vùng thổ nhưỡng nước ngọt, lợ, mặn với nhiều nét văn hóa đặc trưng, độc đáo.
Vào địa phận huyện Chợ Lách, ghé chợ Phú Phụng, có thể dùng thuyền nhỏ đi qua cồn Phú Đa thuộc xã Vĩnh Bình. Đây là một cù lao với nhiều bờ bãi còn khá hoang sơ. Đất đai cồn Phú Đa màu mỡ, cây trái sum suê, nhiều nhất là dừa, sầu riêng, nhãn…
.
Rời Phú Đa, du khách sẽ đến với làng trái cây, làng hoa kiểng Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành. Nơi đây là xứ sở của những giống trái cây ngon như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, xoài, sa-pô-chê, cam quýt và những loại hoa kiểng nổi tiếng. Nghề làm cây giống và hoa kiểng có từ khá lâu đời đã giúp cho người dân Cái Mơn có cuộc sống khá giả. Kiểng thú là một loại kiểng mới xuất hiện thời gian gần đây nhưng cũng đã gây được sự chú ý và bắt đầu thâm nhập vào thị trường với nhiều triển vọng.

Đình rắn và nhà cổ

Ở Định Thủy, cách thị trấn Mỏ Cày khoảng hai cây số, có một di tích độc đáo, gợi tò mò cho nhiều người. Đó là đình Rắn với nhiều câu chuyện và huyền thoại bí ẩn. Đường vào Đình Rắn xuyên qua những hàng bạch đàn thâm u và vắng lặng. Chuyện rắn thần ở Đình Rắn được dân gian kể lại nghe lạ và hấp dẫn:

< Đường vào đình Rắn.

Hồi đó, khoảng năm 1964-1965, khi chiến tranh đã đến hồi ác liệt, dân Định Thủy tản cư gần hết. Đình Rắn là nơi thường diễn ra những cuộc họp của các lực lượng cách mạng địa phương. Người ta đồn rằng cặp rắn thần ngày xưa, dài hơn 20m, mình to như khạp năm cân đã trở về đình. Nhiều người quả quyết đã trông thấy cặp rắn này! Rắn đi rạp lúa làm thành lằn lớn, có khi dài cả cây số. Sự thật thì đó là vết xuồng của bộ đội! Chuyện rắn thần trở về ở đình làng Định Thủy đồn râm ran khắp nơi…

Ngày nay, đình Rắn được tôn tạo lại trên nền đất cũ ở ấp Định Nhơn, hoành tráng, to đẹp nhưng vẫn theo kiến trúc cổ của những đình chùa Nam bộ. Vào các ngày 14, 15, 16 tháng 5 Âm lịch hàng năm, hàng ngàn dân, khách các nơi đổ về thăm viếng, tham quan hội đình Định Thủy.

Ở xã Đại Điền có ngôi nhà cổ của cụ Hương Liêm được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, ảnh hưởng phong cách kiến trúc của Pháp, bên trong mang dấu ấn truyền thống. Thời gian từ thi công đến hoàn chỉnh mất hết mười năm. Ngôi nhà cất theo hình chữ nhật, có diện tích trên dưới 500 m2, 48 cột lớn nhỏ. Cột bằng gỗ lim và căm xe núi. Cột cái cao 4,5m, bề hoành (tròn) cỡ 1,2m. Cột hàng nhì cao 3,9m, bề hoành gần 1m. Cột hàng ba cao 3,5m, bề hoành hơn 80cm. Tất cả xiên, kèo, cột được vào niêm, ghép mộng, kết cấu, liên thông chắc chắn.

Khách tham quan rất ấn tượng với bức hoành phi “Hiếu Để Trung Tín” treo cao ở trung tâm gian chính, nằm trên xiên luồn, sơn son thếp vàng. Các hoa văn, họa tiết ở một số cột được cẩn xà cừ rất tinh xảo theo phong cách Huế. Nền nhà cổ cao tới bụng người lớn, cẩn đá hộc lớn, mái lợp ngói âm dương. Nhà cổ Đại Điền là một công trình kiến trúc có giá trị văn hóa cao, ghi dấu ấn của một thời kỳ quá khứ với nhiều biến động lịch sử tại cù lao Minh.

Sản vật và ẩm thực độc đáo

Do đặc điểm địa lý với hệ sinh thái đa dạng, cù lao Minh có nhiều sản vật đặc trưng cũng như các món ẩm thực đặc sắc. Về huyện miền biển Thạnh Phú, đến Thạnh Phong, An Quy, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món hải sản độc đáo như cháo nghêu, vọp nướng, sò huyết rang me, cua luộc hèm, tôm sú tái chanh.

Ngược về Mỏ Cày, ghé vào nhà lồng chợ thực phẩm của huyện, sẽ thấy những gian hàng bán mắm tép rất ngon, bởi mắm được làm bằng tép bạc đất sống ở môi trường nước ngọt, hoặc hơi lợ. Mắm tép Mỏ Cày có màu vàng đỏ tự nhiên, trộn với đu đủ mỏ vịt (hườm) thơm ngon, hương vị đậm đà, được làm theo một quy trình nghiêm nhặt, phụ thuộc vào nắng trời, lên men tự nhiên. Ghé Mỏ Cày, nếu không mua kẹo dừa chính hiệu thì thật đáng tiếc. Kẹo dừa Mỏ Cày đã có lịch sử và tiếng tăm hơn nửa thế kỷ, bởi hương vị thơm ngon đặc trưng.

Trở về Chợ Lách sau một chuyến du hành nhiều thú vị, có thể ghé bất cứ một gian hàng dọc đường nào để mua biếu cho người thân ít trái cây đặc sản của vùng đất đầu nguồn cù lao Minh. Sầu riêng Chín Hóa, Sáu Ri đã trở thành những thương hiệu được ưa chuộng. Ngoài ra còn có chôm chôm, nhãn da bò… Sau cùng, có thể ghé chợ Phú Phụng mua vài ký ốc gạo Phú Đa để luộc hoặc lể ra làm gỏi với đu đủ bào và da heo hấp cơm. Món đặc sản dân dã này để lai rai với bạn bè rất… hợp lý!

Du lịch, GO! - Theo DNSGCT, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống