Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 20 July 2011

Nhớ hồi năm 2009, trong lễ hội “Hành trình di sản lần thứ IV”, TP. Hội An đã chọn sản phẩm ống đèn đường của làng gốm Thanh Hà để trang trí khắp nơi. Hình ảnh đó góp phần tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của đô thị cổ và thương hiệu làng gốm Thanh Hà, vốn nổi tiếng từ hơn 500 năm trước.

Đến phố cổ Hội An, hỏi làng gốm Thanh Hà, ai cũng biết. Ngôi làng nhỏ bé nằm ở phường Thanh Hà, cách khu phố cổ chừng 3km về phía tây. Xét lịch sử tồn tại hơn 500 năm của vùng đất Quảng Nam, Thanh Hà là làng nghề cổ nhất còn đến bây giờ.

Trong cái nắng hanh hao vàng nhạt đầu tháng Tư, ấn tượng đầu tiên khi tôi vừa đặt chân đến làng là nét cổ kính và thanh bình. Từ con đường làng quanh co, những mảnh vườn xanh um đến những bức tường gạch cũ, những mái ngói rêu phong.
.
Hồn quê Việt xưa như vẫn quyện trong những nếp nhà mộc mạc. Dù nhiều địa phương đã hiện đại hóa nghề gốm với lò điện, với dây chuyền tiên tiến, người Thanh Hà vẫn làm gốm theo đúng kiểu truyền thống với chiếc bàn xoay và đôi tay khéo léo.

Cả làng hiện có khoảng hai chục hộ sản xuất gốm với trên 100 nhân khẩu, đa phần sống với nghề gốm từ rất lâu đời. Họ kể rằng, vào thế kỷ XIV - XVII, những người thợ thủ công từ Thanh Hóa vào Thanh Hà lập làng, mang theo nghề gốm và truyền lại cho con cháu đến ngày nay. Dưới triều Nguyễn, những người thợ gốm Thanh Hà đã nức tiếng tài hoa. Chính họ đã cung cấp những sản phẩm như ngói lợp, gạch lát nền, đồ gia dụng cho các ngôi nhà cổ Hội An và những khu vực lân cận.
Nhưng giai đoạn hoàng kim ấy rồi cũng qua, thời kinh tế thị trường, gốm Thanh Hà gặp nhiều khó khăn khi không đọ sức kịp những sản phẩm theo công nghệ mới, không tìm được đầu ra. Một số hộ đã bỏ nghề, vào Nam tìm kế sinh nhai. Mãi đến những năm gần đây, khi gốm Thanh Hà trở thành một phần trong các tour khám phá, trải nghiệm của du khách tới Hội An, các lò gốm mới đỏ lửa trở lại.

Tôi lang thang trên đường làng quanh co, rộng chỉ chừng sải tay, ghé nhìn những sân phơi gốm, tò mò như một đứa trẻ, sờ tay vào những sản phẩm gốm đang phơi mình trong nắng. Những chiếc siêu thuốc Bắc, những cái nồi kho cá, những cái trã đất ủ than… đơn sơ, mộc mạc, gợi nhớ về một nông thôn xưa cũ.

Lần theo con đường quanh làng, tôi ghé thăm nhà trưng bày gốm của nghệ nhân “lão làng” Lê Thị Chiến (80 tuổi) - người được Ban tổ chức festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng gốm Thanh Hà”.

Bà Chiến vào nghề từ thời con gái, đến nay đã hơn 65 năm tuổi nghề. Thợ trong làng hiện nay hầu hết là học trò của bà. Trong khuôn viên rộng 200m2, khu trưng bày khá khang trang với phong phú chủng loại gốm. Nhiều nhất là các loại tò he với đủ 12 con giáp, bùng binh (heo đất), kế đến là những bình hoa, bình rượu, ấm trà, chén, bát, nồi niêu, chum, vại, chậu kiểng, đèn gốm…

Theo bà Chiến, tất cả sản phẩm trên được làm từ nguyên liệu đất sét, lấy từ mỏ đất, mỏ cát do phù sa sông Thu Bồn tạo nên. Người trong làng phải lên các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc mua về với giá vài trăm ngàn đồng một ghe. Để làm ra sản phẩm đạt chất lượng cũng lắm công phu, nhiều vất vả, đòi hỏi người thợ sự cần mẫn và óc thẩm mỹ. Trước khi tạo ra sản phẩm, đất sét phải đập nhỏ, sau đó đất được rưới nước vừa phải rồi trùm ủ để giữ độ ẩm. Ngày hôm sau, đất được trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Thợ gốm sẽ đánh cho đất thật dẻo rồi mới nặn.

Sau khi nặn thành sản phẩm, phải đem phơi nắng một ngày, rồi đem vào trong bóng mát làm nguội để trang trí hoa văn, họa tiết, cuối cùng mới đưa vào lò nung với nhiệt độ khoảng hơn 1.000oC trong vòng 24 giờ. Khi chín tới, gốm sẽ có những màu đặc trưng như vàng đỏ, đỏ hồng, gạch nâu, đen tuyền. Gốm Thanh Hà có độ bền cao và láng chẳng khác gì tráng men. Sản phẩm lại nhẹ, khi ta gõ vào thành gốm, những âm thanh rất trong, êm ái vang lên.

Khách du lịch đến Thanh Hà thường say mê ngắm các nghệ nhân xoay, nắn, tạo hình gốm với những thao tác kỹ thuật nhuần nhuyễn, đẹp mắt. Đôi bàn tay đen gầy của bà Chiến lấm lem đất sét, vê nhịp nhàng, thoăn thoắt biến khối đất sét vuông thành chiếc bình, rồi chẳng mấy chốc miệng bình loe ra điệu đàng. Sau đó, bà cầm cái nẹp tre dẹt, chà ép cho trơn láng đế bình. Chỉ trong vòng 5 phút, bà đã hoàn thành chiếc bình hoa đẹp mắt chỉ bằng đôi tay khéo léo.

Rời làng Thanh Hà ra về, du khách nào cũng nâng niu trên tay vài sản phẩm gốm tươi màu đất, hồn đất. Không cầu kỳ, chẳng trau chuốt, gốm Thanh Hà cũng hồn hậu và chân chất như tấm lòng người Quảng.

Du lịch, GO! - Theo PNCN, internet

Tuesday, 19 July 2011

Sau chuyến về miền Tây đón tết Con Trâu, chúng tôi tiếp tục khám phá quần đảo Nam Du tuyệt đẹp của Kiên Giang, Meokhoang và tôi sẽ chia sẻ cùng các bạn.

Nghe anh TC67 nói về kế hoạch đi và có ra đảo đã thấy thích rồi. Đảo nào thì cũng được đặc biệt là những nơi ít du lịch, những nơi yên tĩnh, sợ những nơi ồn ào, nhộn nhạo. Cùng tham khảo và kiếm thêm thông tin trên Internet càng thấy có vẻ hay ho và đúng là.. hợp gu là đi!

Đây quần đảo xa nhất của huyện Kiên Hải (Kiên Giang), cách thành phố Rạch Giá 83km đường biển. Nam Du là nơi còn rất hoang sơ với 21 hòn đảo lớn nhỏ, được tạo hóa xếp đặt khéo léo. Từng khối thể lớn nhỏ, cao thấp của từng hòn nằm đan xen nhau, tạo thành một thế trận vững chắc giữa đại dương trông rất đẹp.
.
Đây là sơ bộ ảnh tổng thể của quần đảo Nam Du (Củ Tron) để các bác có thể mường tượng. Những thông tin tìm kiếm được cũng không nhiều lại càng có vẻ hợp vì đằng nào cũng là nơi mới, chưa đi sẽ có hứa hẹn nhiều điều bất ngờ thú vị (kể cả tốt/xấu) để mình có thể thu thập thêm chút kinh nghiệm.
Để đi tầu ra đảo sẽ phải đi qua Rạch Giá, bến tầu Rạch Giá cũng là nơi có kha khá kỷ niệm bởi trước đây tôi đã tới Rạch Giá chơi vài lần và cũng đã được ăn cơm tại Đình ông Nguyễn, có thể đó là những ký ức khá đẹp để mỗi lần quay lại đều thấy Rạch Giá ngày càng phát triển, đẹp hơn.

Nếu bạn đã từng nghe bài hát của Kiên Giang - Kiên Giang mình đẹp lắm có câu..
".. Chiều xuống đứng bên cầu nghe sóng biển
Nắng Thu vàng chiếu rạng bến bờ
Kiên Giang mình đẹp làm sao
Bóng mây sánh đôi bóng núi..."

Bạn sẽ hiểu được cảm giác của tôi, một người ở xa được quay lại nơi mình yêu quý, mình thấy đẹp.. và đẹp thực sự với mỗi buổi bình minh, chiều xuống có thể ngắm cảnh biển từ ngay cầu trong phố.. và những khung cảnh vùng sông nước in đậm trong mỗi góc nhìn.

Ngay trung tâm thị xã Rạch Giá, sát Đình ông Nguyễn là bến tầu đi các đảo trong đó có tầu cao tốc và tầu sắt thường. Đây là con đường trước cửa Đình và bến cảng phía xa xa. Tầu sắt đi Nam Du, tầu chậm chạy khoảng 5 tiếng với giá hiện tại 90K/mạng...

Vẫn kiểu trang trí rất đơn giản, tầu cao tốc cũng có cái Tết của riêng mình.
và lại những cảnh sông nước cuốn hút tôi, một buổi sáng thật đẹp với nắng nhẹ đầy hứa hẹn cho du lịch, chụp ảnh..
Bến tầu cao tốc cũng có tuyến đi Phú Quốc từ đây. Với khoảng cách chỉ 30km xa hơn so với Nam Du nhưng bạn sẽ phải trả 270K/bé => lựa chọn của chúng tôi có vẻ khá kinh tế so với tuyến đi Phú Quốc, nơi mọi dịch vụ đã sẵn sàng đón bạn trên bờ để phục vụ.
Tuy vậy bạn cũng được đi trên Supperdong II, một tầu hai tầng đẹp, rộng và có vẻ an toàn hơn...
... so với tầu đi Nam Du chỉ là tầu cỡ nhỡ một tầng của chúng tôi. Trị giá con tầu này hơn 2 tỷ và lý do chủ tầu chọn cỡ này bởi nhỏ hơn sẽ không chịu được sóng, gió biển vào mùa biển động, khách đi dễ sỉn và lớn nữa lại không kinh tế để chủ tầu có thể khai thác tuyến này. Giá cả 120K/người có vẻ khá hợp lý so với tầu sắt vì tầu cao tốc chỉ chạy có hơn 3 tiếng.


Tuy vậy nếu bạn dư thời gian thì có thể tầu sắt là lựa chọn hợp lý bởi có thể đứng trên boong nhìn ngắm cảnh biển, chụp những cảnh sinh hoạt, đảo ở những nơi tầu chạy qua.

Nội thất cũng khá khang trang với 6 hàng ghế ngồi (3 mỗi bên).
Tầu đã bắt đầu rời cảng trong buổi sớm đẹp trời.. với những con thuyền trong nắng sớm và ngọn đèn biển bắt đầu lùi dần.

May chúng tôi đã mua vé từ hôm trước và lên tầu rất sớm nên không phải ở trong những tình trạng thế này...
Nhiều cảnh giống y chang xe đò...

Một điều khá.. lạ bởi tầu chạy với vận tốc khoảng >50 lý (100km/h) mà người ta vẫn đi lại thoải mái bên ngoài, chắc dân sông nước quen rồi không sợ.
Tàu tới đảo Hòn Tre, hàng và khách lên/xuống được các ghe nhỏ chạy từ đảo ra đón/đưa ngay trên biển..
Và khi tiếp tục lên đường.. nếu bạn ngồi gần cửa có thể được thưởng thức cảnh biển, đảo với các hàng dừa ngút mắt... 
Có nhiều thời gian chơi ở đây cũng hứa hẹn nhiều thú vị... 
Kế đó là đến Hòn Sơn, lại tầu thuyền ra vào tấp nập đưa đón những người khách từ tầu lớn vào bờ để kịp về nhà với người thân.
Chỉ còn một quãng đường biển nữa là sẽ tới đích, ba anh em chúng tôi đều hồi hộp chưa biết những gì sẽ đón đợi mình. Con tầu như cũng vội vã hơn, ngóc đầu rẽ sóng vượt trùng.

Và tầu cũng đã cập bến chính. Đảo mà chúng tôi xuống là Hòn Lớn, người ta cũng gọi là hòn Củ Tron.
Cảm nhận đầu tiên của tôi là nước.. nước ở đây trong suốt, xanh như ngọc và khá phẳng lặng so với biển gần bờ, như một cái hồ thật lớn có các hòn đảo vây quanh.
Từng đàn cá nhỏ bơi lội tung tăng dưới mặt nước như ngọc bích. Rất tiếc là do đi dài ngày nên phải giản tiện tối đa đồ đạc, không mang theo CPL nên không thể chụp được cảnh đẹp này. Có ông mang theo, đem ra chụp lia chia thì... trốn roài..
Ba anh em lên bờ khám phá đảo. Đập vào mắt là một lô những thứ gì đó giống các giỏ được phủ lá, khá ngạc nhiên nên tiến tới hỏi và được biết đây là các giỏ bẫy ghẹ.. chẹp chẹp.
Một người ngư phủ đang vá lại những mũi cuối các giỏ bẫy này để chuẩn bị đưa ra biển.

Chúng tôi ăn trưa ở một quán ngay bến tàu, thật lạ là ở đây chỉ có 1 quán cơm nhưng khi ăn phải đặt trước.  Vì vậy chúng tôi ăn ké xuất của các anh chị lái tàu Hiệp An, cơm với cá biển tươi rói.

Hòn đảo này cũng lớn như hòn Bảy Cạnh ở Côn Đảo, cũng là một cái núi nhô lên mặt biển nên hầu như rất ít chỗ bằng phẳng, từ bến tàu lên trạm Hải Đăng khỏang 2km đường dốc.
Đi tới sâu vào trong đảo, đây là đảo lớn - đảo Nam Du hay người dân nơi đây còn gọi theo tên quen thuộc là Hòn Lớn, có một cây chùm ruột rất sai.. mà chắc đất và khí hậu ở đây tốt và rất thích hợp nên cây rất sai..

ThanhTien
Còn tiếp


Du lịch, GO! - Theo Quehuongtoi
Đơn vị tổ chức quảng cáo rằng đây là những “dịch vụ hoàn hảo” kết hợp du lịch – kinh doanh mạng – làm việc tại nhà. Tuy nhiên, các luật sư cảnh báo người tham gia có thể gặp rủi ro khó lường.

Nhiều người tại TPHCM, Hà Nội và các tỉnh, thành như Tây Ninh, Nha Trang, Quảng Trị… đang rủ nhau tham gia một hình thức kiếm tiền mới: không cần kinh doanh sản phẩm gì, chỉ cần đóng tiền để đặt phòng du lịch, trở thành thành viên công ty  rồi “giới thiệu” nhiều người cùng tham gia là được hưởng hoa hồng, thưởng tiền, đi du lịch nước ngoài... Tuy nhiên, sự thật của phương thức kiếm tiền này không dễ như quảng cáo.
Tiếp chúng tôi tại văn phòng đại diện của công ty D. ở quận Tân Bình-TPHCM, vị trưởng phòng tên N. quảng cáo công ty thuộc một tập đoàn ở Mỹ, có trụ sở chính ở Hà Nội và đang mang đến cho khách hàng một “dịch vụ hoàn hảo kết hợp 3 xu hướng: du lịch – kinh doanh mạng – làm việc tại nhà”.
.
Theo trưởng phòng N., khách đăng ký mua gói dịch vụ du lịch giá 375 USD sẽ nhận được hóa đơn điện tử do công ty mẹ ở Mỹ cấp, kèm theo đó là tài khoản cá nhân để tham gia hệ thống và có cơ hội nhận thưởng tiền mặt, được đi du lịch nước ngoài và các phần thưởng lớn là ô tô, villa… Cụ thể, hội viên giới thiệu được nhiều người vào mạng lưới và giúp họ lôi kéo thêm nhiều người khác tham gia sẽ được thăng cấp dần, được thưởng từ 1.000 USD đến 15.000 USD. Cùng với đó là khoản “hoa hồng” hậu hĩnh 5% - 13% giá trị tiền nộp của những người vào sau, được thưởng toàn cầu 3%...

Mới đây, chị Oanh ở quận Phú Nhuận – TPHCM đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, Chi cục Thuế TPHCM, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để nhờ can thiệp vì “lỡ” đóng tiền làm hội viên của công ty T. với hy vọng được đi du lịch miễn phí và được tặng tiền mặt. Theo lời giới thiệu của công ty này, khách hàng chỉ cần đóng 275 USD đặt phòng giảm giá đi du lịch là trở thành hội viên; giới thiệu được càng nhiều khách hàng tham gia sẽ được thưởng 500 USD, thậm chí 10.000 USD. Chị Oanh đóng tiền và giới thiệu người thân cùng tham gia, tổng cộng là 7 chỗ (hết 1.925 USD). Phát hiện công ty không có tư cách pháp nhân để hoạt động du lịch nước ngoài nên chị đòi lại tiền nhưng nhiều lần vẫn không được. Gần đây nhất, chị tìm đến địa chỉ mới của công ty T. ở quận 2- TPHCM thì phát hiện đây là trụ sở của công ty khác, ông giám đốc đã “cao chạy xa bay”...

Tại Hà Nội, loại hình vừa du lịch miễn phí vừa được thưởng tiền phát triển rầm rộ. Nhiều công ty đua nhau tổ chức đưa khách đi du lịch với điều kiện khách phải đóng một khoản tiền ban đầu để trở thành hội viên, sau đó được chọn đi du lịch miễn phí hoặc mua sản phẩm với giá ưu đãi 50%. Có công ty quảng cáo khách giới thiệu thêm 1 người cùng đi sẽ được thưởng 1 triệu đồng, thêm người thứ 2 được thưởng thêm 800.000 đồng, người thứ 3 thêm 1,2 triệu đồng...

Cơ quan quản lý không hề cấp phép

Một điểm chung của các công ty này là việc tổ chức hoạt động tương tự như công ty đa cấp, sử dụng mô hình “nhị phân”: tổ chức hoạt động khá bài bản, đào tạo hội viên “môi giới” và  khuyến khích khách hàng bỏ tiền mua nhiều gói dịch vụ để được thưởng.

Theo các luật sư, thông qua việc bán các gói dịch vụ đặt phòng, những công ty này đã huy động được số tiền rất lớn mà không phải trả lãi, dùng tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước. Phần lớn khách hàng đến với những công ty này với mục đích kiếm tiền chứ không phải đi du lịch nên chấp nhận “biếu không” cho công ty khoản tiền vài trăm USD đóng ban đầu (trong vòng 1 năm không đăng ký đặt phòng thì mất quyền đặt phòng). Công ty mời người đi du lịch rồi tham gia và lôi kéo người khác đóng tiền để hưởng hoa hồng, trường hợp công ty sau khi chiếm dụng số vốn lớn rồi biến mất thì khách hàng sẽ mất trắng...

Hoạt động của các công ty này có hợp pháp hay không cũng là cả một vấn đề. Dù công ty D. cho rằng đã có 70.000 hội viên trên cả nước và hơn 10.000 hội viên ở TPHCM nhưng Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Công Thương TPHCM đều khẳng định không cấp phép hoạt động văn phòng đại diện, không quản lý hồ sơ của văn phòng đại diện tại TPHCM cho công ty này. Các hợp đồng công ty D. ký kết với khách hàng đều được soạn rất chung chung, mơ hồ; hình thức thu tiền không rõ ràng (khách nộp tiền thông qua người giới thiệu, phải vài ngày sau mới nhận hóa đơn điện tử)…

Hay như công ty T., việc thu tiền và viết phiếu thu không đúng theo quy định về tài chính, có sự nhập nhằng giữa việc trở thành hội viên và đặt phòng giảm giá tour. Đặc biệt, trên tất cả giấy tờ các công ty này ký đều không có dòng nào thể hiện cam kết về chuyện thưởng tiền 500 USD, 1.000 USD, 10.000 USD hay 15.000 USD… nên nếu xảy ra tranh chấp, khiếu kiện thì khách hàng chắc chắn nắm phần thua thiệt.

Lúng túng vì quá mới!

Theo Sở Công Thương TPHCM, đây là hình thức kinh doanh mới nên cơ quan chức năng còn lúng túng trong công tác quản lý. Sở Công Thương đã đề xuất Cục Quản lý Cạnh tranh phối hợp cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu tổng thể mô hình trả thưởng của các công ty dạng này để trên cơ sở đó ban hành quy định cấm doanh nghiệp áp dụng một số mô hình trả thưởng có dấu hiệu kinh doanh đa cấp bất chính.

Du lịch, GO!- Theo Nguoilaodong

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống