Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 20 July 2011

Những ngôi chùa của người Khmer Nam Bộ có kiến trúc vô cùng độc đáo không nơi nào có được. Chính vì thế, không chỉ là nơi sinh hoạt tinh thần của đồng bào, những ngôi chùa này ngày càng được đông đảo du khách đến thăm quan, chiêm ngưỡng.
Hiện khu vực ĐBSCL có khoảng 600 ngôi chùa Khmer. Trong số đó có rất nhiều chùa cổ vài trăm tuổi được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia và trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Chùa Dơi

Chùa Dơi được xây dựng năm 1569 với tên khai sinh theo ngôn ngữ Khmer Sêrây Têchô Mahatúp, còn được gọi theo tiếng Việt là Chùa Mã Tộc. Chùa nằm trên địa phận tỉnh Sóc Trăng. Cái tên chùa Dơi được nhân dân quen gọi hơn cả vì có một đàn dơi hàng vạn con cư trú trong vườn chùa.
.
< Chùa Dơi nổi tiếng với kiến trúc đẹp và đàn dơi lạ hàng vạn con trú trong vườn chùa.

Chùa Dơi còn nổi tiếng là một quần thể kiến trúc đẹp vào bậc nhất với mái hai lớp ngói mầu. Phía đầu hồi, bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga cong vút. Trên đỉnh chùa có một ngọn tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời đón chào khách thăm viếng…

Ngay từ cổng vào cho đến kiến trúc mái chùa đã toát lên nét tinh xảo đặc trưng. Những họa tiết vẽ trên cột, trần, khu nhà có tượng Phật nằm tuy không có nhiều tiểu tiết, nhưng cũng đủ mô phỏng tín ngưỡng của người Khmer. Những bức họa lớn do các Phật tử từ nhiều nơi thực hiện gần kín hết các bức tường phía ngoài.

Chùa Tổng Quản

Chùa thuộc xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, có tuổi đời trên 300 năm. Nơi đây không chỉ là nơi sinh họat văn hóa tinh thần gắn liền với lịch sử cộng đồng dân cư, mà ghi dấu lịch sử cách mạng suốt  2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ xâm lược.

Cuối thế kỷ thứ 17, dưới sự trụ trì của hòa thượng Danh Hoàng (Tà Hoang), đồng bào người Khmer và phật tử ở đây đã khai phá rừng hoang, đuổi thú dữ, dựng lên một ngôi chùa thờ Phật. Khi mới dựng, ngôi chùa có tên gọi theo tiếng Khmer là KOMPÔNG KROBÂY (Chùa Bến Trâu). Đến năm 1948, chùa Tổng Quản được xây dựng lại bằng vật liệu kiên cố (chỉ giữ cột kèo cũ) với lối kiến trúc đặc sắc của ngôi chùa khmer truyền thống.

Từ năm 1952, chùa được gọi là WATT SARÂY SUASĐÂY (Chùa Tự do - Hạnh phúc) đồng bào địa phương cũng quen gọi là chùa Tổng quản.

Chùa Chén Kiểu

< Chùa đẹp và đặc sắc bởi được trang trí từ những mảnh chén, đĩa sứ ốp lên tường.

Chùa có tên tiếng Khmer làWath Sro Loun, hay Wath Chro Luông, là một ngôi chùa nằm trên Quốc lộ 1A, cách thị xã Sóc Trăng 12km về hướng Tây, hướng từ thị xã Sóc Trăng đi Bạc Liêu.

Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1815. Theo những người già kể lại, địa điểm xây dựng chùa Sà Lôn đã được dời chỗ 3 lần và đến lần thứ 3 ở ngay địa điểm hiện tại.

Tên của chùa được lấy tên từ một tên của một con sông chạy dọc theo đường làng trước kia, có tên Chro Luong (lối), nên lúc đầu mới xây dựng, chùa được gọi là Wath Chro Laung, về sau đọc chại thành Sro Lôn, hay Sà Lôn. Sở dĩ chùa Sà Lôn có tên gọi là Chén Kiểu vì có nét đặc sắc là những mảnh chén, đĩa sứ ốp lên tường để trang trí.

Trong Chiến tranh Việt Nam, ngôi chánh điện của chùa bị sập do bom đạn. Năm 1969, chùa được trùng tu, đến năm 1980 thì hoàn thành. Trong khi trùng tu lại phần sau ngôi chánh điện, do thiếu kinh phí nên các vị sư sãi cùng ban quản trị chùa đã nảy ra sáng kiến lấy những mảnh vỡ chén kiểu đắp vào. Khi du khách thập phương đến chùa tham quan, đã thấy được sự khác biệt trong việc sáng tạo phong cách xây dựng chùa nên gọi chùa Sà Lôn là Chén Kiểu.

Chùa Ghôsitaram

< Ngoài những ngọn tháp cao chót vót, chùa còn có hàng chục hình tượng con rồng được bố trí ở phần nóc.

Chùa thuộc ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Hòa thượng Hữu Hinh, trụ trì Ghôsitaram, cho biết chùa được xây dựng năm 1860, là cái nôi của phong trào tu học. Đến nay, đã đào tạo thành danh hơn 3.500 tăng sinh và học sinh. Chùa không chỉ là nơi tu học, rèn đức luyện tài cho giới tăng sinh, mà còn tổ chức các lớp học bổ túc văn hóa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Năm 2001, chùa được trùng tu và xây mới phần chính điện theo kiến trúc cổ kết hợp với kiến trúc hiện đại, hài hòa giữa kiến trúc truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer với tinh hoa văn hóa dân tộc.

Ngoài những ngọn tháp cao chót vót còn có hàng chục hình tượng con rồng được bố trí ở phần nóc. Bên ngoài và phía trong của chánh điện được điêu khắc tỉ mỉ với hàng trăm hình tượng khác nhau theo truyền thuyết Tam tạng kinh của Phật giáo. Khắp nơi trong chánh điện đều được chạm trổ, đắp đường nét hoa văn phức tạp và độc đáo bằng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Khmer, tạo thành một công trình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Để hoàn thành chạm trổ hoa văn cho ngôi chánh điện, nghệ nhân Danh Sà Rinhông đã mất khoảng 4 năm.

Công trình sẽ trường tồn để làm nơi tu hành, làm lành, lánh dữ theo con đường thiện pháp của Phật giáo. Ngoài chánh điện, nhiều hạng mục phụ khác cũng được xây dựng như đôi cột phướn, hai nhà tháp thờ hài cốt tập thể, đài hỏa táng, nhà để ghe ngo.

Chùa Vàm Ray

< Chùa Vàm Ray mang đặng trưng kiến trúc Angkor và hiện là ngôi chùa Khơ me lớn nhất Việt Nam.

Chùa Vàm Ray khánh thành năm 2010 tại tỉnh Trà Vinh. Đây là ngôi chùa Khmer đến thời điểm hiện tại là lớn nhất Việt Nam do ông Trầm Bê tài trợ phục chế và cải tạo, trong thời gian 3 năm với tổng kinh phí hơn 1 triệu USD.

Chùa Vàm Ray mang đặng trưng kiến trúc Angkor của người Campuchia với hai cấp sân rộng bao quanh ngôi chánh điện, được tráng xi măng. Mái  có ba cấp, mỗi cấp được chia thành ba nếp, nếp giữa lớn hơn, hai nếp phụ hai bên bằng nhau, không có tháp nóc.

Chi tiết, hoa văn được chạm khắc tỉ mỉ bằng đất sét, đặt trên 1 bàn lớn, xong họ áp vữa – bê tông vào để đổ thành khuôn, họ dùng những khuôn này để tạo nên những chi tiết, hoa văn trên công trình.

Đỉnh cao nghệ thuật ở chùa thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, như tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum là tiền thân của Brahma, vị thần sáng tạo ra thế giới, nữ thần Kayno nửa người nửa chim, chim thần Marakrit. Trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và quái vật; thánh bốn mặt Maraprum “đội đèn” ở chi tiết lan can; những hàng cột phía ngoài chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc cổ Cô-ranh, phía trên tiếp giáp giữa đầu cột với mái chùa có tượng thần Krud mình người đầu chim, mỏ ngậm viên ngọc với hai tay đỡ mái chùa…

Du lịch, GO! - Theo Nguoilaodong

Thăm những ngôi chùa Nam bộ
Trước khi tìm tới hang Én, chúng tôi đã lên mạng nhằm tìm thông tin nơi này. Nhưng chúng tôi chỉ tìm được một vài tin vắn trên tạp chí National Geographic đánh giá đây là một trong những hang động kỳ vĩ của thế giới. Lý do trên đã thôi thúc chúng tôi cố gắng đến hang Én nhằm hưởng cảm giác của kẻ chinh phục.

“Vượt thác, băng rừng” đến hang Én 

Buổi sáng, sau khi lễ đền Tám Cô trên đường HCM nhánh tây theo truyền thống tâm linh của người bản địa, chúng tôi đi tiếp đến km 35 và bắt đầu lần theo lối mòn đi vào cánh rừng nguyên   sinh dài ngút mắt.
Hành trình dài 9km chia ra hai chặng rạch ròi: chặng thứ nhất hầu hết là dốc cao, dưới tán cây rừng mọc trên núi đá vôi; chặng hai chủ yếu men theo con suối chảy quanh co bên những cánh rừng thưa hoặc thảm cỏ dại, cây bụi ẩm ướt.
.
< Bên ngôi nhà tranh của người Vân Kiều Bản Đoòng.

Thực ra, cửa rừng đồng thời là đỉnh núi Ba Giàn (Giàn có nghĩa con dốc theo tiếng địa phương) chỉ cách lề đường HCM khoảng 20 m nằm trên độ cao 553 m so với mặt biển.

Do vậy, chặng đầu chúng tôi luôn đi xuống dốc, để rồi lối mòn tiếp tục đưa mọi người men theo nhiều con suối nhỏ trước khi đặt chân tới Bản Đoòng, một ngôi làng của người Vân Kiều giữa bốn bề núi non heo hút như cô lập với thế giới bên ngoài.

< Hành trình đến hang Én hầu hết là lội suối và len lỏi trong rừng già.

Đó là 6 hộ dân từ huyện Quảng Ninh chạy nạn lũ lụt về đây - vùng lõi vườn quốc gia từ 1993. Họ an phận sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác mật ong và làm nương rẫy.

Thế nhưng, tai ương vẫn chưa buông tha, bởi trận lũ lịch sử tháng 10-2010 đã quét sạch toàn bộ nhà cửa cùng 11 con bò là tài sản mà họ tích cóp cả đời người. Riêng dân bản, gồm 27 người, tất cả  phải leo cây mít đầu làng đeo bám suốt 2 ngày mới thoát chết.

< Sau 7 giờ đồng hồ băng rừng vượt suối, mọi người mới tiếp cận cửa hang Én.

Bản Đoòng cũng là khởi điểm của chặng đường toàn thảm cỏ dại đan xen rau tàu bay, chuối rừng, môn dại và cây Nàng Hai - hay còn gọi là lá Han, một loại cây độc mà bất cứ ai vô tình đụng vào nó, lớp lông trên mặt lá sẽ gây ngứa suốt hàng tuần mới khỏi.

Lối mòn càng lúc càng khó đi bởi cây dại phát tán, che khuất, chúng tôi quyết định “hành quân” dưới suối Rào Thương cho thông thoáng. Rào Thương hay còn có tên suối Đoòng, bắt nguồn từ đỉnh núi U Bò và một số khe suối nhỏ trên dãy Trường Sơn.

Và trên đường đi, nó chảy qua nhiều rặng núi đá vôi giữa đại ngàn rồi chui sâu trong hang Én, hang Sơn Đoòng những hang kỳ vỹ nhất thế giới trước khi hòa mình vào sông Chày, chấm dứt vai trò lịch sử của nó.

< Tác giả đứng bên phải.

Một trong những cảm giác khoan khoái nhất là lội suối vì sự mát lạnh của dòng nước dường như xua đi cái nắng oi bức của gió Lào, thêm nữa nó khiến tinh thần chúng tôi thêm phấn chấn và tạm quên đi sự nhức nhối ở đôi chân do leo trèo ban sáng.

Thỉnh thoảng lại phát hiện những dấu chân thú trên bờ cát cùng vô số đàn bướm đủ sắc màu bay rập rờn ven bờ gợi nhớ cái câu “nước khe cạn bướm bay trên lèn đá” trong ca khúc Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây. Từ đây đến hang Én còn 3,5 km theo lời anh kiểm lâm dẫn đường.

Gần chiều, lội qua hết góc khuất vì đám chuối rừng, bất ngờ thấy cửa hang Én đã trước mặt, một cảm xúc lạ lùng liên tiếp dâng trào. Cửa hang nhìn ra hướng đông nam có bề rộng gần 100m. Sau lớp cửa dưới ánh đèn rọi đeo trên đầu của chúng tôi, là bãi đá sõi rộng mênh mông.

Ngắm én và thưởng thức cá lạ

< Dòng suối Rào Thương, chảy vào  khoang thứ 1 – hang Én dưới ánh sáng của giếng trời.

Lòng hang bỗng mở ra ba động nước khổng lồ được chia cắt bằng những đồi dốc đầy cát mịn và đá tảng xếp chồng chất lên nhau chiếm hết phân nửa chiều cao của hang.

Ở trên ấy còn hiện diện một cây to nguyên gốc chắn ngang như chứng tỏ vào mùa nước lũ, dòng Rào Thương ngập tràn lòng hang và để lại nhiều thứ khi nước đã rút đi.

Nét độc đáo riêng của hang Én là lẫn trong sắc màu dòng sông xanh ngăn ngắt, ánh sáng chiếu rọi từ những giếng trời trên trần hang làm cảnh vật càng thêm lung linh, huyền ảo.

< Để đi xuyên suốt  hang Én nhiều đoạn phải lội trong làn nước  mát lạnh.

Trên trần, trong những hốc đá, thạch nhũ muôn hình vạn trạng là tổ của hàng vạn con én và dơi, đó cũng là nguyên nhân hang mang tên Én.

Theo anh Thành Huế - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tỉnh Quảng Bình, hang Én từng là nơi người dân tộc Arem chọn làm nơi sinh sống từ trăm năm về trước, họ có biệt tài leo trèo chẳng khác loài vượn, loài voọc chuyền cành trên cây, trong mùa én làm tổ họ thường  trèo  lên vách đá, trần hang để bắt én non làm thực phẩm.

< Ở trên đồi đá cách nền hàng hơn 50m,  hiện diện   một cây to nguyên gốc chắn ngang  như chứng tỏ vào mùa nước lũ, dòng Rào Thương ngập tràn lòng hang và để lại nhiều thứ khi nước đã rút đi.

Hiện nay người Arem đã chuyển về đường 20 sinh sống nhưng hàng năm vào ngày 15 tháng 5 âm lịch họ đều kéo về hang Én, tổ chức hội ăn én qua hình thức cúng bái thần rừng và đi lượm én con vì yếu sức không thể bay cao nên  rơi xuống đất”.

Kỳ thực, lúc này chưa tới ngày hội ăn én nhưng chúng tôi vẫn thấy không ít chim én mới ra ràng nằm thiêm thiếp trên nền hang, chợt nghe động, theo bản năng chúng gắng sức vổ cánh bay song được vài ba mét lại sa xuống đất, trông rất đáng thương.

< Cửa hang hướng Tây bắc, nhìn ra cánh rừng nguyên sinh và trần hang là nơi hàng vạn chim én làm tổ. 
Đây cũng là hướng đi động Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới cách 2 km.


Hang Én có tổng chiều dài 1.645 mét xuyên suốt cả một quả núi và trổ 3 cửa động, 1 nằm lưng chừng núi và 2 ở chân núi hướng đông nam, tây bắc theo dòng chảy suối Rào Thương là đặc điểm hiếm thấy so với những hang động nổi tiếng ở Việt Nam mà chúng tôi đã từng đặt chân đến.

Hơn thế nữa, từ trong hang nhìn ra cửa phía tây bắc với vòm hang cao hơn 80m thấy cảnh vật bao la sinh động, những đàn én chao lượn trên trần hang, bãi cát rộng rãi, cả những cánh rừng nguyên sinh xanh mát...
Đây cũng nơi mà nhiếp ảnh gia Carsten Peter chọn làm chủ đề để bấm máy nhằm cho ra đời tác phẩm động hang Én, đã được  tạp chí National Geographic bình chọn là một trong những bức ảnh thiên nhiên đẹp nhất tháng 3.


< Nướng cá bên đống lửa.

Đêm về, mấy anh em Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng rủ rê chúng tôi tỏa đi các nơi giăng lưới. Thì ra con suối Rào Thương có rất nhiều loại cá mang cái tên khá lạ lẫm: cá mát, cá cồ, trầu đá... riêng cá leo được xem là loại “quý tộc” vì thịt thơm, ít xương... phải bỏ công giăng lưới trong hang mới hy vọng bắt được nó.

Sau một giờ thả lưới chúng tôi thu hoạch được 2 nồi cá, mà chú nào kích cỡ cũng bằng phân nửa cổ tay, đủ để xiên cây nướng ăn ngay tại chỗ, chưa kể một số dành nấu cháo điểm tâm sáng mai.

Và giấc ngủ đến thật dịu dàng trong âm thanh rì rào, êm dịu của làn gió mát lạnh lùa vào hang như lời thì thầm của rừng, của núi...

Du lịch, GO! - Theo Nguoilaodong
Đám cưới của đồng bào K’ho, xã La Ngâu, huyện Tánh Linh bây giờ không khác gì đám cưới của người Kinh. Cũng áo xống, váy dài váy ngắn, nhạc đệm ì xèo. Tuy vậy, theo nhiều người già kể lại, đồng bào vẫn giữ một số tập tục riêng trong hôn nhân. Một chút tò mò, chúng tôi đi tìm tập tục riêng đó, chẳng hạn như đêm động phòng...

Ngồi nói chuyện với Bờ Đam Thị Hôm và anh Roòng Đêm ở buôn Tà Pạt, xã La Ngâu trong một buổi chiều trời mưa. Đúng là dạo này đang vào giữa mùa mưa, mưa ở vùng cao có khi kéo dài nhiều ngày, lướt thướt hơn miền xuôi rất nhiều. Tôi đặt vấn đề  tìm hiểu  tập tục cưới hỏi của đồng bào K’ho, vợ chồng chị Hôm nói là sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi mà tôi đưa ra.

Năm 1977, Bờ Đam Thị Hôm 13 tuổi, thấy con gái đã lớn, cha mẹ làm cho một phòng riêng. Hàng ngày theo cha mẹ lên rẫy, Hôm thường hay gặp và nói chuyện với Roòng Đêm, là một thanh niên hơn mình 5 tuổi, mạnh khỏe, siêng năng, nói chuyện cũng vui vui, Hôm thấy có cảm tình.
.
Năm 1979, trong một buổi tối Roòng Đêm tới nhà chơi, Hôm nói Đêm ngủ lại cho vui. Đó chính là đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ.

Đêm đó Hôm mặc váy, trên ngực khoác tấm chăn. Hai người nằm tâm sự, họ nói với nhau nhiều chuyện nhưng chung quy chỉ là những lời tràn ngập tình yêu trai trẻ.
Mặc dù trong bụng rất ưng đụng vào người của Đêm, nhưng Hôm không dám do “sợ người ta đánh giá” - Bờ Đam Thị Hôm nói với tôi như vậy.

Đêm đó, hai người đã thực hiện chức năng giữ gìn nòi giống của loài người như mọi dân tộc khác. Hôm ngủ dậy trước Đêm và không quên lấy đôi dép của Đêm cất vào trong chiếc rương của mình.

Sáng hôm sau, khi Đêm đã về nhà của mình, Hôm lấy đôi dép đưa cho cha mẹ của mình xem, sau đó đưa đến cho người cậu ruột để thông báo vật chứng của việc anh Đêm là người con trai đã ngủ với mình.

Người cậu cầm vật chứng đến nói với  người nhà của Đêm. Nhìn đôi dép, mọi người đều công nhận đó là  của Đêm. Cha, mẹ và cậu của Đêm đồng ý cho Hôm bắt Đêm về làm chồng, nhưng muốn bắt thì phải nộp lễ vật gồm: một con heo 2 đòn khiêng (4 người khiêng), hai ché rượu cần, 25 lá khăn, hai con gà trống.

Năm 1979 là năm mà cả nước đều đói kém, nhà của Hôm cũng khổ như mọi gia đình khác. Dù rất thương cháu gái của mình, nhưng đời sống quá khó khăn, nên người cậu đến nói với nhà trai xin làm lễ “ bắt” thằng Đêm về làm chồng con Hôm nhưng xin làm lễ nhỏ để đãi bà con họ hàng gồm một con heo nhỏ hai tay (vòng hai bàn tay phía sau chân trước con heo) và một con gà trống.

Vợ chồng Hôm và Đêm sống với nhau đến năm 1986, lúc đó đã có năm đứa con, hai người mới tổ chức đám cưới với số lễ vật đúng như đã hứa với nhà trai. Chi phí đám cưới đều do hai vợ chồng làm mà có.

Thực ra, trước đó theo tập tục,  con gái K’ho muốn bắt con trai về làm chồng, phải đến nhà trai ở  một thời gian theo thỏa thuận, có thể ba năm, năm năm hoặc mười năm.

Trong thời gian đó, hai người không được ngủ với nhau. Nếu tự ý ngủ sẽ bị buôn làng  phạt rất nặng. Hết thời gian ở nhà trai, cô gái được quyền ngủ với người con trai ở phòng riêng của mình, rồi thông báo bắt chồng và phải nạp lễ vật theo đúng yêu cầu của nhà trai. Nếu không có đủ lễ vật cũng được quyền bắt nhưng “ xin nợ” đến khi có đủ mới nộp cho bà con nhà trai.

Không hiểu tập tục người con gái phải lấy vật chứng  của người con trai trong đêm đầu tiên làm vợ, làm chồng có từ bao giờ, nhưng đến nay bà con dân tộc K’ho ở xã La Ngâu vẫn giữ. Vật chứng là những đồ dùng hàng ngày của người con trai như: nhẫn, đồng hồ, cái áo, đôi dép…

Hình như  những thế hệ trước đây dù không đuợc đi xa, khỏi cái làng mé núi, nhưng họ cũng hiểu được tính pháp lý trong việc sử dụng vật chứng.

Theo một số người lớn tuổi kể lại, đã từng xảy ra trường hợp anh con trai “xù” bằng cách chối bay, chối biến việc đã ngủ với cô gái khi cô gái quên lấy bằng chứng. Còn nếu người con trai công nhận đã ngủ với cô gái nhưng không chịu cho bắt, sẽ bị buôn làng phạt rất nặng (thường là trâu, heo, rượu cần). Nếu không chịu nộp phạt sẽ khó sống yên với buôn làng.

Anh Phạm Đình Sang, người Kinh, sinh năm 1955 quê ở tận Cần Thơ ra làm rẫy rồi quen và được chị Lê Thị Hơn – dân tộc K’ho ở buôn Tà Lốp, xã La Ngâu bắt về làm chồng.

Anh chị đã có với nhau ba đứa con gái. Dù là người Kinh nhưng anh Sang vẫn phải sống theo đúng tập tục của quê vợ. Con gái anh chị là Lê Thị Phới, sinh năm 1992, Phới bắt chồng năm 2007, đến nay đã sinh được một đứa con gái.

Phới thật thà kể với tôi: “ Sau đêm ngủ chung, cháu lấy của chồng cháu một cái đồng hồ. Khi cháu đưa cái đồng hồ cho bà con của anh coi, ai cũng biết của anh ngay. Khỏi chối cãi gì hết”. Phới nói xong, cả hai vợ chồng ôm nhau cười nghiêng ngã. Tôi cũng góp thêm vài câu đùa giỡn cho câu chuyện thêm vui.

Theo tôi được biết, hầu như bà con dân tộc K’ho ở xã La Ngâu chưa bao giờ biết hoặc nghĩ tới chuyện ly hôn. Cho dù cuộc sống ở vùng cao đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại và vẫn còn vất vả  nhiều. Nhưng tất cả những điều đó không làm thay đổi lòng chung thủy vợ chồng của bà con dân tộc K’ho nơi đây. Đó cũng là điều đáng mừng do họ biết sống và tuân thủ  luật tục tốt đẹp, lâu đời của dân tộc mình.

Du lịch, GO! - Theo Bình Thuận Online, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống