Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 2 August 2011

Cá lóc nướng cuốn lá sen non là một món ngon hình như chỉ ở vùng Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười. Chung quy những nơi có sen thì có món này... bởi lá sen non tươi, vừa hái cuốn cá lóc rồi nướng lên mới chất lượng. 

Vào mùa nước nổi, cá càng nhiều. Ăn cá lóc nướng phải tìm được cá đồng. Trọng lượng cá khoảng 800g - 1kg thì vừa ăn, bởi thịt cá ở độ ngon nhất trong quá trình phát triển.

Đến Đồng Tháp hay Cao Lãnh hầu như chỗ nào cũng có món cá nóng nướng trui hoặc nướng rơm. Nhưng dù nướng kiểu nào, cá cũng được nướng nguyên con, giữ lại bộ đồ lòng. Cá nướng xong được bổ đôi dọc sống lưng và rưới lên hành lá trụng qua dầu sôi cùng một ít đậu phộng...
Nước chấm được chế biến từ nước mắm cá linh và me chín dốt, nêm thêm ít gia vị, tỏi, ớt sao cho có vị mằn mặn, thơm lừng của nước mắm gốc, vị chua của me, vị ngọt của đường, cay của ớt.
.
Tuy nhiên, phụ nữ địa phương đã chế biến cá lóc xứ mình thành món ăn đặc biệt là cá lóc cuốn lá sen non. Lá sen non được xem là loại rau sạch, trồng ở môi trường nước không bị ô nhiễm. Đó là lá sen vừa nhô lên mặt nước, hai mép lá cuốn tròn vào giữa tươi roi rói.. Vẫn là dĩa cá lóc nướng trui, dĩa rau sống, chuối chát, khế chua nhưng món này có lá sen non đặt vòng quanh con cá. Lá sen non có vị nhẫn ăn cùng với miếng cá lóc nướng chấm vào nước mắm me, có vị khác lạ, ngon miệng. Ăn vào một miếng, thực khách đã có cảm giác thèm ăn tiếp ngay miếng khác.

Chế biến không khó: Cá lóc bắt từ các ao, đầm, lạch, mỗi con chỉ nặng khoảng hơn nửa kg, mình roi roi chứ không mập mạp lớn con như cá nuôi ở thành phố. Tuy vậy, thịt cá chắc nịch, ngọt và ít xương.

Cá bắt lên còn tươi, làm sạch nhớt rồi nướng trui bằng lửa rơm mới sao cho cá chín vừa mà không bị khét, lớp da bên ngoài còn nguyên để bọc lấy thịt cá trắng tươi thơm nức ở bên trong. Khi cá chín tới thì xẻ cá làm đôi, rắc lên ít hạt đậu phộng rang giòn rồi rưới thêm chút hành mỡ lên mặt lớp thịt trắng vừa bóc ra, làm tăng độ thơm của thịt cá, rồi dọn ra ăn nóng.

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen”, Đồng Tháp vốn nổi tiếng là vùng đất trồng nhiều sen, nên tìm những chiếc lá sen non ở đây không khó.

Sen vốn là loại cây đa năng, bởi từ thân, củ rễ, hoa, nhụy, đài… đều có thể biến thành những món ngon. Lá sen lâu nay đa phần chỉ dùng để gói thức ăn nhờ có vị thơm và không độc, lại giúp an thần, nhưng khi chế biến món ăn bằng lá non cũng lạ miệng không kém. Lá sen non còn ngậm sương, cuốn chặt lại, tươi roi rói, được cắt khéo léo sát vào cuốn lá, rửa sơ cho bay lớp bụi bẩn bên ngoài là có thể ăn ngay.

Nước chấm là khâu quan trọng nhất, quyết định sự ngon miệng và đậm đà của món ăn. Nước mắm ngon pha với đường, tỏi, ớt và me, sao cho vừa ăn, thơm ngon, đậm đặc nhưng không quá mặn, có thể chấm ngập cuốn cá mà vẫn vừa miệng.

Cá nướng chín thịt thoảng thơm, xẻ làm đôi, rắc lên ít đậu phộng rang giòn và chút béo hành mỡ. Dùng một lá sen non, tách cánh lá ra, đặt vào đó một ít rau diếp cá, rau húng cay, một lát dưa chuột, khế chua, một vài cọng giá trắng, ít bún tươi rồi gắp một gắp thịt cá trắng tươi thơm nức đặt vào, cuốn gọn lại, chấm vào bát nước mắm me sóng sánh, thưởng thức đến đâu là biết đến đó. Sự tổng hòa các vị mặn, ngọt, chua, cay và chát nhẹ, tạo nên sức hút tinh tế trong ẩm thực đất phương Nam.

Cuốn lá sen non lạ mà ngon, giờ đã trở nên hương sắc ẩm thực, xuất hiện nhiều hơn ở các nhà hàng thành thị. Nhưng món ngon chỉ rộ vào mùa hạ – mùa sen. Còn lại, những thực khách lỡ tương tư món ngon vùng sông nước đành phải đặt hàng trước hay phải làm một chuyến ngao du về quê mới thưởng hết được cái “hồn” của món ăn này.
Vậy bao giờ có dịp đến với Đồng Tháp, bạn đừng quên thưởng thức món ăn đặc trưng và đậm đà hương vị dân dã này nhé!

Du kịch, GO! - Tổng hợp, ảnh sưu tầm
Sau những lúc mệt nhọc với sự chật chội của thành phố, bạn có thể giải toả sự căng thẳng bằng một cuộc khám phá Khánh Sơn – một huyện của người dân tộc Raglai.

Theo con đường tỉnh lộ 9 bắt đầu từ ngã ba Ba Ngòi hay còn được gọi là ngã ba Đồng Lác đến với Khánh Sơn phải trải qua đoạn đường dài 40km với những khúc khuỷu của núi đồi.

Hai bên đường là bạt ngàn đồng lúa xanh mơn mởn, hàng tre xanh thẳm, những rặng núi nhấp nhô ẩn hiện xa xa tạo cho chúng ta cảm giác thích thú được chinh phục. Ngay từ đỉnh đèo, chúng ta sẽ bao quát được hết vịnh Cam Ranh, tận hưởng khung cảnh thanh bình, yên ả của một vùng rừng núi chập chùng. Con đường tỉnh lộ nằm xuyên qua rừng xanh bạt ngàn, như đưa chúng ta đến với một thế giới cách xa với sự náo nhiệt chốn đô thị. Khi qua khỏi đỉnh đèo, hai bên đường là những ngôi nhà nhỏ xíu của cư dân Raglai.

Có những căn hộ chơ vơ một mình lại có khu họ quần cư lại thành một chỗ, nơi có con suối nhỏ chảy ngang qua. Hiện nay, họ không còn sinh sống trong những ngôi nhà sàn nhỏ của mình nữa, mà cư trú trong những ngôi nhà xi măng vững chắc do Nhà nước cho xây dựng để khuyến khích việc định canh định cư.

Người Raglai hiện nay không còn giữ được những nét riêng truyền thống của mình, có lẽ một phần do nơi cư trú của họ quá gần người Kinh. Bởi thế, sự giao thoa văn hoá làm cho họ mất đi bản sắc. Chỉ có thể nhận diện được họ qua làn da và chiếc gùi mang sau lưng. Dầu vậy, tại xã Ba Cụm Bắc còn lưu giữ được ngôi nhà sàn truyền thống của người Raglai, ngôi nhà có gần một trăm năm tuổi. Sườn nhà là những thân cây to, vững chắc. Mái nhà được làm bằng tranh. Vách, sàn nhà được lát bằng những thân cây tre đập dẹp. Ngày nay, với công cuộc giữ gìn bản sắc dân tộc, huyện Khánh Sơn đã cho xây dựng khoảng chín ngôi nhà dài truyền thống của người Raglai.

Khi gần đến thị trấn Tô Hạp, huyện lỵ của Khánh Sơn, chúng ta sẽ cảm nhận được sự hiền hoà của một vùng quê chưa bị đô thị hoá, chưa bị những thói xấu của cuộc sống hiện đại làm cho biến dạng. Đâu đó bên sông Tô Hạp hay những con suối vẫn còn hình bóng những đứa trẻ nô đùa, thả mình trong dòng sông xanh mát, hình dáng của chị, của mẹ đang giặt quần áo.

Và dễ dàng nhận thấy nhất mà cũng làm cho chúng ta, những đứa con của đồng bằng thích thú có lẽ là những chiếc cầu treo bắc ngang qua con sông Tô Hạp, với đồng bào miền núi thì chiếc cầu treo nó thân thuộc như những cây cầu khỉ ở miền Tây sông nước vậy.

Từ thị trấn Tô Hạp của huyện Khánh Sơn, chỉ cần đi khoảng  8km có thể đến được với thác Tà Gụ, một địa điểm thắng cảnh khá nổi tiếng. Tại đây, thác nước đã tạo ra một cảnh quan hài hoà giữa non và nước. Những chiếc hồ với làn nước trong leo lẻo, cây cối um tùm, tiếng chim kêu sẽ làm cho chúng ta quên đi hết mọi phiền muộn, âu lo trong lòng. Chúng ta đắm mình trong dòng nước xanh, lặng nghe tiếng suối róc rách.

Chỉ cần bỏ khoảng 12 tiếng đồng hồ là chúng ta có thể khám phá hết Khánh Sơn, nơi mà du lịch chưa phát triển, chính quyền ở đây chưa đủ tài lực, tài chính để đầu tư cũng như kêu gọi để phát triển du lịch. Và biết đâu, cũng vì những điều này mà Khánh Sơn còn giữ cho mình được những nét hoang sơ chưa bị khai phá, chưa bị bàn tay con người làm cho biến dạng cả một vùng thiên nhiên hoang sơ và huyền bí.

Du lịch, GO! - Theo TCDL, ảnh sưu tầm

Du lịch Khánh Sơn (Khánh Hòa): Tiềm năng cần đánh thức

Khánh Sơn (Khánh Hòa) có điều kiện khí hậu được ví như “Đà Lạt thứ hai”, cùng với đó là nền văn hóa bản địa hấp dẫn, những danh thắng tự nhiên độc đáo, di tích lịch sử ý nghĩa… Tất cả những lợi thế trên khiến người ta nghĩ đến việc triển khai nền “công nghiệp không khói” ở huyện miền núi này. Tiềm năng du lịch ở Khánh Sơn nếu được đánh thức đúng hướng thì việc hình thành một nền kinh tế du lịch nơi đây không phải là điều quá xa xôi.

Trong nhiều lần trò chuyện với các đồng chí lãnh đạo huyện Khánh Sơn, điều trăn trở của các anh chính là làm thế nào để khơi dậy tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện. “Làm du lịch ở Khánh Sơn - điều tưởng như xa vời nhưng lại rất thực tế. Cùng với việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh thì việc khơi dậy tiềm năng du lịch chính là điều chúng tôi đang hướng tới”, ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ. Với đặc thù của một huyện miền núi nằm tách biệt với đồng bằng, giao thông đi lại khó khăn, đời sống cũng như trình độ dân trí còn thấp chính là rào cản trên con đường Khánh Sơn hướng tới nền kinh tế du lịch. Tuy nhiên, không vì thế mà Khánh Sơn “nhụt chí” bởi với những tiềm năng đầy mới lạ, hấp dẫn cho du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch khám phá… sẽ có một ngày những tiềm năng ấy sẽ thức giấc.

Từ TP. Cam Ranh, du khách ngược Tỉnh lộ 9 lên huyện Khánh Sơn. Sau khoảng hơn 30km, đặt chân đến đỉnh đèo, chúng ta đã cảm nhận thấy sự khác biệt của khí hậu nơi đây. Một bầu không khí mát lành, với sương mù vờn quanh đỉnh núi đẹp như một bức tranh thủy mặc. Trên đường đến thị trấn Tô Hạp, chúng ta dễ dàng bắt gặp những ruộng lúa nước, những thửa nếp rẫy với hạt đen như than mà đồng bào nơi đây gọi là “nếp quạ”, những nương bắp, những “rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”…

Hai bên đường là những căn nhà nhỏ của đồng bào dân tộc Raglai với lối sinh hoạt giản dị, mộc mạc. Những em bé Raglai nước da ngăm đen, ánh mắt xoe tròn hồn nhiên được các bà mẹ địu trên lưng; những thiếu nữ Raglai với chiếc gùi trên lưng mải miết trỉa bắp, cắt lúa; những người già vô tư lự thả hồn mình theo khói thuốc lá như tìm về một miền ký ức xa xăm. Khám phá du lịch ở Khánh Sơn, địa điểm đầu tiên được nhiều người hướng tới chính là danh thắng thác Tà Gụ ở xã Sơn Hiệp.

Thác Tà Gụ còn có tên gọi là Thác Ngà Voi Đá Đứng bởi nó có hình dáng giống như chiếc ngà voi khổng lồ. Thác cao khoảng 40m, gắn liền với truyền thuyết dân gian đặc sắc của dân tộc Raglai. Ngọn thác đứng cắt dọc rừng xanh ngắt, thoai thoải uốn lượn, mài mòn từng phiến đá chênh vênh. Xung quanh khu vực thác Tà Gụ là cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng các loài động thực vật.

Đến thưởng lãm thác Tà Gụ, du khách còn có thể trải nghiệm để khám phá cuộc sống của người Raglai nơi đây. Những ruộng mía tím, những trang trại cây ăn trái với sầu riêng đã được công nhận thương hiệu độc quyền, măng cụt, chôm chôm, vú sữa… có hương vị độc đáo chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách. Thưởng thức một bữa ăn dân dã bên thác với cơm lam, thịt gà nấu trong ống lồ ô sẽ là một điều rất lý thú với nhiều người.

Đến với Khánh Sơn không chỉ có thác Tà Gụ mà còn có nhiều địa điểm hấp dẫn khác như thác Dốc Quy, di chỉ khảo cổ học Dốc Gạo, căn cứ địa cách mạng Tô Hạp…; đặc biệt là nền văn hóa Raglai đậm đà bản sắc. Đêm đêm, trong những ngôi nhà dài, bên ánh lửa bập bùng, trong hơi men rượu Tapai, người già kể sử thi Akhà Duka cho con cháu nghe. Nam thanh nữ tú cùng nắm tay nhau đung đưa trong âm thanh mã la vang vọng tưởng như không bao giờ dứt. Khúc hát A Lâu thiết tha, trữ tình xua tan đi cái mệt mỏi, vất vả của một ngày lao động cực nhọc trên rẫy.

Tiềm năng du lịch ở Khánh Sơn đã rõ, nhưng đầu tư như thế nào để những tiềm năng đó phát huy hết giá trị là một bài toán khó đối với địa phương. Trước hết, huyện cần hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 9 để việc đi lại được thuận tiện. Tiếp đó, sớm xây dựng và ban hành Đề án phát triển du lịch - lễ hội trên địa bàn huyện, trong đó nêu rõ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như thế nào? những sản phẩm du lịch cụ thể Khánh Sơn cung cấp đến du khách là gì? giải pháp thu hút và lưu giữ du khách khi đến với Khánh Sơn…

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng địa phương, từ đó kêu gọi, thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Mới đây, có thông tin một doanh nghiệp lớn đã nhìn thấy tiềm năng du lịch ở Khánh Sơn và quyết tâm cùng với huyện sẽ đầu tư khai thác những thế mạnh này. Đây thực sự là tín hiệu vui đối với người dân Khánh Sơn cũng như với những ai yêu mến mảnh đất này.

Với một cái nhìn mang tính chiến lược, cùng những bước đi đúng hướng, trong một tương lai không xa, Khánh Sơn có thể trở thành điểm dừng lý tưởng trên hành trình du lịch ở vùng Tây Nam Khánh Hòa.

Du lịch, GO! - Theo báo Khánh Hòa, ảnh internet

Monday, 1 August 2011

Từ TP Rạch Giá (Kiên Giang) theo quốc lộ 80 về Hà Tiên chừng 30 cây số, tới thị trấn Hòn Đất, nhìn bên trái có cột cây số đề: “Mộ chị Sứ, 13km”. Ừ nhỉ, sao không thử một lần trở về mảnh đất gắn liền với những cái tên vốn thân thiết với mọi người qua tác phẩm của nhà văn Anh Đức? 
Đường đi trải nhựa phẳng lì, hai bên cây xanh rợp mát, ruộng lúa tốt tươi. Tới xã Thổ Sơn là gặp mộ chị Sứ. Mộ nằm dưới chân núi Hòn Đất, trong khuôn viên khu di tích lịch sử Hòn Đất rộng hơn 2ha.

Nhớ chị Sứ

Phía trước mộ chị Sứ là cái hồ trồng bông súng lớn vốn là một hố bom. Từ mộ đi theo mé trái là tới suối Lươn, gần hang Ông Cọp. Vườn xoài rợp mát suốt con đường. Nơi chị Sứ hi sinh là khu vực vườn xoài này, cách ngôi mộ vài trăm mét.
.
Đêm trước khi bị bắt chị đang ở Hòn Me. Nghe địch đánh vô Hòn Đất, chị lật đật băng đồng về tiếp sức anh em. Vừa qua khỏi suối Lươn thì bị bắt. Chúng treo chị lên cây xoài đánh đập dã man bằng báng súng rồi nhổ cọc hàng rào tre đâm chị tới chết.

Phía sau mộ chị Sứ là bậc thang cao lên sườn đồi, có bức phù điêu lớn bằng đá hoa cương, trên khắc tên 960 liệt sĩ cùng tượng đài chiến thắng của quân dân Hòn Đất. Đây là nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt thời chống Mỹ. Những hang hốc nằm rải rác trên sườn núi là nơi anh em du kích rút vào cố thủ.

Hang Hòn kỳ bí

Từ chân núi, leo lên bậc thang cỡ chừng... mười tầng lầu là tới hang Quân Y. Muốn vô hang phải len theo từng ngách nhỏ ngoằn ngoèo, đầu cúi, lưng khom. Trong hang tối om, giơ bàn tay không thấy, hơi lạnh toát ra như vô phòng máy lạnh. Trong hang có nhiều phiến đá bằng phẳng, được bố trí làm giường nằm cho thương binh. Góc hang có hồ nước nhỏ xây vuông vức. Anh Trần Văn Hiền, trưởng ban quản lý khu di tích Hòn Đất, nói các mạch nước len theo vách đá tụ lại chỗ này, anh em du kích xây hồ chứa trữ lại để dùng.

Cái hay của hang là các “phòng” thông nhau bằng những lối đi hẹp. Lỡ có phòng nào bị đánh thì phòng kia vẫn an toàn. Đặc biệt, trên đỉnh hang có những lỗ thông gió tự nhiên, khói hun vô đều theo đó thoát ra hết. Bởi thế trong thực tế địch chưa bao giờ léng phéng được tới miệng hang, vì mới lò dò lên triền núi đã bị bắn tỉa “rụng nụ”. Còn chuyện xông khói vô hang nhằm làm ngộp anh em là không thể, cho nên trong Hòn Đất có cảnh địch bị khói hất ngược trở lại cũng rất đúng.

Bây giờ trong hang đã làm các bậc thang có tay vịn để du khách có lối đi tham quan. Quanh quẩn trong hang, luồn qua những ngõ ngách chật hẹp, sống lại cảm giác chiến đấu ngày xưa của bộ đội, du kích thật hào hứng. Lâm Bảo Toàn, một học sinh ở TP.HCM, nhận xét: “Em biết Hòn Đất qua phim và sách vở. Nay được vô tận hang Hòn, được tới mộ chị Sứ thật là thú vị”.

Ngoài hang Quân Y, Hòn Đất còn có nhiều hang hấp dẫn và kỳ bí. Hàm Ếch, Ông Cọp, Ô Sâu, Cà Rem, Sáu Thiều, Sân Tiên... mỗi hang là nơi đóng quân của công trường, huyện ủy, huyện đội... Bà Lê Thị Giang, trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòn Đất, kể ngày xưa chị Sứ cùng đi khảo sát các hòn mất bốn ngày mà chưa giáp. Chính chị đã cùng các anh lãnh đạo bố trí các hang Ô Sâu dùng cho quân y và đặt bàn máy may quân trang, Sân Tiên và Ông Cọp là chỗ của du kích xã Thổ Sơn... Các hang đều gần suối nước, tiện đường đi và liên thông nhau.

Trở lại Hòn Đất sau hơn 40 năm, khách sẽ gặp lại bà Cà Mỵ. Nhà bà nằm dưới chân núi Hòn Đất, cách mộ chị Sứ chừng 1km. Hồi đó nhà bà cũng ở ngay đây. Khi giặc bao vây hang Hòn, chính bà đã đem cơm để ở chuồng heo sau hè, giả tiếng heo kêu “ột ột” báo anh em tới lấy. Bà nay đã 89 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, cứ phân bua mình không phải em ruột thằng Xăm ác ôn, cũng không phải con gái bà Cà Sợi nghiện rượu như trong tiểu thuyết.

Tiềm năng du lịch

Đường vô Hòn Đất bây giờ đẹp như tranh vẽ. Qua khỏi Hòn Sóc là cánh đồng lúa vàng mơ chạy dài bất tận. Một ngôi trường cấp III khang trang mang tên Phan Thị Ràng nằm sát mé đường. Sau khi thăm mộ chị Sứ, khách có thể lên núi thăm các hang động rồi ngược ra, leo đèo 3 cây số lên đỉnh Hòn Me. Từ đỉnh Hòn Me có thể nhìn thấy toàn cảnh đồng ruộng Hòn Đất từ phía đông, quay ra sau lưng là biển Tây dập dềnh sóng nước. Bà Phạm Thị Hồng Gái, phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòn Đất, cho biết huyện đang quy hoạch vùng trọng điểm du lịch và đang kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến cáp treo từ đỉnh Hòn Me qua Hòn Đất dài gần 2km, cao 300m.

< Từ đỉnh Hòn Me nhìn về phía thị trấn Hòn đất. Ngọn núi nhỏ phía trước chia đôi quãng đường từ thị trấn vào khu di tích.

Tại đỉnh Hòn Me, hằng ngày có gần 300 du khách tham quan tháp ăngten truyền hình cao ngất của Trung tâm Phát sóng truyền hình quốc gia. Nhờ nó mà dân vùng sâu nơi đây có thể coi truyền hình VTV đã con mắt.

Từ chân núi Hòn Me theo hướng biển Tây chừng 3km là tới Hòn Quéo. Chùa Kỳ Viên ở lưng chừng núi tấp nập khách hành hương. Ở mé biển, từng nhóm bạn trẻ đang khoái chí tụ tập câu cá ngát. Biển còn hoang sơ, nước trong veo nhìn tới đáy, cá tôm còn nhiều và dạn dĩ. Thả câu một giờ có thể dính 2-3kg cá ngát. Trên triền đá đã có sẵn dãy nhà lá gió mát lồng lộng. Ngồi đây vừa ngắm biển, vừa thưởng thức cá ngát tươi rói do chính mình câu là một thú vui hiếm có.

< Chứng tích chiến tranh. Phía sau là đỉnh Hòn Đất.

Anh Hiền cho biết mùa lễ tết hoặc rằm âm lịch, khách hành hương đi chùa có ngày lên tới cả ngàn người. Cả ba hòn đều có đặc điểm riêng thu hút khách du lịch. Nếu tổ chức thành những cụm du lịch liên hoàn tìm hiểu truyền thống, di tích lịch sử, tâm linh, tắm biển, câu cá thì rất có tiềm năng. Bờ biển êm đềm gió mát sẽ hình thành những khu nhà nghỉ yên tĩnh níu chân khách ở lại.

Ông Nguyễn Ngọc Quyết, phó chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, cho biết tỉnh đã có chủ trương đầu tư mạnh vào vùng Ba Hòn. Với lợi thế về truyền thống, cảnh đẹp, biển hoang sơ, huyện đã kêu gọi đầu tư các dự án cáp treo, khu bảo tồn gấu, nhà nghỉ dưỡng, gắn kết khu di tích mộ chị Sứ, các hang Hòn tạo thành tour du lịch khép kín hi vọng sẽ tạo cảm giác kỳ thú cho du khách.

Du lịch, GO! - Theo TTO

Các địa điểm du lịch ở Hòn Đất.

Hòn Đất là huyện có diên tích tự nhiên lớn nhất của tỉnh Kiên Giang, huyện lỵ là thị trấn Hòn Đất. Hòn Đất là huyện thị thứ ba của tỉnh Kiên Giang kể từ Biên giới Việt Nam - Campuchia (thứ tự lần lượt là thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Hòn Đất). Phía tây nam giáp vịnh Thái Lan, phía tây bắc giáp huyện Kiên Lương), phía đông nam giáp thành phố Rạch Giá, phía đông giáp huyện huyện Tân Hiệp, đông bắc giáp huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang). Trên địa bàn huyện có một ngọn núi cùng tên là Hòn Đất cao 260m.

- Chùa Sóc Xoài: nằm trên quốc lộ 80, đường từ Hòn Đất đi Rạch Giá. Đây là một ngôi chùa Khmer được khởi công xây dựng năm 1885.

- Xóm lò Đầu Doi: thuộc ấp Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, là nơi có nghề truyền thống nặn lò đất trên 100 năm, chuyên sản xuất một số loại sản phẩm gia dụng bằng đất nung như: khuôn bánh, nồi, ống khói lò...

- Khu du lịch Ba Hòn

- Tháp truyền hình Hòn Me: ở xã Thổ Sơn, là tháp tiếp sóng truyền hình VTV được đặt trên đỉnh Hòn Me, cao nhất vùng đồng bằng Sông Cửu Long, phủ sóng cho vùng vịnh Thái Lan. Đứng trên đỉnh tháp du khách sẽ được ngắm nhìn trời biển bao la với đảo xa thấp thoáng, một bên là đồng ruộng với những con kinh đào thẳng tấp.

- Khu di tích Hòn Đất

- Suối Lươn: ở xã Thổ Sơn, là một hốc đá lớn ở lưng chừng Hòn Đất, nước ngầm từ lòng đất trào lên đầy ấp và trong lành quanh năm. Theo người dân địa phương có một con lươn trắng rất lớn sống trong suối thường nổi lên mặt nước. Người sống quanh vùng thường đến lấy nước về uống vì cho rằng nước suối có thể ngăn ngừa bệnh tật.

- Chùa Hòn Quéo: tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ nằm gần hòn Me, nửa trên cạn, nửa dưới biển. Đây một ngôi miếu nhỏ do người dân địa phương dựng để thờ Thủy long Thánh mẫu, đến năm 1938 được hoà thượng Nguyễn Văn Đồng xây dựng lại thành một ngôi chùa để làm cơ sở cách mạng. Chùa là một điểm du lịch thu hút nhiều khách đến tham quan.

Trích Vietgle

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống