Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 2 August 2011

Bám trên vách đá, lẫn trong những khối đất đang hóa thạch dở dang là những khúc xương ống to lớn, không hiểu là xương voi hay xương khủng long nữa! Dưới nền hang, lớp vỏ ốc dày vài mét…

^ Toàn cảnh "ngôi nhà" 2 vạn tuổi.

Chiều sương mờ ảo giăng giăng khắp cánh rừng, trùm các ngọn núi. Sương phủ kín thung lũng lúa xanh rì con gái. Ngọn núi Khụ Trại trồi lên giữa cánh đồng bằng phẳng gợi vẻ liêu trai cổ tích.

Ông Bùi Văn Vựng, cán bộ văn hóa xã Tân Lập (Lạc Sơn, Hòa Bình) dẫn tôi len lỏi quanh con đường mòn dưới chân núi tìm xóm Trại. Giữa cánh đồng là ngọn núi trồi lên từ lòng đất hàng triệu năm trước, nơi các nhà khoa học khẳng định là cái nôi của loài người.
.
“Ngôi nhà” của tổ tiên

< Có thể tìm thấy rất nhiều xương trong hang xóm Trại.

Đứng từ xa, núi Khụ Trại như viên đá nhỏ mà ông Trời vô tình đánh rơi xuống thung lũng được bao phủ bởi dãy núi đá vôi hùng vĩ. Dòng suối Lạn như dải lụa vắt qua thung lũng khiến khung cảnh thêm phần mộng mơ.

Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Việt (Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á), người gắn bó và có nhiều phát hiện nhất trong hang xóm Trại bảo rằng, với các nhà khảo cổ học, chỉ cần nhìn qua cũng biết đây là địa điểm cư trú vô cùng lý tưởng với cư dân tiền sử.Nơi đây có hang động, có núi non, có đất bằng, sông suối, có những cánh rừng để loài cây có hạt nảy nở cho con người hái lượm, săn bắn… Ông Việt gọi thung lũng xóm Trại là “thung lũng vàng” của người tiền sử.

< Ông Bùi Văn Vựng mở bao đựng di vật cho PV TS xem.

Trên sườn ngọn núi có một cái hang như một căn phòng rộng, với bề ngang 10m, chiều sâu 20m. Miệng hang có thế cánh cung khiến mưa không hắt, nắng không chiếu thẳng vào, nhưng ánh sáng vẫn có thể ngập tràn trong hang. Trong “ngôi nhà” này, trải hàng vạn năm, hàng ngàn thế hệ tổ tiên chúng ta đã sinh ra, lớn lên, lấy việc săn bắn hái lượm để sống…

Đứng ở miệng hang xóm Trại (người dân nơi đây gọi là hang Chùa) tôi có cảm giác thiêng liêng rất lạ. Cảm giác như lần đầu tiên được trở về với nguồn cội của mình. Ở góc kia ngôi nhà, những tổ bà ngực để trần, đang miệt mài ngồi tách những hạt sồi dẻ, đập đít những con ốc vặn, bắt ở dưới suối, dưới thung lũng rồi đem nướng trên bếp lửa.


< Xương voi hay xương khủng long?

Ngoài miệng hang, những tổ ông chỉ đóng chiếc khố bằng vỏ cây, đang dùng búa đá, dao đá lọc thịt con… voi Ma Mút mới săn được hồi chiều… Con hổ to săn được hôm qua các cụ đã chén hết thịt, đống xương vứt lăn lóc ở góc hang. Tổ tiên chúng ta thật lãng phí, chưa biết dùng xương hổ nấu cao ăn cho bổ gân bổ cốt!

Ông Bùi Văn Vựng mở những chiếc bao mà các nhà khoa học vẫn để ở miệng hang, tôi thấy trong bao toàn xương cốt. Tổ tiên chúng ta sau khi chén hết thịt thì quẳng xương đi. Đã cả vạn năm nay, đống xương thú chưa kịp hóa thạch, vẫn trắng lôm lốp. Bám trên vách đá, lẫn trong những khối đất đang hóa thạch dở dang là những khúc xương ống to lớn, không hiểu là xương voi hay xương khủng long nữa! Còn dưới nền hang lớp vỏ ốc dày vài mét.

< Vỏ ốc rất nhiều trong lòng hang.

Các nhà khảo cổ học đào một mét khối đất trong hang, sàng ra, đếm được tới 44 ngàn con ốc, trong khi hang Thung Sơn, cũng nổi tiếng nhiều ốc, nhưng chỉ có 11 ngàn con, còn hang Con Mong ở Thanh Hóa (đang đề nghị UNESCO công nhận) cũng chỉ có độ 9 ngàn con mà thôi. Số lượng công cụ bằng đá, gốm khai quật được dưới nền “ngôi nhà” của tổ tiên giữa xóm Trại thì phải tính bằng bao nọ, bao kia.

Di tích hang xóm Trại được các nhà khoa học trong nước phát hiện vào năm 1970. Tuy nhiên, phải đến năm 1980, nhân chuyến nghiên cứu, lập bản đồ của Đoàn địa chất 203, hang xóm Trại mới được biết đến là nơi ở của người nguyên thủy. Thế rồi, các cuộc khai quật diễn ra liên tiếp trong những năm 1980, 1981, 1982, 1986. Bẵng đi từng ấy năm, đến năm 2004 và năm 2008, các nhà khoa học khảo cổ đầu ngành mới tiến hành khai quật với quy mô lớn.

< Các nhà khoa học dựng lại lối đi cổ 21 ngàn năm tuổi để du khách dễ tưởng tượng. 

Trong những lần khai quật này, tiến sĩ Nguyễn Việt và các nhà khảo cổ đã có những phát hiện vô cùng quan trọng không những với nền khảo cổ nước nhà mà với cả thế giới. Năm 2004, các nhà khoa học đã phát hiện ra con đường mòn đi lại có niên đại 9 ngàn năm. Chắc chắn rằng, trên khắp đất nước ta, có rất nhiều con đường cổ, tuy nhiên, việc tìm ra một con đường thời xa xưa vẫn là mong ước của các nhà khảo cổ học nước nhà.

Thật bất ngờ, trong những ngày cuối năm 2008, các nhà khảo cổ học sau khi đào xuống lòng đất gần 4m đã phát hiện một lối đi cổ. Đó là những vết mòn vẹt, nhẵn thín trên những phiến đá, do bàn chân con người dẫm lên cả ngàn năm mới tạo thành. Phía trên thành hang, những mẩu đá lồi ra cũng nhẵn thín do tay người vịn vào khi di chuyển.

< Một lối vào cổ từ ngách hang.

Tiến sĩ Nguyễn Việt đã mang các mẫu vật đi phân tích, đo bằng phương pháp phóng xạ carbon và kết luận đây là lối mòn đi lại của người nguyên thủy có niên đại lên tới 21 ngàn năm, cổ nhất Đông Nam Á, thuộc loại phát hiện hiếm của thế giới. Ngoài ra, các nhà khoa học, trong quá trình khai quật, đã phát hiện một di cốt người có tuổi đời 17 ngàn năm tuổi, trong tư thế nằm nghiêng, còn khá nguyên vẹn. Đây là một phát hiện vô cùng độc đáo, quý hiếm.

Với việc phát hiện lối đi và bộ xương người, cùng hàng ngàn hiện vật từ thời đại đồ đá, các nhà khoa học đã chứng tỏ với thế giới rằng, xóm Trại chính là nơi mà con người nguyên thủy đã từng cư trú. Như vậy, cũng có nghĩa, mảnh đất Mường Vang này là một trong những cái nôi của loài người.

< Tượng cảnh tổ tiên chúng ta sống trong hang.

Các nhà khoa học đã sử dụng các loại keo chuyên dụng phủ lên bề mặt lối đi cổ nhằm giữ lại cho thế hệ sau chiêm ngưỡng tự hào. Các tầng văn hóa đã hóa thạch được làm vệ sinh cho xuất lộ nguyên trạng, mô hình con đường cổ vào hang, tượng mô phỏng sinh hoạt thường nhật của tổ tiên chúng ta đã được các nhà khoa học dựng lại trong hang xóm Trại.

Du lịch, GO! - Theo VTCnews
Các hang động bí ẩn, những hồ nước nhân tạo, tượng đá hình con voi... mang đến vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí cho các ngọn núi của vùng đất này.

Núi Cấm

Núi Cấm hay Thiên Sơn Cầm là ngọn núi cao nhất (710m), lớn nhất nằm trong dãy Thất Sơn thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Có 2 giả thuyết về tên của ngọn núi được truyền lại: Trước kia núi Cấm rất hiểm trở, nhiều thú dữ, nên người dân quanh vùng tự cấm mình và con cháu xâm phạm đến khu vực đó. Truyền thuyết khác gắn với việc ngày xưa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh phải chạy lên núi trốn. Để an toàn, vua truyền lệnh không cho bất cứ ai lên núi. Từ đó núi có tên là núi Cấm.
.
Quang cảnh núi Cấm tuyệt đẹp và lãng mạn với suối Thanh Long quanh năm hiền hoà chảy, cao nguyên núi Cấm bao la, Động Thuỷ Liêm bí ẩn, Vồ bạch tượng uy nghi (tảng đá lớn có hình con voi trắng), chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh cổ kính.

Núi Sam

Núi Sam thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Tên ngọn núi xuất phát từ việc nhìn từ xa, dáng núi trông như một con Sam đen bám trên đồng xanh mênh mông. Ngoài ra, còn có truyền thuyết cho rằng xưa kia nơi đây từng là hòn đảo giữa biển. Trên đảo có nhiều sam nên được gọi là “Học lãnh Sơn” - núi con Sam.

Núi Sam có diện tích khoảng 280ha, với độ cao vừa 241m. Đường lên núi có độ dốc vừa phải và rợp bóng mát của cây xanh. Du khách có thể đi bộ hay thuê xe ôm lên đỉnh núi. Từ trên đỉnh núi sam nhìn xuống thị xã Châu Đốc hiện ra tuyệt đẹp với những ngôi nhà dựng dọc dòng kênh trong lành và thơ mộng.

Ngoài nét đẹp của ngọn núi toạ lạc giữa đồng bằng, núi Sam còn “ghi dấu” với nhiều công trình kiến trúc như Chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang… và nhiều thắng cảnh đẹp như đồi Bạch Vân, vườn Tao Ngộ…Đặc biệt là Miếu Bà Chúa Xứ, công trình kiến trúc rất đẹp và tôn nghiêm.

Hằng năm lễ hội Vía Bà Chúa Xứ - Núi Sam tổ chức vào tháng 4 âm lịch thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến hành hương.

Núi Cô Tô - Tức Dụp

Cô Tô hay còn gọi là núi Tô, Phượng Hoàng Sơn cũng thuộc dãy Thất sơn.

Có rất nhiều truyền thuyết gắn với tên của ngọn núi. Chuyện kể rằng, khi trời đất còn tối tăm, các tiên ông từ núi Cấm, núi Giày đã cùng nhau khiêng từng phiến đá xếp chồng lên nhau, xếp mãi cho đến lúc bình minh thì thành hình núi Cô Tô. Vì là những chồng đá lên nhau, giữa lòng núi hình thành nhiều hang động, ngõ ngách (người địa phương gọi là “lò ảng”) bí ẩn. Một giả định khác không gắn với truyền thuyết là do núi có hình dáng giống như cái tô lật úp, nên gọi là núi Tô.

Đồi Tức Dụp, một ngọn núi nhỏ nằm phía tây núi Cô Tô lại gắn với câu chuyện về sự tinh nghịch của những nàng tiên. Vào một đêm trăng sáng, các nàng tiên hạ phàm xuống núi Cô Tô chơi. Sau những trò vui bất tận, các nàng rủ nhau ném đá từ trên núi xuống. Đến khi ánh trăng khuất dần thì một trái núi nhỏ cũng hiện lên trong bóng đêm. Trái núi nhỏ ấy được đặt tên là “Đồi nước đêm”, người Khmer gọi là “Tức Chúp”, còn người Việt thị đọc trại thành “Tức Dụp”.

Đường lên đỉnh núi tuyệt đẹp với những khúc cua khuất, nhà lá đơn sơ, làn gió mát thơm hương lúa non. Trên núi có một di tích nổi tiếng là sân Tiên. Nơi đây có dấu chân tiên, tương truyền đó là dấu chân sau của Phật, còn chân trước thì nằm ở động Thủy Liêm trên núi Cấm. Tiếp đó là điện Năm Căn, một ngôi điện nhỏ, xưa cũ nằm ẩn mình dưới những tảng đá to và những bóng đại thụ cao ngút. Núi cô tô đẹp nhất vào những đêm trăng sáng. Khi ấy, ánh trăng như dát bạc lên từng ngọn cỏ, giọt nước của hai con suối Ô Thum, Ô Sora So và hồ Soai So tạo nên một bức tranh hoang sơ và hùng vĩ.

Núi Sập

Núi Sập thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên khoảng 26km.

Tuy là một ngọn núi không cao lắm nhưng, nhưng núi Sập vẫn giữ được cho mình nét hoang dã bởi tán cây rừng bao phủ những hồ nước rộng lớn quanh chân núi. Sườn phía tây của núi Sập có danh thắng bậc nhất của vùng núi Thoại Sơn là hồ số 1, hồ số 2, hồ Ông Thoại. Ba hồ nước này được tạo ra cách đây vài năm khi con người đến đây khai thác đá. Dọc theo triền núi, du khách có dịp tản bộ tham quan các ngôi chùa rải rác, hay cảm nhận được nét thơ mộng của núi trong Hang dơi do các tảng đá lớn gộp thành.

Du lịch, GO! - Theo Datviet, internet
Với bất cứ ai yêu thích du lịch và có chút mạo hiểm thì cung đường đến với Hà Giang hùng vĩ và đầy huyền thoại luôn là sự thôi thúc mãnh liệt, không chỉ thế, đây còn là nơi địa đầu Cực Bắc Tổ quốc với điểm mốc là cột cờ Lũng Cú.

"Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang
Cà Mau cuối đất mỡ màng phù sa"
(Lê Anh Xuân)

Từ Hà Giang, chúng tôi đến với Lũng Cú sau một ngày ròng rã băng qua những cung đường gian nan, hiểm trở nhưng đầy đam mê huyền hoặc. Vẫn nhớ như in những cung đường ngoằn ngoèo dài hàng trăm cây số, hết những con dốc lên cao chênh vênh bám hờ bên sườn núi, lại đến những dốc thăm thẳm rớt xuống tận vực sâu. Mỗi khi qua những khúc ngoặt nguy hiểm, tim tôi như muốn bật ra ngoài, phải nín thở, tay gồng cứng, mắt nhìn căng, tập trung cao độ.
.
Thế nhưng, khi xe vượt qua con dốc chạm đến đỉnh, cảm xúc thật sự choáng ngợp trước không gian mênh mông hùng vĩ của núi rừng mở ra trong tầm mắt. Từ trên cao nhìn xuống, những dãy núi xanh ngắt chạy từ dưới thung sâu rồi vươn lên chất ngất đỉnh trời hòa cùng tơ mây dệt nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ.

Mây trắng trời, mây lờ lững, chúng tôi một bên và mây một bên. Bên phải chúng tôi là những dãy núi cao ngất, sừng sững ẩn hiện trong sương, bên trái là những thung sâu hun hút, những bản làng nhỏ vây quanh là ruộng bậc thang uốn lượn, không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được sự tuyệt mỹ mà thiên nhiên và con người nơi đây đã ban tặng.

Chúng tôi không thể nhớ đã dừng xe bao nhiêu lần để ngắm nhìn. Hai kẻ lang thang trong cõi trần mà cứ như ngỡ mình say trong cõi mộng.

Đang còn ngất ngây trong bức tranh thêu tuyệt mỹ của thiên nhiên và con người thì mây lại về núi. Cả một vùng mây khổng lồ nương theo gió ào tới, chớp mắt đã che phủ cả bản làng. Thoảng đâu trong gió hương rượu ngô thơm nồng, men cay chưa nhắp nhưng hồn đã ngất ngây.

Nhớ khi chiều xuống mà chúng tôi vẫn còn lang thang giữa mênh mông núi rừng, mờ sau làn mây, tuốt tận trên cao, con đường như sợi chỉ nhỏ mà cô gái Mông nào đó để quên lại vắt ngang lưng chừng núi. Một cảm giác liêu trai đến tột cùng.

Từ Hà Giang đến Lũng Cú, chúng tôi đi qua nhiều điểm thú vị như đèo Pắc Sum với hàng chục góc cua xiết, núi đôi Quản Bạ nên thơ và hữu tình, cổng trời Quản Bạ mở ra không gian thiên nhiên mênh mông khoáng đạt, những rừng thông Yên Minh xanh mướt chạy dài tít tắp và còn rất nhiều nữa...

Nhưng trong đó tuyệt nhất có lẽ là Sũng Là (nơi quay bộ phim Chuyện của Pao), đây có thể xem là xã đẹp nhất của cao nguyên đá Đồng Văn, trải trên nền đen của vách đá tai mèo lởm chởm là mảng vàng đất của những ngôi nhà Trình Tường, vây quanh màu xanh của lúa non, hòa thêm chút vàng của đỗ tương vào mùa chín và những váy hoa sặc sỡ của các cô gái H'mông vẽ nên bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên và con người.

Đi mãi rồi cũng đến nơi, từ xa, cột cờ Lũng Cú hiện ra thật vững chãi, giữa mênh mông núi rừng hùng vĩ, trên đỉnh cao nhất của ngọn Long Sơn, cột cờ sừng sững, hiên ngang với màu cờ đỏ thắm.

Cột cờ Lũng Cú được xây dựng lần đầu tiên dưới thời Lý Thường Kiệt (1075-1105) bằng cây gỗ sa mộc, năm 1887, thời Pháp thuộc có xây dựng lại. Đến năm 2002, cột cờ mới được dựng lại, cao khoảng 20m, nằm trên đỉnh Long Sơn cao hơn 1.700m so với mực nước biển, chân chạm khắc hoa văn trống đồng Đông Sơn.

Cột cờ dài tầm 9m, lá cờ dài 9m rộng 6m, có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Ngày 25/9/2010, Nhà nước đã cho xây dựng lại cột cờ này lần nữa.

Bao mệt mỏi của cả chặng đường dài vụt tan biến, chúng tôi để xe dưới chân núi và bắt đầu leo lên, đến khi chạm tay vào cột cờ mới cảm nhận hết được hồn thiêng sông núi đang ào ạt ùa về. Lá cờ phần phật tung bay giữa trời xanh quyện lấy nhiệt huyết tuổi trẻ chúng tôi, rồi hòa theo gió cuốn đi khắp nơi.

Tôi đứng lặng im để cho cảm xúc ào ạt đổ về. Những câu chuyện huyền sử con cháu Lạc Hồng, con rồng cháu tiên, những bài học lịch sử ngàn năm giữ nước trở về trong thước phim quay chậm của cảm xúc. Nước non này đã hàng nghìn năm gìn giữ, mảnh đất này bao xương tan máu đổ, để phút giây này, chúng tôi được đứng nơi đây với dạt dào lòng tự hào dân tộc...

Du kịch, GO! - Theo NGÔ TRẦN HẢI AN - DNSG


< Dỡ bỏ cột cờ cũ.


Cột cờ Lũng Cú mới được khánh thành vào lễ Quốc khánh 2010. Cột cờ mới được xây dựng với chiều cao 29,5m (hơn cột cờ cũ 10m) có hình dáng cột cờ Hà Nội. Cả chân, bệ có 6 mặt phù điêu mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn. Cán cờ cao 9m. Lá cờ Tổ quốc có chiều dài 9m, chiều rộng 6m, diện tích rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. 
.
Đường lên đỉnh núi đặt cột cờ, được xây lại gồm 283 bậc lên theo lối cũ, đồng thời xây mới thêm 283 bậc đi xuống (trước đây chỉ có một đường lên). Thân cột cờ mới có hệ thống thang bộ đi lên đến đỉnh cắm cờ. 

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống