Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 3 August 2011

Những cánh nấm chóng nở, chóng tàn, vị ngọt đắng xen lẫn, phảng phất chút hương đất trời phương Nam. Nằm ở cực Nam của đất nước, Phú Quốc được tôn vinh là Đảo Ngọc phương Nam. 

Với biết bao phong cảnh tuyệt đẹp còn nguyên sơ, những đặc sản độc đáo như nước mắm, hồ tiêu... và nấm tràm là một trong những đặc sản độc đáo.

Năm nào cũng vậy, khi cơn mưa đầu mùa ở Phú Quốc bắt đầu rơi nặng hạt, người dân ở đảo lại đổ xô vào rừng hái nấm. Có người đi hái nấm vì kế sinh nhai, có người đi hái nấm vì niềm vui và niềm vui ấy mỗi năm chỉ đến có một lần. Rừng Phú Quốc mùa khô lá rụng đầy trên mặt đất, cả một lớp lá vàng ươm như chiếc áo khoác của rừng e ấp che đậy phần da thịt của đất để giữ cho lớp đất bên dưới luôn mát mẻ nuôi dưỡng những lớp meo nấm phát triển chờ mùa mưa tới.
.
Từ dãy núi Hàm Ninh, con sông Cửa Cạn chạy qua vùng trũng hình thành nên những rừng tràm phía Bắc đảo. Nhánh sông đổ ra phía Tây tại làng chài Cửa Cạn cũng là nơi có rừng tràm. Đây là những nơi nấm tràm phát triển mạnh. Những tai nấm căng tròn, màu nâu có viền màu trắng sữa.

Đã thành truyền thống, cứ sau cơn mưa, những người sống bằng nghề hái nấm bắt đầu vào rừng, dạo qua nhiều khu vực xem nơi nào nấm đã bắt đầu phát triển. Độ một tuần sau là có thể đến để thu hoạch. Giống nấm tràm mau lớn nhưng cũng chóng tàn, nên phải hái nấm trong vòng một tuần sau cơn mưa, nếu không nấm sẽ lụi tàn. Thường họ đi cả gia đình, có khi cả chục người, cặm cụi hái cả ngày đến khi những chiếc giỏ mang theo đầy ắp mới ra về.

Nấm tràm sau khi hái về, gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch, luộc chín rồi ngâm nước lạnh hoặc trước khi chế biến thì phi tỏi với dầu ăn cho thơm, cho nấm vào xào qua, nêm muối là có thể cất vào tủ lạnh dùng dần. Khi trời nắng đem nấm đi phơi khô để được lâu hơn. Nấm tràm đắng. Thường thì nấm khô ăn không thơm và không ngon bằng nấm tươi. Muốn nấm bớt đắng thì nên rửa cho thật kỹ. Nấm khô phải ngâm, rửa nhiều lần cho sạch cát, sau đó luộc vài nước rồi mới chế biến. Nấm tươi cũng nên luộc nhiều lần.

Khi mang ra nấu sẽ không đắng nhiều nữa nhưng về sau lại rất ngọt và mát. Nấm tràm không có cách nào làm hết chất đắng quý giá của nó được. Các nhà hàng ở Phú Quốc thường trữ nấm trong tủ đông quanh năm để bán cho khách phương xa ra thăm đảo như một món ăn độc đáo của người dân bản địa. Các chợ ở huyện đảo nơi nào cũng bán cả thúng lớn nấm cho khách mua.

Cách chế biến món ăn từ nấm tràm cũng đơn sơ, mộc mạc. Nấm tươi được nấu với hải sản như tôm, cá, mực. Nấm khô thì xào với bào ngư hoặc hải sâm. Có thể nấu nấm tràm với thịt gà, thịt lợn và trứng.
Ví như món gà giò luộc vừa chín tới, cho nấm tươi mới hái vào. Nồi nước luộc gà sẽ trở thành món súp nấm thơm lừng. Thịt gà thì được xé nhỏ chấm muối ớt ngon ngọt. Nhưng ngon nhất lại là những chén nước súp nấm nóng hổi. Nấm vừa chín ăn giòn, xốp càng nhai càng thấy vị ngăm ngăm đắng. Uống nước súp vị của nấm và gà lúc này mới thấy hết được cái đắng của nấm tràm.

Nấm tràm xào với tép bạc, thịt ba chỉ, tôm, mực đều là những món ăn hấp dẫn. Ở biển đảo Phú Quốc, nếu bắt được con cá rựa hoặc cá nhồng, người dân nhất định sẽ lấy thịt làm chả cá nấu với nấm. Trước khi múc ra tô, người ta đập một vài quả trứng vịt vào. Vị đắng của nấm hòa trong vị ngọt của con cá rựa, cá nhồng và vị béo của lòng trắng lòng đỏ trứng rất lạ miệng.

Giản dị như canh nấm tràm với tôm tươi và rau tập tàng. Nếu có thêm khoai lang, tô canh càng thêm thú vị. Ngoài việc làm canh thêm bùi, khoai lang còn giải chất độc có trong nấm. Cháo nấm tràm cũng là món ngon đặc sắc. Chỉ với ít tôm tươi, thịt ba chỉ, thêm thịt bò, hành, tiêu, ớt, bạn sẽ có một nồi cháo bảo đảm ngon, cay, đổ mồ hôi vì nóng.
Có thể bạn sẽ thấy hơi khó ăn, nhưng lại có người vì cái vị đắng mà thích món nấm tràm. Sau khi thưởng thức món nấm mà nhâm nhi nước trà, vị đắng của nấm lại càng đậm lưu trong vị giác.

Mùa nấm  tràm lại sắp đến cùng những cơn mưa. Du lịch Phú Quốc hè này, bạn đừng quên mua ít nấm tràm về thưởng thức và làm quà cho bạn bè nhé.

Du lịch, GO! - Theo Kitra, Metinfo và nhiều nguồn khác
Người Rục ở Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình đã biết làm lúa nước. Có vẻ muộn bởi đấy là việc mà vào buổi bình minh của loài người hàng ngàn năm trước, nhiều tộc người đã làm. Nhưng đây là một bước tiến dài trong hành trình hội nhập cộng đồng của người Rục sau 50 năm rời hang đá. Tháng 7 vừa rồi, họ đã có bữa cơm đầu tiên do chính mình tạo ra. Giữa biên cương xa xôi, tấm lòng của bộ đội biên phòng một lần nữa như con đường sáng để người Rục đến với văn minh.

Người Rục mời cơm

Đã nhiều lần lên công tác ở 3 bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ sâu tít giữa trùng điệp đá vôi trên Tây Trường Sơn, nơi đồng bào người Rục đang sinh sống, nhưng lần này tôi mới được Cao Phúc mời cơm.
.
< Những ngày sống trong hang đá của người Rục.

Phúc giãi bày: “Từ trước đến giờ không dám mời nhà báo vì nhà ăn cơm gạo trợ cấp của Nhà nước. Với lại người Rục có mời là phải mời cái của mình làm ra thôi. Năm ni có gạo mới, dân bản mình thu hoạch, nhà nào cũng có phần, đây là phần gạo mới nhà mình có, nhà báo phải ăn để biết gạo mới ở đây”.
Phúc vui vẻ khoe: “Đây thực sự là bữa cơm do chính tay vợ Phúc đạp lúa, hong khén và nấu”. Bữa cơm với muối trắng đâm ớt rừng, canh măng đạm bạc nhưng rất ngon vì nóng hổi, thơm lừng.

Bưng bát cơm lại nhớ, 2 năm trước, người đầu tiên có vụ thu hoạch lúa mới ở thung lũng Rục là Trần Trực, trưởng bản Yên Hợp. Trực đã thức chong ngày thu gặt, lúc đó vợ con Trực không tin nhà mình có thể trồng được cây lúa, cái cây mà họ chỉ thấy mỗi lần xuống phố huyện Quy Đạt. Nhưng Trực thì tin lời các anh bộ đội rằng làm lúa là có được gạo. Mà có gạo là không đói cái bụng, không lang thang vất vưởng trong rừng lượm quả, hái cây, săn chuột lồ ô mưu sinh. Hôm nay không phải là ngày của 2 năm trước, cũng không còn những ngày ở hang đá, mà là ngày đặc biệt với cả 375 người Rục khi họ cùng bưng bát cơm thành quả lao động thấm đẫm mồ hôi, nước mắt khai hoang. Bưng bát cơm dẻo thơm người Rục mời, tôi tin rồi sẽ có nhiều khách phương xa khác được mời cơm vào những vụ lúa tới.

Đồng Rục Làn từ tấm lòng biên phòng

< Bộ đội biên phòng Đồn 585 giúp người Rục thu hoạch vụ lúa đầu tiên.

Có được bữa cơm do chính mình làm ra, người Rục đã phải “vượt lên chính mình” bằng sự cố gắng vượt bậc, nhưng yếu tố mang tính chất quyết định là bên cạnh họ luôn có những cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Quảng Bình.

Cao Phúc kể: “Bộ đội họp dân, cho biết sẽ khai hoang 10 ha, bộ đội dọn cỏ trước, sau đó chia đất cho dân theo hộ, chia các hộ dân thành tổ, mỗi tổ 10 hộ. Rồi các anh hẹn lịch làm việc từng ngày với dân bản. Dân vui, dân tin, dân làm theo sau khi trong bản có Trần Trực thu hoạch vụ lúa chắc mẫm do biên phòng bày cho”.

< San ủi đất tạo bặt bằng cho những chân ruộng tại Rục Làn.

Tháng ngày khai hoang trong sương rét núi rừng, mỗi sáng thức dậy, các trưởng bản đi loa từ đầu bản nhắc mọi người đến giờ lao động tập thể; bộ đội biên phòng cũng đánh kẻng vào giờ xuống ruộng. Những ngày đầu, kẻng đánh vào giờ làm việc sáng, khi nghỉ trưa, vào giờ chiều và nghỉ tối. Tập dần thành quen, những ngày sau, chưa có kẻng đã có người ra đồng.

Người Rục khi đã đồng ý việc gì, họ làm cho bằng được, tuy có lối sống lạc hậu nhưng người Rục lại rất đúng giờ. Cứ tiếng kẻng sáng vang lên, nhà nào cũng lũ lượt đến cánh đồng Rục Làn vừa khai hoang nghe bộ đội bày cách chăm đất, bón đất tơi xốp rồi tháo nước ra sao để lúa lên mẩy.

Chăm chỉ, nhưng cái đầu chưa hiểu, nhiều người vẫn lóng ngóng với cái liềm, cái cuốc, cái cày. Hôm đưa máy cày loại nhỏ ra đồng cày đường đầu tiên, bộ đội biên phòng nghe người Rục nói: “Ôi con trâu máy thở khói đen khỏe rứa, khỏe rứa”. Nghe lời đó, Đồn biên phòng 585 thầm hiểu, họ còn phải giúp đồng bào của mình nhiều hơn nữa để mùa gặt của vùng Rục Làn được tốt tươi cho nhiều năm sau.

“Vườn treo” văn minh lúa nước

Giờ đây, bên những rặng núi đá vôi của dãy Trường Sơn đã có cánh đồng Rục Làn bát ngát xanh tươi. Đầu tháng 7 vừa qua, vụ mùa đầu tiên của 10ha khai hoang được thu hoạch. Vụ gặt đó rộn ràng, nhộn nhịp, tràn đầy sinh khí dù nhiều người cầm liềm còn lóng ngóng. Cao Tuấn chia sẻ: “Cầm cái nỏ, cái cung quen rồi, cầm cái liềm lạ quá. Cái liềm nhìn nhỏ nhỏ rứa mà làm nhiều việc thiệt, văn minh thiệt”.

< Điện, đường và nhà của người Rục hôm nay.

Người Rục xem 10ha lúa nước như “vườn treo” của riêng họ với ăm ắp ân tình cưu mang của bộ đội biên phòng. Giữa biên cương xa ngái, tấm lòng của bộ đội biên phòng một lần nữa như con đường sáng để người Rục tiến xa hơn trong hành trình hội nhập cộng đồng. Mùa vàng của “vườn treo” Rục Làn là kỳ tích của bộ đội biên phòng. Năng suất vụ đầu tiên đạt 35 tấn/ha, vượt gấp đôi dự kiến ban đầu càng tăng thêm niềm tin và quyết tâm mới cho bộ đội biên phòng. Các anh đang lên kế hoạch khai hoang hàng chục hécta đất mới vào năm sau. Như thế, “vườn treo” văn minh lúa nước chắc chắn sẽ rộng hơn, trĩu hạt hơn giữa đại ngàn Trường Sơn.

Du lịch, GO! - Theo Baomoi và nhiều nguồn khác
Nam Ban thuộc huyện Lâm Hà cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 30km về phía nam, nơi vẫn còn lưu giữ những nét hoang sơ kỳ vĩ trên những cung đường quanh co giữa màu xanh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. 

Từ “Nam Ban” theo người địa phương có nghĩa là một vùng đất phía Nam trù phú được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Biết chúng tôi đang muốn "lên rừng", người dân địa phương đã "chỉ điểm" quán cà phê Minh Tâm trên đường Trương Công Định (TP Đà Lạt), “trụ sở” chính của các bác tài xế thuộc đội Easy Rider.
Thoạt nghe cái tên rất Tây nhưng nhóm lại là người Việt chính hiệu, phần lớn xuất thân từ hướng dẫn viên du lịch địa phương và được ví von như "những lãng tử buôn không khí sạch" mà du khách, đặc biệt Tây balô thường chọn làm chiến hữu cùng đồng hành khám phá những vùng đất và nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam.

< Con đường đi Nam Ban chìm trong màu xanh núi rừng.

Ở một góc nhỏ của quán cà phê, một đôi du khách người Ireland, anh Simon Toner và chị Izzy Dabiri, đang bàn chuyện rôm rả với một thành viên đội Easy Rider về chuyến khám phá vùng đất Nam Ban.

Bác Trần Văn Năm, một thành viên lâu năm của đội Easy Rider, giới thiệu cho du khách về tour du lịch bụi đến Nam Ban bằng xe phân khối lớn. Đó là một cơ hội tốt để xâm nhập cuộc sống thực tế của người dân địa phương, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp ở từng góc cạnh nhỏ nhất của cuộc sống, đặc biệt có thể vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân.

< "Kỹ sĩ" Easy Rider Trần Văn Nam hướng dẫn du khách tham quan.

Nhảy phóc lên những con “ngựa chiến khủng”, chúng tôi náo nức hướng về vùng đất Nam Ban với biết bao hồi hộp và phấn khích.

Trải dài theo tầm mắt là những con đường ngoằn ngoèo uốn lượn vòng cung bao quanh sườn đồi, nơi giao thoa giữa thung lũng Tà Nung và cao nguyên Lang Bian huyền thoại.

Cảm giác thật "sướng" khi đi trên những cung đường hoang sơ núi non trùng trùng điệp điệp này là trải nghiệm những tiếng hòa âm kỳ diệu của thiên nhiên với tiếng gió vi vu, tiếng suối róc rách, tiếng mưa lắc rắc bên tai khi xe lăn bánh hướng về thung lũng Tà Nung.

< Ruộng bậc thang ở thung lũng Tà Nung.

Thi thoảng các bác tài dừng lại và kể cho du khách nghe những câu chuyện đặc biệt về vùng đất này, từ những cành cây cọng cỏ cho đến những sự tích xa xôi ở phía bên kia thung lũng.

Cái mát rượi của vùng cao nguyên hoang lạnh phả vào mọi người, mở ra một khung cảnh xinh tươi đẹp đẽ với màu xanh ngút mắt của những cánh đồng cà phê, cái nhỏ xinh ấm áp của những gian nhà kính trồng hoa và hình ảnh mờ ảo trong sương mù dày đặc của những ngôi làng người dân tộc thiểu số K.Hor.

Khác với cái lạnh hanh khô se sắt của Sa Pa, những cơn gió nơi vùng thảo nguyên hùng vĩ có một mùi vị ấm áp trữ tình rất riêng. Mùi vị ấy không chỉ thấm qua từng chiếc lá thông khô, phảng phất qua những vòm lá rì rào theo gió mà còn chạm vào từng ngọn cỏ lướt dưới chân người lữ hành.

< Một gia đình dân tộc thiểu số K.Hor giã gạo nấu cơm.

Và có đứng ở Nam Ban giữa trời mưa lạnh mới thấy nao nao nhớ những hơi ấm bình dị mộc mạc nhất. Một củ khoai nướng vừa hít hà vừa thổi trên tay, một ngụm trà nóng, một ly cà phê mới pha còn thơm mùi sữa… Tất cả những điều đó như hòa vào không gian sơn cước hữu tình, khiến người ta không chỉ thấy nhỏ bé choáng ngợp trước rừng núi trùng điệp, mà còn ngây ngất trước cái thinh lặng mênh mông không lời của thiên nhiên.

Thác Voi - một trong những ngọn thác đẹp nhất cao nguyên Lâm Đồng - cách thị trấn Nam Ban không xa. Đường dẫn tới thác Voi chủ yếu là những khối đá tự nhiên chờ đợi bước chân lữ khách khám phá. Thêm vài chục bước chân là Linh Ẩn tự trầm lắng tiếng kinh cầu và chuông mõ thanh tịnh. Theo nhiều người dân địa phương Linh Ẩn, từ này được xây dựng nhằm “trấn” vùng Nam Ban một thời được coi là “đất dữ”.

Sau hành trình mệt nhoài, đường về lại trở nên thú vị khi được mục sở thị các cơ sở chế biến tơ và dệt lụa truyền thống, cơ sở nấu rượu gạo trắng gia truyền của người địa phương, tham quan làng dân tộc thiểu số K.Hor...


< Du khách nước ngoài chụp hình bên dưới thác Voi.

Bác Năm kể chúng tôi nghe một câu chuyện đáng nhớ nhất kể từ khi trót theo cái nghiệp rong ruổi đường trường có khi kéo dài cả tháng. Rằng có một bà cụ người Pháp bị khuyết tật ở chân 72 tuổi, đã qua Việt Nam 14 lần và lần nào cũng nhờ bác chở đi thăm thú những phong cảnh thiên nhiên khắp đất nước Việt Nam. Giờ tuổi cao sức yếu mới ngăn được chân bà...

Chúng tôi rời Nam Ban trong sự luyến tiếc và hi vọng một ngày gần nhất sẽ lại đến nơi đây, lại được hít thở khí trời trên cung đường hoang sơ và hùng vĩ. “Chuyến đi thật tuyệt vời. Nhất định chúng tôi sẽ giới thiệu thật nhiều bạn bè tới đây”, Izzy chia sẻ.
Tạm biệt nhé Nam Ban.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống