Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 4 August 2011

Nằm ở vùng cao phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, trên vòng cung sông Ngâm, với hơn 83% diện tích tự nhiên là rừng, Nà Hang tự hào với sức cuốn hút kỳ lạ của một vùng sinh thái đa dạng. Nơi đây còn được biết đến bởi nét văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc.

Nà Hang có nhiều ngọn núi, có những cánh rừng nguyên sinh và những con suối. Dòng sông, thác nước tuyệt đẹp là của quý mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng.

"Ai lên Tuyên Quang, ngược vòng cung Lô Gâm tới Nà Hang quê em... phượng hoàng đã về đây, em mong anh về đây anh ơi... thương anh như chín mươi chín ngọn núi, nhớ anh như núi Pác Tạ anh ơi..." Giai điệu bài hát “Tâm tình cô gái Nà Hang” của nhạc sỹ Lê Việt Hòa vấn vương, như mời gọi chúng tôi lên với Nà Hang - "nàng tiên xanh" giữa đại ngàn.

Cái tên Nà Hang bắt nguồn từ hai chữ Nà Hang, theo tiếng của dân tộc Tày có nghĩa là "ruộng cuối." Trước đây, từ thành phố Tuyên Quang đến Nà Hang phải đi mất vài ngày bằng con đường độc đạo hơn 100km. Nhưng hiện nay, đường lên Nà Hang được nâng cấp mở rộng nên du khách chỉ mất khoảng hơn hai tiếng đồng hồ đi xe khách là có mặt tại Nà Hang.

Nà Hang có những cánh đồng lúa xanh mượt xen kẽ với núi đá vôi, những khu rừng nguyên sinh, đặc biệt là hồ trên núi tạo nên phong cảnh hữu tình, giống như một "nàng tiên xanh" nổi bật giữa đại ngàn. Kể từ khi được tích nước, hồ thủy điện Tuyên Quang trở thành một vùng non nước hữu tình rộng với hơn 8.000ha mặt nước, 99 ngọn núi hùng vĩ, được ví là như "Hạ Long cạn giữa đại ngàn."

< Cầu treo Nà Hang.

Nà Hang không chỉ có những nét đặc thù về điều kiện tự nhiên hiếm nơi có được, mà còn phong phú bởi nét văn hóa độc đáo của gần 66.000 người dân thuộc 15 dân tộc, trong đó chủ yếu là các dân tộc Tày, Dao, Mông, Kinh...

Đặc biệt là năm 2009, 10 di tích tại khu vực hồ thủy điện Tuyên Quang gồm Hang Phia Vài, động Song Long, thác Nặm Me (xã Khuôn Hà); hang Phia Muồn (xã Sơn Phú); đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang); chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân khí H52, thắng cảnh Thượng Lâm (xã Thượng Lâm); Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương, Địa điểm sản xuất diêm tiêu (xã Năng Khả) đã được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

< Một góc lòng hồ Thủy điện TQ.

Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, đập chính của nhà máy là loại đập đá đổ bê tông bản mặt đầu tiên của Việt Nam. Công trình có nhiệm vụ chính là sản xuất ra điện, kết hợp phòng lũ cho thành phố Tuyên Quang và là nguồn cấp nước mùa kiệt cho vùng hạ lưu. Ngoài ra công trình còn góp phần cải tạo khí hậu, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và tạo ra khu du lịch sinh thái lòng hồ.

Các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ đã được hình thành từ năm năm trở lại đây. Nếu đi thuyền vãn cảnh hồ thủy điện Tuyên Quang (với chiều dài khoảng 70km), du khách sẽ có sáu giờ đồng hồ đắm mình với thiên nhiên sông nước và núi rừng, được tìm hiểu về từng sự tích gắn với mỗi địa danh nơi đây.

< Thác Pác Ban.

Trên đường đi, du khách sẽ được ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo, khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung với hàng nghìn loài thực vật, động vật quý hiếm, trong đó có loài voọc mũi hếch có tên trong Sách Đỏ thế giới; ghé thăm thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát; thăm hang Phia Vài (nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá trên dưới 10.000 năm) và hang Thẩm Choóng (thuộc bản Không Mây, xã Năng Khả, huyện Nà Hang) - nơi cư trú của người nguyên thủy sống ở giai đoạn sơ kỳ đá mới, có niên đại cách ngày nay khoảng 7.000 -8.000 năm.

< Lễ hội Lồng Tồng.

Không những vậy, du khách còn được thăm chợ vùng cao Thượng Lâm thường họp vào thứ Năm và Chủ Nhật hàng tuần để thưởng thức chén rượu ngô Nà Hang nổi tiếng nấu bằng men lá, nghe kể về những truyền thuyết của miền đất huyền thoại này như sự tích hoa Phạc Phiền, chuyện Đèo Nàng, sự tích 99 ngọn núi…

Trên thượng nguồn sông Gâm, sông Năng, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản từ cá lăng, cá chiên, cá rầm xanh, cá anh vũ, sau đó còn được nhâm nhi chén trà Shan Tuyết nóng hổi với vị ngọt đậm đà - một đặc sản của vùng núi cao Nà Hang.

Nà Hang còn được biết đến là vùng đất an cư của 12 dân tộc với những điệu hát then, hát lượn của dân tộc Tày, hát sli của dân tộc Nùng, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu... ngân nga làm say đắm lòng người.

Hiện Nà Hang có gần chục cơ sở lưu trú với hơn 200 phòng nghỉ. Cùng với việc đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú để phục vụ khách du lịch, các doanh nghiệp, hộ làm du lịch còn đầu tư mua 120 tàu, thuyền vừa phục vụ du khách, vừa làm phương tiện vận chuyển người và hàng hóa trong khu vực hồ thủy điện.

Nhận thức về du lịch của người dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự thay đổi rõ rệt. Thay vì bán những gì sẵn có, các doanh nghiệp như Công ty du lịch Nga Viên, doanh nghiệp Thắng Linh... đều tập trung phát triển các dịch vụ ăn uống, tàu thuyền du lịch và các sản phẩm ẩm thực, quà tặng.

< Cọc Vài.

10 tháng qua, Nà Hang đã thu hút gần 19.000 lượt du khách, tăng hơn 20% so với năm 2009. Ông Phạm Ninh Thái, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Nà Hang cho biết để tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch của huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt tổng thể Khu du lịch sinh thái Nà Hang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đồng thời tiến hành lập bản đồ quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Nà Hang.

< Núi Pác Tạ.

Phạm vi quy hoạch rộng 15.000ha, trong đó diện tích lòng hồ là 8.000ha, khu du lịch bao gồm các phân khu chức năng như khu đón khách du lịch tại thị trấn; khu Lâm viên Phiêng Bung; khu Lâm thủy Cọc Vài; khu thể thao, khu ngắm cảnh trên nước; khu thủy trại Đà Vị và các điểm khu làng du lịch văn hóa; các hệ thống sân golf, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, đường cáp treo, trường đua ngựa, khu vui chơi giải trí...
< Động Song Long.

Hiện huyện Nà Hang đang chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương xây dựng các hạng mục công trình khu đón tiếp khách du lịch thuộc Khu du lịch sinh thái Nà Hang; triển khai tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trên địa bàn về công tác phát triển du lịch; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch đến với Khu du lịch sinh thái Nà Hang.

Huyện cũng phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sưu tầm, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vùng lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang. Huyện Nà Hang phấn đấu đến năm 2015 đưa dịch vụ-du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm hơn 34% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Du lịch, GO! - Theo TTXVN/Vietnam+, Vietnamculture, KylucVN và nhiều nguồn khác
Thác Khuôn Nhòa, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) là hợp lưu của 11 dòng suối từ đỉnh núi Tin Phục đổ về. Thác nằm trong một khu rừng nguyên sinh có nhiều cây cổ thụ, hai bên thác là vách đá cao phủ rong rêu và rễ cây buông chằng chịt.

Thác nằm ở độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển, được phân cấp thành nhiều tầng, mỗi tầng rộng từ 10 - 15 mét. Vào mùa mưa, nước từ đỉnh thác chảy xối xả thành dòng trắng xoá, từ xa nghe tiếng thác nước đổ rào rào. Có tầng thác mà bên trong có cả hang đá rộng như gian nhà, với nhiều nhũ đá hình thù sinh động tuyệt đẹp.

Hai bờ thác là những cây phay, ô rô cổ thụ và muôn loài hoa lá ken dày, bốn mùa xanh mát, ríu rít tiếng chim ca. Thảm thực vật phong phú hợp với dòng nước chảy từ trên cao tạo thành chiếc điều hoà nhiệt độ khổng lồ, biến nơi đây thành chốn bồng lai tiên cảnh, du khách có bao mỏi mệt, vướng bận đến đây cũng thoắt trở nên khoẻ mạnh, thư thái.
.
Đồng chí Ma Doãn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hà cho biết, bao đời nay dòng thác Khuôn Nhòa là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân thôn Khuôn Nhòa, Khuôn Pồng 1, Khuôn Pồng 2. Thác nước cùng với khu rừng nguyên sinh Tin Phục đã được bà con dân tộc Dao, Tày ở đây gìn giữ như gìn giữ phong tục của dân tộc mình. Đồng bào các dân tộc ở đây mong muốn giới thiệu cảnh đẹp của thác với du khách gần xa để nơi đây thật sự là điểm đến của du khách mỗi khi hè về.

Đến thác Khuôn Nhòa, du khách không chỉ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên trong trẻo, mà còn có dịp đến thăm các bản người Tày, người Dao ở dưới chân thác với những vườn cam trĩu quả, thưởng thức những làn điệu then, sli, lượn, páo dung; thưởng thức món cơm lam muối vừng, rau rừng, canh đắng, sôi ngũ sắc, bánh gai, bánh mật… những sản vật của quê hương Chiêm Hóa.

Thác Khuôn Nhòa, rừng nguyên sinh Tin Phục nối liền với khu sinh thái thác Bản Ba, điểm du lịch đã được xếp hạng danh thắng quốc gia. Nhằm tạo nên quần thể du lịch hấp dẫn du khách, huyện Chiêm Hóa đã và đang đẩy mạnh triển khai chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo tồn hệ thực động vật, tạo thêm cảnh quan hấp dẫn cho thác.

Du lịch, GO! - Theo Báo Tuyên Quang
Người J’rai quan niệm người chết cũng có “cuộc sống” riêng. Vì vậy, người sống đã tạc rất nhiều tượng gỗ thể hiện sinh động cuộc sống trần tục để “phục vụ” người chết khi sang thế giới bên kia.

Thế giới nhà mồ của người J’rai ở Gia Lai luôn chứa đựng sự huyền bí, sự sống là lạ khiến người ta vừa hiếu kì, vừa khó hiểu. Bởi với người J’rai, cái chết chính là con đường đi đến một “cuộc sống” ở thế giới mới - thế giới cực lạc. Vậy nên, người chết sẽ không sung túc nếu thiếu tài sản và nhất là “người hầu”.

Tài sản của người sống phải được chia khi họ chết đi, và hàng ngày người thân phải mang đồ ăn ra cúng, trò chuyện với người đã khuất cho đến khi làm lễ bỏ mả mới dứt. Việc quan trọng không thể thiếu mà người sống phải làm cho người chết đó là tạc tượng nhà mồ để đi theo “hầu hạ” người chết trong lễ bỏ mả.
.
Đó là những bức tượng được làm từ gỗ hương hoặc cà-chít với bán kính từ 30cm trở lên, chiều dài khoảng 2 sải tay. Gỗ được mang từ rừng về được để bên cạnh ngôi nhà mồ chuẩn bị được bỏ mả. Sau đó, gia chủ phải làm lễ cúng thần nhà rông và thần bến nước để xin được đẽo tượng cho người chết, với lễ vật là 1 con heo.

Trước khi diễn ra lễ bỏ mả chừng 2 tháng, những khúc gỗ xù xì sẽ được gia chủ hoặc 1 số người già trong làng dùng chiếc rìu và dao chà-gạc (dao đa năng của người địa phương) tạc thành những bức tượng nguyên khối với đủ hình dạng, trạng thái.

Từ người phụ nữ mang thai, những hài nhi nằm lăn lóc, người già ngồi ủ rũ, người mang gùi, hay cả những chàng trai, sơn nữ… hay những con vật chó, bò, khỉ… đều được tạc theo quy luật âm - dương, hể hiện khát vọng sinh tồn của người dân nơi đây.
Tất cả đều được tạo nên như 1 cuộc sống trần tục, 1 bức tranh đầy sống động của 1 cộng động làng J’rai. Và vào đêm thiêng liêng nhất trong lễ bỏ mả, những bức tượng gỗ đã được chôn xung quanh ngôi nhà mồ (chôn xuống đất khoảng 1 sải tay) sẽ trở nên linh thiêng hơn khi làm “nhiệm vụ” đi đến “thế giới” của người đã khuất, phục vụ chủ nhân của mình.

Theo quan niệm của người J’rai, điều này cũng có nghĩa từ nay mọi quan hệ ràng buộc giữa người sống với người chết đã chấm dứt hoàn toàn. Sẽ không còn thờ cúng, chăm nom mộ, chỉ có những bức tượng đi “theo hầu”

Và từ đó, những khối tượng gỗ từ thiên nhiên lại trở về với thiên nhiên, làm bạn với người đã khuất. Mặc cho mưa, nắng, sương gió và thời gian làm hư hỏng, nó sẽ trở nên linh thiêng hơn bao giờ hết bởi với người J’rai ở Tây Nguyên, vạn vật đều hữu linh.

Song, đáng tiếc rằng, những bức tượng nhà mồ Tây Nguyên đã và đang bị “chảy máu” một cách chóng mặt. Để đến bây giờ, khi bước vào những khu nhà mồ của người dân Tây Nguyên, may mắn lắm chúng ta mới thấy một vài pho tượng gỗ thế này.

Già làng Rơ Châm Mạch (93 tuổi, làng Bàng, xã Ianhin, Chư Păh, Gia Lai) cho biết: “Trước kia mỗi khu nhà mồ đều có hàng trăm tượng nhà mồ, nhưng những năm trở lại đây nó đã bị mất cắp gần hết. Rừng cũng không còn nên người ta không còn gỗ để đẽo tượng mới cho người chết. Nhà mồ làng mình cũng vậy, không còn tượng và đến khi mình chết con cháu mình cũng không còn gỗ để làm tượng cho mình.”

Du lịch, GO! - Theo Dantri

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống