Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 5 August 2011

Hình ảnh những cô gái thướt tha trong tà áo dài duyên dáng từ lâu đã trở thành biểu tượng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển lịch sử trang phục dân tộc, Việt Nam không chỉ có áo dài mà còn có áo yếm - thứ trang phục không thể thiếu của người con gái xưa.

Ngày xưa áo yếm thường chỉ được gọi với cái tên nôm na là cái yếm, đó là thứ trang phục đã có từ bao đời nay và vẫn còn giữ được cho đến ngày hôm nay. Yếm là một thứ trang phục nội y không thể thiếu của người phụ nữ Việt xưa. Nó là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, được dùng để che ngực.

Không chỉ vào chốn cung đình với các mệnh phụ công nương, cái yếm còn ra ruộng đồng "dầm mưa dãi nắng" với người nông dân và cùng với chiếc áo tứ thân, cái yếm theo chị em đến với hội đình đám, góp phần tạo nên bộ "quốc phục" của quý bà thời xưa.

Khi xưa ở với mẹ cha
Một năm chín yếm xót xa trong lòng
Từ khi em về nhà chồng
Chín năm một yếm, em lật trong ra ngoài.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiếc yếm được ra đời là để tôn lên cái lưng ong vốn được xem là một nét đẹp của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam.
Theo quan niệm truyền thống của người Việt, một cô gái đẹp là phải có cái lưng được thắt đáy nhỏ nhắn như cái lưng ong. Người Việt xưa cho rằng những cô gái với cái lưng ong không chỉ mang một dáng hình đẹp mà còn có đầy đủ tất cả những đức hạnh của một người vợ, người mẹ.


Đàn bà thắt đáy lưng ong
Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.

< Áo yếm ngày xưa.

Cái yếm xuất hiện trong cuộc sống của người dân Việt Nam không biết tự lúc nào và mãi tới đời nhà Lý (Thế kỷ 12) cái yếm mới "định hình" về cơ bản. Theo dòng lịch sử, cái yếm không ngừng biến đổi, nâng cao tính thẩm mỹ qua những lần cải tiến.


Thuyền anh ngược thác lên đây
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.
Ở gần mà chẳng sang chơi
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.
Mồng tơi chẳng bắc được đâu
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang

Ở thế kỷ 17, cái yếm vẫn chưa có sự thay đổi lớn lao về hình thức. Thế kỷ 19, cái yếm có hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét lỗ làm cổ, hai đầu của lỗ, đính hai mẩu dây để cột ra sau gáy.

Nếu cổ tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xẻ, đít chữ V mà xẻ sâu xuống gọi là yếm cổ cánh nhạn. Bước sang thế kỷ 20, áo yếm càng được sử dụng phổ biến với nhiều kiểu dáng và mẫu mã phong phú.

Dành cho người lao động có yếm màu nâu dệt bằng vải thô. Người lớn tuổi mặc yếm màu thẫm.

Con gái nhà gia giáo mặc yếm nhiều màu, trang nhã và kín đáo. Loại yếm "ỡm ờ", màu sặc sỡ, cổ cắm sâu trễ quá bờ ngực, "thách thức" chỉ dân "trời ơi" dạng Thị Mầu mới mặc. Thời kỳ "cách tân" này, cổ yếm thường được "dằn" thêm ba đường chỉ để "bảo hiểm" hoặc may viền lằn vải, thêu hoa cặp theo đường biên cổ.

"Em đeo giải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay cầm nón quai thao".



Một loại yếm hay được các cô gái sử dụng nữa là "yếm đeo bùa". Gọi là yếm đeo bùa bởi người mặc chúng thường để xạ hương vào trong túi vải nhỏ đeo cạnh yếm, đó chính là thứ vũ khí vô cùng lợi hại của các cô gái thời xưa...

Không chỉ vậy, chiếc yếm còn làm nên những câu chuyện tình yêu vô cùng độc đáo. Xưa, các cô gái khi hẹn hò người mình yêu thường "ém" một miếng trầu trong chiếc yếm của mình, dân gian gọi đó là "khẩu trầu dải yếm". Có lẽ không có thứ trầu nào "linh thiêng" hơn loại trầu dải yếm này.
Để trở thành "quốc phục" của quý bà quý cô trước khi chiếc áo dài ra đời, đi kèm với cái yếm là chiếc áo cánh khoác ngoài không cài cúc.

Khi ra ngoài bên ngoài chiếc yếm phải có thêm chiếc áo dài, chiếc váy lưỡi trai bằng lĩnh, dải lụa đào hoặc màu mỡ gà thắt ngang lưng, cái xà tích bạc lủng lẳng, bộ "độ nghề" ǎn trầu bên phía cạnh sườn, chân mang dép.

Gió xuân tốc dải yếm đào
Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương.

Chưa hết, phục trang ra đường còn phải kể đến là hai chiếc khǎn đội đầu: khǎn nhiễu (quấn bên trong) và khǎn mỏ quạ (trùm bên ngoài). Nếu đúng dịp hội hè đình đám các cô gái thường trang bị thêm cho mình chiếc nón quai thao, tóc vấn cao cài lược.

Suốt chiều dài lịch sử, cái yếm đã đi vào "giấc mơ" của biết bao thế hệ mày râu. "Trời mưa lấy yếm mà che - Có anh đứng gác còn e nỗi gì?". Đáp lại, các nàng cũng chẳng vừa: "Ước gì sông hẹp tày gang - Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi".

Lược trúc lỏng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Ðôi gò Bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch Đào nguyên suối chửa thông

Hỡi cô mặc áo yếm hồng
Đi trong đám hội có chồng hay chưa?...
Cô kia yếm trắng lòa lòa
Lại đây đập đất trồng cà với anh.
Bao giờ cà chín cà xanh
Anh cho một quả để dành mớm con.
Cho đến câu nhớ nhung, mong đợi của kẻ xa quê
Mình về mình có nhớ chăng
Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình.
Ta về ta cũng nhớ mình
Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao

Cái yếm là thứ trang phục vừa kín đáo, vừa... “ỡm ờ” một cách nghệ thuật và độc đáo. Chả thế mà Thị Mầu nói với chàng nô: "Gió xuân tốc dải yếm đào - Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương!"...
Hay như thơ Hồ Xuân Hương:

Lược trúc lỏng cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Ðôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào nguyên suối chửa thông.
Cuộc cách mạng yếm xảy ra vào thế 20 khi các kiểu áo Tây phương xâm nhập vào Việt Nam với sự ra đời của rất nhiều kiểu yếm và áo ngực mới lạ. Trang phục du nhập vào có tính tiện dụng hơn hẳn nên Yếm không còn được sử dụng rộng rãi nữa, yếm thường chỉ được dùng cùng với các trang phục cổ trong các dịp lễ hội truyền thống.

Ngày nay chiếc yếm đã được cải tiến gọi là áo yếm để dùng cho các em gái mới lớn. Áo yếm dùng mặc trong có hai dây đeo lên vai thay vì trước đây chiếc yếm có hai dây buộc quanh cổ và hai dây bên buộc ngang lưng... nhưng chiếc áo yếm ngày xưa vẫn xứng đáng là một di sản trang phục của Việt Nam.

Còn đâu cái yếm lụa sồi

Du lịch, GO! Tổng hợp từ báo Huế, Wikipedia và nhiều nguồn khác.
Vườn cò Mong Thọ nằm gần khu dân cư ấp Phước Trung, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành (Kiên Giang), được ví như vùng “đất lành chim đậu”: hàng vạn con cò đã bay về tụ tập tại vườn tạp của một người dân địa phương, hình thành một vườn cò rộng lớn. Vào dịp cuối tuần, ngày lễ, khách đến đây rất đông để tham quan, vui chơi...

Từ thành phố Rạch Giá đi ngược lên Mong Thọ, đến cầu Mống (cách chợ Rạch Sỏi khoảng 4 cây số) có ngã ba bên trái và đi thêm khoảng 4 cây số đường trải đá đỏ là đến vườn cò. Nơi đây rộng khoảng 5ha trồng nhiều loại cây tràm, bình bát, tre, đồng cỏ... gần như bỏ hoang. Cách nay gần 10 năm, từng đàn cò kéo về đây trú ngụ và hình thành một sân chim rộng lớn.

Chủ vườn là anh Quách Thanh Hồng mua thêm đất của những người xung quanh để trồng cây cho các loại chim, cò về ở. Vườn cò cũng từ đó lớn dần lên và rộng như hiện nay. Nơi đây suốt đêm lẫn ngày, tiếng chim cò rộn rã.
.
Vào ban ngày, dù là thời gian chim, cò bay đi kiếm ăn nhưng vườn cò vẫn sôi động. Cò con chưa bay được nhưng vẫn ríu rít không yên. Chưa có một thống kê về số lượng nhưng ước tính chim, cò ở đây lên đến hàng trăm ngàn con. Nhiều nhất là các loại cò trắng, cò quăm... Kế đó là cồng cộc và bồ nông, diệc, chim cú...

Khoảng hơn 4 giờ chiều là lúc từng đàn cò từ vài chục đến vài trăm con từ bốn phía đổ về vườn. Lúc cao điểm, cả bầu trời rợp bóng chim, cò.
Khu vườn vốn rộn ràng càng thêm tấp nập với những âm thanh hoang dã vui tai. Có thể nói tại Kiên Giang, sau sân chim ở Vườn quốc gia U Minh Thượng thì vườn cò Mong Thọ có số lượng cá thể chim đông và quy mô lớn. Những năm trước, vườn cò này có tên trong danh mục các điểm đến của du lịch Kiên Giang. Tuy nhiên, do đường sá đi lại khó khăn nên một số doanh nghiệp lữ hành loại ra khỏi chương trình tour. Dù vậy, khách đi chơi lẻ vẫn đến đây ngày một đông, chủ yếu đi bằng xe gắn máy hoặc thuê vỏ lãi từ bến cầu Mống.

10 năm qua, vườn cò Mong Thọ là điểm đến của nhiều nhiếp ảnh gia ở ĐBSCL và TPHCM. Có không ít những bức ảnh đẹp ghi lại những khoảnh khắc hoang dã của đàn cò. Thích nhất là vũ điệu của chúng: mỗi chiều cò mẹ lại ngậm đầy thức ăn về cho đàn con, chúng bay lượn trên không và đáp xuống tổ trong sự chờ đợi của những chú cò con; trên những cành cao, những con cò trưởng thành thỉnh thoảng lại tung cánh lượn lờ, đá nhau... như đang vui đùa sau một ngày kiếm ăn.

Vào dịp cuối tuần, ngày lễ, khách nội tỉnh và các vùng lân cận đến vườn cò rất đông do khoảng cách từ thành phố Rạch Giá đến vườn cò chưa đầy 20 cây số. Dịp cuối tuần của nhiều người đến đây để thư giãn, thưởng thức cuộc sống hoang dã và vũ điệu của những cánh cò. Không ít các đoàn khách đến Kiên Giang thưởng ngoạn cảnh đẹp Phú Quốc, Hà Tiên trên đường về ghé qua vườn cò Mong Thọ dạo chơi một vài giờ.

Du lịch, GO! - Theo báo Cần Thơ, internet
Nhiều đôi, đã chọn đảo đèn Hòn Dáu- Hải Phòng, là nơi ghi dấu những khoảnh khắc hạnh phúc đầu tiên của cuộc sống vợ chồng.

Hiếm có hòn đảo nào gần đất liền lại được nhiều ưu ái của cả thiên nhiên và truyền thuyết như đảo Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng). Tên Hán Việt còn gọi là Dáu Sơn, nằm phía Đông Nam bán đảo Đồ Sơn, cách mỏm cực Nam của bán đảo Đồ Sơn 1km. Đèn biển Hòn Dáu đặt trên đỉnh cao 128m, được xây dựng từ năm 1892.

Cự ly chiếu sáng 25 hải lý, hướng dẫn tàu biển ra vào cảng Hải Phòng. Chỉ sau khoảng 20 phút "cưỡi" trên những con sóng uốn lượn từ bến Nghiêng - Đồ Sơn, bạn đã lạc vào chốn rừng núi hoang sơ, tận mắt ngắm nhìn tháp đèn biển - một công trình hơn trăm tuổi - giữa những làn gió mát rượi phóng khoáng của biển khơi.
.
Con đường lên đảo không dốc và cũng chỉ dài vừa đủ để du khách cảm thấy sảng khoái như sau một buổi tập thể dục. Thích nhất có lẽ là được đi dưới "mái nhà" lợp bằng những tán cây cổ thụ và dây leo chằng chịt.

Những chùm rễ si trắng nõn buông rủ như tơ liễu. Cơ man nào là cây cổ thụ gốc to vài người ôm. Những thảm lá lốt xanh rì, điểm thêm các vạt cúc dại cánh trắng, nhị vàng, đầy thơ mộng. Đối với những người chốn thị thành, một chút rừng nguyên sinh tuy không đến mức hoang vu và kỳ bí song cũng thật lạ, gặp một lần nào dễ đâu quên.

Rừng ở đây còn cả ba tầng thực vật, ở ngay nơi tàu bè vạn chài qua lại tấp nập là nhờ oai linh của vị Nam Hải Thần Vương.

Chuyện kể rằng sau trận thủy chiến với giặc Nguyên trên sông Bạch Đằng của nhà Trần, bà con trên đảo thấy một tử thi không đầu trôi vào đảo. Nhìn y phục biết là tướng nhà Trần tử trận, bà con thành kính khói hương chờ trời sáng sẽ mai táng. Nhưng mối đã đùn thành mộ. Bà con bèn lập đền thờ và gọi ngài là Nam Hải Thần Vương.

Tương truyền ngài rất thiêng không ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo kể cả cành củi khô, nếu không sẽ bị phạt phải đem trả mới yên. Có lẽ vì thế mà cảnh quan trên đảo còn nguyên vẹn, cống hiến cho du khách một góc nhìn kỳ thú.
Cây đèn biển hơn trăm tuổi mệnh danh là mắt ngọc của tổ quốc lại là một nét nhìn mới lạ khác với du khách. Cao như một tháp pháo đài cổ vút lên giữa đảo và trên cùng là ngọn hải đăng chiếu xa tới 40km. Những con tàu đi biển xa khi bắt được ánh hải đăng Hòn Dáu là được trở về bến đậu. Biết bao lượt du khách đã bước theo những bậc cầu thang gỗ bóng lừ để lên đến đỉnh ngọn đèn. Biết bao đôi lứa yêu nhau đã in sâu kỷ niệm nơi đây.
Cảm giác khi đứng trên độ cao hàng chục mét mà đón cơn gió căng tràn sức sống của biển thật hào sảng.
Bỗng nhiên không gian sao rộng lớn đến vậy và cái nhìn dường như giàu có, cao, xa vời vợi. Rồi một bữa ăn hải sản tươi sống trên đảo trong lầu Vọng Gió, một giấc ngủ nhẹ nhàng giữa bao la mây trời và sóng nước, hay trong ngôi nhà bảy gian tám gian được xây từ thời Pháp thuộc đã gần thế kỷ sẽ làm giàu thêm ký ức và xúc cảm của mỗi người.

Chỉ mất vài triệu, với thời gian di chuyển không nhiều bạn có thể đến với Đồ Sơn, đến với Hòn Dáu để tận hưởng vị mặn mòi của biển, chút hoang sơ của rừng núi...để nghỉ ngơi sau những lo toan cho ngày cưới của mình.

Du lịch, GO! - Theo Lao Động Thủ Đô, ảnh minh họa

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống