Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 8 August 2011

Tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ cạnh ngã sáu trung tâm thành phố Nha Trang, nhà thờ Chánh Tòa - thường gọi là nhà thờ Núi - là một kiến trúc hoành tráng, sừng sững trên nền trời xanh ngắt, quanh năm lộng gió đại dương, luôn thu hút sự chú ý của những người từng đặt chân đến miền đất thuỳ dương cát trắng dịu hiền này.
Theo Quách Tấn viết trong Xứ Trầm Hương thì ngọn đồi đó, vốn xưa là Hòn Một - tên chữ là Hoa Sơn - được ví như con Rùa Vàng (Kim Quy) trong thế phong thủy Tứ thủy triều quy, tứ thú tụ của cuộc đất xứ Nha Trang.

Khi mở rộng đô thị về phía nam, người Pháp đã xẻ ngọn núi đá này làm đôi, mở đường Phước Hải (nay là đường Nguyễn Trãi). Nửa phía đông, đến nay dấu tích núi Một vẫn còn dù người ta đã đục phá, lấy đất xây nhà ở. Nửa phía tây, được coi là phần thân của Rùa Vàng được san phẳng để xây nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang ngày nay.

Chủ trì dự án xây dựng ngôi thánh đường này là vị linh mục Hội Thừa Sai Pháp (MEP) Louis Vallet (1846-1945), trước đó, vị linh mục này đã hoàn thành việc xây dựng nhà thờ Chánh Toà thành phố Đà Nẵng. Ngày 03-9-1928, công trình được khởi công, khoảng 500 trái mìn đã được dùng để san bằng đỉnh núi.

Trong một chuyến kinh lý vào tháng 2-1933, vua Bảo Đại đã đến thăm khi công trình đang được hoàn thiện. Lúc ấy, bộ chuông đồng đúc ở Pháp chở sang được treo tạm trên tháp gỗ. Đến tháng 4-1935, phần tháp chuông như hiện nay - cao 32m tính từ mặt sân nhà thờ - mới được khởi công và hoàn thành sau đó 4 tháng.

Trên tháp chuông có gắn chiếc đồng hồ lớn, có bốn mặt quay ra bốn hướng. Khoảng năm 1969, chiếc đồng hồ bị hỏng, mãi tới năm 1978, mới được sửa chữa và chạy lại cho đến nay.
Mặt trước nhà thờ quay về hướng Bắc, có hai lối đi lên.

Phía trước có 53 bậc cấp đi bộ từ đường Thái Nguyên lên, qua cổng là đến Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, xây dựng tháng 4-1940.

Lối thứ hai đi từ quảng trường cạnh ngã sáu vòng quanh phía sau lên sân nhà thờ có độ cao chừng 8 mét so với mặt đường phố chung quanh. Con đường này được lát đá chẻ năm 1941.

Đứng từ xa nhìn, rất nhiều người vẫn lầm tưởng công trình kiến trúc đồ sộ này được xây dựng hoàn toàn bằng đá chẻ, một loại vật liệu xây dựng kiên cố, có rất nhiều ở Nha Trang và khắp tỉnh Khánh Hoà. Vì thế ngoài tên gọi chính thức là nhà thờ Chánh Toà, còn có tên nhà thờ Núi (vì ở trên núi) và... nhà thờ Đá.

Mô hình nhà thờ này khiến nhiều người liên tưởng đến những thành quách, lâu đài ở La Mã cổ đại với vách tường xây đá trần trụi; đặc biệt là những vòm cuốn dọc hành lang hay cửa sổ lắp kính màu hoa văn trang trí rất xa lạ với kiểu thức kiến trúc phương Đông. Thực tế thì đá chẻ chỉ được dùng lát đường và sân.

Toàn bộ hệ thống trụ chịu lực được đúc bê tông cốt thép, còn những mảng tường được xây gạch thẻ, tô xi măng rồi kẻ chỉ.

Một số người quan sát gần, biết tường nhà thờ không phải đá chẻ nhưng lại tưởng là xây bằng táp-lô đúc xi măng! Đặc biệt, chỉ phần mái bằng của hành lang chạy dọc hai bên được đổ bê tông cốt thép, còn toàn bộ mái vòm bê tông của nhà nguyện đều được dùng cốt tre cật và lưới thép mắt cáo.

Năm 1998, khi linh mục Phê-rô Nguyễn Quang Sách xây dựng nối thêm ba phòng sinh hoạt ở phía sau đã giữ nguyên các chi tiết kiến trúc của nhà thờ; chỉ khác là tường được xây bằng táp-lô đúc xi măng và mái bê tông cốt thép.

Tính từ ngày khánh thành đến nay, nhà thờ Chánh Toà Nha Trang đã hơn 80 năm tuổi. Công trình xây dựng này vẫn vững chãi và xứng đáng là một kiến trúc hoành tráng, một thắng cảnh độc đáo của thành phố biển Nha Trang.

Nằm ngay giữa trung tâm thành phố, với kiến trúc Tây phương độc đáo uy nghiêm, cảnh quan đẹp mắt, ngôi thánh đường này thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà quay phim và nhiếp ảnh.

"Kiến trúc ngôi nhà thờ Nha Trang không giống phần đông nhà thờ khác trong toàn quốc. Kiểu thức vừa cổ kính vừa tân kỳ. Tất cả vách, mái, nền, cột đều toàn xi măng. Và đứng chắc trên một đầu non, với "bộ áo xám tro", hình tướng trông nửa như khiêm nhường, nửa như ngạo nghễ.

Lại gần nhìn kỹ lại có vẻ nghiêm khắc cô cao. Nhờ những khóm trúc đào hoa nở quanh năm ở trước sân, nhất là khóm đa xanh mát đứng che Tiểu Vương Cung của đức Bà Maria ở đầu bậc cấp bước lên, làm cho "nét mặt" Nhà Thờ bớt phần khô khan lạnh lạt" (Trích "Xứ Trầm Hương" - Quách Tấn)

Du lịch, GO! - Theo TBKTSG, Phunudulich, internet

Sunday, 7 August 2011

Chính khát vọng tìm hiểu đã níu tôi về với Y Tý, đường đi là một hành trình không lấy gì làm thoải mái. Chiếc xe khách cũ kỹ trùng trình như con rùa nặng nhọc đưa chúng tôi về Mường Hum, rồi từ đó, chiếc xe ôm với một tay lái cừ khôi đã chở tôi rẽ màn sương và lạnh vào Y Tý - nơi người ta vẫn gọi là xứ sở của sương mù và giá lạnh của vùng cao huyện Bát Xát - Lào Cai.

Lúc còn ngồi trên xe khách, tôi đã nhẹ nhàng hát bằng sự hào hứng khó tả, nhưng với cái lạnh thốc vào mặt, cứa vào da thịt thế này, cộng thêm cung đường khúc khuỷu, thăm thẳm dốc và hun hút gió lại xóc nảy óc đã làm giảm nhuệ khí của một chàng trai. Tôi âm thầm nhẩm những câu thơ nhớ về Hà Nội. Ôi chao, tôi tình nguyện ra đi cơ mà? Tôi tình nguyện để đến với vùng cao, để hòa đắm trong cảnh sắc và con người.
.
Và trước đó, đã xác định đây là một chuyến đi hành xác, không lời nói nào làm nản lòng được ý chí tôi. Thế mà giờ... tôi càng nể những người dân nơi đây ở khả năng chịu đựng. Bao nhiêu năm qua, đồng bào các dân tộc vẫn ăn đời ở kiếp, sống và bảo vệ rừng, bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc, rồi sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống và làm nên những nét văn hóa đặc sắc của mình.

Rượu hâm nóng mà các chiến sĩ Đồn biên phòng 273 nhiệt tình thết đãi không đủ làm tôi hết lạnh ở đêm vùng biên. Gió ngoài kia vẫn rít lên từng hồi. Màn sương vón cục đọng trên tán lá và rớt xuống lộp bộp như những cục mưa lớn. Đêm ở Đồn biên phòng, lòng xa xót một tiếng khóc trẻ con từ đâu vọng lại. Rồi tịnh không, giữa đêm đen bịt bùng bởi rừng sương, chỉ thấy tiếng mưa cựa quậy.

Đồn phó quân sự Y Tý Trần Văn Khảo nói rằng, người dân vùng biên tái này sống chịu đựng nhưng nề nếp. Bên trong những ngôi nhà trình tường độc đáo mờ mờ trong sương và rừng là biết bao kho chuyện lạ. Và cùng bởi ý thức của người dân cao, nên trong tâm khảm họ luôn hiện diện một lời thề giữ rừng. Họ coi những cánh rừng nguyên sinh của mình là báu vật, đời nọ tiếp đời kia truyền nhau bảo vệ. Người lớn dạy cho người bé biết yêu rừng, người già nói cho người trẻ biết yêu suối, cán bộ chỉ cho dân cách thân thiện với môi trường...

Tháng Ba đến, người dân có Tết cúng rừng. Rừng cúng này không ai được vào làm điều ô uế, gian tà. Không ai được vào lấy một cái gì, kể cả cây đổ, củi khô. Ai phạm vào điều cấm đó thì bị phạt nặng, có khi bị đuổi ra khỏi bản. Luật tục của người Hà Nhì bao đời nay là thế và rừng cứ xanh thêm, rộng thêm. Cho nên, những ngọn lửa bình yên ngày nào cũng đỏ trong những ngôi nhà trình tường.

Đồng bào dân tộc Dao, Mông và Hà Nhì ở đây không mong gì hơn là một mái nhà lúc nào cũng đỏ lửa, những bồ lương thực đầy và cánh rừng xanh mát. Thế nhưng, không phải bao giờ thiên nhiên cũng ưu đãi họ. Thiên nhiên khắc nghiệt cộng với những thiên tai bất thường đã làm cho họ cơ cực hơn, lạc hậu và đói kém.

Phiên chợ trong sương.

Sớm sau, những chiến sĩ biên phòng đưa tôi đi chợ sớm. Phiên chợ diễn ra trong sương và gió. Những người già, những em bé gò lưng cõng rau xuống chợ. Các gian hàng đơn sơ. Những trao đổi cũng đơn sơ. Tất cả những hình ảnh nhỏ bé và bình dị ấy làm nên phiên chợ vùng cao hiu hắt, đến cả tiếng cười cũng hết sức khiêm tốn. Ở giữa sương mù và giá lạnh ấy, dù là đông người và bên cạnh tôi còn có những chiến sĩ biên phòng, nhưng lòng tôi đã có những so sánh. Biết bao giờ cuộc sống của người dân nơi đây mới bằng một phần dưới xuôi?

Và, không phải bây giờ mới có người ước, mà ước mong đó lúc nào cũng day dứt ở trái tim các chiến sĩ biên phòng, những người dân và các giáo viên cắm bản. Bao năm họ cùng với đồng bào giữ vững vùng biên cương, giữ cho màu rừng luôn xanh tươi và các nương lúa chín vàng mỗi độ thu về. Để mai kia đông qua xuân tới, ở chính những kẽ nứt của nhành cây, trên hốc đá núi cao hơn 2.200 mét, lại bật lên những bông hoa xuân tươi thắm tràn trề nhựa sống.

Mùa xuân của đất trời đến với Y Tý muộn, nhưng với những người dân, mùa nào cũng là mùa xuân. Bởi họ sống thánh thiện và biết thế nào là đủ với mình. Bởi họ biết thế nào là giá trị của cuộc sống. Cũng như những người làm nghề gieo chữ trên rẻo cao này. Họ biết thế nào là tốt cho cuộc đời và biết những người dân đang cần gì ở họ. Vì thế họ đã ra sức (dẫu nhọc lòng nhọc xác) chăm cho những cây đời, chăm cho những mầm non bé nhỏ.

Đôi vợ chồng anh Nguyễn Tiến Dũng và chị Nguyễn Thị Phượng đã gần 10 năm cắm bản, gieo cái chữ, cũng là gieo những nếp văn hóa để làm đặc sắc thêm nét văn hóa truyền thống của một vùng đất. Y Tý còn gian nan và công việc gieo chữ, trồng người ở đây có lẽ là gian nan nhất.

Đường xá thì lầy lội và cheo leo, cơ sở vật chất nghèo nàn. Những điểm trường ở Lao Chải, Hồng Ngài, Sín Chải, Phan Cán Sử... còn chưa có điện, lớp học tạm bợ và nhiều phòng phải học ghép. Nghĩa là cả hai hoặc ba lớp với trình độ khác nhau phải ngồi chung phòng và có những giáo viên dạy riêng. Nhưng cũng có phòng hai lớp, lại chỉ có một người đứng dạy, lớp này là văn lớp kia là toán.

Mùa đông băng giá, nhiệt độ xuống đến 4 độ mà thầy trò vẫn nhiệt tình dạy và học. Sương giăng đến nỗi hai người đứng cách nhau hai sải tay mà chẳng nhìn rõ mặt. Sương nuốt chửng cả những ngôi nhà và tràn vào lớp học. Khiến cho lớp học cũng nhầy nhụa như ở đường đi. Sương còn làm ướt bảng thầy, làm mủn sách trò, làm cho biết bao sinh hoạt khác bị trì trệ và khó khăn. Lại nữa, đôi khi thầy phải xắn quần đến tận nhà "săn" những học trò trốn học đem về lớp, cho đầu các em sáng hơn mỗi ngày bởi những con chữ no tròn nhiệt huyết....

Tôi từng thắc mắc rằng, sẽ có những công việc khác, đỡ nhọc nhằn hơn ở vùng xuôi để những giáo viên ở đây lựa chọn. Thầy giáo Dũng đã nói: "Ở đời, đâu thiếu những sự hy sinh. Nếu ai cũng nghĩ đi tìm công việc khác, để khỏi vất vả nơi vùng cao, thì cuộc đời này sẽ thế nào".

Vâng, một câu trả lời dứt khoát của người có tâm. Dù khó khăn và nhọc xác, nhưng họ đã chọn sống và làm việc, cống hiến và chịu đựng ở đây như một sự lựa chọn có duyên từ tiền kiếp. Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. Họ nghĩ thế và chúng ta nên có nhiều người nghĩ và làm thế. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành cho ai.

Thành quả mà nhiều năm qua, các thế hệ giáo viên các anh đã làm được là 5 sinh viên đại học, gồm hai chị em Ly Thó Chụ và Ly Thó Xa (Sư phạm Tây Bắc), Ly Giờ Gụ (Kinh tế quốc dân), Tráng Thó Phia (Mỹ thuật Hưng Yên), Tráng Thị Hoa (Sư phạm I Hà Nội). Những người này sẽ góp phần làm nên sự đổi khác cho Y Tý tương lai.

Hơn một tuần ngủ đêm và chiêm ngưỡng sương giăng, cùng oằn mình trong tê buốt, tôi chưa hiểu được cặn kẽ về Y Tý cũng như rất nhiều bí mật về những khu rừng già chẳng bao giờ dễ khám phá.

Nhưng tôi biết, ngày mai, khi tôi về xuôi thì những người dân tôi vừa gặp sẽ lại làm công việc của họ. Các chiến sĩ biên phòng sẽ lại đi tuần, vượt rừng vượt suối canh phòng biên cương. Những thầy cô giáo sẽ lại lên lớp. Con người luôn có những cách riêng để mở kho báu và chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Lại sắp Tết Nguyên đán rồi, Y Tý vẫn tê cóng nhưng lòng người ấm áp quá. Tôi phải về xuôi thôi. Hơn một tuần ít ỏi ở đây đủ cho tôi hiểu thế nào là sự chịu đựng, cống hiến và thế nào là hạnh phúc. Chiếc xe máy của một người dân, nhận làm xe ôm đưa tôi đi qua những cung đường gập ghềnh để trở về Mường Hum và sẽ theo xe khách về xuôi.

Tôi bỗng thấy ánh mắt trong veo của một cô gái Hà Nhì thập thò sau cánh cửa nhìn mình. Hình như cô đang váy xáo xúng xính chuẩn bị xuống chợ sắm Tết. Lòng ước ao xuân ấm sẽ về nơi này và hẹn ngày trở lại

Du lịch, GO! - Theo CAND, ảnh internet
Từ lâu, người ta đã biết đến Phong Nha - Kẻ Bàng như một kỳ quan thiên nhiên với hệ thống hơn 300 hang động đẹp và lớn nhất thế giới. Ở giữa rừng già bạt ngàn của kỳ quan còn có những con người nhỏ bé đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt.
Năm 2009, sau khi Hiệp hội Hang động hoàng gia Anh (BCRA) phát hiện hang Sơn Đoòng với công bố chấn động thế giới (hang động lớn nhất thế giới), người ta đã tìm ra một con đường mòn trong rừng sâu để đến Sơn Đoòng đi xuyên qua hang Én. Và chúng tôi cũng lần theo con đường độc đạo này.

Người đi qua dãy Trường Sơn

Trong cái nắng gay gắt của những cơn gió Lào tháng 6, sau nhiều giờ băng rừng, chúng tôi đến được bản Đoòng nằm cô quạnh và duy nhất trên con đường mòn xuyên rừng dẫn tới kỳ quan Sơn Đoòng. Bản chỉ có năm hộ gồm không quá 30 người.
.
Hỏi thăm bà con là người dân tộc gì, thật bất ngờ khi người thì nói Vân Kiều, người lại cho mình là Ma Coong, còn trưởng bản bước ra tươi cười: “Tôi là Nguyễn Sỹ Tòa, người Kinh!”.

Ông Tòa, năm nay đã 62 tuổi, mời chúng tôi vào chiếc lán bằng lá tạm bợ ở rìa bản, vì “cái nhà sàn của tôi bị lũ cuốn trôi năm ngoái chưa cất lại được”. Quê tận ngoài Lệ Thủy, Quảng Bình, ông từng có thời gian dài sống ở Đồng Hới. “Cha tôi là cán bộ tỉnh Quảng Bình từ những năm chống Pháp, khi đi công tác vào vùng Cam Lộ, Quảng Trị thì gặp mẹ tôi, một sơn nữ người Vân Kiều và hai người nên vợ nên chồng sau khi tổ chức cho phép…” - ông kể.

Năm 1949 ông Tòa chào đời và được cha đưa về Đồng Hới sinh sống, mẹ ông vẫn ở lại Cam Lộ. Vào những năm 1960, cha ông Tòa đã là ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh, có nhà riêng ở Đồng Hới. Năm 1966, sau một trận ném bom của máy bay Mỹ, cha ông bị trọng thương và mất sau đó.

“Cha mất, tôi nhớ mẹ, nhớ những ký ức về rừng núi nơi tôi được sinh ra, nên đã tìm lên miền núi Bố Trạch sống với những người Vân Kiều trên dãy Trường Sơn” - ông nói.
Ông không nhớ mình đã đi qua bao bản làng trên dãy Trường Sơn, hết Bố Trạch rồi lên Tuyên Hóa, Minh Hóa vào tận Hướng Hóa, Khe Sanh của tỉnh Quảng Trị. Hết sống với người Vân Kiều lại kết nghĩa anh em và chung sống với người Ma Coong, người A Rem, người Rục, người Mày…

Ở đâu ông cũng được kính trọng bởi ăn nói lưu loát và biết chữ, nhiều nơi đã bầu ông làm già làng, trưởng bản vì ít ai biết ông là người Kinh. Trong thời gian ở Hướng Hóa, ông đã gặp bà Hồ Thị Kà Rò, một phụ nữ Vân Kiều và lấy làm vợ.

Công chúa rừng xanh

Năm 1990, ông đưa vợ con và một số hộ Vân Kiều, Ma Coong đến thung lũng Đoòng nằm sâu trong rừng để lập bản sinh sống. Vì nặng nợ với núi rừng nên những đứa con đầu ông đặt tên theo kiểu rừng xanh: Chim, Chóc, Chứa, Chan… Đến đứa út, thương con gái sau này mang tên chim thú sẽ khó lấy chồng, suy nghĩ mãi ông đã đặt tên là Nguyễn Thị Công Chúa.
Ông cười sảng khoái: “Cả khu rừng này không ai xinh bằng, nó chính là công chúa rừng xanh đó mà”.

Công Chúa càng lớn càng xinh đẹp, thu hút những chàng trai gan dạ nhất của hoang mạc đá vôi Kẻ Bàng thuộc những tộc người A Rem, Rục, Ma Coong… tình cờ đi qua bản. Khi Công Chúa lên 14 tuổi, có một chàng trai Vân Kiều ở Trường Sơn, Quảng Ninh tìm vào xin đặt sính lễ hỏi cưới, ông Tòa bảo: “Nó còn con nít, nếu mày thương nó thật lòng cứ để sính lễ lại đây, khi nào trưởng thành thì vào rước”.

Sính lễ là số tiền 1,2 triệu đồng được chàng trai Vân Kiều để lại mà ông chưa biết tên. Sau này nhiều người khác cũng tìm đến, họ ra sính lễ 2 triệu, rồi 4 triệu, 5 triệu đồng nhưng ông từ chối: “Tao cũng chưa biết tên, biết bản làng cái thằng rể tương lai, nhưng đã nhận sính lễ rồi thì mười năm nữa tao vẫn chờ nó vào rước Công Chúa”.

Đầu năm 2011, chàng “hoàng tử” Vân Kiều trở lại khi Công Chúa đã đủ tuổi lấy chồng và rước nàng về Trường Sơn. Ông chép miệng lắc đầu: “Ở rừng mấy chục năm nên tôi không nhớ là mình phải tìm một thợ chụp ảnh vào chụp đám cưới cho Công Chúa, tiếc thật!”.

Gian nan tìm thầy dạy chữ

Chúng tôi ngạc nhiên khi bản chỉ có năm hộ, trẻ con đếm chưa hết năm đầu ngón tay, vậy mà ngôi nhà sàn trước bản có tấm bảng đen với hai hàng ghế học trò. Ông Tòa giải thích: “Tôi thuê thầy giáo vào dạy chữ cho lũ trẻ con đấy mà”. Ban đầu thương con thương cháu không biết chữ sẽ khổ nếu sau này muốn hòa nhập với cộng đồng, ông Tòa đã vượt núi đến những bản Vân Kiều để tìm thầy giáo.

Gặp được thầy giáo trẻ, ông thuyết phục thầy vào dạy, đồng ý trả 1 triệu, 2 triệu đồng vì “lũ trẻ cần có chữ”. Nhưng chỉ dạy được không quá hai mùa trăng thì thầy chạy mất. Ông lại vượt núi ra tận UBND xã Tân Trạch để gõ cửa tìm thầy, đến lần thứ ba thì xã thương tình cử thầy giáo vào rừng. Ông đối xử với thầy như thượng khách, gà nướng heo quay chưa đủ, ông lại cắt rừng lấy mật ong, vào hang Én bắt chim về hầm lá thuốc cho thầy ăn tẩm bổ…

Ông Tòa nói: “Nhiều đứa trẻ thấy người lạ ở bên ngoài vào rừng là sợ lắm, nhưng lại thích được như người bên ngoài. Tôi nói với chúng muốn vậy phải biết cái chữ, vì không biết chữ người ta khinh như con vượn, con man”.

Theo bà Kà Rò, các thầy giáo trẻ sợ vào đây không phải vì khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc. Cái họ sợ chính là những trận lũ quét kinh hoàng có thể ập xuống bất cứ lúc nào, mà lũ trong thung lũng Đoòng mới thật khủng khiếp, nước dâng cao cuốn trôi tất cả.

Ông Tòa nhớ lại: “Đó là ngày 3-10-2010, lũ từ sông Rào Thương dâng lên rất nhanh, đàn bò 11 con, gia sản lớn nhất của cả bản, đang gặm cỏ ngoài bìa rừng đã bị cuốn trôi trong chớp mắt. Tôi chạy vội vào bản kêu mọi người chạy lên núi Ba Giàn cùng leo lên cây mít cổ thụ cao to. Tôi là người leo cuối cùng thì nước đã dâng đến tận cổ…”.

Cây mít rừng cổ thụ trên núi Ba Giàn đã cứu mạng gần 30 người dân bản Đoòng, nhưng nhà cửa, gia súc đều trôi biến theo dòng nước lũ.

Khi chúng tôi hỏi bao giờ mới nghĩ đến chuyện trở về phố, ông Tòa trầm ngâm một hồi rồi nói: “Cũng có nhiều người là bạn cũ vào tìm và kêu tôi về phố ăn ở cho đàng hoàng, nhưng tôi nói nếu muốn giúp tôi thì lo cho đám trẻ bản Đoòng được về xã ăn học là tôi cảm ơn, còn tôi và bà ấy đã coi rừng xanh là nhà của mình rồi, tôi không về đâu”.

Nhìn cảnh ông trông đứng trông ngồi người thầy giáo trẻ về xã mấy ngày chưa trở lại, rồi cái cách ông bàn với bà Kà Rò ngày mai ra kéo cái nhà sàn bị lũ cuốn trôi về dựng lại nhà, chúng tôi biết lời ông nói là chân thật.

Chia tay ông Tòa, chia tay bản Đoòng, vượt con dốc Ba Giàn cao ngửa mặt tìm đường về Trường Sơn Tây, chúng tôi vẫn thấy bóng ông thấp thoáng bên dưới thung lũng. Dáng người nhỏ xíu nhưng sao chiếc bóng ông lớn quá, lớn hơn cả đỉnh Phu-Et-Va ngàn thước cao của rặng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng.

Du lịch, GO! - Theo TTCT

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống