Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 19 August 2011

Bát Xát là gọi theo ngôn ngữ người Giáy với hai nghĩa hiểu khác nhau. Nghĩa thứ nhất là “Một trăm tấm cót”, còn nghĩa thứ hai là “miệng thác” hoặc “bến thác”.

Một năm trước, tranh thủ mấy ngày nghỉ rảnh rỗi, bốn đứa chúng tôi quyết định chạy lên điểm cao của vùng đất Tây Bắc - A Mú Sung để đến với Lũng pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Con đường từ Lào Cai lên Bát Xát không mấy ấn tượng vì đường nhỏ lại không có cảnh quan. Chỉ đến khi vào với vùng đất nơi có ngon nguồn con sông mới thực sự vất vả. Đường cấp phối cứ xóc ngược lên.
Khi đứng trên cao nhìn theo tay chỉ của anh bộ đội biên phòng hướng tới cột mốc biên giới, thấy tự hào khi đặt chân được lên mảnh đất này.
.

Bát Xát có 7 tộc người là Mông, Dao đỏ và Dao tuyển, Giáy, Hà Nhì, Hán, Tày và Kinh với hơn 50 nghìn khẩu. Nơi đây nằm dọc theo Sông Hồng, phía Bắc là huyện Kim Bình của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) phía Nam giáp thị xã Lào Cai, phía đông là Sông Hồng và tây giáp Sa Pa với diện tích 1.050 km2.

Những lớp học đã vào giờ tan. Lũ trẻ chạy với theo xe chúng tôi gọi váng: "Em chào cô!", có lẽ các em tưởng chúng tôi là cô giáo dưới xuôi mới lên.

Trường lớp tuênh toàng với những chiếc bàn xộc xệch, cái cổng liêu xiêu trong cơn gió và những phên giậu thủng lỗ chỗ. Đứng trong lớp học ấy, chúng tôi tự hứa với mình nhất định sẽ mang theo nhiều kẹo nhiều phấn hơn khi đến với vùng cao.

Trong lúc đang loanh quanh ở Ngài Thầu, chúng tôi được ngắm nhìn một cảnh quan đẹp nhất trong những cảnh quan đã biết, khi mây mù tản đi sau một cơn gió để lộ ra một biển mây tuyệt đẹp với ánh trăng sáng lủng liểng nơi đầu non và để rồi lại chỉ một cơn gió thoảng lại xóa sạch đi vạn vật như chưa từng thấy trước đó.

Bát Xát có hồ Tả Sín, hồ này rộng khoảng 4 ha, quanh năm đầy nước, cung cấp. Nhờ có nguồn nước này mà cánh đồng thị trấn Bát Xát bốn mùa lúa, ngô, hoa màu xanh tươi; là môi trường lý tưởng cho các loài thủy sinh phát triển.

Hồ nằm ở tổ 1 (còn có tên gọi khác là hồ Ná Luộc, vì ngày trước thuộc thôn Ná Luộc, xã Bản Qua). Vào đầu thập niên 80, hồ được nhân dân đào đắp và cho đến bây giờ, đây vẫn được coi là công trình thủy lợi lớn nhất của huyện Bát Xát.

Hàng năm, hồ cho thu hàng chục tấn cá các loại. Hồ Tả Sín và những cánh rừng sản xuất, rừng đầu nguồn bao quanh nó đã tạo nên một lá phổi xanh làm cho bầu không khí cả khu vực thị trấn Bát Xát và các xã lân cận luôn trong lành, mát mẻ. Hiện đã có đường xe máy đi vòng quanh hồ để du khách dạo chơi, vãn cảnh, nhưng người dân quanh hồ vẫn giữ nếp quen mấy chục năm đi lại bằng thuyền làm cho khung cảnh hồ thêm bình yên và nên thơ. Mỗi hoàng hôn, từng đàn cò trắng sau một ngày kiếm ăn lại quần tụ về đây, bay lượn trên hồ, đậu trắng rặng tre.

Đêm Y tí, tiếng gió vù vù quẩn quanh tưởng chừng như muốn cuốn bay mái nhà trên đầu. Vùng đất này cũng được coi là điểm đón mùa đông lạnh nhất trong cả nước.
Vào những ngày thời tiết khắc nghiệt, cả thung lũng này bị cô lập với bên ngoài. Giao thông tê liệt, hệ thống điện phập phù và đường dây điện thoại cũng không tới được.

Mùa đông năm 2007, cả Bát Xát trong cái lạnh khủng khiếp hiếm có từ trước đến nay, những khó khăn chất chồng lên đôi vai gầy. Mùa hè năm nay, thêm những cơn lũ đang nhăm nhe quật ngã mảnh đất này.
Những cái tên Dền Sáng, Mường Hum, Y Tí, Trịnh Tường...thân thương đang bị cơn nước lớn từ sông Hồng làm điêu đứng. Ruộng vườn, nhà cửa, những rừng thảo quả quanh năm vun xới nay mất trắng. Cái đói nghèo rình rập những bản làng xa xôi.

Bát Xát thân yêu đang cần lắm những bàn tay giúp đỡ, để bữa cơm không phải độn khoai độn sắn và để đôi mắt em thơ trong trẻo những nụ cười.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Citilink, báo Lào Cai.

Thursday, 18 August 2011

Qua cây cầu nhỏ này là đến xã Mépu thuộc huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Mépu là xã miền núi có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, công nghiệp - TTCN và phát huy các làng nghề truyền thống. Do Mépu rộng và nhiều người ở các địa phương khác đến định cư nên sau này được phân chia thành hai xã: Mépu 1 và 2.

Mépu đã dần hình thành những vùng chuyên canh có sản lượng lớn như cây điều, cao su, cà phê, mì… Bên cạnh còn có nguồn lâm sản với các loại tre, nứa, gỗ phong phú, đủ cung cấp nguyên liệu phát triển ngành nghề chế biến nông lâm sản ở nông thôn.

Riêng về tiềm năng khoáng sản, địa bàn Mépu cũng là nơi tập trung nhiều mỏ sét, cát, sỏi, đá xây dựng… Chính vì giàu khoáng sản nên địa phương cũng không tránh khỏi nạn khai thác lậu.
.
< Khói xa xa là người ta đang đốt đồng.

Nhớ hồi năm 2006 tại khu vực Đồi Cờ, Thác 700 đã từng xẩy ra việc một số người dân từ Bảo Lộc đến khai thác trái phép quặng wolfram (kim loại cứng dùng để chế tạo thép hợp kim và sợi tóc bóng đèn điện) khiến một vùng bình yên trở thành đồi trọc tang hoang đầy hố hầm to nhỏ.
< Chạy qua một loạt hai nhà máy sản xuất gạch.

Đoạn từ Võ Xu đến Mépu và ngã 3 lộ 713 rộng thênh thang, một vài khúc đang tráng nhựa.
Nắng nhưng không chói chang, lại lắm cảnh đẹp hai bên đường nhưng bọn này không dừng lại: một phần vì đã khá trưa, phần khác cũng mong nhanh đến đèo và thác Tà Pứa.
< Một trong những rặng núi của rừng Tánh Linh.
< Nhà thờ MéPu, chỉ vừa khánh thành hồi tháng 2 này thôi.
< Chợ Mépu: vắng hoe do lúc này đã hơn 12h trưa. Chẹp, kiểu này phải mang bụng đói chạy tiếp!

Cuối cùng thì cũng đến ngã 3 Mépu: Nếu quẹo phải là vào TL 336 đi Đức Phú, Bắc Ruộng...
Nếu rẽ trái là lộ 713 lên Tà Pứa, Đoàn Kết, Thị trấn ĐạM'ri.
"Quậy" vòng vòng ở ngã 3 một hồi cũng không có gì ăn (thật ra có quán phở nhưng hết rồi, chẹp). Nhớ lúc trước khi đi, xem trên bản đồ thấy pa nào ghi chú có "Siêu Thị An Gia" tại đây! Chính điều này góp phần làm bọn mình bỏ qua chợ Võ Xu, Mépu để đến đây tìm "siêu thị ảo", he he...

Không sao, vẫn trực chỉ Tà Pứa thôi, ảnh bên là đường lên đèo, trên lộ người ta phơi lúa hà rầm...
Được một đoạn thì thấy cái quán này: Bún giò 15k/tô! Mình phẻ, người bán cũng vui vì mong hết hàng sớm - tô bún cũng khá là chất lượng, nhất là trong lúc đói cồn cào.
Ăn xong ra ngồi gốc cây cho mau tiêu. Bạn xem cây này độc đáo không: gốc một đàng, thân một nẻo nhưng vững chải vô cùng.

Nói chuyện chơi với ông chủ quán một hồi thì trời lại lất phất mưa. Ngoài kia bà con nháo nhào gom lúa vào bao vụi như hội.
Dứt hạt, bọn mình từ giã chủ quán rồi lên đường.
Vừa vào đèo là gặp ngay cái dốc 10 độ.
Nền đường còn ướt đẫm do cơn mưa nhỏ vừa rồi. Đèo vắng, thơm ngát mùi vị của rừng xanh.
Đèo Tà Pứa không dài nhưng đầy dẫy những khúc ngoặc gấp, cua tay áo... chạy rất sướng.
< Ngoặc nào...
Cảnh đẹp liên tiếp xuất hiện hai bên khiến bà xã réo dừng lia lịa.
< Cột cây số bên đường cho biết 34km nữa sẽ đến Bảo Lộc.
< Lại ngoặc tiếp nè...
< ... nữa nghen!

Nếu bạn nhìn đèo Tà Pứa trên bản đồ vệ tinh sẽ thấy đường ngoằn ngoèo như con rắn vậy.
Cũng may là trời âm u nhưng không còn mưa, nhờ vậy mới tạm thưởng thức cảnh đẹp tại đây.
< Phê lòi.
< Nhưng khoái tỉ...
< ... khoái tê.
Mấy năm trước: Tà Pứa là vùng đất có loại sầu riêng ngon khá nổi tiếng nhưng sau vài lần mất mùa, một số nhà vườn chuyển qua loại cây trồng khác nhưng tiếng sầu riêng Tà Pứa vẫn còn đó. Chắc do bọn mình đi quá trưa nên không có dịp mua ăn thử.

Ảnh trên là một vòng cung rất "đã" trên đèo nhưng máy mình không thể lấy toàn cảnh nổi - tạm ghép 2 tấm lại cho bà con xem chơi.

Ngoằn ngoèo một hồi rồi cũng ra khỏi đèo...
< Và bọn mình chuẩn bị cho đích đến kế tiếp: thác Tà Pứa.
Bà con muốn tới thì chú ý nghen: qua cây cầu nhỏ bắc ngang suối này...
Sẽ gặp cái chái con con. Bọn này tới và thấy một chị phụ nữ đang bán gì trong đó (hình như măng luộc?). Hỏi thì chị chỉ vào trong và nói "đâu có gì đẹp đâu mà vô...".

Khà khà, quả là bụt  chùa nhà không linh, người  ta nhìn thấy hàng ngày nên quen mắt, không thấy cái hồn của thác. Còn mình là khách phương xa khoái khám phá...

Mà thác có đẹp hay không, hồi sau bạn sẽ rõ nghen.


Còn tiếp

Điền Gia Dũng

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10
Từ ngày 19.5.2011, cung đường ĐT 725 - trong đó có đèo Lộc Bắc đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây là cung đường mới đường được nâng cấp - xây mới từ QL 725 cũ với tổng chiều dài khoảng 32,4km nối từ Lộc Bắc, Bảo Lâm đến huyện Đạ Tẻh để rồi xuôi về các ngả đường miền Đông Nam Bộ.

Tuyến đường sẽ phá thế độc đạo của tuyến quốc lộ 20 từ Bảo Lộc đi về 3 huyện phía Nam Lâm Đồng.

Công trình nâng cấp - xây mới tuyến đường ĐT 725 đèo Lộc Bắc do Công ty Quản lý Đường bộ 2 đảm trách việc thi công có chất lượng rất tốt, giúp đảm bảo an toàn giao thông một cách thông suốt cũng như phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân địa phương ngoài nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ việc vận chuyển sản phẩm alumin và vật tư của nhà máy alumin Tân Rai (huyện Bảo Lâm).

< Trên đèo Lộc Bắc.

Với mức đầu gần 423 tỷ đồng, Sở Giao thông vận tải, hai huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh và đơn vị thi công – Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 515, Công ty cổ phần Xây dựng và tư vấn đầu tư 18 đã tích cực triển khai thi công rút ngắn tiến độ sớm hơn 6 tháng theo hợp đồng xây dựng trong 24 tháng.

Cung đường ĐT 725 – đoạn Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm nối với xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh có chiều dài 32,3 km, quy mô xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi với nền đường rộng 5,5 m bằng bê tông nhựa. Trên tuyến còn được xây 3 cầu thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông dự ứng lực, mỗi cầu dài 33 m, tải trọng là HL 93.

< Đoạn khởi đầu vào QL 725 từ Đạ Tẻh vào đèo hơi xấu một tý vì chưa được sửa.

Đường ĐT725 mở ra cơ hội phát triển kinh tế vùng sâu. Đây là một trong những công trình quan trọng không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng đối với hai huyện nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Theo những cán bộ từng chung vai đấu cật với bà con dân tộc thiểu số trong những năm kháng chiến thì con đường này ngoài việc tạo ra sự phát triển kinh tế còn mang một ý nghĩa quan trọng, đó là trả nghĩa căn cứ kháng chiến xưa.

< Nhưng đến đèo rồi thì đường thênh thang, phẳng phiu.

Đoạn tuyến Lộc Bắc – Mỹ Đức là một mắt xích quan trọng cho toàn tuyến ĐT 725 nối Đà Lạt đến Đạ Tẻh, chạy song song với đường quốc lộ 20 tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa, lưu thông đi lại của người dân, kết nối với 3 huyện phía Nam của tỉnh. Đồng thời là tuyến đường chiến lược kết nối Lâm Đồng với các tỉnh Đắc Nông, Bình Phước.
< Cảnh nhìn từ trên đèo.

Du lịch, GO! đã vượt qua đoạn đường này ngày 14.8.2011 để quan sát thực tế (Xem chi tiết trong bài "Madagoui - Đạ Tẻh: hành trình tìm thác và đèo..."). Dù phần đường nối vào Đạ Tẻh có một đoạn khá xấu do ngoài dự án, phần còn lại thì tuyệt đẹp với khá nhiều con dốc 10° quanh co giữa núi. Nhiều đoan có tầm nhìn bao quát xuống đoạn đèo đã đi qua trông thơ mộng vô cùng, mùa lạnh phủ trong sương mù đúng nghĩa vùng cao nguyên.
Ở một đoạn khác giữa đèo có hai dòng thác nhỏ thôi nhưng khá đẹp. Do đèo mới mở nên thưa vắng xe, bạn có thể dừng ven đèo để thưởng ngoạn, chụp ảnh tùy thích.

Do các taluy có mới tinh tươm chưa phủ cây cỏ nên sau những cơn mưa có thể bị sạt lở. Tuy nhiên sau khi sạt được các nhà thầu khắc phục rất nhanh để giải phóng đường.

< Nhìn từ đỉnh đèo, chỉ chụp được một phần vì máy mình không thể lấy nổi toàn cảnh.

Lúc bọn mình đi thì đèo Lộc Bắc vẫn chưa hề có tên, có sự hiện diện trên các bản đồ vệ tinh. Tuy nhiên: từ Đạ Tẻh, bạn cứ hỏi người địa phương "đường đi Lộc Bắc" là người ta sẽ chỉ ngay, hoàn toàn không khó.

Chúc bạn có chuyến du hành tuyệt vời qua con đèo thú vị này nhé - Nhớ xem lại thắng trước sau, nhớ đổ xăng trước khi vào đèo.

Điền Gia Dũng - Du lịch,GO!

Madagoui - Đạ Tẻh: hành trình tìm thác và đèo...

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống