Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 22 August 2011

Trên những bờ cát tinh khôi không một dấu chân, bình minh sẽ tới thật nhanh và thật đẹp. Và chỉ khi vầng thái dương rực rỡ chớm soi, trái tim con người mới cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc được tận hưởng những vẻ đẹp của đất trời và biển đảo Việt Nam.

Cách xa đất liền mà luôn gắn kết bằng tình thương ruột thịt, bao bọc bởi mặt nước biển khơi mà như kề sát, những đảo xa của Tổ quốc luôn là nơi tâm thức người dân Việt đau đáu hướng về. Từ thuở hồng hoang các vua Hùng mở mang bờ cõi xuyên suốt qua lịch sử nghìn năm, hải đảo luôn là tiền đồn chắn sóng giữ yên miền đất Mẹ, cũng là nơi để các đội hùng binh trấn giữ và từ đó khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Các đảo trên vùng biển Thái Bình Dương của đất nước luôn ẩn chứa vẻ đẹp vừa dịu dàng thanh khiết, vừa hoang sơ, xứng đáng cho những trái tim yêu vẻ đẹp thiên nhiên tìm tới.
.
Thử hỏi có bờ cát nào đẹp như đảo Minh Châu, nơi hằng đêm cát trắng toả ánh hào quang lên bầu trời lấp lánh ánh sao? hay Quan Lạn với hệ sinh thái đồng bằng, rừng nguyên sinh nhiệt đới và biển cùng hiện hữu…? Sau hành trình du ngoạn trên vịnh Hạ Long lô xô hàng nghìn đảo lớn nhỏ, sau những buổi khám phá cuộc sống phóng khoáng của ngư phủ tại các làng nổi Cửa Vạn…, đích tới dành cho cặp mắt khát khao điều mới lạ ắt hẳn phải là cụm đảo Vân Đồn; Quan Lạn; Minh Châu…

Xa nghìn trùng sóng vỗ, trước đây để tới cụm đảo ấy chỉ có các đội thuyền gỗ lênh đênh hàng giờ, còn ngày nay trở nên thật gần gũi với các con tàu cao tốc, nối đôi bờ chỉ sau 45 phút vượt biển khơi.

Từng là tiền đồn trấn thủ và là thương cảng kết nối với các đội thương thuyền quốc tế, Vân Đồn còn nguyên dấu vết thời xa xưa, được minh chứng qua những cụm di tích khảo cổ gốm sứ rải rác trên bờ cát. Là nơi đã diễn ra trận hải chiến hào hùng của danh tướng Trần Khánh Dư đánh tan đạo quân Nguyên Mông, đảo mỗi năm lại rộn rã tiếng trống trận và rực sắc cờ trong nghi lễ tái hiện trận thuỷ chiến từ thế kỷ 13.

Từ nhiều năm nay, cái tên Quan Lạn dần trở nên quen thuộc với du khách trong và ngoài nước, nhưng khám phá hòn đảo tuyệt đẹp này chưa bao giờ mất đi ý nghĩa và sự thú vị.

Đảo xanh mướt rừng phi lao ven biển, tinh khôi bờ cát trắng không một dấu chân,gợi nên ý niệm về những vườn địa đàng nơi trần thế, ở đó không có ưu phiền và sân si. Có gì tuyệt bằng được dầm mình trong làn sóng xanh trong, ngắm bầu trời cao rộng phía trên và thả hồn phiêu diêu tới những miền mộng tưởng xa xôi nhất. Không điện lưới quốc gia mà vẫn đầy đủ tiện nghi, không sóng wifi phủ kín nhưng có thể lựa chọn đủ các loại bia và kem lạnh... Quan Lạn chứa đựng những điều mà cư dân thị thành chẳng mấy khi ngờ tới!

Nét chạm khắc từ thế kỷ 17 trên hệ thống vì kèo của ngôi đình cổ có thể làm say lòng người yêu lịch sử, còn những món tôm, cá, cua, ghẹ..tươi rói được đánh bắt từ biển trong ngày sẽ là niềm vui bất tận cho mọi thành viên trong mỗi gia đình. Thêm vào đó, Quan Lạn tiếp đón khách phương xa bằng món ăn độc đáo, sá sùng hay còn có tên đỉa biển. Loài sinh vật sống sâu dưới cát, hình dáng như chú sâu béo múp là món ăn tuyệt ngon, cùng cá thu, cầu gai.. tạo thành nhóm ẩm thực đậm đà hương vị biển khơi.

Hướng về miền Trung và xa hơn nữa là lựa chọn đa dạng cho những trái tim muốn được ngắm nhìn Tổ quốc từ phía biển xa. Cù lao Chàm hùng vĩ chắn sóng cho đô thị cổ Hội An chào đón khách bằng món cua đá tuyệt ngon và di tích khảo cổ, những đảo Hòn Mun, hòn Một, Hòn Tre… của vùng biển Khánh Hoà lại chào mời các thú vui ngắm sinh vật biển trong bể kính lớn, cưỡi đà điểu trong cuộc thi tài vui nhộn và những giờ lặn biển khám phá thế giới đại dương. Mỗi nơi một vẻ, mỗi vùng một dạng địa hình và khí hậu khác nhau, song bao trùm lên vẫn là tinh thần phóng khoáng của những con người ăn sóng nói gió, điều này có lẽ bắt nguồn từ chính nhịp sống của đảo được bao bọc bởi sóng gió biển khơi.

Tuy nhiên, hoang sơ nhất có lẽ là đảo Phú Quý hay Lý Sơn, nơi đó tình người tràn trề như ly rượu đầy và hương vị nồng ngát của tỏi cũng như vị mặn mòi của nước mắm sẽ thấm sâu vào tâm khảm, tạo nên tình yêu không thể nhạt phai đối với đảo xa. Phú Quốc mệnh danh đảo ngọc, Côn Đảo được gọi bằng cái tên “Thiên đường nơi hạ giới”, rồi chuỗi đảo hoang vu ven bờ tỉnh Kiên Giang.. lúc nào cũng là điểm đến yêu thích của những con người biết tận hưởng giá trị đích thực trong cuộc sống.

Du lịch, GO! - Theo Datviet, internet
Nếu người Việt miền Nam có món "canh chua cá kho tộ" vừa dân dã, vừa ngon miệng, người Hoa có cải "xá bấu", thì người Khmer có mắm "Bồ hoóc" (prô-hok), một loại thực phẩm độc đáo của riêng mình. 
Và chính từ loại mắm đặc biệt nầy, đã sản sinh ra món "bún nước lèo", một thức ăn tiêu biểu không thể nào thiếu của người Khmer vùng đồng bằng Nam Bộ.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Trà Vinh và Sóc Trăng đã là quê hương của "bún nước lèo". Để có một nồi nước lèo thơm ngon, mùi vị đặc biệt, nguyên liệu chính là mắm "bồ hoóc" Cách làm mắm bồ hoóc cũng khá đơn giản: Cá đồng các loại, sau khi làm sạch ruột thì ngâm nước lã cho hơi ươn đi. Đưa phần cá đã ngâm qua đêm lên nia tre phơi ráo cho rỉ hết nước cá (sau nầy mắm sẽ thơm ngon hơn).

Công đoạn quan trọng nhất chính là việc rửa lại cá bằng nước muối, sau đó xếp vào lu hoặc hũ sành theo thứ tự 1 lớp muối, 1 lớp cá, 1/2 cơm nguội, đậy lại bằng mo cau khô hay vải nylong, nêm thật chặt bằng nan tre rồi đem phơi nắng khoảng 3 tuần, muốn cho mắm thật ngon, phải ủ tiếp từ 6 đến 12 tháng thì hoàn tất.

Cá tươi được ủ chượp kỹ lưỡng, khi "chín ngấu" sẽ có mùi thơm đậm đà rất đặc biệt. Riêng Prô-hok của người Khmer Trà Vinh được làm từ nhiều loại cá biển, nên có một hương vị rất đậm đà mà không địa phương nào ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể so sánh được.

Bún nước lèo tiếng Khmer gọi là "nụm choóe". Việc quan trọng nhất của món ăn nầy là khâu pha chế nước lèo: nước lèo ngon thì bún mới thật ngon. Trước tiên, mắm được nấu trong nước sôi cho đến khi rã thịt thì lọc bỏ xương lấy nước để riêng. Sau đó, hầm một nồi súp gồm cá lóc, cá kèo (có thêm xương heo, xưong gà để lấy chất ngọt).

Cá sau khi chín, vớt ra để ráo, rút hết xương, quết với sả ớt băm nhuyển. Có được súp, ta lấy nước mắm đã lọc hết xương khi nãy đổ chung với nước súp, nấu sôi lên. Hỗn hợp súp xương và nước thịt mắm gọi là "nước lèo". Gia vị nêm là đường, muối, sả ớt. Đặc biệt để tạo mùi thơm đặc trưng thì không thể thiếu sự góp phần của củ ngải bún (một loại củ nhỏ khoảng đầu đũa, màu giống như củ gừng nhưng hơi trong, thường được trồng ở các gò đất cao). Khi nấu nước lèo chúng ta cũng cần bỏ thêm vào một nắm nhỏ sả cây để tạo mùi.

Ngoài ra, qua thời gian, từ những kinh nghiệm thực tiển, để chế biến thêm, người ta còn cho vào nồi nước lèo nấm rơm chẻ đôi hay xắt mỏng hoặc tép đập dập đã được trộn với sả ớt. Hoàn tất xong các công đoạn, chúng ta sẽ có được một nồi súp nước lèo tuyệt hảo: trong, ngọt và thơm lừng mùi mắm. Với phần rau ghém gồm: bắp chuối xắt mỏng (ngâm trong nước lạnh có pha chanh để cho bắp chuối trắng và bớt chát), bông súng cắt ngắn (khoảng 5 mm), giá, hẹ, rau thơm, chanh (hay giấm chua) và ớt hiểm (một loại ớt trái nhỏ khoảng đầu đũa ăn).

Một vốc sợi bún trắng, dẻo (trụn vài lần trong nước sôi cho nóng) được xé tơi để vào trong tô, trên mặt là một nhúm rau ghém các loại, người ta chan vào đấy vài giá nước súp nghi ngút khói có trộn lẩn với thịt cá, tép và những lát nấm rơm. Thế là đã có được một tô bún nước lèo hấp dẫn và ngon lành. Để tăng thêm phần ngon miệng, người ta ăn kèm thêm: thịt heo quay, bánh cóng và chả giò chiên giòn.

Bún nước lèo là một món ăn bình dân, giá cả phải chăng. Không riêng gì người Khmer, mà cả người Kinh và người Hoa ở Trà Vinh đều rất ưa thích. Và có lẽ, cũng chính từ món bún nước lèo của người Khmer, cái lẩu của người Hoa, sau những cải tiến đã cho ra đời món "lẩu mắm" với hương vị đặc trưng riêng biêt. Trước đây, bún nước lèo ở Trà Vinh được bày bán trên các sạp tre ở chợ quê, hay gánh rong theo các Phum Sóc. Thực khách dùng đũa và từng miếng lớn, thỉnh thoảng lại húp nước lèo soàn soạt hay cắn chút ớt hiểm cay xè.

Với từng ấy hương vị hoà quyện cùng nhau, cộng với cái nóng sốt của nồi nước lèo lúc nào cũng chểm chệ trên bếp than hồng toả mùi thơm quyến rũ, đã đủ khiến cho ai đã ăn qua một lần không thể nào quên. Hiện nay thì đặc sản nầy đã được đưa vào danh sách món ăn ở các nhà hàng lớn tại Trà Vinh Bún nước lèo - một thức ăn đậm đà tính dân tộc, không chỉ riêng của người Khmer, mà còn là của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện bản sắc văn hoá đầy chất phóng khoáng, không câu nệ, cầu kỳ của người dân Nam Bộ hiền hoà, chân chất.

Du lịch, GO! - Theo Tiengthotoi blog
Đoạn trở ra cây cầu treo mà bọn mình đã đ qua lúc vào thì không có gì khác lạ ngoài khung cảnh khá trống vắng trong xóm. Đoạn có tiệm tạp hóa "lưu động" cũng chả còn ai, có lẽ mọi người lên rẫy hết rồi.
Chạy tàng tàng rồi chợt nhớ hồi năm 2004, dân địa phương khu vực bìa rừng thuộc xã Đạ Tồn đã làm đơn kiện lên chính quyền suốt cả năm. Họ kiện ai bạn biết không? Kiện voi rừng đấy.

Nguyên do là năm đó, vùng rừng này có một con voi cái nặng khoảng 3 tấn rất hung dữ thường xuyên ra vào khu vực dân cư để ăn và phá hoa màu, nhà cửa, lẫn uy hiếp người, xáo động cuộc sống thôn làng vào mỗi mùa mưa đến, trong khi việc xua đuổi voi bằng phương pháp truyền thống như đốt lửa, gây tiếng động... đã không còn si nhê gì với cô voi nhà ta.
Kiện Trời không được nên bà con đâm đơn kiện voi và nộp đơn cho... nhà nước. Vì vậy trong thời gian đó chính quyền Đạ Huoai đều đặn hằng năm luôn chuẩn bị sẵn tối thiểu 10 triệu đồng để... đền bù hoa màu cho nông dân vì những phá hoại biết trước của nàng voi siêu quậy!

< Đi ngõ này là thôn 3, đường đất chứ không thênh thang đường nhưa như bên thôn 1, 2.

Qua cầu treo, bọn mình không theo lối cũ nữa (tức là lối ra thôn 2) mà rẽ phải vào thôn 3. Đường này mình đã nghiên cứu trước khi đi qua bản đồ vệ tinh và biết chắc là nó sẽ dẫn ra TL721 nối liền Đạ Tẻh - QL20.

Ai ngờ chỉ một đoạn ngắn thôi thì mặt đường là đất và đá ong lơm chởm! Coi bộ vui à nghen! Lỡ chọn lối này rồi thì chơi luôn.

< Tình cờ gặp trên đường mấy đứa bé người dân tộc, bà xã xuống hỏi đường (cho chắc ăn) và tặng bánh cho mấy bé, bọn nhỏ thích lắm.

Mà đã "chơi" thì cái trò căng mắt ra nhìn đường, tránh đá chém vỏ ruột, tránh vũng sình... cũng sẽ có. Cứ mường tượng như mình là một nghệ sĩ tài hoa đang múa may trên sân băng - Chẹp chẹp, thật điệu nghệ với tốc độ 15km/h cho chắc cú, tránh chuyện ngã xế lại dập sườn.

< Bò thấy liền liền, mấy anh chàng này không khoái bánh nên cũng đỡ chứ số quà mang theo cũng gần hết rồi.
< Bé nhìn người lạ, kênh xì tin!
< Khúc này đá lại lởm chởm và bắt đầu vào các dốc. Úi cha cha, đừng nói là đèo đất nghen...
< Hai bên vắng tanh, phía xa là núi chập chùng.
< Tới khúc bên trái là rẩy, không biết trông cây gì.
< Dốc 10 độ, trả số lại nào.
< Rồi lại đến những khúc quanh co nhưng mát mùi cây rừng.
< Cảnh giống đường làng ghê, nhưng không một bóng người...
Vừa nói "không bóng người" là bất chợt gặp ngay hai cô gái chăn bò sau khúc quanh. Cô gái trong hình chỉ khoảng mưới mấy tuổi, rất xinh.
Khúc này gặp mấy chú gâu gâu thật dữ dằn chạy theo dí khiến bọn mình phải rút chân lên, rồ ga bắn khói!
< Lộ kia rồi, đường 721. Bọn mình rẽ phải hướng về thị trấn Đạ Tẻh.
< Qua cầu Đạ Quay bắc ngang dòng Đạ Nha.
< Chạy thêm một đoạn sẽ tới dốc Ma Thiên Lãnh.
< Trông đường như hình thể nước Việt ta.
< Thêm một vài đường cong nữa...
< ... là đến ngã 3: Lối nào cũng vào trung tâm thị trấn nhưng:
- Rẽ trái là vào cầu mới. Đi Hồ Đại Hàm, Hồ Đạ Tẻh gần hơn. Đây cũng là đường sẽ dẫn ra đèo Lộc Bắc.
- Rẽ phải là đi các xã như Triệu Hải, Đạ Pal, K'long...
< Bọn mình ghé lại quán đầu đường uống nước, nghiêng cứu bản đồ và hỏi thêm thông tin cần biết...
< ... rồi lại đi tiếp, bấy giờ đã 10h20 - chưa đến buổi trưa!
< Uỷ ban xã Triệu Hải.
< Trường tiểu học Triệu Hải.
< Và đường vào thác Triệu Hải là đây.
< Đường đất, hơi lộn xộn một tý nhưng không trơn như mỡ giống đường vào thác Tà Pưa, pà kon đừng lo!
< Một dòng suối chạy theo đường, nước nhiều lắm, chảy suốt.
Rồi bọn mình gặp con suối khác chắn ngang "đường". Dưới suối có cô gái trẻ người dân tộc đang địu con và trông xe cho ai đó.
Hỏi còn bao xa nữa đến thác, cô gái nói thác tít trong kia (cái vệt trăng trắng trong hình là thác đấy).
Mình lại hỏi "Bỏ xe ngoài đây được không cô?", cô đáp "Mất làm sao, thôi chạy luôn vô trong đi - đi bộ vô trong đó coi vậy chứ xa lắm".
Chẹp chẹp, chạy qua suối à? Nước mát lạnh và sâu cỡ đầu gối, dưới đáy là đá cục đá hòn tròn tròn...

Thôi bọn này đẩy xe qua mép đường, khóa lại rồi đi bộ sau khi cho bé chút xíu trong cái địu con ba phong bánh cuối cùng.
Đang lội giữa dòng thì thấy có người chạy xe trong kia ra: cứ ào một phát là qua bờ bên kia, tắt máy thì đẩy - Họ quen rồi.
Quả đúng là "Coi vậy chứ xa lắm" thật! Bước hoài bươc mãi giữa nắng trưa nhưng dòng thác giống dãi tóc nàng tiên Bắc cực vẫn tít xa.
Phần hông và sườn ê ẩm lúc "đo đường" ở thác Tà Pứa bây giờ bắt đầu lộn xộn lên cơn nhức buốt từng bước chân...
Đã vậy căn bệnh "nhược cơ" cũng a dua bộc phát vì bây giờ cũng sắp đến lúc hết thuốc!
E hèm, đồ ăn hiếp! Thôi nhìn đám rừng xanh mơn mởn bên kia, cả dòng thác tuyệt mỹ phía núi để quên đi sự mệt mỏi vậy.
Bọn mình lại gặp tiếp dòng suối thứ 2, dưới đó có hai cô gái người dân tộc đang rửa xế, xe đi rừng đó mà.

Lại hỏi:
- Vào thác còn xa không cô?
- Sắp tới rồi, đi bộ sao?
- Xe tôi bỏ ngoài kia, có mất không?
- Sao không chạy vô? Người dân tộc không lấy đâu, chỉ sợ người kinh.
Nghĩ thầm: đúng vậy, người dân tộc chất phác, có lấy đâu... mà chỉ ngại người tứ xứ về đây.

Thôi kệ, giờ lội ra ngoải chắc "đứt bóng" luôn quá. Xế dân phượt chắc không ai lấy đâu, hi hi...

Bà xã rủ qua cây cầu sụp này, mình la "em đừng... xúi dại", cầu teo rồi!

Bọn mình lại lội qua suối, cũng dòng mát lạnh, sâu khoảng gối với phía dưới cũng là đá lục cục tròn...
Lê lết thêm một đổi xa nữa lại gặp con suối thứ 3, kỳ này thì hổng có ai...
Lội qua nào, suối nhiều thiệt đó..
Gặp đàn bò: Hello, trông chừng kho báu à?
Một chú to chà bá cứ lèn èn nối đuôi theo bà xã khiến nữa kia phát hoảng, né sau lưng "phượt ông".
Kệ nó mà, hiền khô...
Thác không còn còn xa, thật sự nó hiển hiện trước mắt rồi: ì ầm, dữ dội nhưng cũng thanh thoát như mái tóc thiếu nữ xỏa dài...

Gắng lên nào, sắp đến rồi em nó ơi!

Còn tiếp

Điền Gia Dũng

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống