Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 23 August 2011

vài trăm mét cuối cùng thì bọn mình đã nghe thấy tiếng thác đổ ầm ầm. Mỏi nhừ từng bước chân nhưng trong lòng đầy một sự phấn khích... rồi cuối cùng cũng thấy: Thác nước đây rồi!

Đây chính là thác Đakala tức là thác Triệu Hải, phiên âm từ tiếng của người dân tộc là Đạ K’Lả . Thác có độ cao 70m nếu tính từ đỉnh, cấp dưới thấp nhất là 50m. Nếu có sức leo lên phía trên sẽ gặp thêm 6 thác giật cấp khác nữa ở triền núi. Do thác cao và lưu lượng nước lớn nên đứng xa hằng chục km: nếu đúng vị trí quang đãng sẽ vẫn nhìn thấy dòng thác hùng vĩ này.

Phía trên thác là khu rừng rậm với những hồ nước nước sâu trong vắt đầy thơ mộng và chính lượng nước này giúp giòng thác vẫn chảy cả trong mùa khô.
.
< Thác Đa Kala tức là thác Triệu Hải.

Chân thác là nhiều tảng đá lớn nhỏ trong một vùng lỏm sâu hình bầu dục khá rộng, nước từ trên đổ xuống tung tóe thành những đám bụi nước li ti như một màn sương mờ. Và một dòng suối bắt nguồn từ đây chảy quanh co len lỏi qua những vạt rừng thưa kéo dài tận ngoài kia, nơi bọn mình đã vượt các suối vào đây.
Mùa này mưa nhiều nên nước mang một màu vàng cam do mang theo lượng phù sa từ thượng nguồn, còn trong mùa khô, nước sẽ trong vắt và mát lạnh. Mình cam đoan một điều là nếu không có tiếng thác đổ thì tại  đây không còn bất kỳ một âm thanh nào khác ngoài tiếng chim thú rừng.
< Hai chái lợp tôn phía ngoài, cạnh suối.

Cách chân thác vài chục mét, trên một trảng cỏ rộng có hai chái nhà tôn lớn, không vách, bỏ không. Mình cho rằng đây là dấu tích đầu tiên còn sót lại của dự án "Khu du lịch sinh thái thác Đa Kala" mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp cho CTy TNHH Lâm Thành ngày 14 tháng 8 năm 2008 - Quy hoạch chi tiết đến năm 2015... nhưng đến nay, dự án vẫn dậm chân tại chổ!
Liệu đây là việc đáng tiếc hay đáng... mừng?

< Bà xã bây giờ mới tới...

Dự án Khu du lịch sinh thái thác Đa Kala có diện tích sử dụng 159,95 ha - các tuần tự mà người ta sẽ làm trên hồ sơ sẽ là:
- Năm 2008 : Hoàn thành thủ tục đầu tư, tiến hành đền bù giải toả, làm thủ tục thuê đất và chuyển mục đích đất sử dụng, xin phép xây dựng đầu tư hạ tầng kỹ thuật... vốn đầu tư 02 tỷ đồng.
- Năm 2009 : Tiến hành trồng rừng, đầu tư xây dựng hạ tầng, khu văn phòng đón tiếp, khu bungalow, nhà hàng, bar...vốn đầu tư khoảng 05 tỷ đồng.
- Năm 2010: Tiếp tục xây dựng các công trình đã đầu tư, tôn tạo môi trường, cây xanh vườn hoa, hồ cây cảnh,... hoàn thành các hạng mục công trình đưa vào sử dụng với vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ đồng (Bèo nhỉ).
...v.v.
< ... rồi sửng sờ trước sức mạnh của dòng thác.

Mình yêu thiên nhiên và không cực đoan nhưng thật lòng: nếu cứ xây dựng ình xèo như trên bản đồ quy hoạch mà Cty đã dựng và vẽ trên tấm bảng to chà bá ở đường vào thác thì... ôi thôi, còn quái gì là cảnh quan thiên nhiên mà tạo hóa phải mất hàng triệu năm tạo ra?
< Còn mình dần lội đến gần chân thác, thêm tý nữa...

Thôi thì khu du lịch cũng được, nhưng thay vì đường bê tông dẫn vào thì hãy làm lối đi lát đá chen lẫn cây dại. Với lối lên các tầng trên thì Lạy Trời đừng có cái thang máy trông "lòi con mắt" như ở thác ĐamB'ri, cái thang mà bất kỳ du khách hay nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp - nghiệp dư nào khi chụp ảnh thác đều phải... cho nó ra rìa, phải né tránh nó bằng mọi cách! Một thay thế đẹp tuyệt vời là những bậc thang đá vòng vèo to nhỏ chen lẫn cây rừng dẫn dần lên cao, đó mới là sự kết hợp hài hòa với thiên nhiên - Mới là phát triển du lịch bền vững.

< Biết nói sao nhỉ? Mình cũng bị dòng thác hút hồn mất!


Các ảnh trong Du lịch, GO! thường có khổ lớn - bạn nhấn vào ảnh để xem kích thước thật.

Nhưng thôi, nói hoài mất vui trong khi hiện tại: thác Triệu Hải vẫn còn đầy sự hoang dã dành cho những bạn thích khám phá, bạn hãy vào đây và tận hưởng một tuyệt tác giữa núi rừng thiên nhiên.

< Tiếng ì ầm thác đổ, còn mình thật nhỏ nhoi cạnh chân thác, bạn có thấy không?

Mình đi lần này thì như vậy nhưng nếu lần thứ 2 thì mình sẽ chạy xe thẳng vào đó. Căng lều hay trải túi ngủ dưới chái tôn ngoài kia, xe vứt bên cạnh. Cần lương thực hay nước uống thì chạy ra xã, không quá xa.
Một sự tự do hoàn hảo để khám phá, thụ hưởng mà không một ai quấy rầy bạn. Điều đừng quên là sau khi nhổ lều: bạn hãy thu dọn tất cả những gì mình đã đem tới đó - Hãy là những phượt gia hiện đại: đến và đi, thứ để lại chỉ để lại những dấu chân - thứ lấy đi chỉ là những tấm hình...

< Còn dăm mét nữa mới đến dòng nước (bạn thấy mình không?) nhưng cũng đã muốn ướt cả áo khoác ngoài...
< Đỉnh thác, phía trên còn vài tầng nữa.
< Giữa thác..
< ... và chân thác Triệu Hải.

Luyến tiếc hoài không muốn trở ra nhưng cứ nhớ lời mấy cô sơn nữ nên lại lo cho chiếc xa cà tàng ngoài kia (chê là vậy chứ xe của dân ở đây mình thấy còn khủng khiếp hơn nhiều), mất một cái là bò lết thê thảm, hết phượt, hết lang bang... nên đành trở ra.
Lúc ngang qua đám bò thì gặp và bắt chuyện với người đàn ông này: anh người Bắc, vui tính, cởi mở: "Ngày nào tôi cũng đưa một đàn voi vào đây". Giật mình một giây rồi mình hiểu ra đây chính là đàn bò. "Nếu không bận gì thì mời anh chị ở đây chơi... chiều về". Ông cô đơn, do ở đây chỉ làm bạn với bò và rừng thôi mà, có mấy ai vào.
Tán phét một hồi, cuối cùng bọn mình từ giã "người chăn voi" trở ra ngoài.
Lội qua con suối thứ 1, thứ 2 thì đại họa đến! Máy ảnh báo thẻ nhớ đầy dung lượng, hết chụp!
Thôi chết rồi, hồi đi ở thành Tuy Hạ: mình lần mần lẩm cẩm thế nào đo khiến phần chọn khổ ảnh nhảy về M1 tức là khổ lớn 2816x2112 nên cái thẻ 2G đầy nhóc khi mới chụp hơn ngàn tấm. Bình thường trong các chuyến khác mình chọn M3: 1600X1200 là tha hồ chộp trên 3 ngàn ảnh.

Thẻ sơ cua không có do không cần thiết. Ở Sài gòn thì không lo, bước lên chợ là mua tha hồ nếu có tiền còn ở đây coi chừng kiếm mòn gót.

< Vách đá trong thác.

Hạ hồi phân giải vậy, bọn mình lại lết thếch đến con suối thứ 3: nhìn lùm bụi bên kia không thấy xế xiếc gì cả, bớ nàng Win, em đâu rồi? Muốn nhanh tý nhưng suối cuồn cuộn nên vẫn phải từ từ, lúc này thì chẳng còn ai.
< Điền Gia Dũng bé tẻo teo!

Rồi giữa đám cỏ rậm cao phất phơ: nàng Win100 vẫn e ấp nằm trong đó như một cô tiên với đôi cánh thần kỳ vượt mọi nẻo đường xa... Lên đường thôi, về chợ Triệu Hải ăn trưa vậy, sẳn tìm mua cái thẻ.
< Cố gắng lấy hết cảnh, trong đó có mình.

Lưu ý: Nếu bạn còn thời gian, còn sức có thể chạy thẳng thêm khúc nữa để đến các thác khác gần thác Đakala Triệu Hải...
< Bà xã thích thú quá chừng!

Đó là thác 21 (còn gọi là thác Xuân Thủy, thác Dây) cách thác Đakala hơn 1km về phía Đông - Bắc. Đây cũng là thác giật cấp 7 tầng theo chiều đài của suối với tầng cao nhất cao khoảng 30m. Thác có nhiều hồ nước sâu, trong rất thích hợp để tắm. Đường vào thác thuận tiện nhưng chỉ đến được chân thác. Thác nằm giữa 2 khe núi, bao quanh là rừng nguyên sinh, do vậy để lên các tầng cao thì phải leo trèo rất nguy hiểm.

< Mong rằng tương lai nếu có khu du lịch tại đây thì sự hoang dã này vẫn còn nguyên vẹn.

Thác khác nữa tên Xuân Đài cách thác Đakala khoảng 3km về phía Bắc, nằm trên địa bàn xã Đạ Pal. Đây cũng là thác 3 bậc giật cấp, bậc cao nhất cao khoảng 15m. Thác cũng có phong cảnh rất đẹp và nên thơ được bao bọc bởi rừng già nguyên thủy.
< Từ giã nhưng mình mong có dịp vào lần nữa, quy mô hơn...

Ngoài ra còn có các hồ đẹp như hồ Đạ Tẻh là hồ thủy lợi lớn nhất Lâm Đồng với vùng đầu nguồn là khu vực bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên thủy chưa có sự tác động của con người. Nơi đây rất đa dạng với các loài thực vật và động vật, đặc biệt xung quanh hồ có hàng chục thác nước tuyệt đẹp mà người ta cho rằng các thác ở Đà Lạt không thể so bì...

< Về với nàng Win.

... Và Hồ Đạ Hàm cũng là hồ thủy lợi nhưng có đường bao chung quanh, nhiều cây rừng mát mẻ - có thể cắm trại hay dã ngoại...

< Tấm ảnh cuối nhìn về thác trước khi máy chụp ảnh... teo!
Bọn mình chạy về chợ Đạ Tẻh, trước là qua bữa trưa cái đã rồi chuyện thẻ tính sau. ghé quán cơm ngay góc ngoài chợ, bà xã gọi hai dĩa cơn trắng mỗi dĩa 5k, thức ăn chọn thêm các thứ là 30k.
< Quán cơm.

Nhìn hai dĩa cơm trắng đầy mình thấy lạ, xong bữa rồi kêu tính tiền thì 60k! Họ nói nghe mình kêu cơm trắng 15k/dĩa, hóa ra đã gọi phần trước nhưng vẫn bị hố, pó tay! Nhào qua phía sau làm 2 ly chè đá, chỉ 3k/ly lớn ngon tuyệt.
Gần đó có studio chụp ảnh nhưng không bán thẻ nhớ, đi loanh quanh tình cờ gặp tiệm bán ĐTDĐ. Mình nhào vô hỏi rồi chơi luôn cái thẻ 1G (2G máy không nhận), thêm vỏ lớn rồi nhét vô: chộp ngon lành, đỡ khổ - nhiêu đây thừa sức chụp tá lả rồi!

Còn tiếp

Điền Gia Dũng

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Monday, 22 August 2011

Sóc Trăng là vùng đất hội tụ nhiều lễ hội, với các phong tục, tập quán đặc trưng từ sự giao thoa văn hóa của ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa cùng cộng cư. Chính những lễ hội độc đáo, nét kiến trúc đặc sắc của các ngôi chùa đã làm xao xuyến tâm hồn biết bao du khách khi đặt chân đến địa danh này.

Với lợi thế của một tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch sông nước miệt vườn; đặc biệt du lịch văn hóa tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử truyền thống đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách từ mọi miền đất nước đến với Sóc Trăng. Hàng tháng, Sóc Trăng đón tiếp từ 700 – 1000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan các điểm chùa nổi tiếng như: Chùa Dơi, chùa Đất sét, chùa Chén kiểu, chùa Kh’Leang, Bảo tàng Văn hóa Khmer…. có tháng đón trên hàng ngàn du khách đến với Sóc Trăng. Đặc biệt là vào các dịp lễ hội, các sự kiện văn hóa thể thao, điển hình là lễ hội Oóc om bóc – đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer; Sóc Trăng đón tiếp hàng chục ngàn lượt người đến với lễ hội.
.
Đến với đất Sóc Trăng du khách còn được thưởng thức những món ăn ngon, đặc trưng như: Bún nước lèo, cốm dẹp, bánh pía... cũng như được tham quan cảnh sông nước miệt vườn với hệ thống vườn cây ăn trái, các cồn và cù lao như: Cồn Mỹ Phước, cồn Ấu, rừng ngập mặn nước ven biển - Cù lao Dung, rừng tràm Mỹ Phước – khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng…

Sóc Trăng là vùng đất có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Chỉ riêng ở các khu vực thuộc thành phố Sóc Trăng đã có trên 20 ngôi chùa. Hầu hết đều là chùa Khmer với lối kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Khmer Nam Bộ. Chùa đối với đồng bào Khmer là rất thiêng liêng và cao cả, là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cư dân.

Ngôi chùa, ngoài việc dùng để cử hành các nghi lễ tôn giáo, còn là nơi lưu giữ các giáo lý nhà Phật; các tác phẩm văn học, nghệ thuật và là nơi diễn ra các lễ hội mang tính văn hoá đặc trưng của dân tộc. Chính sự cộng cư của ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa trên mảnh đất Sóc Trăng đã tạo nên nhiều lễ hội phong phú, đa dạng và độc đáo. Chỉ riêng dân tộc Khmer đã có rất nhiều lễ hội trong năm, bao gồm: Tết Chol Chnăm Thmây, lễ Dolta, lễ hội Oóc om bóc – đua ghe Ngo...

Lễ hội Oóc om bóc – đua ghe Ngo còn gọi là lễ cúng trăng, là sự đưa tiễn mùa mưa chào đón mùa khô. Trong dịp lễ này, người ta có tục lệ đút cốm dẹp cho trẻ ăn để cầu mong mùa màng tươi tốt, bội thu, có của ăn của để. Đặc biệt ở lễ hội này người ta còn tổ chức đua ghe Ngo, là một lễ hội thật hoành tráng, mang tính văn hóa và thể thao. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp rằm tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và Khmer Sóc Trăng nói riêng, lại hòa mình vào niềm vui vào các hoạt động lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo theo truyền thống.

Lễ hội hàng năm, không chỉ thu hút người dân trong tỉnh mà còn thu hút rất đông du khách từ các nơi trong cả nước và khách quốc tế về tham dự, vui chơi trong cả tuần lễ hội. Đây cũng là một trong ba lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer và thu hút hàng chục vạn người theo dõi, tham gia trong những ngày chính của hội đua ghe ngo. Tâm điểm của tuần lễ hội là ngày hội Đua ghe Ngo truyền thống được người dân cả 3 dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và người Khmer Nam Bộ nói chung háo hức chờ đón

Ngày hội đua ghe thường được tổ chức trong hai ngày với các nội dung đua ghe nữ và đua ghe nam; được tiến hành trên đoạn trường đua trên sông Maspero với sự tham gia tranh tài của hàng chục đội đua, với trên 2.000 vận động viên là các tay đua nông dân Khmer sẽ tranh tài. Đường đua, khán đài đua ghe Ngo mới được tỉnh Sóc Trăng đầu tư xây dựng mới với gần 60 tỷ đồng (hoàn thành năm 2009), gồm khán đài với 4.000 chỗ ngồi, sân khấu biểu diễn văn nghệ, bờ kè 2 bên đoạn gần đích đua đã hoàn thành, giúp cho người đi cổ vũ dễ xem, theo dõi, cổ vũ nhiệt tình và đông vui hơn.

Thành phố Sóc Trăng, trong những ngày lễ hội Oóc om bóc - đua ghe Ngo, không khí lễ hội thật nhộn nhịp, tưng bừng với cờ hoa, băng rôn, áp phích quảng cáo cho lễ hội được treo khắp các đường phố. Nhiều hoạt động trong lễ hội được tổ chức quy mô, với nhiều hoạt động sôi nổi bao gồm: Hội chợ Triển lãm thương mại du lịch với sự tham gia của hàng trăm gian hàng các loại, chủ yếu là các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm, thiết yếu của đồng bào. Hội chợ triển lãm được kéo dài trên một tuần để bà con có dịp tham quan mua sắm.

Bên cạnh đó Ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, như tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trang phục dân tộc Khmer, hội thi thả đèn nước Lôi - Prôtip được thả trên một đoạn sông như tô thêm nét đẹp lung linh huyền ảo của dòng Sông Trăng (tên Nguyệt Giang xưa), giữa lòng thành phố Sóc Trăng.

Hội thi trưng bày, triển lãm văn hóa ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa của tỉnh Sóc Trăng cũng đã có sự tham gia của cả các đơn vị huyện, thành phố tham gia. Các hoạt động văn hoá văn nghệ... cũng được tổ chức ở nhiều nơi trong tỉnh càng làm cho lễ hội Oóc om bóc - đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng thêm rộn ràng, vui tươi khắp nơi từ thành phố đến thôn quê.

Với những nét đặc trưng riêng có của mình, Sóc Trăng có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch gắn với lễ hội. Được biết năm 2011, Thủ Tướng Chính phủ đã quyết định giao cho tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức Festival lúa gạo lần thứ II vào dịp lễ hội Oóc om bóc – đua ghe Ngo. Đây sẽ là điểm đến lý tưởng của những ai ưa thích khám phá những điều lý thú của văn hóa lễ hội trên vùng đất 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, đồng thời là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Sóc Trăng quảng bá, kêu gọi các nhà đầu tư đến với Sóc Trăng để tham quan các điểm du lịch hiện có;  là dịp để các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu và khai thác mảnh đất đầy tiềm năng du lịch này.

Du lịch, GO! - Theo báo Sóc Trăng, internet
Ngoài một số văn hoá truyền thống quen thuộc của người Cơtu như: Lễ hội Ăn mừng lúa mới, lễ cưới hỏi... đồng bào Cơtu còn có tục biếu quan tài trong ngày cưới, một nét văn hóa độc đáo được đồng bào Cơtu gìn giữ từ bao đời nay. Do vậy, nếu bạn có đi du lịch qua vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, gặp 1 đám cưới của người Cơtu, thấy quà mừng cô dâu - chú rể là 1… cỗ quan tài, bạn đừng giật mình nhé.

Phong tục độc nhất vô nhị

Theo một số già làng Cơtu cho biết, tục biếu quan tài (Trang) cho nhau trong ngày cưới của người Cơtu có từ rất lâu đời và còn tồn tại đến ngày nay. Người Cơtu coi đó như một món quà ý nghĩa của nhà trai dành tặng cho nhà gái, có thể xem như một vật cưới (sính lễ). Việc biếu quan tài được xem là một điều tốt đẹp, thể hiện bằng tấm lòng thành kính cả giữa người cho và người nhận. Do đó, sẽ tránh đi được những rủi ro trong cuộc sống, đem lại những điều tốt đẹp, may mắn.

Quan tài của người Cơtu được làm ra từ thân gỗ tròn, có đường kính từ 0,5 m trở lên, cắt làm từng đoạn vừa đủ cho một người nằm khi nhắm mắt xuôi tay. Thường thì có hai loại quan tài, một quan tài có hình trụ tam giác cân và quan tài hình trụ tròn. Mỗi quan tài đều có nắp đậy riêng, phần ở trên là quan tài bố (Trang Aconh) và ở dưới là quan tài mẹ (Trang Acăn). Trong đó, quan tài có hình trụ tròn thường không được chạm khắc hoa văn như quan tài hình trụ tam giác cân.

Để có được một quan tài hình trụ tam giác cân đẹp, độc đáo, mang đậm giá trị truyền thống, người làm quan tài (thường chỉ một người) phải có con mắt tinh tế về hoa văn, nghệ thuật về đục đẽo, chạm khắc và tấm lòng trong sáng, cống hiến sức lực để làm ra được một thành phẩm như mong muốn.
Theo già làng Bhriu Pố, ở thôn Arấh (xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam),việc biếu quan tài làm quà trong ngày cưới của người Cơtu như là một tài sản quý chuyển giao từ nhà này sang nhà khác, từ người khoẻ mạnh cho người đang đau ốm, dưỡng bệnh.

Đây không phải là sự thể hiện có hàm ý mong cho người nhận quan tài sớm trở về với Giàng, mà là tình cảm cao quý để nhường cho người khác hưởng lại những gì mình cần nhất trong cuối đời. Đó là nét văn hoá, thể hiện tình cảm lối sống của người Cơtu. Bất kể người Cơtu nào cũng đều luôn biết được đây là văn hoá truyền thống có từ ngàn đời  già làng Bhriu Pố nói.

Người Cơtu quan niệm, quan tài chỉ được xem là quà biếu khi trong gia đình có tổ chức đám cưới hoặc đám hỏi giữa nhà trai và nhà gái. Theo đó, việc biếu quan tài được xem như của hồi môn, tức sính lễ bắt buộc trong ngày cưới. Tuy nhiên, ngoài dịp cưới không phải lúc nào cũng có thể biếu nhau bằng quan tài được, mà phải tùy trong từng hoàn cảnh cụ thể, tức khi nhà gái có tang lễ. Do đó, quan tài thường được xem là vật quý, có giá trị trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Cơtu.

Độc đáo tục Trzáo

Trzáo là một hình thức thăm hỏi giữa hai họ nhà trai với nhà gái vào dịp đầu xuân hàng năm. Thông qua cuộc thăm này, giữa hai gia đình, họ hàng đôi bên có thể nắm bắt được cuộc sống cũng như sức khỏe của nhau. Đây là một nét văn hóa rất độc đáo, được người Cơtu gìn giữ từ bao đời.

Đối với đồng bào Cơtu, dù giàu hay nghèo, hằng năm không thể quên tục Trzáo  thăm hỏi giữa cha mẹ hoặc anh, em trai với người con gái hoặc chị, em gái đã đi lấy chồng xa, lâu ngày chưa gặp. Trzáo có từ lâu đời, thể hiện tình cảm sâu đậm giữa họ hàng thân thích, giữa nhà trai và nhà gái.

Theo già làng Bhriu Prăm (86 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, Quảng Nam), hiện sinh sống tại thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, Đông Giang cho biết, từ xa xưa, tục Trzáo của người Cơtu đã được hình thành và thường đi kèm với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.

Theo đó, gia đình Cơtu nào khá giả thì một năm đi hai lần, còn gia đình nghèo thì đi một lần. Thông thường, thời gian đi Trzáo của người Cơtu thường bắt đầu từ đầu tháng 6, (tức giữa năm đối với nhà đi hai lần) và cuối năm (tức ngày xuân) đối với gia đình đi một lần.
Trzáo thường chỉ bên nhà gái (tức cha mẹ thăm con gái, anh em trai thăm chị hoặc em gái) đến nhà trai và ở lại nhà trai một ngày. Mỗi lần đi Trzáo, nhà gái phải chuẩn bị những đồ ăn, thức uống như một lễ cưới nhỏ của người Cơtu. Đặc biệt, trước khi đi nhà gái phải mang theo tấm xà-lùng làm quà tặng cho nhà trai (đây được coi như một nét văn hóa đặc trưng bắt buộc).

Mỗi lần đi Trzáo, nhà gái sẽ không thông báo cho nhà trai biết trước, vì điều tế nhị ngại bên nhà trai lo lắng, chuẩn bị mọi thứ gây phiền hà. Theo quy luật của tục Trzáo, nếu nhà trai không nhận nổi Przáo (tức quà của tục Trzáo) vì hoàn cảnh khó khăn, thì nhà trai sẽ mang toàn bộ quà này đến nhà chị hoặc em gái của mình để xin phần hỗ trợ lo cho nhà gái (người Cơtu gọi đó là Víh Chna). Còn nếu lo được thì thôi, nhưng sau đó nhà trai cũng thường đem phần quà này sang nhà chị hoặc em gái của mình như một dịp để báo tin.

Cũng có ở một số vùng người Cơtu, trước khi làm Trzáo họ thường thông báo, định ngày tổ chức. Để đảm bảo cho ngày tổ chức không rơi vào thế bị động, cách thời điểm tổ chức khoảng nửa tháng, hai bên gia đình vận động thanh niên trong làng đến giúp, vào rừng sâu săn bắt cá, thịt thú rừng để làm quà, chiêu đãi họ hàng. Theo tục lệ của người Cơtu, thường thì nhà trai cho nhà gái những con thú 4 chân như: thú rừng, heo, bò, trâu, ngược lại, nhà gái đem gà, vịt, cơm nếp sôi, rượu cần, đến ăn mừng.

Khi đêm đã về, nhà trai mời họ hàng thân thích về nhà mình quây quần bên mâm rượu, đồ ăn do nhà gái đem qua. Có những câu hát lý cũng được bắt nguồn từ mâm rượu ấy, mọi người đối đáp với nhau, thêm tình anh em thắm thiết. Thông qua việc Trzáo, nhà trai thường thể hiện tình cảm của mình đối với nhà gái bằng các hình thức chiêu đãi tiệc tùng, của cải. Điều đặc biệt, mỗi lần tổ chức đi thăm như vậy, nhà gái thường ít khi xin xỏ quà cáp hay ngỏ ý xin bất kỳ vật có giá trị nào từ nhà trai.

Ngày nay, theo xu thế hội nhập, nhiều nét văn hoá của đồng bào Cơtu (trong đó có tục Trzáo) đang dần bị mai một trong đời sống mới. Tuy vậy, nhiều bậc cao niên vẫn thường hay nhắc nhở con cháu rằng, Trzáo là một tập tục đẹp, có ý nghĩa cao quý về mặt tình cảm; không mang tính chất lãng phí hoặc mê tín dị đoan, mà Trzáo là một cầu nối tình cảm thân thiết giữa con người Cơtu với nhau.

Du lịch, GO! - Theo 24H, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống