Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 25 August 2011

Cát Bà có một vị trí đặc biệt trên bản đồ địa lý, nằm trong quần thể thắng cảnh nổi tiếng thế giới Vịnh Hạ Long. Đảo Cát Bà có ba mặt hướng ra biển Đông, là một trong những hòn đảo nổi tiếng với những bãi cát trắng trải dài và những con sóng bạc đầu thu hút khách du lịch bởi các cánh rừng nguyên sinh trên đảo.

Do nằm ở cuối dãy vòng cung chiến lược mà hòn đảo này được coi như một pháo đài khổng lồ ngày đêm canh giữ con đường biển đi vào thành phố cảng của vùng đông bắc Việt Nam. Cao điểm 177 trên đảo Cát Bà trở thành vị trí hiểm yếu với trọng trách canh giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.

Cao điểm 177 hay còn được biết đến với tên gọi khác là Pháo đài Thần công, nơi còn lưu giữ những kỷ vật lịch sử là 2 khẩu pháo thần công với trọng lượng mỗi khẩu hàng chục tấn. Đây là trận địa pháo được quân đội Nhật xây dựng khi chiếm đóng Cát Bà.

< Pháo đài Thần công.

Nhờ vào vị trí đắc địa, trường quan sát nhô ra 3 phía hướng biển, điểm cao thu trọn một dải biển Đông trong tầm mắt, đằng sau lưng là những rặng núi trùng điệp làm điểm tựa. Độ cao trung bình của khu vực này là 177m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao nhất ở phía nam của đảo Cát Bà.


Những chứng tích lịch sử còn ghi lại trên vùng đất này, ngoài hai khẩu pháo thần công còn là một hệ thống đài quan sát và hầm hào phức tạp. Được xây dựng ngay trên đỉnh núi, khu quân sự được thiết kế khéo léo, ẩn hiện dưới những tán cây, luồn lách theo sườn núi. Kiến trúc không hoa mỹ nhưng kiên cố và bền vững. Những công trình vẫn còn gần như nguyên vẹn dù đã trải qua chiến tranh và thời gian.

Ngoài những đoạn hào đắp lên bằng những khối đá to dày và thô ráp, các đoạn đường hầm đồ sộ với mái vòm đi sâu vào lòng núi có không gian lớn, đủ cho cả đoàn người đi xuyên qua. Đường hầm dẫn thẳng đến khu quản lý và boongke được xây bằng những khối bê tông rắn chắc. Tất cả những nét hoang sơ và xùxì đó để lại cho du khách tới thưởng ngoạn một ấn tượng đặc biệt về một chứng tích lịch sử còn nguyên vẹn.

Dừng chân nghỉ tại Cà phê Pháo đài, những cảm xúc trái ngược dâng lên trong mỗi con người. Vị trí của quán cà phê thể hiện được sự tương phản ở nơi đây. Một bên là vẻ thô mộc của chiến tích lịch sử quân sự với hầm hào, đạn dược, súng ống còn một bên là vẻ đẹp lãng mạn mà thiên nhiên mang lại cho nơi này, vẻ đẹp của biển, núi và rừng. Hai giá trị tưởng chừng như rất khó để hòa nhập đó lại bắt gặp nhau chính tại nơi đây. Tạo hóa như vô tình sắp đặt những sự tương phản trong cuộc sống mà khiến ai bắt gặp cũng phải bồi hồi đến nao lòng. Nó mang đến cho ta những ngẫm thưởng triết lý về cuộc sống: trong sự khô cằn và thô mộc còn quyện chảy cái lãng mạn thơ mộng.

Từ trên đài quan sát của Khu du lịch Pháo đài Thần công, chúng ta có thể phóng tầm mắt ra khoảng không rộng lớn phía trước, cảm giác choáng ngợp, phiêu lưu cùng không gian và cảnh vật. Nằm ngay dưới chân núi là hai bãi biển đẹp nhất Cát Bà – Cát Cò 1 và Cát Cò 2.

Nhìn sang phía bên kia là vịnh Cát Bà, hiển hiện với hàng trăm con tàu đánh cá neo đậu cùng với nhà nổi tạo nên khung cảnh sầm uất trên biển. Đứng từ trên cao nhìn xuống, cả vịnh Cát Bà được gói gọn trong tầm mắt với những chấm điểm xuyết của tàu bè. Khi hoàng hôn buông xuống, ánh mặt trời đỏ rực lấp ló sau những rặng núi vẽ lên biển một họa phẩm thiên nhiên tuyệt đẹp với ánh chiều tà và bóng tàu trải dài trên mặt nước.

< Hầm tránh bom ở pháo đài Thần công.

Vẻ đẹp kỳ ảo của thiên nhiên còn được xuất lộ khi đứng ngắm Vịnh Lan Hạ từ trên cao, một trong số những vịnh đẹp nhất của kỳ quan thiên nhiên thế giới Hạ Long. Mầu nước biển xanh như ngọc hòa với sắc mầu của thảm thực vật phủ trên những ngọn núi đá vôi làm cho bảng mầu của tiên cảnh thêm sắc xanh. Lan Hạ là đóa lan của trời nơi hạ thế.

Ít có nơi nào con người được gần gũi với thiên nhiên như thế, cho ta cảm giác hào sảng khi đứng tại nơi đây. Ðến với Khu Du lịch Pháo đài Thần công là đến với nơi giao hòa của trời và đất, núi và biển. Khung cảnh hùng vĩ và thơ mộng cùng cảnh vật nguyên bản của thiên nhiên, chứng tích hào hùng của con người làm lay động cảm xúc mỗi chúng ta.

Cát Bà là nơi hòa quyện giữa rừng và biển tạo nên một phong cảnh có một không hai. Đến với hòn đảo xinh đẹp này, du khách không chỉ được tắm mình dưới những bãi biển xanh mát mà còn có thể khám phá thiên nhiên huyền bí qua những cánh rừng nguyên sinh trên đảo.

Khách du lịch đến với Cát Bà giờ đây có thêm sự lựa chọn đầy ý nghĩa để về với thiên nhiên, lịch sử và những giá trị nguyên bản, đó là Khu Du lịch Pháo đài Thần công – nơi giao hòa của trời và đất.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Haiphong và nhiều nguồn khác
Sau khi đã là kinh đô, Hoa Lư dần trở thành trung tâm Phật giáo. Hiện, dấu ấn của nó còn hiển hiện trong hàng chục ngôi chùa cổ tại đây đặc biệt với nhiều chùa được xây dựng trong các hang núi đá vôi, dựa vào núi đá hoặc tận dụng hẳn núi đá mà thành các động chùa độc đáo.

Các động chùa tiêu biểu ở ở kinh kỳ cổ này bao gồm: Hoa Sơn, Thiên Tôn, Bích Động, Địch Lộng, Bái Đính, Linh Cốc…

Chùa Hoa Sơn

Hoa Sơn động nằm ở Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, ở độ cao gần 70 m. Tương truyền động Hoa Sơn là nơi nuôi Ấu chúa thời vua Đinh. Tên trước của động là chùa Bà Đẻ, sau vua Tự Đức đến thăm đã đặt lại tên động là Hoa Sơn.

Trước cửa động, ở bên phải có hai pho tượng bằng đá được đánh bóng nhẵn thờ hai ông bà có công tu sửa chùa, tên là Nguyễn Hữu Non và Lê Thị Sánh. Văn bia khắc ở vách núi phía bên trái cho biết ông bà sửa chùa năm 1815.

Vào thời Nguyễn, vua Tự Ðức trong chuyến tuần du ra Bắc Hà, nghe đồn ở đây có "chùa" đẹp đã ghé thăm. Nhà vua vào động lễ Phật, thấy động kỳ ảo nên đã đổi tên động thành "Hoa Sơn Ðộng". Từ đấy động được gọi là "Ðộng Hoa Sơn" hay "Chùa Hoa Sơn". Nhà vua còn lệnh cho quan sở tại tập hợp lại các ngôi mộ thuộc Hoàng tộc nhà Ðinh và những người có công với triều Ðinh, cho xây lăng Nghĩa Chủng ở khu đất rộng chừng 3 mẫu. Hiện nay, lăng Nghĩa Chủng xây bằng đá vẫn còn, nằm ở phía đông nam, cách động Hoa Sơn chừng 150m. Nhà vua cũng truyền cho quan sở tại cấp 2 mẫu ruộng ở phía đông bắc động, giao cho nhân dân địa phương trồng cấy hằng năm, lấy lương thực để cúng tế trong chùa, gọi là ruộng Phù Tự.

Cửa động Hoa Sơn có mây vờn, sương phủ linh thiêng, nước rơi tí tách quanh năm từ các nhũ đá. Cửa tiền của động, chiều ngang 12m, chiều cao khoảng 20m, có cây Ða Bà rễ thả trước cửa động. Bên trái cửa tiền có chiếc khánh đá to, gõ vào nghe trầm bổng âm u như tiếng chiêng. Chiều dài của động bằng chiều ngang của núi, khoảng 100m, xuyên qua núi, có ba hang liền nhau, tam cấp, từ thấp lên cao là: Hang Hạ, hang Trung và hang Thượng.

Chùa Linh Cốc

Chùa Linh Cốc thuộc thôn Gôi Khê, xã Ninh hải, cách chùa Bích Động khoảng 500m về phía Đông Nam, nằm trong núi chùa Móc (nay gọi là chùa Linh Cốc). Chùa quay hướng Tây, phía trước là một cánh đồng nước, nơi đây đúng là cảnh cao sơn lưu thuỷ khoáng đạt linh thiêng....

Chùa có từ năm Mậu Ngọ, triều vua Trần Thánh Tông, niên hiệu Thiệu Long thứ nhất, tức là năm 1258. Đến triều Lê Anh Tông, niên hiệu chính trị năm thứ 9, tức là năm 1556 chùa được tôn tạo. Năm 1996, nhân dân thôn Gôi Khê tu sửa lại.

Sân chùa rộng ở ngay chân núi, hai bên sân có nhà thờ tổ. 3 gian quay hướng tây bắc, đặt tượng thờ thánh tăng là đức A Nam Đà và đức tổ tây, mũi cao, tóc quăn, râu quai nón là người Ấn Độ. Nhà trai 5 gian, quay hướng đông nam. Điện Mẫu quay lưng vào sườn núi, hướng tây nam, xây dựng theo kiểu chữ “ Tam” (Hán tự). Hậu cung là một gian thờ Tam Toà Thánh Mẫu gồm: Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh. Thiêu hương gồm 3 gian thờ Công Đồng Thánh Mẫu, Tiền Đường 5 gian, gian cuối bên tay trái có treo quả chuông.Lên chùa Linh Cốc du khách phải qua hồi hướng nam của Điện Mẫu, leo lên 83 bậc đá ở sườn núi mới tới.

Chùa ở lưng chừng núi, cao hơn so với sân gạch khoảng 30 mét.Con người đã lấy động núi làm chùa. Buồng ngoài cao đến 20 mét, nền bằng phẳng và rộng, dùng làm Tìên đường của chùa, đặt hai tượng Hộ Pháp, vách đá bên tay phải có treo một quả chuông. Buồng trong thấp là một động nhỏ ăn sâu vào núi ôm lấy thượng điện của chùa.

Chùa Thiên Tôn

Chùa - động Thiên Tôn là di tích lịch sử văn hóa thuộc khu di tích cố đô Hoa Lư. Chùa nằm ở thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư, Ninh Bình, Việt Nam. Nếu như núi chùa Bái Đính thờ thần Cao Sơn là vị thần núi trấn ngự ở cửa ngõ phía tây vào thành trong, hang động Tràng An thờ thần Quý Minh là vị thổ thần trấn ngự ở cửa ngõ phía Nam vào thành nam thì động chùa Thiên Tôn là di tích thờ thần Thiên Tôn, là vị thiên thần trấn ngự ở cửa ngõ phía đông vào thành ngoài của khu di tích cố đô Hoa Lư.

Động thờ thần Thiên Tôn, vị thần trong truyền thuyết ở kinh đô Hoa Lư thế kỷ 10 Tương truyền, trước khi đem quân đi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã mang lễ vật vào tế lễ trong động để mong được thần giúp đỡ đánh tan các sứ quân khác. Sau khi lên ngôi vua, Đinh Tiên Hoàng Đế đóng đô ở Hoa Lư, ông đã cho xây cất nhà Tiền Tế và Kính Thiên Đài là nơi tiếp đón các sứ thần nước ngoài trước khi vào kinh đô.

Chùa Bích Động

Chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ được xây dựng trên dãy núi đá vôi Trường Yên thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đây là một di tích lịch sử văn hóa thuộc khu du lịch quốc gia là Tam Cốc - Bích Động. Chùa nguyên có tên "Bạch Ngọc Thanh Sơn Đồng"- ngôi chùa bằng đá đẹp và trong trắng như ngọc ở chốn thâm sơn cùng cốc. Đây là một kiểu động làm chùa phổ biến ở Ninh Bình, động Bích Động là một trong những thắng cảnh nổi tiếng được mệnh danh là "Nam Thiên đệ nhị động", có nghĩa là động đẹp thứ nhì của trời Nam sau động Hương Tích.

Năm Giáp Ngọ 1774, chúa Trịnh Sâm đã đến thăm chùa, nhìn toàn cảnh núi, động, sông nước, đồng ruộng, cây cối đều xanh tươi, chùa như hội tụ nền xanh chùa nên đã đặt tên cho chùa là Bạch ngọc thanh sơn động.

Chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ "Tam" Hán tự, ba toà không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng. Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho chùa hoà nhập với cảnh trí thiên nhiên ngoại mục. Toàn cảnh như một bức tranh núi rừng hùng tráng, dát lên một phù điêu gồm 3 ngôi chùa cổ kính, mái ngói rêu phong, có đủ 8 cảnh đẹp mà người xưa đã gọi là Bích sơn bát cảnh, ba chùa lại được xây trên sườn núi cao, dưới gầm lại có động Xuyên Thuỷ.

Chùa Bái Đính

Chùa là một quần thể chùa gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng năm 2003. Đây là một siêu chùa nằm trên núi Bái Đính, thuộc huyện Gia Viễn. Chùa nhận bằng “Di Tích Lịch Sử - Văn Hóa” năm 1997. Chùa nằm cách khu di tích Cố đô Hoa Lư 5km về phía tây. Đây là ngôi chùa gắn với nhiều danh nhân Việt Nam như Lý Quốc Sư, Đinh Bộ Lĩnh và Quang Trung.

Chùa Bái Đính cổ nằm cách Điện tam thế của khu chùa mới khoảng 800m. Lên thăm hang động ở núi Bái Đính, bước trên 300 bậc đá, hết dốc là tới ngã ba: bên phải là động thờ Phật, bên trái là động thờ Tiên. Phía trên cửa động Phật có 4 chữ đại tự khắc trên đá có nghĩa là: “Lưu Danh Thơm Cảnh Đẹp”. Động dài 25m, rộng 15m, cao trung bình là 2m, nền và trần của động bằng phẳng.

Tương truyền rằng nơi đây, Ông Nguyễn Minh Không đi tìm cây thuốc đã phát hiện ra hang động này đã dựng chùa thờ phật. Đi tiếp theo ngách đá bên trái cuối động sẽ dẫn tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra. Trở lại ngã ba đầu dốc, theo đường rẽ trái khoảng 50m là tới Động Tiên (Hang Tối). Động Tiên lớn hơn động Phật nhiều lần, gồm 7 “buồng” tức là 7 hang, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo, có hang trần bằng, có hang được tạo hoá ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng... Bà Chúa Thượng Ngàn được đặt thờ giữa hang chính với các tượng bằng đá được sơn son thiếp vàng.

Chùa Địch Lộng

Chùa nằm trên núi Kẽm Trống, thuộc xã Gia Thanh, Gia Viễn. Chùa ở lưng chừng núi Địch Lộng, có độ cao so với chân núi khoảng 80m.

Trước cửa chùa có các khối đá giống hình voi chầu, hổ phục, sư tử chầu như đang canh giữ bảo vệ cửa Phật. Ở đây còn có rất nhiều nhũ đá đẹp lấp lánh như cái dù che, rủ xuống như chuông treo. Trong chùa có bầy nhiều tượng Phật, các pho tượng phật uy nghiêm, nhân từ do con người tạo dựng hoà nhập với các nhũ đá của thiên nhiên. Tất cả hiện lên linh nghiêm trong ánh đuốc bập bùng và những loé đỏ của hương trầm phảng phất mùi thơm cõi thiền.

Hang Tối nằm ở phía trái, vào hang du khách sẽ thấy ngay khối nhũ đá to, tròn, nhẵn lì mọc từ nền hang nhô lên. Đó là bầu sữa mẹ của tạo hoá, có nhiều nhũ đá từ trên nóc động chẩy xuống trông giống như những cột chống trời. Mỗi không gian của vách động, trần động là một bức tranh nghệ thuật, những nét trạm khắc tuyệt vời của thiên nhiên, đạt đến mức tinh xảo. Đi hết hang Tối là đến hang Sáng, vì ở trên cao cửa hang Sáng thắt hẹp lại, có khoảng lộ thiên, khi có gió thổi mạn vào trong động phát ra âm thanh của đá nghe như tiếng sáo. Vì vậy động mang tên là Địch Lộng (Địch nghĩa là sáo, Lộng nghĩa là gió).

Điều độc đáo ở hang Tối và Hang Sáng là các thạch nhũ, lấy đá gõ vào thì lanh lảnh như tiếng chuông. Đó là những thạch cầm của thiên nhiên. Đặc biệt hơn nữa là những rải nhũ đá trong hang lấp lánh bảy sắc cầu vồng và mầu sắc thay đổi theo ánh sáng mặt trời. Chùa Địch Lộng hàng năm đều tổ chức lễ hội vào thời gian từ ngày 6 đến 10 tháng giêng Âm lịch, kéo dài đến hết tháng 3.

Du lịch, GO! - Theo báo Đất Việt
Xã Hòn Thơm, (Phú Quốc, Kiên Giang) được thành lập vào năm 2003, dân số chưa đến 3.000 người, tập trung chủ yếu trên năm hòn đảo trong số 18 hòn đảo thuộc địa phận xã. Đảo Hòn Thơm là một trong những đảo chính này, 13 hòn đảo còn lại đa phần là những đảo không người.

Đảo Hòn Thơm có diện tích lớn nhất: khoảng 5,7 km² trong đó dân cư chủ yếu tập trung trên 5 đảo chính là Hòn Thơm, Hòn Rỏi, Hòn Mây Rút, Hòn Dơi, Hòn Dừa....

Hòn Thơm được xem là tinh hoa của quần đảo này. Phía Bắc đảo là những ghềnh đá nhấp nhô, biển đánh vào tung bọt trắng xoá. Giữa đảo là những rặng dừa trải dài xa tít. Đặc biệt, chung quanh Hòn Thơm có nhiều hòn đảo rất đẹp, còn nguyên sơ thuận lợi cho du lịch câu cá, lặn ngắm san hô, tắm biển...
.
Truyền thuyết kể lại, những hòn đảo nơi đây ngày xưa ít nhiều liên quan đến những cuộc trốn chạy và nuôi chí phục thù của chúa Nguyễn khi lưu lạc đến Phú Quốc trong trận chiến với quan quân Tây Sơn.

Thuyền chạy khoảng 20 phút, gặp Hòn Dừa. Một bãi cát trắng phau hình lưỡi liềm nằm ôm trọn những cây dừa ngả bóng xuống làn nước. Thấp thoáng những mỏm đá lớn nhỏ tạo nên bức tranh thiên nhiên tĩnh lặng. Tiếp đến là cảng Hòn Thơm (tự phát) với hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ ra vào tấp nập. Trên bờ, nhà cửa nhấp nhô. Người dân nơi đây chỉ sống và sinh hoạt từ tháng 10 đến tháng 4, những tháng còn lại họ phải chuyển tất cả về phía đông của đảo cách khoảng 1km, nhằm tránh bão.

< Lặn biển ngắm san hô trên đảo Hòn Thơm.

Khi thuyền bắt đầu chạy gần vào cảng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh “chợ nổi trên biển” với quang cảnh mua bán khá tấp nập, gồm nhu yếu phẩm, từ các loại thủy hải sản nuôi trong các bè cho đến các loại thịt, rau, hoa quả, mắm muối, cà phê, bia rượu, nước ngọt, quần áo, son phấn... Các loại tôm, cua, ghẹ tươi rói và giá cả khá mềm so với đất liền. Một kg tôm sú bán khoảng 220.000 đồng, trong đó có những chú tôm nặng gần nửa kg.

< Bãi Đá Trào.

Hòn Thơm hấp dẫn chính là nhờ những bãi cát trắng phau, bóng dừa soi yên bình uống dòng nước trong vắt nhìn thấu đáy thấy các đàn cá, tôm... bơi lội tung tăng.

Đây cũng chính địa điểm lý tưởng để du khách tham gia vào loại hình lặn biển ngắm san hô. Địa điểm chúng tôi tập trung là tại một hòn đảo hoang nằm cạnh hòn đá chồng, gần với Hòn Móng Tay, Hòn Dưng, xa xa là Hòn Me Dút. Vì thuyền lớn không thể cập vào bờ, nên đoàn được di chuyển bằng ghe.

< Sản vật Hòn Thơm.

Tùy sở thích của từng người có thể tham gia vào các trò chơi tắm biển, lặn ngắm san hô nhiều tầng nấc đẹp, mò bắt ốc biển nhiều hình thù, màu sắc không có tại những vùng biển khác, bắt nhum (còn gọi là nhím biển vì có lông xù như nhím trên rừng, thịt thơm và ngon, đang là món “lạ”). Cũng có người tham gia loại hình trekking làm chuyến cuốc bộ xuyên rừng để khám phá một ngách đẹp và hoang sơ khác của đảo hoang, giữa muôn trùng núi rừng và biển cả.

Cùng lúc, gia đình anh tài công đốt lửa nướng các loại tôm, mực, luộc ghẹ - những hải sản chúng tôi mua từ bè tại cảng Hòn Thơm. Mùi thơm hải sản, quang cảnh thiên nhiên đẹp lạ lùng, gió thổi rì rầm từ biển quyện với tiếng gió rừng trưa miên man như đưa chúng tôi vào miền mộng ảo, một “thứ thiên đường giản dị” không dễ tìm trên những cuộc hành trình tưởng chừng bất tận.

Du lịch, GO! - Theo báo Phu nu

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống