Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 27 August 2011

Một ngày mùa hè, bạn hãy cùng tôi về với Tuy An, lắng nghe thời gian lan tỏa trên lòng bàn tay, chân bước trên những trầm tích trăm năm và thưởng thức những món ăn dân dã ngon lành.

1. Thị trấn Tuy An (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cách TP Tuy Hòa 30km về phía bắc theo quốc lộ 1A, từ đây xuôi theo hướng đông khoảng 10km là tuyệt tác thiên nhiên ghềnh Đá Đĩa. Nhưng trước khi đến với kiệt tác thiên nhiên ấy, trên đường đi chúng ta cùng nhau ăn sáng nhé! Chẳng cần phải suy nghĩ lâu, bánh hỏi lòng heo ăn với bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ) thì còn gì tuyệt vời hơn?

Quán khiêm nhường, lặng lẽ hơn so với sự nổi tiếng của nó, không biển hiệu, không quảng cáo nhưng thu hút thực khách theo kiểu rất riêng của mình.
.
Đó là người thành phố thèm ăn một bữa sáng với những miếng lòng còn nóng hổi, là du khách đến với Phú Yên được giới thiệu đặc sản của Tuy An và cả những vị khách “chân đất” thỉnh thoảng ghé quán cho đỡ ghiền. Lòng heo được lấy ngay tại lò mổ từ 4g sáng còn bốc khói, bánh hỏi được đặt làm, nước mắm do chính tay chị chủ quán ủ sóng sánh vàng, còn bánh tráng được lấy từ làng nghề hơn 200 năm tuổi.

2. Nắng đã vàng hơn khi chúng ta rời ghềnh Đá Đĩa với những phiến đá lục lăng chồng lên nhau lấn dần ra biển, tạo nên một thắng cảnh độc nhất vô nhị. Chẳng thể chần chừ, phải tiếp tục cuộc hành trình bởi đất Tuy An này luôn làm mê mải bước chân du khách với những trầm tích hàng trăm năm tuổi. Điểm đến kế tiếp là nhà thơ Mằng Lăng nhé!

Trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621, theo nhà truyền giáo người Ý Cristophoro Borri, lúc đó có ba cảng thị chính là Hội An, Nước Mặn, Thanh Chiêm và đây cũng chính là ba trung tâm truyền đạo của Đàng Trong. Các nhà truyền giáo đặt cơ sở tại Nước Mặn (huyện Tuy Phước, Bình Định), bắt đầu xây dựng những cơ sở truyền đạo ở Phú Yên, trong số đó nhà thờ Mằng Lăng (xã An Thạch) là một trong những giáo đường cổ kính và còn nguyên vẹn nhất. Đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách quốc ngữ đầu tiên của VN.

< Những gì còn lại của thành cổ An Thổ.

Nhà thờ Mằng Lăng có kiến trúc theo phong cách Gothic, đẹp và hài hòa với thiên nhiên. Tiếng thời gian in dấu trên những bờ tường rêu phong xây bằng những phiến gạch đã có tuổi nhiều thế kỷ, trên những hoa văn chạm trổ cầu kỳ ở những cánh cửa gỗ nặng và dày...

Thời gian vừa như lắng đọng cho ta theo dòng lịch sử mà cũng trôi thật nhanh khiến bụng đã sôi lên. Phải tìm chỗ ăn trưa rồi!

3. Còn gì tuyệt hơn khi được ngồi ăn trưa giữa một nơi mà ta tưởng tượng hàng trăm năm trước tấp nập thương lái đến “ăn” hàng. Làng gốm Quảng Đức, làng lụa Ngân Sơn vang bóng một thời bây giờ chỉ còn trong ký ức, nay là một làng nhỏ yên bình nằm ven sông.

Ngồi trong quán nhỏ ven dòng Ngân Sơn giữa hai làng nghề cổ với đập Tam Giang nối đôi bờ, trong khi đợi món ăn hãy dõi mắt theo những chiếc thuyền nan nhỏ xuôi dòng. Rồi trong tiếng gà trưa cục ta cục tác, ta tận hưởng vị thơm ngậy của con cá mương nướng mặc gió sông táp vào da mặt, cảm nhận cuộc đời an bần lạc đạo sao mà đáng sống!

4. Nắng chiều bắt đầu ngả bóng. Lần ngược lại theo lối vừa đi, đến ngã ba Chí Thạnh rồi xuôi theo con đường thiên lý nam - bắc, độ 20 phút sau đã đến thành An Thổ, thủ phủ của Phú Yên xưa.

Thành có bình đồ hình vuông, mặt tiền quay về hướng đông, mặt nam cách sông Phú Ngân (nhánh của sông Cái) khoảng 400m, mặt bắc cách sông Vét (sông Con) khoảng 150m, bao quanh là chiến hào, rồi đến thành ngoại và bên trong thành nội là công đường của các quan lại nhà Nguyễn. Thời gian đã xóa dần dấu vết của thành xưa, nhưng nếu lần theo thư tịch cổ bạn sẽ bất ngờ khi biết chỗ mình đang ngồi ngày xưa là nơi lính tráng canh giữ thành với tiếng vó ngựa rền vang...

< Chùa Đá Trắng.

Về Tuy An mà không đến chùa Đá Trắng (Từ Quang tự) là một thiếu sót. Chùa tọa lạc trên núi Bạch Thạch thuộc xã An Dân, được xây dựng từ năm 1797 trên núi toàn đá trắng. Chắc năm xưa khi chọn nơi này hòa thượng khai sơn muốn từ đây có thể ngắm cảnh sông đang xuôi bên dưới, đồng cỏ trù phú yên bình xung quanh.

Từ chùa nhìn xuống là dòng Ngân Sơn mềm mại như dải lụa uốn lượn ôm lấy núi. Khí thiêng sông núi tụ hội, chùa trở thành căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa hưởng ứng chiếu Cần Vương. Vườn chùa có một giống xoài ngon nổi tiếng - xoài tượng Đá Trắng, tương truyền dưới thời nhà Nguyễn còn có tên gọi là “Nhị bảo ngự thiên”, hằng năm đem tiến vua.

Chiều rơi thật nhanh, tiếng chuông thu không đã đổ. Đã đến lúc quay lại Tuy Hòa trước khi trời tối hẳn, trên đường về bạn đừng quên ghé đầm Ô Loan thưởng thức món sò huyết ngon nức tiếng!

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre, internet
Nếu không tính lượng khách hành hương về dự lễ Vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam - Châu Đốc hàng năm, thì Tiền Giang là tỉnh thu hút nhiều khách du lịch nhất đồng bằng.

“Địa linh”, thiên nhiên ưu đãi, rồi “thiên thời”, “địa lợi” đã trao cho Tiền Giang sứ mệnh là cánh cửa để đón khách du lịch vào miền Tây. Mà du lịch miền Tây nói chung và Tiền Giang nói riêng luôn gắn liền với sông nước. Du lịch Tiền Giang phải làm gì nơi “đầu sóng ngọn gió” ấy?

“Địa linh” bên bờ sông Tiền

Nhờ dòng sông Tiền mà những lưu dân miền Trung đặt chân lên khai phá vùng đất Tiền Giang rất sớm. Rồi chúa Nguyễn cho mấy ngàn người Minh Hương “phản Thanh phục Minh” sang nước ta tị nạn về Mỹ Tho sinh sống. Những yếu tố đó, cùng với thiên nhiên hiền hòa, nước ngọt, đất đai màu mỡ, đã làm cho Tiền Giang phát triển rất sớm.
.
Cách đây hơn 300 năm, khi hầu hết miền Tây còn chưa khai phá hoặc mới “vỡ hoang”, thì ở Tiền Giang đã có “Mỹ Tho đại phố”, cùng với cù lao Phố (Biên Hòa) là hai đô thị sầm uất nhất Nam Bộ, trên cả Sài Gòn – Bến Nghé. Rất tiếc là khi quân Xiêm sang xâm lược nước ta đã tàn phá “Mỹ Tho đại phố”, đã kéo lùi sự phát triển của đô thị này hàng trăm năm, nhưng bù lại đã giúp cho Tiền Giang có được trận thủy chiến Rạch Gầm – Xoái Mút lừng danh gắn liền với tên tuổi nhà Tây Sơn và vua Quang Trung.

Sự phát triển sớm đã giúp cho Tiền Giang sớm có những hào kiệt, những gia đình giàu có, là điều kiện để Tiền Giang để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử triều Nguyễn với 2 bà hoàng hậu (Tù Dũ và Nam Phương) và người Anh hùng dân tộc Trương Định cãi mệnh triều đình cùng nhân dân chống Pháp. Tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho được thực dân Pháp xây dựng đầu tiên ở Đông Dương vào thập niên 1880 càng giúp cho Mỹ Tho và Tiền Giang trở thành đầu mối giao thương cho cả đồng bằng. “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ - Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu...”.

Mỹ Tho là nơi tiếp đón rất nhiều nhà chí sĩ, yêu nước như Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Sắc, Tôn Đức Thắng, Trần Văn Giàu... Vị trí “địa linh” đã giúp cho Tiền Giang có nhiều có nhiều danh nhân, nhà yêu nước, nhà văn hóa, góp phần làm phong phú lịch sử, phong cách của đất đồng bằng.

Nơi hội tụ của những thuận lợi

Trong những năm qua, khi đất nước mở cửa và đẩy mạnh phát triển kinh tế, hội nhập, Tiền Giang lại được thời thế ưu ái cho những thuận lợi mà nhiều nơi khác phải thòm thèm, đó là con đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, cầu Rạch Miễu nối liền Mỹ Tho với Bến Tre, đi Trà Vinh, Sóc Trăng. Rồi tuyến QL50 được khôi phục, nâng cấp, sẽ “đánh thức” vùng đất Gò Công.

Thiên nhiên thuận lợi và bàn tay người dân Tiền Giang qua nhiều thế hệ đã làm cho nơi đây trở thành “vương quốc trái cây” nổi tiếng không chỉ trong nước. Trong xu thế du lịch trở về với thiên nhiên, “miệt vườn” Tiền Giang là sự lựa chọn tốt nhất cho du khách khi muốn đến khám phá đồng bằng. Dãi cù lao “tứ linh” và hàng loạt cù lao khác nằm giữa sông Tiền như là những kho báu vô giá mà hiện nay chưa được khai thác tốt.

Với tất cả những thuận lợi đó, du lịch Tiền Giang không phát triển mới là lạ. Trong 7 tháng đầu năm 2011, Tiền Giang đã đón khoảng 560 ngàn khách du lịch, trong đó có hơn 300 ngàn khách quốc tế. Tỉnh Long An kề bên chỉ mong muốn được 1/10 con số đó mà không được. Điều đó cho thấy Tiền Giang đang là “siêu sao” trong làng du lịch đồng bằng.

Đừng ngủ quên trên nệm nhung

Theo ngành du lịch tỉnh Tiền Giang, trong 7 tháng đầu năm 2011, dù đã đón khoảng 560 ngàn khách du lịch, trong đó có hơn 300 ngàn khách quốc tế, nhưng cũng chỉ tăng hơn 11% so cùng kỳ năm rồi. Đây là con số rất khiêm tốn so với cả nước (tăng 18%). Tôi có cảm giác vì du lịch Tiền Giang đã phát triển quá cao, hơn hẳn những tỉnh xung quanh, trở thành “đỉnh” của cả đồng bằng, nên Tiền Giang không muốn phát triển nhanh nữa. Đi trên cù lao Thới Sơn, địa thế mà các tỉnh khác nằm mơ cũng không thể thấy, tôi thấy thẩn thờ khi “cù lao vàng” này vẫn còn là tiềm năng du lịch, chưa được khai thác gì nhiều.

Về biển Tân Thành, bãi biển mà cách đây gần 40 năm tôi và các bạn nhỏ đã dám đạp xe 50 cây số để đến ngắm cho biết, bây giờ trở lại vẫn không có thay đổi gì nhiều, lưa thưa du khách.

Hàng loạt nhà cổ ở Gò Công đã biến mất, rạp hát cải lương đầu tiên ở Nam Bộ vẫn đóng cửa im lìm, ngôi nhà xưa của Bạch công tử vẫn chưa đón khách du lịch... Còn quá nhiều kho báu du lịch mà Tiền Giang chưa tận dụng để lôi kéo du khách, giữ vững vị trí “đầu tàu” của mình trong thu hút du khách về miền Tây.

Trong bức tranh “nửa sáng nửa tối” của du lịch Tiền Giang, tôi rất thích ngắm nhìn gam màu sáng mà những người làm du lịch ở huyện Cái Bè đang vẽ nên. Khu “làng cổ” đầu tiên ở Tiền Giang đáng lý phải nằm ở Gò Công, Mỹ Tho hoặc Vĩnh Kim, thế nhưng những người có máu du lịch ở Cái Bè đang làm được chuyện như ngoài khả năng của mình. Những khu resort đầu tiên của Tiền Giang cũng không nằm trên cù lao Thới Sơn hay một nơi nào khác gần Mỹ Tho, mà đang được xây dựng ở Cái Bè...

Đã có nhiều đoàn khách du lịch từ TP.HCM về Tiền Giang không ghé lại Mỹ Tho để đi cù lao Thới Sơn, đi Gò Công, mà họ đi thẳng về Cái Bè, rồi qua Vĩnh Long. Đó là điều những người làm du lịch ở Tiền Giang phải suy ngẫm. Không khéo lại ngủ quên trên nệm nhung!

Du lịch, GO! - Theo Laodong, internet
Sapa đẹp bởi con người nơi đây hiền lành, hiếu khách. Dù bạn là người nước ngoài hay là người Việt Nam khi tới Sapa đều nhận được tình cảm nồng nàn của dân bản xứ. 

Sapa còn đẹp bởi phong cảnh hữu tình của núi non trùng điệp: đó là những rừng nguyên sinh, những thửa ruộng bậc thang trải đều trên các sườn núi hay những đám mây bồng bềnh, lơ lửng giữa bầu trời, và một vẻ đẹp không thể không kể tới, đó là những thác nước quanh năm đổ xuống như thác Cát Cát, Thác Giàng Tả Chải và nổi tiếng hơn hết là Thác Bạc.

Nằm cách thị trấn Sapa chừng 15km về phía Lai Châu,  Điện Biên, mất chừng 30 phút bằng xe máy hay xe bus, bạn sẽ tới thăm một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam. Phong cảnh trên đường đi là những rừng thông, những giàn su su trải rộng trên những sườn đồi, bên con đường là những cánh đồng hoa hồng quanh năm tươi tốt sẽ khiến du khách quên đi đoạn đường dài.


Cuối cùng thì cũng đến, thác Bạc kia rồi: Từ trên khe núi cao hàng trăm mét, dòng nước ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xoá. Từ xa đã nghe thấy tiếng thác đổ ào ào, tiếng vang được lập lại trong rừng thẳm càng tăng thêm cảm giác hoang dã và huyền bí.

Những hôm trời trong xanh, nếu bạn đứng trên núi hàm rồng sẽ thấy phía xa xa là dòng nước trắng như bạc đang ào chảy xuống.  Có lẽ vì vậy mà người dân nơi đây đặt cho nó cái tên thật lãng mạn - Thác Bạc.

Khi tới gần dòng thác tuyệt đẹp hiện ra trước mắt bạnh, phía trên là những bụi nước bay ra như những đám mây phủ mờ. Leo lên độ cao chừng 30m từ dưới chân thác, bạn sẽ có cảm giác như thác nước đang đổ về phía mình, những dòng nước nhỏ đang ầm ầm đổ xuống để kịp bắt dòng với con suối phía dưới kia.

Bạn hãy vượt lên những đoạn đường quanh co, uốn lượn cạnh thác để thở trong gió núi, tai nghe văng vẳng tiếng chim ngàn. Thiên nhiện sẽ làm cho bạn cảm thấy lâng lâng thoát tục như đang lạc vào cõi bồng lai. Sa Pa bốn mùa hoa trái, bốn mùa sang sớm đều sương giăng mờ mịt. Nhất là khu vực thác Bạc, mùa hạ vẫn se se lạnh.


Bạn cũng có thể ngắm mình dưới dòng suối trong mát để gột rửa mọi lo toan, tha hồ trò chuyện thư giãn dưới những bóng cây rừng xanh mởn, cho mọi phiền não trôi theo dòng thác nổi tiếng của Sapa..

Thỏa thuê rồi, bạn hãy bắt xe đi thăm Cầu Mây - Giàng Tà Chải. Cây cầu nổi tiếng bằng dây mây này bắc qua con sông Mường Hoa ầm ào cuồn cuộn khiến du khách thích thú hơn là cây cầu bằng gỗ vững chãi gần đó. Nếu như may mắn đến vào lúc sương mù cuộn từ dòng Mường Hoa lên phủ kín Cầu Mây, khách thấy mình như đang bồng bềnh trong mây.

Đi qua thác Bạc chừng 2km, bạn sẽ tới Trạm Tôn: Đây là nơi khởi điểm các cuộc chinh phục đỉnh núi Fanxipan - nóc nhà Đông Dương.

Nếu cao hứng, bạn hãy tiếp tục chuyến đi tới vùng Cổng Trời để thấy bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với những khu rừng rậm, xa xa là những con đường đèo ngoằn ngèo. Từ nơi này, bạn sẽ ra sự khác biệt giữa hai luồng khí hậu khi đứng giữa ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Phía Sapa, không khí thật mát mẻ, dễ chịu thì phía Lai Châu là cái nóng bức của mùa hè.

Du lịch, GO! Tổng hợp

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống