Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 3 September 2011

Với nhiều người trẻ ham xê dịch, một phần ý nghĩa của những chuyến đi chính là những trải nghiệm những vất vả, gian truân trong suốt hành trình. “Phượt” bình dân, vì thế càng được ưa chuộng.

Phượt kiểu “bình dân”

Dần trở thành một trong những thú vui được giới trẻ yêu thích nhất, “phượt” đang từng ngày khẳng định vị trí của mình trong đời sống. Thay vì đổ tiền vào những tour du lịch tốn kém, chịu cảnh chặt chém, nhiều bạn trẻ có xu hướng chuyển sang “phượt bình dân” – vừa rẻ, vừa hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị. Đặc biệt trong kì nghỉ Quốc Khánh, những kế hoạch phượt bình dân với chi phí thấp, nhiều cơ hội trải nghiệm lại càng được ưa chuộng.

“Không phải cứ một mình cưỡi “xế” rong ruổi các cung đường, ăn bờ ở bụi, khám phá những nơi ít người biết đến mới là phượt. Với bọn mình, phượt đơn giản là vác ba lô, đi để cảm nhận cuộc sống, thu vào tầm mắt những hình ảnh đa dạng, không ngừng biến đổi của cuộc sống” – Ngọc Hải – SV năm thứ ba ĐH Ngoại Thương chia sẻ quan niệm về “phượt”.

Là con gái, nhưng Hải rất thích lang thang đây đó. Thỉnh thoảng căng thẳng với việc học hành, công việc, Hải lại thu xếp để lên đường. “Mình không có nhiều tiền, nên thường chọn những điểm đến gần. Đôi khi chỉ là một địa điểm lạ, một danh thắng ít khách du lịch mà mình tình cờ biết được, mình tò mò, thế là đi. Chẳng cần đi tàu, xe chất lượng cao hay ăn uống, dịch vụ này nọ, cốt sao là được đặt chân đến nơi, thỏa sức tò mò, khám phá thế là thích!” – Hải chia sẻ.

Tiêu chí “bình dân”, rẻ, tiện, nhanh được Hải đặt lên đầu, một phần cũng vì túi tiền sinh viên eo hẹp. Thế nhưng chưa bao giờ Hải thấy lo lắng hay buồn vì điều đó. Tự so sánh với những chuyến đi khác, được lo chu toàn về nơi ăn chốn ở, hàng quán trang trọng, Hải nhận xét, kỉ niệm đáng nhớ hơn cả vẫn là gắn với những chuyến đi kiểu "bình dân".
“Nhiều người thích du lịch, nhưng khổ, sợ vất vả hay nguy hiểm. Với mình, một trong những điều ý nghĩa nhất của đời sinh viên chính là những chuyến đi tưởng là “khổ” mà "sướng" vô cùng như thế” – Hải vui vẻ nói.

Cũng đam mê phượt, anh Đặng Đức Thắng – NV FPT chia sẻ kinh nghiệm phượt tiết kiệm cho những chuyến đi của mình đó là tận dụng mối quan hệ những người quen ở những nơi đến, vừa tiết kiệm chi phí ăn ở, đi lại, vừa có thể tìm hiểu nhiều hơn về địa phương.

Theo anh Thắng: “Ba dụng cụ không thể thiếu trong balo để chuẩn bị cho chuyến đi là vật nhọn sắc (con dao nhỏ), vật phát ra ánh sáng (bật lửa), vật tạo ra lửa (một chiếc bật lửa nhỏ). Nên cố gắng mang những vật dụng thật sự cần thiết nhất để balo nhỏ, gọn nhất có thể”.

Tuy nhiên, những hiểm nguy tiềm ẩn trong mỗi chuyến đi là khó tránh khỏi, nhất là trong những chuyến đi “tiết kiệm” thì bạn trẻ cũng cần đề phòng những điều không hay có thể xảy ra.
“Tiết kiệm chi phí là tốt, nhưng có những lúc không nên tiết kiệm mà phải ưu tiên sự an toàn cho bản thân”- anh Mạnh Hùng – một phượt thủ người Quảng Nam đưa ra lời khuyên.

Anh Hùng kể, thời sinh viên, anh đã có một chuyến đi “nhớ đời” khi một mình đi từ Đà Nẵng ra Nghệ An: “Hồi ấy vì muốn tiết kiệm tiền xe, nên mình đã liều lĩnh đón xe ngoài Quốc Lộ. Không ngờ xe nhồi nhét, đi ẩu và còn “khủng” bố hành khách ở mỗi chặng dừng chân… Tính ra, tiết kiệm được mấy trăm ngàn tiền xe, nhưng sức khỏe và tinh thần “căng” như dây đàn, so ra không hề đáng kể”.

“Rảnh” là lên đường

Phượt mang đến cảm giác phiêu du, tự do, là điều mà giới trẻ luôn khao khát. Đó cũng là lý do khiến giới trẻ yêu và đến với phượt. Nhiều người hễ có thời gian là lại đi, như thể mắc nợ với những cung đường.

Nguyễn Cường, SV ĐH Mỹ Thuật Công nghiệp tâm sự: “Bắt đầu từ những chuyến đi thực tế trong trường mà tôi thấy thích đi, rồi thích phượt. Sau này thì cứ có cơ hội là lại đi tranh thủ, lâu lâu không được đi xa lại thấy bức bí, “cuồng” chân lắm!”

Nói là vậy nhưng do bận việc học hành, công việc làm thêm, ngay cả những lúc “cuồng” chân nhất, chưa chắc Cường đã đi được. Bởi thế, muốn “phượt”, còn phải cân đối, thu xếp được thời gian. Thậm chí, cậu còn lôi kéo cả nửa kia của mình vào thú vui phượt để hai người có thời gian bên nhau nhiều hơn.
“Chinh phục Fanxiphan, cột cờ Lũng Cú, lang thang trên cao nguyên Mộc Châu hái mận… là những kỉ niệm không thể nào quên trong mỗi chuyến đi của chúng tôi”.

Ham mê phượt nên những dù bận rộn đến mấy, các phượt tử cũng vấn hết mình thu xếp cho những chuyến đi. Trên các diễn đàn dành cho dân phượt, nhiều chuyến đi đã rậm rịch được hô hào, lên lịch từ cách đây hàng tháng trời. Nhiều bạn trẻ ham phượt phải hết sức cân nhắc thời gian để có thể xê dịch cùng nhau.

Anh Đặng Đức Thắng – NV FPT cho biết, dù công việc bận rộn nhưng dịp 2/ 9 tới đây anh cũng đã lên lịch cho chuyến phượt Mộc Châu – Sơn La, vì thời điểm này cũng đúng vào dịp Tết của người Mông, hứa hẹn nhiều điều hay ho để khám phá.
Không quá “phiêu”, ngẫu hứng hay mất nhiều thời gian như các phượt thủ có kinh nghiệm, một số bạn trẻ phượt “bình dân” cực kì đơn giản.

Với Hồng Hạnh, ĐH Hà Nội, việc cả một nhóm bạn chơi với nhau, chọn quê một đứa làm điểm đến rồi tranh thủ các kì nghỉ để về nhà nhau cũng là “phượt”.

“Tranh thủ các kì nghỉ, chỉ tốn tiền xe đi về và chi phí phát sinh không đáng kể là bọn mình đã có những chuyến đi hoành tráng chẳng thua kém ai. Nhờ cách đó mà từ Hà Giang đến Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An… cả bọn đều lần lượt đặt chân đến. Sau bốn năm đại học, chúng mình được đi nhiều, hiểu về nhau hơn và càng thân thiết hơn”.

Chia sẻ về kế hoạch “đi” dịp Quốc Khánh, Hạnh cho hay cả nhóm sẽ làm một chuyến đi lên Lạng Sơn. “Một người bạn ở thành phố đã hứa làm “hướng dẫn viên” cho chúng em đi một vòng quanh xứ Lạng” – Hạnh cho hay.

Với lối nghĩ rất thoáng, tự tin và năng động, những  chuyến phượt "bình dân" như thế đang giúp nâng bước và mở rộng thêm tầm mắt, trái tim cho những người trẻ.

Du lịch, GO! - Theo Minh Tâm Vietnamnet, internet
Rớt vực, lạc đường, mò mẫm đi trong đêm tối, lả đi vì đói rét...là số ít những kỷ niệm nhớ đời của dân "phượt".

Lần thoát chết nhớ đời

Gần 3 năm trôi qua nhưng Nhung Mèo (SN 1987, Cựu sinh viên ĐH Văn hóa Hà Nội) vẫn "nổi da gà" mỗi khi nhớ lại chuyến "phượt" khủng khiếp tới chốn rừng thiêng nước độc Tây Côn Lĩnh vào kỳ nghỉ cuối tuần giữa tháng 7. Đoàn của Nhung gồm 9 người, 5 xe gắn máy, chỉ có Nhung và một chị nữa là nữ.

Dịp đó mưa mù trời do ảnh hưởng của một cơn bão sắp đổ bộ vào Bắc Bộ nhưng đoàn Nhung vẫn quyết định lên đường vì lịch trình đã lên, chỉ đợi đến giờ hoàng đạo là xuất phát. Ngày đi đầu tiên diễn ra suôn sẻ, đoàn đến Hà Giang vào khoảng 9 giờ tối, thuê nhà nghỉ và được ăn uống tử tế.

Nhung kể: "Đêm hôm ấy trời đổ mưa, sáng hôm sau vẫn mưa lất phất nhưng anh trưởng đoàn vẫn quyết định vượt núi. Trận mưa đêm đã biến con đường lên núi thành một cung đường khủng khiếp, nhão nhoét bùn đất và trơn tuột. Càng đi con đường càng nhỏ dần, hết đường lầy trơn lại đến những đoạn dốc đá lởm chởm sắc nhọn, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Ngồi sau không dám nói câu nào, chỉ sợ người cầm lái mất tập trung.

Nhiều đoạn sạt lở phải dừng lại làm đường, khiêng xe. Mặc dù đã lường trước được sự khủng khiếp của cung đường này khi gặp trời mưa nhưng khi lâm trận chúng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác rợn người, nổi gai ốc".

"Chúng tôi đi được khoảng 40km đường rừng thì trời đã bắt đầu tối, con đường vòng vèo phía trước vẫn không một bóng người, mù mịt núi rừng. Đi thêm được hơn 1 giờ thì một xe bị xịt lốp sau. Đến lúc này, sự lo âu đã hiện lên trên khuôn mặt từng người. Trưởng đoàn liền cử một xe lên dò đường, còn mọi người ở lại xử lý chiếc xe bị xịt lốp. Lúc này đã gần 8 giờ tối.

Trời bắt đầu mưa lâm thâm, ai cũng lạnh co ro, quần áo dính đầy bùn đất ướt nhẹp, đói đến lả người. Lưng chừng núi không tìm được nơi dựng trại, đường bé chỉ vừa bánh xe, bên vực, bên núi, khó có thể đi tiếp trong tình trạng trời tối mưa ướt như thế này. Cả đoàn sửa xe xong cũng đành bất lực ngồi co ro chờ hai người đi tiềm trạm.

Hai tiếng sau xe tiền trạm trở về mang theo tin mừng đã tìm thấy bản và đặt đồ ăn. Cả đoàn vui như bắt được vàng. Con đường phía trước đen kịt, vực sâu hun hút, mưa lâm thâm, gió rít từng cơn đến rợn người, cả đoàn vẫn quyết tâm đến bản bằng mọi giá. Đi vì sự sống. Ngồi sau tay lái "thép", Nhung vẫn không khỏi rụng rời tim gan khi qua những đoạn chỉ cần nhích quá 1 bàn chân thôi là đã rơi xuống vực.

"Đúng 1 giờ đêm chúng tôi về tới bản trong tình trạng ướt từ đầu đến chân, run như cầy sấy. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng sống sót, qua được cung đường tử thần", Nhung bàng hoàng nhớ lại.

"Bỏ của chạy lấy người" ở Hàm Lợn

Trần Hùng (nhân viên Trung tâm sửa chữa kỹ thuật cao Huyn Dai) cũng có những kỷ niệm nhớ đời với chuyến "phượt" Sóc Sơn xuyên Tam Đảo, chinh phục đỉnh Hàm Lợn vào giữa mùa đông năm ngoái.

Cả đoàn 12 người (7 nam 5 nữ) đi xe máy từ Hà Nội đến Sóc Sơn gửi xe, 3 giờ chiều bắt đầu xuất phát từ chân núi. 6 giờ tối lên đến điểm cắm trại đầu tiên một cách suôn sẻ, cả đoàn như mở cờ trong bụng.

Mọi việc bắt đầu tồi tệ khi trận mưa rừng ùa tới. 22 giờ mưa bắt đầu có hạt, gió đông bắc gào thét khiến ai cũng co ro vì mưa rét. Lúc này toàn bộ số nam giới trong đoàn được huy động mặc áo mưa, ngồi xung quanh giữ cho mép lều không bị gió thổi bật và liên tục nâng mái lều cho thoát nước mưa đọng để chị em phụ nữ ngủ.

Khoảng 1 giờ sáng mưa như trút nước, lều bắt đầu ướt xung quanh, gió rít cây rừng, dòng nước thì trên sườn núi đổ xuống ào ào sượt qua khu vực cắm trại. Đồ đạc trong lều ướt nhẹp, ai cũng lạnh run người vì bị mưa ướt. Không còn thời gian suy tính vì mưa càng ngày càng nặng hạt, trưởng đoàn đành quyết định xuống núi ngay trong đêm.

Leo núi đã vất vả, xuống núi trong cảnh rừng đêm âm u mưa xối xả càng vất vả hơn. Cỏ lau um tùm, đêm tối mùi mịt, thỉnh thoảng lại có vụ sụp hố, cũng may là không sâu lắm nên không ai bị thương.

"Chúng tôi chỉ kịp mang balo và những thứ đồ quan trọng, toàn bộ chăn chiếu, lều trại và thức ăn đều bỏ lại. Hai chiếc điện thoại, một chiếc máy ảnh bị rơi mất lúc nào không biết. Đây là chuyến đi thiệt hại nhất mà tôi từng tham gia", Hùng nói.

Đày đọa trên chuyến tàu bão táp

Đôi bạn thân Quỳnh - Yến (Khoa quản trị kinh doanh, ĐH Dân lập Phương Đông) đã có một chuyến thăm Sapa đủ mọi cung bậc cảm xúc: hồi hộp, thăng hoa, mệt mỏi, chán nản, hi vọng, sợ hãi. Chuyến đi vào đúng dịp Lào Cai chịu sự tàn phá khốc liệt của một cơn lũ dữ.

Hai ngày đầu tiên ở Sapa, đôi bạn cảm thấy vô cùng phấn khích trước cảnh sắc Sapa mùa mưa ngâu. Đến ngày thứ ba, trời vẫn mưa liên tục và ngày càng to hơn. Xem tin tức thấy mưa lũ đã làm sạt lở nhiều đoạn đường sắt từ Lào Cai về Hà Nội và gây ngập lụt ở nhiều nơi, đôi bạn mới phát hoảng.

Dự trù kinh phí ở lại Sapa 4 ngày, không đủ tiền để ở thêm nên đôi bạn quyết định xuống Lào Cai, tìm đường về Hà Nội bằng mọi giá. Xuống đến Lào Cai, nhà ga lại thông báo tất cả các chuyến tàu đều ngừng chạy do mưa lũ, sạt lở đường ray. Đến lúc này, Yến phải gọi điện về nhờ mẹ gửi tiền "cứu trợ".

Đôi bạn thuê nhà nghỉ ở lại Lào Cai hai ngày thì đến ngày thứ ba có tàu về Hà Nội. Hùng hục chạy ra ga, sau nửa tiếng xếp hàng Yến cũng cầm trong tay hai chiếc "vé đứng" về đến ga Hà Nội.

21 giờ tàu khởi hành. Yến và Quỳnh được nhân viên phục vụ đưa cho 2 chiếc ghế nhựa ngồi giữa lối đi của khoang. Cứ đi được một đoạn ngắn tàu lại phải dừng lại để kè đá các đoạn đường ray bị sạt lở. Có những đoạn phải dừng lại hàng 3, 4 tiếng để nhân viên khắc phục sự cố.

"Đi đường dài không có ghế ngồi tử tế nên mệt mỏi vô cùng. Tàu thì dừng lại liên miên, nhìn ra ngoài đâu đâu cũng bùn đất đến tuyệt vọng. Về đến Hà Nội là 11 giờ trưa, mừng, mệt. Một chuyến đi để đời", Yến nhớ lại.

Mỗi một chuyến đi, là một lần dân "phượt" được trải nghiệm cuộc sống. Có những chuyến đi đầy gian khổ, mất mát nhưng họ chưa bao giờ hết hăm hở. "Vẫn muốn đi nhiều, đi tiếp, để thấy mình trưởng thành theo con người và theo những miền đất mà mình đã từng đặt chân tới. Đó cũng là thử thách cho mỗi chuyến đi để chúng ta rút ra kinh nghiệm cho chuyến đi sau an toàn hơn", Trần Hùng chia sẻ.

Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet, ảnh VnMedia minh họa

Friday, 2 September 2011

Lâu nay, rêu đá chỉ được coi là một loại thủy sinh không nhiều tác dụng. Nhưng đối với người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang tỉnh Hà Giang, thì rêu đá được coi là đặc sản trong ẩm thực của họ. Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.

Theo người dân địa phương, khi đi tìm rêu, họ thường chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món.

Chị Hoàng Thị Cấp - Xã Xuân Giang, Quang Bình, Hà Giang cho biết: “Khi vớt, phải đứng ở dưới suối, nước cứ chảy từ trên xuống và lấy tay quơ ngang lấy, những cái nào non nhất thì mình cầm được còn cái già thì nó vẫn bám ở đá.

Rêu chỉ sống trong 7 ngày, khi nó mọc lên 3 - 4 ngày là đi vớt được rồi, còn quá 7 ngày nó trở thành màu trắng bệch và không ăn được nữa”.

Rêu suối tuy nhiều, nhưng những loại rêu ngon rất ít và rêu ăn được có theo mùa, bởi vậy đối với bà con nơi đây rêu cũng là một món ăn quý. Rêu có thể được chế biến thành nhiều món như rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.

Theo chị Hoàng Thị Cấp, sau khi xé tơi rêu thì trộn các gia vị như xả, lá mùi tàu, lá dăm, lá hẹ và có thể cho 1-2 hạt dổi vào để cho thơm cùng với muối, mì chính, cần cái gì thì mình cho vào tuỳ theo khẩu vị của từng gia đình, sau khi trộn xong gói lá rồi nướng trên than bếp.

Khi nướng, người ta không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là quẹ đã chín.

Vì rêu ăn được theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ có khách quý mới được đãi món rêu khô trên gác bếp.

Rêu nướng không chỉ là món ăn được nhiều đồng bào dân tộc ưa thích, mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.

Du lịch, GO! - Theo VTV

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống