Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 3 September 2011

Với người phụ nữ Thái, bên cạnh “tăng cẩu” thì nghệ thuật gội đầu, chăm sóc tóc của họ cũng được coi là cả một nghệ thuật mới mẻ với nhiều nét độc đáo.
Những búi tóc cao nơi đỉnh đầu (người Thái gọi là tăng cẩu) là dấu hiệu chứng tỏ một cô gái Thái đã lập gia đình. Từ khi lập gia đình thì búi tóc đó ít khi bị xõa ra nhờ bí quyết vấn tóc và cả cái trâm bạc cài lên cố định tóc. Chiếc trâm bạc đó vừa là vật trang sức, vừa thể hiện thứ bậc của người phụ nữ Thái trong quan hệ xã hội. Bên cạnh điệu xòe và chiếc khăn piêu, mái tóc trở thành nét riêng có của phụ nữ Thái.

Mái tóc thường được chăm chút cẩn thận và nuôi dài, rất hiếm phụ nữ Thái cắt tóc ngắn. Ngày xưa phụ nữ Thái thường gội đầu với lá cây rừng để giữ tóc đen mượt. Ngày nay cuộc sống hiện đại đã len lỏi đến vùng cao khiến người phụ nữ Thái dần quên mất phong tục gội đầu truyền thống.

Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt
Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều
Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch
Em gội đầu để suối suốt đời reo.

Người Thái quan niệm, việc gội đầu của người vợ có quan hệ mật thiết với tính mạng của người chồng, nhất là khi người chồng đang đi xa và làm những việc nguy hiểm. Bởi vậy để tránh nguy hiểm cho chồng, người vợ thường không gội đầu trong suốt thời gian chồng đi vắng. Công việc hết sức hệ trọng đó được tiến hành trước ngày chồng đi xa và chỉ được thực hiện khi người chồng đã quay về một cách an toàn. Có những lần chồng đi rừng đến 1-2 tháng. Trong khoảng thời gian đó người phụ nữ Thái cũng không được gội đầu.

Để cho những búi tóc luôn sạch, không bị gầu, không bị bết lại, phụ nữ Thái có một bí quyết riêng. Bí quyết này được truyền từ đời này sang đời khác cũng như cái quan niệm không gội đầu khi chồng vắng nhà. Bí quyết đó hết sức đơn giản nhưng cũng rất hữu hiệu: dùng nước gạo để gội đầu. Phải là nước vo gạo nếp và phải thật đặc như kiểu hòa bột vào nước. Nước đó phải để ít nhất 2 ngày hai đêm đến khi thành một hỗn hợp sền sệt và có mùi thum thủm thì mới được đưa ra để gội đầu.

Có những lúc chồng đi rừng cả 3 tháng trời nên chỉ có cách gội đầu bằng nước vo gạo đặc đã lên men mới để tóc được lâu. Không những để được lâu mà cách này còn giúp tóc luôn đen, mượt”. Theo “quy định” thì mỗi khi người chồng đi xa thì phụ nữ nhất định không được gội đầu thế nhưng với những trường hợp chồng đi lâu ngày quá thì người vợ cũng có thể “phá rào”. Tuy nhiên công việc này chỉ được tiến hành vào buổi đêm “để tránh con mắt của quỹ dữ”.

Không chỉ kiêng gội đầu lúc chồng đi vắng mà phụ nữ Thái cũng không được gội đầu vào 3 ngày Tết hoặc khi nhà có đại tang. Khi bố, mẹ qua đời, con dâu và con gái không được gội đầu, tắm rửa từ khi bắt đầu các công việc chuẩn bị tang lễ đến khi tang lễ kết thúc. Cùng với việc không được gội đầu, những người phụ nữ trong nhà chỉ được tắm với điều kiện mặc nguyên cả váy áo (phụ nữ Thái thường tắm “tiên”, lúc tắm không mặc áo cho dù tắm chung suối với nam giới). Trong ngày Tết, người Thái quan niệm gội đầu là một tư thế không được đẹp mắt sẽ làm phật ý những người đã khuất. Bởi vậy việc gội đầu phải được hoàn thành trước ngày 28 Tết. Hết 3 ngày Tết hay khi tiễn những người đã khuất về trời thì người phụ nữ mới được phép tắm rửa, gội đầu trở lại.

Cùng với sự phát triển đi lên của cuộc sống, nhiều quan niệm của người Thái đã trở nên lỗi thời trong đó có cả phong tục gội đầu. Ngày nay, cũng như bao thiếu nữ khác, các cô gái Thái đã tân tiến hơn, sử dụng các loại dầu gội thông dụng để làm sạch tóc. “Giờ chỉ có người già thỉnh thoảng dùng nước vo gạo thật đặc lên men gội đầu để cho tóc mượt thôi. Đàn ông Thái đã biết rời bản làng đi làm khắp nơi, cả năm mới về nên không thể đợi chồng về mới gội đầu được.

Ven những con suối chảy qua những bản làng người Thái, những mái tóc dài đen nhánh buông trong nước đang dần trở thành ký ức…
Vì vậy, nhân dịp đón tết Độc lập, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã tổ chức phục dựng Lễ hội gội đầu tại bến Pá Uôn.

Đây là lễ hội của đồng bào vùng Thái trắng thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) tỉnh Sơn La và người Thái ở Mường Lay (tỉnh Điện Biên), Phong Thổ, Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Hàng ngàn người dân các xã vùng ven hồ thuộc huyện Quỳnh đã đến xem, đồng thời chiêm ngưỡng cầu Pá Uôn, cây cầu bắc qua hồ thủy điện Sơn La có trụ cao nhất Việt Nam.

Theo quan niệm của người Thái, gội đầu là để rửa trôi, tống tiễn những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ theo dòng nước (sông, suối), đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu cho khi bước vào năm mới con người có sức khỏe, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Lễ gội đầu của người Thái trắng gồm các hoạt động: Một thầy mo (hoặc ông trưởng họ) mời bà con dân bản xuống bến nước chuẩn bị gội đầu đón chào năm mới sắp đến. Ngay sau đó, các nam thanh nữ tú khiêng trống, chiêng vừa đi vừa khua rộn rã, thúc giục mọi người theo sau. Chậu nước gội đầu được bà con dân bản đun sôi để pha với nước gồm có bồ kết, vỏ cây xo xe, những cánh hoa rừng, hoa đào, hoa mận.

Đàn ông thì khoác súng kíp, đeo túi thổ cẩm trong có đựng bảo bối gọi là “thung xanh.” “Bảo bối” thực ra chỉ là móng vuốt hổ, vuốt gấu, đoạn sừng tê giác, châu ngọc hoặc có thể chỉ là của hồi môn như nhẫn vàng, vòng bạc.

Theo bà Trịnh Thị Oanh, Bí thư huyện ủy Quỳnh Nhai, việc tổ chức phục dựng Lễ hội gội đầu là để đáp ứng mong muốn của người dân, đồng thời để bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc khi bà con đến nơi ở mới nhường sông Đà để làm hồ thủy điện Sơn La.

Bà Bạc Thị Hoàn, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Quỳnh Nhai cho biết: Lễ hội gội đầu là để tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc Thái của huyện Quỳnh Nhai, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, góp phần nâng cao trình độ dân trí.

Lễ hội còn là dịp để quảng bá giới thiệu tiềm năng văn hóa, thể thao, du lịch và con người Quỳnh Nhai. Lễ hội này mang tính nhân văn sâu sắc thể hiện lòng thiện của con người, yêu hòa bình, mong muốn cho bản thân và mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp, có sức khỏe và may mắn./.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Dantri, TTXVN, ảnh sưu tầm
Đuổi lợn không chỉ là trò chơi dân gian mà còn là một tục lệ mổ lợn tế thần ở một số địa phương thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Vào dịp lễ hội làng hàng năm, hàng giáp phân công mỗi xóm nuôi một con lợn cúng thần.

Lợn nuôi được vỗ béo là lợn đực, giống chạy nhanh, khỏe. Đến ngày hội làng, lợn được tắm rửa sạch sẽ, đưa ra hàng giáp để chọn bốn con to khoẻ nhất. Nơi được chọn để thi đấu thường là ở sân đình có đóng cọc và rào chắn xung quanh. Sau khi làm lễ tế thần, trai làng tham gia trò chơi, luân phiên nhau từng người một, vào trong sân đuổi bắt lợn. Khi bắt đầu cuộc chơi, trọng tài gióng ba hồi trống báo hiệu, người đầu tiên bước vào sân trong tiếng trống cái thúc ngũ liên và người xem đứng xung quanh hàng rào reo hò.



Lợn nghe trống và tiếng reo hoảng sợ chạy nháo nhào trong sân rộng, người chơi đuổi theo nó đã khó nhưng phải làm sao tóm được thật nhanh hai chân sau để vật ngửa lợn ra mà trói lại càng khó hơn nên người chơi phải có mưu mẹo, lừa miếng, vừa đỡ tốn sức, vừa không mất thời gian. Có người đuổi mãi không bắt được lợn, phải nhường phiên cho người khác. Cuộc thi kéo dài đến lúc bốn trai làng bắt được đủ bốn con lợn.

Có khi, đến tận lúc trời tối mà chưa bắt hết lợn, dân làng phải treo đèn, đốt nến, có khi đến hết đêm mới bắt được đủ bốn con lợn. Bốn người bắt được lợn đều đoạt giải thưởng, vừa được vinh dự ngồi ăn cỗ làng ở chiếu nhất, vừa có phần thưởng đem về. Người nào bắt được lợn trong thời gian ngắn nhất, dành giải nhất được làng giành riêng một thủ lợn rước về nhà .

Du lịch, GO! - Theo báo Nam Định, internet
Lăng Ông Bà Chiểu (Tp. Hồ Chí Minh) là nơi chôn cất Tả quân Lê Văn Duyệt, vị Tổng trấn thành Gia Định ở thế kỷ 19,được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

< Mái  Lăng, một trong những nét đặc trưng trong tổng thể kiến trúc công trình Lăng Ông.

Đây không chỉ là khu di tích kiến trúc có giá trị nghệ thuật mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam mà còn là niềm tự hào của người dân Nam bộ.
Lăng Ông Bà Chiểu hay còn gọi là Lăng Ông, là cách gọi phổ biến của người dân địa phương đối với miếu Thượng Công, nơi thờ Đức Thượng Công, danh xưng dân gian phong cho Tả quân Lê Văn Duyệt.

< Di tích Lăng Ông với nét đẹp uy nghiêm, cổ kính.

Lăng nằm ngay khu vực ngã ba Bà Chiểu, xưa thuộc làng Hoà Bình, tỉnh Gia Định, nên nhắc đến Lăng Ông thường đi đôi với địa danh Bà Chiểu.

< Tượng Tả quân Lê Văn Duyệt đúc bằng đồng nguyên chất dựa trên mẫu chân dung của ông in trên tờ giấy bạc 100 đồng lưu hành tại Sài Gòn năm 1966.

Ngày nay, khu lăng mộ với diện tích còn lại khoảng 18.500 m2 toạ lạc uy nghi giữa giao điểm của bốn con đường thuộc khu vực quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh. Xung quanh có thêm khuôn viên thoáng đãng, xanh mát mở ra một không gian sinh hoạt công cộng lý tưởng dành cho người dân.


< Trung điện - nơi bài trí các đồ thờ tự, thể hiện uy quyền và phẩm hàm của Tả quân Lê Văn Duyệt.

Cổng lăng trổ ra bốn hướng, phía Nam là cổng lớn Tam Quan nổi tiếng với 4 chữ Hán “Thượng Công Miếu” khắc nổi ở bên trên. Cổng lớn này một thời được chọn làm hình ảnh biểu tượng của đất Sài Gòn - Gia Định.

< Giếng cổ được phát hiện trong quá trình tu bổ lại khuôn viên bao quanh Lăng Ông.

Lăng nằm trên một gò đất cao hình lưng rùa, được cho là vị thế “đắc địa”. Theo quan niệm địa lí Đông phương học, nơi được chọn đặt âm phần của quan Tổng trấn nằm vào long mạch, hợp với “địa linh nhân kiệt”, vì thế sẽ mang lại tài lộc, sự an lạc đời đời cho dân chúng cư ngụ trong vùng.

< Lê Công Bi Đình, tên gọi văn bia ca tụng công đức của Tả quân Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.

Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được xây cất vào năm 1832 ngay sau khi ông qua đời. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), nhà vua cho thực hiện một cuộc trùng tu lớn, lập thêm miếu thờ, cấp đất tu sửa cả khu hoàn chỉnh như ngày nay.

Gần hai thế kỷ trôi qua với nhiều lần tu sửa và tôn tạo, quần thể Lăng Ông được gìn giữ bao gồm cả miếu thờ Ông lẫn lăng mộ, nơi mà bá tánh quen gọi là mộ “song hồn”, vì bên cạnh mộ ông có thêm mộ bà Đỗ Thị Phận, vị chánh thất phu nhân của Tả quân. Cách xa nơi ông bà nằm vẫn còn mộ hai cô hầu cũng được liệt vào hàng cổ tích. Ngôi mộ song hồn xây theo hình nửa quả trứng lật úp nằm trên hai tấm liếp, đây là phần kiến trúc cổ kính nhất của toàn cảnh Lăng Ông.
< Ngà voi và xương hàm cá Ông ở khu trung điện của miếu thờ.

Khu miếu thờ thoạt nhìn giống một ngôi chùa Trung Hoa, nhưng thực tế miếu được dựng theo cấu trúc đình Nam Bộ, khung nhà ba gian bao gồm tiền điện, trung điện và chánh điện, mỗi gian điện thờ cách nhau bằng một sân thiên tỉnh (giếng trời). Đối xứng hai bên trục nhà chính là hai dãy Đông lang và Tây lang. Công trình mang dấu ấn của kiến trúc triều đình Nguyễn ở Huế với những vật liệu như gỗ gạch, vôi vữa… Vật liệu cũng như kĩ thuật kết cấu đều kế thừa kiến trúc cổ truyền Việt Nam, đồng thời có sự cách tân tạo nên độ vững vàng, hài hoà, thích ứng với khí hậu nhiệt đới phương Nam.
< Tục phóng sinh cầu phúc vào ngày Rằm hàng tháng tại Lăng Ông.

Bộ mái nhà hai tầng đồ sộ của miếu là điểm nhấn đặc sắc trong tổng thể kiến trúc với những mái được thiết kế theo lối "trùng thiềm điệp ốc" (mái chồng lên mái) gợi nên hình ảnh những chiếc thuyền rồng cheo leo. Bên cạnh đó, kĩ thuật chạm khắc gỗ, khắc đá, chạm thủng qua kim loại, khảm sành sứ đậm chất Huế… cũng nói lên đặc tính của loại hình kiến trúc cung đình Huế thời bấy giờ.

<Thắp nén hương tưởng nhớ tới Tả quân Lê Văn Duyệt.

Nhờ vào tài năng điêu luyện của các nghệ nhân Việt Nam mà đồ án trang trí tại đây trở nên rất sinh động, gần gũi với cuộc sống dân gian. Những hoa văn trang trí khu lăng mộ vừa mang ý nghĩa phản ánh hiện thực vừa biểu lộ niềm tin và ngụ ý chúc phúc.
< Sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Sài Gòn tại Lăng Ông.

Tả quân Lê Văn Duyệt lúc sinh thời là bậc kì tài quân sự, ông là nhà chính trị song toàn, một trong những khai quốc công thần của triều Nguyễn. Ở cương vị Tổng trấn, Lê Văn Duyệt đã đóng góp công trạng rất lớn vào việc bảo vệ và phát triển bờ cõi phía Nam của Tổ quốc. Những quyết sách cách tân táo bạo tuy mâu thuẫn với quan điểm của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ nhưng lại cho thấy ông là người có tầm nhìn xa trông rộng, nhất là qua phát kiến và chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế, con kênh mang tầm chiến lược quan trọng vào bật nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, đưa nền kinh tế vùng “đặc khu” ngày càng đạt đến sự thịnh vượng.

< Khuôn viên rộng lớn của Lăng Ông với nhiều cây xanh là nơi khởi nguồn sáng tác cho nhiều nghệ sĩ.

Từ lâu hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt đã đi vào tâm thức của người dân Gia Định và miền Nam nước Việt. Dân gian coi ông như một vị thần nên các nghi thức tưởng nhớ ông đã trở thành hoạt động tín ngưỡng dân gian. Vì thế, hàng năm, dân chúng vẫn thường tổ chức ngày lễ giỗ Đức Thượng Công và lễ khai ấn đầu năm để tưởng nhớ đến công lao của ông.

Cho đến nay, lịch sử tuy vẫn có những góc nhìn khác nhau về cuộc đời Lê Văn Duyệt, nhưng công lao của ông trong việc tạo dựng nên một vùng thành Gia Định tấp nập và hưng thịnh thuở xưa thì ai ai cũng phải kính nể. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, “Thượng Công miếu” vẫn sừng sững uy nghiêm minh chứng cho một thời kì mở cõi hào hùng của dân tộc.

Du lịch, GO! - Theo BAVN

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống