Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 3 September 2011

Trường Sa không chỉ có quân đội mà còn có rất nhiều xóm dân sinh. Nơi chúng tôi ghé thăm là một xóm nhỏ với 7 gia đình, họ rời đất liền ra đảo để tạo lập một cuộc sống sinh sôi bền chắc từng ngày.

Ở Trường Sa, hệ thống điện từ năng lượng mặt trời giúp cho quân đội và dân cư trên đảo có điện 24/24 giờ.

Các hộ gia đình còn sắm sửa cả dàn máy karaoke để vui hát cùng nhau. Internet, hệ thống liên lạc viễn thông cũng đầy đủ, thông suốt, nói chung cuộc sống không hề kém cạnh gì đất liền.


Về đất liền sinh con

Xóm nhỏ dân sinh ở đảo Trường Sa Lớn gồm 7 gia đình, cùng ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa ra. Năm 2008, theo phong trào vận động của tỉnh, 7 gia đình cùng tình nguyện ra đảo Trường Sa sinh sống. Đến đảo, họ được bố trí ở cùng một dãy nhà gồm 7 hộ liền nhau, có cổng riêng. Mỗi căn hộ có hai phòng, bếp và nhà tắm tách riêng, phía sau có mảnh vườn trồng rau.


Khi các gia đình ra đây, Ban chỉ huy quân sự đảo đã thu dung tất cả các chị vợ vào làm công nhân, phục vụ bếp ăn quân đội, còn các ông chồng hoạt động kinh tế độc lập, đánh cá mưu sinh.

Tuy nhiên có một gia đình không đi theo mô hình này, đó là gia đình anh Đặng Thanh Chương và chị Bùi Thị Nhung.

Anh Chương trước khi tình nguyện ra đảo là công nhân lái xe tải. Còn vợ anh, chị Nhung làm cô giáo tiểu học. Khi ra đây, cô giáo Nhung tiếp tục theo nghề, còn anh Chương được thu dung vào làm công nhân phục vụ bếp ăn quân đội. Gia đình anh có một cháu gái lên 6 tuổi. Qua hè này bước vào lớp 1.

Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh chị, chỉ có mình anh Chương ở nhà. Hỏi ra mới biết chị đến ngày ở cữ, vừa xin phép chính quyền tại đây về đất liền sinh con. Lý do chị phải về đất liền là do khi sinh cháu đầu, chị đã phải mổ đẻ. Sinh lần thứ 2 này chắc chắn phải mổ lần nữa. Trong khi đó, bệnh xá ở đảo Trường Sa chưa có đủ phương tiện y tế đảm bảo cho ca mổ đẻ này. Do đã tiên liệu được trước thời gian sinh cháu, nên cô giáo Nhung đã bố trí dạy các cháu trước thời gian để hoàn thành chương trình sớm.

Lớp học ở đây cũng thật đặc biệt. Một mình cô Nhung dạy 4 lớp: Lớp 1 gồm 2 cháu, lớp 2 gồm 2 cháu, lớp 4 cũng gồm 2 cháu (chưa có lớp 3); riêng lớp mẫu giáo thì có 2 cháu lớn và 1 cháu nhỏ, phải thêm một cô giáo khác hỗ trợ. Theo anh Chương, chị về sinh con khoảng 3 tháng, khi cháu cứng cáp, chị lại đưa các con ra đảo tiếp tục dạy học.

Cả xóm có 10 đứa trẻ

Vào trong xóm, chúng tôi được biết, các gia đình ở đây vợ chồng đều còn trẻ, đều từ 1 đến 2 con, riêng có 2 gia đình 3 con. Tổng số có 10 đứa trẻ trong xóm. Vậy là, cả xóm kể cả bố mẹ, đã có đến 24 công dân. Tiếng nô đùa của trẻ. Tiếng chó sủa, tiếng gà kêu, tiếng lợn ủn ỉn trong chuồng… Mảnh sân của một nhà ai đó có tã trẻ con đang phơi.

Ngoài vườn, cây chuối, cây đu đủ trĩu trịt quả. Hai thứ cây này rất hợp với thổ nhưỡng Trường Sa. Mấy cây đu đủ quả đã chín, chủ nhà chả buồn hái xuống, bởi ăn không xuể. Phía sau nhà vườn tược có đủ thứ rau, nhiều nhất là rau muống, ngoài ra còn rau khoai, rau cải, rau mùng tơi tươi tốt… Cuộc sống cứ sinh sôi, chắc bền từng ngày, từng ngày một.

Gia đình anh Chương tình nguyện ra đảo Trường Sa sinh sống theo cách rất chi là… lãng mạn. Một hôm, sau một ngày lái xe đường trường trở về nhà, cô giáo Nhung mắt sáng lên khoe đang có chính sách vận động ra đảo Trường Sa sinh sống theo chủ trương dân sự hóa cuộc sống ở đảo.

Vợ anh nói thấy cũng hay hay, rồi rủ hay là vợ chồng mình đi. “Thế là chúng em đăng ký. Sau một thời gian, chúng em được gọi đi. Cả hai bên ông bà nội ngoại đều đồng ý và tôn trọng quyết định của bọn em” - anh Chương kể.

Nhật Lệ 01/2009 -
Du lịch, GO! - Theo Danviet, internet
Đèo Ngang, địa danh quen thuộc với bao người từng vào ra trên con đường thiên lý Bắc - Nam, là dãy núi chạy từ rặng Hoành Sơn ra tới biển làm thành ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình - Hà Tĩnh. Vùng đất từng được ví như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước VN.

Đèo Ngang cao 256m, dài 6,5km nằm trên núi Hoành Sơn đoạn tách ra từ dãy Trường Sơn, dồn đuổi nhau từ tây sang đông, chạy dài ra tận biển. Theo sử cũ, đường leo qua đèo Ngang đã có từ 1.000 năm trước, thời vua Lê Đại Hành (980 - 1005). Đèo cách sông Gianh 27km. Thời Pháp thuộc đèo có tên là Porte d’Annam. Ngày nay đèo Ngang trở thành tuyến đường du lịch vì đã có hầm đường bộ xuyên đèo.

Từ TP Đồng Hới (Quảng Bình) theo quốc lộ 1A ra phía bắc khoảng 75km, hoặc từ TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) vào phía nam khoảng 70km là đến đèo Ngang. Ở đây dãy núi Trường Sơn như một lưỡi kiếm đâm ra tận biển, tạo nên vùng núi non với cảnh sắc sơn thủy rất đỗi hữu tình.

Đèo dài 6,5km, quanh co uốn lượn theo triền các dãy núi, từ xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) bên nam, vươn dần lên đỉnh và đổ xuống xã Kỳ Nam (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bên bắc.

Đứng trên đèo nhìn xuống phía đông là biển Đông xanh ngời trước mặt, với những đảo Hòn La, đảo Yến, vũng Chùa, mũi Roòn... ở phía Quảng Bình. Phía Hà Tĩnh là những dải ghềnh đá lô nhô đâm ngang ra bờ biển tạo thành những bãi tắm rất đẹp, cát trắng mịn màng.

Mặt biển với những con thuyền nhỏ dập dềnh trên sóng nước trập trùng. Thấp thoáng dưới chân đèo phía bắc, phía nam là những ngôi nhà, dòng suối chảy quanh co, uốn khúc bên những ruộng lúa làm ta nhớ đến những câu trong bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan: “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa/ Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà”...

Phía tây đèo là núi dựng đứng, vững chãi như bình phong xanh ngắt với ngàn mây bay lởn vởn buổi chiều tà trên ngọn núi cao 1.046m - đỉnh cao nhất của dãy Hoành Sơn. Du khách đi xe máy hoặc ôtô, khi đổ xuôi xuống mái đèo phía nam khoảng 400m sẽ thấy một dãy núi cao hàng trăm mét sừng sững chắn ngang trước mặt. Càng đến gần, bức tường xanh cũng như đang chạy nhào tới, tạo nên cảm giác kỳ lạ mà không đèo nào có được.

Lên tới đỉnh đèo, nơi có tấm bảng phân chia địa phận hai tỉnh Quảng Bình - Hà Tĩnh, rẽ theo con đường mòn nhỏ bên phải triền núi độ 500m, thấp thoáng giữa rừng thông là di tích Hoành Sơn quan. Đây là cửa ải Hoành Sơn trấn giữ con đường thiên lý Bắc - Nam, gợi biết bao suy tưởng về một thời Đàng Trong - Đàng Ngoài phân tranh. Cửa Hoành Sơn cao hơn 4m, được xây từ triều Minh Mạng thứ 14 (1833) hiện còn nguyên vẹn, cùng hai nền móng của tường lũy bằng đá chạy theo hai hướng vào núi và xuống biển. Trước đây phía cửa mỗi bên có 1.000 bậc đá để lên xuống theo triền núi cao. Nay cửa bên nam không còn bậc đá, bên bắc chỉ còn khoảng vài trăm bậc, nhưng đã được làm lại nhiều.

Xuôi theo quốc lộ 1A, từ đỉnh đèo đổ xuống phía Hà Tĩnh khoảng 500m là gặp phía bên phải những bậc đá leo lên cửa Hoành Sơn. Khách du lịch có thể dừng xe, theo những bậc đá lên tham quan di tích. Bước trên từng bậc đá, thấy như còn ẩn hiện dấu chân tiền nhân một thời xuôi ngược. Cũng nơi này đã in dấu chân Bác những ngày đi bộ theo gia đình từ làng Sen vào Huế...

Dừng xe trên đỉnh đèo Ngang, đứng giữa trời gió lộng, ngắm núi rừng hay biển xanh, nghe tiếng thông reo giữa ngàn mây mới thấy thật thư thái tâm hồn.

Từ cửa Hoành Sơn nhìn xuống phía bắc là hồ nước U Bò. Quốc lộ 1A từ cửa hầm đường bộ xuyên qua đèo Ngang bây giờ chạy cắt ngang hồ nước này. Phía nam là hồ nước Quảng Đông lấp lánh ánh bạc mỗi buổi bình minh. Hai hồ nước nằm ngay dưới chân đèo, nước trong xanh quanh năm. Trên đường qua đèo, từng đoạn ngắn lại bắt gặp những dòng suối nhỏ đổ từ trên đỉnh núi đá về, róc rách chảy qua những chiếc cầu. Dừng xe ngồi nghỉ, rửa mặt, tay chân bên dòng nước trong vắt, mát lạnh mới thật thú vị.

Cách khoảng 600m dưới chân đèo về phía nam là đền thờ công chúa Liễu Hạnh, nằm trong cụm di tích, danh thắng gồm đèo Ngang, Hoành Sơn quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, biển Hòn La, vũng Chùa, đảo Yến... Đền nằm trong tán lá rừng xanh mát, cách cửa hầm đường bộ xuyên đèo Ngang phía nam hơn 100m. Có từ thời Thiên Hữu (1557) nhà Hậu Lê, theo thời gian đền bị hư hỏng nhiều, sau đó được tỉnh Quảng Bình phục hồi theo nguyên mẫu. Theo người dân địa phương, đền thờ này khá linh thiêng, vì thế vài năm trở lại đây có rất nhiều du khách thập phương ghé thăm, hương khói...

Du lịch, GO! - Theo DulichTuoitre, ảnh internet

Đèo Ngang - Thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung
Với người phụ nữ Thái, bên cạnh “tăng cẩu” thì nghệ thuật gội đầu, chăm sóc tóc của họ cũng được coi là cả một nghệ thuật mới mẻ với nhiều nét độc đáo.
Những búi tóc cao nơi đỉnh đầu (người Thái gọi là tăng cẩu) là dấu hiệu chứng tỏ một cô gái Thái đã lập gia đình. Từ khi lập gia đình thì búi tóc đó ít khi bị xõa ra nhờ bí quyết vấn tóc và cả cái trâm bạc cài lên cố định tóc. Chiếc trâm bạc đó vừa là vật trang sức, vừa thể hiện thứ bậc của người phụ nữ Thái trong quan hệ xã hội. Bên cạnh điệu xòe và chiếc khăn piêu, mái tóc trở thành nét riêng có của phụ nữ Thái.

Mái tóc thường được chăm chút cẩn thận và nuôi dài, rất hiếm phụ nữ Thái cắt tóc ngắn. Ngày xưa phụ nữ Thái thường gội đầu với lá cây rừng để giữ tóc đen mượt. Ngày nay cuộc sống hiện đại đã len lỏi đến vùng cao khiến người phụ nữ Thái dần quên mất phong tục gội đầu truyền thống.

Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt
Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều
Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch
Em gội đầu để suối suốt đời reo.

Người Thái quan niệm, việc gội đầu của người vợ có quan hệ mật thiết với tính mạng của người chồng, nhất là khi người chồng đang đi xa và làm những việc nguy hiểm. Bởi vậy để tránh nguy hiểm cho chồng, người vợ thường không gội đầu trong suốt thời gian chồng đi vắng. Công việc hết sức hệ trọng đó được tiến hành trước ngày chồng đi xa và chỉ được thực hiện khi người chồng đã quay về một cách an toàn. Có những lần chồng đi rừng đến 1-2 tháng. Trong khoảng thời gian đó người phụ nữ Thái cũng không được gội đầu.

Để cho những búi tóc luôn sạch, không bị gầu, không bị bết lại, phụ nữ Thái có một bí quyết riêng. Bí quyết này được truyền từ đời này sang đời khác cũng như cái quan niệm không gội đầu khi chồng vắng nhà. Bí quyết đó hết sức đơn giản nhưng cũng rất hữu hiệu: dùng nước gạo để gội đầu. Phải là nước vo gạo nếp và phải thật đặc như kiểu hòa bột vào nước. Nước đó phải để ít nhất 2 ngày hai đêm đến khi thành một hỗn hợp sền sệt và có mùi thum thủm thì mới được đưa ra để gội đầu.

Có những lúc chồng đi rừng cả 3 tháng trời nên chỉ có cách gội đầu bằng nước vo gạo đặc đã lên men mới để tóc được lâu. Không những để được lâu mà cách này còn giúp tóc luôn đen, mượt”. Theo “quy định” thì mỗi khi người chồng đi xa thì phụ nữ nhất định không được gội đầu thế nhưng với những trường hợp chồng đi lâu ngày quá thì người vợ cũng có thể “phá rào”. Tuy nhiên công việc này chỉ được tiến hành vào buổi đêm “để tránh con mắt của quỹ dữ”.

Không chỉ kiêng gội đầu lúc chồng đi vắng mà phụ nữ Thái cũng không được gội đầu vào 3 ngày Tết hoặc khi nhà có đại tang. Khi bố, mẹ qua đời, con dâu và con gái không được gội đầu, tắm rửa từ khi bắt đầu các công việc chuẩn bị tang lễ đến khi tang lễ kết thúc. Cùng với việc không được gội đầu, những người phụ nữ trong nhà chỉ được tắm với điều kiện mặc nguyên cả váy áo (phụ nữ Thái thường tắm “tiên”, lúc tắm không mặc áo cho dù tắm chung suối với nam giới). Trong ngày Tết, người Thái quan niệm gội đầu là một tư thế không được đẹp mắt sẽ làm phật ý những người đã khuất. Bởi vậy việc gội đầu phải được hoàn thành trước ngày 28 Tết. Hết 3 ngày Tết hay khi tiễn những người đã khuất về trời thì người phụ nữ mới được phép tắm rửa, gội đầu trở lại.

Cùng với sự phát triển đi lên của cuộc sống, nhiều quan niệm của người Thái đã trở nên lỗi thời trong đó có cả phong tục gội đầu. Ngày nay, cũng như bao thiếu nữ khác, các cô gái Thái đã tân tiến hơn, sử dụng các loại dầu gội thông dụng để làm sạch tóc. “Giờ chỉ có người già thỉnh thoảng dùng nước vo gạo thật đặc lên men gội đầu để cho tóc mượt thôi. Đàn ông Thái đã biết rời bản làng đi làm khắp nơi, cả năm mới về nên không thể đợi chồng về mới gội đầu được.

Ven những con suối chảy qua những bản làng người Thái, những mái tóc dài đen nhánh buông trong nước đang dần trở thành ký ức…
Vì vậy, nhân dịp đón tết Độc lập, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã tổ chức phục dựng Lễ hội gội đầu tại bến Pá Uôn.

Đây là lễ hội của đồng bào vùng Thái trắng thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) tỉnh Sơn La và người Thái ở Mường Lay (tỉnh Điện Biên), Phong Thổ, Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Hàng ngàn người dân các xã vùng ven hồ thuộc huyện Quỳnh đã đến xem, đồng thời chiêm ngưỡng cầu Pá Uôn, cây cầu bắc qua hồ thủy điện Sơn La có trụ cao nhất Việt Nam.

Theo quan niệm của người Thái, gội đầu là để rửa trôi, tống tiễn những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ theo dòng nước (sông, suối), đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu cho khi bước vào năm mới con người có sức khỏe, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Lễ gội đầu của người Thái trắng gồm các hoạt động: Một thầy mo (hoặc ông trưởng họ) mời bà con dân bản xuống bến nước chuẩn bị gội đầu đón chào năm mới sắp đến. Ngay sau đó, các nam thanh nữ tú khiêng trống, chiêng vừa đi vừa khua rộn rã, thúc giục mọi người theo sau. Chậu nước gội đầu được bà con dân bản đun sôi để pha với nước gồm có bồ kết, vỏ cây xo xe, những cánh hoa rừng, hoa đào, hoa mận.

Đàn ông thì khoác súng kíp, đeo túi thổ cẩm trong có đựng bảo bối gọi là “thung xanh.” “Bảo bối” thực ra chỉ là móng vuốt hổ, vuốt gấu, đoạn sừng tê giác, châu ngọc hoặc có thể chỉ là của hồi môn như nhẫn vàng, vòng bạc.

Theo bà Trịnh Thị Oanh, Bí thư huyện ủy Quỳnh Nhai, việc tổ chức phục dựng Lễ hội gội đầu là để đáp ứng mong muốn của người dân, đồng thời để bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc khi bà con đến nơi ở mới nhường sông Đà để làm hồ thủy điện Sơn La.

Bà Bạc Thị Hoàn, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Quỳnh Nhai cho biết: Lễ hội gội đầu là để tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc Thái của huyện Quỳnh Nhai, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, góp phần nâng cao trình độ dân trí.

Lễ hội còn là dịp để quảng bá giới thiệu tiềm năng văn hóa, thể thao, du lịch và con người Quỳnh Nhai. Lễ hội này mang tính nhân văn sâu sắc thể hiện lòng thiện của con người, yêu hòa bình, mong muốn cho bản thân và mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp, có sức khỏe và may mắn./.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Dantri, TTXVN, ảnh sưu tầm

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống